Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.185
123.214.449
 
Dọc đường văn nghệ (tiếp theo phần 25) Hạc Thành Hoa – người của tình văn nghệ vô biên
Trần Dzạ Lữ

 

 


Tên thật của anh là Nguyễn Đường Thai-thầy giáo dạy văn ở Cao Lãnh-Đồng Tháp.Là người thầy tận tâm,tận lực với học trò.Là người đưa đò không hề mệt mỏi với biết bao thế hệ học sinh, mà khi hỏi tên anh ai cũng biết và là nhà thơ Hạc Thành Hoa, nhà thơ nổi tiếng trước và sau 75-người của tình văn nghệ vô biên.Tôi biết và quen anh như một mối lương duyên văn nghệ đã non nửa thế kỷ..Bài thơ NƯỚC ĐỤC đăng trên bán nguyệt san Văn-SG là bài thơ khiến bạn đọc xôn xao và rất yêu thích-kể cả tôi-từ đấy cho đến tận bây giờ vì đã bắt gặp mình trong đó.Bài thơ dài hơi nhưng cảm xúc và ngôn ngữ ngồn ngộn...Bài thơ này đã khiến một bạn đọc nữ ở Đà Nẵng đã họa tức thì( dù chưa biết HTH là ai.Mặt ngang mặt dọc thế nào) bằng cảm xúc và tâm cảm nhạy bén của mình( mà thi sĩ Hồ Dzếnh gọi đó là Phút linh)Đó là chị Lê Thị Ái Niệm.Lúc ấy chị gửi bài họa vào tạp chí Văn nhờ chuyển tác giả HTH.Không biết thế nào và chắc họ sống trong mường tượng đến mười mấy năm sau mới quen biết nhau ( qua tôi)Cũng vì giao cảm này mà chị Niệm, tôi và Hạc Thành Hoa đã kết nối, gắn bó nhau trên tình thần yêu thi ca , đam mê sáng tạo... Nói về anh thì có nhiều chuyện để kể.Tại sao lại là tình văn nghệ vô biên? Bởi vì anh sống chân thật ,hết mình với anh em, bạn bè.Về thi ca, anh là một thi sĩ “ăn ngủ cùng thơ” Nói khác hơn là Hạc Thành Hoa đã hôn phối với nàng thơ rất nồng nàn, đắm đuối để khai sinh nhiều tập thơ hay cho đời.Về đời thực. Anh là một thầy giáo dạy văn cấp 3 thời ấy- lương dư sức nuôi vợ con và còn cưu mang thêm bạn bè văn nghệ tìm đến Cao Lãnh.Trong đó có thi sĩ Vũ Hữu Định là người ăn , ở nhà Hạc Thành Hoa lâu nhất bởi những tháng năm này VHĐ bỏ vợ con ngoài quê, để lang bạt ,giang hồ tận phương Nam.Cái tâm đẹp ấy có từ Hạc Thành Hoa cùng người vợ trẻ hiền thục, đảm đang ...khác chi những bông điển điển vàng trên sông nước miền Tây ngó ra vừa dịu dàng vừa thuần khiết.
Tôi và anh chỉ gặp nhau có một lần ở SàiGòn nhưng thư từ qua lại thì thường xuyên.Nhớ năm 1995, khi tôi in tập thơ đầu tay: Hát Dạo Bên Trời.Lời chúc mừng của HTH là bài viết ( viết tay) dài 2 trang giấy A 4.Chữ nhỏ như con kiến nhưng đẹp lạ thường.Tôi cảm động biết chừng nào và giữ kỷ vật ấy đến bây giờ.Mọi buồn vui trong cuộc sống anh đều kể cho tôi nghe.Có lần anh về Đà Nẵng chấm thi được bạn bè văn nghệ tiếp đón niềm nở và đưa đi tham quan cùng khắp.Khi lên tàu vào lại miền Nam ,anh đã điện thoại kể cho tôi nghe và ứa nước mắt khi chia tay ĐN.Đấy một con người sống tình cảm như thế mà ai không thương? Lại có lần đâu thập niên 90 Hạc Thành Hoa nghe ai kể có một nhà văn nữ ở SG gặp khó khăn, anh đã viết thư kêu tôi cố gắng vận động giúp đỡ.Tôi trả lời anh là tôi biết nhà văn ấy đang có nhà mặt tiền ở quận 3 và đang có quán cà phê để kiếm cơm chưa đến nổi phải chở từng bó rau đi bán như tôi và ở nhờ nhà vợ-trên một căn gác chưa tới 12 mét vuông.Thế là anh im.Vậy đấy, nhà thơ HTH rất dễ mũi lòng...và trong sáng đến lạ! 


