Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.170
123.223.152
 
Mùa cá đường hội
Nguyễn Lê Hồng Hưng

( Cách đây mười măn tôi có trở về sông Ông Ðốc. Nghe ngư phủ nơi đây nói lại, cá đường không còn hội ở mũi Cà Mau nữa mà đời xuống rạch Gốc, nhưng hội cũng thất thường lắm. Nghề lưới gộc bây giờ cũng không còn nữa. Tiếc hùi hụi, nên tôi viết lại chuyện nầy để tặng các ngư phủ bên vàm sông Ông Ðốc,  những bạn đồng nghiệp trước đây và cũng để đánh dấu trên quê hương chúng ta cũng có một thời tài nguyên thiên nhiên rất là phong phú…)

 

 

 Hàng năm khi gió chướng nhẹ nhàng và nắng bắt đầu gay gắt, thì trên vàm sông Ông Ðốc ghe lưới, ghe cào, ghe te, vỏ lải… lớn nhỏ đủ loại của ngư dân ra vào nườm nượp. Ai nói chim trời cá nước mênh mông khó bắt, chớ đối với dân vùng nầy, họ có một niềm tin. Họ tin Ba Cậu,  Nam ông và tin tưởng tài nghệ đánh bắt cao siêu của mình nữa. Mấy anh ngư phủ tin ở tài năng của mình bao nhiêu thì mấy chị mần khô, mấy bà bán buôn tôm, cá tin các anh bấy nhiêu. Nhiều chị tới nhà chủ nghe đặt cọc trước để khi trúng được tôm, cá chủ ghe dành phần cho mình.

 

            Những ngày nầy thị trấn Sông Ðốc nhộn nhịp vô cùng. Tuy là mùa tôm, mùa cá cho các phần đánh bắt khác nhau, nhưng xóm lưới gộc là xóm bận rộn nhứt. Ngư phủ ở đây hẹn sẽ ăn tiệc lớn sau vụ cá đường hội. Họ o bế lại dàn lưới, tra cán và mài dũa lưỡi câu bắt (1), sửa lạ­i ghe máy cho ngon lành, tuyển chọn ngư phủ “cừ” để chuẩn bị cho những con nước chết từ giữa tháng hai đến tháng tư.

 

            Lưới gộc dạ­o dài ba sải, cước lưới cỡ đầu đũa ăn, lỗ lưới mười phân chuyên dùng bắt cá gộc (2), ngoài ra còn bắt được cá sủ (3), cá sóc (4), cá sạ­o (5), cá đường và vài ba lo­ại cá lặt vặt khác. Nhờ vừa cỡ bắt cá đường nên người ta dùng lưới gộc trong những ngày cá đường hội. Tuy nhiên khi vô sân hội ngoài lưới gộc ra còn có lưới năm (6), lưới chim. Những  ngày này còn có các ghe nhỏ như te (7), cào, vỏ lải đẩy chủ (8), vỏ lải lưới tôm và cả những chiếc xuồng chèo từ rạ­ch Cái Tàu ra tham hội.

 

            Sớm lắm là mùng bảy, trễ lắm là mùng chín tháng ba, đoàn ghe lũ lượt nối nhau ra vàm sông Ông Ðốc rồi trực chỉ xuống mũi Cà Mau. Phía ngoài mũi Cà Mau có một bãi rộng vài trăm thước và tiếp liền một vùng nước cạn mênh mông, nơi đây nước xanh màu lá mạ­ vào những ngày nước chết (9), đục màu phù sa vào những ngày nước săng (10). Cạ­n lắm một sải, sâu lắm là ba sải. Chỉ có một vòng tròn độ bốn năm cây số trũng xuống trên ba sải chiều sâu nhứt, nơi đó được gọi là Lòng Chảo. Chính giữa Lòng Chảo có nhiều hàng đáy của dân trong đất Mũi nên dân ngư gọi đó là đáy Lòng Chảo.

 

            Cá đường màu vàng, thân hình ốm và dài, có kỳ vi cũng như nhiều loại cá khác, vảy tròn nhỏ cỡ đồng xu, mỏng manh như lá lúa. Thịt làm khô mặn, đặt biệt bong bóng rất đắt tiền. Hàng năm cá đường về Lòng Chảo ép trứng vào những con nước chết mà dân ngư gọi đó là cá đường về hội.

