Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.088
123.232.733
 
Giả đò ngó lơ
Hoàng Nga
 
 
Cứ mỗi bận gặp hắn, là tôi lại nghe hắn bàn tán đến chuyện chết chóc. Không chiến tranh, không tật bịnh, thì cũng thanh toán đâm chém. Từ châu nọ đến châu kia, từ phố này qua phố khác. Hắn thích tán hươu tán vượn. Nói, để cho vui. Và không biết có phải chờ mãi mà không thấy ai... vui hoặc khen hay, hắn tự kể công, sở dĩ hắn sôi nổi bàn tán như thế vì hắn muốn làm giảm bớt sự căng thẳng cho chúng tôi khi đang làm việc. Hắn kể công thêm, hắn đã đọc giùm cho chúng tôi vài bản tin nhanh trên tờ báo hắn mang đến bởi biết chúng tôi không có thì giờ.
Lần này vác xác đến, không hề nhắc đến cái chết, tôi tưởng hắn đã chán đề tài cũ nên đổi qua chính trị. Vì vừa ngồi xuống ghế, hắn vội vã đi ngay vào phần bình luận cuộc bầu cử liên bang sắp tới một cách hết sức say sưa. Khi đọc xong những bài phê bình gay cấn, hắn cẩn thận thêm thắt mớ ý kiến riêng tư của hắn vào. Vẻ mặt và giọng nói của hắn lúc ấy chừng như rất nghiêm trang, tử tế, y hệt một công dân tốt luôn luôn lo toan đến tình hình đất nước. Thế mà cuối cùng, đang thao thao, hắn bỗng kết luận một câu hoàn toàn không ăn nhằm, không liên quan gì đến những điều hắn đang đề cập:
- Để tự tử, tôi nghĩ cách dễ nhất là bắn vào đầu một phát. Chắc ăn nhất là phải tì khuỷu tay thật cứng trên mặt bàn, hay ít ra cũng trên một mặt phẳng có chân trụ vững vàng để không bị mất thăng bằng, chòng chành, rồi sau đó là kê nòng súng vào thái dương, vào đúng ngay vị trí cái chỗ hõm, chếch lên phía trên chân mày vài xăng ti mét. Ở đây này -hắn chỉ vào đâu đó và nhấn mạnh- đoành! Một phát. 
Hắn hạ giọng:
- Một phát một thôi nhé. Một phát. Không rùn tay, không sợ hãi, không do dự.
Cuối cùng hắn buông giọng chắc nịch:
- Phải bắn như thiên hạ bắn phát súng ân huệ vào đầu mình ấy... Pằng! Pằng! Ác liệt. Khí khái. Khẳng định. Vậy là xong! Vậy là hết! Vậy là không chết không được!
Tôi ngó hắn, nhưng không nói lời nào. Cũng không hề tỏ một phản ứng nghi ngờ, sợ hãi hay diễu cợt khiến hắn có cớ để bắt chuyện. Hắn ngó lại, ngó thẳng vào mặt tôi, im im giây lát. Sau, hắn nói:
- Đúng không? Bắn kiểu ấy sẽ chết ngay tức khắc.
Tôi vẫn im. Hắn bật cười dòn:
- Chết như thế chắc chắn là hạnh phúc lắm. Nhưng chỉ có điều ở cái xứ sở này mua súng khó quá.
*
 
Đến lúc ấy thì quả là tôi nín không được nữa, nên bật ra câu trả lời, thì đi mua một khẩu súng săn, chính phủ không cấm dân mua súng săn. Hắn hỏi súng săn có thể làm chết người được không. Tôi không đáp vội. Bởi tôi muốn tìm ra một câu thật ác, thật chắn chắn để làm hắn cứng họng. Lát sau tôi mới nói. Súng săn bắn chết được thú thì sẽ có thể bắn chết được người, cọp beo trúng đạn ngã lăn quay, chắc chắn người trúng đạn càng dễ về miền vĩnh cửu. Tôi tiếp:
- Nhưng nếu muốn biết rõ hơn, và nếu có đủ can đảm kê súng vào đầu mà nhả đạn, thì đi mua về mà thử.
