Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.185
123.217.916
 
Giá trị nhục cảm (phần 2)
Bùi Đức Hào
 
                                                                                                
        « L’érotisme est une poétique corporelle et la poésie une érotique verbale
         (Tính nhục cảm là một thi pháp thân thể và thi ca là một nhục cảm pháp ngôn từ) » 
               (Octavio Paz)
                                                                                                                                                
                                                                             
II. Đôi nét về nhục cảm trong hành trình văn minh nhân loại : từ chứng tích đến suy nghiệm 
 
 
Nhục cảm đi đôi cận kề với tính dục (sexualité) ở khởi điểm, nhưng lại tách biệt hoàn toàn ở đích đến : nó không hề lấy chuyện sinh sản, duy trì dòng giống làm cứu cánh. 
 
Điều này đánh dấu một bước tiến lớn trong nhận thức của con người về vai trò thực tế quan trọng của thân xác giữa lòng thế giới khả sắc (le sensible). 
 
Trăm sắc thái một hằng số nhân học
 
Thuở ban sơ, trước vô số những huyền nhiệm vượt ngoài tầm hiểu biết, con người tìm cách bảo vệ và tôn vinh sự sống bằng mọi giá, đến độ có cả tục thờ bộ phận sinh dục nam nữ, như ta vẫn còn thấy ngày nay ở một số dân tộc. Rộng lớn hơn, việc giao phối âm dương được sùng bái nâng lên đến mức đất trời, mà sự thỏa đáp viên mãn được tin là sẽ đem lại mưa thuận gió hòa cho mùa màng cây trái, là điều kiện cốt tử để nhân loại cùng vạn vật tồn sinh. 
 
Song, như được minh chứng qua hàng loạt tượng khắc trên các đền đài nổi tiếng ở Khajuraho (Ấn Độ), nhục cảm dần dà chiếm vị trí chủ chốt : những tư thế dáng điệu nhân vật trong các cảnh được trình bày – với sự tham dự của cả thú vật trong vài trường hợp – hiển nhiên cho thấy là không nhằm phục vụ việc sinh sôi nảy nở nào hết, cũng như chẳng dính dáng gì đến nội dung tín ngưỡng ban đầu. 
 
 
                                                      
            
    Những chạm trổ trên tường đền Lakshmana (tk X) ở Khajuraho 28
 
 
Nghệ nhân ở đây chỉ minh họa một sự thật sâu đậm khác, được thể hiện đặc biệt qua tác phẩm độc nhất vô nhị Kamasutra 29, ra đời từ khoảng năm thế kỷ trước đó : nhục cảm chính thức được đăng quang, và danh nghĩa thờ sinh thực khí nếu không là cái cớ thì cũng chỉ còn là một bóng mờ, giữa vô số những mốc tiến hóa trải từ buổi bình minh nhân loại.
 
Trên phương diện này, tính phổ quát còn được thể hiện ở chỗ, ngoài Ấn Độ, nhiều xứ khác – như Pérou 30, Hy Lạp, Ý (La Mã và vùng lân cận) – cũng đã là nơi những biểu đạt nhục cảm không chủ đích sinh học được khắc ghi từ rất lâu đời, ví dụ trên các bình gốm cổ (nhất là của vùng attique, trực thuộc thành Athènes) như trong hình dưới đây 31. 
 
 
                                                          
  
  Cảnh nhảy múa komos 31 trên một lọ gốm Hy Lạp, khoảng 560 năm trước Công Nguyên (tr. CN)
 
 
Phong phú hơn nữa, và đi trước những tranh in (estampes) Nhật 32 chừng hơn… hai chục thế kỷ, toàn bộ những tác phẩm tượng hình (figurés) khai quật ở Pompéi 33(cũng như ở Herculanum34 tuy thành phố này ít tuổi hơn) là cả một kho tàng lịch sử về nhân học, xã hội học cũng như về nghệ thuật La Mã, kế thừa của nền văn minh cổ Hy Lạp.
 
 
Mặt khác, do con người là sinh vật có tư duy và luôn cần nâng cao hiện hữu bằng siêu nghiệm (transcendance) 35 cho nên, trở lại với bán-lục địa hai sông Ấn Hằng, ta dễ nhận ra rằng trên đất Bà La Môn nhục cảm còn được tô đắp thêm bằng một chiều kích tâm linh nào đó : trường phái Tantra 36 từ ấy ra đời, mà trong số những « hậu duệ » của nó, ta có thể kể đến nhân sinh quan nặng tính « duy sắc » được Osho khai triển ngày nay.37
 
Không xa xứ sở yoga cho lắm, người Hy Lạp cổ đại như vậy – vốn không chút thua kém về óc tưởng tượng và lý luận – đã có nhiều sáng tạo đáng ngạc nhiên trong lãnh vực nhục cảm, không dấu diếm che đậy hay chỉ dành riêng cho giới quyền quý như ở các nước khác (và khía cạnh này dường như không phải là không có liên hệ, hoặc tương thích, với ý niệm dân chủ mà quê hương của Homère, Socrate cũng chính là đất khai sinh).
 
Có thể nói kỳ công của dân tộc Hy Lạp là họ đã để lại cho nhân loại một di sản đồ sộ chẳng những về tư tưởng và nghệ thuật như ta đã biết mà cả về đời sống cụ thể vật chất, về cách sống tự do thoải mái hàng ngày, qua việc họ đã khôn khéo tháo gỡ được nghịch lý những đối lập – tuy tầm thường nhưng kinh niên dai dẳng – giữa một bên là nhục cảm và bên kia là xã hội thị phi quen thói bày trò cấm kỵ, một triệu chứng thường thấy ở những cộng đồng người khi họ bắt đầu tự cho rằng phải đặt ra phép tắc khó khăn để chứng tỏ mình đã vượt khỏi giai đoạn « bán khai ». 
 
Bằng cách nào ? 
 
Trước hết, theo thiển ý, chính là bằng huyền thoại. Thần thoại Hy Lạp chứa đựng nhiều ý tưởng mạnh bạo – lắm khi tàn bạo – và đầy điều mộng ảo, kỳ quái, với đặc trưng chủ yếu này : họ tự do dựng ra hình ảnh thần linh, trần truồng thân thể và mang đủ mọi cá tính kể cả những thói hư tật xấu – thậm chí những tội lỗi…« tày trời » nhất – của người trần tục. Nhờ đó, mọi sự diễn ra theo một trình tự khá thuận lợi cho sự nhận diện trọn vẹn và đầy đủ những điều thường hay bị chôn vùi, ẩn dấu trong nhân giới. 
 
Trần truồng thân thể, ở đây, đồng nghĩa với hiện hữu chân thật trong suốt, với sự trình hiện của mọi chi tiết như nó là – bao gồm những gì sâu kín, toàn diện và riêng biệt nhất, mà mỗi cá thể mang trên người – không qua trung gian, không nấp dưới bất cứ một lớp sơn nào, kể cả văn hóa (mà y phục chính là một biểu hiện).    
                                                                                                  
       

         

 Tượng thần Apollon tại dinh Belvédère (Vatican)                                         

  [bản sao La Mã theo bản gốc Hy Lạp (tk IV tr.CN)]                                   

 

                             

 
 
 
      Chiến thắng của hai vợ chồng thần Neptune và Amphitrite
      [tranh khảm La Mã tại Constantine, Algérie (tk IV)]
 
 
                             
                                                                                                                                         
 
 
              
          
 
Bước thứ nhất, họ « cởi trói » cho mọi hình ảnh, ý tưởng cùng cực, phi đạo lý – có khi loạn luân (xem vài tranh dưới đây) –, gớm ghiếc tàn tệ nhất, khiến những thứ ấy vô hình trung được thẳng thắn đề cập, phơi bày giữa thiên bạch nhật, chứ tuyệt nhiên không dấu diếm theo lối đặt điều cấm kỵ thường thấy ở xã hội khác : bởi nó đến từ… thần giới ! 
 
