Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.182
123.222.176
 
Chuyện ngọ xưa
Trần Trung Sáng

 

                                                                                              

   

    Buổi sáng, đang ngồi một mình ở quán cà phê đợi người quen, bỗng dưng từ bàn bên cạnh, một phụ nữ lớn tuổi, sang trọng bước đến niềm nở chào tôi: “ Chào anh, anh còn nhớ tôi không?”.  Thoáng bất ngờ trong chốc lát, rồi tôi lập tức nhớ ra: đó là bà Hoàng Ngọ, chủ một doanh ngiệp kinh doanh khách sạn khá tầm cở trong thành phố, mà tôi từng giao tiếp vài lần trong nhiều năm trước.

    Qua đôi lời thăm hỏi xã giao, bà Ngọ cho biết, hiện nay mọi công việc kinh doanh bà đã hoàn toàn giao lại cho con cái trông nom. Bà đang nghỉ ngơi và muốn thực hiện một cuốn hồi ký, ôn lại kỷ niệm một cuộc đời đang khép lại, nhằm phô tô vài chục tập tặng bạn bè và người thân. Và bà đề nghị, nếu có thể tôi dành thời gian giúp bà xem lại ý tứ, câu chữ cho văn vẻ, dễ đọc hơn một chút.

     Trên thực tế, trong tay bà đã có sẵn một tập giấy ghi chép bằng thơ bảy chữ. Đọc qua, tôi hiểu ngay, bà không sành sõi lắm về thơ ca. Tuy nhiên, nội dung cho thấy, cuộc đời bà từ thời thơ ấu đến khi thành đạt đã trải qua những hoàn cảnh khá đặc biệt, thậm chí gần như một đoạn phim xưa ly kỳ, độc đáo! Tôi thuyết phục bà hãy kể lại thật chi tiết, và tôi sẽ giúp bà ghi chép thành một tập văn xuôi, cho dễ đọc.

       Bà Ngọ đồng ý, hẹn gặp gỡ tôi mỗi tuần vài lần, kéo dài hơn một tháng nhẩn  nha …kể lại chuyện đời. Nhưng sau rốt, bà vẫn chỉ yêu cầu sửa chữa và nhận lại tập hồi ký bằng thơ mà bà sáng tác đem đến từ đầu.

    Phần còn lại, bà Ngọ nói : “cứ xem như đó là câu chuyện của anh, nếu thấy thích”.

   

 

1.    Trong gia đình tôi, tôi có lẽ  là đứa con không những có số phận may mắn nhất mà còn được cha mẹ nuông chiều, cưng yêu nhất. Thế nhưng, một điều rất kỳ lạ, là đến tận năm 12 tuổi, tôi mới thật sự biết được, tôi chính là con ruột của cha mẹ tôi, và từ đó, tôi mới chính thức trở lại ngôi nhà nơi chôn nhau cắt rốn của mình.   

Theo lời kể lại của cha tôi, ngay khi vừa mới chào đời, tôi là một đứa bé khó nuôi. Một lần, vào khoảng tôi chừng 2 tháng tuổi, tình cờ có một gia đình ăn xin (gồm 1 chồng và 2 bà vợ) ghé đến trước hiên nhà. Gia đình tôi dọn một mâm cơm ra mời họ, nhưng một trong hai người vợ chẳng thiết tha cơm nước, mà cứ tập trung chú ý nhìn tôi đang khóc thét liên miên. Thế rồi, bà ấy bước vào xin được bồng cho tôi bú. Cả nhà ai cũng bất ngờ khi tôi bú say sưa, không khóc nữa. Ngay sau đó, cha mẹ tôi bàn bạc với gia đình những người ăn xin, bán hẳn tôi về gia đình họ cho đến khi lớn khôn. Thời ấy, chuyện như vậy, vẫn thường xảy ra với các gia đình khó nuôi con. Do đó, thoắt chốc, tôi trở thành đứa con sinh sống cùng với gia đình ăn xin…      

Lần đầu tiên, trở  về ngôi nhà rộng rãi, khang trang của chính cha mẹ ruột, nghe lại sự thật về cuộc đời mình, tôi đã khóc tấm tức với một tâm trạng khó tả. Có thể đầu tiên, là nỗi quyến luyến với gia đình cũ của cha mẹ nuôi không thể nhanh chóng xóa bỏ tức thì. Tôi có cảm giác bàng hoàng như mình bị ném vụt ra khỏi vòng tay của họ. Tôi chạy ra hàng chè tàu ngoài sân muốn gào lên, nhưng cha mẹ nuôi của tôi đã đi xa. Tôi tức giận ném bỏ tất cả những món đồ chơi trẻ con như thứ hành trang quý giá trờ về gia đình cũ.   

Liên tiếp nhiều ngày, cha mẹ cũng những người thân trong gia đình chính thức của tôi không ngớt dỗ dành, tôi mới nguôi ngoai. Tôi dần dần lắng nghe, rồi nhận ra câu chuyện đời mình thật lạ lùng như cổ tích. Cái tình cảm thương yêu pha chút oán giận giờ đây lại chuyển sang cha mẹ ruột. Tôi cứ nghĩ, tại sao cha mẹ mình sống cảnh giàu có ấm êm lại nở lòng phó thác mình cho một gia đình ăn xin!    

Từ đó, tôi tập làm quen với sinh hoạt mới trong một ngôi nhà, thời ấy người ta thường gọi là  địa chủ, hoặc danh gia vọng tộc, với đông đúc người hầu kẻ hạ. Tôi cố quên và cũng không muốn ai nhắc lại, tôi đã từng được nuôi dưỡng lớn lên trong một gia đình ăn xin.  

 2. 

Không lâu sau, cha mẹ ruột tôi xin tôi vào học một ngôi trường mới, xem ra khang trang, sáng sủa hơn với ngôi trường cũ thời tôi còn sống với cha mẹ nuôi. Còn hơn thế nữa, là mỗi buổi đến trường tôi đều có người đưa đón, cõng trên vai. Dù vậy, những khi rãnh rỗi ở nhà, cha tôi vẫn không cho tôi được phép chơi không, mà bắt tôi phải tập làm quen với những công việc của nghề Đông y. Ông tập tôi từ việc dễ đến việc khó. Thỉnh thoảng ông thường nhắc: “ Rồi mai đây con phải cáng đáng công việc này. Cha nhắm trong nhà mình, chỉ con là đáng trông cậy hơn cả. Con phải chú ý những chi mà cha dạy bảo…”.  

Nhà tôi suốt ngày người ta vào ra nầm nập, nhưng dần dần tôi nhận ra: không phải đó chỉ là những người khách hàng đến liên hệ mua thuốc đông y, còn những công việc khác, mà trong đó tôi ngạc nhiên hơn cả là cha tôi bảo : “ đó là những con chiên của Chúa”. Có đôi lần, cha tôi dẫn tôi đi đến một ngôi nhà thờ, nhưng lần nào tôi cũng tìm cách thoái thác bỏ ra ngoài hoặc chạy về trước. Bởi nhìn thấy cái cảnh ngôi nhà trang nghiêm với chiếc vòm cao rộng lớn, mà ai nấy bước vào cũng phải kính cẩn thầm thì, cầu khấn, tôi thấy mình thật nhỏ nhoi và lo sợ…Những lần như vậy, về nhà cha tôi giảng giải tôi nghe rất nhiều về đức Chúa trời. Ông nói rằng: “ Có hằng trăm người lầm lạc, cha đã đưa về với Chúa, còn con là con cha mà con vẫn cứ cứng đầu”. Tôi nói, cha cứ để tự con lựa chọn, bao giờ con cảm thấy tin được thì con sẽ đến với Chúa. Cha tôi lặng lẽ bỏ đi. Nhưng ông vẫn nhẫn nại đợi chờ…  

 Vào năm tôi 15 tuổi, bất ngờ cha tôi dẫn về một đôi ngựa. Một con màu nâu vàng, một con màu trắng mà người ta thường gọi là  ngựa bạch. Cha tôi nói: “ Con đến tuổi lớn khôn rồi, hôm nay cha tặng con con ngựa bạch, vì tên con là Ngọ. Con tập cởi quen dần, đi lại đó đây cho tiện. Còn phần con ngựa kia là của cha”.   

Việc cỡi ngựa mới đầu tôi thật ngại ngần. Mỗi lần trèo lên lưng nó có người phụ giúp mà vẫn cứ run. Vậy mà chứng được năm bảy ngày thì tôi thực sự thích thú. Tôi thấy mình gắn bó với chú ngựa bạch như một người bạn. Mỗi ngày tôi cùng chú chạy quanh những con đường gần thôn làng. Rồi dần dần có lúc tôi chạy ngang qua các khu chợ, thậm chí đến cả những con đường nhựa ngoài phố Tam Kỳ…Thấy vậy, cha tôi vui lắm. Ông khen ngợi: “Rứa mới xứng là Ngọ, con gái của cha chớ!”. Thỉnh thoảng ông lại sai tôi chạy vào chợ, khi thì giao thuốc, khi thi thu tiền khách hàng.   

Một lần, từ chợ quay về, ngang qua một con đường mòn, vốn là ngã rẽ dẫn về nhà cha mẹ nuôi tôi, nơi có ngôi nhà đơn sơ tôi đã từng hạnh phúc suốt thời thơ ấu, tự nhiên, lòng tôi bồn chồn lạ lùng. Đã mấy năm nay, tôi luôn ghìm lòng cố quên đi những gương mặt chất phác hiền lành, cùng những kỷ niệm nơi gia đình cũ. Vậy mà giờ đây, đứng trước ngã rẽ này, tôi không thể nào xóa tan nỗi nhớ quay quắt. Chú ngựa bạch chừng như cũng linh cảm được tâm trạng của tôi. Nó dừng chân lẩn quẩn, hí lên những tiếng nhỏ như muốn hỏi tôi vì sao chần chừ? Thế là, tôi thúc vào hông nó, chạy thẳng vào con đường làng năm xưa…   

Khi tôi vừa dừng ngựa trước cổng nhà, chưa bao giờ  tôi nhìn thấy cha mẹ nuôi tôi bộc lộ nỗi vui mừng như thế. Cha đang ngồi trên phảng, chạy ra nhẩy hẩng lên reo hò như người ta chào đón một  đoàn quân diễu hành. Còn mẹ chừng như xúc động đển lả người, phải níu lấy tay cha, chao đảo bên ông. Tôi lao thẳng vào vòng tay cha mẹ khóc òa nức nở…Tôi thấy thương cha mẹ quá chừng. Tôi muốn xin lỗi cha mẹ ngàn lần là lâu nay đã lãng tránh không về thăm, nhưng không tài nào mở miệng nổi. Cha tôi vuốt mái tóc tôi:

  • Chi mô mà khóc con. Con về đây cha mẹ mừng hơn được vàng được bạc. Con vui vẻ lên kể chuyện cha mẹ nghe thử nờ…

 

  3.

