Từ Huế vào học Bưu Điện năm thứ nhất, tôi ở trọ nhà Bà Má Trảng Bàng đầu đường Phan Đình Phùng gần Đài Phát Thanh SàiGòn. Chiều chiều cùng với người bạn Hoàng Ninh thơ thần cuốc bộ ra Cầu Xa Lộ . Ngày đó xa lộ Biên Hòa bắt đầu triển khai thi công. Con đường chưa thành hình , trước mắt chỉ thấy một bãi đất ngổn ngang đất đá rộng mở ngút mắt . Dân SàiGòn hào hứng kéo nhau ra cầu Xa Lộ theo dỏi diển tiến công trình . Khi màn đêm ập xuống, chỉ thấy mấy ngọn đèn điện sáng leo lét trên những cột tre liêu xiêu . Đám người hóng mát lục tục trở về nhà, nhưng chúng tôi vẫn nán lại ngồi trên những ụ đất cứng ăn hàng vặt của mấy bà bán hột vịt lộn ,bánh cuốn... Nhớ lại mấy hoạt cảnh trên cầu xa lộ mới thấy dân tình ngày ấy sống thật vui tươi hạnh phúc.
Trong khung cảnh ấy,chiều nào hai đứa tôi cũng đi ngang nhà một cô bé nằm trên khoảng đường Nguyễn Bỉnh Khiêm giữa Đinh Tiên Hoàng và Phan Đình Phùng. Một lần em ra đứng ngay trước mặt nhà ,tôi bất ngờ chạm mặt - bốn mắt nhìn nhau ,em chừng mười lăm tuổi . Lần đối mặt đó thu hút chàng trai mười tám tuổi trở thành cây si . Sau đó, đi ngang qua nhà em , tôi chỉ thoáng thấy em lấp ló sau cánh cửa hờ, nửa đóng nửa mở :
Anh vẫn thường mong nhớ vu vơ
Một người con gái giữa rừng hoa
Nhìn em núp mãi trong khuê các
Anh nín nghe từng sóng nhạc qua
Đó là nguồn cội của một chùm thơ tuổi mười tám,đôi mươi. Làm thơ như một phản xạ tự nhiên của một chàng trai trước một đối tượng khác giới. Qua lại mãi trước nhà em đã ấp ủ trong tôi hình ảnh em qua bài thơ Mộng Chiều. Bài thơ rung lên vào một buổi sáng chúa nhật giữa sân Trung Tâm Kỹ Thuật Phú Thọ lúc tôi ghé thăm người anh trọ học trong cư xá . Chỉ cần hai giờ cảm hứng, tôi ghi lên giấy bài thơ Mộng Chiều rồi gởi cho tuần báo Ngày Mới đăng vào tháng 9-1961. Tôi cắt bài thơ từ trang báo Ngày Mới , rảy nước hoa lên bài thơ bỏ vào phong bì gởi đến địa chỉ số 9... Nguyễn Bỉnh Khiêm. Không biết tên cô bé, tôi ghi đại Gởi người em gái. Đúng là một chàng trai si tình. Một , hai tuần chờ đợi một cách mơ hồ , vô lối . Bất ngờ , một anh bạn bên Trường Quốc Gia Thương Mại đến gặp tôi tự giới thiệu là Vũ Trọng Khải , ở chung cư Bưu Điện đường Đinh Tiên Hoàng, gần đó. Cần nhắc lại, hai Trường Quốc Gia Bưu Điện và Quốc Gia Thương Mại nằm chung một khuôn viên số 2 Phạm Đăng Hưng. Gặp nhau hàng ngày nhưng tôi không biết tên anh là Vũ Trọng Khải. Anh hỏi tôi có phải là Trần Phong thường viết bài đăng báo không , tôi ngạc nhiên không biết trả lời sao, vì làm thơ viết truyện chỉ là thú vui phù phiếm đâu có thể ngang nhiên xen vào việc học . Tôi không nhớ anh ta đã nói gì để tôi đã đi cùng anh đến Cư Xá Bưu Điện trên đường Đinh Tiên Hoàng và gặp toàn cả dân Bưu Điện trong đó kể cả bố mẹ anh. Ngạc nhiên hơn nữa khi vào nhà anh : một cô gái ngồi đợi sẳn chúng tôi ở phòng khách. Vũ Trọng Khải giới thiệu