Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.167
123.223.992
 
Hương vị quê ngọt ngào muôn thuở.
Phan Đình Dũng
 
( Đọc Lời của đá, tập thơ của Hàn Lan Quy, Hội VHNT Ninh Thuận 2012)
------------------------------------------------------------
 
 
Theo nghề dạy học, giờ chắc là nghiệp, tôi về sống ở “thôn Dư” [1] mới đó mà đã 27 năm rồi! Tuy vậy, cũng chỉ mới biết anh Hàng Quý độ chừng 6, 7 năm trở lại đây. Quen biết, la cà, nhâm nhi với anh để rồi cứ thấy tiếc giá như mình gặp anh sớm hơn bởi anh không chỉ là nhà thơ Hàn Lan Quy, tác giả của những bài thơ chân quê ngọt ngào, sâu lắng mà còn là, điều này với tôi cũng không kém phần quan trọng, “một con người vui tính, nhiệt thành, hòa nhập với bằng hữu” [2], một anh bạn văn chương biết pha rượu, nấu nướng tuyệt vời…
Anh làm thơ, nấu ăn, pha rượu… vừa chu đáo, tỉ mỉ lại bay bổng, tài hoa. Thơ anh, kể từ Nẻo về của gió đến nay, ngày càng dậy lên màu sắc, hương vị ẩm thực. Màu sắc, hương vị ấy, theo tôi, có thể xem là một trong những nét riêng làm nên “điệu hồn và cấu trúc” trong thơ Hàn Lan Quy. 
Màu sắc, hương vị ẩm thực trong thơ anh thường toát lên từ những câu thơ miêu tả, biểu hiện những món ăn thức uống của những vùng miền từ gần gũi đến xa xôi, từ miền xuôi lên miền ngược, từ hiện tại ngược về quá khứ, từ quê nhà chan hòa bè bạn bốn biển năm châu …Nếu lấy câu thơ làm đơn vị tính, mỗi bài chỉ tính 1 câu,  người đọc có thể tìm thấy một số lượng câu không nhỏ tăng dần theo mỗi tập thơ: Nẻo về của gió ( NVCG,17), Gió Lăng Tô (GLT,20), Màu trầm hương (MTH,35), và Lời của đá (LCĐ,44)! Khảo sát những câu thơ này, cả về ý tứ lẫn cấu trúc, có thể cảm nhận được không chỉ giá trị tư tưởng – nghệ thuật mà còn ít nhiều nhận diện được phần nào chân dung, cá tính sáng tạo của nhà thơ Hàn Lan Quy. Do những điều kiện nhất định về khách quan và chủ quan, phạm vi tìm hiểu chủ yếu của chúng tôi sẽ chỉ xoay quanh tập thơ mới nhất, Lời của đá (2012). Ba tập thơ trước, chúng tôi có thể liên hệ, đối chiếu khi cần…
LCĐ ngập tràn hình ảnh những món ăn, chủ yếu là những món ăn mang hương vị quê nhà mà tác giả thường gọi là “hương quê”. Hai chữ “hương quê” đâu phải đến tập thơ này mới có mà đã lộ diện từ tập thơ đầu lòng, NVCG:
- Hương quê ngọt ngào canh cánh
Bên lòng say khướt mắt môi… (Bến xưa)
Đến GLT, “hương quê” thành “hương xanh hoa lý” (Vấn vương xanh), “hương đồng” (Bụi thời gian), “hương lúa” (Cánh diều)… Sang MTH, “hương quê” kết thành thi đề, thi tứ của không chỉ một bài thơ (Hương quê, Hương vị quê nhà) mà còn đọng lại cuối bài …Hương quê: “Hương vị quê nhà ngọt ngào sâu lắng – Vấn vương lòng muôn thuở đượm tình ai!...”. Và rồi, trong thi tập LCĐ, “hương quê” kết tinh trang trọng ở một câu thơ dung dị, sâu lắng mà tôi mạn phép nhà thơ dùng để gọi tên bài viết của mình:
