Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.193
123.209.212
 
Trên sợi tóc buồn
Phan Tấn Uẩn

 

 

            Người đàn ông giơ cao chiếc đèn bão, quờ quật men bước trên con đường làng dày đen bóng tối. Ánh sáng bị bưng kín dưới hai hàng tre chụp xuống như ánh ma trơi. Một loạt súng rời rạc nổ đâu phía bờ đê Bến Nhì. Tận đầu xóm ngã Ruộng Hoang, một con chó nào thật tốt giọng sũa gầu gầu inh vang. Tiếng sũa ấm áp dội đều bay đi  trùm chụp khoảng đen tỉnh lặng quạnh ngắt. Nười đàn ông lưng hơi cúi thấp , rà quanh chiếc đèn bão, ngó chừng một chỗ đất hũng sâu lấp lánh một màn nước đục vàng. Trận mưa giông buổi chiều còn đọng nước trên những lá cỏ, những đọt tre ở hai mép đường. Con xóm cũ nay đã thêm đất cao lên,người đàn ông chập choạng sau ánh đèn , đã nhận rỏ cảnh trí không còn quen thân như ngày nào. Một mùi gì thoảng xông lên từ mặt đất, y còn ngữi thấy trong đó nổi thân thiết đậm đà cùng vẻ hiền lành ngọt mật ở quê cha. Y giướng mắt ngó lên phía đồng. Con kênh Ruộng Bái lúp xúp từng bụi cây lù lù đứng im giữa đồng không. Con kênh đó,ngày nào y đã bơi xuồng những đêm khuya ra câu "cặm", chở về những mẽ cá tươi ngon hâm nóng niềm vui gia đình. Bây giờ chẳng còn ngọn đèn nào leo lét dưới bờ kênh. Tất cả quanh đó nằm im lìm thao thức đợi đón từng nhịp động rình rập bũa đầy. Khi quẹo qua con đường đồng trống không mông quạnh, người đàn ông chợt nãy thắc mắc không hiểu  do đâu mình có thể đi ngù ngờ bình an trong làng .

            - Vặn đèn sáng thêm chút nữa đi!

            Tiếng nói rền rền từ phía vọng canh phát ra. Người đàn ông đứng lại dong cao chiếc đèn, vặn xoáy sợi tim nhú lên thêm. Y thòng đèn xuống, thong dong rảo đi. " Quái thật, gần cả hai chục năm rồi , đâu phải hai ba ngày mình xa xóm bỏ làng, sao thằng gác trong chòi không chịu bắt bẽ hỏi han gì ráo ? " Qua khỏi vọng canh, y cố nhớ coi tiếng thằng nào vừa nói. Chừng như một người tự vệ trọng tuổi mắt lèm nhèm trong cơn ngái ngủ đã lền rền nói tiếng đó ở cuối phiên gác. Y sãi đi nhanh hơn. Những bước chân đêm sở trường gần hai mươi năm xa xứ đem về, y quên bẳng  không biết mình đã vô tình làm lạ mặt quê cha. Gần hai mươi năm những gì đó y lãnh hội, có cái ăn ngấm trong tủy cốt khó nổi gột sạch, có cái như hơi bụi bám vào mình làm y bực hơi tức thở.

 

            Người đàn ông dừng lại trước cỗng ngõ một ngôi nhà. Con chó tốt giọng không ngờ ở ngay trong đó, đánh hơi y,chồm ra sũa lồng lộn. Cánh cỗng ngõ gài cứng, y đứng ngoài bắt mặt nom vào. Khoảnh sân hoang tàn hiu vắng buồn áo não. Mấy khung cửa kín chặt im lìm. Y lẩm bẫm : " Không lẽ mấy tấm phân tre trét phân trâu xiêu mục vẫn còn ? Mấy đám rêu ủ mốc, cụm cỏ thẩm xanh lại bám dày thêm xuống chân hiên, hè nhà ?"  Y bồn chồn tưởng nhớ khuôn mặt trầm buồn của cô Liên, nỗi quạnh ngắt tình cha của thằng cu đầu lòng ngày xưa. Giờ nầy thằng cu đã hai mươi tuổi, cô Liên tóc cũng bạc sớt đầy đầu. Biết hai mẹ con nó có còn sống để ngủ mê trong căn nhà kỷ niệm yêu thương kia ? Có ai cho cô Liên biết tăm tích y để đón đợi bước quay về ? Con chó nhảy sũa náo động ngoài ngõ đêm nay không lý cô Liên thằng cu vẫn yên trí nó sũa bóng ? Người đàn ông lúng túng kiếm cách đánh thức người ngủ trong nhà. Đêm trọng thu xuống gần canh ba. Một cơn gió đồng thổi sà ngang bụi hóp, ùa đến xát lạnh lên da thịt y.  Y thèm một hơi cẩm lệ. Ngáy nào kỵ hút ban đêm, bây giờ y chẳn còn gì để ngần ngại. Đứng chờ chặp lâu, người đàn ông nghiêng đầu dựa vào cột cỗng tre. Y mơ màng lảm nhãm một câu gì đó rất buồn sầu ê ủ. Con chó bất thần nhảy chồm ra cào sướt cột cỗng. Người đàn ông bật nãy mình , nhích ra đứng thẳng ở giữa. Y lại giướng mắt ngó vào nhà, thất vọng...Cu ơi, ba về đây con...Liên ơi...Y vọt miệng gọi lớn :