Hắn ra vẻ suy nghĩ. Tôi quay lưng về phía hắn, lấy ly tách từ trong máy hấp ra xếp vào tủ. Tôi cố ý không nhìn hắn để khỏi phát khùng lên vì cái ý tưởng chết chóc, tự tử mà hắn đang ba hoa, xạo xự. Tuy nhiên rốt cuộc chính tôi lại là người không chịu nổi sự im lặng khá bất bình thường giữa hắn và tôi, nên tôi quay lại, rùn vai:
- Điều tôi nghĩ tốt nhất là nên chạy qua bên đông, tìm mua một cây súng bắn người thứ thật, bảo đảm trăm phần trăm không giết được mình cũng giết được thiên hạ.
Hắn hỏi chính xác là mua ở thành phố nào, và khu vực nào. Tôi đáp tôi sẽ hỏi giúp cho. Hắn phì cười:
- Nhìn mặt cô, nghe cô nói biết chỗ mua súng mà tin được kể cũng lạ. Y hệt như giữa ban ngày lại tin có ma.
Tôi hỏi lại, tại sao không. Hắn không đáp. Tôi nghiêm mặt:
- Tôi bảo tôi sẽ hỏi giúp, có nghĩa là tôi đã biết mua được súng ở đâu. Nhưng nói thật, dẫu tôi không biết chỗ chính thức đi chăng nữa, mà nếu anh cứ ước ao được chết, tôi sẽ cố gắng tìm địa chỉ giúp anh. Tôi có biết một người từng qua lại với dân buôn bán vũ khí.
Lần này tôi quay hẳn lại nhìn thẳng vào mắt hắn cho hắn biết tôi không đùa. Hẳn nhiên tôi bắt gặp hắn cũng đang dán mắt vào tôi. Nhưng cái ánh mắt ấy rõ ràng đầy vẻ diễu cợt và tinh quái. Khi tia nhìn hắn chạm tia nhìn tôi, hắn khe khẽ nở ra một nụ cười.
Lát sau hắn chống tay lên cằm, bảo. Đùa vậy thôi chứ tôi sẽ không tự tử bằng súng đâu. Chết kiểu ấy xấu xí, rùng rợn. Tôi sực nhớ lại trong bài viết nào đó của mình cũng nhắc đến chuyện nhất quyết không cho nhân vật mình tự tử bằng súng. Tôi so vai:
-Đã tự tử, thành thây ma thì xấu hay đẹp cũng vậy thôi chứ có khác gì.
Hắn lắc đầu. Cũng vậy sao được. Chết nát thây, nát mặt sẽ hoàn toàn khác với cái chết của một người được an giấc ngàn thu trong sự thanh thản hoặc tràn đầy mộng đẹp chứ. Tôi im.
Hắn nghiêng bộ mặt thật đẹp, nụ cười đểu ơi là đểu chao về phía trước. Về phía tôi thì đúng hơn. Đôi con mắt trong vắt, xanh sẫm như bầu trời mùa hạ, hàng mi dài vuốt cong sắc sảo, đôi chân mày sậm, đẹp, mà lần đầu tôi đã phải gọi là hắn là Don Juan. Hắn có cái nhìn gợi cảm, đa tình không chịu được. Đám nhóc trong nhà hàng bảo hắn mà tán em nào, thì có tránh cách mấy cũng phải ngã.
Chạm cái nhìn không biết nên xếp vào loại nào của hắn, tôi quay đi. Hắn vừa nói vừa cười, cái giọng cười hết sức nồng nàn và ngọt ngào đặc biệt:
- Chết nát bét như vậy, tội nghiệp người thân của mình. Tiền trang điểm xác chết chắc phải trả gấp đôi.
Tôi không nghĩ hắn sẽ nói một câu như vậy, nên không nhịn được, đành cười theo. Hắn bắt ngay lấy nụ cười của tôi, hớn hở:
- Như Nga vậy, sau này mà Nga không chết trong tư thế với nụ cười tươi tắn như thế này, là Nga sẽ mang tội với đất trời, và với con người.