- Hương vị quê ngọt ngào muôn thuở. (Hương Bãi lúa) 
Những món ăn đậm đà hương vị quê nhà từ LCĐ có thể kể theo dọc tập thơ: niêu cơm, xôi nếp một, mía lau, nước mắm, rau thơm, cá cơm Xóm Chì, măng rừng-gà rừng, cá canh, vú nàng, chao chao, rau câu, cá nhái, xoài Đá Trắng, khế ngọt, ổi chua An Chấn, sò huyết Ô Loan, liếp cà, rau mơ, bánh căn, cá mòi nướng, bát cơm chiên, miếng da gà- muối ớt, tôm đất, cơm nguội-cá kho, cà pháo-mắm thu, canh lá dang, bánh căn-chình huyết… Thật là nhiều màu lắm vẻ!  Có món ăn truyền thống, gia bản; có món ăn đặc sản vùng miền; có món ăn liền theo cặp; có món không đi liền món mà hài hòa, gắn bó cùng người…  Chúng không phải là những thức “cao lương mỹ vị”.Chúng chỉ là những món dung dị, đời thường. Qua các món ăn, nhà thơ gửi gắm những suy tư, hoài niệm, xúc cảm của mình về quê hương (quê ngoại và quê nội), về những người thân và bạn bè, về văn chương, về cuộc đời và những con người anh từng gắn bó, ngưỡng vọng.
Những món ăn đi vào thơ anh không chỉ đơn thuần là món ăn mà còn là hương vị quê nhà, là linh hồn của đất đai, là hiện thân của nguồn cội, là tình quê mộc mạc, lắng đọng... Do vậy, bài thơ mở đầu thi phẩm LCĐ mới mang một nhan đề hết sức trang trọng, thiêng liêng: Hồn Đất. Và hình ảnh “niêu cơm khói tỏa hoàng hôn” khơi nguồn thi hứng sẽ “sánh vai” cùng với “mái tranh gốc rạ”, “lũy tre ao cá ruộng vườn”, “cây đa bến nước…con đò” làm nên hồn quê. “Cơm”, món ăn cổ truyền/hiện đại của cư dân Việt, vào thơ anh đôi khi trần trụi, cụ thể, chân chất:
- Lót lòng nửa bát cơm chiên (Nợ)
- Sáng ăn cơm nguội cá kho (Tơ lòng)
Thế nhưng, đọc lại tựa đề bài thơ, đọc vào toàn bài sẽ thấy rưng rưng xúc động bởi tình người,  tình đời, tình bạn…mà tôi muốn gọi đó là “tình quê”.  Trái tim thi sĩ thiết tha, trĩu nặng tình quê nên nhìn sâu vào hình ảnh “lúa nước và lúa trời”  mới cảm nhận sắc hương quyện hòa “cội nguồn cố lý”, “nồng thắm ý lời” (Thủy chung). Trái tim ấy tự nhiên sẽ thổn thức, bồi hồi cùng “khói đốt đồng ngan ngát”, “lúa thơm”, “bạt ngàn mạ non”, “tiếng sáo diều véo von”… hòa trong tiếng ca “em hát mừng lúa mới”  để rồi lắng lòng theo:
- Màu quê hương biêng biếc
Chảy xuống đời chứa chan
Tình quê hương thắm thiết
Hòa vào lúa đơm vàng. (Nhịp đồng quê)
Tâm tình con người “nhà quê”, như tác giả nhiều lần tự nhận [3], gần gũi với sinh hoạt, quan niệm cổ truyền ắt sẽ không thôi nhớ về những thức dân dã sinh ra từ cây lúa như “bánh chưng xanh hành dưa” (Đơn khúc cho xuân), “ hương cốm” (Xuân hoa khúc), “đặc sản bánh căn” (Thảo thơm) và đặc biệt là hình ảnh “xôi nếp một” vọng về từ ca dao nói hộ giùm anh lòng biết ơn vô bờ hướng về “công cha nghĩa mẹ ân thầy” (Thâm ân).
