Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.164
123.224.231
 
Đất làng
Vinh Anh

                                                            

 

            Một vùng đất dọc đường quốc lộ bát ngát, thẳng cánh cò bay, mỏi mắt nhìn và xanh, cái màu xanh đến nao lòng, đến mát ruột mát gan, mát lòng mát dạ. Màu xanh cho con người ta sự thanh thản trẻ thơ mà mê say ngây ngất.  Mầu xanh giải toả những vướng víu trĩu nặng tâm tư. Ta ngắm nó và quên đi, dù chỉ một thoáng thôi, cái đoạn trường vất vả, lầm lụi của cuộc đời. Chả thế mà để tìm sự yên tĩnh, con người ta lại cứ phải về với màu xanh êm dịu, về với cánh đồng bát ngát. Có phải vì thế mà cha ông ta đã chọn cánh đồng là đích đến cuối cùng của cuộc đời.     Chính những mầu xanh của cánh đồng làng đã nuôi lớn ta, chăm bẵm ta từ cái ngày ta còn bé tí. Chính những hạt đất li ti bé nhỏ đã ngấm vào cơ thể ta, hoà  vào dòng máu, nuôi ta lớn thành người hôm nay.

 

            Những người đầu tiên biết mảnh đất mình bị xâm phạm là những người thuần chất, gắn bó với ruộng đồng nhất. Chân chất và đơn sơ từ bao đời, từ thế hệ này sang thế hệ khác, vô tư truyền lại cho lớp con cháu mảnh đất của cha ông, vô tư truyền lại cái tình yêu non sông xứ sở cho con cháu. Đất làng, đất quê đã gắn bó đời đời với người nông dân là như vậy.

 

            Những người đầu tiên đến xâm phạm cũng là những người thuần chất, hiểu giá trị của mỗi mảnh đất làng. Nhưng họ lại là những người được đào tạo chỉ để làm công. Cũng chân chất như bao người khác, họ từ một vùng đất khác chuyển đến, làm theo cái lệnh mà đồng tiền chỉ bảo. Giữa trưa nắng gắt, giữa ngày mưa gió dầm dề vẫn thấy họ vác  máy, ghi ghi chép chép, ngắm nghía, ngắm nghía và đo và vẽ trên những tấm giấy, cuốn sổ mà người nông dân chẳng thể hiểu nổi.

            Rồi một bản qui hoạch được hình thành, một bản đồ được dựng lên, một tương lai sáng lạn cho một làng quê, mà con người sống ở đó vốn chỉ quen chân lấm tay bùn, hít thở mùi không khí thoáng đãng ngập tràn cánh đồng lẫn trong đó, mùi phân trâu, phân bò toang thoảng với nụ cười đẫm mồ hôi và rơm rạ đầy làng trong ngày thu hoạch. Tương lai trong viễn cảnh. Đẹp và mơ hồ. Sung sướng, hạnh phúc nhưng mà đâu đó phía xa.

            Những người chất phác, chân thật đó đâu có biết, cánh đồng quê làng  mình được tồn tại hay bị khai tử được quyết định chính từ những bữa ăn thịnh soạn trong phòng máy lạnh nơi thành phố xa hoa. Cả một đời làm lụng, ngay trong mơ, người dân làng quê hai sương một nắng, cũng không dám tưởng tượng ra, nghĩ tới những bữa ăn như thế.

            Nhưng cái lợi đến trước mắt, những đồng tiền mới toanh, mệnh giá lớn, chưa bao giờ được cầm, làm loá mắt, làm tê liệt tình yêu quê hương. Cái chất phác và chân thật đến ngu ngơ dại dột đã làm họ không phân biệt được giá trị mảnh đất làng đã gắn bó cuộc sống của chính họ từ bao đời nay.

            Sau khi nhận những đồng tiền mệnh giá lớn, làng quê biến đổi rất nhanh. Màu xanh bị thu hẹp lại. Chỉ còn cái nhìn tức tưởi, tiếc nuối của người già, những con mắt sâu hoắm và thâm quầng chất chứa bao điều trong tâm can, muốn thổ lộ mà lại khó nói, rất khó nói. Đã sai lầm ư? Câu hỏi được đặt ngược lại, vấn đề đã quá muộn, sự thức tỉnh đã quá muộn màng.

