Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.168
123.224.314
 
Đoàn Thị Điểm và Nguyễn Thị Điểm: Ai đã dịch Chinh Phụ Ngâm ra chữ Nôm?
Nguyễn Cẩm Xuyên

 

 

***

 

Sách Đăng Khoa Lục sưu giảng của Trần Tiến đời Lê có chép chuyện bà Nguyễn Thị Điểm.Sách Tang Thương ngẫu lục của Phạm Đình Hổ và Nguyễn Án đời Nguyễn lại chép chuyện bà Đoàn Thị Điểm.

Hai nữ sĩ trong hai truyện trùng tên,khác họ...và ai là người đã dịch Chinh Phụ ngâm khúc ra chữ Nôm?

ĐOÀN THỊ ĐIỂM VÀ NGUYỄN THỊ ĐIỂM CÓ PHẢI CHỈ LÀ MỘT ?

Ra đời sau Tang Thương ngẫu lục100 năm,Nam Hải dị nhân liệt truyện của Phan Kế Bính đã viết “Nguyễn Thị Điểm tức Đoàn Thị Điểm”.

Thật ra đây là hai người khác nhau. Chẳng qua lúc biên soạnNam Hải dị nhân liệt truyện,có thểdo không đủ điều kiệnkhảo sát mà lúc này lại cần phải hóa giảiliền một mâu thuẫn giữa hai sách xưa để không phải bỏ qua một truyện hay về nữ sĩ nước Nam nên Phan Kế Bínhđã cho rằng hai người là một.

Đầu thập niên 70 vừa qua, các nhà nghiên cứu đã về Hải Dương đọc gia phả họ Đoàn và tìm gặp gia tộc họ Nguyễn Trác thì mới rõ là có hai bà Đoàn Thị Điểm và Nguyễn Thị Điểm. Hai bàcó những chi tiết trùng hợp đến kì lạ. Trước hết cả  haicùng sống vào thời Lê Trung hưng, đời Trịnh Giang, cùng quê ở Hải Dương: bà Nguyễn Thị Điểm ở Bình Lao trang, trấn Hải Dương còn bà Đoàn Thị Điểm thì quê ở Giai Phạm, huyện Đường Hào cũng thuộc trấn Hải Dương (nay là xã Giai Phạm thuộc huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên), cả hai đều giỏi văn thơ và điều lạ kì là cả hai bà đều có anh tên là Luân, một người là Đoàn Doãn Luân và một người là Nguyễn Trác Luân... vậy nhưng gốc gác, gia thế cũng như cuộc đời của hai bà thì khác nhau nhiều.

Bà Nguyễn Thị Điểm thuộc gia đình quyền quí; anh là Nguyễn Trác Luân đỗ Tiến Sĩ năm 1721, làm quan đến chức Phó Đô Ngự Sử và là tay chân thân tín của chúa Trịnh Giang.Chính Nguyễn Trác Luân là người đã giúp Trịnh Giang phế truất rồi giết vua Lê Duy Phường rồi  theo lệnh Trịnh Giang làm giả tờ sắc tấn phong cùng ấn tín của vua nhà Thanh sang phong cho Trịnh Giang làm An Nam Thượng Vương... Em gái là Nguyễn Thị Điểm về sau còn dạy học ở kinh đô, thọ đến 78 tuổi.Sách Đăng Khoa Lục sưu giảng có chép: Bà Nguyễn Thị Điểm có viết cuốn “Truyền Kì tân lục” (Truyền kì tân phả).

