Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.191
123.212.919
 
Qua cầu
Trần Yên Hòa

 

 

Ở đời ai có qua cầu mới hay!


Thạnh đến sở tư pháp để làm hôn thú kết hôn với Nguyệt Nga. Anh quyết định cưới Nguyệt Nga chứ không để Nguyệt Nga vuột mất khỏi tầm tay, như Lục Vân Tiên vuột Nguyệt Nga trong truyện của cụ Nguyễn Đình Chiểu. Lục Vân Tiên gặp Nguyệt Nga giữa đường khi cô tiểu thư lâm nạn. Còn Thạnh gặp Nguyệt Nga qua lời giới thiệu của chị Hồng Vân.

Thấy Thạnh sống lơ ngơ ở bên Mỹ một mình, cô đơn côi cút, chị Hồng Vân đề nghị, Thạnh nên lấy vợ đi, ở đất Mỹ này đàn ông không có đàn bà làm sao sống nổi. Thạnh cười lạt, có đàn bà thêm rắc rối chứ có ích gì! như chị đó, chị mở máy nói cả ngày khiến anh Toàn phải đi làm suốt, để tránh cái loa của chị. Chị Hồng Vân nguýt dài, đừng vu oan giá họa cho tôi, không có tôi một ngày là tay Toàn đứng ngồi không yên. Thạnh hỏi lại, vây chị chọn cô nào cho em đây? Chị Vân thấy Thạnh đã “chịu đèn”nên mở máy quảng cáo, tôi có cô em gái con dì, xinh xắn dễ thương đáo để, nếu em thích thì chị giới thiệu cho, con bé kháu, hiền lành, nết na. Thạnh hỏi lại, cô ấy bao nhiêu tuổi? Ba mươi. Sao đến những ba mươi? ai cũng bảo, Việt kiều về nước lấy vợ mười chín, hai mươi. Chị Hồng Vân chu mõ, cậu muốn lấy mười chín, hai mươi, để qua Mỹ nó bỏ cậu à, để cậu ca bài ca, anh đã lầm đưa em sang đây, hở? Chị Hồng Vân nói tiếp, cậu nên lấy cở trên ba mươi là vừa. Mà cậu còn trẻ trung gì cho cam. Già chát mà ham! Rồi chị làm ra vẽ kinh nghiệm, lấy vợ chỉ cần đẹp nết, em à. Thạnh suy nghĩ, chị Vân nói cũng có lý. Mình chỉ cần một người đàn bà đẹp nết để xoa dịu nỗi cô đơn.

Thế là Thạnh quen được với Nguyệt Nga, không qua con đường cứu nạn Nguyệt Nga như Lục Vân Tiên. Và Nguyệt Nga không là con nhà quan mà con nhà dân dã, cha mẹ em thích đọc thơ cụ Đồ Chiểu nên đặt tên con như thế. Em ở tại Gò Công, một xứ anh chỉ nghe trong sách địa lý.

Qua bao chặng đường, Thạnh trở về đây. Mọi chuyện cũng xong và bây giờ thì anh hăm hở đèo Nguyệt Nga trên chiếc xe Atila đến Sở Tư Pháp.

Nguyệt Nga ngồi sau yên xe, chiếc xe nhổng đít như con bọ ngựa. Một kiểu sáng chế mới của Đài Loan. Bây giờ mốt Đài Loan, Hàn quốc là mốt thời trang nhất. Mấy cô người mẫu, ca sĩ, vũ nữ, sinh viên, học sinh, thiếu phụ xuân tình, đều coi mốt Đài Loan, Hàn quốc là mốt thời thượng. Nguyệt Nga cũng ở trong số ấy, dù cô hiền hơn một chút, nhưng trang phục, xe xịn, vóc dáng đẹp, con gái ai mà không ham.

