Trong khi người ta chăm chăm lao như một chiếc mũi tên về phía trước thì có một người luôn luôn mang cảm hứng nhìn lại, cảm hứng quay về. Trong lúc chóng quên trở thành căn bệnh của văn minh công nghiệp thì có một hồn thơ nồng nàn, da diết sống lại kí ức, truy tìm kỉ niệm. Ngoảnh lại phù dung, là tập thơ mang thông điệp ấy và người nhắn gửi cùng chúng ta, nhà thơ NP phan.
Như nhan đề của tập thơ, ngoảnh lại là cảm thức thường trực, trở đi trở lại trong suốt tập thơ. Nhưng không phải ngoảnh lại trong trạng thái “kỉ niệm xanh rêu anh níu vào trượt ngã”, càng quyết không phải ngoảnh lại để thở than, để đổ tội cho hôm qua. Đó là cái ngoái nhìn của một người lịch lãm, cái ngoái nhìn của một người đã đạt đến lối sống chậm, cái ngoái nhìn của một người trong chừng mực nào đó đã thấu hiểu lẽ “phù dung” của cõi đời. Điều ngạc nhiên là: không phải đợi đến cái tuổi lục tuần, không phải đợi đến lúc đi trọn một vòng hoa giáp NP phan mới ngộ ra điều này; ngược lại, cảm thức quay về ấy triển hiện trong nhiều bài thơ được tác giả sáng tác từ rất sớm. Điều quan trọng là, với NP phan, với Ngoảnh lại phù dung, phút ngoảnh nhìn về quá khứ, dò tìm kí ức, “chiếu sáng kỉ niệm”[1] đã nâng bước chân đi, đã cứu chuộc tâm hồn thi nhân trên hành trình nhiều gập ghềnh, lắm hao khuyết của hiện tại và cả cõi vị lai. Quá khứ trở thành hồi quang chiếu lên vùng hiện tại trần trụi, trơ tráo và không ít khốc liệt:
ở cuối con đường
tận cùng của thế giới hân hoan bi lụy
gồng mình một ngã ba
của ý thức thăm thẳm huênh hoang
hoặc không có gì cả
mọi thứ phẳng lì không hình thù không đường nét
không nhập nhoạng đi về
một phút hồi quang.
(Ở cuối con đường)
Ngoảnh nhìn cuộc đời do vậy trở thành phút tĩnh tâm của một người muốn xuyên qua cả quá khứ và hiện tại để chiết nên tinh chất mang tên triết lí. Phóng chiếu cái nhìn ra xa như thế, để thấy rốt cuộc chỉ là “mấy nẻo bềnh bồng”, để thấy cuộc đời phù sinh, phù vân mà cũng là phù dung. Cái ngoảnh lại đầy minh triết để không còn vướng lòng với giấc mộng hoàng hoa:
chợt ngoảnh lại, thời gian
đã nhuốm màu dâu bể
cho lòng ta như thể
quay quắt trời bão giông
trái tim nhạt máu hồng
những vòng đời hệ luỵ
trên con đường vạn lý
dẫn về một mùa ngâu
chợt ngoảnh lại, trên đầu
cả hai vầng nhật nguyệt
cả thu đông biền biệt
còn đắm giấc hoàng hoa
(ngoảnh lại)
Ngoảnh lại phù dung để rồi chúng ta có một cái tôi trữ tình an nhiên trút bỏ phù vân về vui với cỏ cây đồng nội:
bây giờ đã đủ an vui
nhắc chi mắt trắng bùi ngùi tha nhân
đãi bôi một chút ân cần
về thôi, buông bỏ phù vân dặm hồng
bước qua mấy nẻo bềnh bồng
mặc nhiên về ngủ giữa đồng cỏ xanh
chỉ còn lại một tờ kinh
vỗ yên tâm thức một mình tiễn đưa
rụt rè cất tiếng gọi thưa
có ai giữa cõi thờ ơ giãi bày?
