Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.138
123.227.486
 
“…Canh gà thọ xương”chuyện bịa như thật
Nguyễn Cẩm Xuyên

 

 

 

Có câu chuyện cười dân gian thời nay kể như sau:

Một sinh viên nước ngoài học tiếng Việt làm bài văn bình 2 câu thơ “Gió đưa cành trúc la đà/ Tiếng chuông Thiên Mụ canh gà Thọ Xương”; vốn từ còn non, đọc chữ thông thường thì hiểu nhưng đến chữ khó thì phải tra từ điển. Gặp chữ “la đà”,  tìm trongtừ điển không có, chỉ có “la” là con vật lai giữa lừa và ngựa và “đà” nghĩa là cây (gỗ) lớn …! Băn khoăn lắm, lại tra thêm thì thấy có từ “lao” nghĩa là phóng đi thật mau, anh ta chắc mẩm: “…dễ có khi đề bị đánh máy nhầm “lao” thành ra “la” chăng ?!” – vậy là: Gió đưa cành trúc lao đà - ý nói gió mạnh lắm?! Đến câu 2, gặp chữ “Thiên Mụ” -  tra sách thấy chữ “thiên” là trời; anh ta dịch được ngay “Thiên Mụ” là “Mụ Trời”… Chữ “canh gà” thì dễ hiểu, hẳn là món canh nấu thịt gà. Lại tra chữ thọ xương thì “thọ” là nhận lấy. Thọ xương hẳn là hóc xương!

Sẵn có khiếu làm thơ, viết xong bài văn, chàng sinh viên thêm ngay vào cuối một bài thơ diễn nghĩa: “Bão thổi bay ngọn trúc./ Bay cả đà ven đường,/ Mụ trời đánh một tiếng chuông./ Canh gà húp vội hóc xương mấy lần”.

Chuyện trên là tưởng tượng nhưng lại có thật... bởi đã từng có kẻ là người Việt chính gốc mà đã hiểu “canh gà” ở đây là canh thịt gà. Trước 1975, một vị dân biểu miền Nam trong dịp công cán nước ngoài đã từng giải thích với khách ngoại quốc “canh gà Thọ Xương” trong câu thơ là “Thọ Xương’s chicken soup” (xúp thịt gà của Thọ Xương).

“CANH GÀ THỌ XƯƠNG” VỚI “CHUYỆN THẬT NHƯ BỊA”

VÀ “CHUYỆN BỊA NHƯ THẬT”

Cùng chuyện “canh gà” trên, mới đây đã xảy ra một chuyện thật như bịa: Tháng 10 năm 2012, một cô giáo trung học tạiHà Nội - côđã từng đỗ thạc sĩ với điểm số 10/10 - ra đề văn cho học sinh lớp 7 yêu cầu học sinh viết đoạn văn ngắn nêu cảm nhận về bài ca dao “Gió đưa cành trúc la đà/ Tiếng chuông Trấn Vũ, canh gà Thọ Xương/ Mịt mù khói tỏa ngàn sương/ Nhịp chày Yên Thái, mặt gương Tây Hồ.”. Học sinh làm bài, có em đã viết: “Hà Nội còn đặc sắc với những món ăn nổi tiếng như “canh gà Thọ Xương”. Bài văn đã được cô giáo chấm và cho điểm 8+.

Bài văn của học sinh lớp 7A10, ghi “Hà Nội còn đặc sắc với những món ăn nổi tiếng như “canh gà Thọ Xương”  (ảnh chụp có thêm khung đỏ để dánh dấu câu văn). Bài đã đượccho điểm 8+.

(Ảnh: trích từhttp://vnexpress.net/tin-tuc/giao-duc/phu-huynh-sung-sot-voi-mon-canh-ga-tho-xuong-2245284.html)

Không rõ vì thiếu kiến thức hay chỉ vì chấm bài qua loa, cô không phát hiện lỗi của học sinh nhưng sự việc đã làm bùng lên làn sóng dư luận khá gay gắt buộc nhà trường phải tổ chức kiểm tra. Cô giáo sau khi giải trình vụ việc đã làm đơn xin nghỉ dạy… Vừa nghỉ việc về quê xong thì cô lại được bênh vực bởi một làn sóng mới: nhiều người trên trang mạng đã tỏ thái độ thông cảm, tha thiết mong muốn cô trở lại trường… và đến đây lại bắt đầu một câu chuyện mới:  chuyện bịa như thật.

Chuyện khởi đầu bởi bài “Canh gà Thọ Xương đúng là…canh gà?” đăng trên Blog Hiệu Minh(1) của một độc giả có tên nick là Hocmon. Bài viết có căn cứ, có dẫn chứng rành mạch như sau:

“Nguyên bản cuốn Vân Đình Dương Khuê Thượng Thư Tiên Sinh Thi Tậ= p hiện đang lưu trữ tại thư Viện nghiên cứu Hán Nôm. Sách này có chép bài thơ mang tên “Tối ức Thọ Xương thang” (Nhớ nhất canh Thọ Xương) của Dương Khuê.

