Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.150
123.226.337
 
Đền rùa vàng (phần cuối)
Ngô Nguyên Dũng

 

 
   

 

 

 

Hội quán bi-da chỗ tôi thường lui tới, có nhiều quái tăng. Có người bộ dáng như con gà nuốt dây thun, tới ngồi một đống, lâu lâu ghi tên hát Karaoke một bài nhạc tình nhểu nhão, uống vài chai bia rồi chuệnh choạng bỏ về. Có người tới để cá độ bi-da, chuyên môn thua, vẫn không chừa. Có người tới chỉ để tâm sự. Có người sở trường tọc mạch đời tư thiên hạ.

Tối nay, hội quán tiếp đón thêm một quái tăng. Tôi thấy mặt anh ta lần đầu. Anh nhếch cười chào mọi người, tới ngồi gần chỗ chúng tôi. Tôi bắt được mùi xào nấu toát ra từ người đàn ông. Lại thêm một đầu bếp nhà hàng, tôi nhủ thầm, lén đưa mắt ngắm. Người anh ta mỏng như cá khô, tóc húi ngắn gần như trọc, râu cằm thưa chòm, tay chân lêu khêu. Mấy nhân vật cái bang trong truyện chưởng Kim Dung chắc không hơn người này. Không biết anh ta tu tập võ công ở đâu, môn phái nào, bao lâu mà khô đét thế kia? Bàn tay năm ngón xương xẩu ấy, lúc tung chưởng, chắc có nước dập ngực, hộc máu. Tôi phì cười vì những tưởng tượng tầm xàm.

»Trình, gọi Nụ ra đây cho tụi mình đặt nước cá độ!«, một đứa ra lệnh.

»Tại sao cứ phải tao?«, tôi gắt.

»Chỉ có mày gọi, Nụ mới ra. Chỉ có mày dí củ cà-rốt vào cửa hang, thỏ mới lộ diện«, đứa khác nham nhở.

Cả lũ bật cười khoái trá.

»Bằng trái ớt chỉ thiên đã là may«, một đứa lớn giọng.

Tôi nhún vai, phớt tỉnh. Chỉ có thế mới thoát nạn. Tôi lên tiếng hỏi lũ bạn uống gì để vào gọi. Còn đang nhấp nhổm vì sắp sửa tới lượt chơi thì người đàn ông cá khô đã nhỏ nhẹ cất lời:

»Khi nào anh vào trong, cho tôi nhờ một việc.«

»Anh muốn uống gì?«, tôi mau mắn.

»Không, không phải để gọi nước, tôi nhờ anh nhắn với Nụ đôi lời.«

Tôi chau mày nhìn thẳng vào mặt người lạ. Cả bọn đang lếu láo bông đùa, cũng im lặng đưa mắt nhìn nhau dò hỏi. Người đàn ông nhếch cười:

»Tôi muốn dành cho Nụ một ngạc nhiên đó mà. Anh nói với Nụ, có người tên Đăng gởi lời hỏi thăm.«

Nói xong, anh ta đứng dậy, gật đầu chào mọi người, bỏ đi một mạch. Cả bọn ngơ ngác nhìn nhau, lao xao bàn tán:

»Đúng là quái chiêu.«

»Ma cà rồng đội mồ sống dậy, tìm Nụ xin tí huyết.«

»May là hắn chưa biết chuyện nghêu sò ốc hến giữa Nụ và thằng Trình nhà mình.«

»Nếu không, chắc chắn có màn đánh ghen, xé quần áo vũ xếch-xy, coi không tốn tiền.«

»Tụi mày nhiều lời, lát nữa tao đếch kể lại cho nghe!«, tôi tố.

Cả lũ nín khe. Nói rồi, tôi hiên ngang đi vào phòng trong. Chỉ có vài người ngồi trong góc quán đèn  mờ, rên rỉ  khúc hát  Karaoke: "Tôi xin người cứ gian dối, nhưng xin người đừng lìa xa tôi... [7] "  Nụ ngồi sau quầy, tươi tắn ngước lên. Gọi nước xong, tôi buông câu thòng:

»Có người tên Đăng tới hỏi thăm em.«

Nụ sửng mặt, toan chạy ra thì tôi đã cản lại:

»Đi rồi.«

»Lâu chưa? Sao không cho em biết ngay?«, Nụ chặn tay lên ngực, vồ dập.

