Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.168
123.224.319
 
Chuyện Cũ Chuyện Mới
Nguyễn Lê Hồng Hưng

 

Sesung, tên thủy thủ người In Đô, vì muốn học nghề bếp nên mỗi sáng nó ráng thức sớm hoặc ngoài giờ làm việc nó vô bếp phụ tôi. Sáng nay cũng vậy, nó vô bếp mở điện lò và đứng chờ. Thấy tôi xuống nó chào buổi sáng và chỉ tay ra ngoài trời lúc tuyết đương rơi trắng xóa. Nó nói:

– Mùa đông tới rồi chú.

Cùng lúc thuyền phó từ trên phòng lái xuống kêu Sesung ra boong chuẩn bị thang để đón hoa tiêu. Sesung day qua nói với tôi:

– Lát con vô phụ chú.

Nói xong nó vội vàng day lưng bước xuống phòng thay áo quần và bận thêm đồ ấm.

Tàu rời cảng St. Petersburg nước Nga tối hôm qua và sáng nay sắp ghé Kotka của Phần Lan. Thuyền phó ló đầu vô bếp hỏi:

– Ông chiên cho tôi trứng và thịt ba rọi được không?

Tôi nhìn lên đồng hồ trên vách, thấy chưa tới giờ ăn, nhưng bếp lò đương cháy và tôi cũng không làm gì. Tôi nói:

 – Dĩ nhiên.

Tôi chiên trứng và thịt ba chỉ đưa ra cho thuyền phó, hắn cầm lấy nhưng chần chờ một chút rồi kêu tôi:

– Ông ra uống cà phê cho vui, còn sớm mà.

Hắn đem dĩa trứng và thịt để lên bàn rồi lấy tách rót cà phê đưa tôi và khoe:

– Hè qua tui có đi Việt Nam.

– Du lịch hả?

Hắn ngước mặt hãnh diện:

– Dĩ nhiên.

– Mày đi đâu?

– Mũi Né.

– Vui hông?

– Vui lắm, tui có ăn phở.

Tôi cười:

– Cũng lại phở. Bộ Mũi Né chỉ có phở không sao?

– Có nhiều thức ăn biển, nhưng tui thích phở, phở Việt Nam ngon tuyệt vời. Ông biết nấu phở không?

 – Dĩ nhiên.

– Hôm nào ông nấu cho mọi người ăn nhe.

Tôi chỉ ngón tay trỏ gõ gõ lên đầu, nói:

– Bộ mày khùng hả, trên tàu lấy đâu ra gia vị phở mà nấu.

Hắn cười hì hì rồi hỏi qua chuyện khác:

– Hôm qua ông đi chơi vui không?

Tôi cười:

– Vui mẹ gì, tao với Sesung lên chờ xe bus mất một tiếng, đi bộ lên bến xe điện mất nửa tiếng, tới nơi tuyết đổ ngập đầu, trời tối thui nên trông cái gì cũng mờ mờ, khi ra tới phố thì tiệm đóng cửa hết.

– Sao ông hổng đi tắc xi.

Tôi trợn mắt nhìn viên thuyền phó, nói:

– Tắc xi nước Nga của mày hả? Gọi cả ngày chưa thấy bóng.

– Tại ông hổng biết, nếu ông ra giá trước, trả một trăm đô la thì nó tới liền.

– Thiệt vậy hả?

– Thiệt.

– Tự nhiên tuyết đổ ào ào, ngập đầy đường, xe cộ nào chạy được. Bận về tao với Sesung phải đội tuyết đi bộ từ Abtobo xuống tàu mất cả tiếng đồng hồ. Thiệt tình thì tao muốn lang thang chơi cho vui, chớ hổng có ý đi đâu hết, nhưng Sesung muốn tao dẫn nó đi tới quảng trường Cách Mạng Tháng Mười….

Thuyền phó nhún vai.

– Ở đó có gì đâu mà coi, ngoài cái tượng.

– Sesung nghe quảng cáo quảng trường Cách Mạng Tháng Mười có tượng ông Lenin, nó chỉ muốn tới coi cái tượng cho biết.

– Tượng Lenin thiếu gì. Ông không thích sao?