Nguyệt Nga ngồi sau xe chồm người lên nói:
“Em hỏi chị Mận ở sở Tư Pháp rồi, chị nói mình nộp hồ sơ xong đợi khoảng hai mươi ngày là ra lấy giấy kết hôn, dễ ợt anh à, mình cưới thật chứ có cưới giả đâu.”
Thạnh hỏi lại:
“Sao lại có cưới giả?”
“Có chứ anh, mấy bà ở bên này dư tiền thừa bạc, muốn xuất cảnh sang Mỹ thì tìm một ông Việt kiều nào đó, chịu làm hôn thú, làm vợ chồng, cũng ra sở tư pháp kết hôn, rồi làm hồ sơ xuất cảnh cùng chồng.”
Anh thốt lên:
“À ra thế.”

Anh định nói một câu gì trong cái ý nghĩ mơ hồ của anh, ”vậy em với anh là thực hay giả đây?” nhưng anh kịp dừng lại. Quen nhau bốn năm, về gặp nhau 2 lần, mỗi lần nửa tháng, mà Nguyệt Nga ở tận Gò công, cô lên Sài Gòn buổi sáng, buổi tối phải về. Anh chưa tìm hiểu sâu về cô gái, nhưng anh dự tưởng trong mơ hồ, cô gái có ý muốn lấy chồng và yêu anh. Chuyện lấy chồng nặng hơn chuyện đi Mỹ vì anh đã qua mấy lần thử thách. Nàng hiền hơn anh dự tưởng. Khi yêu, ai cũng chủ quan.
 

Thạnh cho xe chạy chậm và tách lên lề, ba chữ Sở Tư Pháp được kẻ bằng chữ đỏ. Anh dựng xe. Nắng bắt đầu chói chan trên đầu, chín giờ sáng. Mùa hè đã đi qua, bây giờ là mùa thu mà nắng vẫn còn gay gắt. Mồ hôi bắt đầu đổ ra trên lưng áo. Thạnh ngó vào bên trong, người dân đến liên lạc làm việc với Sở Tư Pháp đông quá, họ ngồi trên những cái ghế nhựa màu đỏ, có người ngồi bệt xuống thềm xi măng. Không ai mang giày. Mọi người đi dép, một số đi chân trần.

Nguyệt Nga chỉ Thạnh ngồi vào cái ghế đá đặt trong phòng chờ đợi. Thạnh như người khách, anh lơ ngơ. Có lẽ cái nếp sinh hoạt của anh cũng đã quen với nếp sinh hoạt ở Mỹ nên mọi chuyện chờ đợi, ngồi sắp hàng dài ở đây khiến anh lạ. Anh tự nhũ, dù gì cũng phải bước qua cửa ải này, nhập gia tùy tục. Anh ngồi trên ghế đá đợi Nguyệt Nga đon đả xách tập đơn bước vào phòng “Nhận Và Trả Hồ Sơ” đăng ký kết hôn.

Thạnh nhìn quanh quất căn phòng. Trên tường có một bản hướng dẫn về việc đăng ký  kết hôn với người nước ngoài. Anh chợt thấy vui vui vì mình bây giờ là người Mỹ  chứ không còn là người Việt nữa. “Người Nước Ngoài” nhưng anh không có một tên Mỹ là Jack hay Jean đính kèm, anh vẫn giữ dòng họ Việt Nam của anh, anh muốn thấm tên họ mình vào đất nước nghèo khổ cùng khốn này.

Nguyệt Nga bước ra khỏi cánh cửa phòng nhận hồ sơ. Cô đến bên anh nói vội vã:
“Anh vào trong phòng chút, cô nhân viên nhận hồ sơ muốn gặp anh để hỏi chuyện.”

