Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.101
123.202.487
 
Mộc Dục Luận & Thiền
Đặng Thân

(VỀ CÁI SỰ TẮM RỬA)

 

Một dòng sông trong mát.

Ta thả mình trong sông. Dòng sông mơn man ta. Dường như ta tan ra. Sạch sẽ. Thanh lọc. Hồn ta hòa với sông là một đi suốt từ ngọn nguồn tới bể cả. Dòng-sông-ta đi qua những khe núi, chẳng được bao la nhưng cũng đầy róc rách. Dòng-sông-ta lượn qua những cánh đồng, chẳng dập dồn nhưng thênh thang quá. Qua những phố xá, chẳng được thăm thẳm mà sao náo nhiệt. Hòa với biển rồi mới thấy mình chỉ là giọt nước giữa nghìn trùng. Để rồi lại bắt đầu một kiếp luân sinh.

 

Trái Đất ba phần tư nước mắt

Đi như giọt lệ giữa không trung!

Đoạn đường nào mà sông ta chẳng đẹp, đẹp đến nhức nhối. Đâu nào có thương đây mà chán đó. Nào đâu có biết ta đã hóa thành sông hay sông đã hóa thành ta.

Cũng chỉ bởi vì ta muốn tắm.

Cũng chỉ vì đời sao mà lắm hồng trần.

 

Ñ

          Tôi vốn là kẻ kém tắm. Hạ tuần đôi lượt. Đông tháng đôi lần. Bẩn quá thì chỉ rửa chân hay đi gội đầu lại thấy mình sạch như mới tắm. Kém tắm thế thì chưa văn minh rồi. Nhưng ở đời cái sự tắm rửa nhiều ít còn do anh có lấm nhiều bụi trần hay không. Đã thế có kẻ còn bảo rằng anh tắm ít vì do trong lòng anh đã sáng sủa tinh tươm rồi, nên không bao giờ cái cảm giác bẩn nó ám ảnh, và ngoài người có bẩn anh cũng không hay. Cái thằng cha làm cái thanh cao trong mình được ve vuốt đâm ra mình khoái và cảm thấy cái sự kém tắm của mình cũng đáng tự hào đầy bản sắc văn hóa thế gian.

Hình như tại đời lắm bụi trần.

Nhưng, cũng chỉ vì kém tắm mà tôi đâm ra hay để ý, nghĩ ngợi về chuyện tắm rửa. Hình như là luật bù trừ, hễ kém tắm bên ngoài là hay khá tắm bên trong. Người ta tắm bởi vì muốn sạch. Mà muốn vậy bởi tại người ta bẩn. Thì ra bẩn là khởi đầu của sạch. Sạch là ngọn nguồn của bẩn.

Phải chăng cũng tại cái hồng trần, bởi trời đất hay nổi cơn gió bụi.

Bụi bốc cát bay

Ai người không lấm

Nào ai cấm được

Ta tỏa mùi ta

Khi đã tắm rồi

À ra sạch sẽ.

Xin đừng khoe mẽ

Với bộ cánh sạch

Mà sọ ọc ạch

Vì bã đậu nhiều,

Xin chớ có kiêu

Ta đây khôn lắm

Mà đời kém tắm...

Bài đồng dao trên chẳng đã ra đời từ chuyện tắm rửa đó sao.

Nhưng xét cho cùng về cái sự kém tắm thì tôi đâu đã là nhà vô địch.

Tôi có biết một đấng nam tử đẹp giai, hay hát, nói lụa, có cái nghề cầm đầu thiên hạ làm sạch đẹp cho người là nghề phó cạo. Vừa đánh kéo tanh tách anh vừa thường ngâm nga: “Môi em cong cong nó đỏ hoe, tay em thon thon nó dài ghê...”, hay thỉnh thoảng anh lại thổi một câu đại loại: “Đời là một đĩa cứt càng ngoáy càng thối!”. Nếu gấu có kỳ ngủ đông thì anh có kỳ kiêng tắm đông. Rất nản đó là mùa cưới và anh cưới vợ cũng vào mùa đông. Cho đến lễ thành hôn và cả đêm tân hôn anh vẫn kiên định với lập trường không tắm của mình. Nhưng nản hơn là ngày lễ thì thường phải đi giày - một thứ đồ rất ngột ngạt - nên anh đành phải pha nước nóng rửa mỗi đôi chân để xỏ giày, và anh coi đó là hành động xa xỉ nhất trong đời vào mùa đông của mình. Nghe đồn anh rất khoái gãi. Muốn gãi thì phải ngứa, mà muốn ngứa thì phải ít tắm thôi.

