Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.165
123.224.133
 
Xín Mần, Hoàng Su Phì du kí…
Hoàng Thị Thu Thủy

 

Sáng ngày 30 tháng 8, vào Đà Nẵng để bay chuyến Đà Nẵng – Hà Nội vào ngày 31 tháng 8 năm 2015, chuyến đi với nhiều dự định và mong muốn. 9h sáng 31 tháng 8 đã lên máy bay và hơn 10h đến sân bay Nội Bài. Bắt đầu là chuyến du hành trên đường cao tốc Hà Nội – Lào Cai (đi qua Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Yên Bái và Lào Cai), đi giữa trưa nắng, nhưng không dám rời mắt khỏi hai bên đường, sợ không kịp nhìn phong cảnh miền Bắc vì khó có dịp đi ra ngoài này. Vượt qua 265km đường cao tốc, bắt đầu rẽ vào phố Lu – Lào Cai, là đã gặp ổ trâu ổ voi trên đường, xe cứ nghiêng bên này, lắc bên kia… tưởng thế là ghê gớm, nào ngờ đến con đường đi lên huyện Xín Mần, mới nhận ra là con đường phố Lu vẫn là con đường lí tưởng.

 

Đến Lào Cai, qua huyện Bắc Hà tôi rất sung sướng khi vào tham quan dinh vua Mèo Hoàng A Tưởng, nơi đây còn giữ lại một số dấu tích của một vị vua từng muốn xây dựng Đồng Văn thành một vương quốc tự trị của người Mông, với thành quách rêu phong, mình chợt nhớ đến câu thơ: “Dấu xưa xe ngựa hồn thu thảo”, của bà huyện Thanh Quan… Sau khi ngắm nghía, chụp ảnh, nếm rượu ngô (rượu ngô rất ngon), ăn ngô luộc (mua trên đường đi), cả đoàn lại lên đường, con đường lên Xín Mần không như trong mơ, không như trong hình dung và tưởng tượng…

Con đường lên thị trấn Cốc Pài, Xín Mần, có cảm giác như đang đi trong một hình xoáy trôn ốc, đi cheo leo trên các sườn núi, rồi lòng vòng vào đến tâm điểm, xe đi lên đã xốc nảy, xe đi xuống cũng không hơn gì, con đường không bằng phẳng mà ngoằn ngoèo, đèo dốc xô lệch người, chúng tôi bị xốc lên nhồi xuống đến lúc không định vị được là mình đang ở đâu… Em Cường lái xe bình thản vừa đánh tay lái bên này, vừa bẻ tay lái bên kia…

 

Nhìn sang bên đường, một chàng trai người Mông đang ngủ say sưa, xe máy dựng bên cạnh… có nhiều cặp vợ chồng, nhiều thanh niên chở nhau bằng xe máy, chẳng có ai đội mũ bảo hiểm, cứ đầu trần mà chạy… tôi nói đùa: Công an mà lên đến đây để phạt chắc lui về cũng không nổi.

 

Hai bên đường, trên các sườn đồi, người ta trồng ngô, hoặc ruộng bậc thang. Trên mỗi nương ngô chỉ thấy thấp thoáng bóng một hai người đang bẻ ngô, họ làm việc lẻ loi như thế là bình thường vì ở đây nhà cách nhà từ ngọn đồi này sang ngọn đồi kia khá xa, thế mà hễ dạy đến bài Việt Bắc chúng ta đã thật mất công khi bình tán những câu thơ của Tố Hữu như: “Nhớ cô em gái hái măng một mình…Nhớ người mẹ nắng cháy lưng, địu con lên rẫy bẻ từng bắp ngô”…

Núi rừng trập trùng, nhưng cũng không thiếu những khung cảnh đẹp, những khu ruộng bậc thang hoặc là đang xanh mướt, hoặc là đang óng ả dưới nắng chiều. Nắng chiều lúc này cũng phải nói là “không thắm” mà cũng không “vàng vọt”, chỉ có đong đầy trong một nỗi nhớ thiết tha, mong những người mà mình thương yêu được một lần đến đây thưởng ngoạn. Không cầm lòng đậu, xe dừng lại để chụp ảnh, đã từng nhìn thấy bức ảnh ruộng bậc thang đẹp lung linh, mình đành bất lực, bó tay trước cái đẹp, lúc này mới thấy ở đời hễ là nghệ thuật thì nên học, học bất cứ lúc nào, miễn là đủ khả năng chuyển tải cái đẹp. Tiếc nuối, rồi lên xe đi tiếp, đường xốc, đường dằn, đường gập ghềnh, không còn lo sợ nữa, vì em Cường lái xe rất giỏi, yên tâm mà ngắm mà nhìn, kẻo một mai không còn cơ hội…