TRUYỀN KÌ TÂN PHẢ - VĂN GIANG HỒNG HÀ ĐOÀN PHU NHÂN TRƯỚC

(Truyền kì tân phả do Văn Giang Hồng Hà Đoàn phu nhân soạn - Thư viện Quốc gia. Bản chụp của nomfoundation)

Cuộc đời bà Đoàn Thị Điểm khác hẳn. Xuất thân trong một gia đình nghèo; bàlà con ông Đoàn Doãn Nghi.Tổ tiên vốn họ Lê, quê quán ở Hải Dương; về sau đổi ra họ Đoàn. Đoàn Doãn Nghi đỗ Hương cống và nhận một chức quan nhỏ hàm bát phẩm rồi từ quan, về nhà bốc thuốc. Sau khi hỏng kì thi Hội, ông ở lại kinh đô dạy học rồi cưới thêm thứ thất ở phường Hà Khẩu, gần Hồ Hoàn Kiếm và sinh được hai con: con cả là Đoàn Doãn Luân, con thứ là Đoàn Thị Điểm.Đoàn Doãn Luân chỉ là giám sinh đã qua kỳ sát hạch để chuẩn bị thi Hương, chưa đỗ đạt gì. Riêngbà Đoàn Thị Điểm:sau khi cha mất, cùng mẹ về ở với anh trai, ngụ cư tại làng Vô Ngại, huyện Ðường Hào, tỉnh Hải Dương (nay là Mỹ Hào, tỉnh Hưng Yên)nhưng chỉ được mấy năm thì Doãn Luân lại qua đời; một mình bà phải nuôi cả nhà (gồm mẹ, chị dâu và các cháu) và phải tự mưu sinh bằng nghề bốc thuốc, dạy học...

Bà có nhan sắc nhưng kén chồng; sau làm vợ kế ông Nguyễn Kiều (1696- 1752) tức là ông Nghè Sù người làng Phú Xá (làng Sù) huyện Từ Liêm, Hà Nội đỗ tiến sĩ đời Lê Dụ Tông, làm quan đến chức Đô ngự sử. Nguyễn Kiều vốn đã có 2 đời vợ trước: vợ đầu là con gái quan Tham tụng Lê Anh Tuấn; bà này mất sớm, ông tục huyền với con gái Thượng thư Nguyễn Quý Đức nhưng bà này lại  cũng qua đời...Nguyễn Kiều nhờ mai mối đến hỏi bà Đoàn Thị Điểm; sau mấy lần chối từ, cuối cùng bà Đoàn Thị Điểm thuận về làm vợ kế. Năm 1734, Nguyễn Kiều nhậm chức Tham thị thành Triều Khẩu (Nghệ An), bà Đoàn Thị Điểm đi thuyền theo chồng, đến ngang đền Sòng (Thanh Hoá) thì bị cảm và sáu ngày sau đến Triều Khẩu thì mất, lúc này bà mới 44 tuổi.

Mới đây, ngày 24/7/2011, tại cánh đồng thôn Phú Xá (Phú Thượng, Tây Hồ, Hà Nội), Hội Khảo cổ học cùng Ban Quản lý di tích-danh thắng Hà Nội đã cải táng mộ của ông Nghè Nguyễn Kiều về cạnh mộ bà Đoàn Thị Điểm ở cách đó 2km.

Ngày 24/7/2011, mộ ông Nghè Nguyễn Kiều tại cánh đồng thôn Phú Xá, Phú Thượng, Tây Hồ, Hà Nội đượccải táng về cạnh mộ bà Đoàn Thị Điểm.Ảnh phải là 2 tấm bia mộ; tấm lớn mới khắc thêm vào năm 1931(Ảnh của báo Đất Việt)

NGUYỄN THỊ ĐIỂM ĐÃ DỊCH CHINH PHỤ NGÂM RA CHỮ NÔM

CHỨ KHÔNG PHẢI LÀ ĐOÀN THỊ ĐIỂM ?

Trước câu hỏi ai là tác giả Chinh Phụ ngâm diễn âm, các nhà nghiên cứu đã tìm kiếm bằng chứng và tranh luận sôi nổi suốt gần 100 năm qua.

