Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.198
123.208.312
 
Chạp yêu
Chế Diễm Trâm

 

 

Bước qua ngày đầu năm, trời bỗng hửng, mặt trời rạng ra và nắng êm, nhẹ và thơm như một sân rơm mới. Quả là mùa xuân đã chạp vào đâu đó, mơ hồ như khẽ đã khẽ chưa. Nguyên như chưa thoát ra khỏi không khí huyền hoặc của một đêm trăng mười ba ấy.

Buổi chiều hôm ấy gió lạnh thênh thang, mây xám mù trời, thỉnh thoảng mưa giắt màn lưa thưa. Trời cuối đông, Nguyên thấy lòng nặng trĩu. Chợt nhớ đến tin nhắn ba hôm trước của Nguyễn khi Nguyên đang đi công tác: “Em đang ở đâu?”. Chàng Nguyễn thường hài hước, thường dắt người nghe từ tràng cười này đến chuỗi cười khác. Nhẹ nhàng, yêu đời. Giá mà toàn những người bạn như thế cũng chả nhọc nhằn tìm kiếm an vui, Nguyên nghĩ thế.

Một tin nhắn gửi đi: “Anh đang ở đâu?” – dù đoán Nguyễn đang ở trong thành phố nhỏ teo này.

Về rồi hả? Cà phê được không?

Vẫn chỗ ngồi những lần trước. Nguyên gọi bạc xỉu, Nguyễn gọi trái dừa tươi. Nguyên đoán đây phải là độ cà phê thứ “en-nờ” trong ngày của Nguyễn. Cậu sinh viên phục vụ bàn theo giờ bưng nước ra, lễ phép đẩy trái dừa về phía Nguyên. Nguyên dọn ly nước trà thơm mùi đậu ván rang trước mặt Nguyễn nhưng cậu bé không hiểu, cứ dứt khoát đẩy trái dừa vào gần trước mặt Nguyên hơn. Nguyên và Nguyễn cùng cười, to đến đỗi mọi người phải đánh mắt sang nhìn. Càng cười. Sầu muộn tiêu tùng!

Như mọi lần, Nguyên vẫn chọn chỗ ngồi đối diện để được quan sát Nguyễn. Mới khoảng non tháng không gặp mà Nguyên thấy Nguyễn ốm, xanh đi khá rõ. Đầu tóc hình như đã lâu chưa cắt mà còn biếng chải, rối bồng khá lãng tử. Đôi mắt có vẻ thiếu ngủ nhưng vẫn là ánh mắt biết cười, thông minh và hiền khô. Hai bàn tay có vài vệt sơn. Nguyễn là tạng người việc gì làm cũng giỏi, cũng say mê và nâng công việc lên thành nghệ thuật.

- Dạo này công việc chính của Nguyễn là gì?  

- Làm thơ!

- Hả?

- Là làm thuê đó nàng!

- Á à, ghẹo giọng nói người đàng quê của tui đó hả?

Lại cười.

- Này, không đùa nhé, anh sắp hoàn thành một bài thơ bằng sắt thép, gạch đá, xi măng đó Nguyên!  

- ???

Nguyên mở to mắt, nhìn sâu vô mắt Nguyễn. Hình như Nguyễn không đùa thật!

- Nguyên thích đi xem bài thơ đó không?

Nguyên biết Nguyễn đang có hứng mới bộc bạch như thế. Nguyên gửi xe lại quán cà phê, lên xe Nguyễn chở đi cho nhanh. Con đường không xa, cũng không ngoằn ngoèo, khúc khuỷu, gập ghềnh chi chi hết! Chỉ chưa đầy nửa tiếng chạy xe nhưng dường như Nguyên đang đi vào một thế giới khác. Hai hàng cây giao nhau im bóng, mấy hàng rào bìm bìm chi chít hoa khiến những ngôi nhà nhỏ như đang chơi trốn tìm sau một màn hoa chuông tím biếc. Có mấy công trình đang thi công, cao ngất. Nguyễn đố Nguyên công trình nào là “bài thơ” của Nguyễn. Nguyên đi tới đi lui hai bận thì bặm môi chỉ tay vào tòa nhà màu trắng đang bừng lên trong nắng. Nhìn Nguyễn gật gật, Nguyên biết mình đã đoán đúng.  

- Sao Nguyên giỏi vậy?

- Dễ ợt! – Nguyên bốc phét – Nó xinh đẹp nhất trong tất cả các công trình ở đây mà! Nguyên tin vào gout thẩm mỹ của anh!

Nguyễn cười cười nhưng ánh nhìn sáng lên. Nguyên thấy trong lòng đang khẽ vui. Không gì vui bằng đọc được suy nghĩ người khác.

