Má của Bảo không bao giờ giấu giếm những gì bà đã nghiệm trải trong quá khứ.
Trời, bà cười xuề xoà mỗi khi nhắc lại, mấy chuyện hồi nẳm, thuở má còn con gái, ở cái làng nhỏ xíu ven cửa sông Hậu trổ ra biển đó hả, vui quá chừng!
Chỗ làm việc của bà là ngôi nhà nhiều gian lắm chái, mái lợp ngói âm dương, ẩn trong rừng tre trúc rậm rì. Theo ngôn ngữ thời đại bây giờ, có thể kêu đó là "Cơ quan Bồi dưỡng" của đàn bà, con gái trẻ đẹp, vui tánh. Nam khách vãng lai còn đặt cho nó cái tên văn huê bóng bẩy là "Đệ Tam Khoái Tửu Điếm". Má Phước là người chủ trì, lo việc điều khiển "cơ quan", trong ngoài chu đáo.
Không, bà chúm môi lỏn lẻn. Má không phải là một trong số "nữ nhân viên bồi dưỡng" nầy đâu nghe con, đừng có nghĩ bậy! Con ngó lại coi, dung nhan cha sanh mẹ đẻ của má làm sao so bì với sắc nước hương trời của "mấy con nhỏ đó". Trong bốn món "công, dung, ngôn, hạnh" dành cho nữ giới, ông trời chỉ ban cho má độc nhứt chữ "công" làm thuốc.
Đúng vậy, bà quán xuyến chuyện chợ búa, nấu nướng, giặt ủi, và kiêm luôn coi bói, là món nghề độc đáo của bà được hết thảy nữ nhân viên "đánh giá cao". Ừ, thì… cũng là cái lẽ công bằng của trời đất, má ấm ứ. Thay vì nhan sắc, bà sở hữu bẩm sinh được nghệ thuật nấu ăn và tài bói số. Vậy mà, rủi thay, bà chép miệng nén tiếng thở dài, những biến động quốc sự của đất nước má lại không tiên liệu được, Bảo à!
Kỹ xảo làm bếp của bà nức tiếng độc nhứt vô nhị một thời, ở xẻo đất sông nước ngọt, lợ sáu tháng đổi thay đó. Trong bất kỳ đình đám lớn nhỏ nào trong làng, theo tục lệ địa phương hay có tính cách tôn giáo, lúc nào bà cũng được ban hương quản hội tề đề bạt làm bếp chánh, mặc dù ai cũng biết bà là người ăn kẻ ở trong tửu điếm của má Phước. Là nơi, mỗi khi nữ giới gia giáo trong làng nhắc tới, đều trề môi nhún mỏ khinh miệt. Chẳng hề hấn chi, vì theo bản tánh tham thực của người Việt mình, "ăn" đứng đầu tứ khoái. Còn cái chuyện "ái tình xác thịt" kia, nói theo cách dung tục, chỉ được xếp hạng thứ ba mà thôi. Cũng chính vì vậy mà má Phước, một người có đầu óc và sáng kiến thương mại tận tuỵ, còn sai thợ xây riêng một chái bếp, cách "tửu điếm" một khoảng sân đổ gạch xà bần, có lối đi lót gạch nung, chưng cây kiểng, tránh cảnh xô bồ tấp nập trong những cao điểm cuối tuần đầu tháng. Ở đó là chu vi dụng võ để má của Bảo trổ tài thoả mãn "đệ nhứt khoái" cho nam nhân tài tử tứ phương. Lẽ đương nhiên rồi, bà làm mặt nghiêm trọng, má với má Phước đã cặn kẽ bàn nhau năm lần bảy lượt khi ra thực đơn. Cả hai đều thuận ý, chỉ nấu những món bổ thận và tráng dương, theo tiêu chuẩn "nhất dạ, lục giao, sanh ngũ tử", cho thực khách. Như dê bảy món, đặc biệt là cà-ri dê đúng bài bản Ấn độ. Tiết canh vịt rau húng quế. Cháo thận dồi trường. Và, đặc sản của quán, được tài tử miệt vườn hoan hỉ chiếu cố, là món ngọc dương và ngọc hành bò tiềm thuốc bắc. Cơ sở kinh doanh cứ vậy mà phát đạt.
