Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.097
123.230.166
 
Ở một nơi không có Tết
Hoàng Nga
 
 
Không biết nghĩ thế nào, mẹ lại gọi điện thoại sang cho nàng, nhờ đón đưa người đàn ông ấy. Chị Sa, thoát nợ, cười cười trêu chọc. Mẹ chọn mặt gửi vàng. Bực, nhưng nàng làm thinh không nói gì. Lát sau chắc chừng thấy vẫn chưa đủ hả hê, chị lại cười. Mẹ hiểu lòng mấy đứa con, chỉ dám giao cho bàn tay nhân hậu chứ làm sao dám giao trứng cho ác. Nàng nổi sùng. Quạu. Ngồi im ngó ra sân. Nỗi ức nghẹn, cộng thêm nỗi chán ngán tràn ứ lên làm nóng rát cả mặt nàng. Nàng làm bộ như không nghe chị Sa nói bởi đang bận nhìn ngắm khoảng không gian mơ mòng ở bên ngoài.
Trời tưởng đã hết tuyết cả vài tuần nay, bỗng lắc rắc đổ trắng khắp nơi. Những nhánh thông và dương liễu đang xanh lá ngoài vườn chợt cong oằn, nặng trĩu vì tuyết bám. Mặt đất chỗ nhầy nhụa đen, chỗ lác đác xám, chỗ trắng tinh. Thỉnh thoảng vài ba nhánh cỏ non mỏng mảnh cố vươn mình lên không, bên cạnh những cọng cỏ khô khốc cong queo, những nhánh cây còn đôi ba lá xanh nham nhở, những bụi gai trơ trốc, những chậu cây thối ủng nâu xỉn, không được mang vào nhà đợt rét trước... Tất cả các hình ảnh thơ mộng, lôi cuốn của một mùa đông phương bắc nằm trong trí nàng qua phim ảnh, tranh vẽ thời còn ở quê nhà, gần như đã mờ nhạt sau nhiều năm tháng định cư ở Âu châu, giữa lúc này càng lúc càng biến mất đi.
Nàng lan man nghĩ đến lời mẹ dặn, sau khi đón người đàn ông ra khỏi phi trường, nhớ đưa đi ăn rồi mới chở ông về khách sạn. Mẹ nói công ty của ông lo trước tất cả mọi thứ, từ người đón đưa, đến chỗ ăn nghỉ trong suốt thời gian ông lưu tại thành phố này, nhưng tại mẹ muốn ông gặp ít nhất là một trong những đứa con gái của mẹ. Nàng ngơ ngác tự hỏi. Để làm gì vậy nhỉ? Rồi sau đó tự trả lời với một bộ mặt hết sức rầu rĩ. Thật tình, chẳng biết để làm gì! Nàng nghĩ đến cái cuộc sống thường thường, chìm ngỉm, lặng lẽ của nàng ở nơi này, dẫu thỉnh thoảng vẫn cần một vài sự đổi thay, một vài chấn động lộn xộn nào đó cho bớt nhàm chán, nhưng nếu bảo để thay đổi bằng sự tiếp kiến một người đàn ông lạ hoắc, lạ huơ nào đó theo lịnh của mẹ, phải đón đưa một cách miễn cưỡng ngoài ý muốn, chắc chắn một trăm phần trăm chẳng thể nào nằm trong chương trình của nàng.
Nàng vòng tay lên ôm cổ, cố che một phần tai và mắt của mình ở bên phía chị Sa đang đi lên đi xuống, đi qua đi lại, nhưng rốt cuộc vẫn phải thấy, vẫn phải nghe chị lải nhải. Mai ta lại đi họp nữa rồi. Cái quyết định tuần rồi vẫn chưa ổn với đám công nhân... (Ngắt câu). Thật chán ghê. Suốt đời ta thì chỉ cứ họp với hành như thế này đây (Chấm phẩy). Hết công đoàn qua hãng xưởng, hết hãng xưởng lại đến thợ thuyền... (Chấm lửng). Đình công với biểu tình. Đoàn kết với đấu tranh (Chấm than)...