Đó là một khách sạn cỡ ba, bốn sao trên một diện tích không lớn lắm. Nhưng mà phải công nhận là nó thanh thoát, như một thiếu nữ thanh tân và đài các. Một hàng chín cái ban công bằng đồng với những đường cong thanh nhã nhìn từ góc nghiêng từ dưới lên qua một nhánh phượng vươn ra từ bên đường trông không khác gì một chiếc thang mây dẫn lên Thiên Thai.

Khi Nguyên nói như thế, Nguyễn hình như lặng người đi. Bỗng, Nguyễn choàng qua vai Nguyên nhẹ nhàng rồi xiết khẽ và buông. Nguyên biết Nguyễn đã xem Nguyên là người bạn tri âm.

Hai tên vượt qua đống gạch cát để vào đến sảnh chính. Khách sạn đang vô giai đoạn nước rút, cần những bàn tay tinh tế để hoàn thiện. Thang máy đang trong giai đoạn vận hành đã kịp lắp ba tấm kính nguyên bản với những cành đào đang độ nhuận sắc, vài ba cánh hoa bay lơi lả rồi đáp xuống chiếc thuyền nhẹ lan dưới tàng đào. Bất giác, Nguyên nhớ câu hát: “Thiên Thai! Chốn đây hoa xuân chưa gặp bướm trần gian. Có một mùa đào dòng ngày tháng chưa tàn qua một lần…[1]. Trong thang máy, giọng Nguyên nghe tha thiết lạ. Nguyễn sững ánh nhìn và đưa tay vuốt tóc Nguyên thật nhẹ. Trong gương, mặt Nguyễn và Nguyên bừng màu hoa.

Bước ra khỏi thang máy, Nguyễn đưa tay chỉ đường lên sân thượng. Chiều đang khẽ khàng rơi và nàng trăng mười ba đã đi lên nền trời tự lúc nào. Gió cuối đông hất tung mái tóc Nguyên rối bời. Nguyễn rút từ túi quần ra một cọng dây thun, đưa trước mặt Nguyên. Ui trời, Nguyễn như một ông Bụt luôn xuất hiện đúng lúc. Nguyên nói vậy làm Nguyễn ký vô đầu Nguyên một cái:

- Bộ muốn tui râu tóc bạc phơ luôn hả?

Lại cười.  

- Này Nguyên, gần đây có một ngôi chùa độc đáo lắm!

- Vậy nữa á? Sao mà Nguyễn toàn đem đến cho em những điều hay ho vậy?

- Đi nhé?

- Dạ. Đi thì đi!

Con đường mòn dẫn vào ẩn cốc đang độ hoa xuyến chi vương tràn. Những nhánh hoa trắng năm, sáu cánh chúm ở giữa một nhụy vàng như làm duyên đã vươn trùm con đường nhỏ thưa dấu chân người. Cả một đồng hoang hoa trắng mênh mông nghe như một nỗi buồn chưa được gọi tên. Leo lên nửa con dốc, bên vệ đường một tảng đá ngang ngang ngực người có một dòng thư pháp đang bay: “Tận tình cốc”.

- Sao là “tận tình” hả Nguyễn?

- Suỵt, tí gặp sư thầy là biết!

Một túp lều chỉ tầm năm, sáu vuông chiếu đại, mái thấp, tưởng phải gập người mới bước qua được ngưỡng cửa. Tịnh không bóng người. Mấy chú chim sẻ đậu trên mái tôn nhảy nhót lích tích như chào mừng hai vị khách không mời. Nguyên đi vòng từ trước ra sau, tịnh cốc nhiều ẩn hương, đậm nhất hình như là hương thời gian bất tuyệt.

Theo chân Nguyễn, Nguyên rón rén bước qua bậu cửa vào bên trong túp lều. Nguyễn thắp đèn. Bức tượng Thích Ca Mâu Ni tạc vừa đúng kích cỡ một người trần đặt trên một bệ gỗ thâm thấp. Trong góc tối, chiếc giường tre thanh mảnh, chăn chiếu sắp đặt gọn gàng. Một cái bàn tre nho nhỏ nâng mấy pho kinh Phật ngay ngắn. Trên khung cửa sổ đan bằng nan tre là mấy dòng cũng theo kiểu thư pháp nhưng nguệch ngoạc hơn trên mỏm đá lúc nãy: “Đời là một cuộc chơi - đến chơi đi chơi ăn chơi ngủ chơi bệnh chơi… chết chơi…

Nguyên bật cười thú vị rồi chợt nghe lòng mình lắng xuống. Triết lý về cuộc sống nhẹ nhàng đến vậy ư? Ừ nhỉ, thế gian này là mộng mị, đến nhẹ nhàng thì ra đi càng phải nhẹ nhàng. Đã bước vào cuộc chơi thì chơi cho hết mình, hạnh phúc hay khổ đau là do tâm mình mà ra. Nghe những lời Nguyên thầm thì, lần thứ hai, Nguyễn ôm bờ vai Nguyên xiết nhẹ.