Nhiều sách nay vẫn ghi tác giả là Đoàn Thị Điểm theo như lời “tương truyền” vốn có từ xa xưa...nhưng naylại đang có nghi vấn được nêu: Phải chăng tác giả Chinh Phụ ngâm diễn âm hiện hành là Nguyễn Thị Điểm?

Nhiều sách Chinh Phụ ngâm ghi tên dịch giả là Đoàn Thị Điểm (1)

Điều có thể dùng làm chứng cớ là ở 2 người anh là Nguyễn Trác Luân và Đoàn Doãn Luân. Bà Nguyễn Thị Điểm là em ông Nguyễn Trác Luân và tên tuổi Nguyễn Trác Luân thìkhông thể sai bởi đã ghi trong sử đời Lê mạt...Đầu thập niên 70 thế kỉ XX, GS. Bùi Văn Nguyên, lúc này đang là Giảng viên Khoa Ngữ Văn trường Đại Học Sư phạm Hà Nội cùng GS. Phan Huy Lê, Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam về Hải Dương, gặp bố và chú của ông Nguyễn Trác Cách là Nguyễn Trác Thức và Nguyễn Trác Ngữ để hỏi cụ thể về việc dịch thuật của bà Nguyễn Thị Điểm. Các nhà nghiên cứu tìm đến gia tộc Nguyễn Trác thì điều không may là gia phả, sắc phong và cả ngôi nhà thờ họ năm gian mang tên Duy Ái Từ đã cháy trong kháng chiến chống Pháp. Tại đây, ông Nguyễn Trác Cách sinh năm 1936, trưởng tộc họ Nguyễn Trác đã kể lạicác giai thoại văn chương giữa Nguyễn Trác Luân với em gái là Nguyễn Thị Điểm, vốn ham học ngay từ khi còn nhỏ và thường cùng anh xướng họa thơ văn. Các giai thoại này dòng họ ông vẫn lưu truyền và ông khẳng định chính bà Nguyễn Thị Điểm mới là tác giả của Tục truyền kỳ và bản dịch Chinh phụ ngâm được phổ biến rộng rãi hiện nay(2).

Sau đợt nghiên cứu, trên Tạp chí Văn học, số 6 năm 1977, GS. Bùi Văn Nguyên viết bài “Bà Điểm nào trong hai bà Điểm, tương truyền có tham gia dịch một bản Chinh phụ ngâm của Đặng Trần Côn”. GS Bùi Văn Nguyên cho rằng: “Sự thật, có hai bà Điểm khác nhau, một bà họ Nguyễn, một bà họ Đoàn, hai bà sống có phần đồng thời, ở cùng một vùng, nay là tỉnh Hải Hưng, đều có người anh trùng tên là Luân và đều giỏi văn thơ, pha nghề dạy học”(3).

Điều GS. Bùi Văn Nguyên phát hiện làm rõ mối ngờ 20 năm trước của GS. Hoàng Xuân Hãn về độ chính xác của Vũ Hoạt khi cho rằng bà Đoàn thị Điểm là tác giả của bản Nôm Chinh Phụ Ngâm: “Có thể Vũ Hoạt nghe loáng thoáng có một bà Điểm nào đó hay chữ, liền nghĩ ngay đến bà Điểm vợ ông Kiều ở huyện Từ Liêm, cùng quê với ông Đặng Trần Côn là tác giả khúc ngâm, rồi ghi luôn vào bản khắc mà mình giới thiệu cho thêm phần giá trị và Vũ Hoạt trong lời bạt viết năm 1904 đời Thành Thái đã khéo bảo vệ bằng luận điểm tương truyền. Đã gọi là tương truyền thì chả có bằng cớ nào, về sau nếu không đúng cũng thôi...”