– Oh! Thích khỉ gì, nước tao tượng đài tùm lum, tượng nào cũng lộng lẫy, mắc tiền. Tao thấy tượng nào cũng như tượng nấy, tạc bằng đồng đen, bằng xi măng, tiện bằng cây, lớp ngồi trong nhà, lớp đứng ngoài trời phơi nắng, giăng mưa và để làm toilet cho chim ỉa.

– Haha..., nhưng ông tới St. Petersburg có nhiều lần không?

 – Tao tới đây từ hồi thành phố St. Petersburg còn là Leningrad.

– Ông thấy thế nào?

– Dĩ nhiên, bây giờ St. Petersburg rất đẹp, vừa cổ kính vừa hiện đại.

– Ông có ấn tượng gì không?

Tôi chưa hiểu ý nó muốn hỏi gì nên hỏi lại:

– Về chuyện gì?

– Chuyện ông tới Leningrad.

– Ấn tượng về thời thành phố còn là Leningrad à?

Thuyền phó gật đầu. Tôi nói như thuộc lòng:

– Nói chung ấn tượng về Liên Bang Xô Viết nó luôn ở trong lòng tao. Hổng phải ấn tượng về một đất nước giàu đẹp, vĩ đại hoặc thiên đường, trên thế giới này nhiều quốc gia còn giàu đẹp hơn nước Nga của mày nhiều.

– Dĩ nhiên rồi.

Tôi day qua đổi giọng khôi hài nói với viên thuyền phó:

– Tao có cảm tưởng có một thời gian thành phố không được sửa chữa nên trông cũ kỹ bèo nhèo giống như cô gái đẹp bị bọn cướp hãm hiếp tơi bời hoa lá...

– Haha...

Đợi nó cười xong, tôi nói:

– Tao có ấn tượng sâu đậm nhứt là lần đầu tiên ghé một sạp bán bia ngoài đường.

Tôi đứng dậy đi vô trong bếp lấy một keo đựng dưa chua, tôi nói tiếng Anh không tự tin lắm nên tôi hay quơ tay ra dấu hoặc lấy một cái gì đó có liên quan tới câu chuyện ra minh họa, tôi đưa keo dưa chua ra trước mặt nó, nói:

– Tao nhớ lúc đó mua khoảng hai đô la Mỹ, họ rót ra đầy sáu keo như vầy nè...

Thuyền phó ngắt ngang:

– Bây giờ đâu có nữa.

– Dĩ nhiên, nhờ mấy mươi năm đổi mới nên St. Petersburg trông sáng sủa, trẻ đẹp như phụ nữ vừa từ thẩm mỹ viện bước ra. Phố xá xôn xao, có McDonalds và có siêu thị đầy nhóc hàng hóa. Đặc biệt cái là...

Nó thấy tôi ngập ngừng nó hỏi:

– Cái gì?

– Phần lớn đồ dùng sản xuất ở Trung Cộng. Nhưng dù sao đi nữa dân St. Petersburg cũng có đồ xài, hổng còn uống bia trong những cái keo như thời thành phố mang tên ông Lenin.

Hắn cười ha ha rồi nói:

– Hàng hóa Trung Cộng tràn lan khắp thế giới mà. 

– Ờ, tao biết. Ở Âu Châu cũng đầy nhóc đồ Trung Cộng. Con gái tao nhờ tao mua con Matryoshka sản xuất ở Nga, nhưng vô tiệm tao thấy con nào cũng Made in China nên tao hổng mua.

– Tại ông hổng biết chỗ, để hôm nào tui mua tặng con gái ông một con Matryoshka Made in Russia đẹp tuyệt vời.

– Cám ơn mày, nhưng tao thắc mắc.

– Gì nữa?

– Nước Nga của mày chế vũ khí đủ loại và bom nguyên tử, bom hạt nhân được mà sao hổng chế được ly để uống bia.

Hắn cãi lại:

– Ông nói vậy chớ đồ dùng nước Nga cũng có nhiều lắm, ở Việt Nam cũng xài đồ của Nga mà.

– Hèn chi đồ của nước mày bán mắc bỏ mẹ.

– Hì hì... Sao ông chê nước Nga hoài vậy?

– Thấy sao nói vậy, chê khen khỉ gì.

Sesung đón hoa tiêu xong vô bếp đứng chờ tôi. Tôi đứng lên cười và nói:

– Giỡn chơi thôi, St. Petersburg và nước Nga của mày có nhiều thứ tao ngưỡng mộ, nhưng hổng có vĩ đại và thiên đường gì ráo.

