Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.093
123.230.464
 
Di tích tuổi thơ
Nguyễn Thánh Ngã

(Đọc "Cùng nhau nhân từ" - thơ Khúc Hồng Thiện, NXB Văn học 2018)

 

 

   T"Chênh chao tích chèo", Khúc Hồng Thiện đã đau đáu bao nỗi niềm quê hương. Những giọt lục bát hồi cố rơi chậm giữa thời hiện đại, đã tạo ra hiệu ứng hoài niệm, màu nền chân phương nhất của ca dao. Tôi có dịp thưởng thức thơ anh qua vẻ đẹp ấy, và đã từng "tìm về" cùng anh trong những mất mát không thể níu kéo. Đó là mất mát tuổi thơ của làng quê Việt, có còn chăng là còn trong tâm tưởng mưa rơi. Những giọt mưa thơ nhân từ rơi xuống, đọng thành di tích tuổi thơ...

   Tập thơ mới "Cùng nhau nhân từ" của Khúc Hồng Thiện là một di tích như thế. Với giọng thơ trong trẻo, hiền minh, đã và sẽ cuốn hút nhiều trái tim tìm về chia sẻ:

               Biết rằng mất những túp lều

               Ấm no khấm khá là điều ước mong

               Chỉ e, con hỏi... cánh đồng?

               Trả lời có, trả lời không... thế nào

                             (À ơi, câu hát)

Cánh đồng đã... bay mất. Con đường trải nhựa những kỷ niệm, bê-tông hóa những con mương, khoảng trời thơ ấu. Chúng ta làm thế nào để trả lời con trẻ, khi chúng hỏi về làng quê xưa? May quá, còn có thơ để trả lời. Nhà thơ là người biết chìm vào hoài niệm, tạo nên hình tượng thơ, rồi trao truyền lịch sử:

               Xin trời một trận mưa to

               Xong rồi nắng, xong rồi mơ... rõ ràng

               Soi vào giọt nước lang thang

               Thấy cha ông thuở hồng hoang dõi về

                             (Mưa rửa đền)

Vâng, thơ là "giọt nước lang thang" cho con trẻ soi vào. Đây là câu lục bát dung giản mà sâu sắc vô cùng, đồng bào ta cùng mưa nắng hiên ngang, đi qua bao nỗi đau thương, vinh nhục mà thành đất nước như hôm nay. Con cháu chỉ cần soi vào tấm gương ấy, sẽ thấy:

               Vượt qua trùng trùng gió

               Cha Lạc Long băng khơi

               Đem gốc tre làng Gióng

               Ra giữ đảo canh trời...

                        (Sóng gió Trường Sa)

"Gốc tre làng Gióng" là tâm thức Việt, là sức mạnh thiêng liêng ăn vào máu thịt cháu con, để sau này gìn giữ quê hương. Có lẽ, đây là thông điệp ẩn vào câu chữ mênh mang của Khúc Hồng Thiện. Anh lang thang vào thế giới chữ nghĩa, chỉ để làm nên công việc lưu truyền, lan tỏa lòng yêu nước. Nên việc tìm kiếm tiếng nói chung vẫn là:

               Mịt mùng bao cuộc bể dâu

               Người xưa dong cánh buồm nâu quan hà

               Mưa nguồn chớp bể, đảo xa

               Nghe trong gió lộng vẫn là tiếng quê

                            (Lục bát đảo chìm)

Chính tiếng quê ấy, cái âm vọng quê ấy, sẽ là niềm khắc khoải trải khắp biển trời nước Nam, làm thao thức bao con người biết tìm về nguồn cội. Thì đây, chúng ta hãy nghe thơ Khúc Hồng Thiện thể hiện mạch nguồn ấy:

               Bỗng dưng một tiếng đờn kìm

               Nảy vu vơ một nỗi niềm với sông

               Ông chài một dáng thong dong

               Nhịp hồn nhiên vẫy long đong một về

                             (Tiếng đờn sông nước)

Vu vơ ư? Vu vơ mà không vu vơ, bởi nỗi niềm ấy đã là tiềm thức của miền sông nước. Ông chài là một cách sống hồn nhiên, giữa thiên nhiên bao la hào phóng, nhưng giờ đây những dự cảm về một thế giới long đong đã khiến thành thực hóa suy tư. Bốn câu lục bát lại có bốn từ "một", nhưng "một về" là giọng xề, sà xuống bè trầm, đọng một nốt vỡ trên sông Vàm Cỏ, long lanh khó tả...

Còn đây "Mưa Đồng Văn", nơi địa đầu Tổ quốc:

               Mưa Đồng Văn chợ tần ngần

               Tôi ngồi đếm giọt qua dần kẽ tay

               Vẫn đây, chồng ngất ngư say

               Vẫn kia vợ đợi, tháng ngày còn thương

                                  (Mưa Đồng Văn)

Dù là cuộc sống miền cao, là văn hóa của họ, nhưng vẫn có chút trắc ẩn qua thân phận người vợ Mông đợi chồng qua cơn say. Tuy nhiên, môi trường ấy vẫn còn trong lành hơn miền xuôi, khi ta đứng ngắm dòng sông quê:

               Thời cha dòng chẳng còn về

               Nước đen kìn kịt màu quê tái dần

               Lòng cha còn những phân vân

               Tăng trưởng ư, đô-la cần thế sao?