Tửu điếm sống được nhờ cậy khách nam giới. Phồn thịnh cho tới lúc cuộc nội chiến, từ đâu hổng biết, lan tới quê hương bà. Lớp lớp đàn ông trai tráng trong làng phải lên đường thi hành quân dịch, thì tửu điếm bắt đầu ế ẩm. Trai tráng, lắm kẻ buộc phải lìa quê. Một số không ít lẩn vô bưng, theo cánh giải phóng. Nhà cửa, ruộng vườn bỏ lại cho nữ nhi lo liệu. Mà, đâu phải chỉ có vậy, má buông tiếng xuôi xị, mấy chả còn rù quến đám "nữ nhân công" đi theo nữa, có chết hông chớ! Có đứa, hổng biết ăn nhằm giống gì, lại nghe theo, mới ác. Chỉ sau một đêm, gần phân nửa "công nhân viên" trốn "nhiệm sở" vô tung biệt tích. Trong số đó, nhiều ả là danh kỹ đẻ ra tiền của tửu điếm, mới xui tận mạng cho má Phước!
Má Phuớc rầu rĩ, lo âu không kể xiết, đêm ngày không ngớt khẩn nguyện thần Bạch Mi. Nói tới đó, má của Bảo hấm hứ, đã nói rồi, kệ thờ ông tổ mày trắng với lại ông thần tài không được đặt chung, dẫu là bên dưới, với trang thờ Phật, mà phải dời qua chỗ khác mới đúng. Bả có chịu nghe đâu! Đó, đó, thấy chưa! Người làm bỏ trốn, tài lộc tiêu tán. Đám còn lại, nhè thời buổi kinh tế suy sụp, khách hàng thưa thớt, lại sanh tật "dâm thực" và càng lúc càng mê tín dị đoan.
Nói tới nói lui, không qua nói thiệt, năng khiếu bói toán của bà có giới hạn. Vì vậy, lắm khi bà phải vận dụng tối đa óc tưởng tượng. Má là phụ nữ độc nhứt trong tửu điếm, má cao giọng kiêu hãnh, có trình độ học vấn lớp ba trường làng, biết đọc và viết trơn tru; được trọng vọng là người đọc nhiều, hiểu rộng. Tủ sách giáo khoa và văn chương Tàu Việt của thầy giáo làng, bà đọc gần hết. Nhờ vậy mà, những khi coi bói, bị tổ trác, bà chêm vô tình tiết đọc trong "Kim Vân Kiều", làm nhiều đứa không khỏi sa nước mắt. Không chuyện gì phải xấu hổ hết á, má khẳng khái lên tiếng, vì bà coi bói không nhận một xu tiền quẻ. Nếu có, chẳng qua vì lòng tốt của thân chủ mà thôi. Quà cáp cúng quẻ có khi là vài thước lụa hảo hạng nhân dịp Tết nhứt, một chai dầu thơm Tây nhập cảng chính hiệu, hay cái vé coi cải lương gánh hát lưu diễn.
Sau vài tháng kinh tế kiệt quệ, để đối phó tình trạng miệng trên làm việc nhiều hơn miệng dưới của đám đàn bà con gái, má Phước đề ra chính sách "lương thực tự lực cánh sinh". Má của Bảo được giao phó nhiệm vụ chỉ dạy mọi người cách trồng rau cải và đi qua vườn hàng xóm, mua trái cây tự hái. Hai lần trong tuần, bà còn hướng dẫn cả đám ra hồ nước ngọt gần đó lưới cá.
Nhằm mùa nước ngọt, không biết từ đâu, cá hội về hồ Cá Lóc, thấy bắt ham, má chắt lưỡi hít hà. Hồ nước rộng minh mông. Một cánh rừng mắm rậm rì bao bọc chung quanh. Theo lời đồn đại, trong đó là sào huyệt của nhiều đám lục lâm, thổ phỉ. Ối, nhằm nhò gì mấy chuyện đó. Cùi mà, đâu có sợ lở, má hấm hứ. Mà, xuất xứ của nhiều gã đã từng tới lui tửu điếm cũng tì vết vằn vện, sạch sẽ gì cho cam!
