Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.186
123.216.250
 
Hà Đông trong nỗi niềm của một nhà thơ
Nguyễn Anh Tuấn

 

Vào hôm cột ranh giới giữa Hà Nội - Hà Đông được dỡ bỏ, tôi có dịp đi qua và dừng lại, chợt nhớ đến bài thơ "Hà Đông" của Phạm Đình Ân. Về nhà, tôi lục tìm đọc lại nó trong tập Những hoàng hôn ngẫu nhiên (NXB Phụ nữ, 2001) và bâng khuâng suốt một buổi chiều…

Bài thơ được làm vào năm 1985, khi đất nước ta đang chuẩn bị bước sang thời kỳ đổi mới. Ai cũng biết, từ năm 1985 trở về trước, đời sống của nhân dân ta còn cơ cực lắm! Thơ tình của Phạm Đình Ân thường kín đáo lồng ghép các vấn đề xã hội, hoặc cao hơn thế- nảy sinh từ chính vấn đề xã hội, và bài thơ Hà Đông có thể nói là một điển hình... Chẳng ai có thể cãi rằng: đây không phải là thơ tình! Mà thơ tình bao giờ chẳng có chút buồn, hơn nữa ở đây lại là sự chia ly, xa cách. Có điều, nhà thơ đã diễn tả nỗi thất tình của mình thông qua một địa chỉ là Hà Đông, có những địa danh cụ thể: Vạn Phúc, Đường số 6, sông Đà, v.v, và gửi gắm một cái gì đó sâu xa hơn nỗi buồn của tình yêu…Những câu thơ như lời tâm sự thường tình, không gọt rũa, không cố tình làm thơ mà cứ thế dẫn người đọc vào cõi rung cảm chân thật, sâu lắng của nhà thơ:

Hà Đông vốn thuộc về Hà Nội/nay thì không mà vẫn cứ Hà Đông

Xưa Hà Đông thuộc Hà Nội. Nay thì không. Em có thể thuộc về anh, nay thì không, và mãi mãi không bao giờ anh có em nữa…Hà Nội cách Hà Đông chỉ hơn chục cây số, cách nơi ở của “tôi” có thể chỉ vài chục phút xe đạp. Nhưng “dăm cây số thoắt bước sang tỉnh khác” mất rồi! Em đã rất gần mà nay hoá xa xôi- cái xa xôi không còn chỉ là địa lý, không gian nữa… Và nhà thơ đã giải thích ngay cái ý tưởng “ vẫn cứ Hà Đông” một cách ý nhị:

Em ở lại thị xã này mãi mãi/ Những buổi chiều em đã có tôi mong

Cái lý do bâng quơ nhưng “giăng lưới nhện” này chỉ có thể giải thích bằng logich tình cảm, và chỉ thi sĩ mới có!

Sau đấy, nhà thơ diễn tả thêm sự gắn bó của mình với mảnh đất của tình yêu bằng ba khổ thơ- cũng bằng cách nói giống lời nói thường, tưng tửng:

Dăm cây số thoắt bước sang tỉnh khác

đường mới làm, nắng gió thảnh thơi hơn

Tôi trót có những chiều vàng hư ảo

vui, trôi qua mắt của em buồn.

 

Phố lớn nhất nằm trên đường số Sáu

lên Xuân Mai, Hoà Bình, Mai Châu

Qua Hà Đông, xin đừng nhìn hờ hững

điện sông Đà hé sáng giữa gian lao.

 

Làng Vạn Phúc ở  bên bờ sông Nhuệ

Sử sách từng ghi biết mấy mươi lần

Xưa lắm lụa mà đến nay lại hiếm

Những làng La tôi đã quá yêu thân.

Lúc đầu chúng ta hơi ngạc nhiên, vì sao thơ Phạm Đình Ân lại có vẻ dễ dãi thế, anh dùng những từ ngữ, cách diễn đạt dường ít thơ- nếu không muốn nói là khá mòn sáo. Nhưng, ngẫm ra mới hiểu, anh đang cố ghìm cảm xúc của mình- đó chính là chỗ thể hiện bản lĩnh của một nhà thơ giàu kinh nghiệm, đã làm theo lời khuyên của Viên Mai: ‘ý thâm, từ thiển” ( ý sâu mà lời dung dị)

Tôi trót có những chiều vàng hư ảo/ vui, trôi qua đôi mắt của em buồn.

Hai câu thơ trên tựa như sự lạc lõng của một chàng thi sĩ đa đoan đa cảm giữa một không gian xô bồ ngổn ngang; và anh chợt ngậm ngùi nhận ra tình yêu đơn phương của mình, niềm vui hò hẹn của mình chỉ là “ những chiều vàng hư ảo”. Chúng ta có cảm tưởng tác giả đã từng đọc thầm nhiều lần hai câu thơ trên để thấm thía một nỗi buồn khôn tả! Điều đáng nói là: sự phát hiện đó được nói ra bằng cách riêng của Phạm Đình Ân, khó lẫn được với ai ( trót có; vui, trôi qua đôi mắt của em buồn). Ta liên tưởng đến cái mỉm cuời buồn bã ẩn giấu sự hóm hỉnh của anh trong một bài thơ tình khác: “Tôi cất đi những cái giật mình…”(Những cái giật mình ). Và chính hai câu thơ trên, vốn được dụng công chọn lựa chữ nghĩa lại giống như một sự “xuất thần” - đã làm “xương sống” cho không những ba đoạn thơ, mà còn cho cả bài thơ; nó khiến những điều giản dị mà nhà thơ quan sát và kêu gọi trở nên rung động thấm thía: Xin đừng nhìn hờ hững, hé sáng giữa gian lao, sử sách từng ghi, đã quá yêu thân…Những điều tưởng chừng là sự “liệt kê” ấy, thực ra là niềm tiếc nuối không che giấu nổi của nhà thơ về vẻ đẹp và sản vật của quê hương Đất Nước- chúng được “bảo hiểm” bằng mối tình vô vọng nhưng đáng trân trọng, và chúng đã kín đáo nuôi cảm xúc cho độc giả, để đến đoạn cuối, cảm xúc của nhà thơ ùa mạnh vào lòng người đọc một nỗi xót xa, nghẹn ngào, thương nhớ, nuối tiếc thăm thẳm:

