Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.185
123.212.145
 
Thêm một lần trò chuyện với “THÔNG”
Yến Nhi

 

***

                        Dọc con đường hơn chục cây số từ Cửa Hội lên Gia Lách sang Vinh - thành phố nổi tiếng miền Trung , chúng tôi đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác. Vừa qua quê Tả Ao, đã đến quê Nguyễn Du, vừa qua quê Nguyễn Công Trứ đã đến quê Ngụy Khắc Tuần (1) nơi mà sóng gió chuyến đi sứ Pháp quốc của ông cùng Phan Thanh Giản còn réo vỗ đến bây giờ…Chưa thôi kinh ngạc với con đuờng mới mở qua nhà thờ  quan Tư đồ Nguyễn Nghiễm, đã bồi hồi trước lối xóm quê xưa tác giả “Nho Giáo” ( Trần Trọng Kim)…Ít đất nào đậm đặc nhân tài như vùng ven hạ lưu sông Lam này!

            Chúng tôi ghé qua đền thờ Uy Viễn giữa tiết lập thu nhưng đền heo hụt khói nhang, chỉ rộn tiếng trẻ nô đùa. Đập vào mắt chúng  tôi một cây thông bật trơ gốc rễ, người ta chưa kịp đẵn  làm củi có lẽ còn đợi đêm về.

            …Ngày thàng qua đi , chuyến đi cũng chỉ còn trong kỷ niệm, chợt gặp bài thơ Cây thông bị đổ ở đền thờ Nguyễn Công Trứ của Võ Hồng Hải . Kỷ niệm ùa về kéo theo nhiều cảm xúc .

 

…Chỉ một vuông trờì nhỏ

Và phi lao, bạch đàn quen quây quần với cát

Cơn  gió nào qua đây

Làm cây thông đổ kềnh rễ trơ cùng trời đất…

 

Tôi  ngậm ngùi  thắp hư­­ơng trư­ớc bia Nguyễn Công

Lặng ngắm cây thông đang chết dần thân lá

Đã một đờì trai dọc ngang xứ lạ

Giờ Ngư­ời  về yên phận với đất  quê ?

 

Mới biết.

Đã là thông

Đâu dề sống chung vớt cát

Đă lã thông

phải cứ can tr­ường hát reo

  nơi cheo leo vách đá…

 

   22-02-2004

 

Đồn rằng Nguyễn Công Trứ một đời tài hoa, phong lưu ít ai bì, chốn quan trường lại không thôi lận đận. Ông ra đi để lại nhiều thơ phú và giai thoại, nhưng đáng quí hơn là góp cho đời  hai người con gái tài sắc . Một là nữ sĩ Nguyễn Thị Quyên ( Bà Tú Y) suốt một đời gắn bó với quê hương và thứ nữa là nữ tu pháp danh Diệu Điển(2) sống ở tít trời Nam.

Sinh thời Nguyễn Công Trứ khác Nguyễn Du không tin vào thuyết “Tài mệnh tương đố”, mà chỉ tin vào thuyết “Hữu tài tất hữu dụng ”Ấy thế mà điều ngài không tin lại vận vào mình lúc cuối đời, để đến nỗi khóc cười lẫn lộn. Cảm thông cuộc đời bậc tài danh quá cố , tác giả nhân chuyện  gặp cây thông bị đổ trước đền thờ Uy viễn đã xuất thần một bài thơ khá xúc động. Chữ nghĩa không nhiều nhưng tình ý miên man…

*

Đề tài Cây thông chúng ta gặp khá nhiều trong thơ cổ. Nguyễn Trải có Tùng, Nguyễn Công Trứ có Vịnh cây thông… Trong quan niệm truyền thống Tùng (thông) tiêu biểu cho đấng trượng phu, cứng cỏi, cao cả và nhân ái( nhựa dùng làm thuốc ). Hà Tĩnh rất nhiều thông, thông Hồng Lĩnh khá nổi tiếng với bài Lục bát về thông của Thạch Quì:…

Tưởng là nước đã bào trôi

Tưởng là nắng đã khô rồi đá ong

Bây giờ thông, bây giờ thông

Theo chân con gái lên vùng đá khô…

Tâm sự về thông, không mấy ai không thông cảm với tâm trạng chua chát của Nguyễn Công Trứ một thời: Ngồi buồn mà trách ông xanh/ Khi vui muốn khóc buồn tênh lại cười /Kiếp sau xin chớ làm người/ Làm cây thông đứng giữa trời mà reo…

            Đó là tâm trạng của một bậc hiền tài chua xót trước thời cuộc, đượm buồn nhưng không bi quan, yếm thế ; vẫn thể hiện bản lĩnh của một bậc đạt nhân quân tử luôn tuỳ ngộ nhi an, đứng vững trước mọi thử thách. Ông trách cái xã hội oái oăm nhiều ngang trái, nhưng không đủ nhận thức để phủ định, cải tạo nó. Bởi vậy mà sinh ra bi kịch!

Hai thế kỷ sau Võ Hồng Hải - người đồng hương với Nguyễn,  trong bài thơ Cây thông bị đổ ở đền thờ Nguyễn Công Trứ , vẫn khai thác cái vẻ đẹp kiên cường của tính cách người xưa trong ẩn dụ về “Cây thông”:                

    Đã là thông/Phải cứ can trường hát reo/nơi cheo leo vách đá.

Con người tích cực phải được thử thách trong hoàn cảnh  gian lao! Đó là ý nghĩa  đời sống của những trượng phu, chí sĩ thuở  trước , cũng như của những nhà ái quốc, những chiến sĩ Cách mạng , những con người mới thời nay!.

