Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.092
123.231.775
 
Con cá kèo
Nguyễn Văn Tâm A

Khi nghe tới từ “Chợ”, quý vị bỗng hình dung đến một nơi dơ bẩn và hôi hám, ồn ào với đông người đi bộ qua lại, chen lấn với nhau để đi ngược đi xuôi, đi lên hoặc đi xuống.

 

Điều đó chỉ đúng một phần so với cái chợ ven sông  mà tôi muốn đề cập trong câu chuyện này. Tức là nó vẫn hôi hám, dơ bẩn và ồn ào nhưng không có cái cảnh chen lấn ngược xuôi của những người đi bộ, mà chỉ thấy toàn xe cộ qua lại. Khách muốn mua hàng thì xình xịch trờ xe máy tới, tháo khẩu trang ra, nhổ toẹt một bãi nước bọt rồi hất hàm hỏi:

 

- Bao nhiêu tiền một kí vậy?

 

- Mua đi em, lâu quá mới gặp nhỉ – Bà bán hàng vui vẻ như gặp phải khách quen, nhưng bà biết đâu đây là vị khách mới ghé hàng của bà lần đầu – Cá kèo 90 ngàn một ký, rẻ rề hà em ơi, mở hàng cho chị nghen cưng?

 

- Bảy chục!? – Cô khách hàng vẫn vẻ mặt lạnh lùng, vẻ mặt không phải của một khách quen.

 

-  Chị bao giá em luôn, ở đâu có giá bảy chục mang lại đây chị mua.

Khách hàng không nói thêm một lời, rồ ga vọt đi.

 

Bà bán hàng cá léo nhéo với theo một câu không được thiện cảm cho lắm  nhưng rồi bà đổi ngay sang nét mặt tươi như hoa để mời một vị khách tiếp theo.

 

Bà hàng cá là một phụ nữ trạc năm mươi. Nhan sắc cũng sắp tàn phai theo thời gian, nhưng nhờ chủ nhân của nó khéo giữ gìn chăm bón và cố níu kéo để  làm chậm quá trình hao mòn tự nhiên  nên cái cây nhan sắc của bà vẫn còn xanh lắm. Lông mày với những thứ bẩm sinh mà  tự nhiên đã sắp đặt sẳn dành cho một con người được thay thế bằng hai nét chì màu đen kẻ cong cớn theo sở thích của chủ nhân, chẳng quan tâm đến việc nó có hợp với đôi mắt không còn mấy tinh tường như thuở mười tám đôi mươi hay không. Đôi môi thì có lẻ được bơm nhiều lần nên nó có vẻ dài ra gần ngang bằng với cái mũi, màu sắc thì loèn loẹt chỗ đen chỗ đỏ chẳng thành một màu sắc cố định, thế mà vẫn có người cho là đẹp, cho là xinh tươi. Cái tự nhiên đã biến đi mất, thay vào đó là một cái gì đó ngộ nghĩnh, không hợp lí với những cái mà lẻ ra, nếu để tự nhiên thì nó sẽ hợp lí hơn.

 

Sáng hôm nay là một buổi chợ ế. Vừa mới mở  mắt ra thì ông trời đã dội ngay xuống một trận mưa tầm tả, cái chợ thường ngày vốn đã bẩn hôm nay còn bẩn hơn. Mỗi lần có khách chạy xe qua, bà hàng cá cố gân cổ mời mọc mà chỉ dăm người ngoái lại nhìn thôi rồi ung dung phóng xe đi, có nhiều anh nhiều chị trang bị quần bảnh bao nhưng vô ý thức còn cho xe xoẹt một bãi nươc sình vào mấy cái thau chứa cá của bà mà không hay, không nghe luôn những tiếng hét tướng ln mắng mỏ của bà.