về thôi, cơn gió nào hay
tâm vô ngại, chút tỉnh say chạnh lòng
(mấy nẻo bềnh bồng)
Người đọc cũng được thản nhiên với một cái tôi hoà mình hoàn toàn cùng trăng sao, cùng bến sông và cành lan viễn mộng, hòa ca cùng những sinh mệnh bé mọn của dế giun giữa đồng nội lộng gió:
ta về tụng một thời kinh
cành lan viễn mộng thình lình nở hoa
dế giun bất chợt khóc òa
mõ chuông thôn tính la đà tịnh không
ta về lạy một bến sông
tuổi thơ lãng đãng giữa dòng phù hư
điệu đàng khép bóng chân như
xênh xang ta ngậm tương tư giọt buồn
ta về nằm giữa trăng suông
trái tim nhiễu loạn buông tuồng sân si
đã làm chi, sẽ làm gì
thôi, ta cứ hát, nhòa mi lệ tràn
(ta về)
Tứ thơ của Ta về thấm đẫm cả triết lí Phật giáo lẫn minh triết Đạo giáo. Bằng lối riêng của mình, rất thú vị khi nó đã dẫn thơ NP phan chạm đến những cảm thức sinh thái thấu triệt. Ở bài thơ này, ta nhìn thấy một cái tôi trở về hành lễ tẩy trần trước bến sông quê để tâm hồn trở nên trong, nhẹ đến lạ thường. Do vậy, bài thơ kết thúc bằng hình ảnh thi nhân thản nhiên, an nhiên nằm hát, mà cũng là đồng ca cùng trăng suông và khúc đồng giao của giun dế. Vẫn còn vương vấn giọt buồn, vẫn còn giọt lệ nhòa mi nhưng cảm thức của thi nhân đã chấp chới đi tới cõi chân như không một chút vướng bận. Một lần khác, nhà thơ vững tâm vững trí bước qua cõi bềnh bồng để về ngủ một giấc ngủ không mộng mị giữa đồng cỏ xanh:
bước qua mấy nẻo bềnh bồng
mặc nhiên về ngủ giữa đồng cỏ xanh
chỉ còn lại một tờ kinh
vỗ yên tâm thức một mình tiễn đưa
(mấy nẻo bềnh bồng)
Cảm thức sinh thái ấy có một lần được nhà thơ đẩy lên cao qua thi phẩm Nỗi buồn chưa được chỉnh trang. Anh nói đến những sự nhầm lẫn chết người. Trong đó có một thức nhận tế vi khi anh nhận ra sinh mệnh của giọt nước:
giọt nước có thể là một tấm gương bình yên
soi hình hài nhọc nhằn của biển
cũng có thể là một lời thầm thì
vô vọng
có một sự nhầm lẫn chết người
khi biển cùng thời gian tương hợp
(nỗi buồn chưa được chỉnh trang)
Với trường diễn ngôn như thế nên ta không ngạc nhiên khi trong thơ, NP phan nhiều lần nói đến việc buông bỏ và lui về. Ta nhận ra một tâm tình vượt lên thế sự, rời bỏ chốn sông mê bến lú, rời bỏ cõi ta bà, tránh xa thế giới sân si vô minh để an vui riêng trong một cõi khác:
ngọn cờ
bay lả bay la
đêm nằm trắng mộng
con cà con kê
em ơi
tàn cuộc thì về
bận lòng bến lú sông mê làm gì
(bóng và hình)
rụt rè cất tiếng gọi thưa
có ai giữa cõi thờ ơ giãi bày?
về thôi, cơn gió nào hay
tâm vô ngại, chút tỉnh say chạnh lòng
(mấy nẻo bồng bềnh)
Nhà Nho ngày xưa tùy theo thời thế mà có cách xuất xử hành tàng, vui thì ở buồn thì về. Giữa lòng phố thị của ngày hôm nay, tôi tìm thấy một tâm hồn lánh trốn phù hoa. Cách thế sống ấy chưa hẳn đã là sự lùi về, ngược lại, có thể là một cách thế tiến lên của cả cõi người.