 
                  
                     
                                                           
  Nữ thần Vénus ngoại tình bị chồng là thần Vulcain bắt gặp khiến thần Mars phải chui trốn – LE TINTORET (1551)
 
             
                      
   Thần Ouranos (Uranus) bị chính con trai là thần Cronos (Saturne) thiến sống – Giorgio VASARI (tk XVI)
 
 
                                                      
  Ẩn dụ «Chiến thắng của Vénus» 38 (với con là Cupidon) – BRONZINO (~1545)
 
Một dẫn chứng điển hình là vấn đề đồng tính luyến ái và/hoặc ấu dâm 39, mà Hy Lạp trên thực tế là xứ phổ biến nhất – mặc dù không mang cùng ý nghĩa như ngày nay –, bắt đầu bằng chuyện thần Zeus bắt cóc Ganymède (với nhiều tranh, tượng còn để lại) rồi sau đó mới được đề cập qua một số những tác phẩm bất hủ như Le Banquet 40 của Platon, đặc biệt với cặp đôi nổi danh Socrate/Alcibiade.
 
Chính hoàn cảnh đó khiến Hy Lạp là nền văn minh đầu tiên – và có lẽ duy nhất – đã để lại một kiệt tác điêu khắc trên chủ đề con người lưỡng tính, mang tên Hermaphrodite say ngủ 41, tuy là đến thẳng từ thần thoại của họ nhưng đồng thời cũng ít nhiều gợi ra một cách tinh tế tính chất hai mặt, đôi chiều (ambivalence) của vấn nạn giới tính và bản thân đời sống con người.42
 
                                      
                                         
 
  Hermaphrodite say ngủ [bản sao La Mã (tk II) làm theo bản gốc Hy Lạp trước đó 4 thế kỷ] 
 
Xin mở ngay một dấu ngoặc ở đây : với cái nhìn hiện nay, phải chăng lối “giải phóng tư tưởng” này có tác dụng “đuổi tà” (exorciser) hoặc ít ra cũng có hiệu ứng phá đi triệu chứng “dồn nén bệnh lý” theo nghĩa phân tâm học, cuối cùng đem lại được sự tự nhiên cởi mở và một phong cách hồn nhiên nào đó – ở mức vĩ mô – cho “tâm hồn” xã hội ? Mặt khác, ta cũng đừng quên rằng catharsis 43 vốn là thao tác quen thuộc trên đất nước của Aristote, người đã lập thuyết về nó và là một trong những nhà tư tưởng lớn nhất của nhân loại…
 
Bước thứ hai, xảy ra liên tục trong suốt cả ngàn năm sau – từ Hy Lạp, La Mã cho đến các nền văn minh phương Tây khác –, đó là : tất cả những phản ánh nghệ thuật thiên thân xác nhất đều được tự do sáng tác và trưng bày mọi nơi, kể cả ở giáo đường.44 Lý do hết sức đơn giản và lôgíc, không ai bắt bẻ được : nghệ nhân chỉ minh họa, nếu không phải chuyện Kinh Thánh thì cũng chỉ là… cổ tích thần thoại. 
                                              
           
  Adam và Eve bị đuổi khỏi Thiên Đàng, MICHEL-ANGE (bích họa vẽ ~1509/10 tại nhà thờ Sixtine, Vatican)
 
  Bước thứ ba – gần như một quy trình tái chế (recyclage) – không còn tùy thuộc vào người Hy Lạp nữa, mà đến từ hào quang quá khứ vàng son của họ, đó là sự quay về với « khuôn vàng thước ngọc » Hy-La trên khắp châu Âu, lần thứ nhất vào thời kỳ Phục Hưng và lần thứ nhì vào giai đoạn tk. XVII- XVIII dưới màu cờ chủ nghĩa cổ điển 45. 
 
Một hệ quả đáng lưu ý của trào lưu này là sự kiện tranh lịch sử (chủ yếu là thần thoại Hy-La) đã từng được chính thức xếp vào hàng cao quý nhất (và duy nhất được phép trình bày lõa thể) trong số năm thể loại đề tài mỹ thuật ở Pháp theo những tiêu chuẩn quy định bởi Viện Hàn Lâm Hoàng Gia về Hội Họa và Điêu Khắc (tk XVII-XVIII) 46: một đồng minh mới, đầy quyền lực, hỗ trợ cho khuynh hướng biểu hiện nhục cảm thời ấy (và, trong một chừng mục nào đó, biện minh cho lớp sau này), kể cả dưới dạng những chứng tật hoặc hành vi thái quá của thần linh còn được lưu truyền. 
 
Trường hợp lạ lùng của huyền thoại Leda 
 
 
Trong thần thoại Hy Lạp, chuyện nàng Léda– vợ vua thành Sparte bị thần Zeus giả dạng hóa thiên nga cưỡng hiếp – là một ví dụ khá đặc biệt : việc giao hợp giữa người và thú, ai cũng biết là tối kỵ, thế mà dưới cái « nhãn » thần thoại, nó được khai thác triệt để bởi cả một… « đạo quân » nghệ sĩ tạo hình lừng danh trong lịch sử ; có người còn làm nhiều phiên bản khác nhau nữa, như thể nếu chỉ có một là chưa đủ !
 
Quả vậy, bản kê khai tác phẩm sẽ dễ thành “tràng giang đại hải” : từ thế kỷ XVI với Léonard de Vinci (nguyên bản bị mất), Michel-Ange (~1530 [nguyên bản bị mất] và 1535), Le Corrège (1531/32), Le Tintoret (1555) v.v. đến thế kỷ XX với Gustav Klimt (1917), Otto Dix (1919), Dali (1949) v.v., qua những Rubens (1601/02), Nicolas Poussin (tk XVII), Jean Thierry (1717), Géricault (1816/17), Delacroix (1834), Gustave Moreau (1865), Clésinger (1864), Carrier-Belleuse (1870), Cézanne (1880/82), Ingres (1867)… Những sáng tác giá trị thay nhau ra đời tại nhiều nước khác nhau trên châu Âu 47, từ cố đại Hy La cho đến đương đại thế kỷ XXI, thế mà dường như vẫn… “chưa tát cạn nguồn” : quả là một sự gợi hứng vô biên, hi hữu !
 
Tuy nhiên, trong khuôn khổ bài viết này, ta sẽ không đi tìm lời lý giải, mặc dù lý thuyết của Freud đề cập ở phần cuối sẽ cho ta những chìa khóa cần thiết. Chỉ xin nêu lên ở đây mấy nhận xét nhỏ, dễ thấy trên bề mặt vài tác phẩm trong số – gần như… không đếm xuể – những kiệt tác thường được nhắc đến. 
 
Trước tiên, ta hãy thử quan sát tác phẩm tạm gọi là “nguyên thủy” – hoặc ít ra cũng là xưa nhất – trong danh sách vừa nêu, qua hình chụp dưới đây. Vóc dáng điệu bộ của thần Zeus đội lốt thiên nga quả là bao trùm, trấn áp, cuồng bạo, trước một nàng Léda khép nép co ro, bị vùi dập, cưỡng bức : tất cả tính đối cực, tương phản giữa bạo liệt và nhẫn nhục trên hai đối tượng khác nhau đều toát ra từ bức phù điêu một cách tức thì, tự nhiên, nghĩa là hoàn toàn trung thành với tinh thần truyện gốc. 
 