Thạnh vội vã bước vào. Căn phòng chật với những cái bàn kê sát nhau. Không ai nhìn anh, đôi mắt cô nào cũng cau lại nhìn xuống mặt bàn, trên đó có để sẳn một tập giấy. Anh lại nghĩ. Tại sao trời đất sinh ra nguời con gái có đôi mắt đẹp thế kia mà không biết xử dụng nó như một làn nước mát, để dội vào lòng người cái cảm giác thanh thản bình yên trong lúc chờ đợi? Mà đôi mắt nào cũng cụp xuống. Anh tự động ngồi vào chiếc ghế trống. Người nhân viên đang cuí đầu trên những trang hồ sơ của anh và Nguyệt Nga đã làm. Nguyệt Nga ngồi ghế bên kia, gương mặt cô căng ra trông rất lo lắng, tội nghiệp. Nguyệt Nga thấy anh đổ mồ hôi dòng dòng trên khuôn mặt, liền hỏi:
“Trời nóng quá phải không anh?”
“Nóng, nhưng không có gì.”
“Anh ráng ngồi đợi chút, chắc cũng xong sớm thôi.”
Cô gái nhân viên, ngước mắt lên:
“Anh là Thạnh”
“Dạ”

Đôi mắt đó vẫn không cười, cô nói như một chiến công là đã tìm ra những thiếu sót của tập hồ sơ:
- Hồ sơ của anh nộp còn sai và thiếu rất nhiều. Anh phải đi lấy giấy sức khoẻ ở bệnh viện tâm thần, dịch và công chứng bản li dị, khai lý lịch cá nhân rõ ràng hơn. Công chứng bản visa và passport.”

Cô nhân viên trả lại hồ sơ cho Nguyệt Nga, vẫn nét mặt nghiêm và lạnh, vẫn không có nụ cười.
Những người đến đây nộp đơn toàn là những chuyện thất lạc giấy tờ vì chiến tranh, như mất khai sinh, giá thú… những chuyện thật não lòng. Khi nãy, trong lúc ngồi đợi ngoài ghế đá, anh thấy chuyện người thương binh đến xin điều chỉnh lại cái tên… cũng đáng cười ra nước mắt. Tên anh là Nguyễn Bửu, đi du kích xã hồi chiến tranh. Khi anh bị thương,trong một trận đánh, anh bị cụt một chân, khi ra viện, cầm cái giấy xuất viện là thương binh loại 4 tên Huỳnh Tình. Sao lại có tên Huỳnh Tình, anh không biết nữa nhưng anh không hỏi. Anh nghĩ thôi thì tên của cách mạng cho thế nào cũng được. Sau ba mươi tháng tư ảy lăm, anh làm hồ sơ ăn lương thương binh cũng bằng tên Huỳnh Tình. Đến bây giờ đất vườn anh bị quy hoạch, anh làm đơn xin tiền bồi thường nhưng với cái tên Huỳnh Tình đâu có dính dáng gì đến cái họ Nguyễn trong giấy tờ ruộng đất của anh. Anh đã đi gõ cửa nhiều nơi nhưng ai cũng lắc đầu. Anh đến sở Tư Pháp với tập đơn dày. Cô trưởng phòng xem tập hồ sơ rồi nói:
“Anh tìm đến đơn vị cũ của anh, nơi anh nằm viện để xác nhận anh là Nguyễn Bửu chứ không phải là Huỳnh Tình, thì ở đây mới có cơ sở để thay đổi tên họ cho anh được.”
Người thương binh hớt hãi:
“Nhưng mà đơn vị của tôi đã giải thể từ sau năm 1975”.
“Chuyện đó là chuyện của anh, tôi không biết.”
Người thương binh chống nạng thất thểu đi ra khỏi phòng.
Nghĩ đến chuyện này, Thạnh tự nhũ:
“Cũng còn nhiều người ức hơn bò đá, chuyện của ta thì có sá gì.”

