Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.168
123.223.820
 
Chị Tư Bèo
Tiểu Nguyệt

 

 

Tư Bèo vội vã xách nước đổ vào từng thau cho những chị bán cá trong khu chợ Ga như mỗi ngày, rồi chạy về nhà đưa thằng Xện đến trường và bé Nhi đi nhà trẻ. Chị Tư ăn vội gói xôi mới mua trên đường đưa các con đi học, rồi khiên chiếc bàn nhỏ, mấy cái thau, rổ, cột trên chiếc xe đạp; treo cái giỏ đựng máy xay cá với hai con dao và những đồ lỉnh kỉnh lên ghi - đông xe; đạp xe thẳng một mạch ra chợ Ga.

       Chị Tư ngồi vào chỗ ngồi của minh bên hàng cá, bày chiếc bàn ra trước mặt. Chị đặt những lọ gia vị (muối, ớt, bột ngọt, hành, tiêu …) lên bàn, và chuẩn bị mọi thứ sẵn sàng để chờ khách đến nhờ xay cá. Người đi chợ đông dần. Một người đàn bà ăn mặc trông sang trọng, tay xách giỏ, ghé lại đưa cho Tư Bèo bì cá đã mua ở đâu đó - dặn dò:

     -Em xay giùm chị, đừng bỏ đường, chị không ăn ngọt. Lát nữa chị ghé lại lấy nhé!

     -Dạ! chị mua xong quay lại, em xay liền.

     Tư Bèo đánh vảy cá, lấy ruột, nạo rửa sạch như một cái máy, rồi lẹ làng cho vào máy, bật công tắc. Một người nữa mang cá đến, rồi người nữa, người nữa… Hai tay chị đang thoăn thoắt làm việc, thì con Sáu ở bàn xay cá phía bên kia chạy vội lại - la lớn:

     -Ê! Mầy không được xay cho cái bà áo xanh nầy, bã lại tao trước, tao còn đang dọn hàng bã lại mang đến mầy. Đấy là phần tao.

     Tư Bèo nhìn lên, hai tay vẫn nhanh nhẹn đánh vảy cá. Chị nói lớn:

     -Tao không biết áo xanh, áo đỏ nào, hễ ai mang tới là tao làm.

     -Nhưng tao biểu mầy không được làm, có nghe rõ không?

     Chị áo xanh giã lã:

     -Thôi mà em, chị rất vội, mà em lại chưa bầy hàng để xay nên chị phải mang lại đây. Chị em làm chung chợ, nhường nhịn nhau mà sống, đừng có cãi vã coi kỳ lắm.

     Con Sáu nghe chị áo xanh nói thế, càng tức tối:

     -Tao nói rồi, bữa nay không được đứa nào xay cá cho bà nầy, đứa nào mà không nghe, tao đập vỡ mặt.

       Hai tay Tư Bèo vẫn nhanh nhẹn xay cá, rồi đưa vào cối giã, nắn thành miếng, bỏ vào bao ny - lon cho khách, mặc con Sáu hăm dọa. Bất ngờ, con Sáu đưa tay hất tung cái bàn Tư Bèo đang ngồi làm, hét lên:

     -Mầy là con nào, ở đâu tới mà dám lên mặt hả? Ở đây, mầy có biết con Sáu mặt rỗ không? Tao đây!

      Tư Bèo đỏ mặt đứng phắt dậy, Sáu nhào tới tát vào mặt chị; Tư Bèo nghiêng sang trái tránh cái tát của Sáu, rồi nhanh nhẹn túm đầu tóc Sáu ghì xuống. Hai người ôm ghì, cấu xé nhau, làm đổ tung mấy thau nước. Tư Bèo đưa tay thốc mạnh vào cằm Sáu, làm Sáu ngã ngửa, lăn ra giữa chợ. Mọi người vỗ tay tán thưởng:

     -Con Tư vậy mà giỏi, thấy nhỏ nhỏ con vậy mà mạnh dữ hen. Kỳ nầy con Sáu mặt rổ hết dám ăn hiếp, ngang tàng ở chợ nầy.

     Tư Bèo thở hổn hển nhìn con Sáu lò bò ngồi dậy, chị quắt mắt nhìn Sáu:

     -Tao là con nào, ở đâu mầy không cần biết làm gì. Tao làm kiếm cơm nuôi con, không giành giựt gì của ai cả. Mầy là con Sáu, con Bảy gì kệ mầy, tao hầu tuốt. Ngon thì vào tiếp đi.