– Tui đâu có nói nước Nga là thiên đường là vĩ đại.

– Người Nga mày tao hổng nghe nói. Nhưng các ông, các bà ở nước tao qua Nga học tập, nghiên cứu sao hổng biết, trở dìa nước hô hào om sòm, cho tới nay vẫn có người tâng bốc nước Nga là vĩ đại, là thiên dường.

– Thiệt hả?

– Thiệt. À, đúng ra dân Nga phải mang ơn đám học giả, nhà thơ, nhà văn Việt Nam mới phải, nhờ họ mà nước Nga trở thành great country và paradise.

– Oh!

– Thôi mày ăn đi, tao đi làm đây.

Sesung đứng đưa hai bàn tay hơ hơ lên bếp. Thấy tôi vô nó rút tay lại và day qua nói:

– Lạnh quá.

Tôi nhìn ra ngoài khung cửa kiếng, tuyết rơi mù mịt, không thấy được đồi núi của hải đảo hay dải đất liền như mọi hôm. Tôi day lại cười nói với Sesung:

– Nếu chúng ta di chuyển từ Nam Baltic lên phía bắc Baltic bằng máy bay, thì từ mùa thu sang mùa đông chỉ trong vòng một tiếng, còn đi tàu thì mất một ngày.

– Vậy ở Nga bây giờ là mùa đông hả chú?

– Mấy hôm truớc ở Hòa Lan, trời lúc mưa lúc nắng, khi qua Đức và Ba Lan trời vẫn còn không khí man mát của mùa thu, từ lúc tới Phần Lan và qua Nga thì trời lạnh và có tuyết rơi.

– Vậy ở đây là mùa đông?

– Nói chơi vậy thôi, theo mùa màng thì ở đây tên gọi vẫn là mùa thu.

– Mùa thu gì mà lạnh quá.

 – Lạnh như vầy nhằm nhò gì.

– Chú tới đây lần nào chưa?

– Nhiều lần rồi.

– Chú thấy sao?

– Thấy gì?

– Bất an.

– Ồ, trước kia tao thấy bất an nhiều lắm, nhưng giờ thì tao hổng thấy gì hết.

– Mỗi lần tới đây con lo sợ và hổng an tâm khi thấy công an dẫn chó xuống lục xét phòng.

– Trong phòng mầy có rượu mạnh, thuốc lá quá lượng qui định và cần sa không?

– Hìhì... làm gì có.

– Vậy mầy sợ gì?

– Hổng hiểu sao thấy mặt ông, bà công an dẫn chó xuống tàu thì con sợ.

– Lâu lâu họ mới lục xét một lần, nói chung những chế độ còn lạc hậu, độc tài và Cộng Sản nước nào cũng vậy, chớ hổng phải chỉ có nước Nga.

– Nhưng Nga khác hơn các nước khác là mỗi lần tới họ bắt thủy thủ đoàn đứng sắp hàng cho họ xem mặt rồi mới đóng dấu cho nhập cảnh. Con bực mình nhứt là lúc giữa khuya, đương ngủ bị kêu dậy, hổng kịp bận đồ, rửa mặt gì hết, chạy xuống cho mấy con mẹ công an hải quan coi mặt.

– Mấy bà coi lúc mình bận đồ ngủ chắc cũng khoái mà.

– Kỳ quá à chú.

– Mấy bà hổng kỳ thì thôi, mầy kỳ khỉ gì, hôm nào bị đánh thức giữa khua mày chọc cho con cu của mày ngóc lên, biết đâu mấy bà thấy khoái.

– Haha... Chú có vậy không?

– Tao già rồi, giống củ cà rốt héo, hết hấp dẫn rồi, mấy bà đâu thèm.

– Chú còn ngon lắm mà.

– Ngon khỉ gì. À, mày nói sợ mà sao hôm qua còn kêu tao dẫn mày đi coi tượng ông Lenin.

– Nghe quảng cáo nhiều quá, muốn xem cho biết. 

– Những nước Cộng Sản họ thường xây tượng đài hoành tráng của những lãnh tụ để tuyên truyền.

Sesung nói:

– Công ty du lịch quảng cáo những thắng cảnh của thành phố trong đó có tượng Lenin đứng trước quảng trường Cách Mạng Tháng Mười.