Hà Đông có thuộc về Hà Nội/ Hay là không thì vẫn cứ Hà Đông/ Phố thưa vắng, mà tìm người đâu dễ/ Nghìn buổi chiều tôi đến, phải về không.

Đến đây, nỗi buồn thất tình của riêng nhà thơ đã vô tình được nâng lên trong nỗi nhớ của nhiều người về một vùng đất, một địa danh nổi tiếng…Nhà thơ mới chỉ phác hoạ ra mấy nét đơn sơ về một vùng “địa linh nhân kiệt”, nhưng đủ gợi lên trong lòng người đọc biết bao cảm xúc về xứ Đoài- một vùng châu thổ sông Hồng cổ truyền, nơi tích tụ tinh hoa của ngàn đời dân tộc …Tình yêu không đạt được mục đích, song những gì mà nhà thơ đã có trên mảnh đất này giống như một sự “đối trọng” với nỗi buồn- sự thất tình, và vô tình điều đó đã vẽ ra cái tâm hồn vững chãi, cái nhân cách đáng trọng của một thi sĩ- công dân. “ Nghìn buổi chiều tôi đến phải về không”, nhưng Hà Đông “thì vẫn cứ Hà Đông”. Nỗi buồn dù lớn đến đâu cũng chẳng khiến lương tri nhà thơ bị sứt mẻ mảy may. Cuộc đời vốn là thế, cái gì riêng là của riêng ta, còn cuộc sống vẫn là cuộc sống, không thể “giận cá chém thớt”- hơn thế nữa, cái riêng ấy đã hoà tan trong một niềm tự hào, trong nhận thức về lẽ đời rộng lớn.

Tới khổ thơ cuối, đằng sau nỗi buồn và sự tiếc nuối khiến người đọc cũng phải ngẩn ngơ xa xót cùng, nhà thơ đã cài” được một niềm tin, một lời nhắn nhủ kín đáo: “ tôi” và “chúng ta” có thể “về không” trong mối tình vô vọng, nhưng không thể “về không” trong sự đánh mất bản sắc của Hà Đông- xứ Đoài!  Chính ở đây, trực cảm thi sĩ đã giúp Phạm Đình Ân vượt trước thời gian hàng mấy chục năm, để từ nỗi niềm riêng, anh vô tình nói lên được một chân lý đủ sức khái quát bao tri thức văn hoá, địa lý, lịch sử, cùng tâm tư của những trí thức chân chính: dù Hà Đông hôm nay đã không còn là Hà Đông nữa, nhưng những gì Hà Đông ( và Hà Tây- Xứ Đoài) đã để lại cho văn hoá, cho lịch sử thì không thể bị đánh mất đi theo cột mốc...

 

 

Nguyễn Anh Tuấn
Số lần đọc: 1650
Ngày đăng: 04.08.2018
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Giới thiệu sách mới: tiểu thuyết “Đẻ sách” - Đỗ Quyên
Đến với bài thơ “Chung” của Đặng Xuân Xuyến - Đặng Xuân Xuyến
Thơ Haiku Nguyễn Thánh Ngã “Viết từ sương mù và trên cánh hoa”(*) - Chế Diễm Trâm
Có điều như chưa nói với Sông Trà - Nguyễn Thánh Ngã
Tiếp biến văn hóa trong kịch Lưu Quang Vũ - Tuấn Giang
Đinh Tiến Luyện - Phạm Thanh Chương
Ngắm chiều – Bài thơ độc đáo của Bùi Cửu Trường - Đặng Xuân Xuyến
Phạm Công Luận ( Người“gìn giữ linh hồn”của phố) - Phạm Thanh Chương
Tác Phẩm đáng ĐỌC: SONG TỬ & nàng Như Quỳnh de Prelle - Vũ Trọng Quang
Cách thể hiện mới mẻ trong tập thơ “Tôi hát về ngày không em” của Bùi Minh Vũ - Hà Quảng
Cùng một tác giả
Ám ảnh gia truyền (truyện ngắn)
Bản di chúc bi thảm (truyện ngắn)
Một kiếp đầu thai (truyện ngắn)
Tình bạn phá sản (truyện ngắn)
Lãnh Chúa ngân hàng (truyện ngắn)
Đạp và đạp (tạp văn)
Tâm bệnh Nguyễn Du (truyện ngắn)
Giọt lệ mo hồn (truyện ngắn)
Nhớ mẹ (tạp văn)
Tư tưởng của ruồi (truyện ngắn)