Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.182
123.221.895
 
Tình yêu chạy làng
Trần Yên Hòa

 

Bà Nguyện thay bộ đồ đà. Bộ đồ này bà thường mặc đi làm công quả ở tịnh xá Minh Đăng Quang hàng cuối tuần, hay những ngày ba mươi, mùng một. Bà có ba bộ đồ đà như vậy. Lần này, bà thay cặp đồ mới giặt hôm qua.

 

Hằng ngày, bà đi chợ hay đi làm ở bến xe liên tỉnh, bà vẫn mặc những áo quần thường dân, nghĩa là quần đen áo trắng, hay quần xám áo xanh đậm. Rất bình thường như mọi người đàn bà bình dân khác. Bộ đồ đà, là bộ đồ của người tu hành, là đệ tử của đức Thích Ca. Bà sắm ba bộ, dành để đi Tịnh Xá thôi. Ngồi đọc kinh hay nghe các sư giảng pháp, bà thấy mình bận cặp đồ đà thật là nhẹ nhàng, vừa trịnh trọng của người tu tập, vừa thoải mái...

Nhưng hôm nay, bà phải mặc cặp đồ đà này để đến trường Hồng Gấm, vào Ban Giám Hiệu, xin gặp thầy Căn, thầy dạy tại đây. Bà suy nghĩ trong bụng, trước tiên sẽ rất nhẹ nhàng, sẽ nói phải trái cho thầy Căn hiểu. Nghĩa là thầy là thầy giáo của con Len, con gái yêu của bà, thầy thương yêu nó, thầy đã "sống, ăn ngủ" với nó, đã làm nó mang bầu thì thầy phải có trách nhiệm chứ. Sao cả tháng nay thầy lơ, tránh không gặp mặt nó, là nghĩa làm sao?. Nó muốn gặp riêng thầy để báo tin nó có bầu, mà cũng không được, là nghĩa làm sao? Bà nghĩ là sẽ rất nhẹ nhàng, từ tốn, vì bản chất bà đã hiền sẳn, và thêm nữa, bà ảnh hưởng tính từ bi của Phật giáo, nên bà không nghĩ gì thêm, trước tiên là phải nói phải không với Căn cái đã.

Cặp đồ đà khiến bà Nguyện trông giống như một sư cô, nếu bà cạo đầu hay đội thêm cái nón len đà nữa thì sẽ giống y chang, vì gương mặt bà trông rất khắc khổ, có thể, thân hình bà, vì bà ăn chay trường cũng năm năm trở lại đây, nên càng ngày càng trông nhỏ lại, quắt queo lại. Bà đã nhỏ con lại càng nhỏ con hơn. Nhưng bà cần gì, cuộc đời bà sau ngày ông Phạm "ăn vụng", bà thấy như đã bỏ đi, bà không còn tơ tưởng gì về sắc dục hay danh lợi nữa. Bà chỉ sống cho các con thôi. Trước mắt, sao con Len bị mắc nghiệp kiếp gì mà nên nông nỗi. Đứa con gái của bà còn trẻ tuổi quá, mà nay đã vướng vào vòng tình ái, bị dính thai khi chưa có chồng, chưa qua tuổi hai mươi. Bà thương con sáu Len lắm, nó xinh người, lanh lẹ, lại có hiếu...Nó còn con nít quá, sao mà trời lại hành nó thế này...

Chuẩn bị xong xuôi, nhìn đồng hồ đã là 9 giờ sáng. Thôi đi được rồi. Mình phải làm ra lẽ chứ. Bà ra ngoài hiên dắt chiếc xe đạp và ngồi lên yên đạp xuôi xuống đường Nguyễn Trãi, chạy mãi đến đường Hùng Vương.
Buổi sáng mới chín giờ mà khí trời đã oi bức. Các quán xá đã mở cửa từ sáng sớm, nhiều tiệm tạp hóa, điện máy được dọn hàng ra tới tận ngoài vỉa hè. Vì vỉa hè bị lấn chiếm như vậy nên bà Nguyện phải chạy xe đạp trên đường cái. Thị trấn Mỹ Tho đang trở mình thức dậy, các cán bộ trong Ủy Ban Hành Chánh Thị Trấn quyết tâm đưa thị trấn lên cấp thành phố, nên mọi xây dựng để cải tạo trở nên khẩn trường, đâu đâu cũng thấy xây dựng, nhiều khúc đường loang lỗ vì bị xe cày lên để làm mới, khói bụi bốc lên nghịt trời.

Xe chạy qua trường Nguyễn Đình Chiểu, bà quẹo vào con đường nhỏ có tên là Hồng Gấm. Ngôi trường Hồng Gấm được thành lập khoảng năm, sáu năm trở lại đây, nên trường còn mới, ít người biết hơn hai trường Nguyễn Đình Chiểu và Lê Ngọc Hân...
Bà đến trước cổng trường và dừng xe lại.

Hai cánh cổng trường khép chặt, vì đã đến giờ học của học sinh. Người nhân viên canh cổng ngồi trong căn phòng nhỏ sát cổng ra vào. Bà Nguyện bước tới chỗ có cánh cửa sổ, nói với vào trong:
- Chú ơi, tôi có chuyện vào trong trường một chút, được không chú? Chú mở cổng giúp tôi.
Người nhân viên rời bàn làm việc đi ra gần sát cổng, hỏi ra:
- Bà cần gì?
- Tôi có chuyện cần gặp một giáo viên trong trường, tôi muốn vào gặp thầy Căn...
Người nhân viên trực cổng trả lời trống không:
- Thầy Căn đang đứng lớp, khoảng tiếng nữa mới xong, bà vào văn phòng đợi được không?
Bà Nguyện trả lời nhanh nhảu:
- Được chú, chú cho tôi vào, tôi ngồi đợi cũng được.
Người nhân viên nhìn bà Nguyện thấy bà bận cặp đồ đà, nghĩ bà là một bậc tu hành, chắc bà tu tại gia, nên cho bà vào.

Người nhân viên nói tiếp:
- Mời bà vào văn phòng phía bên tay trái, bà muốn gì thì nói họ hướng dẫn cho.
Rồi anh ta chỉ tay vào phòng phía trong.

 

Bà Nguyện dắt xe đạp để vào khu xe đạp của nhân viên, rồi đi theo hướng chỉ dẫn. Bà vào mở cửa văn phòng.
Một cô làm việc ở văn phòng nhìn bà, ngạc nhiên hỏi:
- Thưa bà, bà cần gì chúng tôi giúp cho.
Bà Nguyện rụt rè đáp:
- Tôi là phụ huynh của học sinh Phạm Thị Len, học lớp 9 ở đây. Tôi muốn gặp thầy giáo Huỳnh Minh Căn.
Người nhân viên vồn vã:
- A, thầy Căn hôm nay đang đứng lớp, cũng khoảng tiếng đồng hồ nữa mới xong. Mời bà qua phòng khách ngồi đợi, nhé.
Bà Nguyên đành theo lời chỉ dẫn của cô nhân viên, đi tới phòng khách ngồi đợi.

