Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.157
123.224.855
 
Xác tín và khai phóng
Văn Giá
 
 
 
 
Quan sát những người làm văn chương “Đã mang lấy nghiệp vào thân” thấy ít ai chịu cầm chân ở một thể loại duy nhất nào, mà thường tìm cách tự mở rộng con người mình, chủ động thể nghiệm/khám phá để đi tìm cái “bản lai diện mục” thực sự của mình. Ai đó đã từng nói: “Viết là hành trình kiếm tìm chính bản thân mình”.
Chế Diễm Trâm là một người như thế. Ngoài tư cách tác giả truyện ngắn, chị còn viết khảo cứu văn hóa, viết nghiên cứu/phê bình văn học. Tập “Những ô cửa nhìn ra vườn Văn” lần này là tập nghiên cứu/phê bình văn học thứ hai của chị, sau chuyên luận “Nghệ thuật tùy bút Vũ Bằng” (NXB Đà Nẵng, 2015).
Hiện giờ, nhìn vào các bài viết của chị, thấy vùng văn chương mà chị bao quát khá rộng, bao gồm cả văn học trung đại, hiện đại và đương đại; tuy chủ yếu là văn học trong nước, nhưng cũng có để ý đến văn học nước ngoài; tuy phần văn học thuộc khu vực nhà trường là chính, nhưng cũng đề cập đến một số trường hợp văn học khác.
Điều này cũng dễ giải thích. Hiện công việc chuyên môn chính của Chế Diễm Trâm là dạy Văn tại một trường THPT chuyên. Dạy trường chuyên có một đặc điểm khác với dạy khối không chuyên ở chỗ không chỉ dạy cho học sinh hiểu sâu sắc các tác giả/tác phẩm/vấn đề được tuyển chọn trong sách giáo khoa mà với một mức độ nhất định còn hướng học sinh tìm đến những giá trị văn học tiêu biểu thuộc nền văn học dân tộc và thế giới, nhất là những giá trị văn học hiện thời. 
Tuy nhiên, việc làm chủ sâu sắc khu vực văn học nhà trường vẫn phải được coi là ưu tiên số một. Cho nên, như một định hướng tất yếu, việc trở lại tìm hiểu thêm ở các cấp độ và quy mô khác nhau về Nguyễn Trãi, Nguyễn Bính, Vũ Bằng, Nam Cao, Vũ Trọng Phụng, về Thơ Mới… như trong tập sách này là điều cần thiết mà tác giả/cô giáo này lựa chọn.
Ngoài ra, tác giả có đề cập đến một vài trường hợp khác như Thu Bồn/Nguyễn Kim Huy, Cao Duy Thảo, Nguyễn Nho Khiêm, Inrasara, Trương Văn Dân, Hiếu Tân… thuộc vùng văn học đương đại, nhất là khu vực Nam Trung Bộ. Tuy không nhiều, nhưng các bài viết cho thấy một ý thức gắn kết với văn chương vùng miền, nơi mà chị đang sinh sống và gắn bó (chị là Hội viên Hội Văn học Nghệ thuật Khánh Hòa).
Có một điểm làm nên tính nhất quán và đồng thời cũng là phẩm chất đáng quý ở ngòi bút này đó là tác giả đã có được một quan niệm khá chắc chắn về giá trị đích thực của văn chương: sự lên tiếng của Cái Đẹp bằng ngôn từ. Nếu không bắt đầu đi từ điểm này, văn chương rất dễ bị “bắt bẻ” bởi những thứ ngoài văn chương, và sẽ dễ bị sa lầy vào những căn bệnh giáo điều thô lậu như đã từng gặp đây đó. Chế Diễm Trâm đã cho thấy một thái độ thẩm mỹ nhất quán: chỉ tập trung quan tâm khám phá vẻ đẹp của tư tưởng nghệ thuật, của hình tượng ngôn từ. Bàn về tác phẩm, người viết chỉ ra được đâu là chỗ độc đáo thẩm mỹ có giá trị. Bàn về tác giả, người viết tìm kiếm những tầng vỉa tinh thần cốt lõi làm nên tầm vóc và cá tính sáng tạo của mỗi nhà văn. Khi đề cập tới các vấn đề văn học, tác giả đã chú tâm vào những khía cạnh đích đáng, có ý nghĩa cách tân nghệ thuật. Tôi cho rằng tác giả Chế Diễm Trâm đã thực sự có được một xác tín nghệ thuật nhất quán và xuyên suốt.  
Người ta vẫn thường hay nói: một bài viết nghiên cứu/phê bình văn học phải có “văn”, nghĩa là không chỉ có phẩm chất khoa học mà phải có cả phẩm chất nghệ thuật. Bên cạnh những phát hiện và lập luận, phân tích sắc sảo, cần có những rung cảm nghệ thuật, những trực giác tinh tế được biểu đạt bởi một lối viết cá tính, ấn tượng. Đây là một đòi hỏi rất cao của văn nghiên cứu/phê bình. Đời một nhà nghiên cứu/phê bình cho dù nổi tiếng đến mấy cũng không phải bài nào cũng đạt được phẩm tính này. 
Đọc văn nghiên cứu/phê bình của Chế DiễmTrâm, bắt gặp không ít chỗ sâu sắc và tinh tế. Có những chỗ “điểm huyệt” gọi tên các giá trị một cách chí lý. Có những đoạn so sánh lập luận thuyết phục, chứng tỏ người viết có một kiến văn rộng rãi. Có những chỗ  giảng bình khéo léo và duyên dáng. 
Tuy nhiên, người đọc vẫn thèm ở cây bút này một sự buông phá, vượt khỏi tính quy phạm để đạt tới một tinh thần khai phóng tự do, trong cả hai cùng lúc: cái viết và lối viết.
Những gì mà Chế Diễm Trâm biểu đạt trong tập sách này đang cho thấy đà bay của một tinh thần  như thế.
 
   Hà Nội, Tết Đinh Dậu, 2017
                                                                               
 
Văn Giá
Số lần đọc: 1964
Ngày đăng: 25.11.2017
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Gặp những câu thơ sau…bão. - Từ Sâm
Nguyễn Tất Nhiên "Mưa trên trang vở cũ…" - Hoàng Kim Oanh
Nghĩ vụn về Mối Chúa của Tạ Duy Anh - Đặng Chương Ngạn
Đôi lời chiêu tuyết cho Thúy Vân - Trang Văn Lộc
Tình riêng trong thơ Lê Phương Nguyên - Tiểu Nguyệt
Hương vị quê ngọt ngào muôn thuở. - Phan Đình Dũng
Một thế giới giàu suy tưởng, kích thích suy tưởng - Phan Đình Dũng
Níu dải yếm về cõi yêu * - Bùi Cửu Trường
Ánh trăng và hoa sen: Trong “Đêm thơm lựng mùi Sen” (1) của Nguyễn Thị Liên Tâm - Mang Viên Long
Hoàng Hưng, người về - Nguyễn Đức Tùng
Cùng một tác giả