Hai hàm răng nàng trong đôi môi khép kín phải cố lắm mới không nghiến lại với nhau dữ dội. Nàng không biết nên làm cách gì khác để những lời nghe có vẻ như lảm nhảm, nhưng thực chất đầy "mưu đồ" của bà chị không lọt vào tai mình một cách khó chịu. Ai chứ chị Sa thì nàng rành sáu câu. Hiếm thấy chị chấm hết, dứt đoạn một khi đã có ý định gì đó. Kiểu quyết chiến, tiến lên toàn thắng ắt về ta!
Lát sau, chừng như không chịu đựng nổi nữa, nàng co cả hai chân lên ghế xa lông, cằm chống lên gối, sụp mắt nhìn xuống những chiếc móng sơn đỏ của mình, lầm bầm trong bụng. Bảo là toàn những thứ chết tiệt, những thứ cà chớn như vậy, mà dân ăn lương của hãng để ngồi trong cái gọi là công đoàn cho... có giống như chị, sẽ chẳng bao giờ dám nghĩ đến chuyện bỏ việc! Nàng bậm môi, lấy ngón tay di di lên những chiếc móng chân của mình. Ở đời, thường con người ta vẫn hay rủa sả những thứ chết tiệt, thế mà rất nhiều khi lại dựa vào những thứ chết tiệt đó để tránh những việc trời ơi đất hỡi khác. Nàng lườm mắt với lũ móng chân. Và hẳn nhiên sẽ tránh được không ít chuyện phức tạp, nhiêu khê chung quanh mình Chẳng hạn như bỗng dưng sắp sửa phải… đưa đón một người quen của mẹ, thì lại "được" đi họp, "được" đi chống đỡ biểu tình, đấu tranh!
Nàng thở dài, mường tượng ra cảnh mình đến phi trường, tự hỏi, suốt đoạn đường từ phi trường về tiệm ăn, trong tiệm ăn và rồi từ đó về khách sạn, không biết nàng sẽ làm gì, nói gì với người đàn ông nàng chưa hề biết mặt ấy. Bình thường, vốn hay thu mình trong lớp vỏ của mình, khi phải ngồi chung với những người không mấy thân trong các bữa tiệc, hoặc một chỗ công cộng nào đó, là nàng cũng đã lúng túng lắm rồi. Cũng đã không biết mở đầu chuyện như thế nào, hỏi han thiên hạ điều gì để khỏi rơi vào bầu không khí nhạt nhẽo, vô vị. Nàng lắc đầu. Vậy mà, lần này... 
Chưa đưa, chưa đón, chưa đối diện, chưa gặp gỡ, nàng đã biết chắc cái không khí giữa khách và chủ sẽ chẳng đường, bột ngọt cũng lại chẳng mắm muối! Nỗi chán ngán kéo lên đến tận cổ. Nàng ngấy như vừa mới xong một bữa tối đầy ắp những thứ nặng bụng, mỡ màng, sau đó lại bị bắt buộc phải xem một vở kịch dài lê thê được trình diễn bởi những diễn viên hạng bét. Nàng tự trách mình, vì lẽ ra nàng phải nói với mẹ để con tính lại xem sao, chứ chưa gì đã dạ vâng một cách ngoan ngoãn đến là vậy!