Căn phòng khách chỉ có một cái bàn, còn phần nhiều là ghế để chung quanh. Đây vừa là phòng khách, cũng dùng luôn cho phòng giáo viên, để các thầy cô nghỉ khi hết tiết dạy, hay đợi qua tiết dạy khác. Thời gian thường khoảng mười lăm phút, họ vào đây đấu hót với nhau đủ chuyện, nào chuyện thiên hạ sự, những biến chuyển về tình hình thời sự, chính trị trong nước và thế giới, theo tin đã được loan trên báo, đài.

 

Dĩ nhiên, đây cũng là nơi tai vách mạch rừng, luôn luôn có sự rình rập của các đảng viên trong chi bộ đảng trường, lúc nào cũng như con thú đói mồi, luôn luôn tìm cách nghe ngóng, kiểm soát tư tưởng của các giáo viên ngoài đảng. Nên những câu chuyện họ trao đổi với nhau cũng nhạt như nước ốc, có tính cách vô thưởng vô phạt. Họ không giám nói thật lòng mình, những bức xúc của cuộc sống, lương giáo viên chết đói, giáo chức là "dứt cháo", họ không bao giờ giám nêu lên những bất công của xã hội.

Những người có gia đình thì đợi chờ tem phiếu, các cô giáo thì lén lút bán thêm ổ bánh mì, bịch nước trà đá, cái bánh ngọt cho học trò trong giờ ra chơi. Tất cả lén lén, lút lút, vì sợ bị đem ra mổ xẻ trong những phiên họp, những chuyện kiếm ăn riêng lẻ, coi như làm mất mặt khuôn mặt của người giáo viên nhân dân, nói trắng ra là làm mất mặt chế độ...nên ai cũng sợ, cũng né tránh. Làm mất mặt chế độ là một tội tày đình, có thể bị đuổi việc như chơi.

Bà Nguyện ngồi xoay qua xoay lại trên ghế mà chả thấy ai bước vào, thời gian cứ chậm chậm trôi qua, bà nóng ruột quá muốn đứng dậy, định bước ra ngoài gặp ai đó hỏi thử, thì nghe tiếng chuông reng reng lớn, bà biết đã đến giờ ra chơi, đổi tiết học. Bà đành ngồi xuống đợi.
Chỉ một chốc, một số giáo viên bước vào. Họ nhìn bà, không biết bà là ai, có người gật đầu chào bà, có người không, họ tranh ngồi trên các ghế trống.
Bà đứng dậy, mon men lại gần một giáo viên đang im lặng hút thuốc. Bà rụt rè hỏi:
- Thưa thầy, tôi muốn gặp thầy Huỳnh Minh Căn, dạy ở đây. Thầy làm ơn chỉ cho tôi biết thầy Căn.
Người giáo viên nhìn bà chăm chăm, rồi nói:
- Thầy Căn đứng lớp chưa lên, bà đợi chút.

Hôm nay cũng như mọi ngày, trong suốt gần một tháng, thầy Căn đóng tròn vai giáo viên gương mẫu của chế độ. Chàng đến trường, lên lớp, giảng bài cho học sinh to tiếng, sang sảng. Những lời lẽ hoa mỹ dành cho nhân vật chính diện trong các tác phẩm văn học được chàng ta tụng đến tận mây xanh. Chàng đề cao sự tiết nghĩa, trung trinh của người đàn bà Việt Nam dưới chế độ mới như Nguyễn Thị Minh Khai, Võ Thị Sáu, Lê Thị Hồng Gấm. Chàng đề cao dũng khí, sự dấn thân của các đồng chí đấu tranh như Lê Văn Tám, Nguyễn Văn Bé. Tất cả với chàng là một bản anh hùng ca, mà các học sinh phải noi theo.

Chàng đóng đúng vai một thầy giáo xã nghĩa gương mẫu, không nhìn ngang liếc dọc. Bởi vì chàng biết mình đang đứng ở ranh giới rất nguy hiểm, phải dấu mình. Nhưng, chàng biết, nếu mà lần này Yến Oanh dính bầu thì nguy to, nên chàng cố tránh mặt Yến Oanh, càng lâu càng tốt. Chàng nghĩ, nếu không có "sự cố" gì xảy ra, chàng sẽ "lơ" luôn Yến Oanh càng tốt. Một thời gian sau, chàng sẽ "gầy sòng" khác với một em học trò khác, có khó gì đâu.

Căn xong tiết dạy, chàng xăm xăm xách cặp về phòng giáo viên. Chàng mở cửa bước vào, thì Ứng, người bạn cùng dạy, ngoắc chàng lại:
- Thầy Căn, thầy có người tìm. Bà cụ này đang đợi gặp thầy đó.
Căn ngỡ ngàng nhìn người đàn bà lạ. Thú thật là chàng chưa quen với bà cụ này. Căn đi lại gần, lễ phép thưa:
- Thưa bà, tôi là Căn, bà tìm tôi có chuyện gì, thưa bà.
Bà Nguyện liền lên tiếng:
- Thầy là thầy Căn? Tôi là phụ huynh của con bé Len, học lớp chín ở đây. Tôi có chuyện muốn nói với thầy.
Căn nghe bà Nguyện nói thế, chàng đã tá hỏa tam tinh, dù chưa biết bé Len là ai, nhưng nghe nói cô bé Len học lớp 9, là chàng nghĩ ngay đến Yến Oanh. Chàng biết chiếc búa trời đã bắt đầu giáng xuống đầu chàng rồi. Chàng ngó quanh quất, không muốn các bạn dạy biết chuyện, chàng vội vã thưa:
- Thưa bà, con không biết bé Len là ai, nhưng chắc là học trò của con. Nói chuyện ở đây không tiện, con mời bà ra ngoài quán cà phê ngoài trường uống nước rồi bà nói cho con biết, nghe bà.
Bà Nguyện thấy Căn cũng ăn nói lễ phép, dịu dàng, nên bà đồng ý.
Căn chạy lại chỗ người bạn, nói nhỏ với Ứng:
- Bạn làm ơn lên báo cho lớp tám mình sắp dạy, ngồi đợi mình khoảng hai, ba chục phút, mình có chuyện nói với phụ huynh học sinh này một chút, rồi mình vô ngay.
Ứng nói:
- Ừ, thôi bạn đi đi.
Căn đưa bà Nguyện ra khỏi cổng, vào ngồi vào quán cà phê bên góc trường.