Tôi không biết trả lời sao. Lại quay đi. Hắn khua chiếc thìa inox trong ly cà phê làm kêu lên những tiếng lanh canh trong vắt vui tai. Hỏi có thể gọi thêm ly thứ hai nữa được không. Tôi đáp sao không, tôi buôn bán mà. Hắn nói cám ơn rồi xuống giọng, mềm mướt như than thở:
- Chắc là tôi phải nghĩ ra cách chết khác quá Nga à.
Tôi làm thêm ly cà phê sữa đá, đặt lên bar, trước mặt hắn. Hắn buông tờ báo, đưa mắt nhìn tôi đi qua đi lại, làm việc, rót nước pha trà cho khách. Hắn nói, cà phê Nga pha lúc nào cũng ngon hơn người khác.
Chừng năm mười giây sau, sau khi uống một vài ngụm, hắn trở lại đề tài cũ, bàn tán về các kiểu chết và kiểu tự tử với một giọng điệu tươi tắn, hoàn toàn mâu thuẫn với nội dung câu chuyện hắn đang cố lôi tôi tham dự vào. Biết ý hắn, tôi kiên nhẫn giữ bộ mặt thản nhiên, không thêm bớt câu nào. Nhưng tôi nghĩ bụng, hắn mà dám tự tử, chắc trái đất sẽ biến thành hình vuông! Cái bản mặt hắn, đẹp như tài tử đóng phim, cộng thêm cái láu cá khôn vặt, và tinh ranh như cáo, hắn dọa tự tử hẳn phải vì điều gì đó mờ ám trong bụng.
Nói chán, uống chán, ngó và khen tôi chán, hắn lại cười:
- Mà Nga này, tự tử theo Kinh Thánh là phạm tội giết người phải không? Tôi nhớ Nga bảo chỉ có Chúa mới có quyền trên cái sống cái chết của con người. Vì vậy tự tử là đoạt quyền quyết định của thượng đế. 
Hắn im chừng một giây chờ phản ứng của tôi:
- Đúng vậy không, Nga nói như vậy mà! Tôi nhớ Nga nói như vậy mà!
Lần này thì tôi quay lại chậc lưỡi, nhìn thẳng vào mặt hắn. Nạt:
- Biết vậy còn hỏi làm gì.
Hắn bật cười thành tiếng. Dòn dã. Biết ngay, hễ động đến Kinh Thánh và Chúa của cô thì thế nào cô cũng bực nhặng lên như thế này. Tôi lườm. Muốn phang cái ly đang cầm sẵn trên tay vào người hắn. Có súng, dám tôi cũng sẽ không thiếu can đảm bắn hắn một phát. Một phát vào đầu, vào thái dương. Vào ngay cái bản mặt đáng ghét ấy, như hắn mới ước ao. Hắn nheo nheo mắt, Nga ơi, tôi thích nhìn ngắm Nga lúc Nga đang làm việc như thế này vô cùng. Tôi cười mũi:
- Cái câu này tôi nghe anh lập đi lập lại như đòi tự tử.
Nụ cười hắn vẫn nở ra rạng rỡ trên môi:
- Tự tử, là có thể nói chơi cho vui, còn thích nhìn ngắm Nga làm việc là một sự thật. Nói chơi và nói lên sự thật hoàn toàn không giống nhau!
Tôi bĩu môi. Hắn vẫn thường khen tôi dễ thương khi tôi đang làm việc. Hắn nói:
- Cái vẻ dịu dàng, nhẫn nại luôn luôn làm cô như nổi bật lên giữa bao người.
Nhớ lần đầu tiên mới nghe hắn nói câu tương tự như thế, tôi đã mỉm cười một mình nhiều lần. Thấy vui trong bụng dẫu vẫn hết sức cố gắng để không cho hắn thấy hay đoán ra cảm xúc của mình. Tôi còn nhớ những lần sau đó, khi hắn đến, như những phản xạ tự nhiên, tôi đã cẩn thận chăm chút trong từng cử chỉ, từng động tác của mình trong lúc làm việc. Buồn cười hơn, có đôi khi tôi còn thầm quan sát xem hắn có những biểu lộ gì thêm hay không nữa. Một lần hắn nói:
- Tôi không ưa những người đàn bà quá mềm yếu, nhưng tôi thích sự nhẫn nại, cần mẫn của người nữ. Nó vẫn thường tạo cho tôi có cái cảm giác mình được chăm sóc một cách hết sức thân thiết, chu đáo và nồng ấm. Nhất là người phụ nữ Á đông, cái tính cách ấy quyến rũ lắm Nga ạ.