 Đầu tiên, ước nguyện của tổ tiên phải thay đổi. Ông bà chúng ta, sống trên đất và chết cũng muốn được về bên đất. Những ngôi mộ chôn rải rác trên khắp các cánh đồng được thu về một mối. Gọn gàng ngăn nắp, hàng lối đàng hoàng. Tất cả đều tăm tắp và không được vượt quá tiêu chuẩn định mức. Hàng xóm lại về bên nhau, tối lửa tắt đèn có nhau. Cái nghĩa tình làng quê mới gắn bó mật thiết làm sao, sâu sắc làm sao. Sau nữa là những đoàn ôtô nối nhau chở đất cát về, trong gió, bụi cát bay mờ mắt. Những đống đất, đống cát to lù lù sừng sững được đổ thành từng đống, từng đống. To như cái “mả làng”. Đống đất được gọi là “mả làng” truyền đời nhau, cả làng vẫn gọi. Nơi ngày xưa, bọn trẻ con, nối tiếp các thế hệ vẫn tụ tập chơi đánh trận giả, vẫn nằm ngửa ngắm trời xanh trong những chiều chăn trâu. Đây đó từng khóm những cây xương rồng quắt queo trước nắng gắt và đám cỏ may, cỏ gà phất phơ bay.

Rồi không hiểu sao, cái “mả làng” cũng bị san bằng cùng với các đống đất cát từ đâu đó chuyển về. Các cụ thì thào, san mất “mả làng” là điềm không hay cho con cháu sau này. Và thật nhanh, những ngôi nhà to bằng tôn lắp sẵn được dựng lên. Tốc độ xây dựng làm cho các cụ già chóng mặt. Có những ông bà chiều chiều vẫn đau đáu nhìn về phía các mái tôn, nhìn về xa ngái mông lung. Cái nhìn vương vấn ngày xưa, nuối tiếc mơ hồ, kỉ niệm bơi bơi trong không gian vô định. Tầm nhìn không trải ra xa được, mầu xanh cánh đồng đã bị che khuất, chỉ còn là lấp loá ánh hoàng hôn phản chiếu trên các mái tôn. Đâu như mặt trời chiều cũng đã bị che lấp.

Cái đau lòng của người già không chỉ có vậy. Cái đau của họ còn ở chỗ những tình cảm tưởng như bền vững, đã gắn gần hết cuộc đời của họ với những cánh đồng xanh ngát mắt hay nặng trĩu hạt vàng ngày mùa, thì bây giờ bị lũ trẻ coi thường. Chúng nhởn nhơ trước những cánh đồng bị san lấp, những bia mộ bị tập trung. A không, có cái được thì phải có cái mất. Ai chẳng biết điều đó. Nhưng cái mất ở đây hình như có nhiều điều cần nói  hơn.

Nếu có dịp, vào mỗi buổi sớm,  vào cái giờ mà bà con ngày xưa đã lăn lộn trên các cánh đồng, khi mặt trời mới nhú khỏi lùm tre, mát mẻ vẫn còn, nhưng con trâu cùng bác thợ cày đã làm xong quá nửa công việc ngoài đồng, gần đến giờ phải cho trâu nghỉ rồi, thì bây giờ lại thấy từng đoàn, từng đoàn con gái(mà con gái ở đâu kéo về nhiều thế) lũ lượt kéo đến các khu nhà tôn, vốn là những cánh đồng xanh mướt trước kia, làm việc. Đa số các cô còn quá trẻ, tay nghề chắc chỉ là cái chứng chỉ được đào tạo qua loa vài ba tháng để làm những việc đơn giản. Bạn thử đứng và ngắm xem, bạn sẽ nghĩ gì khi các cô gái kia đi ngang qua. Cái tươi mát của gió đồng không còn nữa. Những nụ cười cũng ít lắm. Họ vội vã, vội vã đến nhà máy cho kịp giờ làm việc.  Nhịp sống công nghiệp đã vào guồng, thành cuộc sống hôm nay. Nó không còn cảnh nhởn nhơ vác cuốc, nhởn nhơ cười đùa trêu chọc nhau như cái ngày xưa. Năng xuất lao động bây giờ đã tăng lên, kỉ luật lao động nghiêm túc được thực hiện. Nhưng nhìn các cô, tôi bỗng nhớ một cô bạn gái, cũng trong một nhà máy ngày xưa của ta, nơi đa phần là chị em làm việc, chỉ một nhà máy thôi đã bao cô không lấy được chồng, để đến bây giờ vẫn còn lưu lại cái tên, tồn tại những con người, xóm không chồng. Tôi xót xa cho những bạn gái trẻ măng này quá, cầu mong sao các em không bị cái dớp của các khu, các xóm tập thể, mà ở đó toàn là phụ nữ. Cả trăm, không phải chỉ vậy, con số có thể đến nghìn người, nghìn cô bé vừa mới học xong cấp hai, cấp ba, trong cái buổi khan hiếm công việc này, ruộng đất bị thu hẹp này, hình như đều bị dồn vào các khu công nghiệp. Ơ đây thu nhận được hết. Các cô cũng sẽ quần là áo lượt sau mỗi buổi tan ca, sau những giờ phút làm hết sức mình cho đạt chỉ tiêu sản phẩm đã được khoán, sẽ chờ đợi một người bạn trai đến gõ cửa, đưa đi chơi, ngồi dưới cánh đồng ngày xưa, ngắm ánh trăng đã bị che khuất một góc. Các cô vẫn còn đang mơ những giấc mơ về một tình yêu lãng mạn.