Trong giới trẻ học đường hồn nhiên trong trắng thì từ lâu cũng đã có câu tự hát: “Mỗi lần tắm là một lần tắc cống, ai sinh viên mà không ghẻ đôi lần!”

Còn có truyền kỳ về một thầy giáo cũ của tôi nữa. Trong một lần qua sông... Khi đi đò qua sông, mà trên đò lại có cô bé sinh viên ông yêu thầm nhớ vụng và tôn thờ, chẳng may thế nào con đò bị lật. Tất nhiên, tất cả lộn nhào xuống sông. Sau những cố gắng phi thường giữa vòng sinh tử anh hùng đã gặp thuyền quyên trong hoàn cảnh có kịch tính cao điểm nhất và cầm được tay nàng đưa lên bờ thoát hiểm. Lên trên bờ rồi chẳng hiểu sao tay ông vẫn dính chặt tay người đẹp trong tiếng thở dốc. Tương truyền rằng, vào lúc đó không biết tại làm sao đã xuất hiện một cái tát. Nhưng, theo nhận xét của một nhà phê bình khét tiếng thì sự việc này là vô lý không thể xảy ra vì đó là một học trò, lại đang trong hoàn cảnh là người chịu ơn cứu nạn. Vì vậy, thầy giáo tôi có biên tập lại là hình như đã xảy ra một nụ hôn. Sau đó, ông ngây ngất với dư hương của nàng trong bàn tay ông đến mức - như lời ông nói: “Tôi đã không rửa tay trong suốt một tuần!”

Và rồi, kiệt tác Truyện Kiều chắc dễ đã mất đi đến ba phần tư lãng mạn nếu cụ Nguyễn Du không tả cái cảnh nhân vật nữ chính tắm lõa lồ một cách “cố ý gây thương tích” (hình như là phạm vào Điều 119 của Bộ Luật Hình sự), nếu không thì nhân vật nam chính làm sao mà có thể nhòm thấy được “rõ ràng... ngọc... ngà... dầy dầy đúc...” Chỉ riêng chi tiết này cũng đã đủ khiến các nhà văn học Hiện đại chủ nghĩa “thiên tai” vái cụ cả nón xin nhì.

Gặp Kiều làm ta hiểu được cái diệu dụng của tắm và chạnh lòng nhớ tới Điêu Thuyền - một kiều nữ Trung Hoa đẹp đến mức thiên tài đã được Lịch sử giao phó một sứ mệnh thiên tài là quyến rũ thiên tài Lã Bố, đặng góp phần cứu khổn trừ nguy, lập lại trật tự cho thiên hạ. Khi câu chuyện được dựng thành phim, nó cũng đã được các nhà làm phim hiện đại thể hiện bằng một thứ ngôn ngữ điện ảnh cô đọng đầy quyến rũ là cho Điêu Thuyền quyến rũ Lã Bố bằng cách... đi tắm, tất nhiên.

Tuy nhiên, người tắm thì dù sao vẫn còn là chuyện thường. Có thi sỹ đem lòng mê trăng quá còn bảo trăng đi tắm nữa kia. Nào là tắm “hiện thực ảo vi mô” trong chén rượu:

 

Bóng Hằng trong chén ngả nghiêng

Lả lơi tắm mát làm duyên gợi tình

Gió lùa mặt nước rung rinh,

Lòng ta khát miếng chung tình từ lâu.

Rồi là tắm “hiện thực ảo vĩ mô” giữa dòng nước:

 

          Ô kìa bóng nguyệt trần truồng tắm

Lộ cái khuôn vàng dưới đáy khe.