Tôi đã trả lời tôi không có ý kiến về điều hắn nhận xét. Hắn nhìn tôi cười cười:
- Nga có biết Nga là một đại diện cho mẫu người ấy không?
Hôm ấy đám nhóc làm việc trong nhà hàng nói với tôi, thằng cha này khoái loại phụ nữ kín cổng... leo tường. Tôi bảo nếu hắn không bị mẹ bạc đãi thời thơ ấu, luôn luôn khao khát bàn tay chăm sóc của người mẹ thì hắn thuộc thứ chuyên mê người ở, con sen! Đám nhóc cười ầm ầm. Về sau, nghe hắn nhắc tới nhắc lui mãi điều ấy như thói quen, tôi nghĩ hắn chỉ khen cho có khen. Cho vui, như hắn vẫn thường nói về chính mình. Và tôi tự nhủ, không thèm để ý đến hắn nữa.
*
Hắn hay đến ăn mỗi tối thứ hai trong tuần. Lần đầu tiên vì nhà hàng quá đông không còn chỗ, nên hắn xin được ngồi trên bar. Bảo chỉ cần ăn một tô phở nhỏ, uống một ly cà phê sữa đá, như đã được ăn, uống ở Việt Nam là đủ. Đám nhóc chạy bồi khoái hắn ngay khi nghe như vậy, nên sắp xếp cho hắn chỗ phía trước quầy nước. Đến cuối giờ lại khen hắn xộp, cho tiền tip hậu hĩnh.
Những tuần sau đó, dẫu không thiếu chỗ hắn vẫn được ngồi ở chỗ hắn thích. Hắn bảo ngồi ở quầy, vừa được phục vụ nhanh, vừa được nhìn ngắm tất cả những người làm việc trong nhà hàng. Đám bồi hân hoan chào đón hắn. Hắn nói muốn học tiếng Việt, đứa nào cũng dành làm thầy. Thỉnh thoảng học được câu nọ câu kia, hắn khoái chí thực tập với từng đứa. Tụi nhóc dạy hắn nói anh yêu em, hắn bảo câu ấy tầm thường, đòi học ca dao. Tụi nhỏ trật duột dịch thò tay ngắt một ngọn ngò; thương em đứt ruột giả đò ngó lơ. Tôi không tham gia, nên hắn cứ gợi chuyện hỏi tới hỏi lui nhiều lần. Thấy vậy đám nhóc càng thích thú, càng cố dịch và dạy hắn đủ điều. Hắn hí ha hí hửng học theo dầu tôi nghĩ hắn chẳng hiểu gì hết ráo. Mãi cho đến lúc đám nhóc lại hỏi anh muốn lấy vợ Việt Nam không, hắn cười cười nhìn tôi không đáp, tôi đành phải la lên cả lũ mới chịu im.
Ngồi ở quầy, tôi là người đầu tiên bị hắn dán mắt vào. Với ngôn ngữ của hắn, dịch ra tiếng Việt, khó có thể phân biệt giữa “bị” và “được”, vì vậy tôi chẳng biết mình đã bị hay được hắn nhìn. Tuy nhiên bị hay được, tôi cũng không cảm thấy tự nhiên chút nào. Gần như chẳng bao giờ tôi có ý định bắt chuyện, hay tự ý tham dự vào những điều hắn đề cập, tán gẫu với đám nhóc. Khi không có đứa nào gần đó, hắn ngồi chầu rìa ngó tôi cặm cụi đi tới đi lui giữa lũ nước ngọt, rượu bia, lau lau chùi chùi mớ ly tách, thìa nĩa.