     Sáu đứng lên, sửa lại đầu tóc rối bung, rồi quay ngoắc vừa đi vừa chửi:

     -Mẹ nó! Ở đâu tới đây mà phách lối, không chồng mà có những hai đứa con. Cái ngữ ấy, ma nào thèm.

      Tư Bèo mặt đỏ bừng, giận run người, đuổi theo con Sáu. Tư Bèo giận dữ, nắm đầu tóc con Sáu giật xuống, tát vào mặt con Sáu tới tấp. Chị thở hổn hển, nói giọng đứt quãng:

     -Có chồng hay không chồng mặc kệ tao, mắc mớ gì đến mầy? Không chồng mà có con mới giỏi, chứ có chồng có con là bình thường. Sao? Giờ mầy muốn gì? Muốn chọc cho bà chửi hả? Chưa biết bà mầy à? Tao, Tư Bèo đây! Là cánh bèo trôi sông lạc chợ, tấp vào đây nè, giờ còn muốn biết gì nữa không?

Tư Bèo thường nổi cơn tức giận mỗi khi có ai nói chuyện không chồng có con, mà có những hai đứa con - hai người cha khác nhau. Nhưng khổ thay, người ta vẫn thường moi tìm cái bất hạnh của chị để trêu chọc, hơn là an ủi, sẻ chia. Dường như người đời vẫn có “thói quen” nhìn vào cái “cbưa tốt”, cái thiếu sót của kẻ khác để tự hào. Hằng ngày, mỗi khi chị Tư đối diện với những lời lẽ châm biếm, huênh hoang như vậy, là chị như nổi điên lên, không kiểm soát được mình; chị trút cơn giận số phận hẩm hiu đời mình vào người đó, rất mãnh liệt. Chị trở nên lầm lì, bất cần hơn, bởi nỗi đớn đau vì một phút yếu đuối sơ lỡ bị phỉnh lừa, đã không được cảm thông, mà là chỗ cho người đời bêu rếu, tranh phần hơn thua.

      Tư Bèo sinh ra ở miền bắc, sống ở miền trung, nên chị nói giọng nửa bắc, nửa trung nghe lơ lớ. Cha chị - ông Hà, tập kết ra bắc sau khi hiệp định Genève 1954 được ký kết. Ông gặp mẹ chị đang là công nhân đường sẳt cung đường do ông quản lý, rồi kết hôn. Tư Bèo được sinh ra sau một người chị gái và theo cha về quê sau năm 1975. Ông Hà được tổ chức phân công làm trưởng cửa hàng công nghệ phẩm của huyện - một vị trí nhiều người mơ ước thời ấy. Tư Bèo làm kế toán trưởng của cửa hàng, nhiều chàng trai có chức phận dòm ngó, muốn được kết hôn cùng chị. Ngày ấy, Tư Bèo như một đóa hoa vừa chớm nở, xinh đẹp, dịu dàng, lại con gái của một cán bộ có uy tín của huyện; nhưng không hiểu sao, chị không đoái hoài gì đến những chàng trai tốt mã đó, mà lại có tình cảm với một anh chàng có vợ cùng làm trong cửa hàng. Tư Bèo tự biết như vậy là không đúng, chị cố nén, cố xua đi tình cảm yêu thương, xem anh như một người anh trai, để hạnh phúc gia đình anh không bị rạn nứt.

     Một hôm, chị trực đêm ở cửa hàng, đúng vào ca trực của anh. Trời mưa rất to, gió ào ào như sắp có bão. Tư Bèo sợ quá, chạy vào phòng trực của anh. Anh ôm chị trấn an, vỗ về. Bất giác, chị cảm thấy bàn tay anh đưa dần lên ngực mình - một xúc cảm làm chị lâng lâng, ngây ngất. Chị như mềm nhũn, không còn đứng vững được nữa. Anh kéo chị ngồi xuống, hôn tràn lên môi má chị.