Cũng năm ấy, chị Lê Ái Niệm từ ĐN bay vào SG thăm tôi và rủ tôi xuống Cao Lãnh thăm nhà thơ Hạc Thành Hoa.Tôi rất muốn nhưng vì phải bỏ mối rau hằng ngày nên để chị ấy đi một mình.Chiều về chị kể:” Ui chao ơi! Tau tới tận nơi.Hai vợ chồng Hạc Thành Hoa rất ngạc nhiên .Họ đãi tau món ăn ở Cao Lãnh thật tuyệt vời.Tau dọa chị Hạc Thành Hoa-mình ở lại mấy ngày đó hí.Thấy chị ấy bối rối mà thương.Ăn cơm trưa xong tau từ giã hai vợ chồng trở lại SG”.Ngạc nhiên chưa ? Tôi nói : Chị ác rứa! Làm người ta tưởng thiệt! Chị nói: Làm người ai làm thế...chỉ là anh em văn nghệ thôi mà.Chỉ là thơ chứ mô có tình ý chi ...Chị Lê Ái Niệm đọc cho tôi nghe mấy câu thơ chị làm để tặng cho chị Hạc Thành Hoa:
Em trở về nơi nỗi nhớ thẳm sâu
Mùa nước nổi có hoa vàng điên điển 
Ăn bát canh chua nghe lòng xao xuyến
Thương bàn tay tảo tần nuôi những tài hoa
Lê Ái Niệm
( Tặng chị Hạc Thành Hoa )

Mấy năm sau này thư anh HTH thưa dần.Tôi điện thoại thì nghe anh đã nghỉ hưu và thường đau ốm.Năm nào cũng vào bệnh viện...và khi tối lửa tắt đèn thì có ai ? Là người trăm năm của anh chứ ai.Chị ấy chăm sóc, động viên anh từng giờ phút.Chỉ có tình nghĩa phu thê mới đẹp nồng nàn và dịu êm như thế mà thôi
Thưa chị Hạc Thành Hoa
Những dòng tôi viết đây là chân thực của một người bạn trân quý anh Hạc Thành Hoa và cả chị-người bạn đời tuyệt vời của anh ấy cho đến thiên thu.Tôi nghĩ rằng chị đã lắng nghe , thấu hiểu và cảm thông một tâm hồn thi nhân như anh ấy.Thơ chỉ là thơ.Đời thực mới là quan trọng đúng không chị? Tôi đã rưng rưng khi đọc bài thơ anh ấy viết cho chị Tạ Lỗi cùng người vợ trẻ.Và nhớ câu nói của ai đó bất hủ: Phía sau thành công của người đàn ông là hình bóng của người đàn bà vĩ đại...Những năm tháng ấy ,tôi phải gọi chị là Bồ Tát mới đúng.Bởi vì, chỉ có Bồ Tát mới cứu rỗi linh hồn thi sĩ có lúc đi hoang...
Anh Hạc Thành Hoa ơi!
Tôi rất vui khi thấy anh đã hoàn thành tốt thiên chức nhà giáo.Lừng danh một thi sĩ.Sống trọn nghĩa tình với vợ con.Thâm cảm bạn bè gần xa.Thế là hãy ngẩng cao đầu anh nhé.Nếu có đôi khi miệng đời suy diễn qua thơ thì không nên buồn và đừng chấp.Bởi vì tôi đã từng rơi vào hoàn cảnh như thế.Khi mình tận cùng đất đen chẳng ai ngó ngàng.Khi sáng sũa ra một tí là có kẻ ganh đường, ghét ngõ...( Tôi cũng đã làm tròn bổn phận của một người chồng yêu vợ, thương con .Giờ cũng ngẩng cao đầu mà đi)
Lần này ( trong năm nay) chúng tôi nhất định về Cao Lãnh thăm anh chị.Nhất định tận hưởng hương đồng gió nội.Miên man với mùa nước nổi phương Nam.Yêu lắm hoa điên điển vàng trời Cao Lãnh...

 

THƠ HẠC THÀNH HOA


ĐÊM TRĂNG PHƠI ÁO

 

Ngày mai đã hết quần áo mặc
Một bộ diện gần cả tháng nay
Ta lười trời đất còn nể mặt
Thì sá gì đôi trận gió bay…

Nhưng đêm trăng sáng trăng huyền diệu
Gác trọ lòng không bóng mây vương
Bạn vừa đi khỏi trăng vừa tới
Đem áo quần ra giặt đỡ buồn.