Tôi thật sự không biết hắn nghĩ như thế nào, nhưng từ hôm bắt đầu bật ra câu khen ngợi tôi, thể như người đã lấy được trớn để phóng về phía trước, hắn tỉnh như ruồi nói nói, cười cười thậm chí thỉnh thoảng còn trêu chọc tôi bằng những câu nói thường là thật dí dỏm khiến phải gắng lắm tôi mới không phì cười trước mặt hắn.
Bọn nhóc trong nhà hàng ưa hắn. Có đứa cất công kể lể cho hắn nghe về tôi. Bảo tôi ngoài viết lách, vẽ tranh, còn thêu thùa đan lát cắm hoa làm bánh nấu ăn. Có lần, một trong những câu chuyện làm quà, hắn khoe ba hắn cũng viết lách gì đó. Cho một tờ tạp chí khoa học ở Frankfurt. Lúc nghe hắn nói, nghĩ đến những con số, tài liệu, tôi cười cười đáp:
- Tôi bất đắc dĩ lắm, cần thiết lắm, mới đụng đến những bài viết như vậy.
Có lẽ hiểu ý tôi, hắn bảo: 
- Ba tôi mê văn chương. Ông có đủ loại sách, chứ không chỉ sách khoa học. Phòng đọc sách của ba tôi nhìn ra vườn cây lãng mạn, trữ tình lắm.
Hắn nói tiếp. Người viết lách như Nga nhìn thấy tủ sách của ba tôi chắc ưng ý. Người viết lách như tôi, họa có điên mới không thích sách, không thích chỗ ngồi đọc sách nhìn ra vườn cây! Nhưng tôi nghĩ thầm trong bụng, thích thì thích vậy, mà cái sác xuất để tôi có thể nhìn thấy tủ sách của ba hắn có lẽ hiếm hoi như trúng số độc đắc.
Tôi còn nhớ thêm hắn từng kể, hắn thuộc loại cha làm thầy con bán sách, loại người con hoang đàng trong Kinh Thánh đòi chia cho bằng được gia tài xong đem đi xài phí cho đến lúc phải ăn bã đậu dành cho heo mới trở về nhà khóc lóc xin cha tha tội. Mường tượng ba hắn chỉ cần nghe đến chuyện hắn muốn dẫn người về nhìn ngắm tủ và chỗ đọc sách của ông, chắc đã nổi khùng.
Đám nhóc nói với tôi hình như hắn ưa tôi. Đứa khác bảo sự lạnh lùng của chị hấp dẫn hắn. Có đứa đùa, chị có nghe câu ca dao em dạy cho ông ấy không. Tôi cười:
- Ở vào cái lứa tuổi của chị hiện giờ, yêu ai là sẽ nói thẳng rằng mình yêu. Sẽ yêu và nói mà không so đo, không sợ thiệt hại, cũng không sợ người ta khi dễ hay xem thường mình gì cả. Càng không sợ bị tổn thương nữa. Bởi vì đã tới lúc tri thiên mệnh, con người ta thường nhìn thấy đời người ngắn ngủi và biết không còn mấy cơ hội để được yêu, được rung động nữa, nên hầu hết ai cũng vội vã.
Tôi tiếp:
- Vì vậy chị sẽ không… ngắt cọng ngò, không thích ngắt cọng ngò nào cả.
Đám nhóc phì cười. Nhưng chẳng biết có mấy đứa hiểu rõ tôi muốn nói điều gì. Hắn hẳn nhiên càng không hiểu. Hắn bảo: 
- Người nào phước đức lắm thì được lấy Nga làm vợ.
Tôi cười:
-Tôi lại nghĩ ai lấy được anh mới có phước.
Hắn hỏi tại sao. Tôi rùn vai:
-Thì tại anh thích chết, thích tự tử. Anh chết sớm, vợ anh sẽ được lãnh tiền bảo hiểm sớm. Phải phước đức lắm mới được xài tiền kiểu đó.