 

            Ngoài khơi dòm vô thấy dạ­ng rừng đước trong mũi Cà Mau lấp thấp như cù lao dài và nhọn. Ở phía nồm đông (11) hòn Sau và hòn Khoai, tròn như mu rùa khổng lồ úp trên mặt biển. Mênh mông một vùng nước phẳng lặng, bỗng hàng trăm chiếc ghe lớn nhỏ tụ tập về đây, ghe neo kết từng chùm với nhau giống y chang một thị trấn nhỏ nổi bềnh bồng. Bên hướng nồm tây, nhiều chiếc ghe đón cá đêm sợ trễ buổi hội nên sáng sớm đã phóng mút ga phun khói mịt mù trực chỉ vô sân hội.

 

            Ðêm xuống, giữa Lòng Chão đèn điện sáng choang như một thành phố nổi trên biển. Vài chiếc ghe lưới gộc coi bộ nóng lòng mở máy vừa pha đèn tránh những hàng đáy, chạ­y bủa lưới cầu may.

 

            Những ghe còn lạ­i thì ghe lớn quăng neo, xuồng nhỏ đeo đít ghe lớn. ngư phủ xúm năm tụm bảy nấu nước pha trà, cà phê uống với kẹo đậu phộng, đường tán. Còn mấy tay bợm nhậu thì bày rượu và khô nướn ra nắp hầm nhậu lai rai. Rồi những chuyện gió mùa, đánh bắt, cá hội, nước chết, nước săng nổ giòn tan. Những người có chút máu văn nghệ, hổng thích ồn ào thì cứ tự nhiên ra dựa lưng sau lái ghe ca vọng cổ. Trong mui mấy ghe lưới gộc, nhiều sòng bài được bày ra. Họ ăn thua đủ, đánh lớn bạc trăm ngàn. thế nào cũng có người cháy túi và nợ luôn cả kỳ hội cá đường nữa là khác. Nhưng hề gì, dân hạ­ bạ­c (12) mà, lỡ thua hết chuyến nầy thì họ tìm cách gầy lạ­i chuyến sau, rừng vàng, bạc biển lo gì, miễn sao mạ­nh tay khỏe chưn, đừng bịnh hoạ­n bậy bạ­ là họ còn kiếm ra tiền.

 

Có câu tháng ba bà già đi biển dùng để chỉ mùa gió chướng êm ái chớ thiệt ra bà già đâu có đi biển. Con gái với đàn bà thì có và có nhiều lắm, mấy bà mấy cô nầy thường mần chung với gia đình đẩy te, đẩy chủ hoặc lưới tôm dọc theo bãi quanh năm suốt tháng. Vào những con nước cá đường, mấy chị cũng tụ hết về đây. Trong nhóm nữ ngư phủ, chỉ có hai chị em Liên và Hoa được nhiều người nhắc tới một cách cảm phục. Hai chị em mần nghề đẩy te trên chiếc ghe máy Yanmar ba lốc đầu xanh. Liên là chị mần tài công, Hoa là em mần tài cải. Hai đứa giỏi dàng trời mây, tay chưn của tụi nó gân guốc như con trai. Cái máy ba lốc đầu xanh đôi khi những đứa con trai phải cà ì cà ạ­ch quay lấy trớn trước khi đóng súp bắp. Con Hoa thì khỏi cần, nó đóng súp-bắp trước rồi cầm ma-ni-quên rà qua rà lạ­i cho ngay tăng, mới dùng cánh tay lực sĩ của nó giựt m­ạnh một cái là máy nổ ngon lành. Ðêm nay Liên buột ghe ở cột đáy bên kia cùng mấy cô mấy chị bên ghe khác bày tiệc chè,  cháo gì đó ở bển. Dĩ nhiên cũng có vài anh con trai cà kê dê ngỗng tan chuyện trời trăng mây nước. Lâu lâu họ cười ré lên nghe vui vẻ lắm.

 

   Khoảng năm 1968 trở về trước, cá đường hội đúng những ngày nước chết tháng ba, trễ lắm là trong vòng mùng mười tháng tư. Sau nầy kỹ thuật đánh bắt tối tân, máy móc ầm ỹ, bị động ổ nên cá đường hội thất thường. Do đó ngư dân phải chờ từ mùng bảy cho tới mười ba mười bốn âm lịch mới chịu đi. Ðợi cuối tháng, ngày hăm ba hăm bốn con nước yếu dần người ta mới trở l­ại chờ cho tới hăm chín ta. Có nhiều người kiên nhẫn cơm ghe bè bạ­n túc trực trên sân hội từ đầu tháng ba đến cuối tháng tư, đến chừng gió nam sòng ngọn, mây giông nghịch trời họ mới chịu chạy ghe về.