Trời mưa. Thành phố tháng chín có những cơn mưa giông. Mưa giăng giăng trên lối đi, mưa nhạt nhòa cả khung trời mù đục. Mưa làm những quảng đường mới đắp trở nên sình lầy nhớp nhúa. Con đường từ thành phố lên bệnh viện tâm thần mười cây số. Dù đã làm tờ chứng nhận không bị bệnh tâm thần ở Mỹ rồi, nhưng anh vẫn theo lời cô thư ký: “Anh nên lên bệnh viện tâm thần xác nhận lại tình trạng của anh.”
Chỉ câu nói nhỏ nhẹ đó mà chiều nay anh vội vã lên xe, chở Nguyệt Nga băng băng dưới mưa, chạy trên mười cây số để đến xin chữ ký của bác sĩ, xác nhận anh không bị tâm thần, an nhiên được phép cưới vợ.

Gần 4 giờ, trời mưa nhỏ hạt, Thạnh đã tới bệnh viện. Anh cho xe chạy vào chỗ gởi xe. Người nhân viên nói:
“Anh vào chứng nhận tâm thần để làm hôn thú phải không? Nếu đúng vậy anh có ảnh chưa?”
“Đúng rồi, nhưng tôi chưa có ảnh.”
“Vậy thì anh đi chụp ảnh đi.”
Thạnh lại cám ơn người nhân viên và quày quả chạy xe ra, anh noí với Nguyệt Nga:
“Ở đây có tiệm chụp hình không?”
“Em cũng không biết, nhưng cứ đi dọc theo đường này chắc có.”
Thạnh cho xe chạy quanh lại con đường cũ, những quán nhậu, thịt chó, bê thui, dê, ếch, gà, vịt, dê, bò, đủ cả. Sao kiếm một tiệm chụp hình khó khăn như thế này. Đi một đoạn xa cũng dễ chừng mấy cây số, mới nhìn ra một hàng chữ “chụp hình lấy liền, 5 phút, bằng máy kỹ thuật số”. Anh chạy xe vào. Ngồi, chải đầu sơ sịa. Ngươi đàn bà cầm cái máy chụp hình nhỏ, nói, anh ngồi yên, tôi chụp đây, rồi bấm máy. Mười phút anh cầm hai tấm hình đi ra.

Còn 10 phút nữa là hết giờ làm việc, anh chạy xe vội vã, những chiếc xe ngược chiều không nhường đường cho anh quẹo vào nhà thương, anh phải dừng lại hai ba chặng. Cuối cùng rồi anh cũng tới nơi. Người gác cổng phất tay bảo, gần hết giờ làm việc, anh chị chạy xe luôn vào trong, một chốc ra trả tiền gởi xe cũng được. Thạnh nói cám ơn.

Còn 5 phút, người thư ký làm vội vã thủ tục. Xong đưa anh xuống phòng bác sĩ tâm thần. Những câu hỏi lặp lại, Anh ở đâu? Anh làm gì? Quê quán, ngày tháng năm sinh, địa chỉ hiện tại. Ký tên, đóng dấu. Lại đemvào phòng thư ký. Đóng tiền. Rồi cô thư ký dắt anh vào phòng riêng, cô nói. Xin anh tiền ủng hộ bệnh viện. Anh móc túi. Cô thư ký bỏ tiền vào bóp, anh không nhận được biên lai.