Nguyên theo Nguyễn bước ra sân. Trăng mười ba hiện ra rồi chìm khuất sau rừng mây, lúc ẩn lúc hiện, không gian lúc tỏ lúc mờ. Nguyễn hạ giọng:

- Anh vô duyên quá, đưa Nguyên đến chào sư phụ nhưng không gặp được rồi!

- Tịnh cốc không có người nhưng em thấy rất ấm áp. Cảm ơn anh đã đưa em đi từ bài thơ này đến bài thơ khác trong một độ trăng mười ba em yêu nhất trong mỗi tuần trăng!

- Cảm ơn em!

Cả hai lững thững xuống núi. Gió và trăng đang cùng bay. Tóc Nguyên cuống quýt, che mất tầm nhìn. Một hòn sỏi lăn làm Nguyên trượt chân, vô tình níu cánh tay Nguyễn. Nguyễn đan năm ngón tay vào bàn tay lạnh cóng của Nguyên. Bất chợt, Nguyễn kéo cánh tay Nguyên vào sát người anh và chồm hôn mái tóc Nguyên. Nguyên bối rối né người. Nguyễn im lặng và Nguyên cũng im lặng, từ giây phút đó.

Xuống đến tấm đá, Nguyên chậm chân lại. Ba chữ “Tận tình cốc” trong đêm trăng mười ba lấp lánh như dát bạc. Ừ, trong cuộc đời, gặp nhau, biết nhau, tận tình với nhau dù chỉ là những người bạn tốt là hữu duyên. Nguyên chợt thấy một niềm nuối tiếc mơ hồ, duyên thiên chỉ có một lần thôi, và hình như đã đi qua như dòng nước.  

- Tại sao em thích trăng mười ba, Nguyên?

- Trăng độ này không còn khuyết cũng không quá tròn đầy. Nó không còn non nhưng cũng chưa phải là già. Nó như cuộc đời, nó nhắc mình nhớ tận hưởng nhưng phải gượng nhẹ, trân trọng… Ánh sáng của nó cũng đang độ vừa phải, vạn vật dưới trăng mười ba không rờ rỡ nhưng cũng không quá mờ ảo!

- Anh đang nghe một bài thơ phải không?

- Cảm ơn anh! Làm sao bằng bài thơ bằng sắt thép lúc chiều anh cho em chiêm ngưỡng và vừa rồi là bài thơ về Đạo sống!

- Này cô bé, “Tận tình cốc” là của sư phụ, còn “Thiên Thai” thì chỉ có em đồng điệu với anh, gọi nó là bài thơ thôi đó!

- Chưa hết đâu chàng Nguyễn, bức thư pháp trên phiến đá này cũng là tác phẩm của anh phải không?  

- Đúng là không giấu em được điều gì! Phiến đá anh “nhặt” trên rừng, thuê người vần về đây và thảo tặng sư phụ ba chữ. Còn bức thư pháp trên cửa sổ là sư phụ viết đó.

- Em biết! Chữ của Nguyễn bay lượn hơn vì nó đầy hơi hướm tuổi trẻ tang bồng, chữ sư phụ nguệch ngoạc hơn trong triết mỹ đã qua một thời tham bắt để giờ đây đã nhẹ buông…

Nguyên nâng đôi bàn tay Nguyễn. Đôi bàn tay vừa đủ ấm trong buổi tối cuối đông.

- Em đoán nhé. Hai bàn tay Nguyễn có chín cái hoa tay đúng không?

- Sao Nguyên biết?

- Mỗi người không nên có đến mười cái hoa tay. Tuyệt đối vậy thì đến trời đất cũng phải ghen ghét mất thôi. Nhưng, tài hoa đến như Nguyễn thì không thể dưới con số 9!

Nguyễn nắm chặt tay Nguyên và đưa hai bàn tay đã ấm áp ấp vào má Nguyễn.

Hình như đất và trời chạp yêu. 

 

 

 

   



[1] Nhạc Văn Cao

 

Chế Diễm Trâm
Số lần đọc: 2205
Ngày đăng: 10.05.2018
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Truyện rất ngắn - Võ Công Liêm
Mưa tạnh / Vợ chồng già - Biển cát
Chiếc áo màu gạch - Bùi Thanh Xuân
Xứ tưởng - Ngô Nguyên Dũng
Con chim nhỏ trong lồng - Elena Pucillo Truong
Mùi hoa vạn thọ - Bùi Thanh Xuân
Đợi - Bùi Thanh Xuân
Con sáo biết nói - Nguyễn Đại Duẫn
Chàng lùn nể vợ - Đặng Xuân Xuyến
Đường hầm - Trương Đình Phượng
Cùng một tác giả
Tạ Ơn (truyện ngắn)
Mép Nước (truyện ngắn)
Mỏng Như Cánh Chuồn (truyện ngắn)
Bìm bìm mãi tím (truyện ngắn)
Cái cột điện (truyện ngắn)
Họ Chế (tiểu luận)
Chạp yêu (truyện ngắn)