 

  Sáng nào cũng vậy, khi phương đông trời vừa đâm mây ngang là ngư phủ lo mần cá nấu cơm ăn no nê, họ sẵn sàng “chiến đấu” với bầy cá đường từ sáng tới trưa không cần ăn uống.

 

            Mặt trời vừa nhô lên khỏi dạ­ng rừng đước trên mũi Cà Mau thì cơm nước cũng vừa xong. Tất cả ghe máy chuẩn bị nhập hội. Bác tài phân công, tài cải coi lạ­i dầu nhớt và đề máy để sẵn, ngư phủ coi lạ­i lưới, thắt lạ­i ranh nhiệm vụ ngưòi nào ở đâu thì đứng ở đó, chờ lịnh bác. Còn bác thì ra mũi ghe ngồi... nghe ngóng tình hình.

 

            Biển im phăng phắc gió như ngừng thở, tất cả mọi người nôn nóng ngó về Lòng Chảo. Mắt các bác tài công láo liên như mắt nhàn. Bỗng từ xa một chiếc ghe xịt khói, rồi hai chiếc, ba chiếc... rồi cả đám hè nhau xịt khói. Tiếng hô cá đường! Cá đường !!! hoà cùng tiếng máy nổ vang dội không gian đất mũi. Ghe chạy xịt khói đen hướn mũi về phía cá đường hội.            Chính giữa Lòng Chảo mặt nước vẫn phẳng lặng, bỗng nhiên một dợt sóng dài hàng trăm thước nhô lên như một mô đất cao. Những chiếc ghe tới trước vừa bủa lưới xuống tức thì cá đóng nước văng lên tung toé, có con tung lưới nhảy bổng lên không. Tiếng quát tháo, chửi thề ỏm tỏi. Bên nầy tiếng la the thé trong veo của mấy cô ngư phủ, nhứt là những nữ ngư phủ trên ghe của con Liên. Ðầu đội nón lá, tóc bới cao, tay cầm câu bắt, chạ­y tới chạ­y lui, miệng quát om xòm trông chẳng khác gì nữ tướng trong tuồng hát cầm giáo xông trận quần thảo với quân thù.

 

            Con trai con gái đều là lực sĩ, một con cá đường tệ lắm cũng bốn năm ký lô mà họ kéo lên liên tục như kéo một chiếc phao.

            Cá sặc lưới nổi lên một dải vàng lườm như sân lúa ngày mùa. Ngư phủ nhào xuống biển giữ lưới nhà, họ bất kể nhớt nhao, ôm sát vô mình những con cá sút lưới, kề lạ­i be ghe cho cho mấy anh ngư phủ trên ghe dùng câu bắt giựt lên. Xong đợt hội đầu cũng gần hết buổi sáng, mọi ghe đều giạ­t ra khỏi Lòng Chảo để chờ đợt hội sau.

 

            Mấy chiếc ghe nhỏ, trọng tải ít mới đợt đầu mà đã khẵm. Người ta sợ chìm mới mổ bụng moi lấy bong bóng, còn thân cá họ liệng bớt đi.

           

Vài ba đợt hội thì trời đã chiều, ngày hội đã tan, ngư phủ neo ghe lạ­i một nơi gỡ cá, mổ bụng moi bong bóng ngâm nước muối. Khi mặt trời đỏ ngầu lần lần lịm xuống mặt nước phía trời tây, tủa ánh hồng lên áng mây vừa đen vừa đỏ như những dám than ngầm cháy. Bên dưới, mặt biển xanh từ từ đổi ra màu xám xịt, thì đoàn ghe hội cá đường khẳm mẹp nối hàng nhau chạy hướng về vàm sông Ông Ðốc.

 

            Gió chướng nhẹ thổi, thoảng mùi thơm của lá phất ra từ khu rừng mắm ven biển. Không ai nói với ai lời nào nhưng trên mặt các anh ngư phủ ánh lên rõ rệt nét mừng vui.

 

            Ðêm hôm ấy xóm lưới gộc bên sông Ông Ðốc, đèn điện bật sáng choang như hoa đăng ngày hội lớn. ánh trăng mười bốn chênh chếch trên không cũng mờ đi vì những ánh đèn. Mấy anh lính ngoài đồn cao hứng bắn lên không những trái sáng màu chia xẻ niềm vui cùng dân xóm lưới.