Sáng hôm sau Thạnh và Nguyệt Nga trở lại Sở Tư Pháp. Mới 8 giờ mà dân chúng đã đến chầu chực bên ngoài rất đông. Không biết những oan khiên nào để người dân phải tới nơi này để tìm lẽ phải. Nguyệt Nga bảo Thạnh ngồi xuống chiếc ghế trống, cô luồng lách qua đám người lố nhố. Miệng cô lúc nào cũng cười với mọi người vì biết mình làm như thế này là không phải. Xin lỗi, cho tôi vào trong trước một chút. Có tiếng nói trổng không. Đến sau mà chen lấn. Nguyệt Nga cố như không nghe tiếng nói đó. Cô cầm tập hồ sơ trong có bản ly dị của Thạnh và người vợ cũ bằng tiếng Anh. Xin cô dịch và công chứng bản li dị. Người thư ký cầm lên và đọc săm soi. Sao ai cũng săm soi như là muốn tìm ra trong đó có cái gì giả không. Giả? Đời nay có nhiều chuyện giả quá nên giả thật khôn lường. Cô thư ký đọc một đoạn rồi ngước lên nhìn Nguyệt Nga, nét mặt thật nghiêm trang. Cái chữ này trong bản li dị có sửa. Sao không đóng dấu đỏ vào, chị về Mỹ xin con dấu đỏ. Có dấu đỏ ở đây mớithông dịch được. Nguyệt Nga ngớ người. Gởi về Mỹ? Trời đất. Nguyệt Ngabương bã cầm tập hồ sơ đi ra ngoài, đến chỗ của Thạnh. Nguyệt Nga nói,họ bảo anh gởi về Mỹ đóng dấu đỏ vào chỗ sửa này. Thạnh cũng ngớ ra. Gởi về Mỹ thì bao giờ mới tới, mà gởi cho ai? Hay là mình phải về lại bên đó?

Thạnh chở Nguyệt Nga trên xe và lòng thật buồn bã. Anh đề nghị:
“Hay mình tới phòng công chứng trên Sài Gòn thử coi”.
Nguyệt Nga đồng tình:
“Đúng đó anh, trên Sài Gòn chắc là họ dễ dàng hơn.”
Hai người về nhà thu xếp rồi thẳng đường Sài Gòn trực chỉ.

Sài Gòn, anh đã tới, anh đã đến và đi. Nhiều lần. Nhưng lần này anh mới quan sát tầm vóc của Sài Gòn. Sài gòn đã có 12 quận nội thành và những huyện ngoại thành. Gộp chung đặt tên là thành phố... Dù sao Sài Gòn với anh cũng quá nhiều kỷ niệm, kỷ niệm thời sinh viên, kỷ niệm thời đi dạy kèm tư gia, kỷ niệm thời trở về từ trại tập trung sống cù bơ cù bất.

Bây giờ anh trở về, Sài Gòn có vẻ như nóng hơn, người đông đúc hơn, xe cộ nhiều hơn. Nhà cao tầng được xây lên nghễu nghệnh, đường mới mở cũng nhiều nhưng số dân từ các xứ khác tấp vào đây quá tải, nên số đường sá không đủ sức chứa cho người đi lại. Anh nhìn những tấm bảng, những tên đường, tên của người đâu đâu, không thấm vào trí nhớ anh một nhân vật nào trong lịch sử mà anh đã biết.

Nguyệt Nga ngồi phía sau xe, cô nói chuyện như một con chim mới tập hót. Những chuyện khó khăn trong việc xin giấy tờ với cô là chuyện bình thường. Tất cả là bình thường, như sự cặm cụi làm việc, suốt ngày dang nắng dầm mưa mà kiếm chỉ được mấy chục ngàn đồng. Những gương mặt lạnh của người thư ký, người trưởng phòng, những cảnh đợi chờ chầu chực, những gương mặt nông dân ngơ ngác, người thương binh chống nạn bước ra khỏi văn phòng. Không một ai ngậm ngùi. Tất cả đều lạnh lùng vô tư, đó là cuộc sống đã định sẳn.
Xe chạy đến Sài Gòn thì trời cũng quá trưa. Thạnh cho xe chạy thẳng tới phòng công chứng.
Người thư ký ở đây có nụ cười vui. Anh đặt hồ sơ vào khay nhận. Cũng đông người quá đổi, nhưng anh được nhận đơn một cách lẹ làng. Một trăm chín chục ngàn đồng, đợi một tuần sau đến lấy.

Trời nắng chói. Chói thẳng vào ót phía sau. Nguyệt Nga nói:
“Anh đeo khẩu trang và bao tay vào kẻo một tuần sau là hết mã Việt kiều rồi đấy.”

