Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.119
123.228.898
 
Cũng đã sống một đời
Lương Hoàng Hạc
 
 
Cuốc xong thửa ruộng thì mặt trời cũng vừa lặn sau núi. Từng mảng mây hồng trôi vẩn vờ trên nền trời phía tây như cánh hồng nhạn trong cổ tích bay về thiên thai. Cuốc trên vai, lão Tấu bước chậm trên đường về làng. Bàn chân trần bước chầm chậm trên còn đường đất vàng khô cơ hồ như cuộc đời lão trôi qua cũng chậm và vô tình.
Cuối cùng lão cũng đã đến quán rượu quen thuộc đầu xóm.
- Bữa ni cho luôn ba chục, chú!
- Lão còn tau bảy chục, bữa ni đã có dược đồng nào chưa? Ông già chủ quán vừa nói vừa rót rượu ra chung đặt ngửa trên bàn.
Lão Tấu vừa bước quặt ra bứt mấy trái ớt xiêm vò vò trong tay vừa trả lời:
- Dạ thì bữa mô đám khổ qua tui hái được, tui thanh toán cho chú luôn mà!
- Ừ thì nhắc vậy kẻo quên đồng nầy đồng nọ.
Lão Tấu không nói gì nữa. Mấy trái ớt trên tay lão cũng vơi dần. Món đưa cay của lão đó. Chiều nào cũng đều vậy, không ớt xiêm thì vài trái chuối chát hoặc đôi củ khoai sống, túng quá thì dăm ba hột muối. Món đưa cay cũng  đơn giản như cuộc sống của người dân quê, cũng một chiều và đơn sơ như nếp nghĩ của lão Tấu, một người sống đã già nửa đời người trên vùng đát khô cháy của quê hương.
Lão đưa mắt nhìn theo đàn chim vừa từ đâu bay về, đậu trên cây xoan tây trước nhà. Tiếng ríu rít và khung cảnh trầm mặc của buổi chiều làm lão bỗng nhớ miên man về xưa. Lúc đó lão không được nhàn hạ như bây giờ để ngồi hưởng thú nhìn buổi chiều đi qua, nhưng lão vẫn còn đủ nhớ. Cũng tiếng chim kêu và màu chiều như thế. Khác một điều là khung cảnh xưa xảy ra ở lưng chừng một ngọn đồi. Hồi đó, lão cùng bà con xóm giềng bỏ làng lánh Tây, tản cư vào vùng sát núi. Chiến tranh lan mạnh, lão góp phần bằng những chuyến dân công. Rồi một buổi chiều kia, lão cùng đồng bọn nghỉ lại ở một trạm lưng đồi. Buổi chiều bấy giờ cũng có ráng và mây hồng, và mặt trời nhìn từ núi để lại cho hoàng hôn nhiều hồng hơn chiều nay. Cũng có tiếng chim ríu rít trong cành lá, tiếng ríu rít như của cùng một loài chim, lão nghĩ vậy. Lão chạnh nhớ đến những tháng ngày di cư, nhớ nhiều đến những ngày đói lả người, ăn cơm ghế sắn nhiều đến thâm đen, đến những nắp thùng diêm muối phải mua lậu đến mấy nghìn. Lão nhớ hoài lòng tốt của lão Đực, mụ Toan đã giúp đỡ ngô khoai cho lão trong cơn đói ngặt nghèo. Lão đã khóc lúc đó, khóc vì thương nhau, vì một xẻ chia không bao lớn nhưng đầy nghĩa đồng bào.
Lão cũng nhớ nhiều những cánh rừng thâm u lão đã đi qua, trong những lần dân công tải gạo vào bưng, nhớ người nữ cán bộ với nụ cười có duyên đáo để...
- Ơ, miếng thổ bên biền, chú mầy có định cấy không? Ông già chủ quán hỏi.
Lão trả lời như có như không:
          - Cũng còn chờ chú ạ!
- Tau nghe nói năm nầy nước máy đổ đến đó được mà!
- Dạ thì cũng chờ coi thử ra răng, còn không thì gieo cũng được, nhờ trời chú ơi!