Đâu chỉ những món ăn gắn liền cây lúa, những thực đơn quê kiểng khác cũng đã nhiều lần khơi gợi nguồn thi hứng dạt dào của nhà thơ Hàn Lan Quy nên chi hình ảnh của chúng cứ hay có mặt ngay trong dòng thơ mở đầu:
- Muối cá cơm cho thơm nước mắm (Vợ chồng quê)
- Lên vườn hái mớ rau thơm (Cảm ơn nhé!...Em yêu)
- Măng rừng nấu với gà rừng (Một thoáng hương)
- Cá mòi nướng hương đưa mờ hoa ảnh (Chiều Xóm Hộ) 
- Ngồi buồn nhắm miếng da gà (Tiếng tơ xưa)
- Tôm đất lách tách mặt đầm  (Sắc màu)
- Sáng ăn cơm nguội cá kho (Tơ lòng)
- Cà pháo chấm với mắm thu (Tác nhân)
- Nấu canh lá dang nhớ rừng (Nẫu ơi)
- Ăn bánh căn chình huyết (Tản mạn ngâm)
Dấu hiệu hình thức này cũng đã hiện diện ở một số bài thơ qua các tập NVCG (Vương vấn ngọt ngào, Nỗi lòng), GLT(Hương đời, Nhật thực, Huyền ca), MTH(Lời của nắng, Quê ngoại, Bát canh quê, Tiếng quê, Ẩn hoa, Nẻo đời, Dáng, Hương cốm). Có thể khẳng định đây chính là một đặc điểm hình thức mang tính quan niệm trong thơ Hàn Lan Quy. Bây giờ, người ta gọi là thi pháp thơ Hàn Lan Quy, hay gọn hơn, thi pháp Hàn Lan Quy.
Thi pháp thơ, nhìn chung, mang tính hệ thống. Nó không chỉ gắn liền với hệ thống những thi phẩm của cả đời thơ cùng một tác giả mà còn, với tư cách là những nguyên tắc tổ chức nghệ thuật, chi phối đến cấu trúc và ngôn từ của từng tập thơ cũng như từng bài thơ riêng lẻ bởi dù là tập thơ hay chỉ là một bài thơ rời thì chúng/nó cũng sẽ tồn tại như một hệ thống nghệ thuật. Do vậy, khảo sát  hình ảnh những món ăn trong thơ Hàn Lan Quy trong tương quan với chỉnh thể thi phẩm, chúng ta có thể khám phá một số thủ pháp nghệ thuật tác giả đã vận dụng nhằm khơi gợi, chạm khắc hồn quê: 
 Gọi tên món ăn liền với địa danh: “cá cơm Xóm Chì”, “xoài Đá Trắng”, “ổi chua An Chấn”, “Ô Loan sò huyết”…
 Đặt hình ảnh món ăn vào không gian quê kiểng:
- Niêu cơm khói tỏa hoàng hôn
Mái tranh gốc rạ chạm hồn đất quê (Hồn Đất)
- Măng rừng nấu với gà rừng (Một thoáng hương)
- Vú nàng chao chao rau câu cá nhái
Đặc sản thảo thơm đọng mãi vị hương
Thái An trìu mến thân thương (Hương Bãi Lúa)
- Xoài chua khế ngọt thương hoài vị quê (Trầm ca)
- Quê em đặc sản bánh căn (Thảo thơm)
- Cá mòi nướng hương đưa mờ hoa ảnh
Màu pha lê sóng sánh gợn hiên quê (Chiều Xóm Hộ)
- Tôm đất lách tách mặt đầm (Sắc màu)
- Cà pháo chấm với mắm thu
Tợp hơi rượu đế gật gù khen ngon
Chiều quê vẳng tiếng hò khoan (Tác nhân)
- Nấu canh lá dang nhớ rừng (Nẫu ơi)
- Ăn bánh căn chình huyết
Khánh Giang đông lại về (Tản mạn ngâm)
Chọn tên bài thơ gắn với chốn quê: Hồn Đất, Vợ chồng quê, Hương Bãi Lúa, Xoài Đá Trắng, Bếp quê, Chiều Xóm Hộ, Nẫu ơi, Nhịp đồng quê…
Vận dụng những thể loại thơ ca dân gian, những hình ảnh có từ ca dao; tổ chức nhạc điệu bài thơ tương tự làn điệu dân ca…cũng là những thủ pháp nghệ thuật cốt “thổi”  hồn quê vào thi phẩm của tác giả. Thậm chí, động tác của nhân vật trữ tình ở cuối bài thơ Thương về xứ Phú dường như cũng là một trong những động tác trữ tình quen thuộc của văn nghệ dân gian:
- Bưng chén cơm lên
Để xuống
Giọt ngắn dài tuôn rơi!...