Lần này, theo giấy hẹn, anh đèo Nguyệt Nga lại đến sở Tư Pháp. Đây là lần thứ 8 nên anh coi như quen với những sinh hoạt ở đây. Những gương mặt lạnh anh cũng quen luôn, không áy náy bức rứt như lúc ban đầu. Anh vẫn đến ngồi trên cái ghế đá của phòng chính giữa. Nguyệt Nga cầm cái giấy hẹn bước vội vã vào phòng trong, một chốc cô trở ra nói với Thạnh:
“Chín giờ trở lại, cô thư ký bảo trở lại đóng năm trăm ngàn và làm lễ cấp phát giấy hôn thú tập thể.”
“Em nói sao?”
“Thì sẽ lên hội trường trên lầu, để lãnh đạo phòng tư pháp làm lễ ký và nhận hôn thú tập thể. Hình như đến năm cặp vợ chồng lận.”

Thạnh suýt bật cười vì anh liên tưởng đến những đám cưới tập thể mà anh đã đọc ở đâu đó, trong những quyển sách của các nhà văn xã hội chủ nghĩa. Nhưng thôi, muốn cưới vợ thì phải chấp nhận nhiều điều.
Thạnh ngồi đọc hết những trang báo Phụ Nữ, Công An, Thanh Niên mà vẫn chưa thấy động tĩnh gì, đồng hồ nhảy từng phút chậm chạp. Cán bộ tham ô hủ hoá, vụ án dầu khí, các cậu ấm đua xe gây tử thương, trận bảo số 8, Duyên dáng Việt Nam đi Úc. Anh bỏ tờ báo và nhìn chung quanh.

Mấy cặp trai gái, đàn ông, đàn bà đi vào. Cô gái có bầu bân cái rốp rộng thùng thình đi với một người Đài Loan trung niên. Một cô gái trẻ, chân dài, đôi mắt lớn, đi với một người Đài Loan trẻ hơn. Một cô gái có gương mặt non choẹt, nước da nhợt nhạt ngồi với một người Hàn quốc. Thạnh nghĩ ra, thì ra hôm nay anh cũng đến đây với danh hiệu người nước ngoài như những người kia, để cươi vợ Việt Nam.

Chuyện đàn ông Đài Loan và Hàn quốc qua đây tìm vợ anh đã từng nghe trên báo chí, trên radio, trên truyền hình. Những băng ghi hình phỏng vấn những người con gái lấy chồng Đài Loan bị ngược đãi là một đề tài lớn. Dù vậy, hôm nay anh chứng kiến những cô gái lấy chồng Đài loan, anh cũng thấy nao nao trong lòng, cô nào cũng nhỏ tuổi hơn Nguyệt Nga. Nguyệt Nga lấy anh vì tình yêu và anh là Việt kiều Mỹ, còn những người kia là Đài Loan họ lấy nhau vì cái gì đây?.

Đợi đến khoảng hơn một tiếng, một người đàn ông từ trong phòng tư pháp đi ra, ôm cái tập giấy xanh, ông nhìn toán người ngồi trên các băng ghế rồi lên tiếng:
- Xin mời các anh chị lên hội trường ký nhận bản Chứng Nhận Kết Hôn.”

Người cán bộ ôm xấp hồ sơ đi lên lầu, các cặp vợ chồng lần lược theo sau.
Hội trường là một căn phòng rộng được trang hoàng bằng những tấm vải đỏ. Khung vải đỏ, khẩu hiệu đỏ, rèm che đỏ, lá cờ đỏ. Không biết ý nghĩa của màu đỏ là gì? Chắc là sự kết hôn, đám cưới, tượng trưng cho pháo đỏ rượu hồng hay là màu đỏ là màu của chế độ. Thạnh vẫn thấy rờn rợn với những hình ảnh của những ngày tháng cũ, những ngày ở trại tập trung với màu lá cờ đỏ chói trong những cuộc ra quân lao động. Những cuộc ra quân đã vắt kiệt sức nhựa sống của tuổi thanh niên, mầm sống của anh. Bây giờ nhìn thấy màu đỏ, tự dưng anh lại rùng mình.

