Nhà thơ Bình Địa Mộc:
Nhà thơ Bình Địa Mộc, tên thật Đỗ Thanh Toàn, một tác giả thơ quen thuộc xứ Quảng vừa mới ra mắt tập thơ đầu tay “Ăn trộm mùa thu” (NXB Hội nhà văn quý II, 2018). Tác phẩm không có lời tựa dài dòng của như những tập thơ khác mà chỉ có đôi dòng giới thiệu ngắn của tác giả: “Làm thơ và viết truyện ngắn từ năm 1980 nhưng sau đó ngưng viết, mãi đến năm 2010 mới viết lại. Đã có bài đăng trên các báo trung ương và địa phương, các trang web trong và ngoài nước. Với tôi được viết, được chuyện trò với bạn đọc là niềm hạnh phúc lớn”. Đây là thành quả sau chặng đường sáng tác, chơi văn nghệ sau gần mấy mươi năm của tác giả, bao gồm 61 bài trong gần 100 trang in. Hồn thơ của Bình Địa Mộc được hình thành qua những giông bão quăng quật của đời sống, những giằng xé trong cõi nhân sinh, nỗi niềm đau đáu của thi nhân hướng về đất nước với tâm thế và trách nhiệm của người cầm bút. Lật mở từng trang thơ, điều dễ dàng nhận biết thế mạnh của Bình Địa Mộc là thể thơ lục bát của dân tộc, nhưng qua sáng tạo của thi sĩ, con chữ được chắt lọc, quẫy đạp trong bản ngã, nối liền cái tình cái nghĩa một cách rõ ràng, tự nhiên: “Anh về nhớ bước nhẹ thôi/ Kẻo con nắng vỡ làm đôi ngập ngừng/ Gió vài sợi dửng dừng dưng/ Lạc tà áo một thuở từng tung tăng” (về đi tháng ba). Dẫu mới quen biết anh trong thời gian gần đây, nhưng anh luôn cho thấy mình luôn nghiêm túc, nghiên cẩn trong chữ nghĩa, mỗi khi hoàn thành bài thơ anh thường đọc đi đọc lại nhiều lần, đôi lúc công bố rồi nhưng vẫn muốn chỉnh sửa lại cho đến khi vừa ý mới thôi. Sáng tác trong thời gian dài với biết bao dâu bể, biến động của cuộc sống nhưng dường như thơ Bình Địa Mộc vẫn lãng mạn hồn nhiên, trong sáng khắc khoải như thuở ban đầu. Những cái nhìn tinh tế, những nỗi niềm day dứt, những hoài niệm khôn nguôi trong sâu thẳm hiện về, tắm mát hồn thơ giữa đường đời chật hẹp, mãi loay hoay với công cuộc mưu sinh đầy nhọc nhằn “cơm áo không đùa với khách thơ”. “lại đi về phía cô miên/ nghĩa là chợ vẫn còn phiên cuối cùng/ dăm ba khách bước chập chùng/ lệ tha phương bỗng dưng dùng dằng rơi” (nghĩa là), cảm xúc trong thơ Bình Địa Mộc tươi mới, vẹn nguyên những cũng không kém phần chân tình, mộc mạc. Thơ anh luôn nặng nợ ân tình với quê nhà, tựa hơi thở hằng ngày được anh nuôi dưỡng: “Giữa Sài Gòn ăn tô mỳ Quảng/ Còn sang hơn mỹ vị cao lương/ Nghe người quở buồn chi bảng lảng/ Nhích lại gần. Tôi nhớ Quế Sơn” (Mỳ Quảng Sài Gòn).
Tình yêu là một phần không thể thiếu trong thi ca, tình cảm ấy thực dễ thương, ấm áp, chia ngọt sẻ bùi trong những ngày ta cô đơn, buồn bã nhất: “em bếp núc bù đầu bù cổ/ hạt bụi vương chẳng biết dụi mắt nào/ làn khói mỏng tưởng chừng mơ mộng/ giàn mướp rung ong bướm nỡ vô tình/ đêm chong đèn loay hoay tìm ẩn số/ đời tàn hơi chưa biết yêu ai/ anh thích gì ở em/ nói nhanh lên/ kẻo tích tắc lại quên/ giống kim đồng hồ cuối năm hối hả/ đẩy thời gian nhộn nhịp đón xuân về (tích tắc). Cân bằng giữa viết lách và trách nhiệm của nghệ sỹ, giữa bao dung và vị tha, của hiện thực và thẩm mỹ, thơ và đời, đời và thơ như hòa nhập làm một, không thể tách rời. Thêm nữa, cảm hứng đất nước hiện diện đau đáu trong trái tim mỗi người: “Mai thức dậy trùng dương xanh dát nắng/ Áo em vàng dệt nỗi nhớ mênh mang/ Bởi có thể bên kia bờ biển vắng/ Con thuyền nào cũng dậy sóng Việt Nam”. Nhà thơ Trần Hữu Dũng nhận xét: “Thơ ca luôn nhắc nhở về cuộc sống hỗn mang, nhiễm độc không khí, tai ương, tàn phá chiến tranh nhưng vẫn còn hạnh phúc bình dị mái ấm, trái tim nhân hậu, bảo bọc, yêu thương của đồng loại quanh đây. Bản chất con người luôn mang những thi tính tốt đẹp. Khép lại tập thơ “Ăn trộm mùa thu”, bạn đọc cảm nhận những tự khúc thế sự mà tác giả trao gửi thật chân thành và sâu lắng tận đáy lòng”.