Lánh trốn phù hoa, chối bỏ hư vinh, nhà thơ an vui với cõi riêng nhưng cõi riêng nào. Trong thơ NP phan, ta luôn nhìn thấy hình bóng của em, ta luôn nhận ra cả một vương quốc của tình yêu. Em trở thành cứu cánh, tình yêu có khi trở thành tôn giáo mà mỗi cuộc trở về của NP phan là cả một cuộc hành hương.
em đã đến
và ở lại cuộc đời này
làm cho bài thơ của tôi đầy lên
(thơ chiều cuối năm)
cám ơn một chút yên bình
cô đơn tận tuyệt chỉ mình tôi hay
em về chút nắng cầm tay
xin đừng để lỡ một ngày có nhau
(xin đừng để lỡ…)
Với các bài thơ như Tôi đi về phía, Này em,… hình tượng em không chỉ là nguồn thơ mà còn là nguồn sống, nguồn năng lượng, nguồn vui duy nhất trên cõi đời này :
tôi đi về phía mưa bay
có đêm vô thủy, có ngày vô chung
cuộc đời thấp thoáng bao dung
có em san sẻ tận cùng nỗi đau
(tôi đi về phía…)
này em, gió núi sương đồi
thiên thu bỗng chốc đoạt ngôi vô thường
lạc từ tám hướng mười phương
dấu chân vô ngã chưa tường trắng đen
(này em)
Có một nguyên lý thuận nghịch trong thơ NP phan ở điểm này. Anh nhìn cuộc sống là hư ảo, hư danh nên với anh, mọi thứ trên đời là thoáng chốc, là vô thường, là nhá nhem tục lụy. Cả tôn giáo với anh lúc này chỉ còn là tôn giáo của tự nhiên. Thế nhưng, trong tâm thức của NP phan lại có một niềm tin cẩn khác, một điểm tựa, một miền cứu rỗi khác nên cũng có thể gọi là một tôn giáo khác, đó chính là tình yêu. Tôn giáo này ngự trị bền vững, vĩnh hằng; vượt lên cõi vô thường để trở thành thiên thu. Hai bài thơ gặp nhau ở một tứ thơ xuất thần về mối tương quan giữa khoảnh khắc và vĩnh viễn. Em đã đoạt ngôi tạo hóa, vượt lên cõi nhân gian để mở ra cõi vô thủy vô chung, mở ra cõi thiên thu của tình yêu. Cái hay của bài thơ là đã biến cái thoáng chốc thành cái vĩnh hằng; thời gian, không gian như ngưng đọng, như dừng lại vĩnh viễn trong một khoảnh khắc:
này em, gió núi sương đồi
thiên thu bỗng chốc đoạt ngôi vô thường
(này em)
Người đọc nhận ra tình yêu trở thành cứu cánh, trở thành dưỡng chất tinh thần nâng đỡ tâm hồn anh bước lên cõi ta bà, vượt lên tục lụy để thản nhiên ca hát với đời. Đó âu là cõi riêng mà nhiều người hướng vọng.