       Khi Tư Bèo thật sự biết mình có thai ba tháng, chị xấu hổ không dám nhìn ai, không muốn đến cửa hàng làm việc - chị đã bỏ trốn. Cha mẹ chị tìm kiếm khắp nơi nhưng không hề biết tin tức. Chị ra đi, đến một thành phố lạ miền cao nguyên, thuê nhà ở trọ. Hằng ngày, lân la quanh khu chợ tìm kiếm việc làm. Chị nhận làm bất cứ việc gì người ta cần thuê mướn - từ gánh hàng, quét dọn, cho đến đi hái tiêu, làm cỏ, dọn vườn, với cái bụng ngày càng lớn dần. Nhiều lần, nhìn đứa con đang quẫy đạp hiện dần trong bụng, chị Tư thương con, mà chẳng biết tính sao cho con được ra đời yên ổn cả. Chị cứ ôm bụng mình mà khóc. Gần tới ngày sinh, chị quyết định mang xách trở về nhà. Vì thương con, cha chị đành phải ngậm đắng nuốt cay, sau gần một giờ la mắng, khuyên giảng cho chị nghe sự lầm lỡ, yếu hèn, để bị lừa gạt tủi nhục nầy. Tư Bèo lặng im, cắn răng nhận lỗi. Khi bước lên xe trở về nhà, chị đã sẵn lòng chịu đựng mọi thử thách, mọi hình phạt của cha mẹ vì đứa con trong bụng. Chị đã sinh thằng Xện - mẹ tròn con vuông, theo ước nguyện của chị, trong sự cưu mang, đùm bọc hết lòng của gia đình.

Từ dạo ấy, hằng ngày Tư Bèo chỉ lo việc bếp núc, dọn dẹp nhà cửa và chăm con, để cả nhà đi làm. Dần dần, chị vơi đi nỗi buồn, vơi đi nỗi xấu hổ không chồng mà có con, chị lại vui vẻ gặp gỡ bạn bè. Tư Bèo gặp lại Thái - người mà trước kia đã ngỏ lời yêu thương, muốn cưới chị. Thái đeo đuổi chị, tìm mọi cách để gặp gỡ, dù anh đã có vợ vừa sinh đứa con trai đầu lòng. Tư Bèo cảm thấy trống  trải, đơn chiếc; dường như trái tim chị luôn khao khát, thầm gọi thương yêu. Tình cảm Thái giành cho chị ngày càng sâu đậm, êm ái, ngọt ngào, đã làm chị mê đắm từ lúc nào không hay. Tư Bèo, lần nữa, đã lén lút trao trọn ân tình cho anh. Thế rồi chị lại mang thai đứa con thứ hai.

       Biết chuyện, ông Hà tức giận, đuổi mẹ con chị ra khỏi nhà, mặc dầu mẹ chị đã hết lời khuyên can. Ông không thể tha thứ sự mê muội, ngu ngốc, để dẫn đến lỡ lầm lần thứ hai được.

       Ra khỏi nhà, Tư Bèo như bị cơn lốc khắc nghiệt thổi tung vào vòng xoáy của cuộc đời - chị lông lốc lăn trôi, khi lên thác, lúc xuống ghềnh, trải bao sóng dữ. Chị tự ví mình là cánh bèo, trôi dạt trên sông rày đây, mai đó, mặc tình tấp vào mọi chốn, mọi nơi.

      Chị trôi dạt vào bến chợ Ga nầy, vất vưởng với cái bào thai ba tháng và đứa con trai năm tuổi. Mẹ con chị ngủ chợ, sống ở chợ, và coi chợ là ngôi nhà của mình. Một người trong làng cảm thương hoàn cảnh của chị, cho  miếng đất rẫy nho nhỏ sát khu nghĩa trang, cất tạm căn lều, làm chỗ chui ra chui vào, để chị có chỗ nằm khi sinh con. Chị dựng lều tôn, xin bao đựng gạo về may lại thành tấm, che làm vách. Thế là chị có được một chỗ đặt lưng, dù nhà không ra nhà, trại không ra trại, cũng gọi là nơi ẩn trú để mẹ con chị trở về sau một ngày. Chị sinh bé Nhi.

        Hằng ngày, chị đổ nước cho những bạn hàng bán cá trong khu chợ kiếm tiền, đưa đón con đi học, rồi ngồi xay cá cho khách. Ngoài giờ xay cá ở chợ, ai mướn gì chị cũng làm thêm, dành dụm nuôi con.