                                                               
                                                       
  Phù điêu thời kỳ Hy Lạp hóa [hellistique] (có thể xưa hơn tk II tr.CN)
 
Ngược lại, điều cơ bản chủ yếu này sẽ gần như biến mất trong hầu như toàn bộ các thế hệ nghệ phẩm về sau dẫu cho có cùng tên gọi. Trường hợp họa phẩm của François Boucher (1703-1770) chẳng hạn là một ví dụ trong chuỗi dài những ví dụ có thể được đơn cử : huyền thoại Léda chỉ là cái cớ cho họa sĩ rococo hàng đầu này của Pháp tập trung lột tả khía cạnh nhục cảm, được chuyển tải ở đây đặc biệt với sự hiện diện của một người đàn bà thứ hai trong tranh, hoàn toàn xa lạ so với huyền thoại. Chủ ý đó của tác giả được khẳng định thêm qua việc vài năm sau ông vẽ lại nhân vật nữ này, sau khi đổi màu tóc và khung cảnh, trong một bức họa gần cùng dáng điệu – tựa đề L’Odalisque brune – đã từng làm chảy nhiều bút mực 48, như được đối chiếu dưới đây. 
       
 
                                                                                      
 Léda và Thiên Nga (1741) – François BOUCHER   
 
                                        
   Người tỳ thiếp tóc đen (~1743/45), cùng một tác giả
 
 
 
Tuy nhiên, trên phương diện này, có người như nhà văn Pháp đương thời Philippe Sollers, đã không ngần ngại nói thẳng thừng quan điểm của mình, đánh giá phiên bản Léda của Véronèse mới thực sự đáng được xem là « một trong những họa phẩm đẹp nhất thế giới ».49      
                                                                           
Chủ quan vốn là đặc trưng của nghệ thuật và sự thưởng ngoạn. Song, phải nhìn nhận rằng, nếu trên bức phù điêu cổ đại con nga thần uy vũ, chiếm lĩnh gần trọn hết không gian thì, trong tác phẩm của nhà danh họa Cộng Hòa Venise thế kỷ XVI này, thời gian như dừng lại. Mọi cảm xúc êm ái ngưng đọng trên nhân vật Léda lộng lẫy quyền quý. Từ những lọn tóc óng ả đến làn da tươi mát. Từ mi mắt hờ khép đê mê đến ngón tay nuột nà cương mọng… 
 
Hơn thế nữa, cái đẹp trong tranh còn vượt cao lên trên thân xác, nhờ ở nét tỏa sáng của vầng trán, mái đầu, của phong cách vương giả trên từng chi tiết điểm trang dành riêng cho cành vàng lá ngọc, như một ký hiệu văn hóa không thể nhầm lẫn : nghệ sĩ theo đuổi một mục đích khác hơn là việc lập lại thần thoại !        
                        
                                                                                                                                                                                                                                                     
 
Léda và Thiên Nga (1585) – VẺRONÈSE (1528-1588)
  
                                                                                                                                                
 
Trước một kiệt tác như vậy, người ta chỉ có thể tâm đắc với nhận xét tổng quát của khách sành điệu René Hughe về trường phái Venise :
 
« […] la beauté qu'elle poursuivit ne fut plus une conception de l'esprit, mais un enchantement du regard ; elle naît de la volupté d'une chair plutôt que de l'exacte harmonie d'un corps et de ses proportions (cái đẹp mà họ theo đuổi hết còn là một quan niệm của trí tuệ, mà là một sự mê thú của cái nhìn ; trường phái này ra đời từ niềm hoan lạc nhục thể nhiều hơn là từ sự hài hòa chuẩn xác của một thân thể cùng những tỉ lệ cân đối của nó) ».
 
Niềm hoan lạc đó không có biên giới, không mốc thời gian. Có lẽ cũng chính nó – trong một bối cảnh nào đó – đã xâm chiếm tâm hồn Huy Cận tài hoa của chúng ta, đưa chàng đến bến bờ diễm tuyệt, qua những vần điệu ngây ngất, nên thơ, nghe chừng rất xứng hợp với người đẹp trong tranh Véronèse : 
 
Ngực trắng giòn như một trái rừng
Mắt thì bằng rượu, tóc bằng hương…    (Hồn Xuân) 
 
 
Từ ngôn ngữ thân thể đến diễn ngôn nhục cảm
 
 
Thân thể, nói như Thánh Paul trước khi bị ý thức hệ chống thân xác chi phối, là « đền thiêng của Chúa Trời »50. 
 
Ngôn ngữ thân thể, vì thế, đáng được xem như thuộc về bí nhiệm, là bản năng không lời, là trực cảm giữa bên phát và bên nhận : nó là sự kiện nhân văn khởi thủy, vốn có đó từ lâu, chẳng phải bây giờ mới xuất hiện như ta tưởng.
 
Và một khi thành lời thì, như chương Nhã Ca (Cantique des cantiques) 51 trong Kinh Cựu Ước, nó dễ trở thành khúc hoan ca về sự cuốn hút của thân-thể-đền-thiêng kia, nghĩa là của con người bằng xương bằng thịt, có khả năng tận hưởng và biết vinh danh hương hoa nhựa sống cuộc đời. 
 
Hình như chính vì vậy mà nhà điêu khắc thiên tài Gian Lorenzo BERNINI (Le Bernin) ngay cả khi tạc tượng tôn giáo Thánh Thérèse xuất thần đã không quên lưu dấu nhấn trần gian trên nét mặt và từng chi tiết mỗi ngón chân tay của nhân vật hóa thân, khiến không ít tác giả 52-54 về sau đã mạnh dạn gợi lên sự liên tưởng – tức thì, chân thật, nhưng « ngoại đạo » – đến trạng thái khoái lạc tột cùng của một người thường trong giây phút nhập đỉnh yêu đương. 
 
 
                                                      
 
 Trạng thái xuất thần của Thánh Thérèse ((1647-1652) – Gian Lorenzo BERNINI (1598-1680)
 
 
Nhưng « ngoại đạo » siêu hạng – do quan điểm cách mạng so với thời đại –, thì ít ai bì kịp nhà bách khoa Diderot (1713-1784) của Pháp, người nối tiếp truyền thống nhân bản và tự nhiên chủ nghĩa từ Montaigne, bởi bằng chữ nghĩa ông đã đi xa hơn Le Bernin nhiều. Qua cuốn tiểu thuyết-hồi ức La Religieuse 55, một trong vô số những cống hiến đa diện đến từ bộ óc lỗi lạc của thế kỷ Khai Minh này, tác giả dám để lại trên giấy trắng mực đen những lằn chớp nhục cảm – dữ dội nhưng trung thực – đã gây nên chấn động một thời…
 
Ta vừa nói đến hương hoa nhựa sống cuộc đời : người Hy Lạp cổ đại đã biết không bỏ lỡ cơ hội tận hưởng nó, đặc biệt bằng ca múa vui chơi, như tục làm vũ hội komos cho nam giới mà ta đã thấy. Thêm vào đó, họ còn có lễ hội Bacchanales 56, nơi tung hoành tỏa sáng những nàng kiều nữ bacchantes, là một trong những đối tượng tạo hình rất được ưa chuộng ở phương Tây, từ lâu đã đi vào « đền thiêng » lịch sử nghệ thuật, nhờ tài nghệ của nhiều họa sĩ và điêu khắc gia lừng danh, mặc dù đôi khi có thể ít nhiều gây « scandale » trong dư luận tại một thời điểm nào đó (như trường hợp tác phẩm Femme piquée par un serpent của Clésinger dưới đây). 
 