Không biết tác năng hành nghề của đám nữ nhân viên điệu nghệ tới đâu, chớ chuyện cá mú, mấy con quỉ cái bù trất. Nhiều buổi cắp lưới, xách giỏ, đi rồi về gần như tay trắng. Mấy ả chẳng màng, coi chuyện ra hồ Cá Lóc bắt cá như một chuyến du ngoạn giải trí, mặc sức giỡn hớt. Mấy cô vừa vẫy vùng bơi lội, tắm rửa, gội đầu, vừa lớn giọng kể chuyện tiếu lâm cho nhau nghe; không cần biết rằng, làm như vậy, cá nào dám bén mảng tới gần!
Một bữa nọ, lúc vùng trời phía đông chập choạng đổi sắc chàm, các ả í ới gọi nhau, chuẩn bị ra về. Thấy thiếu một người! Chị bếp!
Kể tới đó, má của Bảo bụm miệng cười sặc sụa, sa nước mắt sống. Thiếu mặt bà, chính bà, chớ không ai khác.
Đầu đuôi cớ sự xảy ra như vầy!
Trong cánh rừng mắm lầy lội ấy, tới mùa nắng ráo, sinh sản một thứ ốc gạo tuyệt hảo, vừa mập vừa ngọt. Ốc gạo luộc lá ổi chấm nước mắm tỏi ớt là món ăn chơi rất được dân nhậu ưa chuộng. Bữa đó, má để cho mấy cổ ở lại vọc nước, một mình xách giỏ, lủi vô rừng mắm bắt ốc.
Đang độ nước ròng. Ngọn gió biển nhè nhẹ thổi vô, xua dịu cái nóng xế trưa oi bức. Thói thường, chim muông chốn nầy hằng hà sa số, vậy mà bữa đó, chắc bận trốn nắng sao đó, nên không nghe động tĩnh gì ráo. Chỉ nghe mỗi bầy ve biếng nhác khàn giọng rân ran. Âm vang chói tai nghẹn lại, ù đặc thính giác. Ruồi lằng cùng muỗi mòng đánh được hơi người, từ lùm bụi hang hốc, ở đâu hổng biết, túa ra, vo ve quanh quất. Cánh rừng nước cạn cởi áo trầm thuỷ, phơi ra, rộng gần gấp đôi lệ thường, trần trụi phô bày dung nhan nhiệt đới. Má ưa nhứt loại cây tầm gởi, chỉ thấy ở miệt nầy, đang tới mùa trổ bông vàng rực, đẹp không biết tả sao cho đúng. Ngó thoáng qua, mường tượng như hàng ngàn cánh bướm mướp đang chập chờn khoe sắc. Nhưng mà, lúc đó má đâu để ý gì tới chuyện cây với cảnh, vì còn mê mẩn gò lưng bắt ốc. Không phải chuyện đơn giản nghe con, bởi vì sau khi nuớc rút, lũ ốc tự động vùi sâu xuống bùn. Vì vậy, má chỉ còn nước nhờ cậy vô giác quan nhạy bén của đôi bàn tay đầu bếp và chịu khó mò mẫm. Chỉ một lát sau, giỏ mây sau lưng má đã nặng trịch gần đầy ốc gạo, con nào con nấy mập ú, cỡ bằng ngón tay cái người lớn. Tánh tham làm má quên hết, chẳng để ý gì tới giờ giấc và khung cảnh chung quanh nữa. Ngay chuyện đỉa trâu bu đầy bắp chưn, má cũng không ngó ngàng gì tới. Khi cất lưng đứng lên muốn hổng nổi, má mới duỗi người nghỉ mệt. Đưa mắt ngó quanh quẩn, má bắt run en ớn lạnh, vì không còn biết mình đang ở đâu nữa. Không còn nghe tiếng được tiếng mất của mấy con quỉ cái giỡn nước vẳng lại theo gió. Giữa bốn bề cây lá u minh vang vọng chát chúa bài hoan ca ve sầu không dứt. Cánh rừng mắm quen mắt quen tai bỗng dưng hoá thành một mảnh không gian lạ hoắc, mọc đầy bất trắc. Má hấp tấp tìm lối quay lại. Chỉ được một quãng ngắn, má đụng đầu hai người đàn ông dáo mác giắt lưng, từ lùm cây xông ra chắn lối. Rồi họ huơ mác hăm doạ, bắt má đi. Quỉ thần ơi, bấy giờ má mới hiểu ra, họ chính là đồng bọn của đám thổ phỉ đang bị cò bót truy lùng khắp lục tỉnh Nam kỳ thời bấy giờ.
