Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.186
123.212.185
 
Tập thơ đầu tay của cô gái đến từ mùa đông
Phan Nam
 
 
 
 
 Cuối năm 2016, trên báo Tuổi trẻ chủ nhật xuất hiện chùm thơ của tác giả Huyền Thư, một tác giả hoàn toàn mới lạ trên thi đàn cùng đôi dòng giới thiệu của nhà thơ Nguyễn Phan Quế Mai: “Trao giải nhì cho Huyền Thư, giám khảo của cuộc thi - nhà thơ, nhà biên kịch nổi tiếng Anne Kennedy nhận xét: “Trong bài thơ Nhớ rất nhiều là nhớ được bao nhiêu?, Huyền Thư đề cập đến trận lụt kinh hoàng và hậu quả của nó. Bài thơ này là minh chứng cho tầm quan trọng của nghệ thuật trong việc giúp con người vượt qua nỗi đau, bằng cách so sánh thảm họa với vẻ đẹp - vẻ đẹp của nhạc điệu và hình ảnh. Huyền Thư viết bài thơ này bằng tiếng Việt và tự chuyển ngữ sang tiếng Anh. Sống ở New Zealand, thơ của Huyền Thư chật đầy nỗi nhớ về một xứ sở Việt Nam đang cách xa cô hàng chục nghìn cây số”. Chặng đường sáng tác của Huyền Thư dẫu không dài nhưng để lại ấn tượng sâu đậm trong lòng công chúng, và thơ Huyền Thư được biết đến nhiều hơn khi tác phẩm xuất hiện thường xuyên hơn trên các báo, tạp chí trong nước. Tập thơ “nhớ rất nhiều là nhớ được bao nhiêu” do Sài Gòn books liên kết cùng nhà xuất bản Văn học ấn hành, chuẩn bị lên kệ sách vào cuối tháng 11.2017 là tuyển tập những thi phẩm của tác giả trẻ Huyền Thư được viết trong khoảng thời gian xa quê. 
 
Thơ Huyền Thư là tiếng lòng của những người làm thơ trẻ hôm nay, với nhiều cảm xúc đan xen, đó là những rung động tuổi trẻ: “Em về để bắt đầu hai mươi/ Mùa xuân từ căn nhà có cây lộc vừng hoa xòe bừng đỏ/ Ngồi nhìn mưa phùn ướt đêm nằm trên lá ngủ/ Lá ngả xanh xao như thể hai mươi sẽ phải mất rất nhiều”, nỗi niềm của người con xa quê trong chuỗi ngày ấu thơ sống tại Đông Hưng-Thái Bình: “Quê hương gọi con là đứa nhỏ/ Khát tiếng mẹ ru với lúc sẻ nâu nháo nhác gọi bầy/ Con gọi quê hương là hoàng hôn đỏ/ Con nước sông chiều lấp loáng tóc dài mẹ thả như mây/ Hóa ra nỗi nhớ vơi đầy/ Là quê hương đó, ở ngay tim mình!”, tình cảm đối với cha mẹ và cõi lòng khắc khoải trước thời gian và cuộc sống: “Nhớ rất nhiều là nhớ được bao nhiêu/ Có biết những buổi xót lòng đôi mùa lũ sông ngập đồng, lúa chết/ Khói rạ chiều quê hun hao gầy mắt biếc (...) Trong nỗi nhớ có hạt nắng bình minh/ Có dấu gót giày về trên nền gạch mốc/ Trong tiếng mở cửa về cọ diêm đốt thuốc/ Là trăn trở nốt xem: nhớ đến bao nhiêu là nỗi nhớ đã nhiều?”. Và còn rất nhiều gam màu tươi đẹp, lãng mạn trong dòng chảy cảm xúc của Huyền Thư ở chân trời mới: “Nhưng tôi vẫn chờ tiếng thì thầm từ Châu Đại Dương/ Chờ đôi mắt em thốt lên những điều dịu dàng nhất/ Hơi ẩm gió mùa mang làn hương sự thật/ Còn tôi thương em, như một lẽ rất đời”. Trong một lần trả lời phỏng vấn, Huyền Thư chia sẻ: “Tôi nghĩ cảm xúc là điều rất khó che giấu, đặc biệt là khi đạt đến một giới hạn nhất định thì con người ta bằng một cách nào đó sẽ tự giải thoát nó ra. Vậy là vô tình mình chọn đến với thơ như một nhu cầu thiết yếu của cuộc sống”. “Tất cả những tháng mười một đã qua luôn luôn là một phần đặc biệt đối với cuộc đời mình. Thư sinh ra vào tháng mười một, xa bố mẹ từ nhỏ và luôn trở về vào dịp này khi trời vừa chớm đông”, Huyền Thư viết trên trang cá nhân như thế, không quên kèm theo lời cảm ơn và hi vọng độc giả đón nhận tập thơ của cô gái đến từ mùa đông.
 
 
Tác giả: Huyền Thư, tên thật Tăng Thị Huyền Anh, sinh ngày 29.11.1997, quê quán: Phú Lương - Đông Hưng - Thái Bình. Hiện đang theo học ngành Quy hoạch đô thị tại Trường đại học Auckland (New Zealand). Huyền Thư mới bắt đầu viết từ 2015 nhưng đã có sách xuất bản (in chung) “Viết cho mùa gió trở”, và nhiều tác phẩm xuất hiện trên nhiều trang văn chương Việt. Bài thơ Nhớ rất nhiều là nhớ được bao nhiêu? được Huyền Thư viết bằng tiếng Việt và tự chuyển ngữ sang tiếng Anh. Bài thơ được trao giải thưởng cuộc thi thơ trẻ của trung tâm viết văn trường đại học Victoria (New Zealand). 
 
Ảnh: Nhân vật cung cấp
 
 
 
Phan Nam
Số lần đọc: 1719
Ngày đăng: 05.12.2017
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Từ Chuyện Làng Cuội đến Mối Chúa - Vũ Trọng Quang
Những cuộc hẹn bên lề - Võ Chân Cửu
Thơ văn hải ngoại: Hà-Nguyên-Du đi giữa Duy-Mỹ của thơ cũ và rất hiện-đại của thơ Tân-Hình-Thức - Trần Văn Nam
Ngô Đình Hải NGỬA - Vũ Trọng Quang
Dẫn lược từng chương cuốn tiểu – thuyết danh tiếng của Thomas Hardy - Trần Văn Nam
Những viên kẹo ngọt… - Phan Nam
Giới thiệu tiểu thuyết Cõi Hồng - Bùi Minh Vũ
Nguyễn Minh Nữu - Thương quá Sài Gòn - Từ Sâm
Nguyễn Thái Dương thủ thỉ chuyện văn chương(*) - Vũ Trọng Quang
Song Tử, tiếng hát hi vọng từ nát tan - Inrasara