Nói vậy, mà cả gia đình chúng tôi cứ quấn quyết bên nhau cả buổi lâu, chẳng nói chuyện chi cho ra đầu ra đuôi. Được một hồi lâu, cha bảo tôi : “Con ngồi nghỉ ngơi đi, ở lại ăn một bữa cơm với cha mẹ rồi mới về nghe”. Nói xong, ông ra sân vuốt ve chăm sóc chú ngựa bạch. Mẹ tôi vào bếp lục đục lo chuyện nồi niêu. Tôi đứng dậy, đi quanh lúc lọi những xó xỉnh đầy kỷ niệm của mình. Hồi đưa tôi trở lại gia đình cha mẹ ruột, cái thứ mà tôi thích nhất là mớ đồ chơi con nít hầu như đây được đem theo, rồi bị tôi tức giận ném bỏ ở hàng chè tàu, giờ đây nó vẫn bất ngờ còn sót lại vài cái như: bộ quang gánh, con vụ, chiếc tàu bằng thiết…Tôi nhặt lên từng cái nâng niu, như những ngày con thơ ấu được thấy nó lần đầu. Nhìn thấy tôi làm vậy, mẹ sung sướng nói: Con biết không, mẹ vẫn giữ lại vài thứ của con …lâu lâu nhìn cho đỡ nhớ!       

Bữa cơm gia đình dọn ra trên phảng như trước kia, nhưng tôi ăn ngon lành hơn bao giờ cả. Còn cha mẹ nuôi tôi thì cứ cười nói huyên thuyên, dành nhau gắp thức ăn bỏ vào chén tôi. Thoắt chốc, trời đã xế chiều. Tôi nói : “ Chừ con phải về thôi. Bữa khác con lại ghé”. Nhưng tự nhiên, tôi thấy gương mặt cha có vẻ nghiêm trọng. Ông lắp bắp : “Chờ chút! Chờ chút…”. Ông nói thì thầm điều chi đó với mẹ, rồi cả hai người lục đục quanh nhà một hồi mới quay lại ngồi với tôi. Cha nói:

  • Thiệt tình, chừ cha mẹ nói hết ruột gan cho con biết như ri nề…

  Trên tay cha là một bọc vải cũ kỹ. Trên tay mẹ là một mắc tre, vừa được chặt ra từ một cột nhà sau bếp. Chưa bao giờ tôi thấy cả hai người có dáng vẻ xúc động như vậy.

  • Cha mẹ lâu nay có một tâm nguyện, là sau khi trả con về với cha mẹ ruột, nếu con còn quay trở lại…

Mẹ khóc thút thít nói chen vào:

  • Tự vì cứ lo là con đi luôn không quay trở lại đó con…
  • Bà ni thiệt…

Cha quay sang quở mẹ, rồi nói tiếp:

  • Cha mẹ có mấy thứ dành dụm để dành cho con. Chừ con về rồi, thì cha mẹ giao luôn cho mãn nguyện.

 Đầu tiên, cha mở bọc  đưa cho tôi chiếc sừng là lạ. Cha nói: “ Đây là cái sừng tê giác. Quý lắm! Không dễ chi có đâu. Bởi sau này con làm nghề Đông y, thành thử cha giao cho con cất để dành, chữa bệnh cứu người”. Ngoài chiếc sừng, cha đưa tôi thêm hai vật bằng đá, một cái có hình con cua, một cái có hình dạng chiếc búa, mà theo cha, đó là chiếc búa trời, dùng để yểm tà, sau này có chồng con đem theo, để trong nhà rất yên ổn, may mắn.  

Tiếp đến, mẹ  mở xòa mắc tre ra giữa phảng. Tiền đâu đổ nhiều vô kể. Tiền giấy, tiền xu đủ thứ loại tiền…Mẹ nói : “ Của con đó. Lâu nay xin người ta, dư ra đồng mô là cũng để dành cho con”. Tôi hết sức bất ngờ nói:

  • Thôi, con không lấy đâu! Cha mẹ giữa lại cần chi mà tiêu chớ!
  • Cha mẹ có phần cha mẹ rồi. Đây là phần của con. Lâu nay cha mẹ đã tính hết rồi!

Cha nói dứt lời, mẹ cũng nói thêm: “ Cha mẹ  cũng chỉ cho con chừng đó thôi, không có chi nhiều hơn. Con phải cầm về để cha mẹ vui bụng”.  

Tôi ngỡ ngàng để cho cha mẹ nuôi gói ghém các thứ  ra ngõ, trèo lên ngựa. Tôi không thể nào hình dung được tình cảm cha mẹ dành cho tôi sâu đậm quá. Tôi nghĩ, giờ đây, mình hạnh phúc hơn ai hết, vì có đến hai gia đình đều hết lòng thương yêu, chăm sóc mình.   

Đêm ấy, trở về nhà cha mẹ ruột, tôi cứ trăn trở hoài không ngủ được. Lần đầu tiên tôi suy nghĩ nhiều về quá khứ ấu thơ, về tương lai phía trước. Và cũng lần đầu thực sự băn khoăn về định mệnh, về niềm tin, về đức chúa Trời.                      

 

4.

 

Sáng hôm ấy không nhằm ngày đi học. Trời lại lành lạnh, tôi muốn ngủ nướng thêm chút, để thưởng thức cái cảm giác thư thả, rảnh rang. Bất chợt, có tiếng mẹ gọi ơi ới trước cửa phòng: “ Con ơi, lo dậy, cha giao việc kìa!”. Tôi bực bội trong lòng, nhưng vẫn phải dậy lo vệ sinh, rửa mặt, rửa mày rồi lên gặp cha.   

Cha ngồi sẵn bên bàn  đưa tôi xem một chiếc sổ rồi dặn dò: 

  • Lâu nay cha thấy mừng, con biết công việc nghề thuốc cũng đã nhiều, khá rồi! Chừ thêm việc ni nữa…

Tôi nhìn vào sổ. Thì ra là danh sách những người trong chợ còn nợ nần. Tôi càu nhàu:

  • Con không làm chuyện này đâu. Họ lấy thuốc thì cha bắt họ trả tiền liền, chớ để nợ làm chi, chừ bắt con đi đòi.

 Cha nói:

  • Con nói nghe cũng phải. Nhưng chừ cha nhắc đi nhắc lại để mai đây con đừng quên: cái nghề thầy thuốc là cái nghề chủ yếu cứu người, chứ không phải cái nghề mua rẻ bán mắc, chú trọng việc làm giàu. Dĩ nhiên, đây cũng không phải chỉ làm việc thiện, cho người ta lấy không. Mà cũng tùy việc, tùy người. Ai trả liền được thì tốt, ai chưa trả được thì nợ.    

Tôi định lý sự  với cha vài câu nữa, nhưng ông nghiêm khắc đứng dậy nói:

  • Con lo cơm nước chi xong rồi đi!

Cầm quyển sổ nợ trong tay, phóng thẳng một hơi đến chợ, tìm chỗ gởi ngựa xong, tôi đi lòng vòng từ chỗ này qua chỗ khác, mặc dù không phải nơi đâu cũng thu được nợ ngay, nhưng ghé nhà nào tôi thấy người ta cũng tử tế ân cần. Họ thường khen tôi những câu:

  • Con gái thầy Ngọ nhanh lớn quá chừng! Càng lớn càng đẹp ra! Có ai đến coi mắt chưa con?

 Hoặc là:

  • Con nhỏ ni vừa đẹp lại vừa giỏi giang. Để cô mai mối cho con một người tử tế đàng hoàng hỉ!     

Bất chợt, đến chừng nửa buổi, tôi có linh cảm như mỗi lần mình bước vào nhà nào cũng luôn có ai đó thấp thoáng sau lưng. Quả nhiên, một lần cố tình làm như đang quên việc gì, tôi bât thình lình quay lui đi ngược lại, thì thấy một thanh niên có gương mặt quen thuộc đang lúng túng ngoảnh mặt bỏ đi thật nhanh!. Tôi nhớ ngay: đó là một anh thanh niên học cùng trường, khá chững chạc, có đôi mắt sâu thẳm, thường nhìn tôi đăm đăm mỗi lúc đi ngang.   

Tôi thôi không còn  để ý phía sau nữa. Vậy mà đến lúc tôi quay về nơi gởi ngựa, thì đột nhiên thấy anh thanh niên ấy bước đến gần. Lần này anh rất mạnh dạn, không còn vẻ lúng túng. Anh chào tôi:

  • Chào Ngọ. Ngọ đi công chuyện trong chợ hở?  

 Tôi gât đầu mỉm cười, chứ không trả lời. Anh ta nói tiếp:

  • Tui cũng có chút việc ở chợ. Tình cờ thấy Ngọ…Cũng chẳng mấy khi, gặp Ngọ đây, mình ghé qua quán nước bên kia nói chuyện chút được không?

 Hồi ấy, trai gái gặp nhau trò chuyện ngoài đường rất dễ bị  người ta dị nghị. Huống chi là vào quán nước. Tôi lập tức làm vẻ nghiêm nghị trả lời:

  • Tui phải về gấp. Anh thích nói chi thì cứ đến nhà.

Nói xong, tôi cắm đầu một mạch đến tháo dây cho ngựa, trèo lên yên phi thẳng. Mặc kệ anh ta còn đứng phía sau, nhìn theo hay bỏ đi…  

5.

Hằng ngày, cha tôi vẫn nhắc nhở với tôi về  đức tin Thiên Chúa khi có dịp. Mặc dù, những lần  đó bao giờ tôi cũng vờ tìm cách lãng tránh. Thế  nhưng thật ra, thỉnh thoảng tôi vẫn suy nghĩ về  những điều cha nói, nhất là những điều đó, dù muốn hay không mình vẫn phải đối mặt trong thực tế.    

Tôi nhớ có lần tôi đọc được một  đoạn trong những sách kinh thánh của cha : “ Khi còn trẻ, tất cả chúng ta đều có nhiều ước mơ, nhưng sớm hay muộn, chúng ta nhận ra rằng mình không có bao nhiêu quyền năng để đạt được chúng. Chúng ta không thể làm những điều chúng ta từ lâu ao ước, vì vậy chúng ta có xu hướng cho rằng những ước mơ của mình đã chết. Nhưng Thiên Chúa  đến và nói : “Từ chốn tử vong trổi dậy đi nào…”. Khi Thiên Chúa gởi đến thần hứng của Ngài, thì điều đó đến với chúng ta bằng một sức mạnh thần kỳ, đến nổi chúng ta có thể trổi dậy từ chốn tử vong” và làm điều tưởng như không làm được. Điều đáng lưu ý của sự khởi đầu mang tính tinh thần  đó là sự sống và sức mạnh đến sau khi chúng ta đã “trỗi dậy và bước đi”. Thiên Chúa ban cho ta sự sống khi ta vượt lên chính mình. Khi thần hứng của Thiên Chúa đến, và Ngài nói : “Hãy trỗi dậy từ chốn tử vong”, thì chúng ta phải đứng dậy. Thiên Chúa sẽ không nâng chúng ta dậy. Đức Jesus bảo người bại tay: “Anh giơ tay ra!”, Người ấy giơ tay ra, và tay bại trở lại bình thường lành mạnh như tay lành (Mathieu 12:13). Nhưng có điều là người bại tay phải thực hiện sự khởi đầu. Nếu chúng ta thực hiện bước đầu tiên là vượt lên chính mình, chúng ta sẽ nhận được thần hứng của Thiên Chúa và Ngài đã ban cho chúng ta sức mạnh của sự sống”. Tôi đâu ngờ được, chính vài lời dẫn dắt ấy tình cờ đọc được trong  thánh kinh đã đem đến cho tôi luồng ánh sáng diệu kỳ và thực sự làm thay đổi đời tôi… 

Ngay không lâu sau đó, một  đêm trong giấc ngủ, bất chợt, tôi nhìn thấy từ bầu trời trong xanh có một sợi dây thòng xuống đu đưa trước mặt. Tôi đưa tay níu hoài không được, nên cứ mãi miết chạy theo. Chợt trong không trung có tiếng nói : “Con ơi, hãy theo ta”… Từ hôm đó, tôi bảo cho cha biết tôi đã tìm thấy niềm tin và theo ông đến nhà thờ làm lễ vào đạo.  