So với món ăn, những thức uống trong thơ anh có vẻ “tập trung” hơn. Nếu ở ba tập thơ trước người đọc còn bắt gặp thấp thoáng hình ảnh của “bia” (Một ngày mùa thu-NVCG), “nước dừa” (Dừa Thanh-GLT) và những món rượu lạ như “rượu mây”, “rượu trăng”, “rượu thơ”, “rượu hoa”…thì đến tập thơ này, LCĐ, những thức uống vào thơ anh phần lớn là những hình ảnh cụ thể, hiện thực đậm đà hương quê, vị quê : rượu, rượu mơ, rượu đế, công sy, rượu ngũ gia bì, trà vối, cà phê…Bất ngờ, thú vị khi ở đây có cả đặc sản ba quê: quê Bắc có “rượu mơ”, “trà vối”; quê Nam có “rượu đế”,“công sy” [4]; những loại còn lại quê nào cũng có. Dĩ nhiên, ở tập thơ này vẫn còn “rượu mây”, song chỉ là hình ảnh ước lệ, ít gây ấn tượng. Cá biệt còn có “bồ đào” ( Tiếng tơ xưa) nhưng có vẻ như anh cố tình dùng “thọc lét” anh bạn thi sĩ lãng đãng Lê Sa…
Anh Hàng Quý là người quảng giao. Anh thích khề khà, la đà cùng bạn bè. Những người bạn ấy quý mến anh, lại yêu thơ anh.Vậy mà, bạn bè thân thiết của anh nhiều người từ lâu đã tha phương sinh kế, thi thoảng anh mới gặp lại. Những ai còn lại quê nhà thì không phải bao giờ cũng có “duyên” gặp mặt. Những bài thơ anh tặng tựa món quà quê gửi người xa xứ, trao những ai tri kỉ tri âm. Những câu thơ về rượu của anh, do vậy, bao giờ cũng “chan chứa nỗi niềm”:
- Bạn bè xưa phiêu bạt
Bâng khuâng rượu lưng bầu (Thu tâm)
- Dăm ba chung vẫn đong đầy tình nhau (Tự tình em)
- Nắng tương tư rụng vàng bầu rượu mơ (Ngõ thu)
- Nâng ly nồng đượm ý lời (Khánh chúc)
- Tiễn nhau sóng sánh ly bôi
Ngất ngây vì ý quên đời hợp tan (Mộng thường)
- Nâng ly chạnh nhớ đến người mắt xanh (Quán mưa)
- Khề khà quên bẵng chuyện mười năm xưa (Lý thản nhiên)
- Mời nhau nghĩa xóm tình làng (Một thoáng Euro)
- Tay nâng chén rượu chợt cười (Nợ)
- Bồ đào chan chứa nỗi niềm (Tiếng tơ xưa)
- Bạn bè mỗi đứa một nơi
Biết ai còn nhớ lời mời nâng ly (Tơ lòng)
Nhân vật trữ tình trong thơ khó mà không say và say không chỉ vì rượu:
- Bỗng ta say khướt ngậm hương núi rừng (Thu lâm)
- Rủ nhau nâng chén lệch bờ tử sinh (Lời của gió)
- Chòng chành say sóng cho tê tái chiều (Hình như…)
- Chớm say chếnh choáng bóng ta dáng người (Lý thản nhiên)
- Bóng ta hay bóng trăng lồng đáy ly (Tiếng tơ xưa)
- Lả mềm trong chén tình say lặng lờ (Hoài cố nhân)
Cảnh, vật cũng say cùng anh:
- Gió say khướt bên bến chiều ký ức (Chiều Xóm Hộ)