Ngồi mãi, nhìn ra ngoài cửa mãi, mệt, và coi bộ không cách gì chịu đựng nổi cảnh chị Sa cứ than vãn một cách hí ha hí hửng như vậy, lát sau nàng bỏ về phòng. Nàng nghĩ, ở riết với bà chị này, chắc thế nào có ngày nàng cũng sẽ nổi khùng! Nhưng nằm cũng không yên, nàng bỗng nảy ra ý định hay là nàng sẽ gọi lại cho chị Khanh, bà chị kế của nàng, nhờ thay thế mình trong vai trò đón đưa bất đắc dĩ này. Tuy nhiên nghĩ lui nghĩ lui, thấy bà chị không biết lái xe, con còn nhỏ, vừa phải mất công giải thích với chồng của chị, người đàn ông ấy là ai, nên nàng đành than ngắn thở dài một mình. Nhăn nhó, mệt mỏi mường tượng ra những phức tạp nhiêu khê, rắc rối của đời sống chồng con, hôn nhân. Những đi, về, trình khai báo cáo. Những lắng lo sợ hãi ghen tuông... Nàng sống độc lập đã lâu. Ngày hai buổi gần như một mình trong phòng tối, chuyện tiếp xúc, gặp gỡ với người khác phái đã hiếm hoi, cộng thêm chuyện phải "đương đầu" với chị Sa thường xuyên, nên cái niềm vui đôi lứa bỗng trở nên tắt nghẽn, hụt chân, không có được một chỗ đứng trang trọng nào trong đời sống của nàng. Bạn bè thì chê nàng lười, không dám bắt đầu một thay đổi, không dám xáo trộn những sinh hoạt vốn đã thành nếp, còn bạn chị Sa nói nàng nhút nhát, không biết tấn công đàn ông.
Nàng ngước mắt nhìn lên trần nhà. Nghĩ ngợi lung tung một hồi, cuối cùng vẫn quay về chuyện cũ. Và bất thần, kêu lên. Chao ơi! Nếu chồng con, ở một vài trường hợp nào đó, là một cái cớ tốt, cái khiên cái mộc, cái mũ cái giáp để che cho mình thoát được những cơn phiền toái của cuộc đời, thì chắc là nay mai, nàng sẽ đi lấy chồng quách cho rồi! Nỗi bực dọc tưởng đã dịu xuống bớt, bỗng quay trở lại một cách gay gắt, khó tả hơn. Nàng cau mày tự hỏi, tại sao lại là mình phải đón đưa người đàn ông ấy nhỉ? Và người đàn ông ấy là ai mới được chứ? Cái tên với âm hưởng nghe quen quen, như lờ mờ thấp thoáng trong ký ức, nhưng bị phủ bọc bởi nhiều lớp sương mù, nên dẫu đã hết sức cố nhớ vẫn không biết là ai, vẫn không biết mình có gặp gỡ đâu đó hay chưa khiến nàng khó chịu. Nàng điểm tới điểm lui mấy chục người quen biết, thân thích với cả ba lẫn mẹ của mình, nhưng sau cùng cũng đành phải vùng dậy chạy ra hỏi chị Sa về "tung tích" người đàn ông.
- Keine Anung! No idea! 
Chị Sa trả lời. Nghe còn tệ hơn là chị nói chị không biết. Nàng mất hứng trở về phòng. Định đi nằm trở lại, nhưng bỗng thấy chán ngán cảnh nằm nhìn tuyết bay lất phất ngoài cửa với nỗi hậm hực, ấm ức trong lòng, nên quyết định thay áo đi ra ngoài. Mùa này, nơi nàng định cư vẫn còn lạnh buốt da. Những cơn gió nhẹ thoang thoảng cũng đủ làm se sắt đôi bàn tay để trần, làm đỏ ửng đầu chóp mũi không thể che kín, và làm tê dại những ngón chân trong làn vớ mỏng. Nàng bước xuống khỏi bậc tam cấp, ngang qua hàng cây chỉ còn trơ những nhánh xương xẩu, đen sậm. Một cụm tuyết bám trên nhành cây bỗng buông rơi xuống trước mặt nàng như tiếng gieo mình của một kẻ chán đời, không còn muốn sống làm nàng giật mình nhìn quanh.
Vậy đó mà mẹ mới nói với nàng hôm qua, là sắp Tết ở quê nhà!
Sắp Tết! Nàng cau mày. Có thể nào là sắp Tết ở một nơi nào đó hay không, trong khi ở bên này nàng đang phải co ro cúm rúm, sáng sáng trước giờ đi làm vẫn phải ra đứng trơ ra giữa trời, cày cục nạo từng mảng tuyết, đập vỡ từng mảng băng đóng kín trên nóc, trên cửa kính xe, rồi khi chui được vào chỗ ngồi, lại phải toát mồ hôi hột gài số, đạp thắng đạp gas, de tới de lui, trườn qua trườn lại trên lớp đá cứng ngắc ở chung quanh!