Bà Nguyện ngồi trên ghế đẩu nhựa thấp và đưa mắt quan sát Căn. Trông thầy này vóc dáng cũng được, cao chắc trên một mét sáu, gương mặt có lớn hơn Yến Oanh, nhưng trông cũng được trai, nếu thầy này chấp nhận lấy con gái bà, thì bà cũng đồng ý.
Căn lễ phép hỏi:
- Thưa bà, bà uống gì? Con kêu.
Bà Nguyện nói:
- Cho tôi ly trà nóng thôi.
Căn gọi với vào trong:
- Cho ly cà phê đen và ly trà nóng.
Rồi chàng quay lại nói với bà Nguyện:
- Bà có chuyện gì muốn nói với con.
Người phục vụ mang thức uống tới. Căn mời:
- Mời bà uống ly trà cho ấm bụng.
Rồi chàng cầm ly cà phê của mình lên uống một hơi, để dìm sự bối rối xuống.
Bà Nguyện bộc bạch:
- Tôi là mẹ con Len học lớp chín với thầy. Không biết đi học ba nó đổi tên nó là gì, nhưng ở nhà vẫn thường gọi nó là Len. Nó năm nay mười tám tuổi, còn khờ lắm. Nó nói nó quen với thầy, kính trọng thầy vì thầy là thầy dạy của nó. Và nó cũng thích thầy, yêu thầy nữa. Hai người hẹn hò với nhau cũng nửa năm rồi. Con Len còn khờ quá nên nó yêu thầy, đã thất thân với thầy. Bây giờ sự việc trên đưa đến con Len mang bầu cũng được hơn tháng, nó muốn báo cho thầy biết, nhưng nó nói thầy luôn tránh mặt nó, nên cuối cùng tôi phải đến đây để gặp trực tiếp thầy, báo tin cho thầy biết, để xem thầy thế nào, giải quyết ra sao?.

Căn ngồi nghe bà Nguyện nói, chàng tái mặt. Chết mình rồi, chàng tự nhủ. Chàng im lặng quan sát người đàn bà, bà tuy nhỏ con, lại ăn bận áo quần như những người tu Phật, nhưng trong bà toát ra hình ảnh của người phụ nữ cứng rắn, nếu có chuyện sai trái, cái gì bà cũng làm tới nơi. Căn nghĩ ngay đến chuyện chàng đã làm qua với Nhung, đến độ Nhung phải ôm con bỏ đi, và Ban Giám Hiệu đã họp, lên tiếng cảnh cáo và đã tha cho chàng một lần, vì dù sao chàng cũng là con của liệt sĩ...Đến nay, nếu chuyện này đổ bể ra, không biết chàng có giữ yên được chỗ dạy không? Dù sao đây là cũng là nghề nghiệp kiếm ăn của chàng, nếu chàng bị đuổi việc thì không biết chàng sẽ sống ra sao?

Nên Căn tìm kế hoản binh:
- Thưa bà. Trong số nữ sinh lớp chín, không có ai tên Len. Chỉ có cô Yến Oanh. Con biết Yến Oanh, chứ không biết tên ở nhà của cổ. Thật sự nghe bà nói chuyện Yến Oanh có thai, con cũng rất ngạc nhiên. Chuyện dài lắm, thưa bà.
Rồi Căn làm bộ khuôn mặt rất đăm chiêu, khổ não, chàng nói tiếp:
- Bây giờ con có tiết dạy tiếp, nên xin bà cho con được phép vô dạy, rồi mai mốt, con sẽ gặp bà nói tiếp chuyện này. Con cũng thưa bà một điều là nếu sự thật, nếu chuyện Yến Oanh có thai, con xin chịu hoàn toàn toàn trách nhiệm. Bà yên tâm nhé.

Đó là cách hoản binh của chàng. Chàng cũng đang thật sự lo lắng và bối rối. Hoản binh là phương pháp tốt nhất lúc này. Chưa tìm ra đường tháo lui, thoát hiểm, thì phải hoản binh, làm cho bên địch không giận dữ, to tiếng, đi đến những hành động quá đà. Ví như bà này sẽ tức giận lên, đi gặp thẳng thầy hiệu trưởng hoặc đồng chí bí thư chi bộ trường, thì chết mình. Các người này mà đưa mình lên quan điểm chính trị, chàng đã bôi bác mẫu người giáo viên nhân dân nữa, thì ôi thôi. Chàng bị đuổi việc là cái chắc.
Phải hoản binh, phải nhẹ nhàng, cho đối phương dừng lại tại đây, những bước kế tiếp sẽ tính sau.
Căn nói:
- Vậy bà nhé, con phải vô dạy tiết kế tiếp. Con hứa với bà mà.
Rồi Căn kêu tính tiền.

Bà Nguyện thấy chàng này ăn nói cũng lễ phép, lịch sự, nhất là chàng hứa sẽ chịu trách nhiệm với cái thai của Yến Oanh, bà nghĩ chàng là thầy giáo, chắc cũng không đến nổi nào đâu. Nếu "già néo" quá thì đứt dây, thôi thì sự việc đâu còn có đó, mình không nên làm quá, lần sau gặp lâu hơn sẽ hỏi chàng bước tiến hành tiếp theo chàng sẽ làm gì. Phải bắt chàng công khai nhận lãnh là chủ của cái thai, dù gì sau này cũng là con rể trong nhà. Bà theo Phật nên lòng bà nhẹ nhàng, dễ tin người.
Bà cũng đứng dậy:
- Tôi đến đây báo cho thầy biết như vậy để thầy lo liệu. Thôi, thầy vào dạy tiếp đi.

Căn vội vàng chào bà Nguyện rồi nhanh nhảu đi về phía cổng trường học, đầu chàng rối bời, chết cha mình rồi, thật là người ta nói không sai, sướng thằng nhỏ, khổ thằng lớn. Chàng vào lớp dạy mà hồn cứ để đâu đâu, chàng suy nghĩ mọi cách để "thoát" kiếp nạn lần thứ hai này.

 

*

 

Căn lên xe chạy một mạch về nhà, tuy chiếc Honda phóng bon bon trên đường nhựa, nhưng chàng nghe như có một cái gì đó trì kéo lại, làm chàng thấy rất nặng nhọc. Chàng nghe như mình thở hốc ra. Chết thật rồi. Lần này không thoát khỏi chiếc búa tạ đánh xuống đầu rồi đây. Làm sao gỡ? Chàng loay hoay suy nghĩ cách gỡ cái mối nhợ rối nhùi này. Nghĩa là chàng cố vùng vẫy thoát ra, chứ không nghĩ thương xót đến cô học trò bé nhỏ Yến Oanh bị chàng sát thủ dưới tay, khiến nàng mang họa dính bầu. Chàng không nghĩ đến trách nhiệm, bổn phận, của mình khi gieo giọt máu này ra. Đứa con sẽ như thế nào, có khi nào Yến Oanh tức giận quá rồi quẩn trí phá bỏ nó đi không? Căn lại nghĩ đến chuyện xúi Yến Oanh bỏ đứa bé, mới hơn tháng thì dễ mà. Nhưng Yến Oanh có khứng chịu không?

Chàng chạy xe vô vườn nhà, vì nhà chàng dựng trên một khu đất rộng. Thật ra, khi "giải phóng" về, chàng mang danh là con liệt sĩ, nên được chính quyền mới ưu tiên mọi thứ. Nhân tiện, có căn nhà của ông đại úy ngụy bỏ trốn ra nước ngoài, chàng và mẹ chàng xin được phép "tiếp thu" căn nhà bỏ trống ấy, và nay là nhà của chàng, trông cũng bề thế lắm.

