Vậy là sau bao lần hò hẹn, cuối cùng tôi cũng đưa được Nguyễn Bé, người con của đất mũi Cà Mau về bên đất trời Cửa Việt, để anh cảm nhận thêm ý nghĩa của câu hát: “…Ôi có những vì sao thức cùng ta đêm nay/ Như mắt em sáng lên muôn niềm tin/ Ta nhớ má Năm Căn/ Ta thương em Cửa Việt/ Mười bốn năm rồi giấc ngủ chưa tròn/ Cả miền Nam đang gọi chúng ta đi…” trong “Bài ca Trường Sơn” của nhạc sĩ Trần Chung. Còn riêng tôi, mỗi khi có niềm vui hay nỗi buồn, tôi đều tìm về với biển Cửa Việt, dù còn nhiều cửa biển và bãi biển đẹp và hấp dẫn hơn. Biển nơi này bao đời nay vẫn xanh biếc và sóng vẫn vỗ liên hồi vào bờ không ngừng nghỉ, một cách miệt mài, bao dung. Đứng trước biển, tôi có cảm giác mọi nỗi buồn đều tan biến, bởi suy cho cùng, mỗi con người cũng chỉ như là hạt cát nhỏ giữa đại dương bao la. Từ trước đến nay tôi cứ nghĩ biển rộng lớn đến vô cùng, không một ai, thế lực nào có thể khuất phục được. Vậy mà có lần “biển chết”. Chuyện xảy ra chưa lâu.
Cách đây hai năm, cả một dọc dài bờ biển hàng trăm cây số từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên Huế vốn tập nập, đông vui bởi những chuyến tàu đi về và dòng người về biển hòa mình vào dòng nước mát để trốn chạy cái oi nồng của mùa hạ, thưởng thức hương vị của biển khơi, thế mà vào tháng 4 năm 2016 bỗng nhiên hoang vắng. Trên bờ nhìn ra, trải dài một màu nước tím thẩm, chỉ có những chiếc thuyền to nhỏ nằm im lìm trên trảng cát, bên cửa lạch. Cái không khí chết lặng, đông đặc ấy là do hiện tượng cá chết hàng loạt tấp vào bờ. Thời điểm ấy báo chí cả nước tràn ngập thông tin về hiện tượng cá biển chết hàng loạt. Ban đầu người ta đoán già đoán non về nguyên nhân cá chết. Nào là thông tin về dịch bệnh, về hiện tượng tảo đỏ, về nghi can xả thải của Formosa…Nhiều người tỏ ra trách cứ các nhà chuyên môn và chính quyền sao mà chậm đưa ra kết luận. Dư luận càng phẫn nộ hơn bởi người của Công ty Formosa trả lời phỏng vấn báo chí nói rằng Việt Nam nên cân nhắc chọn con tôm, con cá…hay là thép, gang. Lúc đó nhiều người đã nhận ra trong câu nói của người Đài Loan kia có phần sự thật, họ chính là tác nhân gây nên thảm họa môi trường biển cho các tỉnh miền Trung. Rồi thì người ta cũng đã chỉ ra thủ phạm sau bao khắc khoải của người dân. Đó là những chất cực độc (phenol, xyanua) do Công ty TNHH gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh xả thải ra biển trong quá trình súc rửa hệ thống vận hành nhà máy thép. Theo thống kê của cơ quan chức năng, sự cố này đã gây thiệt hại nghiêm trọng về môi trường, hệ sinh thái biển và nguồn lợi hải sản, ảnh hưởng rất lớn đến sản xuất, kinh doanh và sinh hoạt của khoảng 510.000 người dân thuộc 130.000 hộ dân ở 730 thôn, xóm tại 146 xã, phường, thị trấn của 22 huyện ven biển của 4 tỉnh miền Trung từ Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị đến Thừa Thiên Huế. Thiệt hại không gì có thể bù đắp được này đã được Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Trị Hà Sĩ Đồng thốt lên trên diễn đàn kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XIV: “Còn gì buồn hơn và lo lắng hơn khi người dân không ra khơi bám biển mà phải đi tìm những việc làm khác để mưu sinh…Sự cố ô nhiễm môi trường biển chưa từng có đã xảy ra với thủ phạm được Chính phủ chỉ rõ là Formosa. Người dân đang hàng ngày, hàng giờ sống cùng những lo âu; đời sống sản xuất kinh doanh của người dân trên địa bàn 4 tỉnh miền Trung ảnh hưởng nghiêm trọng, các sản phẩm đánh bắt hải sản ven bờ, xa bờ đều khó tiêu thụ. Tàu cá khai thác gần bờ trong thời gian qua gần như nằm im hoàn toàn, các hộ thu mua và kinh doanh hàng thủy sản cũng như dịch vụ hậu cần nghề cá không hoạt động được…”.