Quả là cái sao Mộc Dục đã trở thành đệ nhất phúc thần để người ta cầu tới cho thỏa mọi khát vọng từ lộ liễu đến thâm kín nhất. Cũng xin đừng nhầm tưởng mộc dục (tắm gội) là dâm dục. Nhưng mà rồi các cụ cũng chẳng đã nói rằng:

 

Xin đừng bảo chữ Dâm là chữ bậy

Nếu không dâm sao lại nẩy ra Hiền?!

Cái sự tắm rửa hóa ra cũng nhiều chuyện. Cũng tại bởi đời lắm bụi trần. Mà thế giới chưa bao giờ có nhiều kiểu tắm như bây giờ. Tắm hơi, tắm khô, tắm ướt; tắm Thổ Nhĩ Kỳ, tắm sục, mat-xa; tắm tiên, tắm bùn, tắm muối; tắm nắng, tắm mưa, tắm tuyết; tắm Ken-nơ-đi, tắm máu, tắm chung... Quý nhau - mời đi tắm; ký kết - đi tắm; chiêu đãi - tắm; yêu nhau quá - tắm; yêu nhau xong - tắm; bẽ bàng - tắm; sám hối - tắm; gột rửa tội lỗi - tắm; ê chề - tắm; đi chơi khuya về - tắm; huyết áp cao - tắm.

Phải chăng tại bởi cái sự bẩn nó cứ đa dạng quá. Hình như người ta không chỉ tắm vì người bẩn nữa. Con người luôn cần được gột rửa, được cảm thấy thanh sạch. Dường như khi đó họ thấy mình gần hơn với nước Thiên Đàng, với miền Cực Lạc.

 

Ñ

 

Thế ra tắm rửa không còn chỉ có ý nghĩa vật lý. Người ta vẫn thường tắm rửa thể xác mình nhưng sâu thẳm cõi lòng thì người ta còn muốn rửa ráy cả tâm can, linh hồn mình. Nhưng rồi không biết phải làm thế nào nên người ta cứ loay hoay mọi cách cọ xát thân thể. Cái sự tắm của người cũng thật khó thay!

Để góp phần tắm rửa cái cõi tâm can đó, trước khi nghe tiếp, xin mời quý vị “rửa tai” bằng câu chuyện xưa:

Đời thượng cổ có ông Hứa Do là một ẩn sỹ ở trong chầm Bái Trạch.

Vua Nghiêu nghe tiếng là người giỏi, mời ra xin nhường cả thiên hạ. Hứa Do từ chối, lui về ẩn ở núi Trung Nhạc, phía nam sông Dĩnh Thúy.

Sau, vua Nghiêu lại tìm đến, cố mời Hứa Do làm tổng quản cả chín châu. Hứa Do không muốn nghe chuyện nữa, bỏ ra bờ sông Dĩnh Thúy rửa tai. Ngay lúc bấy giờ Sào Phủ đang dắt trâu xuống bờ sông, gặp Hứa Do đang rửa tai, hỏi:

- Vì việc gì mà anh phải rửa tai?

- Vua Nghiêu mời ta ra cầm quyền thiên hạ, ta không muốn bẩn tai ta.

Sào Phủ nghe nói, liền dắt trâu lên quãng sông trên cho trâu uống.

Hứa Do hỏi, Sào phủ nói:

- Ta sợ trâu ta uống phải nước bẩn của tai anh!

Nhưng rồi lại cười bảo:

- Anh đã làm gì để đến nỗi vua Nghiêu biết anh là người hiền trong thiên hạ để đón anh ra làm vua?