Viết về cõi suy niệm riêng, về tình yêu, thơ NP phan có nhiều hình ảnh run rẩy, mờ nhòe, ám gợi. Người đọc chỉ cảm được và rung động trước vẻ đẹp của hình tượng mà khó lòng giải mã, nhất là những nỗ lực giả mã một cách tường minh:
những cánh tay vươn dài
cài bẫy ngôn từ
nhốt ý nghĩ tầng tầng lớp lớp
trong một bầu trời đa mang sắc màu thiện nguyện
chỉn chu
lớp vỏ bọc
nhân từ
(hạ khúc)
Có những bài thơ, hiệu ứng thẩm mĩ được tạo ra từ sự lắp ghép của những mảnh vỡ của hình ảnh và âm sắc:
lặng lẽ
lặng lẽ một dòng sông
đâm nhánh về phía biển - mặt - trời
mùa lặng thinh chới với
lặng lẽ buồn vui rong chơi
lặng lẽ bức tường xám vô vi
có một góc tự do nhỏ nhoi
đang nhảy múa một hình hài
trong sự lặng lẽ đa cảm
giọt nước mắt yếu ớt
sớm giã từ bờ mi khỏa thân
khép mở cõi vô cùng
lặng lẽ hài xanh âm âm thái dương
em gọi mùa trở giấc
con nước bàng hoàng quẫy đạp cửa sông
chối từ lặng lẽ
lặng lẽ em
ngọn lửa
lặng lẽ ngôn từ
cháy lời yêu
Lại có những bài thơ anh cấu trúc theo lối lắp ghép nghịch dị:
có một sự nhầm lẫn ở đâu đó
khi con mèo hoang động đực nửa đêm kêu gào
tiếng gió rít hụt hơi qua những mái nhà xám ngoét
lúc anh ghì riết lấy em
cánh cung buông một đường tên
sám hối
có một sự nhầm lẫn nào đó
ở cái cách con sâu trườn mình trên cành cây
nhẩn nha ăn hết lá non
không đếm xỉa gì đến tia nắng mặt trời rọi tới
những ngỡ ngàng xanh rêu
(nỗi buồn chưa được chỉnh trang)
Anh gá gửi ý thơ trong ma trận của những nghịch lí giữa cái bình thường và không bình thường :
một điều rất đỗi bình thường
trở nên không bình thường
một điều không bình thường
bỗng nhiên
trở nên bình thường
bình thường không phải là bình thường
chủ nhật không là chủ nhật
tôi không phải là tôi
trái đất đang trượt lên đà quay của chính nó
tôi trượt lên tôi
(một điều bình thường)
Nhưng cuối cùng, chính anh đã lặng lẽ trong nỗ lực kiếm tìm cái tôi của riêng mình, anh lặng lẽ lập nên một cõi riêng, một miền riêng cho mình. Rồi anh nói lời cảm ơn cuộc đời, tạ ơn cuộc đời đã cho anh điều giản dị, bình thường ấy:
tôi gửi cho tôi một thông điệp u hoài
như bằng chứng về thời gian đã có lúc ngừng trôi
và không gian đã có lúc tưởng như bùng nổ
tôi hà hơi tiếp sức cho tôi
để có thể nói lời cám ơn
cho một điều bình thường là bình thường
(một điều bình thường)
Vượt lên tất cả, NP phan thản nhiên như nhiên trong cõi thênh thang đó.
Ngoài những chủ đề trên, là một con người, lại là người làm thơ, thơ NP phan không thể không vướng bận bởi chủ đề gia đình, thế sự… Nhưng tôi vẫn bị cuốn hút bởi cái tạng riêng của anh trong hai hướng thuận nghịch ở trên. Có một thông điệp, có một lối đi, một cách lập ngôn riêng, với một người làm thơ lặng lẽ quả là điều đáng trân quý. Tôi chúc anh được thư thái tâm hồn trong cõi miền an nhiên ấy như một niệm khúc của riêng mình để khép tập thơ, tôi, một người còn trẻ vẫn được ngân nga điệp khúc bất tận này:
ta về lạy một bến sông
tuổi thơ lãng đãng giữa dòng phù hư
điệu đàng khép bóng chân như
xênh xang ta ngậm tương tư giọt buồn
ta về nằm giữa trăng suông
trái tim nhiễu loạn buông tuồng sân si
đã làm chi, sẽ làm gì
thôi, ta cứ hát, nhòa mi lệ tràn
(ta về)
[1] Chữ dùng trong lời giới thiệu tập thơ của Mang Viên Long