Dưới bóng trăng mình ta một cõi
Đất trời im vắng giấc cô miên
Bên thau quần áo cao như núi
Nỗi buồn trong dạ cũng cao thêm.

Trăng soi từng chỗ cho ta giặt
Áo quần trắng toát một màu trăng
Vò từng chiếc áo nghe tim buốt
Lòng cũng sầu theo những nếp nhăn.

Ta ngồi nhìn bọt xà bông vỡ
Mỗi bọt tan theo một phiến trăng
Tiếng của đời ai đang nức nở
Giữa tiếng đêm thu mộng xế tàn.

Cố thức giặt cho xong quần áo
Ngậm ngùi vắt những ánh trăng trong
Trăng theo nước chảy về vô tận
Từng giọt trăng dư rụng xuống lòng.

Đêm nay phơi áo trên sân thượng
Phơi cả đời ta giữa quạnh hiu
Phơi cả hồn ta trong sương lạnh
Một trời trong vắt bóng trăng treo

 

 

TẠ LỖI CÙNG NGƯỜI VỢ TRẺ

 

Suốt đời đuổi bắt một vầng trăng
Chưa có được một lời ngợi ca người vợ trẻ
Mười mấy năm cơ cực là thế
Mà vẫn xem như một điều hết sức tự nhiên

Có phải em là một nàng tiên
Từ trong tranh bước ra lần nữa
Anh sống bằng đồng lương nhà giáo
Nên những câu thơ bay lên từ sợi khói thuốc rê

Tội thân em ngày hai buổi đi về
Tâm sự với nắng mưa sương gió
Em vẫn dịu dàng như cây lúa
Dù bây giờ đã nặng hạt oằn bông

Anh và hai con sẽ ra sao nếu thiếu em
Người nhạc trưởng dàn đồng ca nhếch nhác
Em vẫn là cánh trà mộc mạc
Không ướp hương hoa nhưng vị rất đậm đà

Sáng ra đi tối mịt mới về nhà
Chiếc xe đạp cũ không hề sơn lại
Dù bận rộn trăm công nghìn việc
Vẫn không quên mang về một bịch thuốc rê

Người xa nhau tính từng năm từng tháng
Mình xa nhau phải tính từng ngày
Đâu có ngờ sự thật hôm nay
Mình phải xa nhau nhiều đến thế

Một sáng ra thăm em ngoài chợ
Lại gặp nàng tiên bị đày đọa xuống trần
Em vẫn vui cuộc sống nhọc nhằn
Như lẽ thường có chồng con là cực

Anh làm thơ nghĩa là không làm gì khác được
Nên em càng khó nhọc bội phần
Khi ra về lòng thấy phân vân
Anh bất chợt bùi ngùi quay lại

Em vẫn như cây lúa thời con gái
Thương sao nụ cười lẩn với mênh mông
Nghĩ lại giận mình quá đổi vô tâm
Chưa có được một lời ngợi ca người vợ trẻ
Bên anh có một nàng tiên dịu dàng là thế
Mà cứ miệt mài đuổi bắt một vầng trăng


( Trích trong tập thơ Phía Sau Một Vầng Trăng in năm 1995)


TRÊN BỜ ĐÁ TÌNH NGƯỜI


Chồi vui chưa trổ cành không
Mù mưa giăng một nhánh sông âm thầm
Tình người bờ đá trăm năm
Sóng tình tôi cuộn trên dòng nước xuôi
Hang sâu chim ngủ phận người
Trơ vơ cột khói thở trời mây đen
Nẻo đời mai có còn em
Nhìn cây rủ bóng hồn im nắng tà
Ngại mây gió đuổi phương xa
Trời xanh sợi khói giăng qua bãi nào
Những ngày gió đợi trên cao
Trong mưa phố vắng bước sầu ngựa ô
Xe nào mai ngọn gió đưa
Chim quên tiếng hát nghe mưa xuống cành
Hạc Thành Hoa
( Trích trong tập thơ Khói Tóc in năm 1996 ) 
Và thơ giao hòa:(Trích trong tập thơ Khói Tóc in năm 1996)

NƯỚC ĐỤC

 

Gửi một người em không quen biết
Giọt lệ sầu ta tự buổi nào
Có vầng mây rớt trên hoang đảo
Ngồi đây mà khóc chuyện chiêm bao

Ngày về quê hẳn xa xôi lắm
Cọc đã chôn sâu dưới lòng sông
Mười năm không thấy con cá lội
Dải nước phù sa đục một dòng