Là Tết hay chăng khi mỗi chiều về đến ngưỡng cửa, hai tay mang găng thu lu dấu chặt trong túi áo dạ, vẫn thấy những ngón xương gầy của mình đơ đơ ra như gỗ đá. Tết? Là Tết khi năm nào cũng như năm nào, chị Sa cứ đặt mấy cái bánh chưng, kho nồi thịt, mua vài hũ dưa món chay, bày biện lên bàn một vài bó hoa có màu vàng rực rỡ như hoa mai mà người bản xứ dùng để chưng trong những ngày Chúa chết và phục sinh, rồi la lên bai bải với nàng và bà chị kế, Tết.
Là Tết, như vậy đó? Như một sự "lừa dối" không hoàn hảo? Mẹ ở xa, chắc chẳng bao giờ biết được Tết ở đây dẫu đã "khá" hơn, so với những năm chị em nàng mới vừa đặt chân đến, đã có vẻ đượm hương vị quê hương hơn nhờ những mảnh lá chuối, lá giang còn khá tươi xanh nhập từ Thái Lan sang, gói bên trong những tấm bánh chưng lớn. Hay sẽ nói nhờ những chai nước mắm Phú Quốc bày tràn lan trên các kệ tủ các cửa hàng thực phẩm Á châu, nhờ dưa hành, dưa món đóng hộp, nhờ phong bì lì xì đỏ rực màu phẩm in hình rồng phượng. Hoặc nhờ người bản xứ bắt đầu đi du lịch Á châu nhiều hơn, biết về phong tục tập quán Á châu nhiều hơn, nên thỉnh thoảng đã có nơi cho phép nhân viên được lấy một ngày nghỉ vào dịp này...
Nhờ gì gì nữa nàng không biết được. Nhưng Tết, là với ai khác, chứ với nàng, quanh đi quẩn lại, năm nào cũng chỉ là những bữa tiệc bù khú của các cặp vợ chồng, các chuyên viên phê bình chuyện thiên hạ, bạn của chị Sa. Cũng chỉ hai gương mặt miễn cưỡng, chán ngắt đến khó chịu của vợ chồng chị Khanh. Cũng vẫn cái không khí thiếu đằm thắm thuận hòa giữa các chị em nàng và ở ngoài đường cũng vẫn không bao giờ có chút hơi hướm của những ngày hội.
Nàng vung chân đá một cục đá nhỏ còn phơi mình lộ thiên, lăn ào xuống chân dốc, đụng vào thanh sắt làm giá đỡ cho thùng thư công cộng làm vang lên một tiếng động rất lớn và rất rõ giữa bầu không khí lạnh tanh, vắng lặng, im ắng như tờ. Một con chim mùa đông không biết đang nấp ở xó xỉnh nào đó, bỗng giật mình kêu lên, rồi lao vút đi. Nàng cũng giật thót cả mình, nhưng sau đó lại bật ra một tiếng cười thỏa thuê, hả dạ một cách hết sức... tiểu nhân, bởi những tác động mình mới vừa gây nên cho chung quanh.