Chàng cứ nghĩ trong đầu, cô gái nào thích chàng đều nhắm vào cái nhà. Trước đây Nhung cố ý mồi chài chàng vì ngôi nhà đó, và nay Yến Oanh cũng vậy. Cũng tại chàng một phần, vì mỗi khi muốn tán gái là cứ đem ngôi nhà ra nhử, "em về sống với anh trong căn nhà của anh, có khu vườn đầy cây trái, có hoa cỏ bốn mùa". Những cô nữ sinh ở một vùng quê, lại con nhà nghèo, non lòng nhẹ dạ như Yến Oanh sập bẫy là cái chắc, ai chẳng mong có một người chồng, có nhà có cửa hẳn hoi.

Chàng thấy mình thiệt là đang ngắt ngứ như con cá mắc câu. Làm sao đây? Câu chuyện buổi sáng gặp người mẹ của Yến Oanh, dù bà là người tu hành, nhưng nhìn vào đôi mắt bà, không có cái gì làm lay chuyển được ý của bà. Với bà, chỉ có một chuyện duy nhất là chàng đứng ra nhận, chịu trách nhiệm cái thai của Yến Oanh, rồi cưới nàng làm vợ. Chỉ vậy thôi. Đơn giản vậy thôi. Nhưng mà Căn đâu muốn vậy, trong ý nghĩ của người thầy giáo này chỉ là chơi qua đường. Chàng chưa có ý định dừng lại, dù chàng đã gần tuổi ba mươi. Chàng coi đây là một tai nạn, cần phải tháo gỡ.

Trong ý định chàng, người vợ tương lai của chàng sẽ là một người con gái vừa đẹp, vừa giàu có, vừa có học, có nghề ngỗng đàng hoàng...Như vậy thì Yến Oanh không nằm trong danh sách tiêu chuẩn của chàng lựa chọn. Nàng không có trong tầm ngắm của Căn, nàng chỉ là một sân ga, chàng là một con tàu, con tàu chạy qua dừng lại ở nhiều sân ga...Nhưng nguy hiểm cho chàng, là con tàu chàng mới đến sân ga này, bị hỏng máy trầm trọng. Có thể nằm lại đây lâu dài thì nguy cho chàng quá...nên chàng phải tìm cách để sửa con tàu cho chạy tiếp, đến những sân ga khác...

Hay là mình xin nghỉ phép một thời gian, nghỉ phép đi Sài Gòn, xuống nhà người chị tá túc, xin nghỉ không lương cũng được, nói là đi chữa bịnh...Khoảng một tháng, nếu bà cụ đó có vào trường hỏi thì ai cũng nói mình đi nghỉ phép, chắc bả thấy mình không mặn mòi gì với Yến Oanh, sẽ về nhà cùng Yến Oanh tự lo liệu...Cũng là một cách hay. Chàng mong những người này sẽ nhả chàng ra...Trong lúc nhà trường từ Ban Giám Hiệu đến các giáo viên chưa ai biết, thì mình hãy xin nghỉ phép trước đã.

Căn thấy giải pháp này chưa tốt lắm, nhưng thôi cứ giải quyết như vậy, chứ vào trường dạy, ngày một, ngày hai bà già lại đến, mọi chuyện sẽ đổ bể tùm lum...

Chàng thấy tự tin trở lại và cố mĩm cười với mình, tự dỗ dành mình: Hãy bình tỉnh nghe Căn, chuyện đâu còn có đó.

Chàng ngồi vào bàn viết, viết đơn xin thầy hiệu trưởng cho phép chàng đi Sài Gòn chữa bịnh. Chàng khai đại là bịnh phổi. Dĩ nhiên chàng dạy ở đây đã lâu mà chưa nghỉ phép lần nào, chỉ có nghỉ hè, mà nghỉ hè nhiều lúc giáo viên cũng bị điều động đi làm công tác chỗ này, chỗ kia... Chàng tức tốc chạy xe quay lại trường và nộp đơn ngay cho hiệu trưởng. Vì lý do đi chữa bịnh nên hiệu trưởng phải cho phép chàng nghỉ thôi.

Buổi tối bà Cảnh về nhà, Căn trình bày với mẹ chuyện chàng bị bịnh và xuống nhà chị Hạnh nghỉ ngơi, chữa bịnh, bà Cảnh lo cho con nên không hỏi han gì nhiều. Thế là hôm sau, Căn chạy xe Honda đi thẳng Sài Gòn.

*

Yến Oanh đã nghỉ học được một tuần, vì cái thai bắt đầu nổi cộm lên.


Từ hôm bà Nguyện đến trường, rồi về nhà kể chuyện lại với nàng, là có đến gặp Căn tại trường và Căn hứa sẽ giải quyết. Nàng thấy nhẹ lòng hơn và không thút thít khóc thầm trên căn gác gỗ nữa. Có thế chứ, anh đâu có phụ mình, anh yêu mình mà...

Nàng yên tâm và chờ đợi. Đời nàng đã vào một khúc quành lớn, nghĩa là nàng nghỉ học giữa chừng thế này, mới lớp chín, thì nàng lấy bằng cấp đâu để xin việc...dù là một công việc như thư ký văn phòng, ít ra cũng phải xong lớp mười hai, tốt nghiệp phổ thông trung học...

Nhưng nghe Căn hứa với má như vậy nàng cũng yên lòng, dù ảnh có thế nào đi nữa, nhưng đối với người lớn, ảnh không giám thất hứa đâu...Nàng nằm một mình nhắm mắt lại và tự nhủ, hãy tin, tin, tin...Cứ thế thời gian trôi qua...


Bỗng đâu, hôm nay con Ngọc Anh tìm tới thăm. Ngọc Anh là bạn học cùng lớp với nàng, cũng thân nàng chút chút, lại ở cùng đường Đống Đa, thấy Yến Oanh không đi học, nên tạt vào thăm.

Trông thấy Ngọc Anh, nàng mừng rơn, bởi vì nghỉ học cũng tuần rồi, nên nàng, nhớ trường, nhớ lớp, nhớ bạn bè ghê lắm.

Ngọc Anh chạy chúi nhũi đến ôm nàng:

- Yến Oanh, sao nghỉ học cả tuần nay vậy? Có gì không? Sao thấy mặt mày xanh xao quá?

Yến Oanh vuốt vuốt tóc, làm ra bộ tự nhiên:

- Có gì đâu Ngọc Anh. Tau bị cảm cúm xoàng thôi mà, má tau biểu tau ở nhà chứ đi học vào lớp lây cho mấy bạn, cho tụi bay sao, nên tau nghỉ.