 

Chừng 6 giờ thì đến Xín Mần, vào khách sạn mà tôi cứ nghĩ mãi, vì sao vừa leo lên cầu thang lại vừa bước xuống cầu thang mới vào phòng ở, thì ra vì nhà dựa vào vách núi. Đi ăn tối ở quán ăn gần khách sạn, em Cường dặn là sáng mai nên ăn mì tôm, đừng ăn phở vì sợi phở bở lắm, nhưng sáng mai chúng tôi vẫn ăn phở gà thì nhận ra phở rất ngon vì ăn thì biết là sợi phở không có phooc môn, và thịt gà thì ở phố không bao giờ ngon như thế. Đang ăn tối, thì thấy có cô bé chừng 7, 8 tuổi xách 2 bì ổi sẻ vào bán cho chủ quán, tôi mua 1 gói, chỉ có 5 nghìn mà rất nhiều và ăn rất ngon, gói ổi đó giúp chúng tôi tỉnh táo trong ngày hôm sau.

 

8h sáng hôm sau chúng tôi đến xã Nàn Ma (thực ra trong chuyến đi này, tôi chỉ thực hiện một chuyến du lịch, còn không liên quan gì đến công việc, nhưng tôi muốn biết công việc của các vị trong đoàn khó khăn đến như thế nào, nên tôi đã đi theo họ trong hết thảy các công việc, đó cũng là dịp để khai nhãn, khai tâm), nơi mà tổ chức Plan cùng vị người Nhật (81 tuổi) muốn giúp đỡ xây những bể nước sạch cho dân làng. Lại con đường rắn lượn, lại lao lên, sụp xuống (cỡ chừng 9km), nhưng cảnh tượng thật ngoạn mục khiến chúng tôi sửng sốt suốt ngày hôm đó, đó là sương mù, là mây bay đỉnh núi, trước núi cao trùng điệp, sương mù và mây bay cũng trùng điệp, mà sương mù cho đến tận chiều vẫn còn lãng đãng… nhớ lại đèo Hải Vân… chỉ là một chút thôi so với Nàn Ma, Xín Mần.

 

Con đường vào nơi đặt các bể lọc nước thật là kinh hãi, phải đi bằng xe máy, và chỉ có người nơi đây mới đi được, còn chúng tôi mới nhìn thôi đã sợ, nói gì là đi, ngồi sau lưng các anh, chị ai cũng ôm thật chặt, có những đoạn cứ tưởng mình rơi khỏi xe, các anh chị đó còn bình thản kể rằng, nếu trời mưa thì chúng em phải lội bộ vào chứ không đi được xe máy. Nghe tiếng cô giáo dạy, thầy giáo dạy, ghé mắt nhìn vào, nền đất, tường đất, lớp ghép, vài chục trẻ… Các thầy, cô đi đôi dép lê, đôi dép ngả màu vàng vì bùn đất bám theo con đường họ đến lớp. Cô giáo dạy lớp mầm non cười thật tươi, thật yêu đời, khi vị người Nhật muốn xin cái chai đựng nước mang về nước Nhật để kiểm tra, thì tôi nghe cô giáo đó nói với một cô trong đoàn, là đổ nước uống của em đi thì từ giờ đến chiều em uống gì. Nhìn quanh mới thấy thương, không có gì ngoài tường đất, nền đất. Phía tường bên kia, thầy giáo đang giảng toán, cuối phòng có các cháu đang vòng tay chờ thầy, trên bảng ghi môn tiếng Việt. Đây mới là lớp ghép… Chao ôi, cực khổ về chuyên môn, thiếu thốn về vật chất. Nhìn lại con đường vừa chạy vào, tôi hỏi: Ngày nào các cô thầy cũng đi như thế này à, họ nói: đó là trời tạnh, còn trời mưa thì chúng em phải lội bộ, đường trơn trượt, không khéo là ngã. Mà các cháu vận động mãi cũng không muốn đi học. Giáo viên cắm bản là thế đó. Thật là một sự hi sinh vĩ đại…