Ở đây họ sống bình yên quá
Trăng sao là chuyện của đất trời
Gió mây là của người khờ khạo
Hạnh phúc đâu cần tìm kiếm xa xôi

Từng đêm ta thấy trăng, sao khóc
Ngày gió mây than thở với trời
Riêng ta cũng cầm lòng không đậu
Bởi chính vì ta cũng lẻ loi

Đến nay đã sống gần mấy kiếp
Bên một dòng sông lá mục nằm
Chỉ thấy hư không lên tiếng gọi
Đã mấy mùa đứng ngó mưa câm

Ở đây ta sống sống độc lắm
Đời vẫn như chiều thu lá bay
Dòng sông quen quá mà sao lạ
Ta vẫn người xa mới tới đây

Nay đã hơn mười năm thèm khát
Thèm áo em bay tiếng hát lưng đồi
Ngày vẫn lang thang cho quên đói
Đêm nghe sóng vỗ thấy bèo trôi

Ta như chiếc bóng trong gương đục
Mỗi ngày cơn bệnh cứ tăng thêm
Nằm đây đã mòn chăn rách gối
Để nghe thạch sùng chắc lưỡi đêm đêm

Ta lỡ chọn lầm căn gác hẹp
Chân mòn trên những lối đi quanh
Đến nay bóng tối càng thêm đậm
Bóng tối muôn đời vẫn lặng thinh

Bạn ta xa lắm nên nào biết
Sông thì đầy mà máu cứ dần vơi
Chiều chiều sóng nổi bùn đen dậy
Ngồi nhìn nước đục xót thương đời

Bạn ta cuộc sống u nhàn lắm
Sao ta còn nặng một chiếc gông
Áo cơm cứ níu chân mây lại
Làm sao chim hót nổi trong lồng

Ôi nợ áo cơm ghì sát đất
Quanh ta nước đục bợn lòng thơ
Những muốn rảnh rang mà trả nợ
Nợ gió trăng và nợ của sông hồ

Từng đêm mộng thấy mình hóa bướm
Thảnh thơi không vướng bận chi đời
Tỉnh dậy giận thân không bằng mộng
Trên nóc mùng treo một cánh dơi

Gửi một người em không quen biết
Thơ ta chưa cạn hết niềm đau
Đời ta nay đã tan thành mộng
Ai người sẽ khóc ta mai sau
( 1973 )
THƠ HỌA CỦA LÊ THỊ ÁI NIỆM
MỘT CHÚT TÌNH QUEN


( Gửi Hạc Thành Hoa để quen nhân đọc “ Nước Đục” của người)


Đọc được thơ người lòng xao xuyến
Tưởng như quen biết tự ngàn năm
Nghe mây rón rén vào cơn mộng
Muốn đạp đất trời để đến thăm

Người bỏ xa quê lâu quá nhỉ
Mười năm người nhớ một dòng sông
Còn em từ thuở rời tay sách
Quê cũ đìu hiu nước mấy dòng

Người ở quanh ta dù hờ hững
Có trăng sao làm bạn tình say
Một sáng trời hồng, hong tóc biếc
Mình đâu ngờ hạnh phúc ở trong tay

Từng đêm người thấy trăng sao khóc
Trời bỗng buồn hiu ở phương này
Tóc dài không buộc chân người được
Chỉ thấy đêm sầu trăng lặng soi

Thời gian em không nghe dài nữa
Tự một đêm nao đọc thơ người
Nghe người cười khóc trên trang giấy
Đã níu hồn em rách tả tơi

Người sống phương trời như lá gió
Quen dòng sông mà lạ dòng sông
Bởi nước trôi hoài không đứng lại
Hay lá còn chờ ngọn thu phong

Muốn vướng chân người tà áo lụa
Sẽ hát người nghe buổi đói lòng
Người sẽ quên đi đời đen trắng
Quên thân bèo sóng vỗ long đong

Sẽ khóc thương người như đã khóc
Thương mình khi thấy bóng gương soi
Muốn đến thăm người khi người bệnh
Nhưng phương trời mù mịt tăm hơi

Gác hẹp người về khi ấm lạnh
Em ước ao là giọt nắng cuối mùa
Soi sáng tình người xua bóng tối
Bởi đời người đã trải lắm thiệt thua

Sông đầy nhưng máu người là biển
Chở mấy dòng sông trở lại nguồn
Em mơ một thuở dừng chân lại
Xõa tóc bên cầu để nhớ thương