Thời điểm ấy, trên các diễn đàn hội nghị, các cấp, các ngành phải thực hiện một nhiệm vụ rất khó khăn là làm gì để ổn định đời sống cho hàng vạn, hàng triệu người dân vùng biển và liên quan. Lãnh đạo tỉnh Quảng Trị ngày nào cũng về với người dân vùng biển, ngay từ đầu đã quyết định cấp gạo và tiền hỗ trợ khẩn cấp cho các đối tượng bị ảnh hưởng. Các cơ quan, ban ngành, những tấm lòng hảo tâm trong cả nước lại về với vùng biển để cứu trợ, chia sẻ với đồng bào như mỗi bận thiên tai. Vậy mà ở đây đó các thế lực thù địch lợi dụng sự cố này đã kích động người dân biểu tình chống Pormosa, kỳ thực là muốn làm mất ổn định tình hình để mưu toan chống phá. Trước Hội nghị của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh bàn về đề án chuyển đổi sinh kế cho người dân vùng biển, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Quảng Trị Nguyễn Văn Hùng điện thoại cho tôi “đặt hàng” phải có tiếng nói phản biện chính sách của tỉnh sắp ban hành về chuyển đổi sinh kế cho người dân vùng biển. Tôi biết các anh chị trong lãnh đạo tỉnh lo lắng thật nhiều cho sinh kế của người dân sau sự cố môi trường biển và đang trăn trở xây dựng chính sách an dân.
Sau khi nắm bắt được tâm tư nguyện vọng của cấp ủy, chính quyền và người dân vùng biển, cùng với việc đăng đàn nêu nguyện vọng của cán bộ, nhân dân vùng biển ở diễn đàn của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, tôi cùng với các đồng nghiệp suy nghĩ làm sao để đưa đề án tạo sinh kế cho người dân vùng biển của tỉnh sớm đi vào cuộc sống. Từ thực tế, chúng tôi tập hợp tư liệu đăng loạt bài với tiêu đề: “Những vấn đề đặt ra trong việc tạo sinh kế cho người dân vùng biển” trên nhiều kỳ báo. Trong loạt bài này, chúng tôi đặt ra những vấn đề trăn trở, như: Người dân vùng biển vốn quen tay chài lưới, nay chuyển sang cầm cày, cầm cuốc làm nông như đề án liệu có thành công? Quỹ đất vùng cát ven biển hiện tỉnh đã giao cho các dự án của các nhà đầu tư, còn lại diện tích nhỏ không đủ đất cho người dân canh tác, do đó cần tạo cơ chế cho người dân mượn đất để sản xuất được không? Chính quyền địa phương khuyến khích người dân vùng biển trồng cây lương thực, thực phẩm và chăn nuôi gia súc, gia cầm, nhưng liệu rồi sản phẩm làm ra quá nhiều có giải quyết được đầu ra? (về vấn đề này sau đó chưa đầy một năm giá thịt lợn rớt giá, chính quyền, các ban, ngành liên quan đã phải kêu gọi giải cứu thịt lợn giúp người chăn nuôi). Cơ chế cho ngư dân vay vốn đóng tàu theo Nghị định 67-NĐ/CP của Chính phủ liệu có được nới rộng thêm số lượng vốn để phát triển đội tàu đánh bắt xa bờ? Chúng tôi cũng đã đi tìm các mô hình xây dựng trang trại nuôi lợn rừng, vịt biển trên vùng cát của các bạn trẻ ở vùng biển như mô hình của kỹ sư Nguyễn Hữu Giáp; đi tìm hiệu quả từ chính sách của tỉnh cử các kỹ sư nông nghiệp về cùng ăn, cùng ở, cùng làm giúp dân tìm lối đi trong tạo sinh kế? Rồi thì quyết tâm không bỏ biển của bao ngư dân dù đang ở thế tiến thoái lưỡng nan, chưa biết bao giờ biển sẽ hồi sinh? Cứ thế, chúng tôi trăn trở cùng các ban ngành, với người dân để tìm cách lách quá “cánh cửa hẹp” do sự cố môi trường biển để cùng người dân tìm kế sinh nhai, mong sớm vượt qua những ngày khốn khó, hy vọng đợi chờ có một ngày biển trở lại trong xanh.