cô gái là Từ Quyên thường viết bài đăng trong mục nữ sinh đọc nữ sinh viết của tờ Báo Mới (sau nầy Từ Quyên có thời gian ngắn phụ trách mục Phụ Nữ gì đó trên một trang nhật báo).Nghe tên Từ Quyên, tôi nhớ ngay vì cả hai cùng biết tên nhau trên trang báo quen thuộc. Sau khi chào hỏi vui vẻ , Từ Quyên hỏi thẳng tôi, có phải anh đã gửi cho Phương Linh một bài thơ ? Tôi ngượng chín người, không biết trả lời sao cả . Vũ Trọng Khải và Từ Quyên nhìn nhau cười . Từ Quyên cho tôi biết Phương Linh là bạn học của em gái nàng, đang học lớp Đệ Ngủ Trường Trưng Vương. Từ đó tôi mới biết cô bé ở đường Nguyễn Bỉnh Khiêm có tên là Phương Linh. Tìm hiểu thêm, té ra họ là một nhóm người Bắc di cư vào Nam cùng làm việc tại Bưu Điện SàiGòn quen biết nhau như trong một gia đình. Sau lần gặp Từ Quyên, những bài thơ của Trần Phong được dịp xuất hiện nhiều hơn. Tôi mạnh dạn viết thư - mỗi lá thư kèm một bài thơ đã đăng báo . Gởi thư vào dịp hè,tôi nghĩ cô bé luôn có mặt trong căn nhà cửa kín tường cao. Nhưng ,hai lá thư, rồi ba lá thư gởi đi chẳng thấy thư trả lời. Một buổi sáng tôi có mặt ở cỗng sau Bưu Điện SàiGòn rất sớm , chờ ông bưu tá chuyển phát thư cho địa chỉ 9... Nguyễn Bỉnh Khiêm để hỏi cho ra lẽ (chuyện nầy rất dễ, vì chúng tôi đều là dân Bưu Điện cả). Nghe tôi hỏi, ông bưu tá mới sừng sộ trút giận vào tôi. Trước đó ,khi gởi lá thư thứ ba cho cô bé, tôi đã gặp ông bưu tá và bỏ nhỏ trước, chỉ phát riêng cho em thôi. Ông đã làm như vậy, và kể lại đầu đuôi câu chuyện : lúc ông vừa đến bấm chuông nhà 9... NBK thì chính cô bé đã nhanh nhẩu hấp tấp ra nhận thư riêng . Giữa lúc em đang nhận thư thì bà mẹ đâu từ phía trong nhà chạy vụt ra giật lấy lá thư trên tay em, và chửi vào mặt người bưu tá. Ông đứng chịu trận trước một bà Bắc Kỳ hung hản không dám có một lời đáp trả , vì ông đã biết rỏ chủ nhân căn nhà nầy cũng là một công chức Bưu Điện cao cấp. Ông nói, tôi bắt đầu rút lui thì bà mẹ đã lôi cô bé vào nhà đánh cho một trận nên thân. Đạp xe xa một khoảng, ông còn nghe văng vẳng tiếng chửi bới quát nạt của người mẹ ... Hai lá thư trước đó bà mẹ có trực tiếp nhận , đọc rồi thủ tiêu ?
Một cuộc truy tìm tác giả đã diển ra gắt gao. Kết nối những sự việc xẩy ra , tôi có thể biết được lớp lang câu chuyện truy tìm tông tích tác giả bài thơ Mộng Chiều. Cái gốc là do Từ Quyên. Khi nhận lá thư đầu tiên chỉ có độc bài thơ thơm mùi nước hoa, không có thư riêng viết tay, chắc hẳn Phương Linh đã mang bài thơ đến lớp khoe với bạn . Cô em của Từ Quyên đã mách với chị , và người chị nầy tò mò tìm hiểu tác giả bài Mộng Chiều. Chỉ cần gọi điện thoại hỏi người quen trong tòa báo , biết ngay Trần Phong đang là sinh viên Trường Quốc Gia Bưu Điện (vì chính tác giả đã ghi vào bài thơ như thế, nhưng khi đăng lên báo chỉ thấy bút hiệu). Vậy là Từ Quyên nhờ Vũ Trọng Khải "mời" tôi đến nhà chơi !