        Đêm về, Tư Bèo thao thức, lẻ loi trong căn nhà nhỏ trống trước, trống sau, nên giấc ngủ luôn muộn màng, người gầy khô. Ngồi một mình, nhìn ngó trời đêm nghĩa trang quạnh vắng, chị thường thở dài thườn thượt, lòng hối tiếc vì đã nhắm mắt chạy theo ham muốn, lỡ bước sa cơ, để sóng gió vùi dập, ngày mai mịt mờ. Chị luôn tâm nguyện, đời chị như cánh bèo vô dụng bỏ đi, nhưng hai con phải được ăn học, phải nên người, phải có tương lai. Bao năm qua, Tư Bèo đã nhịn ăn, nhịn mặc, dành dụm từng đồng bạc lẻ cho con. Thằng Xện và con Nhi đến trường, trông như con nhà khá giả, áo quần tươm tất, sạch sẽ. Hễ nghe ai chê cười các con chị không cha, là chị giận dữ đáp trả - như gà mẹ xù lông bảo vệ con mình.

 

     ***

 

     Tư Bèo đóng cửa, vói tay tắt điện, rồi bước vào giường. Chị nhìn Nhi đang thiếp ngủ, kéo vạt áo con gái cho ngay ngắn, âu yếm ôm con vào lòng. Chị Tư nghe hơi nóng tỏa ra sang cả người mình, chị vội vàng ngồi dậy, bật điện và sờ vào trán con. Tư Bèo giật mình, bé Nhi đang nóng sốt cao, hơi thở nghe nặng nề, mệt nhọc. Chị lật đật lấy khăn nhúng nước ấm lau khắp mình bé, miệng lầm thầm cầu nguyện. Chị pha ly nước chanh đổ từng muỗng cho con uống, rồi ngồi canh chừng bên Nhi với khăn ướt trên tay. Chị liên tục lau người cho con, hy vọng nhiệt độ bé sẽ giảm dần. Gần một giờ qua, người Bé Nhi vẫn nóng sốt, không đỡ chút nào. Tư Bèo ứa nước mắt và thầm nghĩ “Nếu có mẹ chị bên cạnh, mẹ biết sẽ phải làm gì”. Nhìn quanh, cảnh vật vắng lặng, tiếng côn trùng tỉ tê, như những hồn ma trong nghĩa trang rên rỉ. Chị lo sợ. Chị khóc.

     Trời càng về khuya, nỗi lo sợ trong chị lại càng tăng. Chị chợt nhớ đến thầy Tâm - người cư sĩ có tâm đạo thuần thành, chuyên bắt mạch bốc thuốc nam, thuốc bắc và thuốc gia truyền ở bên kia cầu Ông Tự, ai cũng khen ngợi. Trong đầu chị lóe lên niềm hy vọng, chị vội vàng gọi thằng Xện dậy, dắt xe đạp ra sân. Bắt Xện ngồi sau ôm bé Nhi, chị lọc cọc đạp xe tìm đến nhà thầy Tâm. Nhà thầy tâm đã đóng cửa. Chị Tư đứng ở cửa, kêu to:

     -Thầy ơi! Giúp giùm tôi với, con gái tôi bị nóng sốt cao, thầy làm ơn, làm phước giúp với.

     Thầy Tâm nghe tiếng kêu, vội dậy bật sáng đèn, ra mở cửa. Ông hỏi:

     -Con gái cô sốt bao giờ thế? Từ chiều giờ cháu nó có ăn uống gì không?

     -Dạ! Khi chiều nó vẫn ăn cơm, có nóng sốt gì đâu, không biết sao giờ thế nầy, càng lúc càng nóng. Tui lấy khăn nhúng nước ấm lau khắp người, cho nó uống nước chanh pha nóng mà không giảm chút nào - nhờ thầy cứu giúp.

     Thầy Tâm bảo chị Tư ẵm Nhi vào nhà, bắt mạch cho bé, rồi nhỏ vào miệng bé mấy giọt thuốc. Ông nói:

     -Không sao đâu, nó bị viêm họng, uống thuốc nầy một lát sẽ hạ sốt ngay. Nếu nó có sốt nữa thì cho uống gói thuốc nầy, phải cách năm giờ đấy, đừng để sốt cao quá, nguy hiểm.

     Thầy đưa chị gói thuốc, dặn dò cặn kẽ. Chị ngập ngừng:

     -Cảm ơn Thầy! Khuya mà làm phiền thầy, tôi thật lo ngại, nhưng không biết làm sao hơn, xin thầy thông cảm cho. Cháu uống hết thuốc, cần đến khám lại phải không thầy?