Cha tôi dường như vui vẻ  lên hẳn. Giờ đây, ngoài công việc phụ giúp gia đình bốc thuốc, liên hệ bạn hàng trong chợ, cha tôi còn giao cho tôi những việc liên lạc với nhà thờ, những người theo đạo quanh khu vực…  

Bỗng một buổi trưa, khi vừa đi học về nhà, tôi thấy cả cha mẹ  tôi cùng ngồi trong phòng khách chuyện trò nghiêm cẩn với mấy người khách lạ mà tôi chưa thấy bao giờ. Tôi ngại ngùng, ngang qua muốn chạy thật nhanh vào nhà trong, nhưng bị cha gọi giật ngược:

  • Ngọ à, con vào trong thay đồ nhanh rồi ra đây rót nước mời khách

 Tôi nghe lời cha, nhưng vẫn thấy mất tự nhiên, bởi thấy cha mẹ tôi giới thiệu tôi với mấy người khách theo một cách xã giao khá khác thường. Đến chừng tiễn khách đi xong. Cha me  bảo tôi ngồi y lại phòng khách nghe chuyện. Cha nói:

  • Đó là cha mẹ của anh Quế, học cùng trường với con đó. Anh Quế đó chắc là con biết rồi!

 Tôi nhớ ra ngay anh thanh niên cùng trường mà tôi chỉ mới nói chuyện vài câu hôm gặp ngoài chợ. Còn chuyện cha mẹ anh ta ghé  đến nhà vừa rồi làm gì thì tôi thật ngạc nhiên!   

Cha ngồi xuống bên cạnh mẹ. Cả hai thật nghiêm trọng, gần giống như bữa hôm cha mẹ nuôi cho tôi cho tôi những kỷ vật quý giá ngày tôi trở lại. Cha đằng hắng mấy tiếng rồi nói tiếp:

  • Con bây giờ đã lớn rồi, cha mẹ nói rõ ra: cha mẹ nhà anh Quế nhờ mai mối dẫn đến, ngõ ý muốn coi mắt con cho anh ấy. Gia đình đây rất đàng hoàng tử tế. Trước khi họ đến, anh Quế cũng đến đây mấy lần bốc thuốc, cha thấy được lắm! Ý cha mẹ thấy rứa là được rồi. Còn còn thì nghĩ răng, nói nghe thử!

 Sự việc đến hoàn toàn ngoài suy nghĩ của tôi. Tôi lúng túng trả  lời:

  • Tùy ý cha mẹ. Con biết đâu!

 Không lâu sau sự việc đó, tôi và người thanh niên tên Quế được hai bên gia đình làm lễ đính hôn. Hồi ấy, tôi vẫn chưa thể xác định được suy nghĩ, cảm xúc của mình ra sao về người chồng tương lai. Tôi tin rắng, tôi đang đi trên con đường Chúa đã lựa chọn. Dù con đường ấy ra sao, tôi vẫn chẳng thể chối từ…  

 

6.

 

Gia đình tôi hầu hết mọi người đều quý mến Quế. Anh là một thanh niên cần cù, chịu khó. Hầu như  ngày nào anh cũng có mặt ở gia đình tôi, sau những giờ đi học và rảnh rỗi. Anh tham gia mọi thứ công việc trong nhà. Khi thì phụ việc bốc thuốc với cha tôi. Khi thì cùng những người làm che chắn mái nhà kho bị dốt nát. Khi thì thu dọn những đồ đạc lỉnh kỉnh, chướng mắt từ nhà trước đến nhà sau…    

Dù vậy, giữa tôi và Quế  cũng luôn có một khoảng cách nhất định, chứ không quá thân mật. Mỗi lần trò chuyện nhau, chúng tôi luôn ngồi ở phòng khách. Thường những lúc đó, Quế luôn tìm ra một cái cớ chính đáng để mở đầu câu chuyện. Chẳng hạn, trên trường có người thầy ốm đau đột xuất, tôi hoặc anh phải mất một buổi học. Hay là, mùa mưa có chặng đường ngập nước, anh dặn tôi đổi hướng đi khác. Hay là, trên phố Tam Kỳ mới vừa mở một cửa hiệu bán sách, có rất nhiều sách hay…  

Thế rồi, có một lần sau kỳ  nghỉ hè, lúc này Quế đã xuống Tam Kỳ học được một thời gian, tự nhiên anh ngồi bên tôi mặt buồn rười rượi hồi lâu mà chẳng nói gì. Tôi ngạc nhiên hỏi anh:

  • Có chuyện chi buồn hở?

 Anh lắc đầu, thở  dài:

  • Lại thi rớt!

 Tôi nói:

  • Tưởng chuyện chi. Rớt lần này, thì lần sau…có chi phải buồn!

Quế làm thinh, ấp úng. Rốt cuộc anh nói:

  • Anh xấu hổ quá Nghị à! Thôi thì tính như thế này: nếu kỳ thi đến mà lại trượt nữa thì chuyện hai đứa mình xem như hủy. Anh còn mặc mũi nào nữa…

Tôi đứng phắt dậy, giận dữ:

- Anh nói rứa mà nghe được hở? Chuyện học tài thi phận, chẳng ai mà trách. Tôi đã một lần nhận lời anh rồi, thì mai đây dù anh giàu hay nghèo, dù anh đui què hay sứt mẽ, tôi vẫn không bao giờ thay đổi.  

 Quế có vẻ bất ngờ khi thấy phản  ứng của tôi. Nhưng gương mặt anh lại bừng sáng, vui vẻ. Anh lấp la lấp liếm:

- Anh chỉ hỏi thăm ý em thôi. Anh đã tính chi đâu. Em đã nói rứa thì anh sẽ gắng thi. Lần này phải được… 

 

7.  

Theo những người lớn từng trải qua nhiều biến động thời cuộc, thì tại miền Nam giai đoạn cầm quyền của chế độ Ngô Đình Diệm thì có vẻ ổn định và thanh bình hơn cả. Ít nhất, ở làng quê của tôi, nhiều năm liền gần như chưa bao giờ xảy ra những chuyện trộm cướp, gây gỗ lộn xộn. Trong lối xóm, những đêm mùa hè ít nhà nào đóng cửa khi đi ngủ. Dù vậy, với gia đình tôi, trong sâu kín, hình như cha tôi vẫn rất có điều gì đó bất an, thận trọng…Sau này, tôi mới hiểu ra, nguyên nhân là vì hồi kháng chiến chống Pháp, cha có tham gia hoạt động cách mạng ở miền Nam. Từ lúc về lại quê nhà làm nghề thầy thuốc, lòng cha vẫn hướng về lý tưởng cũ, và âm thầm liên lạc với những người cách mạng cơ sở. Thỉnh thoảng, cha vẫn nhắc chừng tôi:

  • Mỗi khi ra đường, ra chợ, gặp đám đông tụ năm tụ ba thì kệ họ đừng có xía vô…Đừng có chọc cho mật vụ nó để ý thì phiền phức!

 Bởi vậy, giờ  đây khi vừa ra khỏi đầu ngõ chừng vài chục mét, tôi hết sức ngạc nhiên vì dồn dập có từng nhóm người chay ngược chạy xuôi như đang có một sự việc gì rất quan trọng vừa xảy ra. Tôi phân vân định quay lui về nhà, thì có một đứa bạn cùng xóm nói:

  • Mi không tới coi hở? Nhà đàng kia chồng giết vợ thả giếng…

 Tới nước đó thì tôi cũng không kìm hãm được sự tò  mò. Tôi vụt chạy theo đám đông…

Phía trước cổng nhà của một gia đình, mà hầu như mỗi thành viên trong đó tôi đều khá quen thuộc, gặp gỡ hàng  đang bị ngày người lớn trẻ con khắp nơi tụ tập về vây kín. Hình như nhân viên công lực  bố trí chặn ngang trước sân, nên không ai chen vào được. Tôi lãng vãng  đi qua đi lại nghe ngóng:

  • Cha mẹ ơi, ông chồng chi mà ác quá. Không biết ghen tuông hay chuyện chi mà ném cả vợ xuống giếng

Một người nói:

  • Ổng lở tay đánh bả chết, rồi bỏ xuống giếng trù định phi tang đó!
  • Nghe nói chuyện ni còn có bàn tay của người thứ ba…

Câu chuyện bàn tán, mỗi người một phách, càng lúc càng thêm ly kỳ. Đến tận hồi lâu, có một ông cảnh sát, súng ống gọn gàng đi xe đạp từ trụ  sở Hội đồng chạy đến thổi tuy huýt inh ỏi thì đám đông mới chịu giải tán, ai về nhà nấy.       

Mấy ngày sau khi xảy ra vụ việc, tang lễ của người vợ xấu số  diễn ra khá lặng lẽ. Người chồng không thấy  đâu. Người ta nói ông ta đã bị đưa về  Ty cảnh sát ở Tam Kỳ để điều tra. Cả  một không khí âm u nặng nề bao trùm lấy thôn xóm tôi. Con đường tôi vẫn ngang qua hàng ngày trở nên vắng vẻ lạ thường. Về đêm, lại càng mang không khí rợn rợn, tới mức trẻ con và phụ nữ mỗi lúc có việc phải ngang qua cửa ngõ gia đình ấy phải chạy vụt thật nhanh…   

Bât ngờ, một buổi sáng, cha tôi chào đón một đoàn khách gồm những lạ mặt sang trọng, oai vệ, tôi chưa thấy bao giờ. Khi vào rót nước mời khách, thoáng nghe qua câu chuyện, tôi mới biết ra, đó là nhóm người từ trên tỉnh về điều tra vụ án mạng. Trong đó, dường như có một ông ký giả, mấy ông bên ngân hàng và một người của chính quyền.    