Má cứ đinh ninh rằng, phần số mình coi như bạt mạng từ đây. Sau nầy mới té ngửa, má bị họ bắt cóc chỉ tại cái tài làm bếp độc nhứt vô nhị của má, đó con!
Để rồi, má tháp tòng đám thảo khấu vào sanh ra tử khắp Nam kỳ, và được họ đối xử như đồng bọn. Má nhận diện ra vài đứa trong đám đã nhiều phen lui tới tửu điếm chơi bời, nhậu nhẹt. Được cái, hết thảy mọi thứ họ cướp đoạt, đều được chia chác sòng phẳng cho mọi người, mặc dù chưa lần nào má đích thân nhúng tay làm chuyện ngoài vòng pháp luật đó. Năm nầy tháng nọ, má lẽo đẽo gồng gánh nồi niêu song chảo theo chưn họ đối đầu với hiểm nguy, chia ngọt sớt bùi những thịnh suy đời thảo khấu. Để thấy ra chuyện sống chết lắm phen mỏng dánh như tơ nhện. Và cùng nhau trải qua những biến thiên động địa của đất nước mình. Má chấp nhận không một lời ta thán, và được đền bù bằng tình cảm rộng lượng của thủ lãnh Hai Tâm. Má nói thiệt, đó không phải là thứ sấm sét ái tình đọc được trong văn chương tiểu thuyết đâu con, mà là cái tình tới từ miếng ăn cái uống mỗi ngày ba bận, đong càng lúc càng đầy, trong hoàn cảnh rày đây mai đó. Cho tới một ngày, má cấn thai.
Phước hạnh không kéo dài được lâu, vì ít lâu sau, Hai Tâm mắc bịnh sốt rét. Trước ngày dứt chiến tranh, ổng trút hơi thở cuối cùng trong khu rừng mắm quen thuộc, trong cánh tay má còn váng vất mùi tỏi hành, mắm miếc. Theo lời trăng trối, ổng được mai táng tại một gò đất kín đáo mọc nhiều giống cây tầm gởi bông vàng, mà má đã bao phen ngửn ngơ ngắm nghía.
Bảo à, đúng vậy, con chính là hậu duệ của thủ lãnh đảng cướp khét tiếng một thời đất lục tỉnh Nam kỳ. Ổng là kẻ bị chánh quyền ráo riết truy lùng, và cũng là người được dân chúng tôn sùng nhiều nhứt xứ Nam kỳ thuở đó, vì phần lớn mọi thứ ổng và đồng đảng đi ăn cướp nhà địa chủ bóc lột, sau đó được phân phát cho tá điền.
Bữa nay, nhân ngày thành niên của con, má thố lộ cho con biết điều bí ẩn nầy. Đừng bao giờ quên rằng, con mang trong người huyết thống kiêu hãnh, là đứa con được sanh ra bằng tình yêu chân thành của má và của một kẻ có thể được gọi là "anh hùng dân tộc" đúng nghĩa.
(phỏng dịch từ "Das Haus der dritten Glückseligkeit" trong tập truyện "Die Insel der Feuerkrabben" - POP-Verlag, 2011, cùng tác giả, tháng 4. 2010. Nhuận sắc, 06.2018)