Tôi vẫn nghĩ bố mẹ Phương Linh sẽ không ngăn cản con gái làm quen với tôi, vì mình đang học Bưu Điện ngành Vô Tuyến Điện trong lúc ông bố cũng ở trong ngành Bưu Điện. Chỉ ngặt nỗi, cô bé còn nhỏ tuổi quá không được phép yêu đương lăng nhăng quá sớm. Ôi cuộc tình, sắp nở đã tàn.
Sau bảy mươi lăm, mở Trường Dạy Nghề Điện Tử ĐaKao đầu Cầu Bông, tôi thường có dịp đi ngang số nhà cũ của Phương Linh không thấy bóng người, lân la hỏi chuyện một bà ở cạnh, bà bảo gia đình nầy đã xuất ngoại lâu rồi, chủ nhân mới là một cán bộ bên kia. Nhưng tôi lại nôn nao chỉ muốn biết về cô bé lớp Đệ Ngũ Trưng Vương cũ thôi. Bà bảo, cô ấy học giỏi lắm, có học bỗng đi Bỉ bên Châu Âu trước bảy lăm. Đủ rồi. Tôi chẳng mất gì, được gì...Vẫn còn giữ được chùm thơ của tuổi mười tám , đôi mươi ghi dấu một cuộc chơi tình cảm lãng mạn dể thương, tươi đẹp ... Những bài thơ đều đã xuất hiện trên các báo ...Đặc biệt, hai bài Mộng Chiều và Tuổi Tình Yêu, dù tôi chỉ gởi cho một tờ báo, nhưng sau đó lại thấy chúng xuất hiện trên vài tờ báo khác...
MỘNG
Gởi P.L
Anh vẫn thường mong nhớ vu vơ
Một người con gái giữa rừng hoa
Nhìn em núp mãi trong khuê các
Anh nín nghe từng sóng nhạc qua
Em một nàng tiên mới đổi ngôi
Trong lành như một sớm tinh khôi
Mắt xanh chưa vướng sầu nhân thế
Gieo nụ cười tươi giữa bụi đời
Anh một chàng trai thích hải hồ
Tình yêu bao rộng một trời thơ
Muốn ôm trọn cả lòng quê mẹ
Siết chặt hai bờ non nước xa...
Áo trắng thư sinh sớm bạc màu
Ôi người trai lạc giữa trời cao
Từng nghe tao loạn tình ly xứ
Anh đã xem thường nghĩa khổ đau
Thuở trước anh hay dệt mộng đầu
Mà nay vẫn thức suốt canh thâu
Hoài công đi dệt bàn tay trắng
Thiên hạ vô tình ai biết đâu
Anh trở về quen gác trọ buồn
Ngâm bài thơ lạnh giữa hoàng hôn
Mà nghe tha thiết trong hơi thở
Thiếu một người nên giấc ngủ hờn
Em gái bình minh đi dạo nắng
Còn anh là khách bốn phương trời
Gặp nhau bên một vườn hoa trắng
Hương ngát vờn bay ai nhớ ai
Anh đứng nhìn theo mây trời bay
Sương chiều e ấp nhớ men say
Đêm lên lót mộng bằng hư ảo
Ai dỗ giùm anh giấc ngủ nầy
Như cửa tâm tư lần mở ngõ
Nghe làn khói sớm dậy hồn xuân
Ngân lên ngàn điệu người trai hát
Vẫn điệu buồn anh mỏi mắt trông
Người ta ngồi chép thiên tình sử
Anh sớm làm thơ nói chuyện đời
Vui mộng đăng trình từ dạo ấy
Nụ hôn nồng đượm vắng vòng môi
Nay muốn ra đi dệt mộng tình
Anh ưa làm một kẻ vô danh
Màu pensée ép nằm trên giấy
Đã nói rằng anh đứa hửu tình
Pensée gói kín dòng tâm sự
Anh vẫn nhìn em trong ánh sương
Im lặng lớn dần theo tuổi mộng
Đường anh xa vút bóng chiều vương
Ghi vội bài thơ giữa lạnh lùng
Nghe ai xé luạ ở ven sông
Anh nuôi lớn mối tình câm lặng
Cho nhạc chiều khơi mộng đẹp buồn...