 

Anh Thắng – kĩ sư thuỷ lợi, dẫn đoàn người đi xem xét, đi nhoay nhoáy, nói như súng nổ, vui tươi, hồ hởi… Gắn bó với Mèo Vạc – Đồng Văn, với Hà Giang mấy chục năm, giờ anh thích sống trên cao hơn là về Hà Nội, anh mời chúng tôi ăn chuối, mà cứ như là mời chúng tôi ăn sâm… Lúc về, anh đi nhờ xe về Hà Nội, dọc đường anh đọc thơ tình Lamactin, Êxênhin, Eptusencô, Lecmontop… rồi đọc thơ độ, thơ chế, cười đau cả bụng (Không đi không biết Tam Đao (Tam Đảo), Đi rồi mới biết không còn chỗ ngu (chỗ ngủ), Một giường nhét đến hai cu (hai cụ), Đi về thì đã quên mu trên giường (quên mũ)… nhưng ngạc nhiên nhất là anh thuộc lòng “Chinh phụ ngâm”, “Truyện Kiều”, thuộc cả điển tích, điển cố… Nghe anh nói chuyện, tôi phải giả vờ không biết chi về văn chương, vì lâu lắm mới có người dạy lại cho mình về văn chương, sướng hơn chuyện mình đi dạy mà sinh viên chưa đọc tác phẩm…

Nơi đây tôi được nghe chuyện người Mông kết hôn cận huyết, nên những đứa trẻ sinh ra thật nhỏ bé, chúng chơi lúc thúc với nhau, đứa nhỡ không mặc áo quần, đứa lớn cõng đứa bé, nghe nói năm ngoái các vị khách này đã cho cô chị tiền đi học, giờ quay lại xem cháu có đi học không thì cháu vẫn cõng em trên lưng, đôi mắt nhìn ngơ ngác… Mấy con chó giữ nhà rất giỏi, chỉ cần chúng tôi bước đến gần nhà các cháu là chúng đã sủa râm ran và tỏ ra hung dữ…

Sau buổi sáng ở Nàn Ma, em Quỳnh trong tổ chức Plan đưa chúng tôi đi thăm Thác Tiên, Đèo Gió tại Nấm Dẩn, cách trung tâm huyện 16km, lại cảnh người xe chênh vênh với mây núi, nhưng đã nhìn thấy sông Chảy, chảy qua ghềnh đá, nhìn thật đẹp… Đi được chừng 2km, một vị trong đoàn nhờ em Quỳnh quay về nhà lấy cho tôi mượn bộ váy người H’Mông để tôi chụp ảnh, thật ngại, nhưng cả đoàn rất ưu ái, cứ quay xe lại để lấy (chắc là vì tôi hay đưa ảnh lên facebook…). Đường vào Thác Tiên thật đẹp, nơi đây mát mẻ, quanh năm người ta cũng chẳng dùng đến quạt máy, thác nước đổ từ trên núi đá xuống mặt đất chừng 30 mét, ầm ầm, tung bọt trắng xoá, hơi nước mù mịt (chẳng hiểu sao lại nhớ câu thơ Lý Bạch: Quân bất kiến Hoàng Hà chi thuỷ thiên thượng lại – Há chẳng thấy nước sông Hoàng Hà từ trời tuôn xuống …), đi xuống thác nước thì dễ, đi lên mới mệt, bước ra khỏi đó 2 đầu gối như muốn long ra luôn, và cũng vì thế mà lại quên bộ váy ngay trên bàn đá, đi chừng 2km thì quay lại để lấy…

Trở về, ghé thăm một trường tiểu học ở Nấm Dẩn, Ban giám hiệu nhà trường thật nhiệt tâm, họ muốn thuyết phục vị khách người Nhật giúp đỡ họ có máy lọc nước sạch, vị khách rất thông cảm, nhưng sợ rằng, viện trợ ban đầu thì dễ mà duy trì nó sẽ tốn kém hơn khả năng của sở tại…