“Nhờ trời”. Mấy năm gần đây lão Tấu thường hay nói đến tiếng đó. Sống với mụ vợ không con riết rồi lão cũng đâm buồn. Buồn là buồn vậy chứ biết làm sao hơn là mỗi chiều ngồi quán uống năm ba chục bạc rượu tán nhảm với người làng cho khuây. Cảnh gia đình vô tự cộng với chiến tranh làm lão tin ở số phần, tin ở những gì đã được an bài trước. Rượu và đồ đưa cay mộc mạc bây giờ trở thành người bạn vong niên của lão.
- Thêm tui hai chục chú ơi! Lão bảo chủ quán mà không quay lại.
- Thôi đừng ăn ớt nữa mà nóng ruột, có mấy con rạm để tau nướng chú mầy nhậu chơi.
- Thôi, được rồi chú. Có gánh khoai xã Đinh gánh lên kia, tui kiếm vài củ làm đỡ.
Lão Tấu bước ra đón xã Đinh vào quán:
- Vô trong nầy làm vài chục đi chú xã.
Khoai bây giờ lại thay ớt làm đồ đưa cay cho hai người nông dân sau một ngày mệt nhọc, vất vả.
Khung trời đã bớt hồng, mấy con chim én liệng vòng ngoài xa.
- “Chuồn chuồn liệng thì nắng, chim én liệng thì mưa”. Chắc gần mưa rồi, ờ bữa ni mùng Tám, gần tới tiết chi đây. Xã Đinh lên tiếng.
- Chà! Thế thì đám khổ qua tui, nhờ trời coi mòi có ăn.
- Năm ni chú tỉa muộn, chứ không miếng đó bữa ni hốt bạc rồi.
- Hồi ồn ồn đó tui nhác chú ơi! Sợ mình làm ra rồi bỏ đó chạy, có bao nhiêu không bị hái thì cũng bị súng đạn cày bứt dây, đứt gốc.
- Nói như chú ai làm? Mình cũng ráng, được chừng nào hay chừng đó, tranh đấu mà nhờ lộc đất chớ chú, nhác rồi tới chừng đói ngửa tay xin ai?
Lão tấu không trả lời. Lão nhận thấy xã Đinh nói đúng. Có tranh đấu với khó khăn trong làn tên mũi đạn mới có được dăm mớ sắn khoai mà ăn, mới có được chiếc áo vải ta mà mặc chứ! Chán nản để rồi phải đi mượn đi vay để người ta bóc lột, khinh khi. Lão nhớ mỗi lần đi vay là mỗi lần mụ Mi được thể yêu sách đủ điều.
Nhưng nghĩ lại thì cũng buồn. Lão cũng tự cho sự chán nản của mình không phải là không duyên cớ. Ai đời mình cứ đem sức ra khom lưng mà cày cho sâu cuốc cho bẩm mong đất cho mình những trái ngọt, rau tươi để bù công khó, thì tự nhiên chiến tranh kéo đến, người ta tha hồ mà bắn phá, tha hồ phát quang. Lần nào cũng vậy, tình hình căng thẳng bắt buộc mình phải lánh cư, không nhiều nhưng chỉ năm ba ngày, cũng đủ để mất tất cả, cũng đủ để khi trở về là thấy vườn hoang nhà trống, đồng quạnh hiu như những ngày tiêu thổ kháng chiến,
Lão buồn. Buồn thực sự. Nỗi buồn của một kẻ thấy gần kề sau lưng là mối đe dọa không ngừng xoáy thẳng vào tim.
- Chú mầy về chưa? Xã Đinh hỏi.
- Chú xã về trước đi. Tôi ngồi nán lại một chút.
Lão Tấu trả lời chậm chậm như ảnh hưởng nỗi buồn trong lòng.
- Ừ, thì ăn khoai không? Đem ít củ về sáo cơm.
- Dạ, chú cho.
- Tao nghỉ mầy có hai vợ chồng sao cũng cực quá tay!
Lão Tấu im lặng cười. Nụ cười vừa có vẻ hồn nhiên vừa có pha chút chua chát. Lão không nói gì thêm. Đưa tay đón dây khoai tươi đèo theo năm sáu củ.
- Thôi tôi cũng về luôn, chú Nãi, trăm hai rồi chú hỉ.
Ông già Nãi, người chủ quán trả lời bằng tiếng “ừ” vọng ra từ chái bếp sau nhà.
Lão Tấu chầm chậm bước về nhà, đi ngược chiều với ánh sáng của mảnh trăng non mùng Tám đương thả nỗi buồn trầm mặc vào sương đêm xuống dày.
.
 