                     
 Nàng bacchante nằm sõng soài trên thảm nho (1848)     
 
                                             
 Người đàn bà bị rắn cắn 57 (1847), 
                                                                                                                                                                       
  tiền thân của tượng cạnh bên                                                                                                                                                                                                                                                                   
        Auguste CLESINGER (1814-1883)                                                                          
             
 
                 
 
 
 
                                        
                                                              
 
     Lễ hội bacchanale ở Andros (1523-1525) –TITIEN (~1488-1490)     
 
                                         
Cơn mơ (1932) – PICASSO (1881-1973)
 
 
 
Ngôn ngữ thân thể, như thế, là nét chung cho nhiều thế hệ nghệ sĩ trong quá trình sáng tác của họ. Nếu không nắm bắt nó từ thực giới thì họ mượn nơi cõi mộng, như Picasso đã làm trong tác phẩm cạnh bên. Nội dung và cốt cách rất ư… “ngoại lệ” của họa phẩm này được gán cho một thiếu nữ, nhưng kỳ thật là xuất phát từ trí tưởng của một đại diện phái nam 58 : chuyện gặp đầy dẫy và quá thường, trông chẳng có gì quan trọng, nhưng hình như phải đợi đến Francesco Alberoni 59 mới được nghe nói rành mạch về sự khác biệt cơ bản giữa hai giới nam nữ trong lãnh vực này. Vì lẽ đó mà mỗi khi để cập đến nhục cảm, để cho nghiêm túc và công bằng, ta cần phải xác định là của ai và từ phái nào. Sự phân biệt này là rất khoa học, rạch ròi, dù không ai chối cãi hai sự kiện khá lý thú trong lịch sử loài người cho thấy, một đằng, khuôn mặt Homo sapiens sapiens đầu tiên biết được là hình tượng đầu một người đàn bà bằng ngà ma-mút 53 (sđd, tr. 30) và, đằng khác, pho tượng toàn thân xưa nhất hiện nay – mang tên Vénus de Willendorf 60– đập vào mắt khách thưởng ngoạn với những đặc trưng thân thể đáng phô trương nhất của phái đẹp : giấc mơ nghệ thuật của nhân loại, tự ngàn đời, vẫn là đặt vương miện trên lâu đài nữ tính.
 
 
Phụ nữ biết rất rõ điều ấy nên thông thường, cùng với phái nam, tạo ra được một sự đồng thuận đáng yêu trong đời sống. Tuy nhiên, một dấu ngoặc nhỏ vẫn là cần thiết ở đây, để tiếc cho hiện tượng “tuột dốc” đôi khi vẫn còn phải gặp qua việc thân thể phái đẹp bị “xử dụng” thái quá – ngay cả bởi chính nữ giới – như trường hợp nghệ cảnh (performance) trong hình bên, với tất cả nghịch lý nội tại của nó : thân thể như phương tiện “ câu mắt ” khách qua đường.
 
                                          
 
Nghệ sĩ Thụy Sĩ Milo Moiré trước sân nhà thờ Cologne, ngày 8 tháng giêng 2016 (sau vụ nhiều người nhập cư lợi dụng đám đông xúc phạm và cưỡng hiếp phụ nữ trong đêm giao thừa tại đó), với biểu ngữ « Hãy tôn trọng chúng tôi! Chúng tôi không phải là đích nhắm, ngay cả khi trần truồng !!! »
 
 
 
 
 
 
Mặt khác, trên chủ đề nhục cảm, ta không thể chỉ đóng khung trong nghệ thuật tạo hình mà phải nhắc qua – dù chỉ lướt nhanh – rằng văn học chưa bao giờ chịu lép vế. 
 
Thật thế, viết về nhục cảm một cách phóng túng thì đã có khá nhiều tác giả mà danh sách những trước tác không chính thống này của họ, nếu chỉ nói riêng cho nước Pháp, có thể làm bạn đọc quen với “thư sách hàn lâm” sẽ ngạc nhiên : từ một Ronsard (với bài thơ Quand au temple nous serons) hay Jean de La Fontaine (Contes libertins) đến một Louis Aragon (Le Con d’Irène), qua những Alfred de Musset (Gamiani ou Deux nuits d'excès), Charles Baudelaire (với những bài thơ cấm 61), rồi Paul Verlaine (Poèmes érotiques), Guillaume Apollinaire (Les Onze mille verges) … Toàn những tên tuổi hàng đầu, mà tài năng đều đã được thử thách và công nhận hẳn hoi – ngoại trừ tác giả Les Fleurs du mal –  qua những tác phẩm kinh điển của họ, vốn gắn liền với một tính chất văn học tiêu biểu nào đó, nếu không phải thuộc loại đạo lý hay tiền phong thì quá lắm cũng chỉ đến mức lãng mạn là cùng.
 
Tiến thêm một bước nữa, ra khỏi tiếng nói và xứ sở của Molière, nếu đi tìm những nhà văn đã từng chịu búa rìu dư luận do « lỗi » những đứa con tinh thần của họ – từ Lady Chatterley's Lover (D. H. Lawrence) cho đến Fifty Shades of Grey (E. L. James) –, ta sẽ gặp những Nabokov (Lolita), Henry Miller (Tropique du Cancer), Tanizaki (La Confession impudique) v.v…, hầu hết đều là phù thủy văn chương, biết biến nhục cảm thành mặt trời mầu nhiệm, soi êm sưởi ấm cho những hắt hiu quạnh quẽ phận người…
 
 
 
Trên lộ trình sáng tạo đó, dĩ nhiên nghệ thuật thứ bảy không hề vắng mặt. Nhiều đạo diễn có tầm cỡ đã cố ý dành chỗ, trao lời cho nhục cảm ít nhất một lần, như thể họ không chịu thiếu nó trong toàn bộ sự nghiệp điện ảnh của mình. Giống hệt như tâm lý của Picasso khi luống tuổi, hay Rodin lúc cuối đời vậy (đặc biệt qua loạt tranh nhà điêu khắc đã cẩn thận để riêng, có dán nhãn “bảo tàng bí mật”, vừa được công bố mới đây 62). Đó là một Ōshima với L'Empire des sens (1976), dù đã phải trần thân bào chữa cho nó trước tòa án 63. Hay một Lars von Trier, vào độ chín muồi trên đỉnh danh vọng, đã nhất định hoàn thành cho kỳ được bộ phim Nymphomaniac (2013). Ít bạo hơn, nhưng không kém phần khẳng định, Kubrick – trong tác phẩm cuối cùng trước khi qua đời Eyes Wide Shut (1999) – đã để cho Alice (Nicole Kidman) kết thúc phim bằng lời thủ thỉ ngắn gọn với ông chồng Bill Harford (Tom Cruise), rằng “chuyện quan trọng nhất phải làm, càng sớm càng tốt, là : yêu nhau”. 
 
 
 
Ngôn ngữ thân thể, trên thực tế, dễ trở thành diễn ngôn nhục cảm. 
 
Nói diễn ngôn bởi vì, theo gốc Hy Lạp (logos) của từ này, thông điệp phát đi hết còn ở dạng cảm tính mà bao hàm một sự chọn lựa có ý thức, một đề án nhân sinh nếu không nói là hiện sinh, một sự can thiệp của lý trí, chẳng hạn như khi xác lập một luận thuyết về mối tương quan giữa con người với xác thịt.
 