Yến Oanh tự nhiên thấy mình nói dối có sách, điều mà trước đây nàng có nói dối với ai bao giờ đâu. Nhưng tình hình này, Yến Oanh nghĩ nhanh, mình phải nói dối như vậy để tụi bạn tin, chứ nếu nói thật, tụi nó biết được thì không phải chỉ trường Hồng Gấm biết, mà cả thị xã Mỹ Tho này ai cũng biết, lúc đó có nước đi ra đường phải lấy khăn che mặt lại, chứ không thì làm sao ngước mặt lên nhìn ai?

Tiếp theo, Yến Oanh liếng thoắn hỏi một hơi:

- Sao rồi Ngọc Anh, ở lớp mình có gì vui không, mấy con Nhạn Trắng, Thiên Nga, Bướm Vàng có còn quậy không? Mới xa lớp mình có một tuần mà tau thấy nhớ quá...

Ngọc Anh kể lễ dài dòng:

- Ô, mày ơi. Lớp mình sinh hoạt cũng bộn bề lắm, nghe nói ông thầy Minh dạy lớp mười, cặp bồ với nhỏ Kim Quý lớp mình, nghe nói con Quý dính bầu với ổng rồi đó, mày ơi!

Yến Oanh nghe chưng hửng và thấy mình run lên cầm cập, sao giống mình quá vậy cà.

Yến Oanh lên tiếng:

- Thiệt không mày, hay thấy thầy Minh hay binh con Quý nên tụi nó đồn lên vậy thôi.

- Đồn gì mà đồn, chuyện có thật đó mày. Thầy Minh cho gia đình đến nhà dạm hỏi con Quý rồi. Thầy công khai tuyên bố lấy Quý làm vợ rồi mà.

- Vậy à. Thế thì cũng tốt thôi mà.

Tự nhiên con Ngọc Anh xoay qua chuyện Yến Oanh:

- À, tuần trước tau thấy ai như bà già mày vô trường mình, có chuyện gì vậy?

Yến Oanh nghe hoảng quá, nhưng nàng cũng lanh lợi trả lời ngay:

- Ừ, thì bà già vào trường xin phép cho tau nghỉ học đó mà, nghỉ lâu sợ trường đuổi học thì chết.

- Thế hả? Vậy mà tau tưởng có chuyện gì.

Rồi Ngọc Anh kể chuyện linh tinh:

- À, còn chuyện nữa nè, không biết sao thầy Căn cũng nghỉ dạy cả tuần rồi, nghe nói thầy đi chữa bịnh ở Sài Gòn, ông đi cũng cả tháng mới về đó, nghe mấy nhân viên trên văn phòng nói vậy.


Chuyện này thì Yến Oanh vừa nghe, thì tim nàng tự nhiên đập thình thịch. Căn đi Sài Gòn chi vậy cà? Anh bịnh gì mà đi chữa bịnh. Má về nói là Căn sẽ đến gặp ba má để nói chuyện của mình, mà tại sao hứa vậy rồi tự dưng lại bỏ đi. Mặt nàng hơi biến sắc, nhưng nàng cố giữ cho thật tự nhiên.

Nàng hỏi lại Ngọc Anh:

- Vậy ổng nghỉ thì ai dạy tiết Việt Văn?

- Thì trên văn phòng cử thầy Thiêm xuống dạy, nói thầy Thiêm dạy khoảng tháng thôi, khi nào thầy Căn về sẽ dạy lại.

Yến Oanh thở ra nhè nhẹ. Hú hồn, thế mà mới nghe Căn đi xa là nàng đã nghe lạnh thấu xương. Anh mà bỏ em và đứa con thì em cũng chết mất thôi, đứa con của chúng ta đang từng giờ từng phút tượng hình trong em này, anh biết không?

Cũng may, nàng đang thẩn thờ nghĩ về Căn, thì con Ngọc Anh nói:

- Thôi, sẳn tau đi ngang qua nhà mày, tau ghé thăm mày chút. Bây giờ tau về nghe. Về nhà lo nấu cơm nữa đấy.

Ngọc Anh về rồi, Yến Oanh lại rối bời trong suy nghĩ, anh đi đâu, sao đi không báo cho em biết một lời. Nàng đợi má về sẽ hỏi ý kiến má? Làm sao đây?

Hay anh bịnh thật? Bịnh gì, từ ngày đó đến nay cũng gần hai tháng rồi. Và em cũng thấy anh hoài ở trường mà. Anh đứng lớp, nghiêm trang giảng bài, không nhìn em một chút gì hết. Nhưng em nghĩ, anh làm vậy để che mặt những đứa học sinh trong lớp tò mò, để anh giữ thể diện của một ông thầy, phải không anh?

*

Buổi tối, bà Nguyện đi làm về. Trông thấy Yến Oanh mặt mày ỉu xìu, bà liền hỏi.

- Len, sao mặt mày con ủ ê vậy?

Yến Oanh liền thưa với má:

- Má ơi! Con lo quá má ơi! Hôm trước má vô trường, gặp thầy Căn, ảnh nói là ảnh sẽ đến gặp má và gia đình mình, mà sao hôm nay con Ngọc Anh, bạn con, nó nói, ảnh xin đi nghỉ phép đi Sài Gòn rồi má, nghe đâu một tháng ảnh mới về. Con lo quá, không biết ảnh có tới nhà mình không đây?

Bà Nguyện nghe con gái nói vậy, bà cũng thấy nghi nghi trong dạ. Gặp thầy Căn lần đầu, nghe Căn nói, bà cũng xiêu lòng, và tin tưởng là Căn nói sẽ đến nhà và chịu trách nhiệm với cái thai của Yến Oanh. Nhưng bây giờ, bà nghĩ lại. Sao mà Căn bằng lòng dễ dàng quá như vậy? Và chàng giáo viên này dẽo miệng quá, mà thường những người dẽo miệng thường hay đểu giả, nói ra chỉ để vừa lòng người khác mà thôi. Biết đâu hắn nói để mình yên lòng, rồi hắn sẽ kế sách khác đối phó. Chắc vậy hắn mới tìm cách xin nghỉ phép, chứ tự nhiên sao giữa mùa học mà phải bỏ đi. Chắc là có sự "cố" rồi đây.

Bà Nguyện an ủi Yến Oanh:

- Thôi con đừng lo lắng gì hết, cái gì mình phải thì mình chẳng có gì lo. Mai má vào trường một lần nữa thử coi. Nếu má thấy tình hình không tốt thì má nói thật với thầy hiệu trưởng và ban giám hiệu, chứ thầy giáo mà cư xử  như vậy làm sao được.


Yến Oanh nghe má nói thế thì cũng yên lòng. Nàng tin tưởng vào má, vì nàng biết má thương mình, lo lắng cho tương lai của mình. Nàng bây giờ cũng thấy lờ mờ sự dối trá, đểu cáng của Căn. Và cũng thấy lờ mờ là Căn tìm cách "chạy làng", nên nàng cũng muốn cho má vào trường hỏi cho ra lẽ, chứ chẳng lẽ đời con gái của nàng, đã phó thác cho Căn, một giáo viên dưới chế độ xã hội chủ nghĩa ưu việt, mà có thể đểu cáng thế sao?