Sự cố môi trường biển vừa mới xảy ra thì tháng 5 năm 2016 diễn ra cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016-2021. Trên địa bàn tỉnh Quảng Trị dù đang bị ảnh hưởng nặng nề bởi sự cố môi trường biển nhưng cử tri cả tỉnh vẫn tập trung đi bầu cử với tỉ lệ trên 99,5%. Mới thấy khi chính quyền cùng trăn trở, chăm lo cho người dân, thì ngược lại người dân sẽ biết đáp lại như thế nào. Hôm dự họp báo ở Ủy ban nhân dân tỉnh, tôi phấn khích phát biểu, gửi gắm thông điệp với lãnh đạo chính quyền rằng trong kỳ họp đầu tiên của HĐND tỉnh, lãnh đạo tỉnh cần có động thái bày tỏ lòng biết ơn sự quan tâm xây dựng chính quyền của các tầng lớp nhân dân. Bởi lẽ trong khi ở tỉnh này tỉnh kia còn xảy ra một số vụ việc người dân bị thế lực thù địch lợi dụng kích động chống phá, tụ tập biểu tình mất an ninh trật tự thì ở đây, nơi vùng đất Quảng Trị khó nghèo này, người dân trong gian khó vẫn kiên trì chịu đựng, biết chia sẻ với với khó khăn chung, để rồi vẫn giữ vững niềm tin vào sự lãnh đạo của cấp ủy, chính quyền và ra sức làm lụng để chờ đón sự thay đổi trong tương lai.
Rồi từng ngày, từng tháng đi qua, biển đã không phụ công người. Khi những luống cây thực phẩm bên những triền cát trắng ven biển đã lên xanh, ra hoa kết quả; khi những vật nuôi của ngư dân đã đủ trọng lượng, chuẩn bị xuất chuồng, hứa hẹn đem lại nguồn thu nho nhỏ cho mỗi gia đình để chuẩn bị cho con em bước vào năm học mới thì cũng là lúc biển hồi sinh. Bắt đầu là những ngày hè năm 2017, vào cuối tháng tư, dịp mừng ngày đất nước thống nhất, dòng người từ các đô thị, từ đồng bằng và du khách khắp nơi lại đổ về biển Cửa Việt và các bãi biển trong tỉnh với con số kỷ lục. Rồi thì những con tàu lâu nay nằm bờ cũng đã trở lại với biển khơi xa. Sau những ngày “biển chết”, bây giờ con cá, con tôm lại quay về với biển và người dân qua khẳng định của ngành chức năng đã không còn ngại ngùng khi dùng cá, tôm, cua từ biển. Một tin vui không chỉ cho ngư dân Quảng Trị mà còn của ngư dân của các tỉnh miền Trung khi chiếc tàu của ngư dân Lê Văn Tuấn ở thôn Xuân Lộc, xã Gio Việt, huyện Gio Linh cùng 12 thuyền viên tàu cá số hiệu QT 90929TS ra khơi chỉ trong hai ngày đã đánh được mẻ cá thu bè (tiếng địa phương là cá bè xước) hơn 150 tấn, bán được trên 6 tỉ đồng, một mẻ lưới kỷ lục từ trước tới nay mà để đưa được cá vào bờ chủ tàu phải thuê 11 chuyến tàu trung chuyển gần 2 ngày liền. Khi niềm vui, xúc động đã đi qua, Tuấn mới kể lại rằng tàu anh ra khơi hai ngày (từ 10-13/3/2017), cách đảo Cồn Cỏ 7 hải lý buông neo dùng máy dò ngang thì bất ngờ phát hiện được đàn cá thu bè. Nhờ trời êm, biển lặng nên cả tàu nắm được hướng đi của đàn cá, bắt đầu bỏ lưới và không ngờ đã vây được đàn cá thu lớn đến như thế. Trong dòng người đến chia vui với các thuyền viên tàu cá QT 90929TS tại Cảng cá Cửa Việt tôi thấy có Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Chính. Anh cùng lãnh đạo các ban, ngành, chính quyền địa phương đến chúc mừng những ngư dân ở vùng quê biển này trúng mẻ cá lớn và cũng là mừng cho tín hiệu biển đã hồi sinh. Nhờ những chuyến tàu cá nặng đầy khoang trong vụ cá Nam nên cảng cá ở Cửa Việt, Cửa Tùng lại tấp nập tàu đi tàu về; những thương lái lại tất tả ngược xuôi mua bán con tôm con cá. Những lò hấp cá lại bốc khói nghi ngút suốt ngày đêm và những chiếc xe đông lạnh lại tiếp tục lăn bánh trên đường chuyển cá, tôm, mực, quà tặng của biển khơi tỏa đi muôn nơi.