                           (Dòng sông nào)

Đó là vấn nạn của thời phát triển. Nhưng phát triển mà khiến "màu quê tái dần", là kiểu phát triển đáng sợ. Ngành công nghiệp nặng như con trăn khổng lồ, đã và đang nuốt chửng nông thôn Việt Nam, khiến chúng ta phân vân tự hỏi "đồng đô-la cần thế sao?". Bởi chúng ta luôn phải nghĩ cho thế hệ tương lai:

                 Đời con rồi sẽ thế nào

                 Khi sông ngưng chảy, khi ao lấp rồi

                 Bao nhiều rừng trọc hóa đồi

                 Phù sa và những lở bồi cũng không...

                            (Dòng sông nào)

Đọc dòng lục bát này, ai mà không đau đáu nỗi niềm quê hương. Chợt nhớ nhạc sĩ Lê Minh Sơn đã hát: "Bên cạnh làng tôi đất bán hết rồi, chỉ còn nho nhỏ nghĩa địa xa xa...". Nghe mà thấm thía, nghe mà thương, mà "Nhớ thời bố ngủ trong nôi/ Bà đưa võng nựng nắm xôi thằng Bờm/ Chưa xa, bà ngủ ổ rơm/ Cụ đưa võng kể thảo thơm cô Kiều...".

   Nhớ và nhớ cái thời ấy lắm chứ!

 

   Đọc đến đây chúng ta mới vỡ lẽ ra rằng, tuổi thơ trong không gian văn hóa cha ông đã trở thành di tích. Thơ Khúc Hồng Thiện là một cách lưu dấu các di tích ấy. Và dĩ nhiên, thơ anh đã làm nên một giá trị trong đời sống này, điều khiến độc giả phải giật mình:

               Giật mình, xanh một giấc mơ

               Bốn mùa xanh của ngày xưa vọng về

                            (Màu xanh quê mẹ)

Thật vậy, là ngày xưa vọng về. Người ta dễ bắt gặp trong thơ rất nhiều những kỷ niệm ngày xưa, gần gũi, thân quen đến độ tưởng có thể cầm nắm được. Vì thế, thơ Khúc Hồng Thiện là chiếc cầu nối, bắc từ Ngày Xưa sang Ngày Nay, và cả Ngày Sau, trong một tâm thế hiện đại mà tâm cảnh lại đầy chất liệu cổ kính. Tôi không dám tham lam nói hết những điều ấy ra đây (mà dễ gì nói hết được). Vậy hãy dành cho độc giả thân yêu, một khoảng lặng, bước vào thưởng thức để "cùng nhau nhân từ", như lời mẹ dặn:

              Mẹ ta đầu đội nón mê

              Mà che mát cả bốn bề nước non

              Đồng quang mẹ dẫu chẳng còn

              Vẫn nguyên lời dặn cháu con nhân từ

                              (Mẹ ta)

   Thế đấy, tôi và chàng thơ Khúc Hồng Thiện đã từng thân quen, từng hiểu nhau trong những vần thơ đắm đuối, kiêu bạt của thời tuổi trẻ. Giờ đây là một Khúc Hồng Thiện nhân từ. Ở tuổi 35, anh đã tự nguyện đăng ký "hiến tạng cho y học sau chết não". Cùng với thơ là hiến tạng, một việc làm quang minh đầy chất trí tuệ nhân từ, không phải chàng thơ nào cũng làm được. Không những thế, vợ chồng Khúc Hồng Thiện còn vui vẻ ở trọ, để dành vốn sửa sang đất tổ, và làm Thư viện Hồng Châu miễn phí ở quê cho bà con, cho những công nhân, và nhất là các thế hệ học trò - tương lai của đất nước, của dân tộc - có nơi đọc sách, học tập, nghiên cứu.

Bấy nhiêu thôi, đã khiến tôi cảm phục một "chữ Thiện" biết lựa chọn giữa "nhận và cho" một cách minh triết nhất của đời người. Cho nên, khi viết bài viết nhỏ này về Thiện, tôi không dám nói quá sức mình trong cách đọc, cảm và hiểu nông cạn của cá nhân tôi, chỉ dám vin vào câu thơ đầy năng lực của anh: "tôi thấy tôi tách khỏi vỏ mình/ chu du khắp miền hư ảnh/ tự do chẳng còn giới hạn...".

   Chính thế, tự do không còn giới hạn là một năng lực làm người nhân từ...

 

       Đà Lạt, tháng 9-2018

                                 

 

Nguyễn Thánh Ngã
Số lần đọc: 1616
Ngày đăng: 07.09.2018
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Áo em mùa lụa mỏng – khúc tự tình của nhà thơ Bùi Đức Ánh - Hoàng Thị Thu Thủy
Cõi trần ai và dòng sữa ngọt lành trong tập truyện ngắn “Vàng trên biển đá đen” - Nguyễn thị Liên Tâm
Trao đổi từ cuộc hội thảo kịch của cố tác giả Lưu Quang Vũ - Tuấn Giang
Yêu thương trao lời… - Phan Nam
Khái quát văn học Bình Định 43 năm (1975 – 2018) Diện mạo & Thành tựu. - Mang Viên Long
Người thức qua cuộc đời nhìn tình yêu. Một kỷ niệm với nhà thơ, nhà báo Trần Hòa Bình - Nguyễn Anh Tuấn
Tính dân gian trong thơ Phạm Ngọc Thái - Phạm Ngọc Thái
Chuyến đi dài tới mùa thu của Phan Thanh Bình - Hoàng Thị Thu Thủy
Từ lục bát Miên Di, tới thơ siêu thực Bùi Minh Vũ - Du Tử Lê
Khi cây trái vào mùa - Nguyễn Thánh Ngã
Cùng một tác giả
Co (thơ)
...Mưa (thơ)
Ảo (thơ)
Mở (thơ)
Pleiku (thơ)