Mình phải đòi quyền của mình chứ. Sao mình phải im lặng và chịu đựng.

Yến Oanh thao thức và khóc nhòe nhoẹt trong căn gác trọ nóng bức. Cái thai trong bụng bắt đầu hành nàng quá đổi.

 

*

Đây là thời gian đau buồn nhất của Yến Oanh, nàng nằm vùi đầu trong chăn, trên căn gác nóng lẹp xẹp này riết rồi cũng cùn chân. Nàng muốn đi ra ngoài cho khuây khỏa, nhưng khi soi mặt mình trong gương, nàng thấy da mặt mình xanh xao quá, trũng mắt thẫm sâu. Trông gương mặt hốc hác quá. Với lại cái thai hành, nàng không thấy thức ăn gì ngon, dù má mua thịt về kho tiêu, kho mặn hay nấu canh bông điên điển với cá diêu hồng, nàng nghe mùi, cũng thấy buồn nôn mửa. Nên nàng không muốn ăn, không muốn xuống đường, một chút nào cả.

Kèm trong niềm đau của cái thai hành, nàng còn bị cái đòi hỏi của xác thịt cuồn cuộn trong người. Nàng nằm lơ ngơ, nhìn lên trền nhà, những con thằn lằn đuổi nhau trên bức tường, chúng kêu rích rích, rồi quấn vào nhau. Con trên đè con dưới như là sung sướng khoái lạc lắm.

Nàng liên tưởng những lần ân ái mặn nồng với Căn, những cái ôm, những cái vuốt ve âu yếm, những cái xoa bóp với đôi bàn tay nhẹ nhàng, điệu nghệ của chàng, chàng lên xuống sâu trong nàng, làm nàng co rúm, như có nghìn mũi kim đâm trên da thịt, lâng lâng...Nàng cong người lại ôm lấy gối ôm. Em một mình, không có anh bên cạnh, em thèm anh, sao anh bỏ em, anh không đến với em, ngày cuối, lần cuối gặp anh ở phòng ngủ cũng đã hơn tháng rồi, xác thân em đang bùng lên đây anh, cháy ngùn ngụt, em nóng quá, em thèm một vòng tay anh, cái ôm của anh, siết em mạnh vào trong anh, anh biết không, anh bỏ em là em chết đó, Căn ơi!

Tất cả thể hiện trong Yến Oanh những mâu thuẩn ngút trời. Lúc yêu chàng tha thiết, lúc nhớ chàng quá đổi, nhưng rồi lại giận con người tệ bạc của Căn. Anh đi là có tính toán, là tìm cách tránh né em. Yến Oanh nghĩ điều má nói với mình là phải, là phải làm cho ra lẽ, chứ để một tháng nữa Căn mới về thì mọi chuyện sẽ trễ tràn ra...Phải giục má, ngày mai má vào trường lại, phải làm ra rõ ràng, cho ra đen, trắng chứ.

Cả một tuần nay, bà Nguyện đi làm về lúc nào lên gác cũng thấy Yến Oanh nằm thu lu một đống. Bà thương con gái quá. Tình mẹ mà. Tình mẹ lớn như biển đông, nên bà nghĩ quyết chí phải làm cho ra lẽ chuyện Căn bỏ đi xa. Trong lòng bà lúc nào cũng nghĩ đến lời các sư dạy trong Tịnh Xá, hãy hiền lành, từ bi đối với mọi người. Nhưng chuyện này bà thấy không có gì sai trái cả. Bà tìm đến nơi Căn làm việc, hỏi cho ra nguyên do, nếu Căn tìm cách "chạy làng" thì phải tố cáo với thầy hiệu trưởng và Ban Giám Hiệu. Bà nghĩ sao là bà làm vậy.
 

Buổi sáng hôm nay, cũng như hôm trước, bà Nguyện cũng bận cặp đồ đà, bộ đồ nói lên đây là một đệ tử của đức Phật, theo lời dạy của đức Phật, chứ không làm điều gì sai quấy. Bà đến trường nữ trung học Hồng Gấm. Dựng xe đạp ở cổng rồi vào trong xin bảo vệ cho vào.

- Chào chú, xin chú cho tôi vào trong gặp thầy hiệu trưởng một chút.

Người bảo vệ giữ cổng hỏi lại:

- Có việc gì không bà, bà có hẹn không?

- Thì tôi có việc trình báo của con gái tôi, con gái tôi học lớp 9 ở đây nè. Con gái tôi đau bịnh ở nhà cả tuần nay rồi, nên tôi muốn trình báo với thầy hiệu trưởng.

Người bảo vệ thấy bà già hôm trước, bà bận bộ đồ đà như một giải thích là, bà tu đạo Phật. Biết bà hiền lành, tử tế, nên chú bảo vệ xởi lởi:

- Vậy thì mời bà vào.

Người bảo vệ mở cổng, bà dắt xe đạp vào trong, đặt nó vào chỗ hôm trước, rồi bà bước vô văn phòng.

Cô thư ký văn phòng thấy bà hỏi ngay:

- Thưa sư cô, có việc gì đấy ạ? Sư cô cần điều gì, gặp ai?

Bà Nguyện liền đính chính ngay:

- Tôi không phải sư cô, tôi tu tại gia. Hôm nay tôi đến muốn gặp thầy hiệu trưởng.

Cô thư ký liền thay đổi cách xưng hô:

- Có chuyện gì không bà?

- Có chứ. Tôi muốn thưa với thầy hiệu trưởng một chuyện.

Người thư ký nói:

- Vậy thì bà ra ngoài phòng khách đợi. Tôi vào báo với thầy hiệu trưởng. Thày rảnh thì bà sẽ vào gặp nhé.

Bà Nguyện ra ngoài phòng khách, cũng là phòng giáo viên hôm trước.
Một chút thì cô thư ký đến nói.

- Mời bà theo tôi, thầy hiệu trưởng đợi bà trong phòng.

Bà Nguyện theo lời chỉ dẫn của cô thư ký. Đi theo dọc hành lang, tới một phòng có ghi chữ Phòng Hiệu Trưởng, cô nói:

- Mời bà vào.

Bà Nguyện bước vào.


Ông hiệu trưởng đâu khoảng bốn mươi tuổi, dáng người nhỏ thó. Ông từng nhảy núi hồi còn chiến tranh. Dù chỉ mới tốt nghiệp lớp 9 nhưng ông đã trải qua cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, nên khi về thành ông được đề bạt làm hiệu trưởng. Tánh ông nông dân ít học, nhưng đã trải qua môi trường sống, ông hòa nhập được với cuộc sống mới khi cầm cương ngôi trường trung học Hồng Gấm này. Và ông ghét thói lang bang, trăng hoa của những giáo viên ở trường con gái này, nhất là những tin đồn không tốt, về các giáo viên dưới tay ông. Nhân danh giáo viên, tán hết cô học trò này đến cô học trò khác. Có những "vụ án" khiến ông điên đầu không ít. Nhân danh là giáo viên, là thần tượng của các cô học trò mới lớn. Các giáo viên đa tình như Bổn, như Nhâm, như Minh...đã làm các cô học trò có bầu rồi bỏ chạy...Ông phải giải quyết rốt ráo khi gia đình cô gái đến trường thưa kiện. Có hai giáo viên phải rời khỏi trường, còn những người khác phải làm kiểm điểm và phải cưới cô gái học trò làm vợ...