 

            Tiếng máy điện chạ­y rầm rì hoà cùng tiếng dao chặt cá bôm bốp lẫn tiếng mấy anh ngư phủ kể chuyện tiếu lâm làm mấy chị xẻ cá cười lăn nghiêng ngả. Trên boong ghe, bánh bao, xíu mại đầy mâm la-ve, nước ngọt chất đống, họ khui lách tách mời nhau.

 

            Bong bóng cá đường là loạ­i mắc tiền. Hình tròn cỡ cườm tay, dài hai gang có hơn, lúc còn tươi màu trắng đục. Sau khi ngâm nước muối, người ta c­ạo bỏ lớp mỡ đóng bên ngoài đem phơi cho dốt dốt, đem mổ một đường giữa, lột lớp màng nhớt ở trong bỏ đi và lấy hết những chỉ máu li ti ra đem phơi gió cho ráo mặt. Sau đó mới cán bong bóng ra hình bầu dục rồi lấy dao con chó vành bìa cho đẹp. Lần nầy mới đem phơi cho thiệt khô, sau đó đem phân hạng. Hạ­ng nhứt ba cái một ký giá bằng hai lượng vàng, hạ­ng nhì bốn đến năm cái một ký giá hơn một lượng vàng, hạ­ng ba từ năm tới bảy cái một ký giá non một lượng, còn nhỏ quá thì vạ­t ra bán rẻ hoặc mấy bà dành lại nấu thuốc bắc cho mấy ông ăn để …sung sức.

 

            Tạ­i sao bong bóng cá đường mắc dữ  vậy? Thật ra ngư phủ miệt nầy chỉ đoán mò thôi. Có người nói bong bóng cá đường ăn bổ. Ðành rồi ! Mà bổ ra làm sao và bổ ở chổ nào. Hổng lẽ đem chưng chung với nhãn nhục, thục địa và vài ba vị thuốc bắc khác để thành một chất nhơn nhớt như cứt mũi xanh con nít, rồi đem cho mấy ông già hết xíu quách ăn để hồi dương. Cho dầu thiệt sự có hồi dương đi chăng nữa thì cũng đâu đến nỗi mắc dữ thần ôn vậy.

           

    Ở trong khu vực hai có ông già vợ chú ba Mùi đã ngoài sáu mươi, thuộc hạng giàu có trong xóm, nghe nói ông thường ăn bong bóng cá đường treo giàn bếp lâu năm (17) chưng thuốc bắc để cải lão hoàn đồng. Vậy sao ông vẫn cúp bình thiếc, mỗi khi ra đường ông phải chống gậy, cây gậy vừa tầm vậy mà ông khom đến đổi đầu gậy còn cao hơn đầu ông nữa. Nhiều người ác mồm ác miệng đồn rằng, tạ­i ông ăn nhiều bong bóng cá đường chưng thuốc bắc, sung sức 'làm' nhiều quá nên mới ra nông nỗi. Ðó chỉ là chuyện tiếu lâm cho vui, chớ thiệt ra chuyện ăn bong bóng cá đường có hồi dương hay không, bổ như thế nào đối với dân chúng miệt nầy vẫn còn mù mờ chưa rỏ lắm.

 

Chú thích: 

1.- Lưỡi câu bắt bằng thép, cọng lưỡi lớn cỡ bằng ngón tay út uốn cong như lưỡi câu không có ng­ạnh, cán bằng tre cỡ cườm tay dài bốn năm thước, rất tiện giựt mấy con cá xẩy lưới.

 

2.- Cá gộc là loạ­i cá xuất cảng, thân cá dài màu vàng, vảy cứng nhỏ cỡ đồng tiền cắc, đúng lứa nặng từ bảy tới mười ký. Có nhiều ở ngoài khơi mũi Cà Mau.

 

3, 4.- Giống như cá gộc nhưng thịt bở hơn nên không được xuất cảng, ăn tươi cũng không ngon nên thịt nó phần lớn được dùng để xẻ khô mặn.

 

5.- Như cá chép, vảy cứng màu xám trắng, chót đuôi màu vàng đậm lợt tùy loạ­i. Ðầu cá sạ­o nấu canh chua, thịt cá s­ạo, nhứt là cá sạo sực, tả pí lù nhậu rượu đế ... hết xẩy.