Cho hai tay vào túi áo dạ, nàng bước xuống đường, trí bừng bừng nóng sốt những ý nghĩ, những suy tư chưa bao giờ có trước đây. Nàng nhận ra là gần cả nửa đời, mà hình như nàng không bao giờ biết cự tuyệt bất cứ một chuyện gì quyết liệt trước những ý muốn của người thân. Hình như chỉ trừ vài ba cái cau mày, một tiếng chặc lưỡi, một đôi câu phản đối không đáng kể, rồi cuối cùng vẫn là sự im lặng nín chịu, và vẫn sẽ răm rắp thực hiện những điều mình hoàn toàn không đồng ý. Nàng nhớ mãi cho đến năm ngoài hai mươi tuổi, có việc làm đàng hoàng, có riêng một tài khoản trong ngân hàng để công ty chuyển tiền vào mỗi tháng, nàng mới được đi mua sắm quần áo, nữ trang theo ý riêng. Nàng tự hỏi không hiểu sao nàng lại nhu nhược đến độ chẳng bao giờ dám từ chối những điều mình không muốn đã đành, mà cũng chẳng bao giờ dám thực hiện điều mình mơ ước. Nàng nghĩ đến chuyện nhiều lần muốn đề nghị với chị Sa một giải pháp nào đó để tránh cảnh hai chị em không hợp tính hợp tình mà vẫn phải ở chung với nhau như thế này, nhưng rồi cuối cùng chẳng bao giờ nói ra. Nàng hoàn toàn không biết bắt đầu ra sao với chị Sa, nhưng tệ hơn nữa là lúc nào nàng cũng thấy áy náy, cũng sờ sợ thể như nàng sẽ làm một điều gì đó có lỗi lắm đối với chị.
Nàng ngước nhìn bầu trời xám trắng. Nghĩ đến những cá tính dị biệt, cứng cỏi, độc đoán của chị Sa, rồi tự hỏi lòng, không biết sự thuần phục mang đầy tính chất chịu đựng "phần số", chấp nhận, đầu hàng người khác cách dễ dàng như mình, là bởi vì nàng quá hiền? Ngoan? Hay nhu nhược? Trong một thoáng, trí nàng bỗng hiện ra nỗi "thống khổ" của thời thơ bé ở quê nhà mỗi bận Tết đến. Nàng nhớ rõ như in cái kiểu quân phiệt áp đảo của chị Sa khi khăng khăng muốn mẹ may sắm cho ba chị em những thứ quần áo giống hệt nhau vào dịp Nguyên Đán làm lũ bạn thường xúm lại trêu nàng con bà sơ, dân cô nhi viện khi thấy ba chị em nàng xuất hiện ở đâu đó, đi chúc Tết, đi chơi chung với nhau. Nàng cũng nhớ cả sau này, khi chị Khanh dãy nảy lên nhất định không chịu mặc quần áo "cô nhi viện", nhưng nàng thì vẫn không thể thoát khỏi chuyện phải tuân theo cặp mắt thẩm mỹ của chị Sa.
Tết, đã có biết bao nhiêu cái Tết, chờ đợi cả năm trời để được diện quần áo mới, giày dép mới, mà cuối cùng lại chẳng hề muốn ra đường...
Nàng chép miệng. Thở ra. Và rảo bước xuống con dốc. Tự dưng một cảm nghĩ hết sức  buồn cười và trẻ con bật ra trong trí nàng. Nàng nghĩ giá mà nàng có một đứa em, đứa cháu nào đó dưới "cơ", dưới trướng, để lúc ấm ức, bực bội, còn có cơ hội chém xuống được cái "thớt" ấy cho bớt giận, như chị Sa vẫn thường áp dụng đối với nàng và chị Khanh hồi nhỏ thì chắc là sẽ... đỡ khổ lắm! Nàng ấn mạnh gót giày lên đường. Những cụm tuyết dưới chân nàng xột xoạt kêu lên những tiếng nhỏ như than oán. Nàng thấy mình cũng muốn kêu lên những tiếng than oán khi lẩn quẩn nhớ đủ thứ chuyện xưa cũ, quá khứ xa, quá khứ gần, rồi lại nhớ đến lời dặn dò của mẹ hôm qua. Nếu có thể được, con đưa bác đi mua sắm chút ít gì đó mang về làm quà Tết. Quà Tết? Cố nghĩ mãi nhưng vẫn không ra cái liên hệ giữa gia đình nàng và người đàn ông ấy để có thể định mức độ thân thiện, nàng không muốn phải la lên một, hai tiếng cho đỡ ấm ức. Quà! Quà gì bây giờ! Quà cho ai? Một người? Hai người? Năm bảy người? Hay cả nhà? Nàng dậm chân xuống mặt đường. Chao ơi, làm sao mà mua được một thứ quà Tết nào đó ở một nơi không có Tết như thế này?!