Tôi nghĩ, đoàn khách ấy có lẽ không chỉ đến riêng nhà tôi, mà còn phải ghé qua nhiều gia đình khác nữa để dò hỏi cho công việc điều tra. Thế nhưng, thái độ của họ với cha tôi lại rất ân cần, thân mật. Đáng ngạc nhiên hơn nữa, đúng một ngày sau, ông ký giả đột nhiên một mình ghé lại nhà tôi. Vào lúc cha tôi đi vắng. Ông lân la chào hỏi, làm quen, đùa giỡn với mọi người trong nhà và mấy đứa em tôi. Một hồi, trong lúc tôi đang sắp xếp các loại dược thảo để đặt đúng vào vị trí các lọ thủy tinh, thì đột nhiên, ông bước đến trước mặt tôi, thể hiện sự tự nhiên như đã quen biết lâu lắm rồi. Ông nói:

  • Con gái lớn trong nhà giỏi giang quá hở?

 Tôi ấp úng chưa biết trả lời ra sao. Ông lại nói tiếp:

  • Anh tên là Nhân. Thường viết báo ký tên là Hương Nhân. Còn em tên là chi?

 Tôi nói nho nhỏ :

  • Dạ thưa…Em tên Ngọ…
  • Ừ, tên hay đó! Anh đã đi nhiều nơi, ghé qua nhiều làng quê, đến chừ mới gặp được một cô gái thùy mị, duyên dáng như em

 Liên tiếp, những ngày sau, dù có cha tôi ở nhà hay đi vắng, mỗi khi ghé đến ông đều tạt qua chào tôi thăm hỏi  ân cần, giống như rất quý mến. Cuối cùng, đến một ngày, ông cho hay ông đã kết thúc công việc và giã từ tất cả mọi người trong gia đình chúng tôi. Với riêng tôi, ông đặt tay lên vai, đọc tặng mấy câu thơ :

“ Thương yêu quá miền quê hương yên tĩnh

Đến một lần lòng chẳng muốn rời xa

 Tôi biết chắc mai này về phố thị

 Chẳng bao giờ quên hình ảnh Ngọ xưa ”

 và bảo rằng, bằng mọi cách rồi ông sẽ trở lại tìm tôi…    

Thực tình, trong vài ngày đầu, người đàn ông tên Nhân ấy bước đến để  lại cho tôi một ấn tượng khá chóang ngợp, cứ  y như gặp phải một cơn gió lớn mạnh mẽ. Bởi, giữa cảnh nông thôn lại đột nhiên xuất hiện một chàng ký giả tự tin, hoạt bát, cặp xách bộn bề, thì hình ảnh của ông quả nhiên tạo nên một cái gì đó khá lãng mạng hay hay…Dù vậy, khi ông đi rồi, tôi cũng quên mất, chẳng mấy khi nhớ lại những câu thơ và những lời hứa hẹn của ông. Tôi là phận gái đã có chồng. Tôi chờ đợi và tin tưởng vào con đường tương lai mà Quế, người chồng tương lai sẽ đem đến cho tôi những điều tốt đẹp.  

Thế nhưng, sự việc diễn ra không như tôi nghĩ. Những lần nghỉ học về quê ghé qua nhà tôi, nhiều lúc tôi thấy Quế có vẻ đăm chiêu, không nồng nhiệt như trước. Một vài lần đột nhiên Quế hỏi tôi: “ Anh ký giả tên Nhân nào đó có thường về đây không? Anh ta là người quen thân với gia đình mình lắm hở?”. Tôi khá bất ngờ vì Quế để ý đến việc này. Tôi nói rõ cho anh biết, ông ấy chỉ ghé qua nhà mấy lần hồi xảy ra vụ án, để tìm hiểu chi đó rồi thôi, không quay lại. Tôi không nhớ rõ và cũng không chú ý ông ấy là người như thế nào!   

Chuyện tưởng vậy đã xong, ngờ đâu, một lần khác, vừa bước vào nhà tôi, Quế gọi tôi lên phòng khách, ném xuống bàn một xấp thư, hậm hực nói:

  • Đọc đi! Cái chi đây?

 Tôi vô cùng ngạc nhiên, cầm thử một phong thư lên nhìn, nhận ra: ở  phần người nhận ghi rõ tên tôi và ở góc trái ghi tên người gởi là Nguyễn Hương Nhân. Tôi hốt hoảng ném vội lá thư xuống bàn, đứng dậy phản ứng:

  • Tôi không biết! Tôi không can dự chuyện ni…
  • Không được đâu! Cô phải ngồi xuống đây giải thích rõ ràng. Quế  giằng cánh tay tôi, kéo xuống ghế. Lần đầu tiên, tôi nhìn thấy Quế bộc lộ một thái độ mất bình tĩnh, thậm chí tới mức cộc cằn. Tôi lấy lại bình tính, nhìn sững vào đống thư nói:
  • Anh lượm cái đống thơ này ở đâu đây? Thiệt tình tôi không hề hay biết chuyện này. Nó ở đâu ra? Ai đưa cho anh?
  • Cô không cần biết nó ở đâu ra. Thơ gởi cho cô, cô phải chịu trách nhiệm
  • Thơ gởi cho tôi tại sao tôi không biết, tôi không nhận nó. Còn tại sao anh lại có nó. Nó ở đâu tự nhiên anh đem về đây kiếm chuyện với tôi.

Tôi tấm tức cải lại. Quế vẫn không nhượng bộ, tiếp tục xẳng giọng:

  • Cô không giấu diếm với tôi được đâu. Cô với người ta quan hệ ra sao? Phải có như thế nào thì người ta mới viết thơ chớ!

 Tới nước đó tôi không còn chịu đựng được. Tôi òa khóc nức nở. Mấy đứa em tôi lo lắng, tò mò chạy qua chạy lại thầm thò thậm thụt trước cửa phòng. Chừng thấy đã hả hê cơn giận phần nào, Quế bỏ mặt tôi đứng dậy nói cộc lốc:

  • Thư của cô trả lại cho cô. Chuyện tôi và cô xem như xong.

 Mấy ngày sao tôi vẫn chẳng buồn đọc để xem nội dung trong xấp thư ấy nói gì, nhưng qua tìm hiểu của mấy  đứa em, tôi biết được, suốt thời gian vừa rồi, ông Hương Nhân đã không ngừng gởi thư cho tôi theo trụ sở của cơ quan Hội đồng xã (vì lúc ấy nơi đó chưa có bưu cục và nhà cũng không có số). Tôi bứt rứt, thố lộ câu chuyện ấy với cha tôi. Cha nói:

- Rõ ràng chuyện đây không phải lỗi của con. Để thằng đó qua đây, ba quạt một trận, cho nó biết tay…  

Thế nhưng, suốt mấy tuần liền Quế  không qua. Rồi bất ngờ, một buổi sáng, có người bên gia đình Quế trịnh trọng đến gặp cha tôi xin phép nói chuyện. Không biết câu chuyện họ nói gì, nhưng sau đó cha hầm hầm nét mặt gọi tôi lên nhà trên nói:

  • Cha tưởng họ tử tế, tìm hiểu đầu đuôi thì cho nói chuyện cho họ nghe. Còn họ cứ khăng khăng nghe lời thằng đó, thì mình cũng chẳng cần. Con chẳng buồn phiền làm chi. Rứa nghe con.

Trong thoắt chốc, tôi hiểu ra sự việc. Quế  đã ghen tức đến mụ mị và hối thúc gia đình anh ta đến nhà tôi yêu cầu hủy hôn. Lúc ấy, tôi không thể xác định rõ cái tâm trạng mà tôi cảm nhận có tên gọi là nỗi buồn, hay sự tổn thương. Nhưng có điều chắc chắn, tôi muốn quên đi tất cả. Tôi đã xô khỏi cánh tay dỗ dành của cha vụt chạy vào buồng ngủ nằm lặng lẽ suốt cả ngày…  

   

8.

 

Hơn bao giờ hết, với tôi, Thiên chúa là tình yêu sâu thẳm và thiêng liêng nhất. Chỉ có Người là Đấng duy nhất hiểu rõ tôi. Mỗi ngày, ngoài những lúc bận rộn, thời gian còn lại tôi lên đến với Người nguyện cầu, để thấy lòng mình một thanh khiết hơn. Cha tôi nhận ra những diễn biến rất rõ rệt về đức tin của tôi, ông rất vui, không còn nhắc đến tên Quế và câu chuyện cũ.     

Năm ấy tôi đã bước vào tuổi 21. Sau khi em kế tôi do đau ốm qua đời, không lâu sau mẹ tôi cũng muộn phiền đột ngột vĩnh viễn ra đi. Sinh hoạt gia đình tôi không còn người vào kẻ ra nhộn nhịp như xưa. Cha bảo tôi:

  • Con bây giờ trưởng thành rồi. Phải xuống Tam Kỳ kiếm một công việc làm ăn, rồi may còn phải lập thân, chứ ở quê không được nữa đâu. Cha nói riêng con biết, tình hình sắp tới là cơ sở cách mạng họ sẽ mở rộng chiếm dần các vùng miền núi nông thôn, an ninh sẽ không còn như xưa. Cứ để cha ở lại đây, tự lo liệu.

 Tôi nói:

  • Để cha ở nhà với mấy đứa em nhỏ còn khờ quá, con chẳng yên tâm đâu. Với lại tình hình đã đến nổi chi…Bao giờ xuống Tam Kỳ thì cả nhà xuống hết luôn. Con xuống một mình con cũng sợ lắm!

 Cha tôi gắt giọng:

  • Cha nói đi là đi. Chuyện đã tính rồi. Con cứ chuẩn bị hết đâu ra đó, nay mai cha sẽ dẫn con xuống Tam Kỳ. Cha sẽ ở lại thu xếp một hai bữa gởi gắm chỗ bà con thân thiết. Con chẳng phải lo, cũng như ở nhà mình thôi.

Tính cha tôi xưa nay vẫn vậy. Công việc chi ông cũng đưa ra bàn bạc minh bạch rõ ràng, nhưng một khi ông đã quyết định thì không còn thể cải. Mấy ngày sau, tôi có mặt ở Tam Kỳ. Sau khi bàn bạc nơi ăn chốn ở kỹ lưỡng với người họ hàng, cha đưa tôi đến một cơ sở dạy đánh máy chữ giữa phố, gởi gắm ân cần, rồi ông mới trở lại quê. 

Từ đó, cuộc đời tôi thực sự lật qua một trang sách mới, với những hệ lụy, buồn vui, đắng cay, hạnh phúc… tận những ngày tháng mai sau.  

 Trong con mắt tôi, lúc này Tam Kỳ  có thể được xem là chốn phố thị  nhộn nhịp hơn bao giờ hết. Dù trước đó, tôi cũng không ít lần cùng cha đến các khu phố chợ mua sắm các vật dụng sinh hoạt cần thiết, nhất là những sắp bước vào niên học mới.   