Hắn bật cười. Bảo chưa bao giờ hắn nghĩ ra được một điều ác đức đến vậy. Tôi đáp tôi nghe hắn đòi tự tử như con nít đòi quà, nên khó lòng lắm mà vẫn không thể nào nghĩ khác hơn. Đám nhóc bảo tôi dịch cho hắn nghe câu hát “nếu mai anh chết em có buồn không”. Tôi không dịch nhưng sực nhớ đến câu thơ khi tôi chết hãy đưa tôi ra biển, mà phì cười một mình. Đưa ra biển. Đưa ra biển. Ở cái xứ này, bê một cái xác chết hay một hũ tro ra tới biển, thật tình, đổ nợ như chơi!
*
Hắn đi Paris bốn tuần. Khi về, hắn mang tặng tôi một hộp bánh biscuit thật ngon. Hắn nói vừa ở nhà ga về là đi thẳng đến quán ăn. Tôi đãi lại hắn ly cà phê sữa đá. Hắn nói hắn có đến quận mười ba, nơi người Việt và người Hoa buôn bán sầm uất như Bolsa ở Mỹ. Hắn kể hắn đến đấy ăn phở, uống cà phê. Hắn nói:
-Nhưng cà phê bên đó không ngon bằng cà phê Nga pha.
Tôi cười. Hắn ngó tôi một lát, bảo hắn nói thật đấy. Tôi im. Hắn im theo một hồi rồi chậc lưỡi:
-Nga có nụ cười tươi tắn như vậy mà ít khi chịu cười.
Tôi trả lời tôi vẫn thường hay cười, nhưng chỉ không cười với hắn. Hắn gật đầu, nói tôi hiểu tôi hiểu. Lát sau hắn khoe mớ hình hắn chụp ở Paris. Hắn bảo sang Paris,lần nào cũng hứa sẽ leo lên từng chót tháp Eiffel, nhưng chưa bao giờ làm. Tôi nở một nụ hàm tiếu với hắn:
-Leo lên đến trên ấy, chắc cùng lắm là anh chỉ nghĩ đến chuyện tự tử chứ ích lợi gì mà tiếc rẻ.
Hắn cười theo, tán đồng:
-Nga nói đúng đấy. Chỉ cần đứng trên cầu sông Sein mà tôi đã muốn nhảy xuống cho rồi, huống gì leo lên đến đỉnh tháp.
Tôi bảo:
-Nhảy từ trên cao xuống, nếu may mắn rớt cái lưng xuống trước và chết ngay, tôi nghĩ có lẽ nhan sắc mình vẫn không thay đổi gì mấy.
Hắn ra vẻ trầm ngâm:
-Nhưng mặt mày có thể sẽ méo mó dị dạng đôi chút vì đau đớn.
Tôi hỏi theo hắn thấy chết cách nào là ổn thỏa nhất. Hắn đáp:
-Dường như chỉ có cách uống thuốc ngủ là có thể giữ được vẹn toàn nhiều thứ. Nhưng không biết uống liều lượng cỡ bao nhiêu là vừa và không quằn quại nhỉ?
Tôi hỏi hắn có cần hỏi bác sĩ không, tôi quen nhiều bạn làm trong ngành y, tôi sẽ giới thiệu cho một vài người. Hắn im. Nhưng thình lình hắn bỗng lườm tôi một cái thật sắc. Và lần đầu tiên hắn thôi không nói chuyện nữa trước khi cái bản mặt tôi trở nên quạu quọ khó chịu.
Qua hôm sau, đám nhóc trêu nhờ có hộp bánh nên tôi trò chuyện với hắn hơi nhiều. Tuy nhiên cũng có đứa trách:
- Chị ấy thường tiết kiệm lời với thằng cha này, nhưng đến lúc nói nhiều hơn mọi lần một tí thì lại chỉ xúi người ta tự tử.
Tôi không biết trả lời sao đành cười. Đứa khác bảo chắc là hắn có tâm sự gì u uất. Tôi hỏi đùa tâm sự loài chim biển hả. Thằng bé trách thêm. Chị chỉ được cái nước ác.
Tôi đáp tôi có ác gì với hắn đâu, và nghĩ thầm trong bụng, tôi chỉ không muốn một khoảng cách gần gũi, thân thiện. Chỉ không muốn làm bạn bè với hắn. Vậy thôi.