Nhưng chẳng hiểu trai làng đi đâu không biết, những công trình xa xôi phía Nam đang gọi họ, đang chờ họ, hấp dẫn họ bởi cái xa lạ, mới mẻ. Công việc có gian khổ hơn các bạn gái ở đây. It ra, cái gian khổ cũng là phải sống xa thành phố,  Nơi “rừng thiêng, nước độc”- những công trình thuỷ lợi, thuỷ điện thế kỉ…Rồi thì những làng mới, những thành phố mới mọc lên bên những dòng sông…Quê mới hình thành bên những gia đình mới. Còn quê cũ… những người bạn gái thủa thiếu thời, thủa chăn trâu cắt cỏ…Phận đàn bà con gái trong cuộc sống riêng vẫn ít sự lựa chọn hơn, có phải ?

Tôi đã chứng kiến những bữa ăn vội vàng buổi sớm của các cô. Cũng nồi cơm điện, bếp ga của thời hiện đại, nhưng trên chiếc bàn gọi là mâm cơm thì là sự tạm bợ, ăn thật nhanh cho xong, cho qua bữa, một kiểu ăn uống rất không phụ nữ. Vài ba cô chung nhau một gian nhà cỡ khoảng chục mét vuông, nấu cơm chung ăn chung, để cho tiện và đỡ buồn. Tôi đã chứng kiến nhiều cảnh một người phụ nữ một mình một mâm ở những vùng khác nhau, do những hoàn cảnh khác nhau tạo nên, do chiến tranh, có; do thiên tai bão lụt tai nạn, có; do hoàn cảnh éo le, lỡ làng, có. Những cảnh đó ăn sâu vào tâm trí tôi, chỉ gợi cho tôi nỗi buồn không thể sẻ chia, có những phút cố vui nhưng lại chỉ tạo thêm nỗi cay đắng, một cảm giác mình đang đóng kịch, mình đang giả vờ.  Mấy ai biết và thông cảm được những nỗi buồn do cảnh cô đơn, lẻ bóng, mà cho dù có thông cảm cũng sẽ tạo được thêm cái gì khác biệt đâu. Đó là nỗi buồn khó sẻ chia mà chỉ những người trong cuộc mới hiểu và an ủi được nhau. Xập xệ, lúi xùi và tạm bợ cảnh chợ chiều đang xảy ra với những người con gái vừa mới lớn, đa phần vẫn còn xuân sắc. Khu công nghiệp vừa mới hình thành, công nhân còn trẻ là lẽ đương nhiên. Ông chủ ở đây thu được nguồn lợi vô giá là sức trẻ, nguồn lợi đó được tính vào khoản nào để trả lại cho những năm tháng cô đơn về sau của vài ba người, vài chục, thậm chí vài trăm trong số các cô? Chắc là không có, mọi người còn đang lo cho ngày hôm nay, ngày hôm nay chưa xong thì lo sao được ngày mai. Nhưng những cảnh đó của tương lai không phải người ta chưa nghĩ tới, chỉ có điều chưa biết khắc phục. Vô tâm hơn, vô cảm hơn, người ta sẽ bỏ qua những số phận mà như bao số phận đáng phải được hưởng hạnh phúc làm người.

Những cô gái lứa tuổi cập kê với biết bao suy nghĩ và mong ước về tương lai, về tình yêu. Bây giờ đây, tôi vẫn thấy cái phơi phới đầy sức sống và quyến rũ. Họ vốn sinh ra để cho đời có tình yêu và hạnh phúc mà. Phải nói thời của các cô bây giờ khác xa với thời của tôi ngày xưa. Các cô đẹp và hấp dẫn hơn nhiều so với vài ba chục năm trước. Nhưng chỉ sau đây vài ba năm là sẽ khác nhiều. Mầm mống của sự thay đổi đó bắt nguồn từ cảnh hàng đoàn, hàng đoàn các cô gái lũ lượt kéo nhau vào công xưởng, mà sáng sáng tôi vẫn nhìn thấy. Một sự phân bố mất cân đối đã quá rõ ràng và hệ quả của nó, đang chứa đầy những nguy cơ. Nhưng lại chưa có một giải pháp, thậm chí, còn chưa bao giờ nghe, một đề xuất để phá bỏ đi sự mất cân đối đó. Suy cho cùng, thiệt thòi vẫn rơi vào những người nông dân, những người lao động phải gánh chịu. Trong những thiệt thòi đó, thiệt thòi về vật chất đâu thấm tháp với thiệt thòi về tình cảm, nó đằng đẵng đeo đuổi suốt cả cuộc đời những số phận, những con người.