Nói là nói vậy, chứ thực ra, hằng ngày từ nhà của người bà con, tôi vẫn đạp chiếc xe đạp chạy ngay qua một con đường tấp nập duy nhất, được xem là phố chính của Tam Kỳ là đến ngay cơ sở dạy đánh máy chữ, chứ chẳng biết nơi nào khác hơn. Ấy vậy mà cứ thấy quanh mình, chừng như cuộc sống đang diễn ra đầy bận rộn, sôi động. Nguyên nhân dễ hiểu, đó là thời điểm chế độ độc tài Ngô Đình Diệm vừa sụp đổ. Một chính quyền mới vừa đang tiếp quản, thay thế dẫn đến cả một hệ thống hành chính cần phải có nhiều văn bản, giấy tờ không thể không sửa đổi. Chính vì vậy, vừa bước vào cơ sở đánh máy chữ, chỉ mới làm quen sơ khởi với vài thao tác cơ bản, là người hướng dẫn đã giao cho tôi một mớ hồ sơ để vừa học vừa làm luôn thể. Rốt cuộc, chưa đầy vài tuần, tôi không hiểu mình đã thành thục công việc từ lúc nào. Cả ngày, từ sáng đến chiều mịt, tôi làm việc liên miên y hệt như một thư ký chính của cơ sở…     

Được chừng vài tháng, trong số những khách hàng thường lui tới, tôi dần dần quen biết khá nhiều người. Họ phần đông là những viên chức nhà nước hoặc là các quân nhân. Một số người có khi ghé đến ở lại từ sáng đến chiều, đợi tôi làm xong những giấy tờ họ đem đến rồi lấy về luôn. Nhưng cũng người chẳng nhằm mục đích gì, cũng vẫn ghé lại ngồi tán gẫu, và sẵn sàng phụ giúp bất cứ công việc gì tôi nhờ vả. Tôi thường nghĩ, nhất là đối với những người mặc đồ lính, họ thật tử tế tốt bụng, nhưng chỉ một ngày nào đó, có lệnh cấp trên thuyên chuyển hành quân là họ có thể vĩnh viễn không bao giờ trở lại…Cho nên tôi luôn thể hiện sự vui vẻ, niềm nở với mọi người ai cũng như ai.  

Suy nghĩ  là vậy, thế nhưng trong số đông ấy, tôi cũng không thể không chú ý đến một người có những cử chỉ khác biệt. Anh ấy là một anh lính bình thường, chẳng phải sĩ quan gì ghê gớm. Anh nói giọng Bắc, có dáng cao gầy, nhưng cũng không đẹp trai lắm. Đầu tiên thì cũng như mọi người, thỉnh thoảng anh đến nhờ tôi đánh máy một vài tài liệu của đơn vị. Về sau, thì ít thấy anh có công việc gì, nhưng anh vẫn ghé chơi rât kiên trì. Hầu như ngày nào anh cũng ghé. Có khi anh ở lại nghỉ trưa tự mình móc chiếc võng đu đưa. Có khi anh ghé lại buổi chiều, đợi giờ tôi về, tiễn theo đến tận nhà. Đến mức tôi thấy ai ngại nói với anh:

  • Anh đừng đi theo tôi ngại quá. Anh cứ ghé đến chơi như mọi anh em khác, không khéo họ nghĩ tôi này nọ…
  • Ai nghĩ gì thì kệ họ. Ai muốn theo em thì họ phải thi với tôi

 

      Một tình huống khá bất ngờ đã xảy ra với tôi tại Tam Kỳ, là trong những lần ghé vào một quán cơm bình dân để ăn trưa gần nơi làm việc, người lính gốc Bắc đeo đuổi tôi thường xuyên có mặt, bất ngờ lại có ký giả Nguyễn Hương Nhân – lúc này làm việc cho một Ngân hàng tại đây. Gặp tôi, anh ta không ngớt huyên thuyên nhắc lại những lá thư mà anh đã gởi đến cho cơ quan Hội đồng xã ngày ấy. Tôi trả lời cho anh ta biết, tôi tuyệt nhiên không đọc được một chữ nào trong những lá thư ấy. Bởi vì nó chẳng hề đến tay người cần gởi. Hơn nữa, nó cũng đem đến cho tôi những khúc mắc ở một đoạn đời thiếu nữ. Từ đó, Hương Nhân không còn nói năng xởi lởi nữa. Xem chừng, anh ta linh cảm nhận ra sự có mặt của một người đàn ông kề cận, có thái độ chân thành và chín chắn.

      Trở lại câu chuyện riêng tư của anh lính Bắc. Mọi việc cứ tương tự như thế, tiếp tục kéo dài. Tôi thấy cũng vui vui, bởi anh không thể hiện điều gì quá trớn. Bât ngờ, một lần anh mặc đồ thường phục thật tươm tất, cũng đến chơi nơi làm việc, đợi giờ tiễn tôi ra về, nhưng lần này tôi vừa ra tới cửa thì anh dừng lại:

  • Em có thể nán lại một chút, cho anh nói việc này không?

 Tôi đùa cợt:

  • Thì vừa đi vừa nói. Anh mới thăng cấp hay trúng số mà làm vẻ quan trọng rứa?

Dù vậy, tôi vẫn quay vào, lắng nghe chuyện của anh. Anh cầm tay tôi, nói ngay:

  • Ngọ à, anh chịu hết nổi rồi. Anh muốn xin hỏi cưới em. Nếu em không chê thì hãy cho anh được phép về thưa cùng gia đình em.

Tôi hốt hoảng phản đối:

- Không được đâu anh. Chuyện đâu đơn giản vậy. Cha tôi mà nghe được chuyện này là chửi chết!

Anh vẫn không hề nao núng:

  • Em cứ đưa anh về nhà đi. Cha em chửi anh nghe cho. Anh cam đoan anh sẽ thuyết phục được
  • Anh không hiểu đâu. Em có cảnh ngộ riêng. Anh đừng đeo đuổi mà thất vọng chừ!
  • Anh không tin. Cảnh ngộ em có éo le thế nào, anh cũng không nản chí đâu…

 Nhì nhằng một hồi, tôi vẫn không biết giải thích thế nào cho anh hiểu. Thực ra, tôi không thể phủ nhận, trong thời gian qua, anh đã chiếm được tình cảm tôi một cách đặc biệt. Nhưng sự ngõ lời của anh đến ngay lúc này, thì tôi hoàn toàn chưa chuẩn bị kịp. Hơn thế nữa, tôi đã từng đổ vỡ một lần, giờ đây đề cập chuyện này với cha, liệu ông sẽ có thái độ ra sao? Tôi lại nghiêm giọng một lần nữa nói với anh:

  • Không được là không được anh ạ. Anh vẫn cứ ghé đến chơi như lâu nay, nhưng đừng bao giờ bàn đến chuyện đó nữa nghe.

Anh đứng dậy, bỏ hai tay vào túi quần. Chưa bao giờ tôi thấy anh nhìn tôi bằng đôi mắt buồn như vậy. Anh nói không ra lời:

  • Thôi, anh về…

Tôi ngồi lặng thinh, không nhìn theo. Thế nhưng, khi anh đạp xe rồ ga định chạy, tôi như bị một sức hút không cưỡng được, ngồi bật dậy, chạy ra cửa, gọi anh:

  • Khoan đã, anh chờ chút

Tôi đến cầm chặt cánh tay anh nói:

  • Nếu anh chờ được tôi trong vòng tuần lễ thì hãy qua lại đây, bàn tiếp chuyện này

 Mấy ngày sau, tôi về  quê gặp cha, kể đầu đuôi câu chuyện. Thật bất ngờ, cha tôi chẳng ưu tư hay giận dữ. Ông nở nụ cười nhân hậu hơn bao giờ cả:

  • Nếu có được người thương con, mà con chấp nhận thì cha rất mừng. Bởi lần trước, hôn nhân của con do cha mẹ áp đặt, dẫn đến việc dỡ dang, cha rất ân hận. Chừ đây, nếu thực sự Chúa trời soi xét, đưa đẩy con gặp người vừa ý, thì cuộc hôn nhân lần này, do con tự quyết định, cha ủng hộ hoàn toàn.

 Trở lại Tam Kỳ, vừa nghe tôi báo tin, lập tức anh lập tức dò hỏi nghi thức cưới xin truyền thống của người xứ Quảng, rồi cho người mai mối về quê tôi tiến hành lễ hỏi. Vốn là người lính thời chiến, lại dân Bắc di cư, chẳng nhiều họ hàng, nên tiếp theo đó, đám cưới của chúng tôi diễn ra nhanh chóng, đơn sơ. Năm ấy tôi vừa tròn  24 tuổi.  

 

9.

 

Thời điểm này, sau giai đoạn Ngô đình Diệm bị hạ bệ, các phe phái quân đội liên tiếp tranh giành quyền lực. Cứ vài ba tháng lại nghe diễn ra một cuộc đảo chính, khiến mọi sinh hoạt xã hội mất ổn định, đời sống kinh tế càng thêm bấp bênh. Lúc này, vợ chồng tôi đã bắt đầu có đứa con đầu lòng. Đồng lương quân nhân thì ở mức độ đủ sống, còn tôi thì không thể tiếp tục công việc đánh máy chữ như thời con gái. Giữa cái thị trấn Tam Kỳ nhỏ nhoi, phải biết tìm ra công việc chi thuận lợi để vươn lên với người ta?    

Trăn trở mãi, rồi ngay khi đứa con mới sinh vừa cứng cáp trưởng thành, tôi lập tức gom góp hết mọi vốn liếng mau một chiếc xe đò, thuê tài xế chở khách. Chồng tôi thật bất ngờ bàn vào, bàn ra. Nhưng sự thành công đến với chúng tôi khá nhanh. Thoắt chốc trong chừng vài tháng, tôi để kịp thu hồi lại vốn. Rồi tích lũy thêm một gian nữa, tôi chạy đủ tiền để mua một ngôi nhà giữa phố Tam Kỳ. Quả thật nếu không có bàn tay của Chúa nâng đỡ, chắc tôi không thể làm nổi một điều kỳ diệu như vậy! Bởi, ngôi nhà tôi lựa chọn ở ngay gần rạp xi nê Hòa Bình, chung quanh là các khu nhà công sở, bề thế, sang trọng. Hôm đầu tiên chúng tôi dọn về nhà mới, nhiều người quen biết, ai nấy cũng hết sức ngạc nhiên, khi nhìn thấy đôi vợ chồng trẻ, chẳng phải chức phận quan quyền chi lại xen ngang vào được khu nhà này.    

Như vậy, chỉ tròng vòng hơn 5 năm rời khỏi gia đình ở làng quê, tôi đã trở thành một phụ nữ trưởng thành, trước khi trải qua biết bao xáo trộn kỳ lạ. Còn nhớ, hồi vừa lập gia đình chẳng bao lâu, tôi lại phải bươn bả chạy về quê lo cho cha mình tục huyền với người mới. Lúc đó, cha tôi cũng ái ngại lắm. Ông nói:

  • Coi có được không con? Chuyện ni mà chướng quá thì thôi trớt, bày vẻ ra làm chi cho người ta dị nghị

Tôi nói:

  • Mẹ con qua đời cũng đã lâu. Tụi con cũng trưởng thành hết rồi. Chừ kiếm được người sớm hôm bên cha lo cơm nước, lo khi ốm đau thì thật là ơn Chúa. Được như rứa tụi con cũng đỡ lo.