Tất cả có năm cặp kết hôn, một với Hàn quốc, 3 Đài Loan, một Mỹ.

Ba cô gái lấy Đài Loan nhìn cô nào cũng mặt mày tươi tỉnh, bình yên. Không biết những nỗi bất hạnh nào sẽ ập vào cuộc đời các cô, nhưng bây giờ trên những gương mặt ấy là niềm vui và chứa chan hy vọng. Thạnh đã nghe nhiều chuyện nói về vấn nạn con gái Việt Nam lấy chồng Đài Loan nhưng nhìn trên những khuôn mặt này, anh thấy không có nét lo âu mà là rạng rỡ. Phải chăng mảnh đời ở quê của các cô đã quá cùng cực, quá khốn nạn, nên con đường lấy chồng xa là cách giải quyết duy nhất để đưa đến no đủ, hạnh phúc cho gia đình?

Khi mọi người đã ngồi yên vị trên những chiếc ghế với từng cặp một, người đàn ông ôm tập hồ sơ để trên bục gổ, rồi gỏ tay vào micro, cất tiếng:
“Xin chào các anh chị có mặt trong hội trường hôm nay. Chúng tôi đại diện cho sở Tư Pháp TG, hôm nay mời các anh chị đến đây để tuyên bố việc hồ sơ kết hôn của các anh chị đã có kết quả và các anh chị sẽ được nhận Giấy Chứng Nhận Kết Hôn do sở Tư Pháp TG cấp. Xin giới thiệu với các anh chị, đồng chí Nguyễn Văn Cầu, phó giám đốc sở Tư Pháp, chủ toạ buổi lễ.”

Mọi người vỗ tay. Từng cặp được kêu lên để hỏi về sự đồng thuận kết hôn, rồi được ký tên vào Giấy Kết Hôn, rồi tiếng vỗ tay. Thạnh thấy cặp nào cũng so le về tuổi tác, cặp nào cũng cách xa nhau trên hai mươi tuổi. Tự nhiên anh thấy hả hê trong lòng.

Tiếp đến là lời phát biểu của ông chủ toạ. Người đàn ông khô gầy, mái tóc muối tiêu, áo trắng cánh tay, quần tây xanh đậm, cà vạt xám. Ông có vẻ một thầy giáo làng hơn là phó giám đốc sở tư pháp. Giọng ông nói trầm, chát chúa và bạo liệt nhưng cố làm ra vẻ tình cảm.

Thạnh lơ ngơ nhìn lên bức màn nhung màu đỏ máu, hình bức tượng ông già bán thân màu trắng chập chờn như một nỗi ám ảnh, giọng người chủ toạ vang vang, hãy chuẩn bị cho một cuộc làm dâu xa xứ, người Đài Loan, ngươi Tàu còn rất phong kiến, nếu có những trắc trở nào xin liên lạc với... Thạnh nghĩ đến những trang báo đã được đọc, người đàn bà làm dâu xứ lạ, làm vợ người em, rồi người anh, rồi người cha…rồi cảnh đánh đập, hãm hiếp của những người chủ…Cuộc đời dàn trải cho thân phận những người đàn bà phải có chồng xa xứ. Tại sao ở trong nước không đủ ăn đủ mặc, ba mươi năm rồi mà người dân ai cũng muốn bỏ nước ra đi, dù biết là đến nơi chốn tối tăm, làm tôi mọi cho người, họ vẫn cắn răng cam chịu. Những lời lẽ nhân đạo kia có ý nghĩa gì?