»Anh ta có vẻ chưa muốn gặp em. Ai vậy?«, tôi điềm nhiên.

»Nụ sẽ kể anh nghe sau. Trời ơi, sao Đăng biết  em ở đây? Không muốn gặp, tới làm gì?«, Nụ thở dài.

Tôi đặt tay lên vai Nụ:

»Bình tĩnh lại, anh ta đâu còn ở đây mà em rối lên như vậy.«

Vài người khách quay lại nhìn chúng tôi. Nhạc đã dứt từ lâu. Có người lên tiếng nhắc đổi bài. Nụ loay hoay thay đĩa. Tôi trở ra với đám bạn, tiếp tục cuộc chơi dở dang mà tâm trí váng vất nơi đâu. Chuyện tôi và Nụ không đơn giản như tôi nghĩ. Dĩ vãng Nụ hình như cũng có vài gút mắc. 

Khi Nụ mang nước ra cho chúng tôi, tôi để ý thấy màu mặt nàng hơi tái. Hay vì tôi tưởng tượng quá đà? Nụ không nhìn tôi, chỉ đối đáp nhát gừng trước vài lời chọc ghẹo vu vơ.

Tới giờ đóng cửa, tôi chở Nụ về như thường lệ. Đến nhà, tôi hỏi:

»Nụ có muốn anh ở lại đêm nay?«

Nụ lưỡng lự vài giây rồi khẽ lắc đầu, nhưng không xuống xe. Tôi xin phép Nụ châm một điếu  thuốc, kéo kính xuống. Hương đêm trong lành hoà cùng hơi thuốc lá ngọt nồng. Mặt đất hốt nhiên hoang vu tĩnh lặng như phút giây trước cơn biến thiên kinh hồn. Giờ phán xét đã điểm. Tôi là kẻ đứng ngoài trận nội chiến tanh hôi trong lòng Nụ, bình thản phì phèo thuốc lá, chờ nghe địch thú tội.

Nụ bắt đầu tự khai:

»Không ngờ Đăng tìm tới đây... Nụ hoàn toàn có lỗi trong chuyện này. Em là con đàn bà vô luân, anh biết không? Em và Đăng sống với nhau không hôn thú một khoảng thời gian dài. Lúc đầu em yêu Đăng lắm chứ, nhưng càng lúc em càng thấy anh ấy có những bản tính không thích hợp. Tâm lý Đăng yếu đuối, ù lì, thụ động quá. Em không thích mẫu đàn ông khép mình trước hoàn cảnh. Thất nghiệp thì đi tìm. Không làm được việc này thì việc khác. Đăng không vậy. Anh tuyệt vọng rồi đâm nghiện rượu và cờ bạc. Khó xử nhất là tính ít nói của anh ấy. Hỏi thì trả lời lừng khừng. Hạch sách thì bỏ đi. Cuối cùng chỉ mình em giải quyết những khó khăn vật chất. Cho tới lúc... lúc... em lỡ... mang thai.«

Tới đó, Nụ khựng lời, mở xắc tay lấy khăn chặm nước mắt. Tôi dụi điếu thuốc sắp tàn. Cả tối tôi hút hơi nhiều, cổ họng nhám rát. Nụ chậm rãi tiếp lời:

»Nụ không... không muốn giữ đứa bé, nhất là khi bác sĩ cho hay nó sẽ bị chứng si ngốc. Nhưng bỏ không đành, Đăng cũng không muốn. Có lẽ vì vậy mà giữa em và đứa con chào đời sau này có một ngăn cách tâm sinh lý. Em khép mình vào hoàn cảnh cho tới khi thằng bé lên bốn, mới bỏ đi...«

Nụ nấc lên, mắt mũi ràn rụa. Tôi tìm tay nàng, siết chặt.

»Em là một người mẹ tồi tệ, đáng bị ném đá, lăng trì, anh biết không?«, Nụ than van.