Nghe nó phân bua tôi chợt nhớ lại những tượng đài của vài nước Cộng Sản mà tôi đã đi qua. Ở nước tôi người ta xây tượng ông Hồ Chí Minh, Cu Ba xây tượng ông Ché, Trung Cộng xây tượng ông Mao, Nga xây tượng ông Lenin..., nói chung thì nước Cộng sản nào cũng có tượng của lãnh tụ oai nghi, hoành tráng, mắc tiền, trước kia để tuyên truyền bây giờ thì dành quảng cáo cho du khách.

Tôi day ngang gật đầu:

– Ờ... mày có lý, nước Nga bây giờ là thời đại ông Putin, chớ hổng còn thời Lenin nữa, tượng đài lãnh tụ dành quảng cáo du lịch, dân chúng Nga cũng có lợi.

Sesung gật nhè nhẹ cái đầu ngẫm nghĩ:

– Ammm...

– Thiệt ra thì lần đầu tao tới đây, nhứt là lúc thành phố St. Petersburg còn mang tên Leningrad tao cũng sợ cách hành xử của mấy ông, bà công an xứ này.

– Bây giờ hết sợ hả chú?

– Làm gì phải sợ, dù sao mình tới đây làm việc một vài ngày hoặc vài tháng thì đi rồi.

Lúc đó chuông dưới hầm máy báo bị trục trặc gì đó. Thợ máy bên ngoài hấp tấp mở cửa bước vô, hắn gầm đầu, chạy thẳng xuống hầm máy, không kịp đóng cửa làm hơi lạnh ùa vào. Sesung thấy vậy đi ra đóng cửa lại rồi trở vô, càu nhàu:

– Thợ máy luôn nhắc nhở mọi người đóng cửa, nhưng tự hắn thì quên hoài.

– Tội nghiệp, thợ máy thằng nào cũng như thằng nấy, đầu óc lúc nào cũng lăng xăng lộn xộn.

 

Thợ máy xuống hầm máy thì tiếng chuông im bặt, một lát sau ông trở lên phòng ăn. Sesung bưng chén trứng luộc ra để lên bàn. Một lát Sesung trở vô nói:

– Ông thợ máy thấy thuyền phó ăn trứng chiên ốp la và thịt ba rọi, ông cũng muốn ăn.

– Mày chiên trứng cho ông ta xong rồi vô xắt thịt, tao lột củ hành.

Sesung chiên trứng bưng ra cho ông thợ máy, lát sau trở vô mặt mày nhăn nhó và chưởi thề, tôi day qua hỏi:

– Gì vậy? 

– Thợ máy ăn hết chén trứng luộc và ăn luôn hai trứng chiên với thịt ba rọi.

–Vậy thì ông ta ăn tổng cộng bốn trứng gà, cho ông tự sướng xỉu luôn.

– Ha ha...

– Thôi mày tháo bịch thịt ra xắt đi.

Sesung lấy bịch thịt vừa tháo ra vừa càu nhàu:

– Chú hiền quá, chớ gặp đầu bếp khác họ chưởi đó.

– Mấy mươi năm làm đầu bếp tàu buôn, tao đã từng nghe và thấy người ta chưởi bới, đánh nhau lỗ đầu chảy máu, thậm chí giết nhau cũng vì cái trứng, miếng thịt.

– Ừa, con cũng có nghe.

– Nhưng chưởi bới làm gì, chuyện như hồi nãy mày chỉ cần đừng dọn trứng ra bàn trước, người nào ăn thì hỏi mới đưa, như vậy là yên rồi.

– Con thấy người Nga ăn nhiều quá.

– Văn hóa ăn uống mỗi nước mỗi khác, hổng phải chỉ có người Nga, người nước nào cũng thích ăn ngon và ăn nhiều.

– Văn hóa người Nga là ăn nhiều hả chú?

Tôi định nói người Nga cũng giống như dân In Đô nhưng sợ chạm tự ái dân tộc của nó, tôi nói:

– Cũng giống như con người sống trong những nước kém văn minh, nói một đàng làm một nẻo, không biết tôn trọng ai. Nhìn cách sống, cách ăn uống của họ thì biết, lấy đồ ăn đầy dĩa, ăn hổng hết liệng bỏ.

– Nước Nga bây giờ hết Cộng Sản rồi mà chú.