Bây giờ ông tiếp bà già tu hành này vào văn phòng, không biết có chuyện gì đây. Trong đầu óc ông nghĩ, cũng chỉ là chuyện các thầy giáo lăng nhăng với học trò thôi, chứ chẳng có gì khác lạ hơn.

Bà Nguyện bước vào văn phòng, bà chắp hai tay trước ngực rồi lễ phép thưa:

- Kính chào thầy hiệu trường, tôi là bà Nguyện, mẹ con Len, học trò lớp 9 trường này đó thầy.

Ông hiệu trưởng nhẹ nhàng nói:

- Chào bà, mời bà ngồi. Hôm nay bà có chuyện gì mà đến trường chúng tôi vậy?

Bà Nguyện bắt đầu kể lễ:

- Thưa thầy, con gái tôi học lớp 9, nó mới mười tám tuổi. Tháng nay, nó về nó kể thầy Căn dạy lớp nó, yêu nó và nó cũng có cảm tình với thầy Căn. Nó kể nó bị thầy Căn nói ngon nói ngọt, hứa là sẽ cưới nó làm vợ nên nó đã trao thân cho thầy Căn, và nay nó đã có bầu gần hai tháng rồi. Tuần trước tôi có tới trường gặp thầy Căn, thầy nói sẽ chịu trách nhiệm. Thế mà nay, tôi hay tin là thầy Căn đã đi nghỉ phép ở Sài Gòn, tôi lo cho con gái tôi quá nên đến đây, nhờ thầy trong cương vị lãnh đạo, xin thầy giải quyết dùm.
 

Bà Nguyện nói một hơi dài, bà nói ra như trút đi mọi uất ức trong lòng, vì thương con, vì lo cho con, bà muốn xả hết mọi áp lực trong đầu bà từ mấy tuần nay. Và bà nghĩ đến ông Phạm, chồng bà, cũng vì tính lăng nhăng của đàn ông mà làm bà khổ, bà hận mấy năm trời.

Ông hiệu trưởng nghe bà Nguyện bộc bạch lòng mình và thấy những tiên đoán của mình không sai.

Trường này là trường nữ trung học tỉnh, với những cô học trò mới lớn xinh như mộng, đẹp như tiên nga và cũng đa tình như Thúy Kiều, thì những thầy mang danh giáo viên nhân dân ở trường, cầm lòng sao cho đậu. Nhất là dưới chế độ mới không quan niệm chữ Quân Sư Phụ quan trọng trong lễ nghĩa nữa. Thầy giáo chỉ là người cán bộ dạy những điều mình biết cho đám học trò (như học viên thôi). Còn chuyện tình nghĩa chỉ là trong sách giáo khoa thư của thời phong kiến hay thời ngụy trước kia.

Tuy nhiên trong phong cách làm việc hiện nay, thì các giáo viên mà dụ dỗ học viên vào đường tình ái lăng nhăng, để đưa đến việc mang bầu thì phải chịu trách nhiệm. Cho nên ông nói với bà Nguyện:

- Thưa bà! Nghe bà bộc bạch sự việc, hôm nay tôi mới biết chuyện đã xảy ra cho cháu nhỏ, con gái bà. Thực sự, tôi quản cái trường này cũng đã lâu, nên biết chuyện này xảy ra ở đây cũng nhiều. Đó cũng là một điều tệ hại có lẽ là do tàn dư của chế độ Mỹ Ngụy để lại thôi, chứ người giáo viên nhân dân của chế độ mới đâu có làm như vậy được. Tôi biết thầy Căn cũng là con của một liệt sĩ anh hùng cách mạng, nên chuyện này cũng sẽ giải quyết êm đẹp thôi. Thầy Căn đã một lần vi phạm, cũng đã làm một thiếu nữ mang bầu, nhà trường biết được nhưng người thiếu nữ ấy tự động mang con đi, không khiếu nại gì cho nên ban giám hiệu cho qua. Bây giờ y lại tái phạm. Hèn chi vừa rồi thầy Căn xin phép nghỉ một tháng, nói đi chữa bịnh ở Sài Gòn, tôi cũng thấy nghi nghi, chắc là y cũng định trốn cho qua truông hay sao đây. Nếu sự việc xảy ra tái phạm như vậy, tôi và ban giám hiệu sẽ có biện pháp với thầy. Thôi bà ra về đi, dù gì cũng phải đợi thầy Căn về rồi mới giải quyết được, chứ bây giờ không có thầy ở đây, thì làm sao.

Bà Nguyên ngồi nghe thầy hiệu trưởng nói, bà mới chưng hửng ra, là Căn trước đây cũng đã từng hái hoa, hút nhụy một người, rồi bỏ chạy. Thế thì lần này chắc chắn hắn ta cũng nghĩ cách xa chạy cao bay đây. Nếu chàng ta không trở về nữa thì sao? Nếu chàng ta bỏ nhiệm sở thì làm sao?

Cái gì cũng phải chờ đợi. Chờ đợi ba tuần nữa thật là quá dài. Nhưng như bất kỳ một vụ án nào đối với nghi can, khi ra tòa thì phải có mặt của nghi can, để nghe các lời điều tra của cảnh sát có đúng không chớ? Nếu không đúng thì có quyền cải lại, thế mới công bình. Ông hiệu trưởng nghĩ vậy và bà Nguyện cũng nghĩ vậy.

Bà Nguyện đứng dậy nói:

- Thôi thế thì tôi đợi. Mà thầy hứa với tôi là thầy phải giúp tôi làm ra lẽ nghe. Con gái tôi còn nhỏ quá, nó đang nằm khóc cả ngày ở nhà đó.

Ông hiệu trưởng cũng đứng dậy:

- Tôi hứa mà. Tôi nói chắc với bà, nếu thầy Căn là tác giả cái thai trong bụng của con bà, thì tôi bắt y phải chịu trách nhiệm, lấy con gái bà làm vợ. Còn nếu y không bằng lòng, chỉ một việc là đuổi y ra khỏi trường, bắt y phải nghỉ dạy thôi. Đây là lần vi phạm thứ hai của thầy Căn rồi. Bà yên tâm đi.

Bà Nguyện chào thầy hiệu trưởng một lần nữa, rồi ra về.

Bà vừa đi vừa nghĩ, thôi cũng được. Đợi, phải đợi thôi. Thầy hiệu trưởng đã hứa chắc là không sao đâu.