 

Bởi vì trươc mặt bà là những ổ nước khá to, trời khô thì không lo nhưng hễ trời mưa thì y như rằng nơi đó thành những  cái hồ chứa nước, những cái hồ này nối dài và  đổ từng giọt xuống một con sông nhỏ trước mặt, thành ra dù có đọng nước nhưng nếu chịu khó khơi thông thì dòng nước cũng sẽ chảy xuống sông phần nào.  Đôi lần bà định dời đi nơi khác nhưng địa điểm này đã trở thành quen thuộc, dời đi nơi khác thì những khách quen khó tìm và biết đâu chẳng chuyển qua hàng khác.

 

Phải khai thông dòng nước thôi. Bà nhổm người đứng lên thì bỗng một con cá kèo phóng vọt ra khỏi chiếc thau, nó cố quẩy đuôi hướng về phía vũng nước. Bà nhăn mày, không phải, bà nhăn hai nét bút chì mà lẽ ra nơi đó là hai cái lông mày, có vẻ khó chịu xách đầu con cá bỏ trở lại chiếc thau và càu nhàu:

 

- Mày con phóng ra lần nữa thì biết tay bà.

 

- Khỉ gió cái đứa đầu trộm đưôi cướp nào đã lấy mất đồ của bà – Bà lại càu nhàu và đổ bớt nước trong thau ra.

 

Số là cái nắp đậy những cái thau cá đan bằng lưới của bà tối qua bị đứa nào ở chợ lấy mất. Thường ngày trước khi dọn hàng bà vẫn cẩn thận cột mọi thứ vào gốc cây sau lưng mà chẳng mất mát gì, nhưng sáng nay lại mất, thế mới điên chứ. Không có nắp đậy, mấy con cá kèo cứ nhảy nhót ra ngoài, nhặt vào mỏi cả tay. Dùng nắp kín đậy lại thì không ổn, khách qua lại biết mình để cái quái gì phía trong mà mua với chẳng bán.

 

Vừa càu nhàu  xong, định quay lưng đi làm việc khác thì bà lại nghe tiếng động, thì ra một con cá nữa vọt ra. Bà nghiến những cái răng còn đủ lực bám trên hàm lại, rít lên:

 

- Lại là mày, cái con cá kèo cứng đầu.

 

Tuy nói thế, nhưng đố bà biết đây có phải là con cá ban nãy hay không, nhìn vào muời con cá kèo thì ta thấy chúng nó giống nhau như mười giọt nước, có gắn mắt thần hoặc nhờ y học can thiệp bằng phương pháp kỹ thuật gien thì  may ra  mới phân biệt được con nào với con nào.

Nhưng thật trùng hợp quý vị ạ, đúng là con cá ban nãy. Hình như nó đã quyết định bằng cách nào đó phải thoát khỏi cái thau, lần phóng ra ngoài lúc nãy, nó đã để ý thấy một đường nước dẫn ra hướng sông, đó là cửa sống còn duy nhất của nó.

 

Đọc đến đây, quý vị có lẻ đang mỉm cười vì loài vật làm sao biết suy nghĩ mà lại còn quyết định này nọ và còn để ý nữa. Thật ra chúng ta cứ quen quan niệm thế, chúng ta nghĩ rằng chỉ có con người là loài động vật cấp cao nên có quyền suy nghĩ và quyết định vận mệnh mọi thứ, ngay cả quyền quyết định chính tính mạng đồng loại của mình. Thực ra mọi loài có đầu óc đều có suy nghĩ đấy quý vị ạ, chỉ có điều, chúng ta hoặc là không quan tâm đến  hoặc là cố tình không chấp nhận. Nếu quý vị khó tính nào vẫn không chấp nhận việc này thì thử một lần tưởng tượng rằng loài vật cũng biết suy nghĩ đi nhé, như thế cho vui vẻ hai bên.

 

Lại nói về bà hàng cá, trong lúc bà định chổng mông lên nắm cổ con cá khốn nạn và phen này định quật  nó chết tươi cho hả dạ thì bỗng nghe roẹt một tiếng. Mặt mũi bà chợt tối  đen.

 

- Quân khốn nạn – Bà rú lên – Chạy xe kiểu gì thế, văng nước bẩn  vào mặt bà thế này hả?

