Tác phẩm “Những ngày trở gió” gồm 23 truyện ngắn do Nhà xuất bản Hội nhà văn vừa phát hành, đã gây ấn tượng thêm tính cách rất riêng của nhà văn Hồ Việt Khuê với một bút pháp chấm phá dí dỏm,chân chất được chưng cất bằng sự tinh tế thật dịu dàng. Chắc chắn với bất cứ ai, tưởng chừng đọc đến dòng cuối câu chuyện là xong, nhưng lại từ đó sẽ phải ray rứt, thắm thía đến tận cùng tâm thế của người biết trân trọng giá trị nhân văn, nỗi xót tình người…
Vào tập, truyện “Những ngày trở gió” cũng là tựa của tác phẩm này. Người kể xưng tôi dễ nghĩ đến đó là tác giả, là người trong cuộc nhưng tiếp đến một số truyện khác cũng vậy, có thể là cách riêng trong biểu đạt mà thôi. Là những con người của cùng một thời, nay có dịp gặp lại chung mâm, thân tình ra mặt nhưng vẫn không sao khỏa lấp được những điều quá quắt từng “xử” với nhau… Vậy mà xem ra nhẹ nhàng! Với cái kết như một lời tự hối: ”Đôi lần gặp con quỷ cái ra biển một mình, dáng em nghiêng trên đồi cát, tóc rối xõa đầy vai, lòng tôi bỗng… trở gió. Và tôi nhớ lại… Tôi thật tình ngượng ngùng, xấu hổ vì thái độ hung hãn của tôi và các bạn tôi ngày xưa đối với gia đình hắn…”. Có một truyện mà người đọc sẽ thấy chút gì đó để nhớ vụ án phá rừng khá rầm rộ ở một huyện thuộc tỉnh Bình Thuận. Phát triển từ cái ý “ăn của rừng rưng rưng nước mắt” với nhân vật “Bảy Rưỡi” nghe cũng lạ, lạ ở cái tên trong đám phá rừng đặt cho nhau, được giải thích “để khỏi mếch lòng vì cha mẹ có đẻ đứa con nào chỉ có nửa người đâu …”. Truyện “Đêm đợi lũ” không thể chỉ cái cười dè bỉu mà thấy tội nghiệp cho Bảy Rưỡi lợi dụng chức quyền, tham lam và cuối cùng con vợ “ đã ôm của ăn của rừng đi lấy chồng khác”. Đang lúc dư luận không ngớt xôn xao về những tiêu cực xã hội, ham hố thành tích, thích nổi danh với lắm chiêu trò và bằng mọi giá thì câu chuyện “Ông Thầy WC” ở một ngôi trường trung học cơ sở. Thầy cô không lo lắm về chất lượng dạy và học mà lại khổ tâm, loay hoay về cách giải quyết nhu cầu trong sinh hoạt tối thiểu của học sinh và cả thầy cô theo mô hình “Khu WC sạch- Lớp thơm”. Nhưng khi bàn đến việc xây dựng công trình này đã gặp phải sự bất đồng gay gắt: “Thầy cô và học trò dùng chung thứ gì cũng được nhưng không thể dùng chung cầu tiêu, vì như thế là không… tôn sư trọng đạo”. Tác giả không chỉ nhằm vào cái không lớn này đâu mà mở rộng ra, liên hệ đến nhiều lĩnh vực khác sẽ thấy đầy rẫy bất cập, phô trương, giả tạo như các truyện Ông Cuội cười, Chuyện Chó, Cám ơn…ngựa, trở thành hội chứng thời đại đã chi phối không nhỏ đến đời sống xã hội và nhân cách con người.
Nhà văn Hồ Việt Khuê với tập truyện này có một phong cách mới bằng cái nhìn trực diện, soi rọi tận cùng gan ruột dưới những danh nghĩa, lớp vỏ màu mè thường gặp từ lĩnh vực môi trường (Cúng ao tôm, Ghẻ…), đầu tư dự án (Tại hũ rượu cá ngựa, Không tìm thấy biển, Đất buồn…), thân phận nghề nông, đời biển … Sự thật và chiêm nghiệm từ cuộc sống mà anh đã tom góp quá đủ qua 15 năm là một phóng viên khá bản lĩnh của báo Tiền Phong. Nhưng anh không áp đặt sự tỉnh táo của báo chí mà chuyển hóa được trang văn tuy cay xót, gai góc để giữ được cảm xúc của một cây bút giàu năng lượng, hóa giải một cách nhẹ nhàng. Khác hẵn cái không gian ngôn ngữ lãng mạn ở nhiều tác phẩm trước đây như “Biển ngọt ngào” đã 8 năm là một ví dụ. “Tôi là cái vỏ ốc ở cù lao Thu, ngoài khơi biển Phan Thiết. Quê hương tôi bốn bề sóng nước và chan hòa nắng ấm mặt trời nên tôi được thiên nhiên trang điểm cho màu sắc rực rỡ, hài hòa với những đường vân chìm nổi đậm nhạt…”. (Tâm sự cái gạt tàn bằng vỏ ốc -trong Biển ngọt ngào). Phải bằng một hồn thơ phiêu lãng, sự tĩnh lặng cô đơn, anh mới có những trang chữ thấm đậm yêu thương với quê hương mình như vậy. Văn của Hồ Việt Khuê luôn thao thức cùng cảm xúc đời thường, dung dị nhưng trong sâu xa con chữ tưởng như bình thản, hiền lành lại gợi cho người đọc nhiều bất ngờ thú vị.
Hồ Việt Khuê có được cái “tạng” và cốt cách của một nhà văn trước bất cứ hoàn cảnh nào như lý giải của một lão nông trong truyện “Ông trời ngó nghiêng” nói một câu chất phát chí tình: “Đất đã không lành thì con chim con cá cũng ly tán huống chi con người”- tưởng bất chợt mà ngẫm nghĩ sâu sắc không chỉ cho nghiệp ruộng vườn mà còn mang ý nghĩa cho cái đạo đối nhân xử thế đang bị cạn dần. Tập sách được mở ra đã cho người đọc nhiều cảm xúc mới, một thông điệp lương tri. Như có lần tôi được đọc tập truyện Ở Biển của Hồ Việt Khuê do NXB Kim Đồng ấn hành năm 1996, cách đây 22 năm, viết về một làng biển quen thuộc ở Phan Thiết với hình ảnh những đứa trẻ đen đủi phải mưu sinh bằng đủ thứ công việc lặt vặt, chưa ai coi đó là cái nghề, từ bắt ốc, cạy sò, khiêng vác… Tác phẩm này được trao giải thưởng Văn nghệ Dục Thanh lần thứ 2 (năm 2000) bởi đem đến cho người đọc cảm nhận được hơi thở của cuộc sống và lòng nhân ái. Cũng theo tuyến đề tài này, anh viết cho lứa tuổi thiếu nhi, tuổi mới lớn có đến 8 tác phẩm vừa truyện ngắn, vừa truyện vừa. Tập “Những ngày trở gió”, nhà văn Hồ Việt Khuê có sự thay đổi bằng một bút pháp, ngữ khí vừa cay đắng vừa thuần hậu. Từ đây mới vở lẽ vì sao có 15 truyện trong tập này đã được chọn đăng nhiều kỳ trên báo Tuổi trẻ cuối tuần và chuyên trang truyện ngắn 1200 chữ.