Diễn ngôn ấy bắt nguồn từ đêm thời gian xa thẳm. Có thể là tới tận 15 thế kỷ trước CN, như trường hợp một số ý niệm xuất phát từ kinh vệ-đà (véda) 36của Ấn Độ, được triển khai về sau trong sử thi Râmâyana 64. Ở châu Âu, ta có thể kể với chứng cớ thi sĩ triết gia la-tinh Lucrèce 65 qua tác phẩm duy nhất để đời De rerum natura (tk I tr. CN). Gần ta hơn, có nhiều tác giả bị lên án vì quan điểm nhục cảm của họ, như văn sĩ kịch tác gia Ý Pietro Aretino (Pierre Arétin, theo cách gọi của người Pháp) với Sonetti lussuriosi (Sonnets luxurieux,1524), hay bác sĩ triết gia Pháp Julien Offray de La Mettrie (1709-1751) 66 với loạt sách “bộ tam” De la Volupté (1745), Discours sur le bonheur (1748) và L’Art de jouir (1751) 67. Nhưng nổi bật nhất có lẽ là Hildegarde de Bingen 68 (1098-1179), một bác sĩ nữ tu người Đức xuất chúng được phong thánh từ thế kỷ XIII, rất đáng ngưỡng mộ về nhiều mặt, đặc biệt là việc ngay vào thời đó – bất chấp dư luận và nhất là Giáo hội – bà đã dám đặt vấn đề tình dục, thân xác và quyền của phụ nữ trong lãnh vực này 69 với tất cả ý nghĩa nhân văn cụ thể, tiến bộ của nó.
 
Tuy nhiên, trên vấn nạn nhân sinh cơ bản đang bàn, nếu xét về cách tiếp cận toàn diện và triệt để, có lẽ Charles Fourier 70(1772-1837) rất đáng được liệt vào hàng đầu. Thật thế, triết gia Pháp này đã đưa ra nhiều ý mới lạ dù có khi không tránh khỏi cực đoan hoặc thiếu thực tế, chẳng hạn như mô hình “hạnh phúc tập thể”, đặt tên là Harmonie (Hòa hợp), trong đó – theo ông – sẽ không còn mâu thuẫn giữa công việc nhọc mệt và tận hưởng lạc thú, con người sống chung, chia sẻ chẳng những về mặt kinh tế xã hội mà cả về đam mê nhục cảm. Ngoài việc được Marx và Engels đánh giá như một khuôn mặt của “chủ nghĩa xã hội phê phán-không tưởng”, ông còn làm cho nhiều người khâm phục trong số đó có nhà văn nổi tiếng cùng thời Stendhal.71
 
Charles Fourier quan niệm có sự tương ứng hòa điệu giữa đam mê của con người với các… tinh tú, và cố công lý giải điều ấy bằng cách xử dụng một số khái niệm, thuật ngữ lấy từ thuyết vạn vật hấp dẫn của Newton cũng như từ một số công trình thiên văn học của Képler (L’Harmonie du Monde,1619). So với những ténor “đồng hội đồng thuyền” đi trước và sau ông, Fourier có nhiều điểm tương tự nhưng cũng có cái khác biệt. Giống Arétin, ông cũng châm biếm, chỉ trích kịch liệt những giả dối khôi hài đầy dẫy trong xã hội, nhất là ở giai cấp thượng lưu. Cùng “chiến tuyến” với Hildegarde de Bingen, Fourier cũng gắt gao lên án sự nô lệ hóa và những bất công mà nữ giới là nạn nhân (chú thích [CT] 71, sđd, tr.93,109, 205). Tuy nhiên, nếu sánh với La Mettrie – là người rất gần ông trong việc đề cao nhục cảm –, thì Fourier không mang tư tưởng vô thần như triết gia duy vật tác giả quyển l'Homme Machine (1748) nổi tiếng này : ông muốn “kết hợp lòng yêu Chúa Trời với lòng yêu những khoái thú”, và cho rằng cái thần thiêng (le sacré) cùng cái nhục cảm (l’érotique) gắn liền chặt chẽ với nhau, giống y sự đi đôi giữa tình yêu và tôn giáo trong những xã hội chưa bị ảnh hưởng “văn minh” như ở Tahiti vào thế kỷ XVIII (CT 71, sđd, tr.15, 23). Song, điều đó không có nghĩa ông đồng ý với Giáo hội, mà là ngược lại : đi trước Nietzsche (1844-1900) ít nhất một thế hệ trên lập trường này 72, Fourier phê phán gay gắt Ky tô giáo mà ông cho là đã “phản lại huyền thoại nguyên thủy” (sđd, tr.16), đã chủ trương “tội lỗi hóa” con người một cách có hệ thống, đặc biệt là về thân xác 73. Những quan sát, nhận xét thấu đáo và những giải pháp táo bạo mà Fourier đưa ra đã khiến có người xếp ông trong số những tài năng khai lối mở đường (précurseur) cho ngành tình dục học (sexologie), với nét riêng là lối nói còn mạnh hơn cả những “Sigmund Freud, Wilhelm Reich và Alfred Kinsey” trên một số phương diện (sđd, tr. 9,30).
 
Tuy vậy, dưới góc độ triết học, phải nhìn nhận là diễn ngôn nhục cảm đã thực sự tiến một bước dài với Schopenhauer (1788-1860) : nhà tư tưởng Đức độc đáo, uyên thâm Phật học bậc nhất châu Âu này đã dành cả một chương (số 44,Quyển IV) mang tên “Métaphysique de l’amour sexuel” trong bộ sách đồ sộ Le monde comme volonté et representation – phiên bản bổ túc, ở lần in thứ nhì 74 (1844) – để phân tích, lý giải và đưa ra những luận cứ mà đến sau này người ta mới thấy hết sự phù hợp với phân tâm học và nhiều ngành khoa học hiện đại. Đáng lưu ý là Schopenhauer đã rất chính xác, mẫu mực, khi dùng từ “métaphysique” (siêu hình học) để định tính những ý niệm mình diễn đạt. Sự phân biệt này là cần thiết, để tránh bệnh lạm dụng từ ngữ dẫn tới những sai lạc trong lãnh hội : một trường hợp thường gặp là hiện tượng lẫn lộn giữa mô hình lý thuyết với sự thật được kiểm chứng, khi đề cập tới quan điểm các nhân vật nổi tiếng, khiến nhiều người cứ tưởng mọi điều họ đưa ra đều đương nhiên phải đúng bởi vì là… khoa học.
 
Schopenhauer không tự khoác cho mình bộ áo khoa học. Chỉ nhờ trực giác và suy nghiệm, ông đã lấp được lỗ trống bị bỏ quên hơn cả ngàn năm trong lịch sử triết học kể từ Platon (Le Banquet, Phèdre) trên chủ đề tình ái, bằng những đề xuất dễ “gây sốc” về bản chất nội tại của nó. Với Schopenhauer, có lẽ lần đầu tiên thuật ngữ và khái niệm “xung lực tình dục (pulsion sexuelle)” được ra mắt dưới dạng một định đề mà ta có thể coi như bao gồm ba vế :
 
- trước hết : « tout état amoureux [Verliebtheit], si éthéré qu’il puisse paraître, s’enracine dans la seule pulsion sexuelle (mọi trạng thái yêu đương, dẫu có bay bổng đến thế nào đi nữa, thì cũng đều mọc rễ từ duy nhất cái xung lực tình dục mà thôi) » (sđd, tr.1982) ;
- thứ đến, nhìn kỹ hơn : « tout amour sexuel est fondé sur l’instinct (mọi tình yêu dục tính đều được xây trên cơ sở bản năng » (sđd, tr.1996) ;
- và cuối cùng là sự định vị cái gốc của mọi hoạt động con người :« Ce qui se manifeste dans la conscience individuelle comme pulsion sexuelle, sur un mode général et sans viser un individu déterminé de l’autre sexe, c’est, en soi et en dehors du phénomène, l’absolue volonté de vivre (Cái hiện lên trong ý thức cá thể như xung lực tình dục, theo một thể cách tổng quát và không nhắm một cá nhân nhất định nào của phái kia, cái đó – tự nó, và nằm ngoài hiện tượng – chính là ý muốn tuyệt đối đòi sống » (sđd, tr.1985).
 
