Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.152
123.225.423
 
Tiếng hát đời thường
Phạm Ngọc Thái

 

Trong một phố nghèo có người vợ trẻ

Vẫn đón con đi, về… như thường lệ

Vóc em thanh cũng thể mùa xuân

Đôi mắt em: đôi mắt ấy màu đen.

 

Ngôi nhà nhỏ bên đền

Gốc đa, quán báo 
Nơi ngày xưa ai bán chiếu gon (*) 
Đêm hồ nước trăng soi 
Chiều lá me, lá sấu 
Cung thành xưa dấu đại bác còn. (**) 

Ôi quê hương! 
Cái phố nhỏ cứ mưa là lầy lội 
Cháu gái nhà bên tuổi không đoán nổi 
Chưa tối đã khêu đèn bê mẹt thuốc rao đêm 
Ngày hai bữa, bữa nào cũng vội. 

Miền đã theo tôi vào cuộc Trường Sơn
Hành quân rừng già, võng treo sườn gió... 
Ai biết chiều nay người vợ trẻ 
Đứng mong chồng bên đứa con thơ 
Giọt lệ cháy xót lòng mang sắc xanh thu! 

Tuyết bạc quê người... xứ sở mưa cau... 
Đi đâu, đến đâu: nhớ về phố ấy! 

Đôi mắt em buồn cho bài hát anh ca 
Con sẻ hót mênh mông đồng nước 
Người hát rong hát vui sân ga 
Tiếng Hát Đời Thường thường lẫn vào bụi cát 
Anh hát cho đời...
Anh hát em nghe... 
                                
Nước Đức - tháng 2/1989

Thơ PHẠM NGỌC THÁI

 

Lời bình:    NỖI LÒNG NGƯỜI XA XỨ

      Truyền kể lại rằng - Trong một khu phố nhỏ, có người vợ trẻ cùng đứa con thơ ngày tháng chờ chồng ra đi nơi đất khách, vì miếng cơm manh áo:

 Trong một phố nghèo có người vợ trẻ                                                  

 Vẫn đón con đi, về... như thường lệ                                                  

 Vóc em thanh cũng thể mùa xuân                                                 

 Đôi mắt em: đôi mắt ấy màu đen.

    “Tiếng hát đời thường” là một bài thơ về quê hương. Những hình ảnh rất thân thuộc nhưng vẫn mang tính điển hình, khái quát. Từ căn nhà bên ngôi đền cổ quanh năm rợp bóng đa chùa, cái quán báo trong phố đến cảnh sóng nước Hồ Tây... đã được gợi lại bằng câu chuyện cổ - (*) Nàng Thị Lộ từng bán chiếu gon, đã gặp ông Nguyễn Trãi và những vần thơ đối đáp giữa hai người:                     

 Ngôi nhà nhỏ bên đền

 Gốc đa, quán báo 
 Nơi ngày xưa ai bán chiếu gon (*) 
 Đêm hồ nước trăng soi 
 Chiều lá me, lá sấu 
      Qua bao hình ảnh mà người ra đi ở phương trời xa thường hay nhớ: những đêm trăng hồ, những chiều lá sấu, lá me rơi... Cả chiếc cổng đá của cung thành cố đô xưa, vẫn còn in dấu đạn đại bác từ thời giặc Pháp bắn vào -   Thành Thăng Long thất thủ, tổng đốc Hoàng Diệu đã phải thắt cổ để tuẫn tiết:

    Cung thành xưa dấu đại bác còn (**)

           (câu thơ 10)

     Đó là một bức tranh quê, tiết tấu thơ đầy chất trữ tình. Rồi những hình ảnh sinh sống trước đây mà nhà thơ nhớ lại:  

    Cái phố nhỏ cứ mưa là lầy lội                                                             
    Cháu gái nhà bên tuổi không đoán nổi 
    Chưa tối đã khêu đèn bê mẹt thuốc rao đêm 
    Ngày hai bữa, bữa nào cũng vội. 

Người chồng ấy vẫn đau đáu nhớ về nơi vợ con đang trông đợi: 
                    Tuyết bạc quê người... xứ sở mưa cau... 
                    Đi đâu, đến đâu: nhớ về phố ấy! 
      Cái miền quê một thuở nào, theo anh ra trận trong cuộc chiến tranh xưa: 
                    Miền đã theo tôi vào cuộc Trường Sơn 
                    Hành quân rừng già, võng treo sườn gió... 
      Bài thơ được viết trong nỗi nhớ mong hiu hắt của kẻ đang lưu lạc ở xứ người. Đó là những tiếng nói yêu thương, xao xiết thường tình chốn dân gian, càng làm cho tình thơ thêm tha thiết: 
                    Đôi mắt em buồn cho bài hát anh ca 
                    Con sẻ hót mênh mông đồng nước 
                    Người hát rong hát vui sân ga... 
      Cái tiếng hát đời thường ấy có thể là một khúc đàn dạo của người hát rong trên sân ga, tiếng rao của em bé bán báo hoặc tiếng gọi đò trên dòng sông trong đêm vắng. Nó máu thịt như người vợ quê ta, như bà mẹ già tóc bạc, như nồi khoai, củ sắn ngày tám tháng ba. Cũng có khi ánh lên niềm vui bên bếp lửa hồng của những người thân... Ngày ngày ta vẫn từng nghe đâu đấy vọng lên thảng thốt:

                    Tiếng Hát Đời Thường thường lẫn vào bụi cát
                    Anh hát cho đời...
                    Anh hát em nghe...

     để rồi bay đi lẫn vào trong cát bụi cuộc đời. Và bài thơ Tiếng Hát Đời Thường, một tình thi da diết máu tim đã khép lại ở đó.

                                                       

    PHẠM THÀNH CÔNG

 (trích tập "Phê bình và tiểu luận thi ca")

 

Phạm Ngọc Thái
Số lần đọc: 1211
Ngày đăng: 04.08.2018
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Giới thiệu sách mới: tiểu thuyết “Đẻ sách” - Đỗ Quyên
Đến với bài thơ “Chung” của Đặng Xuân Xuyến - Đặng Xuân Xuyến
Thơ Haiku Nguyễn Thánh Ngã “Viết từ sương mù và trên cánh hoa”(*) - Chế Diễm Trâm
Có điều như chưa nói với Sông Trà - Nguyễn Thánh Ngã
Tiếp biến văn hóa trong kịch Lưu Quang Vũ - Tuấn Giang
Đinh Tiến Luyện - Phạm Thanh Chương
Ngắm chiều – Bài thơ độc đáo của Bùi Cửu Trường - Đặng Xuân Xuyến
Phạm Công Luận ( Người“gìn giữ linh hồn”của phố) - Phạm Thanh Chương
Tác Phẩm đáng ĐỌC: SONG TỬ & nàng Như Quỳnh de Prelle - Vũ Trọng Quang
Cách thể hiện mới mẻ trong tập thơ “Tôi hát về ngày không em” của Bùi Minh Vũ - Hà Quảng
Cùng một tác giả
Em tắm (thơ)