Năm 1953, trong cuốn Chinh phụ ngâm bị khảo, GS, Hoàng Xuân Hãn có nêu ra7 bảnChinh Phụ Ngâm diễn âmtrong đó ông tập trung chú ý 4 bản A,B,C,D. Bản A là bản thịnh hành thì ông cho là của Phan Huy Ích. Riêng bản B(ít phổ biến) ở đầu có chữ “nữ lưu”, ông cho rằng đây là bản của bà Đoàn Thị Điểm. Phải chăng bản này là của bà Nguyễn Thị Điểm còn bà Đoàn Thị Điểm tuy hay chữ nhưng chỉ viết Truyền Kì tân phả (Tục Truyền Kỳ) như lời kể của Nguyễn Án và  Phạm Đình Hổ.

Một chứng cớ nữa là nayở thư viện trường Đại học Yale Hoa Kỳ còn một bản chép tay Chinh Phụ ngâm bị lụcđời Thành Thái bằng chữ Nôm có chua quốc ngữ. Bản này ghi tên dịch giả là Nguyễn Thị Điểm. Tác phẩm gồm 412 câu, câu chữ gần như phù hợp với bản Chinh Phụ ngâm phiên ra quốc ngữ hiện được dùng phổ biến trong các sách văn học, kể cả sách giáo khoa Trung học và giáo trình Đại học hiện nay.

Bản lưu Digcoll 4376 tại Thư viện Sterling, Đại học Yale Hoa Kỳ

Chinh Phụ ngâm bị lụcNguyễn Thị Điểm diễn âm; Thành Thái Nhâm dần cúc nhật, Long Hòa hiệu tàng bản. (Bản chép trọn vẹn Chinh Phụ ngâm do Nguyễn Thị Điểm dịch nôm. Ngày mùa thu năm Nhâm dần đời Thành Thái (1902). Bản tàng trữ của hiệu Long Hòa).

-----------------------------

GHI CHÚ:

  1. Ảnh sachxua.net
  2. Theo tài liệu ông Nguyễn Trác Cách gửi viện trưởng Viện Văn học ngày 10 tháng 3 năm 2009; Đoàn Thị Điểm và Truyền kỳ tân phả; Bùi Thị Thiên Thai, Văn hóa Nghệ An 26.9.2010.
  3. GS Bùi Văn Nguyên, “Bà Điểm nào trong hai bà Điểm, tương truyền có tham gia dịch một bản Chinh phụ ngâm của Đặng Trần Côn” - Tạp chí Văn học, số 6 năm 1977,

***

CÒN TIẾP KÌ 3: NHỮNG LUẬN THUYẾT BẢO VỆ CHO MỘT LỜI TƯƠNG TRUYỀN VỀ NGƯỜI DỊCH CHINH PHỤ NGÂM RA CHỮ NÔM.

 

 

 

 

 

Nguyễn Cẩm Xuyên
Số lần đọc: 3364
Ngày đăng: 01.07.2018
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
“…Canh gà thọ xương”chuyện bịa như thật - Nguyễn Cẩm Xuyên
Đoàn Thạch Biền ( những ân tình còn đó…) - Phạm Thanh Chương
“Tiếng chuông Thiên Mụ” hay “Tiếng chuông Trấn Vũ”? - Nguyễn Cẩm Xuyên
Nguyễn Vỹ - nhà báo với ý thức dấn thân trong cái nhìn của các nhà nghiên cứu ở miền Nam (1954 – 1975) - Trần Hoài Anh
Ý thức vũ trụ - Võ Công Liêm
Thơ Như Quỳnh de Prelle, lắng nghe sự hiện hữu của thực tại. - Trần Duy Trung
Đánh Thiền sang bằng Thiền và Thiền - Võ Công Liêm
Nguyễn Văn Sâm và dòng chảy văn chương Nam Kì Lục Tỉnh - Hoàng Kim Oanh
Philip Roth, người Mỹ không trầm lặng - Từ Thức
Tiếng Việt thời LM de Rhodes - dạng bị (thụ) động (passive voice) - phần 8 - Nguyễn Cung Thông
Cùng một tác giả