Trăng mới mùng Tám sao cũng sáng thật nhiều. Ánh sáng vàng và nhẹ trải dài trên các chòm lá xanh trong vườn. Trông xa lấp lánh vì phản chiếu trên sương đêm. Trăng thả mình trên mái tranh rêu mốc và trên lão Tấu đang nằm vắt chân chữ ngũ ngoài sân.
Lão mơ màng về xưa. Hồi đó lão còn theo cụ Đồ học chữ Nho. Những đêm trăng sáng thế nầy, lão thường nghe thầy ngâm bài gì đó có câu: “Sàng tiền minh nguyệt quang...”. Hồi đó lão chưa hiểu, chỉ nghe thầy mình tán tụng không hết lời những đêm trăng thanh. Lão còn nhớ rõ cái giọng trầm ấm của thầy bảo rằng thời bình trị, vận nước thái hòa thì gió thuận mưa lành, ngày sáng đêm thanh. Bây giờ đêm đã rất thanh thế nầy mà lão có thấy đất nước bình yên đâu, có thấy dân lành sống đời sung túc đâu?
Lão tấu có nhiều điều để nhớ, Dĩ vảng của lão cũng cuồn cuộn và vàng son!
Tiếng hát ru con từ xóm trên theo gió Nam đưa xuống cũng như đồng tình với niềm nhớ của lão:
Trăng lên khỏi núi mây che
Hai bên lẳng lặng mà nghe thiếp thề...
Câu hát làm lão nhớ đến lời thề non hen biển của lão và cô Hai Bàng ngày xưa bây giờ là vợ lão. Hồi đó, cô Hai Bàng đã đẹp lại có duyên. Trai tráng trong làng nhiều người ngấm nghé. Phần Ba Tấu, tuy có bộ mã bên ngoài khá đẹp trai mà cũng phải mất mấy buổi chiều mới chiếm dần sự chú ý của người con gái đẹp. Rồi họ thương nhau, mấy khóm hoa chìu đầu xóm và con trăng vàng là chứng nhân cho lời thề son sắt giữa hai người.
Lão mĩm cười nghĩ về ngày tháng xa xưa. Con trăng vàng còn đó, con trăng vàng chưa già mà sao vợ chồng lão tóc đã hoa râm. Lão buồn cho sự biến đổi đó.
Trên kia, người hát ru chuyển qua bài khác, cũng buồn như nỗi buồn trong lòng lão Tấu., thật nhẹ mà cơ hồ vô chung:
Trăm năm dù lỗi hẹn hò
Cây đa bến cũ con đò còn đưa...
Lão bỗng thấy thương vợ mình. Lão gọi với vào trong:
- Mụ ơi!
- Chi đó ông?
- Chưa ngủ ra ngoài nầy nói chuyện chút... À, thằng con của mụ Hai lúc này kháu khỉnh ghê mụ hỉ?
Vô tình lão thốt thành lời niềm ao ước lớn nhất. Câu ước ao mà hoài gây ra sự lục đục trong gia đình. Nhưng lần này vợ lão không cải. Mụ trầm ngâm, có vẻ cũng buồn với chồng.
Chặp lâu, người đàn bà lấy một cục thuốc ăn trầu ra lau các chân răng rồi bỏ vào miệng. Mụ Tấu thở dài, tiếng thở dài não nuột, trả lời xuôi:
- Ôi thôi, ông ơi! Sinh con trai ra trong thời buổi này cũng khổ. Chẳng thà không có thì thôi, có rồi, lớn lên, phải đi đánh giặc nầy giặc nọ lung tung, cuối cùng chết như thằng Bao dạo trước, tôi thương quá.
Lão Tấu vụt nghĩ đến thằng Bao, đến cái chết của hắn. Thằng Bao là đứa con trai hiền nhất làng. Tự dưng bỏ nhà ra đi rồi lại trở về gởi nắm xương tàn bên bờ lạch ruộng dọc bên hương lộ. Cái chết của hắn thật ghê: bị bắn nát băm cùng mình vì nhiều loạt đạn. Máu chảy ra đã khô thâm trên da thịt còn thanh niên mơn tơ. Trên thân mình cởi trần và chiếc quần đùi bê bết bùn đất...
Lão không dám nhớ thêm nữa. Lão sợ. Lão buồn. Lão nghĩ đến khi già cả, lúc đêm hôm tối mắt tắt đèn, lấy ai nhờ đỡ? Lão nghĩ đến ngày lão nhắm mắt nằm xuống, ai sẽ lo phần hương khói, thắp cây nhang, rót bát nước chè mỗi ngày kỵ giỗ.
Lão buồn quá. Trong đêm quạnh hiu lão khóc rấm rức. Vợ lão cũng khóc theo.
Sương ngoài trời xuống nhiều, thấm lạnh qua lớp áo sờn vai của cả hai người.
 
Đêm 27.07.1974
 
Lương Hoàng Hạc
Số lần đọc: 2101
Ngày đăng: 23.11.2017
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Mười hai bến nước - Đặng Chương Ngạn
Đi săn vịt - Ngô Nguyên Dũng
Chiếc điện thoại có hình con rồng vàng - Ngưng Thu
Chiếc lá cuối cùng - Bùi Thanh Xuân
Lời hứa của một người mẹ - Tiểu Nguyệt
Từ một miền không đáy - Nguyễn Thị Thanh Bình
Tuyết trong những giấc mộng tôi vô sắc - Ngô Nguyên Dũng
Không phải tại em - Trần Yên Hòa
Mộng Du - Ngô Nguyên Dũng
Ngày cuối của Yên - Võ Công Liêm