Đi mãi, mỏi chân, nàng mới nhận ra mình đã lang thang xuống đến tận đầu phố. Nàng dừng lại trước một hàng hiên của cửa tiệm tạp hóa, đứng ngơ ngác nhìn ra đường. Chúa nhật, phố xá đìu hiu chẳng khác gì bức tranh quê vẽ cảnh chợ chiều trong cuốn sách giáo khoa của nàng ngày còn nhỏ. Chỉ trừ những tiệm ăn lớn, ở đây, vào cuối tuần, tất cả các hàng quán khác đều đóng cửa im lìm, bên trong nhờ nhờ tối một cách buồn bã. Nàng đảo mắt ngó quanh quất một hồi. Xe cộ ngoài đường thỉnh thoảng lắm cũng mới có một chiếc chạy qua, với tiếng động cơ đều đều vang lên một cách đơn điệu, lạc lõng khiến nàng chợt nghĩ đến cái không khí chiều ba mươi Tết ở quê nhà bằng một thứ ký ức và trí nhớ rất đáng ngờ. Nàng tự hỏi, trời sắp Tết mà lòng người... chẳng Tết là tâm trạng của nàng hiện nay hay chăng?
Nàng bước tới vài bước. Dự định sẽ đi đến nhà chị Khanh bằng một chuyến xe bus vừa trờ tới sau khi nhận ra hình như nàng cũng chẳng có một chỗ nào đó, trừ nhà mình và nhà chị Khanh để qua lại, tới lui. Nhưng đi được nửa đoạn đường, nàng bắt đầu hết muốn giữ ý định cũ, nên xuống xe, ghé tạt vào thùng báo bên lề đường mua một tờ báo lá cải, rồi cuối cùng là rẽ vào một quán cà phê tình cờ mở cửa gần đó. Nàng gọi một ly trà, một miếng bánh rồi chống cằm ngồi nhìn ra cửa sổ y hệt như một kẻ thất tình. Nàng nhẩm tính và tự nhủ, trừ những ngày phải đón đưa, dẫn lối chỉ đường cho người đàn ông quen biết thế nào đó của mẹ ra, nhất quyết là nàng sẽ dùng những ngày nghỉ còn lại trong năm này để làm một chuyến đi xa trong dịp Nguyên Đán. Nàng cắn hai hàm răng lại với nhau. Dứt khoát là phải biến cho xa khỏi cái tầm thường mỗi năm, phải thoát cho bằng được cái khuôn vàng thước ngọc của chị Sa! 
Nhưng liền ngay sau đó, nàng cảm thấy mệt đến không muốn cả thở ra hít vào. Nàng hỏi thầm. Mình sẽ đi đâu bây giờ cơ chứ? Không lẽ chỉ lật bản đồ ra, kiếm một địa danh nào đó không nằm ở cái đất Âu châu này, rồi moi móc một cái địa chỉ, một số phone, cố nhớ đến một kẻ... vô phúc, gọi tới, bảo rằng muốn gặp ai đó trong của gia đình họ. Và cuối cùng, lên máy bay? Hay khoanh đại, đánh dấu đại một bờ biển, một thành phố nổi tiếng hay không cần nổi tiếng nào đó rồi mua một tour du lịch!
Nàng sụp mắt xuống ly trà pha sữa nhờ nhờ đục một cách giận dỗi, như trẻ con hờn mẹ. Mà thường đi du lịch như vậy, cũng hiếm khi có tour dành cho một người! Nỗi bực bội lại trở về với nàng. Nàng nhớ tới cái ‘nhiệm vụ” bất đắc dĩ trong những ngày sắp tới. Đi chơi ở đâu, với ai, thì còn chưa biết được nhưng trước mắt lại sẽ phải ra phi trường, phải chờ đợi, phải đón đưa khổ ải... 