Đấy, việc tắm rửa nguyên do rõ là ở sạch bẩn. Chuyện này là bẩn trong côi óc. Các cao sỹ đã bàn rằng đây là câu chuyện thâm thúy bậc thượng thừa của người xưa. Cái độc đáo không phải là Hứa Do rửa tai hay Sào Phủ dẫn trâu ngược dòng sông để tránh cho trâu uống phải nước bẩn danh lợi mà ở câu hỏi bất thần của Sào Phủ: “Anh đã làm gì...?”. Đến trong sạch như Hứa Do chắc cũng sửng sốt xem lại cái gọi là trong sạch của mình. Thật chí lý. Nghe đồn có đứa mục đồng nghe được chuyện này đã hồn nhiên nói rằng: “Thì cao thâm như ông Sào Phủ đã nào thoát được cái tính biện biệt trong vòng sạch - bẩn, trong - đục”. Trộm ngờ rằng nó hợp lý.

Hễ nói đến tắm rửa là ta thường liên tưởng đến một dòng sông. Và nghĩ đến sông thì tôi lại nhớ đến “Câu chuyện dòng sông” của một tác gia phương Tây đã làu làu kinh sách phương Đông từ Trung Hoa tới Ân Độ. Ông nổi tiếng như sấm động làm tôi hay quên mất tên. Nhân vật chính của tác phẩm là một kẻ kiếm tìm bản ngã, sống say mê, chân thật và tự do giữa một xã hội ngột ngạt, tù túng. Tác giả viết truyện này trong ba năm sau khi thân thuộc với ngôn ngữ Ân Độ, âm nhạc, Phật và Lão-Trang gần hai mươi năm. Như nhiều người, nhân vật chính cũng thường hay tắm sông, và lần nào anh cũng nghe thấy ở dòng sông như có tiếng nhạc gì réo gọi đầy huyền bí. Tiếng nhạc đó như vừa gợi mở, vừa khuyến khích, vừa dục giã. Nó như gửi gắm một thông điệp thiêng liêng về đời sống. Rồi anh quyết tâm lên đường tìm kiếm chân lý. Con đường mà anh dấn bước là một thế giới mênh mông, sâu thẳm vì anh không chỉ đi vào cuộc đời mà đi vào Đại Ngã. Dù trong bước đi đầu đời anh đã hạnh ngộ các bậc chí tôn nhưng anh vẫn đi tiếp con đường của mình. Anh học hỏi mọi điều. Anh gặp một người kỹ nữ diễm lệ, và nàng cũng thành bậc thầy của anh về mặt sắc dục. Anh học buôn bán, làm ăn và thành công mỹ mãn. Nhưng rồi anh từ bỏ hết ra đi lần nữa để học hỏi sự huyền bí của dòng sông, lắng nghe tiếng hát của nó. Dòng sông luôn là chính nó nhưng cũng biến đổi không ngừng. “Con sông tiếp tục chảy về mục đích của nó... Tất cả những làn sóng và nước đều vội vã, khổ đau, đi về mục đích, và khi mỗi mục đích đạt rồi lại được tiếp theo một mục đích khác. Con sông ấy là dòng đời, là nhạc đời, và bài ca vĩ đại của muôn điệu ngàn lời ấy chỉ bao gồm có một tiếng, đấy là tiếng OM linh thánh, tức là toàn thiện.” Và cùng với anh, tác giả đã khám phá ra sự hòa điệu bất tuyệt của Thế Giới. Hỡi các bạn đang tắm, ngoài việc kỳ cọ thân xác xin hãy tỉnh thức để lắng nghe tiếng đời kỳ diệu.

Khi thể xác bẩn tức là nó có ghét; thì tất nhiên là rất khó chịu rồi. Khi tinh thần dơ bẩn thì sao? Đức Đại Hùng Thị đã chỉ rõ: tham lam và ham muốn là những dơ bẩn của tinh thần; độc ác, giận dữ, ác tâm, giả dối, gièm pha, ghen ghét, lừa đảo, gian mưu, ngoan cố, dữ dằn, tự phụ, kiêu ngạo, tự mãn, cẩu thả là sự dơ bẩn của tinh thần. Khi tẩy rửa và đẩy lùi chúng đi rồi sẽ được giải thoát, được cứu rỗi, được phóng thích. Niềm vui nảy sinh ở kẻ nào hạnh phúc, thân thể yên lắng ở kẻ nào vui vẻ, kẻ nào có thân thể yên lắng, kẻ đó cảm thấy thoải mái, kẻ nào cảm thấy thoải mái, tinh thần kẻ đó được định. Cái đó gọi là tắm nội tâm.