Nguyên văn viết:  裊裊搖風竹, 蒼蒼鎮武鐘,壽昌多故舊, 同買燉雞湯。煙鎖西湖水. 杵驚安泰鄉. 河城斯美景, 最耐客思量.

“Niểu niểu dao phong trúc, thương thương Trấn Vũ chung, Thọ Xương đa cố cựu, đồng mãi đốn kê thang. Yên tỏa Tây Hồ thủy, chử kinh Yên Thái hương. Hà thành tư mỹ cảnh, tối nại khách tư lương.”

Dịch nghĩa nôm na: Gió lay trúc phất phơ, chuông Trấn Vũ xa thẳm, quán Thọ Xương nhiều ông bạn cũ, đều đến mua canh gà hầm. Khói sương vây bủa mặt nước hồ Tây, nhịp chày kinh động làng Yên Thái, cảnh đẹp này của Hà Thành, khiến khách nhớ nhung nhất.

Phía dưới có một dòng chữ nhỏ, chú rằng “sau khi bài này làm ra, sĩ phu tranh nhau ngâm tụng. Bà Thọ chủ quán Thọ Xương mắng tiếng, đích thân đến nhà ta xin chữ, song lại cầu ta diễn ra quốc âm ngõ hầu hiểu được trọn nghĩa.

Ta liền bỏ hai câu cuối mà diễn lại rằng:

“Gió đưa cành trúc la đà

Tiếng chuông Trấn Vũ, canh gà Thọ Xương

Mịt mùng khói tỏa ngàn sương

Dịp chày Yên Thái mặt gương Tây hồ.”

Thế là đã rõ nhé. Nếu tích trên có thật thì canh gà Thọ Xương đúng mà món canh gà, chẳng phải tiếng gà gáy sang canh như các nhà văn, nhà thơ đã tưởng.

Phát hiện này mà đúng thì đó là sự kiện động trời trong văn học.

Bác Hocmon có nhờ các anh chị nào có điều kiện ở Hà Nội, xin xác minh lại bài văn này với viện Hán Nôm dùm, có thật như vậy hay không ?.

Sau khi đăng bài của “Hocmon”, HiệuMinh blog lại đăng thêm một đoạn lấy từ trang http://www.tathy.com/thanglong/showthread.php?t=28159&page=11:

“HiệuMinh Blog vừa tìm ra comment sau trên mạng cũng bàn về món canh gà khốn khổ: Bác nào thử tìm trong thư viện Hán Nôm cuốn Vân Đình Dương Khuê Thượng Thư Tiên Sinh (144 tr., 27 x 15. Ký hiệu: A.2185 Thư viện Viện Hán Nôm) xem có bài này không. Làm ơn chụp cả trang đưa lên cho bà con xem.

“Sáng nay có cậu bạn làm trong Viện Hán Nôm bảo, trong sách Vân Đình Dương Khuê Thượng Thư Tiên Sinh (144 tr., 27 x 15. Ký hiệu: A.2185 Thư viện Viện Hán Nôm) cũng chép bài thơ này. Xin lưu ý, Dương Khuê viết thơ bằng chữ Nôm, nỏ phải chữ Quốc ngữ. Nguyên văn viết chữ Canh là (bát canh, món canh), không phải (canh khuya, canh chầy). Chứng tỏ canh gà là món ăn, chứ chả phải tiếng gà tiếng qué gì cả. Chắc hồi ấy các cụ đi tập thể dục từ sáng sớm, khi chùa Trấn Vũ đổ chuông, quán Thọ Xương mở hàng, các cụ rủ nhau vào ăn canh gà.”.

Trang mạng phát tán. Dù ngôn ngữ của blog là lối nóithường dùng của lớp trẻ nhưng cũng khiến nhiều người kinh ngạc. Nhiều người xôn xao - kể cả các học giả, các nhà trí thức – bởi bấy lâu chữ “canh gà” vẫn được hiểu là tiếng gà báosang canh… vậy mà nay hóa ra không phải  –  Canh gà lại là canh thịt gà ư ?! Nếu vậy thì việc cô giáo chấm bài văn, cho điểm 8 chưa hẳn là sai.

Bài của Hocmon có nét đáng ngờ trước hết do lai lịch tác giả không rõ: Hocmon chắc chắn không phải tên thật… và nếu cho là bút hiệu thì cũng không phải… vì xa lạ quá, chưa thấy xuất hiện ở trên tập san, báo chí nào, cũng chưa được trang mạng nào giới thiệu, ngôn ngữ lại có phần bỡn cợt… vậy mà nội dung lại có vẻ xác đáng bởi có kèm cả bài thơ chữ Hán, câu chữ khá chuẩn lại chỉ được đích danh cuốn Vân Đình Dương Khuê Thượng Thư Tiên Sinh, nêu đúng cả số trang, khổ sách vàcả kí hiệu A.2185 trong thư viện Viện Hán Nôm nữa… khiến mọi người băn khoăn không ít.