 

Đáp lại lời bà là một âm thanh của tiếng xe phóng nhanh và mất  dần.

 

Bà hàng cá tội nghiệp vẫn đứng lơ ngơ giữa đường mà không định được phương hướng  nào để đi vào. Bà phải réo bà bán hàng tôm bên cạnh  nhờ mượn cái khăn để lau sơ hai con mắt và cố nhìn cho rõ cái đứa vừa tạo ra một cơn khiếp vía không báo trước dành cho bà. Nhưng nó đã biến mất khỏi tầm nhìn còn đâu. Bà đi về hướng bờ sông để vón nước lên rửa mặt mà mồm thì mắng nhiếc cái con người vô danh kia  không tiếc lời.

 

Trong lúc tai nạn từ đâu  ập xuống bất ngờ cho bà hàng cá thì vô tình tạo  may mắn cho con cá kèo, nó đã mất hút dưới cái hồ nước mà con người và thiên nhiên đã hợp tác  tạo ra trước mặt bà hàng cá. Nên cho dù bà có cố tìm cũng sẽ khó mà thấy được nó, nó len lỏi phía dưới mấy hòn đá lởm chởm ở  đáy và định hướng dòng chảy của nước để ra hướng sông. Mấy con cá trong thau thuộc loại nhát cáy, nó đã rủ thêm vài đứa cùng đi trốn với nó nhưng tụi nó không dám, nằm trong thau mà  cứ im thin thít chờ chết. Nó thì không muốn thế, ở lại thì chắc chắn sẽ vào dạ dày của một  động vật cao cấp có cái tên chung là “con người” nào đó, nó đã đôi lần nghe kể về những cái máy ăn thịt này, vào tay họ là sẽ tàn đời. Khi ra ngoài thì còn có cơ may sống sót dù hy vọng rất mong manh, dù sao nó  cũng dũng cảm hơn những đứa biết chết mà vẫn cam chịu chờ đợi.

 

Bà hàng cá lúc này đã nguôi giận và tạm quên cái lý do tại sao mình phải cúi người xuống để cho tai bay hoạ gửi vào mặt, vả lại cũng có một vị khách đến mở hàng với cái giá có lời nên mặt bà vui ra hẳn. Bà rất thích bán hàng cho những loại khách là đàn ông này, một phần vì thích khoe cái ngực đồ sộ mà không biết vì vô tình hay cố ý bà để hở hang mời mọc, mặt khác vốn vì các đấng nam nhi hay có cái tính tự ái, không muốn phụ nữ và những người xung quanh cho là bủn xỉn nên bà có hét giá nào thì anh ta sẽ mua giá đó, không cần mặc cả lôi thôi như những bà nội trợ vốn khó tính.

 

- Nhớ quay lại hàng chị mua giá rẻ nghen – Bà nhoẻn miệng cười duyên với vị khách sau khi thối lại tiền thừa, bà đánh hai con mắt đong đưa – hàng chị là bán rẻ nhất đấy.

 

Vị khách cũng tưởng mình mua được giá rẻ nên mừng rỡ, mặt anh ta hơi đỏ lên không biết vì cái liếc mắt của bà chủ hàng hay là do cái thứ đồ sộ hở hang ra phía dưới chiếc áo rộng cổ của bà.

 

Đẩy đưa xong với vị khách đầu tiên trong ngày, bà hàng cá hất hàm hỏi bà bên cạnh:

 

- Lúc nãy mày thấy tao lôi đầu con cá bỏ vào thau chưa vậy?

 

Bà hàng tôm lắc đầu:

 

- Ai mà biết bà nội. Ghé mua tôm đi cô bác ơi.

 

- Sao nó đâu mất tiêu rồi?

 

- Thì chắc nó ở dưới cái ổ voi trước mặt bà chứ đâu?