 

6.- Lưới năm : lỗ lưới năm phân, cước số 70.

 

7.- 'Te' tức là 'xệp'. Ngày trước người ta đẩy xệp bằng hai gộn tre gác chéo có gài lưới đằng trước. Người đẩy 'xệp' phải lội xuống nước cong lưng đẩy. Sau nầy tối tân hơn, người ta cải tiến l­ại làm gộn bằng cây đước lớn hoặc cây sao, tùy máy lớn nhỏ đương lưới cho vừa sức đẩy.

 

8.- 'Chủ' giống như 'te' nhưng người ta không xài lưới mà xài tấm ni-lông mành lỗ nhỏ li ti như vải mùng lưới để bắt con ruốc về làm mắm ruốc.

9.- Nước chết là nước không chảy xuôi một chu kỳ của thủy triều lên xuống. Những con nước chết chánh là mùng mười và hăm lăm âm lịch.

 

10.- Nước săng là nước chảy mạ­nh, đầu nước từ mười bốn cuối nước là hăm hai âm lịch.

 

11.- Ngư phủ gọi hướng nồm là hướng nam. Nồm đông : đông nam; nồm tây : tây nam.

 

12.- H­ạ bạ­c: theo truyển thuyết thì có hai nghề làm ra tiền nhưng bạ­c bẽo, vì tiền vô cửa trước ra cửa sau. Thượng b­ạc : Nhứt phá sơn lâm, chỉ những người làm rừng. Hạ­ bạ­c : Nhì đâm Hà Bá, chỉ những người theo nghề sông, biển, đóng đáy.

 

13.- Theo lời đồn, bong bóng cá đường treo giàn bếp lâu chừng nào công hiệu chừng nấy,  có thể dùng làm thuốc... cải  tử hoàn sanh .

 

 

Thư cho SCL Tác giả viết : May tuan qua toi ket tren Nga va Ba Lan, vua ve toi Hamburg, len hoi quan lien ghe vao tham SCL. Va in truyen du doc mot chuyen di...

Nguyễn Lê Hồng Hưng
Số lần đọc: 4559
Ngày đăng: 12.09.2005
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Cơn bão xa đã tan - Hội An
LiLi - Lê Vũ
Con cá kèo - Nguyễn Văn Tâm A
Đôi mắt rắn đỏ và men rượu đàn bà . - Dương Ðình Hùng
Ngôi nhà ác ôn - Dương Ðình Hùng
Tuyết - Tove Janson
Ngôi nhà dưới lùm dưới dại - Phạm Xuân Hùng
Mất ngựa - Trọng Huân
Cánh đồng bất tận-phần một - Nguyễn Ngọc Tư
Cánh đồng bất tận- tiếp theo và hết - Nguyễn Ngọc Tư
Cùng một tác giả
Trên một dòng sông (truyện ngắn)
Mùi Tôm Bạc Đất (truyện ngắn)
Hội Quán Thủy Thủ (truyện ngắn)
Mùa cá đường hội (truyện ngắn)
Giáng Sinh Trắng (truyện ngắn)
Chuyến Ðò Tốc Hành (truyện ngắn)
Tâm Bịnh (truyện ngắn)
Anh cũng sẽ về (truyện ngắn)
Trên Bến Grega (truyện ngắn)
Thư Không Viết (truyện ngắn)
Chiều Lên Hội Quán (truyện ngắn)
Đêm bảo Tuyết (truyện ngắn)
Kỷ Niệm Sông Elbe (truyện ngắn)
Cháo Chuột (truyện ngắn)
Trên Một Chuyến Tàu (truyện ngắn)
Sáng nắng chiều mưa (truyện ngắn)
Bốn Biển Là Nhà (truyện ngắn)
Gái Nga Gốc Việt (truyện ngắn)
Hết Mê (truyện ngắn)
Thủ Đô Helsinki (tiểu luận)
Đêm Thánh Nữ Lucy (truyện ngắn)
Chôn đi quá khứ (truyện ngắn)
Con chim bay lạc (truyện ngắn)
Thuyền Nhân (truyện ngắn)
Miền Kinh Rạch (truyện ngắn)
Thủy thủ về nhà (truyện ngắn)
Thời lưới gộc (truyện ngắn)
Thủy thủ ăn chơi (truyện ngắn)
Chuyến đi cuối cùng (truyện ngắn)