Lại đi tiếp về thị trấn Vinh Quang, huyện Hoàng Su Phì, cách Xín Mần khoảng 40km. Nằm ngay dưới chân núi Tây Côn Lĩnh hùng vĩ ở Hà Giang là Hoàng Su Phì. Đêm đó chúng tôi ngủ lại ở thị trấn, để sáng mai đi thăm ruộng bậc thang ở Nậm Ty (nơi đây ruộng bậc thang đã được công nhận là di tích quốc gia vào ngày 16/9/2012)… Giữa lưng chừng núi, những thuở ruộng bậc thang nhìn đến hút hồn, những triền ruộng quanh co uốn lượn đẹp như tranh, lúa đang màu vàng mơ, chưa chín vàng, nghe nói vào tháng 10 sẽ vàng ruộm đến tận đỉnh trời…

Đường từ Xín Mần qua Hoàng Phu Sì rất khó đi, thỉnh thoảng gặp những đoạn đường có núi lở, đá chắn ngang đường, mới dọn dẹp một ít để có thể lách qua mà đi, chắc mấy hôm trước trời mưa to thì không thể đi qua được. Đi qua đây bất giác nhớ đến những từ mà truyền hình dự báo thời tiết thường nhắc đến là: Lũ quét và lũ ống. Chúng tôi cũng nhìn thấy một đoàn Tây đi phượt bằng xe máy, nghĩ cũng hay, nếu có thời gian, có người tri kỷ mà chở nhau trên xe máy đi đến những nơi này chắc kỉ niệm sẽ là vĩnh cữu, hạnh phúc sẽ không có bút giấy nào tả hết. Nhiều khi cũng mơ mộng vậy thôi…

Chúng tôi nhìn thấy con sông Chảy trong suốt chặng đường đi, thấy cây cầu mới làm thay cho việc ôm áo bơi qua sông, cũng có những cây cầu không có tay vịn, (mà sáng kia đọc báo thấy có nữ sinh lớp 9 đi qua cầu không có tay vịn bị nước cuốn trôi, thật thương tâm…)

Trên đường trở về Nội Bài, khi đi qua Tuyên Quang, chúng tôi vào nơi tắm bùn ở khu du lịch suối khoáng Mỹ Lâm, Tuyên Quang… Ngâm bùn, đắp bùn, vận động đi lại, sau khi tắm bùn xong, mọi mệt nhọc trên những con đường đèo dốc trôi theo bùn hết, lại thong dong ngắm nhìn phong cảnh, lúc này thì thấy buồn ngủ, nhưng anh Thắng cứ nói chuyện, thế là tỉnh hẳn. Sân bay Nội Bài đón chúng tôi bằng một trận mưa dữ dội, vào làm thủ tục xong, chúng tôi lên tầng 4 ăn phở, rồi ai theo đường ấy, người bay về Đà nẵng, người bay về Huế, cả 2 chuyến bay chậm mất 30 phút, nhưng không sao, tất cả đều trôi chảy, may mắn, có lẽ là trời đất đã phù hộ cho cả đoàn đi đến nơi về đến chốn. Thương ông già người Nhật, 81 tuổi, vào tháng giêng năm nay lại đến thực hiện lời hứa với người H’Mông…

(Với tôi chuyến đi này tôi chỉ tâm niệm một câu: Mỗi ngày hãy học cách quên đi bản thân)

                                                                                    

 

 

Hoàng Thị Thu Thủy
Số lần đọc: 2592
Ngày đăng: 17.09.2018
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Kể chuyện viết văn (Chuyện bên lề Trường Điện Tử ĐaKao) * - Phan Tấn Uẩn
Hai chuyện tình thời chiến - Phan Tấn Uẩn
Lãng du qua Thổ Sơn Cổ Tháp - Phan Anh
Đất làng - Vinh Anh
Du ký qua đèo ngang - Giang Hiền Sơn
Ngày Lễ Cha: Hai Vì Sao - Nguyễn Đức Tùng
Cửa Việt, biển vẫn còn xanh - Minh Tứ
Mẫu Sơn một thoáng chênh chao - Nhiều Tác Giả
Hollandse Nieuwe Đặc Sản Hoà Lan - Nguyễn Lê Hồng Hưng
Phương xích lô và tôi - Vương Kiều
Cùng một tác giả