Tôi không biết phải an ủi Nụ thế nào. Nụ tệ thật. Nhưng nàng đáng trách và đáng thương cùng lúc. Cả gã quái tăng tên Đăng và đứa trẻ với chứng bệnh si ngốc kia nữa. Tôi than thầm, trời ơi, cuộc đời là bể khổ, con người ngụp lặn trong vô lượng trầm luân mà không hay. Cái ngã của chính tôi và của những tha nhân chỉ là muôn trùng bụi bặm lang thang trong vòng nhân sinh vô biên. Tôi lẩm nhẩm so sánh tội lỗi của Nụ và của mình. Tôi mang tội bất hiếu, xa nhà, không báo đáp ơn sinh dưỡng của mẹ cha. Tôi mang tội vô ơn, xa tổ quốc, không làm nên tích sự gì cho đất nước. Tôi còn có tội với nhiều người, vì không thể  đáp ứng những tình cảm lớn nhỏ mà họ đã dành cho tôi. Tội của tôi đong đầy thúng, Chúa hay Phật biết được, chắc phải lắc đầu ngao ngán. Thế nên, trong khoảnh khắc này, tôi cảm thấy đồng điệu với Nụ hơn bao giờ hết.

»Nếu em muốn, anh sẽ chở em đi thăm con«, tôi ngọt giọng.

Nụ vẫn nghẹn ngào:

»Không biết Đăng có còn ở chỗ cũ.«

»Thế nào anh ấy cũng trở lại tìm em.«

»Em có linh cảm, Đăng tới để báo tin chẳng lành.« Rồi Nụ rú khẽ: »Chúa ơi, không lẽ...«

»Không đâu, chắc không có gì đâu. Đừng nghĩ nhảm!«, tôi vuốt vai nàng, ngắt lời.

Nụ nghiêng người, ngả đầu vào tay tôi, bờ vai run run. Tôi áp mặt xuống tóc Nụ. Vẫn hương thơm gần gũi. Tôi khép mắt, thấy ra cánh đồng lúa mì vàng rợp trong nắng gió. Có người con gái đạp xe trên đường đất, một tay vịn vành nón rơm. Tóc vàng phất phới. Tôi ngồi trong chuyến xe đò liên tỉnh có máy điều hoà không khí, cửa kính im ỉm, trông ra, tưởng như đang xem một cảnh phim. Bóng tối lập lờ theo luồng sáng phát ra từ phòng chiếu. Máy lạnh khiến chúng tôi càng nép sát nhau hơn. Tôi tìm tay nàng, đan lại, nghe hơi thở mình hao hụt đứt quãng. Tôi là người thợ lặn mò tìm trân châu. Thịt da bào ngư mềm mại dưới ngón tay tôi mọ mẫm. Hàm răng san hô sáng ngời, hé đợi môi kề. Tôi thấy mình tan biến vào đại dương cảm xúc bao la. Nắng soi mảnh nhấp nhô theo sóng. Người con gái tóc vàng vẫn một tay vịn vành nón rơm, đạp thong thả trên lối hẹp giữa cánh đồng lúa vàng ngút ngàn. Con đường như vết dao rạch ngọt, không kịp tươm máu. Dòng sông nào đã hút hết tinh tuý địa cầu, để mặt đất bị thương, chẻ thành ngàn lối vô hướng.

Nụ ngẩng đầu, vuốt lại nếp áo nhăn vì tay tôi tham lam. Người thợ lặn trồi lên mặt nước. Đôi tay trống không. Chẳng bào ngư, cũng không san hô hay ngọc trai ngọc gái gì ráo, chỉ một mớ thực tại rối nùi như những bài tình ca không tên. Tôi ngân nga:

»"Nòng" người như chiếc "ná",  xoáy xoay trong hồn, nhiều cơn "nốc" cuốn…«

»Người ta đang rầu rĩ gần chết, còn đùa«, Nụ gắt.

»Chuyện đâu còn đó, em có khóc tới khô nước, cũng không giải quyết được gì.«

»Ít ra cũng được... cái buồn.«

»Trời đất.«

»Buồn để ngẫm lại những gì mình đã làm, để hồi hướng chuộc tội.«

»Thôi, cho anh xin, đừng giảng đạo trong lúc này«, tôi xuýt xoa.

»Ai thèm«, Nụ hứ.

»Không thèm thì thôi, về đây!«, tôi cười khì.