Đất làng thì đã vì sự phồn vinh của Tổ Quốc mà hi sinh mầu xanh, các cô gái thanh xuân tràn đầy sức sống kia cũng vì sự phồn vinh của Tổ Quốc ( có thể trong các cô, rất nhiều người không nghĩ tới điều này) sẽ phải hi sinh tuổi xanh của mình. Rất có thể lắm chứ! Tại sao và ai dám khẳng định là không?

Tôi luôn canh cánh một điều, sự hi sinh của người nông dân là lớn quá. Chưa ai đánh giá hết cái sự lớn lao đó bằng những hành động cụ thể. Tôi đã gặp những cậu choai choai-những đứa con của làng quê, của đất làng-phóng xe máy như điên để rồi chết oan uổng. Cứ bám lấy mảnh đất quê đó thì làm gì có xe máy và cũng làm gì có cái chết xảy ra. Đấy chỉ là một trường hợp hiếm hoi xảy ra. Vâng đúng là như vậy. Tôi đã vào những chung cư sang trọng mọc lên từ những mảnh đất nghèo đó, đã vào những xí nghiệp hiện đại mọc lên từ những mảnh đất nghèo đó mà vẫn thấy buồn ấm ức khi nghe những con số lãi lời. Những con số kia được sinh ra từ những gì có ai biết và đã có ai đánh giá tác hại của nó? Ngoài ra, tôi lại cảm thấy thêm một điều tui tủi, vì cái nghèo mà ta phải hi sinh một bộ phận, bộ phận đó chính là máu mủ của ta, đồng bào của ta. Họ giàu lên nhờ những đồng tiền đền bù và một cuộc sống đảm bảo hay lại bế bồng, gồng gánh nhau lên thành phố, góp vào đội quân khuân vác, bốc xếp, ăn ngủ vạ vật, áo quần thấm đầy những giọt mồ hôi. Cảnh chiều chiều, những người già có tuổi, đau đáu nhìn về một chốn xa xăm lại diễn ra trước mắt tôi, màu xanh của cánh đồng, của luỹ tre phải chăng không còn? Không, màu xanh đó vẫn còn nhưng bị khuất một phần tầm mắt. Những bức tường bằng tôn uốn lượn hình sóng, những con đường nhựa, những mái lợp xanh đỏ, những ống khói, những lô-gô của thương hiệu đã và đang thành công trên thương trường che khuất. Những thứ đó mang lại lợi nhiều hơn là những cánh đồng mầu xanh êm ả. Đất làng có phải đã sinh lợi nhiều hơn? Tôi cũng chẳng rõ nữa. Con số và bảng biểu bây giờ làm đầu óc tôi quay cuồng, chóng mặt. Tôi muốn tin tưởng vào tương lai nhiều hơn là đặt lại vấn đề nghi ngờ.

 

   28/05/07

 

                                                                                                      

                                                                                                           

 

 

 

 

                                                                                                                       

 

 

Vinh Anh
Số lần đọc: 1529
Ngày đăng: 27.06.2018
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Du ký qua đèo ngang - Giang Hiền Sơn
Ngày Lễ Cha: Hai Vì Sao - Nguyễn Đức Tùng
Cửa Việt, biển vẫn còn xanh - Minh Tứ
Mẫu Sơn một thoáng chênh chao - Nhiều Tác Giả
Hollandse Nieuwe Đặc Sản Hoà Lan - Nguyễn Lê Hồng Hưng
Phương xích lô và tôi - Vương Kiều
Phạm Chu Sa - Phạm Thanh Chương
Dọc đường văn nghệ : Nhà văn Sơn Nam “Ông vua đi bộ” - Trần Dzạ Lữ
...Vài kỷ niệm với những văn nghệ sĩ tôi quen biết (tiếp theo) - Phạm Thanh Chương
…Vài kỷ niệm với những văn nghệ sĩ tôi quen biết - Phạm Thanh Chương
Cùng một tác giả
Mưu sinh (truyện ngắn)
Chuyện vặt (truyện ngắn)
Lão và hắn (truyện ngắn)
Phượng (truyện ngắn)
Công chức (truyện ngắn)
Gặp lại ngày xưa (truyện ngắn)
Lời từ nơi hư ảo (truyện ngắn)
Vào hội (truyện ngắn)
Bãi giữa (tạp văn)
Mùa thu (tạp văn)
Người quê (truyện ngắn)
Nhớ làng (truyện ngắn)
Bạn thời lính (truyện ngắn)
Ánh mắt sông quê (truyện ngắn)
Ngõ nhỏ ngày xưa (truyện ngắn)
Đất làng (tạp văn)
Ở rừng (truyện ngắn)
Chuyện tình kể lại (truyện ngắn)
Hai thằng nó và tôi (truyện ngắn)
Hương vô tình (truyện ngắn)