Vui mừng vì biển đã hồi sinh trở lại, mới đây báo cáo với Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị Nguyễn Đức Chính nêu bài học vì dân. Anh cho rằng, khi sự cố ô nhiễm môi trường biển xảy ra, hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở đã kịp thời, quyết liệt triển khai đồng bộ các giải pháp, nhanh chóng ổn định sinh kế cho người dân; phát triển các ngành nghề sản xuất, kinh doanh và dịch vụ; giữ vững an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội. UBND tỉnh tạm cấp số tiền trên 1.032 tỷ đồng cho các địa phương thực hiện chi trả bồi thường thiệt hại và tiêu hủy hàng hải sản tồn kho cho các đối tượng đảm bảo đúng đối tượng, công khai, minh bạch, không để xảy ra sai sót. Tiếp đó là thực hiện tốt việc cấp thẻ bảo hiểm y tế, hỗ trợ học sinh, sinh viên, đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho lao động vùng biển. Về lâu dài, tỉnh sẽ tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp để cải thiện điều kiện sản xuất, sinh hoạt và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân vùng biển. Điều mà chính quyền địa phương và người dân đang mong chờ là Chính phủ quan tâm chỉ đạo các bộ, ngành sớm hỗ trợ các nguồn lực để đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất, sinh hoạt cho nhân dân các địa phương ven biển; khi đầu tư các nguồn lực tái tạo nguồn lợi thủy sản, phục hồi môi trường sinh thái cần dựa trên tình hình thực tế của các địa phương, đồng thời Chính phủ cần kiểm soát chặt chẽ để không xảy ra những sự cố ô nhiễm môi trường biển tương tự. Vâng, đừng bao giờ để xảy ra thảm họa môi trường như thế lần thứ hai.
Trước hôm chủ trì Hội nghị tổng kết công tác chỉ đạo ổn định đời sống và sản xuất, kinh doanh cho người dân 4 tỉnh miền Trung bị ảnh hưởng sự cố ô nhiễm môi trường biển ở thành phố Đông Hà, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã về với người dân Cửa Việt. Tận mắt chứng kiến những con thuyền cá nặng đầy khoang, chợ cá tấp nập kẻ bán người mua, Thủ tướng nở nụ cười chia vui cùng ngư dân vùng biển và bỏ tiền túi mua 10 cân cá tươi để cho đoàn dùng buổi tối khiến nhiều người bày tỏ niềm cảm mến phong cách người đứng đầu Chính phủ rất gần gũi với dân. Nhìn Thủ tướng thăm hỏi, căn dặn người dân làm ăn mà thấy vui cho vùng đất này. Từ những ngày “biển chết”, người dân nơi đây vẫn không bỏ biển, cứ kiên trì làm lụng và biết đợi chờ ngày mai biển trong lành trở lại. Chợt nhớ hôm tôi cử nhà báo Hồ Nguyên Kha, Thư ký Chi hội nhà báo Báo Quảng Trị thay mặt nhóm tác giả đi nhận Giải báo chí quốc gia tại Hà Nội (Giải C loạt bài “Những vấn đề đặt ra trong việc tạo sinh kế cho người dân vùng biển” của nhóm tác giả Báo Quảng Trị), khi VTV1 truyền hình trực tiếp lễ trao giải, thấy Kha bước lên bục nhận giải mà khuôn mặt không vui làm anh em đồng nghiệp thắc mắc. Mấy hôm sau Kha mới tâm sự rằng trong giờ phút vinh quang đó, bất chợt Kha nhớ đến những ngày gian khổ đã đi qua. Ừ, thì cũng có thể hiểu, bởi trên mảnh đất khó nghèo bao đời này, có thành công nào mà không đổi bằng cam go, thử thách. Bởi thế mà khi nhận được số tiền thưởng ba mươi triệu đồng từ Giải báo chí quốc gia năm 2016, tôi bàn với các đồng nghiệp tặng lại cho học sinh nghèo vùng biển để các em có ít tiền mua sách vở, quần áo đến trường vào năm học mới, anh em trong nhóm đều đồng ý một trăm phần trăm.
Mới đó mà hai năm đã trôi qua. Nhớ hôm nào bị sự cố ô nhiễm môi trường biển, về Cửa Việt thấy hàng quán bên biển đìu hiu, tịnh không bóng người, xa xa trơ trọi những chiếc thuyền lớn nhỏ nằm bờ, còn ngư dân thì nhìn xa xôi ra biển mà lòng buồn rười rượi. Chiều hè năm nay chúng tôi ra biển đón những người bạn đồng nghiệp từ Lạng Sơn vào, từ Cà Mau ra thăm, hội ngộ trên đất lửa Vĩ tuyến 17, ở thị trấn Cửa Việt theo sáng kiến của Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam Nguyễn Bé. Trời Cửa Việt hôm đó trong xanh, phóng tầm mắt ra khơi xa thấy cả hình hài đảo Cồn Cỏ như thân một con rùa nhô lên trên biển. Giữa không khí tấp nập đông vui của dòng người về với biển, bất chợt một bạn đồng nghiệp hỏi tôi cảm nhận về biển, bây giờ! Tôi đùa, có phải bạn phỏng vấn không? Biết nói gì đây, chỉ biết rằng qua bao thăng trầm, thì như bạn thấy đó, nơi Cửa Việt này, biển vẫn còn xanh.
Tháng 5/2018