Nói xong, tôi chờ nghe câu hỏi ngơ ngẩn của Nụ: "Về thật à?", để làm nũng. Ngờ đâu, Nụ không nói lời nào, lẳng lặng cắp xắc tay, mở cửa bước ra, đóng xập lại. Nụ và bóng nghiêng lệch bên hè phố chênh vênh sáng tối. Thần trí tôi cũng lao chao, lẫn lộn giữa ngày và đêm. Tôi biết, khuya nay tôi lại co mình rã rượi trong dòng hồi tưởng lũ lụt vào mùa nước lớn.

 

*

 

Tôi là một người bất hạnh trong chuyện tình cảm, lại mang nhiều bản tính mâu thuẫn. Trong khi Nụ tự nhận nàng là người "cà giựt", thì tôi ngấm ngầm cho mình vướng phải "hội chứng Peter Pan". Thuật cho Nụ nghe, nàng cười cợt, bảo tôi: "Già mà còn dê, người ta gọi là già dịch". Oan thay, tôi chưa thả dê tán tỉnh ai bao giờ. Ngược lại thì có, thành ra tôi kênh kiệu như một mụ thứ phi có nhan sắc giữa đám cung nữ quê mùa thô kệch. Đã có lần Nụ tự xưng là bà vua, gọi tôi là "cung nam" của nàng. Tôi chịu liền, bèn thỏ thẻ:

»Đời nay ai gọi là bà vua, mà là vua gái.«

»Chữ gái gần với cái, nói lộn nghe mất giá«, Nụ phì cười.

»Vua cái, cung đực và một bầy thái giám, có sao đâu?«, tôi bênh vực.

»Đừng hỗn, mang tội khi quân, mất đầu bây giờ!«, Nụ phán.

»Muôn tâu bà vua, bà tha cho... em«, tôi xì xụp.

»Không được xưng em, mà phải xưng là ái nam«, Nụ sửa.

»Trời đất, nghe như người đồng bóng. Bà vua ơi, đừng gọi thế, mất hứng!«, tôi kêu lên.

»Ái, sao dám hứng với vua?«

»Chớ nói làm sao? Vua gì khó quá, người ta chịu gì nỗi«, cung nam nũng nịu.

Nụ cười ngặt nghẽo, vít đầu cung nam xuống, hăm he hài tội. Cung nam không sợ, nhõng nhẽo:

»Bà vua muốn để cho người ta tìm... chấm G không?«

»Chấm gì?«, bà vua ngơ ngác.

Tôi kéo đầu Nụ, thì thầm vào tai, như sợ các tĩnh vật nghe được. Nụ đấm tới tấp vào ba sườn tôi, nghiến răng:

»Láo thật! Hay để ta tìm cho ngươi!«

»Ái nam chỉ có chấm D, vạch ra, thấy liền, khỏi tìm.«

Đó là chuyện cũ, giờ đây tôi và Nụ đang ở trong tình huống khó xử. Nụ và quái tăng Đăng. Tôi và những uẩn khúc nội tâm của quá khứ chưa lành và của hoàn cảnh chung quanh. Rồi, vào một tối, chuyện gì tới phải tới. Quái tăng tên Đăng trở lại tìm Nụ. Không biết hai người nói gì với nhau mà tôi, đang lơ đễnh thụt bi-da phòng ngoài, chợt nghe tiếng Nụ hét thất thanh. Tiếp theo là âm thanh vỡ vụn của thuỷ tinh va vào tường. Cả lũ ùa vào. Tôi thấy Nụ đứng run lẩy bẩy bên quầy nước, mặt  thất thần. Vài người vây quanh, ngơ ngác nhìn nhau. Có người giúp nàng, lo thu dọn những mảnh ly vỡ trên thảm. Đăng vẫn bình tĩnh ngồi hút thuốc bên bàn con. Tôi tới cạnh Nụ, giơ tay toan vuốt vai nàng, tìm lời trấn an thì nàng đã hất mạnh tay tôi ra, mắt long lên như hai hòn than đỏ, kèm theo tiếng gầm gừ:

»Đừng tới gần tôi!«

»Có gì thì nói, không nên đập phá!«, tôi nhỏ nhẹ.

»Ai khiến anh xía vào?«, Nụ hung hữ như chó cái nằm ổ.