Chưa bao giờ nhục cảm lại được nhận diện rõ như thế, trong cái lô-gic mãnh liệt của sự sống trên trái đất. Và không ai (trừ chính đương sự 75) chối cãi được rằng Freud sẽ là người kế thừa xuất sắc những xác quyết (assertion) cơ bản này, dẫn tới nhiều hiểu biết quan trọng và nhất là phát kiến về vị trí độc tôn của vô thức 79 trong tiến trình hình thành và phát triển tâm thức con người.
 
 
  (Còn tiếp)
 
Chú thích (phần 2)
 
28/ http://claude.dupras.com/les_temples_de_khajuraho.htm
 
29/ https://fr.wikipedia.org/wiki/Kamasutra
 
30/ http://www.veroeddy.be/amerique-latine/perou/les-cultures-pre-incas/la-civilisation-mochica; xem thêm ở : http://www.dailymotion.com/video/x2ak67_objets-erotiques-de-la-civilisation_creation
 
31/ https://fr.wikipedia.org/wiki/Komos
 
32/ https://fr.wikipedia.org/wiki/Shunga_(gravure) ; xem thêm ở: http://www.nippon.com/fr/views/b02304/
33/ https://fr.wikipedia.org/wiki/Pompéi ; xem thêm ở:
http://www.lalibre.be/culture/arts/on-a-retrouve-les-habitants-de-pompei-51b8fb61e4b0de6db9ca3123
 và
 http://www.lemonde.fr/culture/article/2012/01/09/pour-qui-donc-a-pompei-s-elevaient-ces-phallus_1627467_3246.html
 
34/ https://fr.wikipedia.org/wiki/Herculanum
35/ Về siêu nghiệm trong nghệ thuật, mời xem http://vanchuongviet.org/index.php?comp=tacpham&action=detail&id=19779
 ; riêng về một sự đồng quy thú vị với « tinh thần » định lý Gödel, mời xem thêm ở http://vanchuongviet.org/index.php?comp=tacpham&action=detail&id=20445, đặc biệt là đoạn này :
« Vòng tròn như vậy đã được khép kín, như thân phận con người, giữa trần gian, một trần gian dẫu không lung linh thần thoại cũng chứa đựng vô vàn hiện thực hấp dẫn vì đầy cái bất ngờ, vô định, cái bất khả quyết (indécidables) như định lý Gödel283 nổi tiếng đã chỉ ra bởi lẽ, một đằng, bất cứ thực thể dạng thức hoá (formalisé) nào – dựa trên một hệ công lý [toán học] (axiomatique) hoàn chỉnh chặt chẽ đến đâu chăng nữa – cũng chứa đựng những« biểu đề » (énoncé) không thể chứng minh được với chỉ riêng hệ công lý [toán học] nội tại, huống hồ chi cuộc đời ; đằng khác, do bất cứ thực thể nào cũng mang tính bất toàn (incomplétude) nên điều kiện hoàn thiện tối thượng (ultime) cho mọi hệ thống là sự vươn mở tới cái nằm ngoài nó : đây là một yếu tố tạo cơ sở luận lý cho sự hiện hữu và tính tất yếu của siêu nghiệm, mà ta đã coi như một định đề (postulat) ở trên (Chương 2 ***). »
36/ https://fr.wikipedia.org/wiki/Tantrisme
37/ Tantra, La Voie de l’Acceptation, Osho, Nxb Véga (2011)
38/  http://www.bergerfoundation.ch/Jardin/allegorie.html
39/ https://fr.wikipedia.org/wiki/Pédérastie
40/ Le Banquet, Platon (bản dịch của Luc Brisson, nxb GF Flammarion, Paris, tái bản năm 2001) 
; về nhân vật Alcibiade, xem thêm ở : https://fr.wikipedia.org/wiki/Alcibiade
41/ https://fr.wikipedia.org/wiki/Hermaphrodite
42/ https://nicolepeter.wordpress.com/tag/polycles/
43/ Về catharsis (cùng với mimêsis, làm thành cặp đôi khái niệm hàn lâm thường được nhắc tới trong Mỹ học), mời xem thêm ở : http://vanchuongviet.org/index.php?comp=tacpham&action=detail&id=13471  (phần tiểu tựa Đôi nét về những bước suy tưởng Mỹ học tiền hiện đại)
44/ Ví dụ các bích họa tuyệt tác bên trong nhà thờ Sixtine ở Vatican :
http://www.rome-passion.com/chapelle-sixtine.html; https://fr.wikipedia.org/wiki/Chapelle_Sixtine
45/ https://fr.wikipedia.org/wiki/Classicisme
46/ Về hệ cấp hàn lâm do lý thuyết gia André Félibien đặt ra năm 1667, xem ở : https://fr.wikipedia.org/wiki/Hi%C3%A9rarchie_des_genres
47/ Mời đọc lướt qua (để đỡ… chóng mặt) danh sách một số nghệ sĩ tạo hình khác (đã chọn cùng đề tài) được nhắc đến nhiều nhất trên mạng : Jacopo Pontormo (1512), Francesco Bacchiacca (~ 1525), Antonio Abondo (~1550), Lelio Orsi (1560), Hendrick ter Brugghen (~1570),Palma le Jeune (1590), Wunderlich, Hans Baldung (tk XVI),Bartolomeo Ammanati (tk XVI), Vincent Sellaer (tk XVI), Mola Pier Francesco (tk XVII), Karl Gustav Klingsted (tk XVIII), Louis Lafitte (tk XVIII), Charles Joseph Natoire (tk XVIII), Jean-Baptiste Marie Pierre(tk VIII), François-Édouard Picot (1832), Jean Esprit Marcellin (1874), Louis Tournier (tk XIX), Bos Cornelisz (tk XIX), Jules Scalbert&t Antoine Vizzavona (tk XIX), Leon Riesener(tk XIX), Maurice Ferarry(tk XIX), Hippolyte-Joseph Cuvelier ( tk XIX),  Francis Derwent Wood (tk XIX-XX), Rudolph Tegner (1902), André Lhote (1930), Alfred Janniot (tk XX), Georges d'Espagnat (tk XX), Laria Simonneta(tk XXI), Tim Wetherell(tk XXI), Beauvais (tk XX-XXI), Andrássy Kurta János (tk XX-XXI)…
 
48/ http://mucri.univ-paris1.fr/un-peintre-dans-le-boudoir/
 
49/ Trong Journal du mois, Le Journal du Dimanche 26/2/2006, Philippe Sollers viết :
 
« …Ici, un aveu personnel : un des plus beaux tableaux du monde, érotiquement suggestif, a toujours été pour moi « Léda et le cygne » de Véronèse.On voit une splendide Vénitienne nue avec bijoux, sur laquelle Dieu (pardon, Zeus) se dispose à opérer une pénétration profonde. Zeus, pour s’unir à une mortelle, s’est transformé en un magnifique cygne blanc, et déjà son bec jaune entre dans la bouche entrouverte de la voluptueuse pâmée (ce n’est pas tous les jours qu’on fait l’amour avec le Divin lui-même). Une reproduction de cette scène mystique m’accompagne depuis l’enfance. Je m’étonne aujourd’hui que Véronèse n’ait pas été davantage inquiété par l’Inquisition, les papes ont donc laissé passer ce genre de fantaisie hautement condamnable mais électrisante, d’un surréalisme rarement égalé. A vrai dire, les dieux grecs, et surtout les déesses, nous manquent, ils nous boudent depuis longtemps, ils ont fui loin de nous, et j’ai peur de me retrouver seul avec eux. Tant pis, je les garde. »
 