     -Đúng rồi, hết thuốc cô chở cháu đến đây, tui xem mạch lại - ông cười thân tình, thôi mẹ con cô về nghỉ đi, một lát nó bớt sốt, không sao đâu.

      Tư Bèo quen biết, rồi thân thiện với thầy Tâm dạo đó. Mỗi khi mẹ con chị có đau đầu, sổ mũi, hay nóng sốt cũng đều chạy qua nhờ thầy giúp. Chị trả tiền, ông không hề lấy, khi hỏi thăm biết chị đang sống tạm trong một góc khu nghĩa trang, ngày ngày làm mướn ở chợ vất vả.

       Có dịp lui tới thăm ông nhiều lần, chị càng quý mến ông hơn. Tư Bèo gặp những người nghèo khổ đến đây nhờ ông giúp, ông đều không nhận tiền, chứ không riêng gì mẹ con chị. Khi nhà ông có ngày giỗ chạp, chị thường qua phụ giúp nấu cúng, coi như trả chút ơn ông đã giúp mẹ con chị. Vợ ông đã qua đời từ nhiều năm trước, ông một mình nuôi hai con - một trai, một gái; nay chúng đã lập gia đình, ở riêng. Ông thường có dịp giảng giải cho chị nghe về mọi điều mà chị thắc mắc, không hiểu hết. mỗi khi mỗi ít - nhất là những lời Phật dạy. Ông xem chị như người Phật tử ham học hỏi, nên mong có dịp bày tỏ mọi sự hiểu biết của mình cho chị nghe - cả hai ai cũng được vui.

     Tư Bèo dần hiểu ra mọi việc đã xảy ra cho đời mình - chị cảm thấy mình như một con người khác, hoàn toàn thay đổi. Chị gần gũi, yêu thương hết mọi người chung quanh. Ngay đến cây cỏ, lá hoa, súc vật - chị cũng yêu thương. Dòng tình thương tưởng đã cạn khô vì bao nỗi truân chuyên, bất hạnh trong chị bây giờ như suối nguồn dạt dào tuôn chảy. Đồng thời, chị Tư cũng nhận ra rằng, chị đang rất cần có ông trong phần đời còn lại của mình.

     Rồi một dịp may đã đến: Sau ngày giổ cha ông mà chị đã đến giúp dọn dẹp, nấu nướng, khi khách đã ra về hết, chị còn nấn ná ở lại, tha thiết xin được ông nhận chị làm vợ - chị cần có một mái gia đình cho các con, dù ông lớn hơn chị mười ba tuổi. Đang sống một mình, tự lo cho mình mọi thứ nhiều năm - nhất là lúc buồn, muốn có người cận kề sớm hôm chia sẻ; thấy chị Tư là người ham học hỏi, hiểu biết, đảm đang, nên ông đã đồng ý chị  đến để đỡ đần ông mọi việc. Ông chính thức đưa mẹ con chị về sống chung, được anh chị em, họ hàng và các con của ông vui vẻ chấp thuận.

    Hằng ngày, chị giúp ông phơi lá thuốc, sắc và giã thuốc, viên thuốc bột, đóng gói. Ông có một toa thuốc gia truyền chuyên trị bệnh tiểu đường rất công hiệu, được bà con xa gần tìm đến xin mua rất đông. Ngoài việc phụ giúp làm thuốc, chị Tư lo chợ quán, cơm nước, giặt giũ, lau dọn nhà cửa tươm tất, sạch sẽ. Chị bắt đầu ăn trường chay theo ông, rằm, mùng một chị chuyên cần về chùa lễ Phật. Chị như thấy được chuỗi ngày tương lai của đời mình là một bầu trời trong sáng, tươi đẹp. Những đám mây đen trôi qua đời chị, đã biến mất.

      Tư Bèo sống hạnh phúc bên chồng được mười năm, thì ông bị ung thư gan giai đoạn cuối. Chị Tư chăm sóc ông chí tình. Những tháng ngày ông ngã bệnh nặng, chị luôn túc trực bên ông - ngày đêm để xoa bóp, an ủi - nhất là khi cơn đau hoành hành. Chị đau đớn nhìn ông gầy teo dần, khi không nuốt nổi chút sữa cả tuần lễ. Ngày nhìn ông thở hơi cuối cùng trên tay - chị hụt hẫng như lơ lửng trên không. Chị Tư mất ngủ, khóc ròng suốt nhiều đêm bên chiếc bàn thờ có di ảnh của ông, khiến đôi mắt mờ dần.