»Em có nóng giận cũng không giải quyết được gì«, tôi nhẫn nại. Rồi tôi kéo Nụ vào bếp, kéo màn che những ánh mắt tò mò.

Nụ gục đầu vào ngực tôi, rấm rứt:

»Nó... nó… chết thật rồi.«

Tôi hiểu ra. Đúng như lời Nụ tiên đoán, hôm nay Đăng đến để báo tin con mất. Tôi không biết phải dùng lời lẽ nào để an ủi Nụ, đứng vuốt tóc nàng riết. Tóc nàng sợi vắn sợi vài. Lệ nàng cũng vắn dài truân chuyên. Tôi khẽ cất giọng:

»Thuở ấy em vừa thôi kẹp tóc, thuở ấy anh vừa thôi học xong. Yêu anh yêu anh, em làm  thơ. Yêu em yêu em, anh soạn nhạc... Tóc mai sợi ngắn sợi dài, lấy nhau chẳng đặng, thương hoài ngàn năm... [8]«

Tiếng nấc Nụ nguôi dần.

»Mọi chuyện, coi như xong. Em cũng nên cám ơn Đăng!«, tôi chép miệng.

»Tất cả do lỗi của em«, Nụ ngẩng mặt.

»Không ai có lỗi cả, số mệnh đã an bài như vậy, cãi cũng không được«, tôi bắt đầu đóng tuồng.

Nụ thuộc lòng "tuồng tích" của tôi, không nói, sụt sịt hỉ mũi rồi mở màn, bước ra. Tôi tới kéo ghế ngồi đối diện người tên Đăng. Anh ta mời tôi điếu thuốc. Bàn tay anh run nhẹ khi mồi lửa.

»Tôi tên Trình, bạn của Nụ«, tôi tự giới thiệu.

»Còn lý lịch tôi, chắc anh biết hết rồi?«, Đăng nhướng mắt.

»Nụ có kể sơ.«

Giọng Đăng chùng xuống:

»Cũng lạ... Sau khi Nụ bỏ đi, thằng bé cứ khóc đòi mẹ, vậy mà lúc bệnh trở nặng, sắp chết, nó không nhắc lấy một tiếng.«

Tôi trầm ngâm nhìn người đàn ông qua làn khói xám. Anh tiếp giọng kể, tự buộc tội mình. Bỗng dưng tôi thấy ra chân lý đời sống. Tất cả chỉ là một trò trốn tìm với đông đảo người tham dự. Tôi đang ẩn mình trong chiếc vỏ yên lành. Con còng nhỏ co thân trong vỏ ốc vay mượn, không ngó ngàng gì tới bão tố bên ngoài. Nó an phận như thế, cho tới lúc tự cảm thấy cuồng chân, mới đi tìm. Điều gì? Cũng chỉ là chiếc vỏ khác. Tại một nơi và thời điểm khác. Nó tự đánh lừa nó. Tôi tự đánh lừa tôi bấy lâu nay bằng những ảo ảnh quá khứ. Mọi chuyện đã xong, sao tôi cứ mãi bám víu như hồn ma còn vương vấn cõi âm, chưa chịu đầu thai. Như một trưa chủ nhật nọ, tôi vui chân dạo chợ bán đồ cũ, dừng bên sạp tạp hoá của một người Tàu già. Tôi và ông gật đầu chào nhau. Tôi nhận ra nhiều nét thân quen trên gương mặt ông. Đôi chân mày bạc rậm. Cặp mắt sáng. Nếp da nhăn ngang dọc... Phải rồi, tôi kêu thầm, run tay nâng lên từ rổ mây khoen tiền kẽm rỉ mòn. Tôi nhận ra lập lờ bóng dơi quấn quanh chữ phúc của ngày xưa nơi đền rùa vàng. Tôi lắp bắp hỏi cụ già gốc gác đồng tiền. Cụ cười xoà, bảo loại tiền xu ấy, ở Trung hoa thời xưa thiếu gì. Tôi định hỏi thêm, có bao giờ cụ sống ở Việt nam, đã từng cai quản một ngôi đền có hồ nuôi hàng trăm con rùa, nhưng chợt thấy ra quai hàm cụ có một nốt ruồi lơ thơ vài sợi lông bạc, mới thật sự tin rằng, không phải cụ chủ đền năm xưa. Tôi từ giã cụ già, thẫn thờ lách giữa đám đông như người hành tinh lạc xuống địa cầu. Vẫn còn một chiếc bóng lẽo đẽo bên tôi. Mãi mãi. Suốt đời.