50/  http://www.theologieducorps.fr/tdc/tdc-057-la-vie-selon-lesprit-dans-saint-paul
 
51/ Xem thêm Vấn đề nan giải dịch chương Nhã Ca trong Cựu Ước - Tác phẩm tình dục tuyệt tác của nhân loại,
  PHẠM TRỌNG CHÁNH :
 http://vanhoanghean.com.vn/chuyen-muc-goc-nhin-van-hoa/nhung-goc-nhin-van-hoa/van-de-nan-giai-dich-chuong-nha-ca-trong-cuu-uoc-tac-pham-tinh-duc-tuyet-tac-cua-nhan-loai
 
 
52/ Có thể tham khảo lời Jacques Lacan, trích dẫn trong https://fr.wikipedia.org/wiki/L%27Extase_de_sainte_Th%C3%A9r%C3%A8se :
« [...] pour Sainte Thérèse, enfin disons quand même le mot… et puis en plus vous avez qu'à aller regarder dans une certaine église à Rome la statue du Bernin pour comprendre tout de suite …enfin quoi : qu'elle jouit, ça fait pas de doute ! Et de quoi jouit-elle ? Il est clair que le témoignage essentiel de la mystique c'est justement de dire ça : qu'ils l'éprouvent mais qu'ils n'en savent rien. » (21 novembre 1972).
 
53/ Amours Histoire des relations entre les hommes et les femmes, Jacques Attali (với sự cộng tác của Stéphanie Bonvicini), tr.168, Librairie Arthème Fayard, 2007
 
54/ Je t’aime à la philo, Olivia Gazalé, tr. 104, nxb Robert Laffont, 2012
 
55/ Diderot promenades dans l’œuvre, Jean-Claude Bonnet, tr.141-143 (tiểu đoạn trích « La Religieuse »), Le Livre de Poche Classiques ( 2012)
56/ https://fr.wikipedia.org/wiki/Bacchanales  tư thế của kiều nữ bacchante nổi bật trong tác phẩm của Titien đã gợi ý cho nhiều họa sĩ như Bellucci (1654-1726) với Bacchus et Ariane (1675), hoặc Ingres (1780-1867) với L'Odalisque à l'esclave (1839) và nhất là bức tranh trước đó, được nói đến nhiều nhưng đã bị mất, mang tên La dormeuse de Naples (1809).
 
57/ Người mẫu cho cả hai tác phẩm này của nhà điêu khắc Clésinger chính là Apollonie, một trong những người tình nổi tiếng có thân hình đẹp của thi sĩ Baudelaire :http://edithsparis.com/WP/?p=228
 
58/ So với hoạ phẩm « hàm hồ hai mặt » này (được chọn làm áp-phích cho cuộc triển lãm hiện nay tại Paris EXPOSITION PICASSO 1932. ANNÉE ÉROTIQUE, Musée national Picasso-Paris [từ 10/10/2017 đến 11/02/ 2018] : http://www.museepicassoparis.fr/picasso-1932-annee-erotique/ ), 
Picasso còn đã đi xa hơn nhiều hơn nữa, đặc biệt trong một số lớn những tranh đồ họa (dessin) rất « bạo », đã từng được triển lãm năm 2001 tại Paris (xem bài Picasso érotique ou les surgissements du désir ở đây : http://www.plumart.com/vf2801/html/body_1128picasso.html )
 
59/ L’Erotisme, Francesco Alberoni, bản tiếng Pháp (Raymonde Coudert dịch từ nguyên bản tiếng Ý), nxb Ramsay (1987) : đặc biệt ở các tr.10, 15-17, 27. 
 
60/ Nếu không kể tượng tìm thấy năm 1988 ở Galgenberg (được định tuổi vào khoảng 30000 năm tr. CN) :
 
https://fr.wikipedia.org/wiki/Vénus_de_Willendorf
 
61/  http://www.pileface.com/sollers/spip.php?article364 ; xem thêm :
https://www.docs-en-stock.com/philosophie-et-litterature/baudelaire-parfum-exotique-405907.html
62/ Rodin, son musée secret, Nadine Lehni, nxb Albin Michel (2017) - Xem thêm ở :
http://www.europe1.fr/emissions/le-livre-du-jour/rodin-son-musee-secret-un-tresor-cache-3213470  và  
http://www.lepoint.fr/culture/rodin-coquin-les-images-de-son-musee-secret-30-05-2017-2131557_3.php .
Riêng về Picasso, 30 năm trước bức Cơn Mơ khéo léo « ngụy trang » ở trên, đã dám huỵch toẹt vẽ cảnh ái ân của bạn thân là Isidre Nonell với một cô gái (hiện được chưng tại viện bảo tàng mang tên ông ở Barcelone) :
https://yourartshop-noldenh.com/pablo-picasso-kunst-ist-immer-erotisch/pablo-picasso-5
63/ Theo phụ bản kèm trong hộp DVD lưu hành (L'Empire des sens, Nagisa Ōshima)
64/  a- Theo chú thích 36 (https://fr.wikipedia.org/wiki/Tantrisme), « Les véda sont des formules de liturgie et de rituel qui apparaissent en Inde entre 1500-1000 av. J.-C. et qui remontent à une tradition peut-être plus lointaine. Elles ne furent pas transcrites avant le viiie siècle av.J.-C.. De ces textes liturgiques et de rituels sont issus de nombreux commentaires. À la suite du védisme qui place le désir (kāma) à l’origine de la Création, le brahmanisme développe au contraire une « idéologie de la rétention ». Le tantrisme apparaît en réaction pour restaurer le kāma en tant que voie de libération (moksha) ».
       b-  https://fr.wikipedia.org/wiki/Ramayana ; xem thêm « Quan niệm về cái đẹp nhục cảm của Ấn Độ cổ đại qua sử thi Ramayana », Phạm Phương Chi, Tạp chí Văn hoá Dân gian, số 6(96)/2004, đăng lại ở:
https://khanhhoathuynga.wordpress.com/2009/11/11/quan-ni%E1%BB%87m-v%E1%BB%81-cai-d%E1%BA%B9p-nh%E1%BB%A5c-c%E1%BA%A3m-c%E1%BB%A7a-%E1%BA%A5n-d%E1%BB%99-c%E1%BB%95-d%E1%BA%A1i/
 
65/ Lucrèce : vivre humainement parmi les humains,
 
http://www.lemonde.fr/livres/article/2008/05/29/lucrece-vivre-humainement-parmi-les-humains_1051127_3260.html
 
66/ a- https://fr.wikipedia.org/wiki/Julien_Offray_de_La_Mettrie  ; b- Xem thêm Les plaisirs de l’amoralisme Pour une compréhension de l’hédonisme lamettrien, Olivier Côté : http://www.revueithaque.org/fichiers/Ithaque3/02Cote.pdf
riêng chú thích 36 ở trang 17, có nêu rõ rằng << Dans La Volupté, La Mettrie écrit plutôt, p. 277, que les remords viennent « étouffer les dons de la Nature » [dons au sens de plaisir], mais entre étouffer et refouler la sensation de plaisir, la différence paraît minime, sinon nulle>>
 