Buổi trưa nắng chói, trên đường trở về, Thạnh nói với Nguyệt Nga,
“Em sẽ đi Mỹ với anh, em có vui không?
Nguyệt Nga ngồi phía sau xe, chiếc xe như con ngựa trời chổng đít khiến cô như chồm về phía trước. Cô nói giọng giống lời hát ru:
“Có chồng thì theo chồng chứ. Sao lại không vui? Cái anh này thiệt là...”

 

 

 

 

 

Trần Yên Hòa
Số lần đọc: 2143
Ngày đăng: 28.08.2018
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Người đàn bà tuổi 45 - Nguyễn Tấn Hưng
Mưa dầm tháng bảy - Diệp Hồng Phương
Một thuở yêu người - Ngô Lạp
Hoa tím bao giờ nở - Bùi Thanh Xuân
Chuyện góc phố - Võ Tu Bông
Con mèo đen - Nguyễn Đại Duẫn
Ác mộng - Hướng Dương
Những ngày gió nóng - Trần Yên Hòa
Cô gái người hoa - Bùi Thanh Xuân
Cũng như mây khói - Phạm Thanh Chương
Cùng một tác giả
Diễm Xưa (truyện ngắn)
Giong Quê (truyện ngắn)
Chanh Cốm (truyện ngắn)
Mẹ Và Em (truyện ngắn)
Tam Thân (truyện ngắn)
Châu long (truyện ngắn)
Bán con bò (truyện ngắn)
Thị Xã (truyện ngắn)
Quê Cha (truyện ngắn)
Chuyện ở hãng. (truyện ngắn)
Net (truyện ngắn)
Sớm Mai (truyện ngắn)
Bóng Sắc Tuổi Thơ (truyện ngắn)
Anh tư (truyện ngắn)
Tưởng (thơ)
Mùa Xưa (tạp văn)
Em neo (truyện ngắn)
Bốn Chín Năm Mươi (truyện ngắn)
Nghiệp (truyện ngắn)
Bờ em (thơ)
Duyên (truyện ngắn)
Đợi (thơ)
Không phải tại em (truyện ngắn)
Tạ (thơ)
Người về (truyện ngắn)
Thời thượng (truyện ngắn)
Tình yêu chạy làng (truyện ngắn)
Những ngày gió nóng (truyện ngắn)
Qua cầu (truyện ngắn)
Con đen (truyện ngắn)
"Bái phục" (truyện ngắn)
Trôi (thơ)
Trám (truyện ngắn)
Khuôn mặt (truyện ngắn)
Đẳng cấp (truyện ngắn)
Hậu "hại điện" (truyện ngắn)
Dáng Mỏng (truyện ngắn)
Ngày về (truyện ngắn)
Tổn thất tình (truyện ngắn)
Giữa Vòng Xoay (truyện ngắn)
Tiếng nói (truyện ngắn)
Chuyện Tình Bát Nháo (truyện ngắn)
Cơn bão nóng (truyện ngắn)
Vượt (truyện ngắn)
Lên đời (truyện ngắn)
Những Tình (truyện ngắn)
Kịch Bản Phim (truyện ngắn)
Người trở về (truyện ngắn)
Bán chữ (truyện ngắn)
Bôi trơn (truyện ngắn)
Mối tình Chơn (truyện ngắn)
Anh em (truyện ngắn)
Dòng thơ ấu (truyện ngắn)
Nhất Linh sống mãi (nghệ thuật)
Mối tình Chơn (truyện ngắn)
Bán chữ (truyện ngắn)
Trám (truyện ngắn)
Người chết hai lần (truyện ngắn)
Dòng thơ ấu (truyện ngắn)
Tiếng nói (truyện ngắn)
Lên "phây" (truyện ngắn)
Dáng mỏng (truyện ngắn)
Bôi trơn (truyện ngắn)
Mua bán lạc son (truyện ngắn)
Sớm mai (truyện ngắn)