 

*

 

Những ngày sau đó, Nụ bệnh liệt giường. Chiều nào tôi cũng ghé ngang, lo chuyện cơm nước cho nàng. Bị bệnh, lạt miệng, Nụ thèm ăn toàn những nón độc đáo như cá kho tiêu, thịt kho quẹt hay hột vịt muối. Cá hay thịt kho, tôi còn trổ tài được, chứ món trứng vịt muối, tôi chịu. Tôi vỗ về, bên này không có hột vịt, anh sẽ ngâm hột gà trong nước muối một tháng, tha hồ cho em ăn. Nụ nhõng nhẽo, tới lúc đó em đã hết bệnh, không thèm nữa. Dù vậy tôi vẫn mua một chục hột gà, quậy nước cho "no" muối, ngâm để dành. Nụ cảm động ra mặt, không gọi tôi là "cung nam" nữa, mà là "đường", xưng "sữa". Tôi đùa, chỉ còn thiếu cà-phê là đủ bộ... tam sên.

Cũng đã lâu rồi, tôi và Nụ không còn tranh cãi nhau về chuyện thần thánh. Không biết Nụ coi  chuyện tín ngưỡng quan trọng tới đâu, phần tôi, điều đó thuộc hàng thứ yếu. Tôi không tin vào phép lạ. Những lúc nghe Nụ mê man giảng đạo, tôi hay buột miệng, trông em giống một bà già Bắc kỳ nhà quê ngoan đạo quá à! Nụ ngớ mặt, nhìn tôi nháng lửa. Rồi nàng nhấn giọng, một, em không phải là Bắc kỳ mà là "tùm lum kỳ"; hai, em là kẻ có đức tin, không phải vô thần như… người  ta. Tôi đã quen với luận cứ cũ rích này, nên im lặng để tránh tai ương, dù lòng vẫn đề quyết rằng ý nghĩ của Nụ còn ấu trĩ lắm. Nhưng Nụ không ấu trĩ, mà tinh ranh như cáo.

Hôm bệnh giảm, Nụ đi chợ làm cơm, gọi điện mời tôi tới ăn. Nàng nấu một món Bắc, một món Nam: súp bóng và bánh xèo. Nụ vừa tráng bánh vừa ba hoa:

»Bột đổ bánh xèo phải có nước cốt dừa mới béo, mới thơm. Ngoài hành lá, hành củ, tép, thịt ba chỉ và giá ra, cũng đừng quên thêm chút đậu xanh cho bùi. Nhưng quan trọng nhất vẫn là nước mắm đúng điệu Nam kỳ quốc. Mằn mặn, ngòn ngọt, chua chua, cay cay. Anh coi, em đổ bánh xèo có giống một con mẹ Nam kỳ quấn khăn rằn không?«

»Em là một mụ tùm lum kỳ dễ thương nhất nước«, tôi xuề xoà.

»Lâu lắm mới nghe anh nịnh trở lại.«

»Đàn ông nịnh trực tiếp, đàn bà gián tiếp. Họ suốt đời chạy bên lề cuộc suống.«

Nụ quay mặt, mím môi ngó tôi:

»Lại văn chương ba xu.«

»Nếu không vì hoàn cảnh, anh đã trở thành văn sĩ«, tôi khề khà nhấp một ngụm bia.

»Ủa, em tưởng anh thích làm ca sĩ«, Nụ ngạc nhiên.

»Mười bốn tuổi, anh bị bể tiếng, trổ giọng vịt đực, mộng làm ca sĩ tan tành.«

Nụ trút bánh ra dĩa, mùi thơm làm tôi chảy nước miếng.

»Cho anh ăn thử, coi bột có vừa chưa!«, tôi đổi đề tài.

»Dạ, coi nước mắm em pha có hợp khẩu vị anh không!«, Nụ ngoan ngoãn.