Nợ cơm áo níu chân người lại
Tiếng hát người vang mãi đến đây
Gông dù nặng không buộc thơ người được
Bởi hồn người ẩn nấp trong mây

Rồi một sáng chim về mở hội
Mặt trời hồng soi bóng sông xanh
Sẽ kể người nghe cuộc đời ấm lạnh
Giấu sau tay và sau trái tim hồng

Mộng cũng muốn mình là Trang Tử
Mặc tình người xuôi ngược bon chen
Nhưng nước mắt có trong nhịp thở
Máu ưu phiền đã thấm nửa tim quen

Thương một chút tình tìm tri kỷ
Mười năm dài có thấm vào đâu
Suốt một kiếp người chưa chắc được
Đời thả mơ về phố Hợp Châu

Gửi đến người mong manh giọt nắng
Chiều âm thầm chở chuyến ngày qua
Phương trời đó héo hon cánh Hạc
Thơ của người đã hé nụ thành Hoa

LÊ THỊ ÁI NIỆM
( 1973)

 

Tiểu sử HẠC THÀNH HOA:
Hạc Thành Hoa, tên thật Nguyễn Đường Thai. Sinh quán tại Xuân Phổ, Thọ Xuân, Thanh Hóa. Giáo sư Việt văn Trung học Sa Đéc, Lương Văn Can Quận 8, Cao Lãnh. Anh làm thơ từ năm 1961, đã đăng nhiều thơ trên các báo, tạp chí văn học miền Nam trước năm 1975.
Tác phẩm đã xuất bản:
– Trong nỗi buồn vàng (Nguyễn Đình Vượng, tạp chí Văn Sài Gòn – XB – 1971).
– Một mình như cánh lá (Giao điểm Sài Gòn xuất bản 1973), (Thư ấn quán, Hoa Kỳ tái bản 2006).
– Phía sau một vầng trăng (NXB Thanh niên – Hà Nội – 1995).
– Khói tóc (NXB Lao động – Hà Nội – 1996).
– Tuyển Tập Thơ Hạc Thành Hoa (NXB Văn Học – 2013)

Hình 1: Hình Hạc Thành Hoa gửi tặng TDL năm 1997


Hình 2 : Chữ ký Hạc Thành Hoa


Hình 3 và 4: Thư viết tay Hạc Thành Hoa gửi TDL

 

 

 

 

Trần Dzạ Lữ
Số lần đọc: 1870
Ngày đăng: 28.08.2018
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Định dạng sản phẩm chủ lực Nghệ thuật biểu diễn - Tuấn Giang
Trở về với Kiều trong tư thế hồn nhiên - Võ Công Liêm
Dọc đường văn nghệ (tiếp theo phần 24) Trần Hoài Thư – Một đời cần mẫn với văn chương - Trần Dzạ Lữ
Dọc đường văn nghệ (tiếp theo phần 23) - Trần Dzạ Lữ
Ứng dụng thành tựu công nghiệp cách mạng 4.0 Để phát triển sản phẩm văn hóa nghệ thuật biểu diễn - Tuấn Giang
Đoàn Thị Điểm và Nguyễn Thị Điểm: Ai đã dịch Chinh Phụ Ngâm ra chữ Nôm? - Nguyễn Cẩm Xuyên
“…Canh gà thọ xương”chuyện bịa như thật - Nguyễn Cẩm Xuyên
Đoàn Thạch Biền ( những ân tình còn đó…) - Phạm Thanh Chương
“Tiếng chuông Thiên Mụ” hay “Tiếng chuông Trấn Vũ”? - Nguyễn Cẩm Xuyên
Nguyễn Vỹ - nhà báo với ý thức dấn thân trong cái nhìn của các nhà nghiên cứu ở miền Nam (1954 – 1975) - Trần Hoài Anh
Cùng một tác giả
Hương cau quê nhà (truyện ngắn)
Cắt (thơ)
Thư Gửi Chị (tạp văn)
Liếc (thơ)
Nhớ (thơ)
Chờ O (thơ)
Khát (thơ)
Câm (thơ)
Nhớ Bạn (tạp văn)
Tát (thơ)
Cần (thơ)
Tím Nhớ (tạp văn)
Dắt (thơ)
Nhốt (thơ)
Chìa (thơ)
Trượt (thơ)
Trộn (thơ)
Bắt (thơ)
Xa cách (thơ)
Chặt (thơ)
Lấn (thơ)
Cách ly (thơ)
Quỳ (thơ)
Tôi (thơ)
(thơ)
Hoa cà (thơ)
(thơ)