 

Ñ

 

Để ngừng lời câu chuyện tắm táp, xin tặng quý vị mẩu chuyện trong Kinh Vathupama:

Có vị bà-la-môn đến ngồi cạnh Thánh Nhân và hỏi:

- Thưa Gautama kính mến, phải chăng ngài sắp xuống tắm dưới sông Bahuka?

- Hỡi vị bà-la-môn, tại sao lại con sông Bahuka? Bahuka để làm gì vậy?

- Bởi vì, thưa Gautama kính mến, Bahuka được nhiều người thừa nhận là linh thiêng; bởi vì, thưa Gautama kính mến, Bahuka được nhiều người thừa nhận có tác dụng tẩy sạch. Nhiều người gột rửa những hành động xấu xa của mình ở sông Bahuka.

Thánh Nhân bèn đọc những câu kệ này cho vị bà-la-môn:

 

Dù ở sông Bahuka hay ở sông Adhikakka,

Dù ở sông Gaya hay ở sông Sundariaka,

Dù ở sông Payaga hay ở sông Sarassati,

Dù ở sông Banumati,

Một kẻ điên khùng có những hành động đen tối

Dù thường tắm ở đó, cũng không tự tẩy sạch được.

Sundariaka hay Payaga

Hay Bahuka sẽ làm được gì?

Không sông nào tẩy sạch được một người hằn học

Từng phạm nhiều hành động xấu xa.

Đối với kẻ nào tinh khiết, bao giờ cũng có đền Phaggu.

Đối với kẻ nào tinh khiết, ngày nào cũng là thiêng liêng.

Đối với kẻ nào tinh khiết và hành động tinh khiết,

Bao giờ cũng có lề luật.

Hỡi vị bà-la-môn kia, người hãy tắm ở đây đi,

Tỏa rộng ý thanh bình cho mọi sinh linh,

Và nếu người không nói lời sai lạc,

Nếu người không làm hại cuộc đời,

Nếu người không lấy những gì không phải của mình,

Nếu người có lòng tin và không có lòng đố kỵ,

Thì việc gì người phải đến Gaya?

Giếng của người đã là Gaya.

 

Ai xem xong bài luận này rồi mà nhỡ thấy tâm đắc thì kể cũng kỳ thật, mà ai xem xong chẳng thấy tâm đắc gì thì quả cũng kỳ lắm. Thực sự tôi xin cảm ơn và rất mong được lượng thứ vì đã quấy quả thì giờ của quý vị.

Đặng Thân
Số lần đọc: 4376
Ngày đăng: 07.10.2005
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Tổng hợp Cuộc thi “Sáng tác thơ haiku Việt – Nhật” - Nhiều Tác Giả
Nhân HTV 7 chiếu bộ phim TIẾNG CHUÔNG TRÔI TRÊN SÔNG (*) - Nguyễn Võ Khang Hạ
Đôi nét về “văn minh miệt vườn ” trong ca dao Nam bộ - Mai Văn Sang
Diệp Minh Châu , Con người bẩm sinh là nghệ sĩ - Lê Phú Khải
Bàn tay đáng bắt - Lê Phú Khải
Một trái tim nhân hậu - Lê Phú Khải
Đôi Mắt NgườI Sơn Tây - nàng là ai ? - Nguyễn Duyên
DU TỬ LÊ hay là "NHỮNG VÌ SAO CHƯA BIẾT NGỦ MỘT MÌNH" - Trần Mạnh Hảo
Món ăn Huế trên đất Phương Nam - Tiểu Kiều
Chè HUẾ - Tiểu Kiều
Cùng một tác giả
Thùng Thuốc Nổ (truyện ngắn)
Cú Hých Về Nguồn (truyện ngắn)
ngái em (thơ)
Người thầy của em. (truyện ngắn)
Yêu (tuyển truyện)
Ma nhòa (truyện ngắn)
6i +Hi i (thơ)
Đặng Thân: Viết (phỏng vấn)