 

Con cá kèo lúc này đã đuối sức, cái màu nước đục ngàu làm nó cay mắt  và mọi thứ xung quanh đều có vẻ mờ mịt. Nãy giờ  nó đã mấy phen chết hụt vì có cái gì tự dưng đổ ập cạnh đầu nó, may mà nó tránh kịp, nhưng cái thân dài ngoằng của nó biết có tránh được mấy lượt đây? Nếu mà con cá biết tư duy như con người thì chắc hẳn nó biết đấy là mấy cái bánh xe máy mà có con người nào đó  đang chiễm chệ phía trên.

 

Chợt nó thấy hai vật gì đấy đang ngọ ngoậy kế bên và nước thì động dữ dội. Bà hàng cá lúc này đang cố mò mẫm bàn tay có sơn phết chất màu ở đầu các móng hòng tìm cho ra con cá khốn nạn, nó cũng là tiền mà bà bỏ ra mua đi bán lại nên bà thấy tiếc của. Con cá cố nép mình vào một nơi kẹt đá và người nó bắt đầu rung lên, giá mà nó có tay và biết cầu nguyện thì lời cầu nguyện là hợp lý nhất trong hoàn cảnh cam go này. Một bên là con người to béo đang cáu gắt và hằn học vì cái tài sản của mình bị mất, một bên một con vật bé nhỏ đang cố trốn tránh để tìm cơ may sống sót. Thật là một bức tranh không cân xứng.

 

Tìm mãi không thấy cái thứ cần tìm, bà hàng cá cáu tiết gọi cha mẹ con cá ra mà rủa. Bà bán hàng kế bên cười giễu:

 

- Coi chừng bà bắt nó vào rồi thì sao, hay là nó nhảy xuống sông rồi.

 

Vừa lúc đó có dáng một chiếc xe máy từ xa chạy tới nên  bà hàng cá đành lòng phải đi vào phía trong, việc phải lựa chọn giữa  cái an toàn và cái bắn nước vào mặt cộng với kinh nghiệm lúc nãy đã bảo bà là tốt nhất nên chọn cái an toàn.

 

Con cá lúc này thấy im  nên lặng lẻ chui ra khỏi chỗ nấp, quẩy mạnh đuôi để tiến lên phía trước, hơi nhô đầu lên để lấy không khí thoáng. Nó có cảm giác gần sông lắm rồi, vì dòng nước dù rất yếu nhưng chỗ này đã mạnh hơn. Cuộc sống tự do và cơ may sống sót đã gần kề, nó mừng và cả người nó lại rung lên. Nhưng khốn nạn thay, khi nó chưa kịp mừng thì bỗng một vật lù lù lại đổ ập xuống, xẹt ngang qua thân nó, và theo sức cuốn của dòng nước nó bị bắn văng lên chỗ khô, phơi toàn bộ cái thân hình gần như mềm nhũng ra.

Một tiếng hét lên vui mừng:

 

- Bà Lan, con cá của bà tìm nãy giờ kìa! Hình như nó bị xe hất lên đó.

 

Bà hàng cá thầm cảm ơn rối rít cái thằng người vừa chạy chiếc xe máy vọt qua. Thằng đó cũng vô tình mà không biết mình vừa làm được một việc vô cùng nhân đạo  là giúp bà hàng cá tìm lại được cái món tài sản quý giá bị mất, nên cứ thế mà nó phóng xe đi  chẳng mảy may biết có việc gì đã xảy ra.

 

Con cá khốn khổ nằm bẹp dí trên mặt đường ẩm ướt, một chút hy vọng sống  mong manh cũng hình như không còn, thay vào đó là một sự đau đớn toàn thân. Nó cố gắng cựa quậy như hình như bị bất lực.

 

Có tiếng thình thịch bước lại và một thân người cúi xuống nắm lấy phần vây đuôi nhấc bổng nó lên. Bà hàng cá đưa nó sát mặt ngắm nghía xem nó có bị xây sướt gì không. Bà há miệng ra cười ha hả:

 

- Chắc nó chết rồi nhưng còn tươi mày ạ, vẫn bán được.