- Lạt nồng say khướt núi thư (Dạ khúc)
- Gió chạm đêm say khướt (Cung xuân)
- World cup say tràn thế giới ( World cup 2010)
- Tràn vào hồn tơ say (Tản mạn ngâm)
…Mới biết nhà thơ của chúng ta chủ yếu say cảnh, say tình, say nghĩa. Uống rượu không phải tìm quên, buông xuôi mà để thắt chặt, gắn bó sâu hơn với cảnh quê, người quê, tình quê. Những tửu đồ của Lưu Linh ở Nam Bộ coi rượu là “nước mắt quê hương” còn Hàn huynh “định nghĩa”: “Rượu là hương của đất” (GLT, Rượu hoa). Rượu trong thơ anh ẩn hiện theo từng món ăn bởi nhiều khi món ăn nhà thơ “tụng ca” thường là mồi nhậu. Vậy là cả rượu và những thức nhắm dân dã kia, qua thơ Hàn Lan Quy, càng thêm nồng đượm hương quê, vị quê!
Thơ Hàn Lan Quy đâu chỉ mỗi đề tài ẩm thực. Song dù viết về đề tài nào, dường như đối với tác giả, việc miêu tả màu sắc, hương vị quê nhà từ lâu vẫn luôn là khát vọng sáng tạo, là ý thức nghệ thuật, là quan niệm sáng tác chi phối trọn vẹn con đường thi ca của anh. Anh từng ấp ủ, nung nấu, miêu tả, biểu hiện và có vẻ như anh vẫn chưa thật bằng lòng, thỏa mãn với chính mình nên đã hứa hẹn cùng chúng ta một tác phẩm sẽ xuất bản: Dư Khánh quê tôi…
--------------------------------------------------------------
[1]: Từ ngữ hay trở đi trở lại trong thơ Hàn Lan Quy. Chính là làng Dư Khánh, Khánh Hải, Ninh Hải, Ninh Thuận.
[2]:  Đình Hy, Lời giới thiệu tập thơ NVCG, Hội VHNT Ninh Thuận, 2004, tr.3.
[3]: Trong tập thơ MTH, 2009, mở đầu bài Nhà quê, anh viết: “Bạn bè thương gọi nhà quê – Mỗi khi chợt thấy tôi về Phan Rang”; và mở đầu bài Sóng ngầm: “Anh quê, tôi cũng nhà quê”…
 
Phan Đình Dũng
Số lần đọc: 1441
Ngày đăng: 28.10.2017
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Một thế giới giàu suy tưởng, kích thích suy tưởng - Phan Đình Dũng
Níu dải yếm về cõi yêu * - Bùi Cửu Trường
Ánh trăng và hoa sen: Trong “Đêm thơm lựng mùi Sen” (1) của Nguyễn Thị Liên Tâm - Mang Viên Long
Hoàng Hưng, người về - Nguyễn Đức Tùng
U uẩn Nguyễn Bắc Sơn - Lê Ngọc Trác
Đôi điều khi đọc: Quảng Ngãi – câu thơ nặng tình cố thổ của Lê Ngọc Trác * - Đặng Xuân Xuyến
Cảm nhận khi đọc tập thơ: Sóng ngầm của Ngô Nguyễn * - Đặng Xuân Xuyến
Về những viên ngọc biết hát... - Phan Nam
Lan man về phong cách bình thơ của Châu Thạch - Đặng Xuân Xuyến
Nhịp thơ như nhịp thở [ Đọc "Huyễn Hoặc Ngày em" - thơ Trần Nhã My - NXB Hội Nhà Văn 2017] - Nguyễn Thánh Ngã