Nàng đẩy tách trà đã hết ra một bên, gọi thêm tách nữa, quyết định chiều nay sẽ "bám trụ" cái quán cà phê này cho tới lúc chán hơn chán... chị Sa, mới đứng dậy đi về nhà. Và nghĩ là làm, nàng mở tờ báo, bắt đầu đọc từ trang thứ nhất cho đến trang trong một cách hết sức tỉ mỉ tẩn mẩn. Đến mục tử vi, cái mục mà chẳng bao giờ nàng ngó tới, nhưng lần này thì dừng lại, đọc tới đọc lui đoạn dành cho ngôi sao chiếu mệnh của mình.
"Bạn rất được ưa thích vì sức làm việc, nhưng người ta không ưa con người của bạn. Tại sao vậy? Bạn có bao giờ nghĩ đến điều này hay không?".
Nàng ngẩn người. Và mặc dù nàng rất ghét cái trò tử vi, ghét ba chuyện bói toán vớ vẩn rẻ tiền, nhưng tự dưng mấy câu như vậy bỗng khiến nàng ngẩn ngơ. Nàng tự hỏi có nên hay chăng, chuyện suy gẫm về con người của chính mình một lúc nào đó? Có nên tự vấn mình tại sao thiên hạ không ưa mình?
Nàng buông tờ báo nhìn ra ngoài. Nhủ thầm, mà ai nghĩ gì về mình và không ưa mình thì... thây kệ người ta, mắc mớ gì phải suy với ngẫm! Tuy nhiên ngồi mãi một lúc, nhìn mãi những bông tuyết trắng đã hết còn bay trong không mà bắt đầu tụ lại trên hè phố và trời bắt đầu xuống thấp, dần tối, nàng bất chợt thấy nao dạ. Bất chợt nàng nhận ra hình như đời sống nàng cũng nhờ nhờ tối, cũng buồn bã như cái bầu trời mùa đông ở nơi đây.
Nàng xác xao thấy chừng như mình không giống với bất cứ ai thì phải. Nàng nghĩ đến chị Sa, đến chuyện thỉnh thoảng chị vẫn còn có một người nào đó để hẹn hò, cãi cọ và chia tay. Thỉnh thoảng còn có dịp đổ ra những giọt nước mắt vui sướng hay sầu tủi nghẹn ngào. Trong khi nàng thì cơ hồ xuân hạ thu đông đều giống hệt như nhau. Hoàn toàn chẳng có gì thay đổi...
Nàng trả tiền, đứng dậy bước ra ngoài, chậm rãi đi trên hè phố đã bị tuyết lấn chiếm hết gần phân nửa lối. Bâng khuâng tự hỏi, không giống bất cứ người nào, không muốn giống bất cứ người nào như nàng, thì có gì... sai trật không nhỉ.
Và không thích những cái Tết "giả vờ" ở một nơi chẳng có Tết như thế này, thì nàng có... “lỗi” gì, với con người, với đất nước, với quê hương, với văn hoá, và với vân vân và vân vân hay không?
 
                                                                                                  
 
Hoàng Nga
Số lần đọc: 1778
Ngày đăng: 05.01.2018
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Tình yêu và sự hy sinh - Võ Tu Bông
Giả đò ngó lơ - Hoàng Nga
Truy vấn - Phương Uy
Thằng khùng bên cửa sổ - Ngô Lạp
Ngôi sao lạc - Ngô Lạp
Bỏ mặc con đường - Hoàng Nga
Ấm áp mùa Noel - Phan Trang Hy
Chuyện ngày xưa của mẹ tôi - Tiểu Nguyệt
Cuồng si - Võ Công Liêm
Người về - Trần Yên Hòa
Cùng một tác giả
Bỏ mặc con đường (truyện ngắn)
Giả đò ngó lơ (truyện ngắn)
Mùa xuân đầu tiên (truyện ngắn)
Tái hôn (truyện ngắn)
Nhà trên đồi (truyện ngắn)
Nửa thu (truyện ngắn)