Tôi cặm cụi quấn bánh với xà-lách và rau sống, nhấm nháp ngon lành. Tuyệt vời. Không còn nghi ngờ gì nữa, thượng đế vừa ban phép lạ đem Nụ đến cho tôi. Xin tạ ơn Chúa, Phật, A-la, Bà-hai và hết thảy đấng giáo chủ, kể cả ông đạo Dừa và bà vô thượng sư Thanh Hải. Nhất là tạ ơn em. "Ơn em khuya sớm hai lần, giấu quanh giấu quẩn áo quần một nơi..." Tạ ơn các loại rau thơm. Tía tô, dấp cá, kinh giới, ngò gai, ngò rí, húng quế, húng lủi. Tạ ơn nước mắm hiệu ba con cá cơm. Không có những thứ này, chắc tôi đã xa đời nơi xứ lạ từ lâu. Thân phận tôi, ôi, nổi trôi như vận mệnh Thúy Kiều. Buồn thảm lắm. Ấy mà khi tôi nhấm bánh xèo với bia lạnh, tôi quên tuốt. Không còn những hoài nghi về bản ngã. Những đại triết gia của nhân loại cỡ Nietzsche, Hegel hay nửa mùa như Sartre, Schopenhauer đều được tôi mời đi chỗ khác chơi. Những tâm sinh lý gia xuất chúng như Freud, Jung lần lượt trở thành người đi qua đời tôi. Còn văn hào và thi bá ư? Dẹp hết. Tất cả đều không bằng một miếng bánh xèo trôi qua cổ.

Nụ ngồi vào bàn, ăn lấy lệ. Tôi ngừng tay gắp, hỏi:

»Mệt à?«

»Dạ.«

»Tỷ như anh là triệu phú, chúng mình sẽ đi biển nghỉ mát.«

»Đừng nhắc, làm em nhớ«, Nụ rên rỉ.

»Nhớ gì?«, tôi ngớ ngẩn.

»Nhớ nhà, nhớ đất, nhớ quê hương, nhớ đủ thứ.«

Tôi buông đũa. Nỗi nhớ của Nụ làm tôi hết đói. Nụ chậm chạp khều đũa vào dĩa bánh nguội tanh, gắp uể oải. Không khí nặng trịch như đựng toàn những phân tử nhớ không tên, chưa được khoa học gia nào khám phá. Trời đất, ngoảnh lại, mới hay tôi xa nhà đã hơn hai mươi năm. Thời gian xa quê dài hơn thời gian tôi sống ở đất nước. Tôi lẩn thẩn tự ví mình như một con đại thử bê-by. Lúc sơ sinh, nó nhỏ bằng ngón tay cái, từ bụng dưới men vào bầu túi mẹ, tìm núm vú, bú ròng rã tháng ngày. Nó lớn lên an lành hồn nhiên trong thể tích chật chội nhưng ấm áp ấy. Để lúc trưởng thành, nó bỏ mẹ, lưng tưng phóng đi, quên tuốt thời ấu thơ trong tù giam hạnh phúc. Loài đại thử có bao giờ hồi tưởng? Chắc không. Còn con đại thử giả hiệu nhưng nhiều cảm xúc trong tôi thỉnh thoảng lại nhớ về. Lúc ngả bệnh, khi không gian chuyển mùa. Lúc thất tình, khi chuếnh choáng hơi men, nỗi nhớ lại dấy đau âm ỉ. Tro than hoài niệm còn tươm khói. Hoả sơn vẫn sôi sụt niềm đau sinh quán.

Tâm trạng này, tôi biết, nên tôi thông cảm Nụ trăm phần trăm. Hai nỗi đau riêng hợp thành niềm đau chung. Tối vào giường, Nụ ôm tôi, khóc tỉ tê. Tôi cũng ứa nước mắt, nhưng cố giữ, vì... nam nhi hề, quay lưng thề không trở lại. Nam tính ngu muội trong tôi, loài đại thử vô bản tính hồi cố quận ấy đã lấp mất biết bao dòng sông chờ đưa người về.