 

Con cá gượng mắt nhìn đống thịt đồ sộ trước mặt, nó nhận ra bà hàng cá qua cái lông mày vẽ cong cớn và đôi môi ngang bằng cái mũi, chắc là nó sẽ không thoát khỏi tay bà rồi. Nhưng bản năng sống của nó chợt trổi dậy, nó cố lấy hết sức bình sinh quẩy một cái rõ mạnh, da nó trơn tuột nên bà hàng cá không thể giữ được, thế là nó rơi tõm xuống sông trong cái há hốc mồm của bà hàng cá và tiếng cười vang chế giễu của bà bán hàng tôm bên cạnh.

 

Con cá kèo vẫn chưa biết mình đã làm cách nào để có thể đủ sức mà thực hiện một hành động như thế. Nhưng nó biết là nó đã về được cái nơi mà lẻ ra nó có quyền được sinh sống đến mãn đời như bao sinh vật khác. Nhưng nó và bạn bè của nó cũng đã hơn một lần chua chát nhận ra thực tế không phải như vậy, bàn tay con người có thể tạo ra mọi thứ nhưng chính họ cũng sẽ làm các thứ đó biến mất theo ý muốn của mình. Mặc kệ, nó cố gắng hưởng thụ những giây phút mà cách đây mấy hôm nó có nằm mơ cũng không thấy.

 

Trên bờ, bà Lan cũng sượng sùng với bà bạn hàng kế bên vì mình quá hớ hênh. Nhưng bà kịp lấy lại bình tĩnh  và bật cười ha hả xem như  chưa có chuyện gì xảy ra. Mất một con cá thì chỉ cần bà tìm một khách hàng nam nhi chi chí nào đó, đánh mắt cười duyên, giả vờ kéo áo xuống để trưng bày bộ ngực đồ sộ của mình lấp vào đôi mắt  vị khách đấy là có thể moi ra một cái giá trị quy bằng tiền cao gấp mấy lần con cá chết tiệt vừa tuột khỏi tay bà.

 

Khu chợ sau đó cũng trở lại không khí  bình thường, vẫn những câu chào mời í ới, vẫn những cái môi dài ra vì  được kêu giá quá cao hoặc bị trả giá quá thấp. Vẫn cái nhếch nhác và dơ bẩn mà một cái chợ vốn có, lâu lâu lại có một vài người cao hứng quăng rác hoặc đổ ào một phát nước bẩn xuống sông. Có ai biết được dưới lòng sông kia, có một sinh vật bé nhỏ vừa thoát khỏi hiểm nguy trong gang tấc, nó đã  tìm lại quyền được sống của mình, cái quyền mà đáng lẻ mọi sinh vật đều có quyền hưỡng thụ khi đã được đấng tạo hoá sinh ra. Nó vẫn còn đau lắm, đau đến mức không thể cựa quậy được nữa, vì thế mà nó thả lỏng cho toàn thân chìm hẳn xuống đáy bùn. Giá mà loài của nó có thể hé miệng ra cười được thì thế nào nó cũng cố nặn ra một nụ để mà thoả nguyện trong lòng.

 

Tp HCM, ngày 28/08/2005

Nguyễn Văn Tâm A
Số lần đọc: 2492
Ngày đăng: 09.09.2005
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Đôi mắt rắn đỏ và men rượu đàn bà . - Dương Ðình Hùng
Ngôi nhà ác ôn - Dương Ðình Hùng
Tuyết - Tove Janson
Ngôi nhà dưới lùm dưới dại - Phạm Xuân Hùng
Mất ngựa - Trọng Huân
Cánh đồng bất tận-phần một - Nguyễn Ngọc Tư
Cánh đồng bất tận- tiếp theo và hết - Nguyễn Ngọc Tư
Hội Quán Thủy Thủ - Nguyễn Lê Hồng Hưng
Ba người đàn bà bên kia cồn bắp - Dương Ðình Hùng
Giữa vòng Tử Sinh - Dương Ðình Hùng
Cùng một tác giả
Con cá kèo (truyện ngắn)