Các nhà nghiên cứu thấy có trách nhiệm trước vấn đề. Để làm sáng tỏ, trước hết Viện trưởng Viện Nghiên cứu Hán Nôm, PGS.TS. Trịnh Khắc Mạnh đã tìm ở sách Vân Đình Dương Khuê Thượng Thư tiên sinh ở Viện mà không thấy có bài thơ nào như trên. TS. Mạnh tìm thêm bài thơ chữ Nôm của Dương Khuê được nói đến thì thấy có bài Hà Nội tức cảnh  trong sách Vân Trì Thi Thảo (ký hiệu VHv. 2482, Viện Nghiên cứu Hán Nôm). Bài thơ có 4 câu: “Phất phơ ngọn trúc trăng tà/ Tiếng chuông Trấn Vũ, canh gà Thọ Xương/ Mịt mù khói tỏa ngàn sương/ Tiếng chày Yên Thái mặt gương Tây Hồ”…  Đáng lưu ý là chữ “canh” ở đây được viết là 更chứ không phải là 羹 (bát canh, món canh) như blog Hiệu Minh đã nêu. Chữ 更 trong văn cảnh của bài thơ phải hiểu là canh giờ(2), “canh gà Thọ Xương” là tiếng gà gáy báo canh ở Thọ Xương.

Bài thơ “Hà Nội tức cảnh” của Dương Khuê trong Vân Trì Thi Thảo có câu thơ “Tiếng chuông Trấn Vũ, canh gà Thọ Xương”.

Chữ “canh” ở đây được viết là 更(nghĩa là canh giờ- chữ có khoanh tròn đỏ). (4)

Một ý kiến khác của Giảng viên Nguyễn Hùng Vỹ tại Đại học KHXH&NV Hà Nội khi trả lời phỏng vấn về câu chuyện trên: “Theo như nguồn dẫn sách Vân Đình Dương Khuê Thượng Thư Tiên Sinh (144 tr., 27x15. Ký hiệu: A.2185, Thư viện Viện Hán Nôm) thì không có bài thơ nào mang tên “Tối ức Thọ Xương thang” cả. Theo tôi, đây chỉ là một sản phẩm của "trí tưởng tượng" mà thôi, không có trong cuốn sách cổ nào hết. Đối với anh em trẻ thạo Hán Nôm thì từ cái tứ của Dương Khuê, bịa ra một bài chữ Hán na ná là không khó khăn gì …”(3)

Vậy là không có bài thơ nào gọi là Tối ức Thọ Xương Thang, cũng chẳng có bài thơ nôm nào của Dương Khuê lại viết chữ CANH là 羹. Đúng là chuyện bịa như thật và ai đó phải là người thông thuộc kho sách của Viện Nghiên cứu Hán Nôm thì mới biết rõ từng chi tiết sách Vân Đình Dương Khuê Thượng Thư tiên sinh được lưu trữ - đồng thời cũng phải là người giỏi Hán Nôm mới bịa ra được chứng cứ như thật.

Quả là chuyện oái oăm trong làng Văn chương Việt.

---------------------------

CHÚ THÍCH:

  1. http://hieuminh.org/2012/10/17/canh-ga-tho-xuong-dung-la-canh-ga/
  2. Ngày xưa chia thời gian: “Đêm 5 canh, ngày 6 khắc”. Canh 1 (19g – 21g), canh 2 (21g – 23g), canh 3 (23g – 1g), canh 4 (1g – 3g), canh 5 (3h - 5h).
  3. http://www.tinmoi.vn/lienquan/mon-canh-ga-chi-la-san-pham-tuong-tuong-cua-cu-dan-mang-1080670.html
  4. Ảnh trích từ http://news.zing.vn/Khong-co-chuyen-canh-ga-Tho-xuong-la-mon-an-post279980.htmlngày 19/10/2012

 

 

 

Nguyễn Cẩm Xuyên
Số lần đọc: 2791
Ngày đăng: 30.06.2018
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Đoàn Thạch Biền ( những ân tình còn đó…) - Phạm Thanh Chương
“Tiếng chuông Thiên Mụ” hay “Tiếng chuông Trấn Vũ”? - Nguyễn Cẩm Xuyên
Nguyễn Vỹ - nhà báo với ý thức dấn thân trong cái nhìn của các nhà nghiên cứu ở miền Nam (1954 – 1975) - Trần Hoài Anh
Ý thức vũ trụ - Võ Công Liêm
Thơ Như Quỳnh de Prelle, lắng nghe sự hiện hữu của thực tại. - Trần Duy Trung
Đánh Thiền sang bằng Thiền và Thiền - Võ Công Liêm
Nguyễn Văn Sâm và dòng chảy văn chương Nam Kì Lục Tỉnh - Hoàng Kim Oanh
Philip Roth, người Mỹ không trầm lặng - Từ Thức
Tiếng Việt thời LM de Rhodes - dạng bị (thụ) động (passive voice) - phần 8 - Nguyễn Cung Thông
Tình yêu, Tình dục và Cái Chết trong tiểu thuyết "Bàn tay nhỏ dưới mưa" - Lê Viết Yên
Cùng một tác giả