67/ Triết gia Pháp Michel Onfray, là người rất ngưỡng mộ La Mettrie, có xuất bản một tác phẩm với tựa đề cố ý trùng tên (L’Art de jouir. Pour un matérialisme hédoniste, Grasset, 1991)
 
68/  https://fr.wikipedia.org/wiki/Hildegarde_de_Bingen
 
69/ http://plume-dhistoire.fr/hildegarde-de-bingen-et-la-sexualite-feminine/
 
70/ https://fr.wikipedia.org/wiki/Charles_Fourier
 
71/ Vers la liberté en amour, Charles Fourier, phiên bản nxb Gallimard (1975), tr.2 : 
Theo người giới thiệu sách Daniel Guérin, Stendhal đã viết trong Mémoires d’un touriste (1838) về Fourier rằng « On ne lui accordera que dans vingt ans son rang de rêveur sublime »
 
72/ Một trong những câu nổi tiếng của triết gia hàng đầu này là :
“Ce n’est que le christianisme, avec son fond de ressentiment contre la vie, qui a fait de la sexualité quelque chose d’impur : il jette de la boue sur le commencement, sur la condition première de notre vie”…(Le Crépuscule des Idoles, Chương 12, tr. 235 Ce que je dois aux anciens, §4) : https://fr.wikisource.org/wiki/Le_Cr%C3%A9puscule_des_idoles/Ce_que_je_dois_aux_anciens
 
73/ Olivia Gazalé, trong Je t’aime à la philo (chú thích 54), đã trích dẫn giả thuyết của triết gia Paul Ricœur cho rằng việc Ky-tô giáo đã đi lùi so với lúc đầu trên vấn đề thân xác là do chịu ảnh hưởng của những tín đồ gnose ở vùng Cận Đông và Trung Đông (tr. 84-85). Mặt khác, Michel Onfray cũng đã kịch liệt đả phá Nhà Thờ về những sai lầm « kinh điển » của họ, qua nhiều tác phẩm, ngoài quyển đã nêu ở chú thích 67, như : Théorie du corps amoureux. Pour une érotique solaire (2000) ; Journal hédoniste (nhiều Volumes kể từ 1991). Dĩ nhiên, đối mặt với triết gia rất « đắc truyền thông » này, đã có nhiều ý kiến phản biện, chẳng hạn như bài viết đặc sắc của Jean-Michel Maldamé (o.p. Dominicain) : 
Michel Onfray ou l’hédonisme comme religion, https://www.cairn.info/revue-etudes-2008-11-page-484.htm
74/ Le monde comme volonté et représentation II, Arthur Schopenhauer, Nxb Gallimard (2009) là ấn bản được dùng ở đây
75/ Freud chỉ nói tới sự trùng hợp « tình cờ » các ý tưởng của mình với những người khác chứ chưa bao giờ nhìn nhận đã được « gợi ý » từ những công trình có trước : xem thêm ở  http://www.schopenhauer.fr/influences/freud.html
Trong Au-delà du principe de plaisir (1914) tr. 96-97), Freud viết :
« En ce qui concerne la théorie du refoulement, j’y suis certainement parvenu par mes propres moyens, sans qu’aucune influence m’en ait suggéré la possibilité. Aussi l’ai-je pendant longtemps considéré comme originale, jusqu’au jour où Otto Rank eut mis sous mes yeux un passage du Monde comme Volonté et comme représentation, dans lequel Schopenhauer cherche à donner une explication de la folie. Ce que le philosophe dit dans ce passage au sujet de la répulsion que nous éprouvons à accepter tel ou tel côté pénible de la réalité s’accorde tellement avec la notion du refoulement, telle que je la conçois, que je puis dire une fois de plus que c’est à l’insuffisance de mes lectures que je suis redevable de ma découverte. » 
 
Và, trong lần tái bản năm 1920 của tác phẩm trên, Freud có chua thêm (tr.107-108): 
« Il est une chose que nous ne pouvons nous dissimuler : c’est que, sans nous en apercevoir, nous avons pénétré dans les havres de la philosophie de Schopenhauer, pour laquelle la mort serait le « résultat proprement dit » et le but de la vie, tandis que l’instinct sexuel représenterait l’incarnation de la volonté de vivre. »
 
76 / Xem Les arguments des détracteurs du « Livre noir de la psychanalyse », Jean-Paul Krivine, SPS n° 271, tháng 3/ 2006 : http://www.pseudo-sciences.org/spip.php?article541
77/ Le crépuscule d’une idole, l’affabulation freudienne : rideau de fumée autour du livre de Michel Onfray,                         Jean-Paul Krivine - SPS n° 291, 7/ 2010 và n° 293 (Hors-série psychanalyse), 12/ 2010 ; Michel Onfray déboulonne Freud et fait grincer des dents
 ( http://www.lemonde.fr/livres/article/2010/04/21/michel-onfray-deboulonne-freud-et-fait-grincer-des-dents_1340561_3260.html ) .
Xem thêm Michel Onfray et Freud : Mensonge, sexe et occultisme (22/01/2013), 
 https://www.unidivers.fr/michel-onfray-freud/, và BORIS CYRULNIK - MICHEL ONFRAY / DEFENSE ET CRITIQUE DE LA PSYCHANALYSE,  
http://michel-onfray.over-blog.com/michel-onfray-défense-et-critique-de-la-psychanalyse-freud-2011
 
78/ La psychanalyse en procès, Le Nouvel Observateur hors série N° 56, octobre/ novembre 2004 : đặc biệt là bài
La psychanalyse a-t-elle une valeur scientifique ? của Jacques Van Rillaer, tr.78-81.
79/ Ngay cả Jung, người bạn (gần như đồng nghiệp) danh tiếng, đồng hành thuở đầu với Freud trước khi có bất đồng gay gắt đến độ phải rời bỏ ông (như một số chuyên gia lỗi lạc khác), cũng đã công nhận :
« C'est Sigmund Freud, qui le premier, a essayé d'explorer empiriquement l'arrière-plan inconscient de la conscience. 
Il a pris hypothèse que les rêves ne sont pas le produit du hasard, mais sont en relation avec nos pensées et nos problèmes conscients. Une telle hypothèse n'avait rien d'arbitraire. Elle s'appuyait sur la conclusion, à laquelle étaient parvenue des neurologues éminents, (par exemple Pierre Janet), que les symptômes névrotiques sont liés à une expérience consciente. 
Il semble même que ces symptômes soient la manifestation de zones dissociées de notre conscience, qui, à un autre moment et dans d'autres conditions, peuvent redevenir conscientes ».
[C.G. Jung " L'homme et ses symboles ", Robert Laffont (1964), tr. 25/26]
 
Bùi Đức Hào
Số lần đọc: 2442
Ngày đăng: 12.02.2018
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Giá trị nhục cảm (phần 1) - Bùi Đức Hào
Khi Elena Pucillo kể: khi yêu văn chương người ta không có tuổi - Nguyễn Thị Thanh Xuân
Từ Trường Ca Đăm San đến Sống chụ son san - Phạm Cao Phong
Còn một chút gì để nhớ - Phạm Thanh Chương
Cõi Hồng, thăm thẳm phận người - Lê Thành Văn
Ý nhỏ về giai thoại Vua Minh Mệnh - Lê Ngọc Trác
Từ chuyện viết mới tiếng Việt đến nhà văn Nguiễn Ngu Í - Phan Chính
Định niệm - Võ Công Liêm
Vị thế nổi bật và ảnh hưởng của Việt Nam đối với các nước lân bang dưới thời Minh Mệnh - Lê Ngọc Trác
Thị độc Trần Phương - Nguyễn Thanh
Cùng một tác giả