 Một đám tiệc tác hợp giữa cha tôi và người dì kế diễn ra nhanh chóng và đơn giản. Nhưng thật tình, từ đó tôi thấy yên lòng, khi nhìn thấy  ông sống vui tươi, lạc quan hơn trước. Còn phần cha mẹ nuôi tôi, dù một năm tôi chỉ gặp vài ba lần, những tin tức về tôi họ vẫn luôn quan tâm theo dõi. Cha nuôi tôi dặn: “ Chỉ cần con khỏe mạnh, làm ăn thành đạt là cha mẹ mừng. Bao giờ về quê thì tạt qua đây một tí là quý rồi. Cha mẹ chẳng khó khăn chi đâu mà lo…”.   

Thế nhưng, thu xếp  được việc ở quê, thì chính chuyện nhà  của mình không phải bao giờ cũng yên ổn. Bởi càng lúc tôi càng lao vào công việc kinh doanh, thì tâm trạng của chồng tôi càng thêm lo lắng. Anh vốn là một người bản tính nề nếp, khuôn khổ, nên mỗi lúc nhìn thấy tôi xúc tiến một kế hoạch làm ăn mới thì anh xem như một cuộc phiêu lưu, mạo hiểm. Có lần, khi nghe tôi bàn việc khởi công làm lại ngôi nhà mới cho khang trang, thì anh lập tức bàn vào bàn ra, thậm chí cáu kỉnh. Tôi phải dùng mọi lời lẽ thuyết phục:

  • Anh chỉ cần biết công việc là vậy. Còn mọi thứ cứ để em lo. Mọi thứ em làm đều thành công. Em tin vào sự che chở của Chúa.

 Không cản trở được tôi, anh chẳng nói chẳng rằng. Đêm đầu tiên, anh bỏ vào phòng riêng ôm gối nằm một mình. Kéo dài suốt một tháng trời sau đó, gặp tôi anh không chào, không hỏi, cứ y như người xa lạ…  

Lần xung đột đó, tôi  đã tự cạo trọc đầu mình. Tận cho đến khi tóc tôi dại lại, thì chuyện vợ chồng mới được hòa giải, tiếng cười nói rộn rả mới trở lại ngôi nhà. Nhưng trên thực tế, dấu vết đó đã ấn khá sâu vào lòng tôi như một vết thương khó lành, mà những năm tháng về sau, tôi nhận ra đôi khi nó bộc vỡ ra một cách đớn đau.   

 

10.       

 

Chiến tranh có lẽ đang đến hồi bước vào giai đoạn gay gắt nhất. Lúc này, nhiều khi chồng tôi có  những chuyến công tác cùng đơn vị ra mặt trận hàng tháng mới về. Đêm đêm, nằm ôm con dại trong tay, nghe tiếng súng ì ầm vọng về thị trấn mỗi lúc một gần, tôi thật lo lắng. Đôi khi tôi nghĩ dại dột, nếu anh ấy có việc gì…Về quê thì chắc chắn không được. Bởi chỉ cần ra khỏi ngoại vi Tam Kỳ một chút, thì tình hình bất ổn. Thôi chi bằng mình bán tháo bán đổ mọi thứ, thu xếp ra Đà Nẵng có phải hơn không? Bởi nơi đây vẫn được xem là một trong những đô thị lớn nhất miền Nam, dễ chi Mỹ thả tay lơi lỏng.

    Cứ phải sống nơi này, để còn tính đường tương lai cho con cái.    

***

   

   Đà Nẵng vào những ngày cuối tháng 03/1975 thật là hỗn độn, rối loạn . Quân đội và  dân chúng từ các Quảng Trị , Thừa Thiên , thành phố Huế đổ xô về , làm cho cái thành phố đã đông dân này càng thêm nháo nhào. Những người quan tâm thời sự nói rằng, tin từ các Đài Phát Thanh trong và ngoài nước thật là lộn xộn , không giống nhau ... Thâm chí có môt số tin tức phổ biến là Huế có lệnh rút bỏ mặc dầu chưa đánh nhau chi cả . Sao lạ quá như vậy ? Chồng tôi gọi điện thoại , hỏi mấy thăm mấy ông bạn thân là Đơn Vị Trưởng trong vùng thì họ cũng trong tình trạng như chúng tôi , không rõ đầu đuôi , tình hình ra sao hết.

Chiều ngày 28/3 , chồng tôi về nhà thở  dài nói: “khỏi trực gác chi nữa! Cấp trên bảo anh em tùy nghi giải tán, về lo thu xếp , bảo vệ gia đình” …    Đêm đó có lẽ là một đêm dài vô tận với người dân Đà Nẵng, nhất là
với những gia đình quân nhân chế độ Sài Gòn như gia đình tôi. Nhìn đám
con nằm ngủ say sưa an bình, cả hai vợ chồng tôi càng không dám chợp
mắt. Bởi tôi cứ lo rằng, nếu chỉ cần mình vô tình chợp mắt trong giây
lát thì sẽ không biết điều gì sẽ xảy ra cho các con... Nhưng cuối cùng đêm dài ấy cũng qua đi vô sự, khác với sự tưởng tượng của mọi người. Tờ mờ sáng, nhìn qua khe cửa,ngoài đường phố đã có nhiều
bóng người qua lại lao xao. Chồng tôi quan sát một hồi rồi nói:
    - Có rất nhiều tù nhân đang thoát ra ngoài. Có lẽ trại tù đã bỏ
không hoặc đã bị phá cổng... Chắc nội trong hôm nay là quân giải phóng
vào thôi!

   Xung quanh lối xóm, hầu hết mọi người đều mở cổng he hé, bắt ghế
ngồi nhìn ra đường bàn tán. Các con tôi cũng chạy vào chạy ra, tỏ vẻ
thích thú, bởi chưa bao giờ chứng kiến những ngày rảnh rỗi, chẳng học
hành, tha hồ chạy nhảy...Tôi nhớ lại mới sáng qua, trên đường phố vẫn còn rất nhiều lính tráng, mang súng đạn qua lại lang thang. Thậm chí có cả một đoàn tuần
tra gồm một Command Car và 2 xe GMC chở theo quân cảnh châm chạm băng qua mọi ngã đường, chấn chỉnh trật tự. Thế nhưng, giờ đây, hình như
không còn bộ máy chính quyền nào điều hành nữa. Người dân mọi nơi rủ nhau đến các kho gạo phá cửa khuân gạo về nhà. Ở một số cửa hiệu buôn bán lớn, nhất là những nơi chủ nhân đã bỏ đi cũng diễn ra tình trạng hôi của vô cùng lộn xộn.

Đến chừng sau 11 giờ trưa 29-3, khi mà nỗi lo lắng của mọi người dân
đã đến đỉnh tột cùng, thì bất ngờ một người thanh niên chạy xe gắn máy
la to:

   - Bà con ơi, quân giải phóng đang vào đó. Họ đến ngã ba Huế rồi!
   Một hồi sau, cùng những đoàn xe dân sự, kể cả xe jep của quân đôi
Sài Gòn cắm cờ Phật giáo, những đoàn xe bộ đội kéo thành hàng dài từ
từ ngang qua đường phố trong tiếng chào đón reo hò của đông đảo dân
chúng hiếu kỳ, tụ tập dọc hai ven đường ...

       Một buổi sáng, bước ra khỏi cửa vài bước, bất ngờ tôi gặp Tình –  một người bạn thân quen hồi còn ở quê. Chúng tôi kéo nhau vào nhà, Tình sốt sắng hỏi tôi:

  • Không chạy hở? Rứa làm ăn ra răng?

 Tôi thở dài nói:

  • Mình con nhà dân, chớ phải quan tướng chi đâu mà chạy. Chỉ có điều vất vả quá chứng, không biết mai này nuôi con cái bằng cách chi!

Chuyện cứ nửa đùa thật, đến chứng chị em tỉ tê hồi lâu, Tình mới hiểu ra, gia đình tôi đang rơi vào cảnh khó khăn. Tình sốt sắng nói:

  • Thôi thì đi đổi bác Bắc với tôi. Hơi vất vả một chút, nhưng cũng kiếm được đồng vào đồng ra.

 Tôi rụt rè hỏi:   

- Việc này có khó  khăn lắm không? Nhà nước cách mạng có bắt bí  chi không?  

- Ngày mai cứ theo tôi, rồi tự nhiên biết….

 Cùng theo Tình, mỗi ngày chúng tôi đi khắp mọi ngã phố, nhất là  chợ Hàn, chợ Cồn… những nơi mà các anh bộ đội đang có nhu cầu mua sắm quà cáp  để trở về thăm gia đình ở miền Bắc. Được vài tuần, tôi cảm thấy quen dần công việc, có thể  bươn chải một mình. Để đỡ vất vả, tôi mua chiếc xe đạp cũ, nên nhiều ngày tôi còn đạp xe từ chợ Cồn chạy qua tận Mỹ Khê, khi biết tin nơi đó đang cần.    

Tuy nhiên, thỉnh thoảng, mỗi lần ngớt việc, tôi lại cứ băn khoăn: công việc đổi tiền này sẽ kéo dài được bao lâu? Có lẽ đến một lúc nào đó, tình hình ổn định, nhà nước sẽ tiến đến việc thống nhất đồng tiền, thì mình sẽ làm ăn bằng cách chi đây?    

Thế  là tôi cùng mấy chị em quen thân bàn nhau xoay sang buôn hàng chuyến mà dân làm ăn lúc này nhiều người cũng chuộng kiếm sống theo cách này. Đại khái  cứ mỗi chuyến xe Đà Nẵng – Sài Gòn, kiếm một loại hàng gọn nhẹ đường, sửa gì đó theo nhu cầu trong đó đang cần, chuyến xe ngược lại cũng đem về một loại hàng miền Trung đang cần. Cứ như thế, nếu gặp may mắn, mỗi tháng làm vài chuyến thì vẫn khá hơn công việc đổi bạc Bắc. Tôi đem chuyện này bàn với Tình:

  • Tôi định thử một chuyến Sài Gòn chị nghĩ sao?

 Tình hỏi:

  • Trong đó Ngọ có bà con họ hàng không?
  • Cũng có vài người bà con gần

Tình dẫn giải cụ thể:

  • Cái cần là có người quen thân, họ giúp mình tham khảo để  biết bỏ mặt hàng gì, mua mặt hàng gì tận gốc. Có như vậy mới lời nhiều.
  • Phải đi thôi. Phải làm thử một chuyến mới biết đầu với biết đuôi
  • Ừ, nếu có điều kiện Nghị làm trước đi. Thành công, chuyến sau rủ tôi đi với
  • Cứ phải tin tưởng thành công chớ! Tôi thu xếp việc gia đình rồi nay mai đi thôi

Sài Gòn giờ  đây được gọi là thành phố Hồ Chí  Minh. Những người trong Nam gọi một cách vắn tắt là  “thành phố”. Dù gọi kiểu gì đi nữa, thì  với tôi, sức hấp dẫn của nó thì vẫn không hề sút giảm. Ngay khi xe vừa chạy vào ngõ Xuân Lộc, nghe tiếng những đứa trẻ bán hàng rong chào mời ơi ơi, tôi đã thấy lòng mình nôn nao, muốn bước vào thành phố thật nhanh.    