     Chị Tư Bèo giao ngôi nhà lại cho con trai ông, tìm mua mảnh đất nhỏ vùng ngoại ô thị xã, dựng ngôi nhà ngói cấp bốn, nhưng có vườn rau, sân trồng hoa, xanh mát như ngôi nhà cũ của chồng ở quê. Hằng ngày, chị làm thuốc gia truyền mà chồng đã truyền lại, sống cuộc đời an tịnh như ngày xưa bên chồng.

 

 

     ***

 

     Chị Tư quét xong sân nhà trước, đến mở vòi nước tưới cây. Những tia nước tung tóe trên luống rau xanh mượt, rào rào như reo vui đón chào ngày mới. Chị gọi vọng vào phía trong:

     -Thằng Xện đâu, lấy xe ra mấy mẹ con mình vào thị xã mua ít đồ, sẵn ăn sáng luôn, hổm rày cứ ở nhà hoài, thư giãn một chút đi con.

      Xện từ trong nhà bước ra sân, cằn nhằn:

     -Người ta lớn rồi, có vợ hai con rồi mà cứ Xện, Xện hoài chán quá! Má thiệt là.

     -Mầy tên Xện, thì tao gọi là Xện, chứ có gì mà cằn nhằn. Bộ tên Xện xấu lắm sao mà mầy chê. Người xấu tốt không phải ở cái tên đâu con!

     -Không phải chê, mà nghe sao kỳ kỳ á, má kêu thằng Sinh có hay hơn không? Tên Sinh hay hơn chớ bộ.

     -Ừ, thôi từ nay tui kêu là Sinh, được chưa? Nhưng quen thế, lỡ quên thì biết làm thế nào?

     Nhi từ ngoài ngõ vừa đi bộ thể dục sáng về cười:

     -Ông nhiều chuyện quá! Xện thì là Xện, cái tên chân chất, dễ thương vậy mà chê, Sinh có gì hay đâu chớ?

     Chị Tư Bèo quay sang Nhi nói lớn:

     -Còn cô nữa, học xong ra trường đi làm rồi, coi có chỗ nào lấy chồng đi cho tui nhờ; để tui lo lắng, sợ “khôn ba năm dại một giờ” như tui thì khổ cả đời.

     Nhi cười ré lên:

     -Má kỳ ghê! Có số cả, có ai muốn vậy đâu hè.

     -Vào tắm rửa thay đồ nhanh lên rồi cùng đi, ở đó mà kỳ với không kỳ. Có cái thân là lo mà giữ, đừng có đổ thừa tại cái số nầy, số nọ nghe chưa?.

     -Vâng! Tuân lệnh má yêu!

     Nhi vừa cười khúc khích vừa chạy vào nhà. Thằng Xện lái chiếc xe bốn chỗ ra ngoài ngõ, dừng lại, chờ mọi người lên xe. Thằng Xện hỏi:

     -Ăn sáng ở đâu đây, má?

     -Quán chay An Lạc, đường Nguyễn Thái Học ấy.

       Chị Tư âu yếm liếc nhìn hai con, nghĩ rằng cánh bèo trôi nổi ngày xưa đã về đậu được bến yêu thương mơ ước. Những tia nắng mai ấm áp, chan hòa như reo vui hai bên đường còn thoảng mát hơi sương.

 

 03/2018

 

 

 

 

 

Tiểu Nguyệt
Số lần đọc: 1643
Ngày đăng: 30.05.2018
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Im lặng của đất - Trần Quang Phong
Nàng thơ - Nguyễn Đại Duẫn
Chuyện ngọ xưa - Trần Trung Sáng
Chạp yêu - Chế Diễm Trâm
Truyện rất ngắn - Võ Công Liêm
Mưa tạnh / Vợ chồng già - Biển cát
Chiếc áo màu gạch - Bùi Thanh Xuân
Xứ tưởng - Ngô Nguyên Dũng
Con chim nhỏ trong lồng - Elena Pucillo Truong
Mùi hoa vạn thọ - Bùi Thanh Xuân