 
 
Vậy thôi, nên khi thấy hắn thưa đến quán, tôi cũng không hỏi han gì. Cũng không tỏ ra lạnh nhạt hơn hay thân thiện hơn. Nhưng cho đến lúc đám nhóc nói, dạo này thấy hắn gầy và xanh đi nhiều quá, tôi mới hơi giật mình. Thật lòng tôi không biết nên phản ứng như thế nào. Tỏ ra ái ngại thì hắn có vẻ là tuýp người không muốn nghe, không muốn nhìn thấy người khác động lòng trắc ẩn, âu lo cho mình. Chăm sóc thì là điều tôi không muốn làm với hắn. Vì vậy đôi lần tôi đã dợm lời, nhưng cuối cùng rồi lại thôi.
Và khoảng cách giữa tôi với hắn chừng như không hề thay đổi cả cho đến tận ngày tôi rời quê hương hắn. Lần cuối gặp nhau trong quán ăn, lần đầu tiên tôi bắt tay hắn, nói từ giã và chúc hắn ở lại bình an. Hắn hơi sựng đi giây lát. Bàn tay đang nắm lấy tay tôi chừng như co lại đôi chút. Hắn đã ngó tôi một hồi, nhưng không nói gì. Khi tôi rụt tay về, hắn khe khẽ mỉm cười, nụ cười rất tươi tắn:
-Như vậy là ngày tôi từ giã cõi đời, có lẽ không mong gì được Nga tiễn đưa đi một đoạn.
Tôi không biết trả lời sao. Nhưng sau tôi lườm hắn:
-Cái ngày xa xôi ấy, biết đâu tôi lại có dịp quay về đây thì sao.
Hắn gật gù. Được vậy thì còn gì bằng. Và hắn lại tiếp tục cái giọng bông đùa, trêu chọc, chúc cho tôi có cuộc sống bình an, vui tươi nơi tôi sẽ đến, bảo hy vọng tôi sẽ không bao giờ gặp thêm một người nào thích chuyện chết chóc như hắn nữa.
Tôi về nam bán cầu. Hai mươi sáu giờ bay đưa tôi đi tít xa nơi chốn hắn. Chẳng còn một thành trì nào cần dựng ra giữa tôi và hắn. Nhưng vậy mà dường như cũng chưa đủ. Một đứa trong đám nhóc của nhà hàng gửi email cho tôi. Viết, “chị Nga à, Don Juan của chị như thế là đã không còn đến quán nữa. Không bao giờ còn đến nữa. Ngày hôm qua em mới đại diện chúng nó, và mạn phép đại diện chị, đưa anh ấy đến nơi an nghỉ. Một chỗ cũng gần, rất gần, ngay trong thành phố này thôi chị ạ, nhưng anh ấy không thể đến ăn tô phở, uống ly cà phê sữa được nữa rồi. Trước đấy vài tuần thì anh ấy đau đớn lắm, nhưng khi ra đi, lại thanh thản, bình an vô cùng. Anh ấy có nhắn lời thăm chị. Có nhắc cả ca dao chúng em dạy anh ấy… 
Chị Nga ơi, mãi cho đến bây giờ em mới biết đưa tay ngắt cọng ngò khó là thể nào” 
 
 
 
Hoàng Nga
Số lần đọc: 1447
Ngày đăng: 29.12.2017
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Thằng khùng bên cửa sổ - Ngô Lạp
Ngôi sao lạc - Ngô Lạp
Bỏ mặc con đường - Hoàng Nga
Ấm áp mùa Noel - Phan Trang Hy
Chuyện ngày xưa của mẹ tôi - Tiểu Nguyệt
Cuồng si - Võ Công Liêm
Người về - Trần Yên Hòa
Những vết thương hồn nhiên. - Thiện Phạm
Biển không bình yên - Xuân Tuynh
Chuyện ngày xưa của mẹ tôi - Tiểu Nguyệt
Cùng một tác giả
Bỏ mặc con đường (truyện ngắn)
Giả đò ngó lơ (truyện ngắn)
Mùa xuân đầu tiên (truyện ngắn)
Tái hôn (truyện ngắn)
Nhà trên đồi (truyện ngắn)
Nửa thu (truyện ngắn)