 Đúng là cái khó  bó cái khôn. Tôi nhận ra những người dân tiểu thương ở Sài Gòn họ xoay xở, đối phó với tình thế rât tài tình. Nghĩa là giờ đây, với họ, việc làm ăn không cần phô trương, vốn nhỏ mà lời nhiều. Tôi cứ nghe theo họ mà làm. Chuyến đầu kiếm được chút đỉnh, tôi lại tiếp tục chồng vốn lên, đi chuyến sau. Chỉ trong vòng mấy tháng, kết quả đến với tôi rõ rệt.

 

11.

     Trong một chuyến buôn, khá có tính quyết định, trong tôi cùng một chị bạn phải gởi vàng cho người tài xế quen thuộc. Phần tôi, có đến 60 cây vàng. Thế nhưng, trong lần ấy chuyến xe kia không hề dừng lại nơi điểm hẹn nơi cửa ngõ thành phố (ngã ba Hòa Cầm). Chờ đợi mãi, vẫn chẳng có một tăm hơi. Tôi hiểu là mình đã trắng tay. Chị bạn dỗ dành:   

- Không sao đâu. Thằng tài đó vướng mắc chuyện chi đó, chạy luôn. Chắc chuyến sau nó sẽ ghé lại. Tôi bảo đảm sẽ đòi được. Nếu không được tôi sẽ chịu trách nhiệm trả lại cho chị. 

 Đành chịu vậy, chứ biết làm sao! Bởi vì, thực ra chị bạn cũng là một người tôi rất tin cậy. Lâu nay làm ăn chung với nhau, tính chị  rất sòng phẳng. Vốn nhà ở gần biển, thỉnh thoảng mỗi lần ghé lên tôi chơi, chị lại tặng khi mực, khi cá…Tôi nghe lời chị. Một ngày, hai ngày…, rồi tuần này qua tuần khác…, cũng chẳng có tin. Đang lúc phiền không biết than thở cùng ai, gặp dịp em gái tôi từ quê ra chơi, tôi bộc bạch kể lại cho em nghe câu chuyện. Em gái tôi bừng bừng tức giận: 

- Chị dẫn em đến nhà bà  ấy đi. Em đòi cho. Bà ấy mà không trả  em phá nhà bà ấy ra, chứ không phải  để bà ấy yên đâu!    

Hai chị em tôi dẫn nhau đến nhà người bạn. Một cảnh tượng thật bất ngờ: trong căn nhà nhỏ hẹp âm u, một đám trẻ con  5, 6 đứa nheo nhóc, xanh xao, nằm ngồi la liệt…Tôi hỏi:

  • Mẹ đâu? Các con làm chi mà ngó tệ hại như ri?

  Đứa lớn nhất trả lời:

  • Mẹ đi qua nhà hàng xóm rồi mấy dì. Mẹ đi mượn gạo, cả tuần này tụi em con ăn uống không đủ nên đau ốm liên miên…

 Tôi và đứa em không ghìm được xúc động, kéo nhau ra đầu đường, còn được bao nhiêu tiền bảo nhau mau hết bánh trái đem vào cho lũ nhỏ. Khi quay lại nhà, cũng vừa lúc chị bạn tôi từ ngoài bước về, chị cầm tay tôi òa nước mắt khẩn cầu:               

- Tôi không biết nói sao với chị Nghị bây giờ. Chắc là tôi chẳng thể nào trả lại được món tiền kia như tôi đã hứa. Tình cảnh gia đình tôi càng lúc càng tệ hại quá. Lâu nay tôi trốn không dám ghé lên chị   

Hai chị em tôi nhìn nhau thở dài, chẳng đành lòng nào oán trách chị  bạn. Tôi nói:       

- Chị đã khó khắn như ri, vậy mà lâu nay đến tôi cứ quà cáp làm chi. Thôi chị cứ tập trung lo cho các cháu đi.    

Chị bạn mừng rỡ, rối rít cảm ơn tôi, rồi lại hứa hẹn:      

- Tôi thề với chị, đời tôi không trả nợ được chị, thì tôi sẽ dặn lại đám con tôi ghi nhớ. Cả bầy chúng nó chắc rồi phải có đứa làm ăn nên nổi, rồi nó phải trả cho chị.    

Vài năm sau đó, gia đình chị bạn tôi xuất cảnh đi Mỹ. Có điều suốt từ thời gian đó đến nay, tôi vẫn chưa một lần nào nghe một tin tức hoặc những đứa con. Tôi chỉ cầu mong Chúa ban phước lành cho gia đình bình yên và may mắn, chứ không hy vọng chi về món nợ xa xưa…

 

12.

 

     Đúng chừng 10 ngày, sau khi xảy ra chuyển mất mát xui xẻo, một buổi chiều, bước về nhà, vừa bước vào cửa tôi đã nghe nhiều tiếng cười nói reo vui. Thật sự đó lại là một ngày rất quan trọng đến với gia đình tôi từ trước đến nay: mẹ chồng cùng gia đình em chồng tôi, cả thấy gồm 14 người, sau mấy chục năm đất nước chia cắt, lần đầu tiên vào Nam thăm con cháu. Dù đã được báo tin trước, nhưng tôi vẫn không kìm được xúc động, chạy đến bên bà sững sờ:

  • Mẹ, mẹ đấy sao?

Bà cũng rưng rưng nước mắt, ôm lấy tôi không nói thành lời. Thật không hình dung được, nếu đất nước không thống nhất, làm sao gia đình chúng tôi có giây phút hôm nay. Và trong suốt thời gian qua, bà đã sống ra sao, khi không hề biết tin tức một trong những đứa con trai thân yêu lưu lạc nơi đâu.    

Còn nhớ, sau thời gian ngày đầu thông nhất đất nước, nhìn thấy nhiều gia đình xung quanh người Nam kẻ Bắc sum vầy đoàn tụ, tôi cứ thường băn khoăn hỏi với chồng:

  • Quê mình ngoài đó ra sao? Anh thử về một chuyến hoặc tìm cách liên lạc thăm hỏi gia đình bà con họ hàng còn ai không?

Chồng tôi gạt ngang:

  • Thôi đừng băn khoăn chi nữa. Chắc chẳng còn ai đâu!

Tôi nói:

  • Phải tìm cho đến nơi đến chốn. Anh coi con cái mình lớn lên cứ hỏi, sao chỉ thấy họ hàng bên ngoại, cậu, dì…mà không thấy cô, chú, ông nội bà nội, giống như người ta, biết trả lời làm sao? Vậy anh cứ nói tên làng xã, thôn xóm ngoài đó… tôi cứ gởi thư ra hỏi thăm, biết chừng đâu…

   Vậy là  tôi mày mò viết một lá thư, nêu rõ về  trường hợp chồng tôi: Nguyễn văn Kép, hồi niên thiếu một mình vào Nam. Khi đi vẫn gia đình còn lại những ai, đặc điểm nhà cửa, thôn xóm…Thật bất ngờ, không lâu sau khi thư gởi đi chừng một tháng, gia đình chúng tôi, nhận được thư phản hồi báo tin: gia đình của anh Kép vẫn còn mẹ già và em trai tên Hảo (người anh lớn đã mất trong chiến tranh). Tiếp đến, mấy tháng nữa, nhân dịp nhận một hợp đồng công việc điện lạnh của HTX Đằng Giang cho một đơn vị gần với ngoài quê, chồng tôi cùng nhóm thợ rủ nhau ghé tìm nhà cũ. Chồng tôi kể lại, lần đó, sau mấy mươi năm lưu lạc xa quê, trở lại anh vẫn bồi hồi tìm được lối đi cũ. Anh lần mò thăm hỏi từng người. Cuối cùng, gặp được một cụ già ngôi trước sân đang bắt sâu gạo, anh hỏi:

  • Cụ ơi cho cháu hỏi trong xóm này có nhà của ông Hảo không?
  • Có đấy!

Cụ già đưa tay chỉ vào cửa nhà ngày sau lưng. Chồng tôi hỏi tiếp:

  • Cụ cũng ở đây sao? Cụ với ông Hảo là thế nào?

Cụ già bảo:

  • Tôi ở nhà này. Tôi là mẹ thẳng Hảo.

Thế là chồng ôm chầm lấy bà, nức nở  khóc. Hai mẹ con bắt đầu nhận ra nhau…     

 Những ngày hôm ấy, tôi tạm gác việc làm ăn, đưa mẹ chồng đi chợ búa, may mặc cho bà vài bộ đồ mới, thăm viếng nơi này, nơi kia… Trong con mắt bà (cũng như nhiều anh bộ đội miền Bắc tôi thường gặp), miền Nam thật nhộn nhịp, vui tươi, chứ không phải là một miền đất điêu tàn, khốn khó như bà hình dung trong thời chiến tranh. Bà kể, hồi ngoài làng nhận được lá thư, cả làng đã chuyền nhau đọc, người ta không biết Nguyễn văn Kép là người nào, bởi trước đó, ở gia đình cứ đinh ninh là Kép – con trai của bà đã chết từ lâu, ngay sau khi vào Nam.

Bà lo lắng nói với tôi:

  • Sau này mọi thứ sẽ vô quốc doanh hết, chứ người ta không để làm ăn kiểu như thế này đâu!

 Tôi nói:

  • Mẹ đừng lo! Người ta sống được là mình sống được mà! Hơn nữa, con nghe nói do đặc điểm của nền kinh tế miền Nam, ở đây người ta sẽ cho phát triển theo hướng cởi mở hơn

Bà tặc lưỡi:

  • Chả biết đâu vào đâu. Mẹ vào đây thấy các con nhà cửa, đời sống như thế này là quý hóa lắm! Chỉ sợ mai đây, mấy đứa nhỏ sống theo kiểu cũ quen rồi, lớn lên thấy khó khăn…

 Được một vài tuần, mẹ chồng tôi đã quen thuộc với không khí  gia đình, tôi lại phải tất tả quay về công việc làm ăn. Tôi tự nhủ mình, phải cố gắng nhiều hơn nữa, bởi giờ đây có mẹ chồng, và cả anh em đám cháu từ miền Bắc vào. mỗi bữa phải tươm tất đàng hoàng hơn một chút, để mọi người vui, đừng để ai biết mình lo toan vất vả. May đâu lần này, lại gặp một người bạn chủ hãng xe Tân Việt, thỉnh thoảng tôi vẫn thường gặp trong các chuyến buôn trước kia. Chị hỏi:

  • Đi Sài Gòn chưa? Lần này đi chơi với tôi một chuyến đi!