            Nhưng cuộc sống phải chăng lúc nào cũng là thử thách, nơi nào cũng là chiến trường, hay đèo cao dốc núi? Đời thường, cây thông quen sống nơi cheo leo vách đá đầy cam go thử thách, nay về nơi cát đất trơ lỳ bằng lặng, nơi chỉ quen với lũ phi lao, bạch đàn khẳng khiu, còi cọc, cạnh tranh sinh tồn nó đã “ đổ kềnh rễ trơ cùng trời đất”, theo thời gian “chết dần thân lá” .

…Một đời trai dọc ngang xứ lạ

Nay người về yên phận với đất quê.

…Cơn gió nào qua đây

Làm cây thông đỗ kềnh rễ trơ cùng trời đất.

…Tôi ngậm ngùi thắp hương trước bia Nguyễn Công

Lặng ngắm cây thông đang chết dần thân lá.

Cây thông và đất quê, một tương quan đầy kịch tính về thân phận những con người trí dũng cao cả về với miền gió Lào cát trắng .

 Bài thơ hay, chặt chẽ và độc đáo trong cấu tứ. Các tầng nghĩa đan quyện vào nhau khá tự nhiên. Hình ảnh Cây thông cứ vương vấn day dứt tác giả cũng như người đọc! Thương cho một đời thông không may mắn, ngậm ngùi cho một đời người không như ý: Tôi ngậm ngùi thắp hương trước bia Nguyễn Công…

Cái mạch chìm  bài thơ làm  người đọc phải suy ngẫm nhiều, một câu hỏi cứ day dứt tưởng như Nguyễn Công  sống lại cũng  tê tái . Lúc làm ngừời thì phải chịu cảnh “khi vui muốn khóc , buồn tênh lại cười” nên mơ ước thành thông để “giữa trời mà reo”, nhưng kiếp thành thông thì “đổ kềnh rễ trơ cùng trời đất”. Con người tài trí ấy về đất quê muốn yên phận sau một thời ngang dọc, mà quê hương cũng không bao dung nổi, vì Đã là thông đâu dễ sống chung với cát…Cuộc sống tầm thường, cát đất quê chỉ thích hợp với bạch đàn và phi lao Và phi lao bạch đàn quen quây quần với cát…

            Thể thơ tự do góp phần đưa tâm trạng người đọc đột ngột đi qua nhiều trạng thái cảm xúc: buồn thương, nghi ngờ, chua xót, cảm thông...Ngôn ngữ thơ hàm súc, nhỏ nhẹ như một lời tâm sự, ý ngoài lời.

Bài thơ nhắc chuyện người xưa  nhưng lưu ý chúng ta một hiện thực thời nay tuy không phổ biến nhưng cũng không dễ bỏ qua. Nhiều người con sau nhiều năm đất khách trở về, mong đem chút sức lực đóng góp cùng quê hương. Nhưng không ít người bẽ bàng vì sau một thời gian ở quê  thấy mình nếu không biến thành phi lao, bạch đàn của sự cơ hội tầm thường thì cũng sẽ bị lãng quên, chết dần thân lá, mỏi mòn theo thời gian!

 Chúng ta mong sao mảnh đất  đầy gió lào cát trắng, vượt qua những tập tục, thành kiến hẹp hòi, động viên được mọi tài năng làm giàu cho quê hương xứng đáng là nơi mà hai trăm năm trước Bùi Huy Bích (3) từng ca ngợi:

Nhân tài tự cổ đa hào kiệt

Văn vật như kim tất đại đồng

dịch:

Từ xưa nhân tài ở đây rất nhiều

Văn vật ngày nay đất cũng không khác xưa.

 

 

 

Ghi chú :

(1) Ngụy Khắc Tuần (1789-?) quê Xuân Viên, Nghi Xuân, đỗ tiến sĩ 1828, làm quan đễn chức Hộ bộ thượng thư , triều Minh Mạng.

(2)Xem thêm: - Từ điển nhân vật lịch sử VN - Nguyễn Q. Thắng & Nguyễn Bá Thể

                        - Các nhà nho Xứ Nghệ - Ninh Viết Giao

(3)   Bùi Huy Bích: hoàng giáp thời Lê ( 1744 -1818 )quê l. Định Công, h.Thanh Trì, ngoại thành Hà Nội, làm quan đến chức tể tướng (có thời gian làm Đốc đồng Nghệ An).

 

Yến Nhi
Số lần đọc: 1419
Ngày đăng: 05.06.2018
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Đọc thơ Trần Yên Hòa: hơn năm mươi lăm năm thơ - Phan Tấn Hải
Nguyễn An Bình “một đời thơ lung linh sắc màu tình yêu” - Lê Ngọc Trác
Đỗ Hồng Ngọc - Phạm Thanh Chương
Đỗ Trung Quân - Phạm Thanh Chương
Nguyễn Nhật Ánh - Phạm Thanh Chương
Đọc tập thơ Đủng đỉnh trăng về - Bùi Minh Vũ
Nhà văn Hồ Việt Khuê với tác phẩm mới - Phan Chính
Trần Hoàng Vy “những trang thơ thơm ngát gió sông Trà” - Lê Ngọc Trác
Hai văn tài trên hai cuốn sách - Chế Diễm Trâm
Tôi sinh ra để cháy - Nguyễn Thánh Ngã
Cùng một tác giả
Ban Mai (thơ)
Thế sự nhàn đàm (tiểu luận)
Cúc xưa (phê bình)