– Vật đổi sao dời còn dễ hơn con người thay đổi. Người Cộng Sản tánh tình bừa bãi, vô kỷ luật, hổng tôn trọng giờ giấc, mày nhìn người Nga sống như thế nào thì văn hóa Cộng Sản như thế. Đây là tao nói thành phần trung lưu mà tao với mày tiếp xúc, còn dân nghèo thì khác hơn.

Sesung ỡm ờ không nói. Hình như nó cũng không hiểu ý tôi và tôi cũng không muốn tiếp tục câu chuyện. Sẵn thấy miếng thịt nó xắt hơi bự, tôi chỉ miếng thịt, nói:

– Mày xắt miếng nhỏ lại.

– Hôm nay chú làm món gì mà lột củ hành nhiều vậy?

– Hachée.

– À, món hachée của Hòa Lan, con biết rồi, món này một ký củ hành, một ký thịt hầm chung với nhau.

– Ừa đúng rồi, món truyền thống của Hòa Lan, lát nữa tao chỉ cách nấu mày nhớ ghi công thức lại để sau nấu cho tụi nó.

– Okay, món này con ăn thấy ngon, những người In Đô ăn hơi khó.

– Tại dân In Đô mày hổng chịu tập ăn, tối ngày chỉ cơm, cá, ketjap. Ở đời chuyện gì cũng phải tập, ăn uống cũng vậy.

Tôi day ngang chỉ mấy củ hành đã lột xong, nói:  

– Trước kia tao lột củ hành thường bị cay mắt nên tao vừa lột vừa xả qua vòi nước, nhưng hông biết từ bao giờ tao hổng còn bị cay mắt khi lột củ hành nữa.

– Chú nói đúng, hồi mới qua Hòa Lan con ăn hachée cũng hổng được, nhưng ăn riết rồi thấy ngon, nhứt là khoai tây luộc, bắp cải đỏ hầm với táo, chan sốt hachée lên ăn ngon bá chấy.

Thiệt vậy, tất cả theo dòng thời gian thay đổi, mọi việc sẽ dịu lại thành thói quen và những cay cú cuộc đời không còn làm cho người ta khó chịu nữa.

Dronten 17-3-2018

 

Nguyễn Lê Hồng Hưng
Số lần đọc: 2063
Ngày đăng: 24.03.2018
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Tái hôn - Hoàng Nga
Trời xám - Trương Đình Phượng
Tình yêu chạy làng - Trần Yên Hòa
Một lần đi dọc giòng sông - Hà Thủy
Sum vầy - Trần Quang Phong
Mùa xuân đầu tiên - Hoàng Nga
Cuối năm. - Trạch An – Trần Hữu Hội.
Ly Hương (cuộc đời yêu dấu 3) - Nguyễn Đức Tùng
Thời thượng - Trần Yên Hòa
Bức thư của người mẹ trẻ - Trương Văn Dân
Cùng một tác giả
Trên một dòng sông (truyện ngắn)
Mùi Tôm Bạc Đất (truyện ngắn)
Hội Quán Thủy Thủ (truyện ngắn)
Mùa cá đường hội (truyện ngắn)
Giáng Sinh Trắng (truyện ngắn)
Chuyến Ðò Tốc Hành (truyện ngắn)
Tâm Bịnh (truyện ngắn)
Anh cũng sẽ về (truyện ngắn)
Trên Bến Grega (truyện ngắn)
Thư Không Viết (truyện ngắn)
Chiều Lên Hội Quán (truyện ngắn)
Đêm bảo Tuyết (truyện ngắn)
Kỷ Niệm Sông Elbe (truyện ngắn)
Cháo Chuột (truyện ngắn)
Trên Một Chuyến Tàu (truyện ngắn)
Sáng nắng chiều mưa (truyện ngắn)
Bốn Biển Là Nhà (truyện ngắn)
Gái Nga Gốc Việt (truyện ngắn)
Hết Mê (truyện ngắn)
Thủ Đô Helsinki (tiểu luận)
Đêm Thánh Nữ Lucy (truyện ngắn)
Chôn đi quá khứ (truyện ngắn)
Con chim bay lạc (truyện ngắn)
Thuyền Nhân (truyện ngắn)
Miền Kinh Rạch (truyện ngắn)
Thủy thủ về nhà (truyện ngắn)
Thời lưới gộc (truyện ngắn)
Thủy thủ ăn chơi (truyện ngắn)
Chuyến đi cuối cùng (truyện ngắn)