*

Bà Nguyện về rồi, thầy hiệu trưởng ngồi thừ người ra suy nghĩ. Cái thằng thầy giáo Căn này làm thế này là nguy to rồi. Chết toi uy tín của cả đám giáo viên trong trường này mất, mà người đứng cầm càng là mình chứ ai. Ông nghĩ đến bà già tu Phật tại gia này, nhìn dáng bà và giọng nói bà đã thấy quyết liệt rồi, chắc là bà không bỏ cuộc đâu. Nếu mình không giải quyết, hay giải quyết không rốt ráo, bà có thể lên tận Ủy Ban Nhân Dân hay Văn Phòng Tỉnh Ủy khiếu nại cũng nên. Bà già này có thể là bà già gân, giống như đồng chí gái nào đó ở Bến Tre đã nói, đánh đến lai quần cũng đánh. Mình không giải quyết, để chạm tai đến phòng giáo dục tỉnh, thì chết mẹ mình. Trường gì mà trong một năm đã xảy ra ba, bốn vụ, giáo viên dụ học trò gái đến mang bầu rồi bỏ chạy làng. Đã có 2 giáo viên xách gói về quê đuổi gà rồi, hay thất nghiệp phải buôn bán chợ trời, hay chạy xe ôm...

Ông nghĩ vậy nên thấy mình run lên bần bật, mấy thằng quỷ giáo viên này có dâm dê, cũng dâm dê vừa thôi, biết "đồ nào ăn thì ăn, đồ nào cúng thì cúng" chớ. Đây là trường nữ trung học của một tỉnh, một thị xã, chứ đâu phải là lò hay xưởng chứa gái nào cho cam, đâu phải là trung tâm thi hoa hậu sắc đẹp nào cho cam...mà giáo viên thi nhau tìm cách dụ dỗ, ăn ngủ với học sinh. Thật là không ra thể thống gì hết, không đâu vào đâu hết, mất uy tín quá, mình phải mạnh tay mới được...

Ông nghĩ đến những vụ án tình vừa qua ông đã giải quyết, cũng tương tự như vụ này, còn mới rợi đây chứ có đâu xa, là chuyện thầy Minh tằng tịu với học trò gái Quý, đưa đến Quý có bầu, ông cũng mạnh dạn bắt ép thầy Minh cưới Quý, chứ không thì thầy Minh sẽ bị đuổi việc. Cuối cùng mọi chuyện êm xuôi. Lần này phải giải quyết như vậy với thầy Căn, chứ không thể nương tay hơn được. Nếu giải quyết mà chậm trễ, bà già tu Phật tại gia này có thể nóng ruột, rồi lên Ủy Ban kiện nữa thì chết cha! Phải giải quyết nội bộ. Đừng cho trên biết một chút gì hết.

Ông hiệu trưởng liền thảo ngay một bức thư gởi thầy Căn ở Sài Gòn, theo địa chỉ nghỉ phép của Căn ghi trong đơn. Ông nói hết ra sự việc Căn bị bà già gân đưa ra khiếu nại, là Căn làm có bầu cô gái cưng của bà và yêu cầu Căn phải về lại trường ngay để giải quyết. Nếu không, thì Căn sẽ bị đuổi việc như mấy bạn đồng nghiệp của Căn trước đây.
Lần này ông viết cho Căn với giọng thật cứng rắn.

Bà ngày sau, Căn nhận được thư. Chàng ngây người như không còn chút hơi thở. Nghề dạy học, giáo chức tuy là nghề "dứt cháo", nhưng chàng mất nghề này như là mất cả sự nghiệp. Chàng vội vã thu xếp hành trang quay về.



 

 



  

 

 

Trần Yên Hòa
Số lần đọc: 2236
Ngày đăng: 01.03.2018
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Một lần đi dọc giòng sông - Hà Thủy
Sum vầy - Trần Quang Phong
Mùa xuân đầu tiên - Hoàng Nga
Cuối năm. - Trạch An – Trần Hữu Hội.
Ly Hương (cuộc đời yêu dấu 3) - Nguyễn Đức Tùng
Thời thượng - Trần Yên Hòa
Bức thư của người mẹ trẻ - Trương Văn Dân
Người đàn bà trong hoàng cung lặng gió - Nguyễn Anh Tuấn
Đêm tuyết gọi - Ngô Nguyên Dũng
Đời và thiền - Mã Lam
Cùng một tác giả
Diễm Xưa (truyện ngắn)
Giong Quê (truyện ngắn)
Chanh Cốm (truyện ngắn)
Mẹ Và Em (truyện ngắn)
Tam Thân (truyện ngắn)
Châu long (truyện ngắn)
Bán con bò (truyện ngắn)
Thị Xã (truyện ngắn)
Quê Cha (truyện ngắn)
Chuyện ở hãng. (truyện ngắn)
Net (truyện ngắn)
Sớm Mai (truyện ngắn)
Bóng Sắc Tuổi Thơ (truyện ngắn)
Anh tư (truyện ngắn)
Tưởng (thơ)
Mùa Xưa (tạp văn)
Em neo (truyện ngắn)
Bốn Chín Năm Mươi (truyện ngắn)
Nghiệp (truyện ngắn)
Bờ em (thơ)
Duyên (truyện ngắn)
Đợi (thơ)
Không phải tại em (truyện ngắn)
Tạ (thơ)
Người về (truyện ngắn)
Thời thượng (truyện ngắn)
Tình yêu chạy làng (truyện ngắn)
Những ngày gió nóng (truyện ngắn)
Qua cầu (truyện ngắn)
Con đen (truyện ngắn)
"Bái phục" (truyện ngắn)
Trôi (thơ)
Trám (truyện ngắn)
Khuôn mặt (truyện ngắn)
Đẳng cấp (truyện ngắn)
Hậu "hại điện" (truyện ngắn)
Dáng Mỏng (truyện ngắn)
Ngày về (truyện ngắn)
Tổn thất tình (truyện ngắn)
Giữa Vòng Xoay (truyện ngắn)
Tiếng nói (truyện ngắn)
Chuyện Tình Bát Nháo (truyện ngắn)
Cơn bão nóng (truyện ngắn)
Vượt (truyện ngắn)
Lên đời (truyện ngắn)
Những Tình (truyện ngắn)
Kịch Bản Phim (truyện ngắn)
Người trở về (truyện ngắn)
Bán chữ (truyện ngắn)
Bôi trơn (truyện ngắn)
Mối tình Chơn (truyện ngắn)
Anh em (truyện ngắn)
Dòng thơ ấu (truyện ngắn)
Nhất Linh sống mãi (nghệ thuật)
Mối tình Chơn (truyện ngắn)
Bán chữ (truyện ngắn)
Trám (truyện ngắn)
Người chết hai lần (truyện ngắn)
Dòng thơ ấu (truyện ngắn)
Tiếng nói (truyện ngắn)
Lên "phây" (truyện ngắn)
Dáng mỏng (truyện ngắn)
Bôi trơn (truyện ngắn)
Mua bán lạc son (truyện ngắn)
Sớm mai (truyện ngắn)