Tôi ve vuốt sống lưng Nụ, không dám sàm sỡ thêm, sợ vấy bẩn phút giây tưởng niệm thiêng liêng này. Tôi thều thào lạc đề:

»Đất nước mình kỳ cục nhất thế giới, buổi tổ chức nào cũng bắt đầu bằng một phút mặc niệm. Lúc nào cũng có kẻ phải hy sinh, bao giờ mới khá?« Rồi tôi lả lơi bông đùa: »Đừng bao giờ bắt anh nghiêm chỉnh mặc niệm, hát quốc ca, chào quốc khi trước khi mình yêu nhau!«

»Người ta đang buồn nhểu nhão, còn giễu cợt«, Nụ dúi mặt vào cổ tôi, càu nhàu.

»Con tim trân tráo không bao giờ biết đến nói dối«, tôi hát hò.

»Vậy cho Nụ hỏi anh câu này!«, Nụ thầm thì.

»Cứ tự nhiên.«

Nụ ngập ngừng khiến tôi linh cảm chuyện chẳng lành, toan ngăn lời, nhưng đã muộn.

»Có khi  nào anh... anh  nghĩ tới chuyện tổ chức một buổi tiệc chính thức hoá...«

Nụ bỏ lửng câu nói, hé môi nhằn cổ tôi. Người tôi xốn xang, tim tôi bồi hồi. Tôi đang ngửa cổ hiến dâng máu thịt mình cho một con ma cà rồng cái. Rồi tôi bị nhiễm trùng ma dơi, sẽ ngủ ngày, đêm bay lang thang tìm hút máu người.

»Đừng cắn anh!«, tôi phản công yếu ớt.

Địch tràn tới, hãm thành bằng "mỹ nhân kế".

»Đừng bắt anh thành ma giống em!«, tôi ngọ nguậy.

Địch dừng tay, giọng ngơ ngác:

»Cái gì?«

Tôi bật cười thành tiếng.

»Khùng điên gì đâu không. Anh còn nợ em câu trả lời«, Nụ lẩm bẩm.

Tôi dùng kế hoãn binh:

»Cho anh thời gian suy nghĩ. Chuyện này quan trọng, liên quan tới thời cuộc quốc tế, tình hình Cu-ba đang căng thẳng, không nên nôn nóng.«

»Anh khùng thật rồi.«

»Người ta lấy người khùng làm chồng, chớ không ai lấy chồng rồi làm cho khùng!«, tôi láp dáp.

»Hả? Nói cái gì kỳ cục vậy, hả, hả?«, Nụ đấm thùm thụp lên ngực tôi.

Tôi giữ chặt hai tay Nụ. Trong vũng sáng loà nhoà ngọn đèn đêm, Nụ và tôi đối mặt nhau. Hai mắt nàng long lanh. Tự dưng tôi mệt mỏi như kẻ hoang đàng sa đoạ lâu ngày vừa trở lại nhà. Không chừng Nụ đã truyền vi khuẩn cúm sang tôi. Ừ, lâu lâu cũng nên lâm bệnh một lần để làm nũng với... người ta. Dường như có vì sao nào vừa rơi lạc vào đáy mắt Nụ làm tôi xúc động bâng khuâng. Tôi bắt chước giọng Bắc kỳ di cư của Nụ, nhủ thầm: "Chao ôi, sao mấy chuyện trăng sao cứ dây dưa theo mãi tôi, suốt đời thế này?"

 

 

(Trích tập truyện "Ngôn Ngữ Tuyết", Quyên Book, 2006, USA. Nhuận sắc, 03.2018)

 



[7] Kiếp đam mê, Duy Quang.

[8] Tóc mai sợi vắn sợi dài, Phạm Duy.

 

Ngô Nguyên Dũng
Số lần đọc: 1656
Ngày đăng: 19.03.2018
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Đền rùa vàng (phần 2) - Ngô Nguyên Dũng
Đền rùa vàng (phần 1) - Ngô Nguyên Dũng
Tình yêu cuối cùng của Dostoievsky - Vương Kiều
Chuyện cái mũi khoan và bom dị bào - Đỗ Quyên
Giết con chim nhại - Phạm Văn
TÂM HỒN NGƯỜI XA XỨ Thương tặng những người con xa xứ - Nguyễn Phương
Từ rày đỡ lo.../ Tối lửa tắt đèn.../ Vẫn chưa đầy đủ! - Hòa Văn
giáng sinh buồn - Hoàng Chính
Dưới Ánh Sao Thu - Nguyễn Thành Nhân
Bán Chữ - Phan Trang Hy