Tôi nói:

  • Tôi không đi nữa. Mất hết, thủng túi rồi chắng còn đồng nào nữa mà đi đâu!
  • Thiệt không? Cứ đi đi, không có tiền tui bao hết cho

      Sợ chị nửa thật nửa  đùa, tôi phải tâm sự cho chị sự việc bị  người ta lừa. Cuối cùng chị đồng ý giúp tôi tròn venh chuyến đi, để vào xoay xở chuyện làm ăn mới. Tôi cũng nhớ lại, trước khi lên xe, tôi có nói với mẹ chồng: “ để làm ăn thành công con sẽ đưa mẹ vào Nam chơi một chuyến”. Hình ảnh của bà tiễn tôi ra cửa làm tôi mũi lòng. Tôi khấn cầu Thiên chúa hãy độ trì, cho tôi chuyến đi này sẽ bước sang một khúc ngoặt mới, nên nổi, để tôi báo hiếu với mẹ chồng. Tôi nghĩ, tôi sẽ không tiếc gì với bà, bởi mấy chục năm qua bà đã chịu nhiều thiệt thòi, cách xa con cháu…   

 

 

13.

    Sau những năm tháng bôn ba, vất vả, rồi cuối cùng số phận cũng mỉm cười với tôi. Tôi nghiệm ra, chừng như mỗi lần tôi gặp nợ nần, khó khăn, trắc trở là cứ y như có có bàn tay của Chúa dang ra che chở. Do vậy, những ước vọng của tôi trên con đường sự nghiệp cứ từng bước mà thành tựu.

    Giờ đây, tôi đã có một chuỗi khách sạn, nằm rãi rác trên những con đường trung tâm thuận lợi nhất tại Đà Nẵng. Cả 5 năm đứa con tôi (gồm 2 trai, 3 gái) đều học hành đến nơi đến chốn, và có được những công việc xứng đáng.

       Bất chợt, vào một ngày giữa tháng 5 năm 2005, khoảng 4 giờ sáng, khi tôi thức giấc để chuẩn bị đi lễ nhà thờ. Trở người ngồi dậy, chưa kịp đứng thẳng người, đột nhiên, tôi bật ngã xuống liền. Gần như một nửa người tôi tê tê, mất cảm  giác. Tôi muốn gọi to, nhưng cứ ú ớ. Dù vậy, chồng tôi ở phòng kế bên cũng vừa chạy qua đúng lúc. Ông đo huyết áp tôi và hốt hoảng bảo: “ Không xong rồi!”. Sau đó, ông liên tục gọi điện cho các con, nhất là những đứa làm ngành y.

    Ngay sáng sớm hôm đó, một bác sĩ chuyên khoa thân quen con tôi, đến ngồi kề bên, thăm khám cẩn thận. Ông ta chữa trị được vài ngày, thì cho biết tình trạng tôi trước mắt tạm ổn định, nhưng cần phải nằm một nơi yên tĩnh để tịnh dưỡng.

      Đó là lần đầu tiên trong đời tôi nằm nghỉ ngơi, không làm bất cứ việc gì. Đồng thời, cũng có thể nói, là lần đầu tiên, tôi cảm nhận ra mình vừa chạm tay nỗi chết. Những hồi ức từ thời thơ ấu lần lượt hiện về với tôi như những đoạn phim rời buồn vui lẫn lộn. Tôi thấy nhớ thương cha mẹ nuôi, cha mẹ ruột, những anh chị em, bạn bè, rồi đến cả những người cộng sự, giúp việc gắn bó với gia đình tôi. Tôi thấy nuối tiếc, trong quá khứ tôi cũng có nhiều lần thiếu sót, làm buồn lòng với người này kia…Tôi mong sớm khỏe mạnh và có cơ hội để bù đắp, chỉ tiếc rằng, trong số những người đó, đã có những gương mặt vĩnh viễn tôi không còn gặp lại. Đặc biệt, với những người từng ít nhiều là ân nhân của tôi, bằng mọi hình thức tôi cũng phải trả ơn cho họ, trả ơn cho ân sủng cuộc đời. Chính vì vậy, từ đó, tôi bắt đầu quyết định lập ra “Qũy tình thương của Ngọ”. Tôi tự nguyện với mình, mỗi tháng phải có nghĩa vụ gởi đến một vài cơ sở trẻ em khó khăn với một số tiền nhất định, nếu tháng này không đủ, thì tháng sau phải bù vào. Làm được điều đó, tôi mới thực sự cảm thấy nguôi ngoai, yên tâm rằng, lỡ một ngày nào đó đột ngột mình về nước Chúa, thì mình cũng đã thể hiện được sự tri ân với sự đãi ngộ mà cuộc sống từng ban tặng cho mình.

     Một buổi sáng, tôi vừa dùng điểm tâm xong, thì nghe người giúp việc báo tin có  khách ở quê Quảng Nam ghé thăm. Đang lúc rảnh, nghỉ bệnh nên tôi không hỏi thăm kỹ là ai, bảo hướng dẫn họ lên phòng.

     Thật bất ngờ, khi cánh vừa cửa mở, tôi nhận ra ngay, đó là : Quế -  người từng gặp tôi từ thời niên thiếu, nhưng không nên duyên nợ. Tôi không nhớ rõ, lần gặp ông ta trước đó sau ngày giải phóng là bao giờ, nhưng thực sự ông ta không thay đổi đáng kể. Ông có vẻ lo lắng, khi thấy rõ tôi trải qua cơn bệnh. Dù vậy, cách nói năng của ông vẫn rất rụt rè, lúng túng:

     - Lâu lắm, mới có dịp ra Đà Nẵng, hỏi thăm mới biết tin Ngọ bị đau. Mong Ngọ không phiền…

   Tôi nói:  

- Anh có lòng tốt như vậy, là quý hóa rồi. Chúng ta cũng vẫn là bạn bè chứ có  sao đâu! 

   Cứ như thế, câu chuyện của chúng tôi cũng quanh quẩn về chuyện quê nhà, chuyện làm ăn, chuyện con cái học hành…Suốt thời gian gần một giờ, ông Quế, không đá động chi về những gì xảy ra thời niên thiếu, thế nhưng, khi chào tôi ra về xong, chừng gần trưa, cô gái giúp việc từ tầng trệt chạy lên nói với tôi:

  • Cô ơi, ông khách hồi nảy bảo gởi lại cô cái này.

   Tôi mở mãnh giấy ra xem. Chỉ đơn giản, đó là mấy câu thơ hơi vụng về. Tôi nghĩ thầm trong bụng, quả thật đàn ông cũng lạ! 


 14.

       Người ta thường nói, trong những giây phút cuối cùng, trước khi bước 
sang thế giới bên kia, trong bộ óc con người thường quay ngược, hiện về những hình ảnh của bộ phim nhanh toàn bộ ký ức từ thuở ấu thơ đến hiên 
tại. Có phải chăng vì lẽ đó, mà  thời gian qua, bao nhiêu kỷ niệm buồn 
vui của cả đời người đã sống lại trong tôi mãnh liệt. 
  Tôi bồi hồi nhớ lại cái quãng đời đã sống với cha mẹ nuôi. Tôi nhớ 
những đêm đông tiếng lá ru xào xạc sau hè, nhưng tôi thật ấm cúng bên 
sự che chở bởi vòng tay của những con người mộc mạc, chân chất ấy. Tôi 
nhớ những con đường làng lội mà mỗi ngày tôi vẫn bước đi để đến một 
lớp học che bằng tranh tre lụp xụp. Tôi nhớ đến những món đồ chơi bằng 
đất nung ngồ ngộ, tôi thích thú chất đầy một góc nhà... 
  Với cha mẹ nuôi, về những năm sau ngày giải phóng, khi hai người (người mẹ nuôi – vợ lớn của cha mất sớm từ khi tôi còn bé) đã 
qua đời, tự tay tôi đã về quê lo mồ mả chu toàn. Điều đó, cũng làm cho 
tôi thấy an vui, vì cuối cùng mình làm được chút phần hiếu nghĩa. Chỉ 
tiếc một điều, mấy cái kỷ vật mà cha mẹ cho tôi làm kỷ niệm (chiếc 
búa trời, con cua đá, sừng tê giác...), tôi nguyện sẽ gìn giữ bên mình suốt đời, nhưng vô tình làm thất lạc trong những năm gần đây. 
  Với cha mẹ ruột, riêng về người mẹ, tôi thường ray rứt vì thời gian 
sống gần mẹ không nhiều (tôi về nhà năm 12 tuổi, thì khoảng 6 năm sau 
mẹ qua đời). Còn với cha, tôi thừa hưởng nơi ông những đức tính cương 
trực quý giá, và chắc rằng nó đã góp phần thành công cho tôi trong 
quãng đời về sau. Đáng nhớ hơn cả, tôi cứ khăng khăng không nghe lời khi cha nắm tay tôi dẫn đến ngưỡng cửa đức tin. May mà Chúa linh hiển đã thấu hiểu đón tôi trở lại cùng Người, không thì đời tôi chẳng thể biết ra sao!

   Với anh chị em ruột thịt, với chồng con, với những bạn bè thân hữu và cả với những ân nhân của tôi…, từ nay cho đến những giây phút cuối cùng, tôi vẫn luôn tiếp tục nguyện cầu cho họ. Bởi chính họ đã đem đến cho tôi những ân sũng, niềm thương yêu, để thấy rằng mỗi phút giây sống trong cuộc đời là vô cùng quý giá! 

                                                                                                                    

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Trần Trung Sáng
Số lần đọc: 1985
Ngày đăng: 17.05.2018
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Chạp yêu - Chế Diễm Trâm
Truyện rất ngắn - Võ Công Liêm
Mưa tạnh / Vợ chồng già - Biển cát
Chiếc áo màu gạch - Bùi Thanh Xuân
Xứ tưởng - Ngô Nguyên Dũng
Con chim nhỏ trong lồng - Elena Pucillo Truong
Mùi hoa vạn thọ - Bùi Thanh Xuân
Đợi - Bùi Thanh Xuân
Con sáo biết nói - Nguyễn Đại Duẫn
Chàng lùn nể vợ - Đặng Xuân Xuyến
Cùng một tác giả
Những que diêm (truyện ngắn)
Trái tim con rồng đá (truyện ngắn)
Mát - xa (truyện ngắn)
Người vác chõng tre (truyện ngắn)
Đêm giáng sinh (truyện ngắn)
Đêm trắng phập phù (truyện ngắn)
Bầy ngựa bơ vơ (truyện ngắn)
Họp lớp (truyện ngắn)
Thơ xích lô (tạp văn)
Con gái (truyện ngắn)
Dì ghẻ (truyện ngắn)
Chú hề làng (truyện ngắn)
Ngày Cậu Cóc Ra Đi (truyện ngắn)
Chùa xưa (truyện ngắn)
Bản tin giờ thứ 25 (truyện ngắn)
Giã từ "mưa Huế" (nghệ thuật)
Chiếc nhẫn cưới (truyện ngắn)
Chuyện ngọ xưa (truyện ngắn)