            - Liên ơi, Liên ...

            Con chó thôi sũa trở giọng gừ gừ, chiếc đuôi chừng như muốn ngoe ngẫy. Người đàn ông gọi thêm một tiếng Liên nữa, định đạp chiếc cỗng tre dẹp xuống , tuôn vào nhà.

            - Đêm hôm có chi kêu ầm lên rứa ?

            Người đàn ông vụt quày qua phía tiếng nói rền rền. Một nòng súng nhỏ ngù ngờ trờ tới phía y từ một giừơng ruộng trên đồng.  Rồi một bóng đen lù lù hiện ra rõ dần. Người đàn ông bất giác bực tức mạnh. Y xách chiếc đèn bão giơ cao lên, vặn thêm ánh sáng, chãng chân đứng giữa mặt đường, làm đúng vẻ một người hợp pháp. Y nhìn qua thoáng biết bóng đen là một người tự vệ già trạc quá ngũ tuần. Người tự vệ mới bắt thấy y, hốt nhiên run hoảng lẩy bẫy. Ông lạng quạng nắm chặt cây súng, vụng về nhích mình qua sau bụi hóp, nhắm bắn người đàn ông. Người đàn ông, trong thoáng chốc, sạp mình xuống đất, la lớn :

 

            - Bác...tôi là người nhà trên phố về thăm !     

            - Thiệt khôn ?                                           

            - Dạ thiệt..

            Người tự vệ vẫn giữ nguyên tư thế cây súng. Ông nhìn lại người đàn ông, vẫn thấy y như một thứ yêu quái nào đó hiện giữa đêm không. Người tự vệ già ra lệnh : 

            - Mi dong tay đứng dậy tau coi .

            Người đàn ông ngoan ngoản đứng dậy, bụm tay chụp lên đầu. Người tự vệ già vẫn còn nghi nghi một điều gì.

            - Mi thử nhảy lổm xỗm, dậm chân đạch đạch xuống đất tau coi.

            Người đàn ông làm theo, tiếng chân lụi đụi kêu dội dưới đất. Người tự vệ già yên trí, lách mình ra khỏi bụi hóp. Chừng xáp mặt người đàn ông, người tự vệ già đâm khó hiểu, kinh ngạc lớn hơn. Ông lắc đầu lập bập :

 

            - Không tin mi nổi.                                                                                                                                

Rồi ông hất mặt hỏi :                                                                                                                                  

- Phải mi vừa xách đèn bão đi ngang vọng canh trên đồng ?                                                                                     - Dạ.                                                                                                                                                                       

  - Răng mi mò vô được đây ?                                                                                                                            

   - Dạ có người ngoài Chợ Cá cho mượn cái đèn nầy.                                                                                                       

     - Mi lộn lạo quá !          

            Người tự vệ già lãy cao cái nòng súng, ngoãy một dấu hiệu bắt người đàn ông đi theo. Ngôi nhà người đàn ông về tìm, thật sự đã không còn sở hữu của cô Liên. Chuyện đó xẩy ra cỏ trên mộ mọc cao đã không biết mấy mùa. Người đàn ông nhận mình là người nhà cô Liên trên phố , lẽ nào không biết. Cô Liên đã bỏ lìa xóm làng cũng kể từ dạo đó, gần hai mươi năm rồi. Đêm hôm khuya khoắc y còn trở về réo gọi tên tuổi cô Liên, có ai tin được. Người tự vệ già dẫn người đàn ông lên trụ sở xã để trên đó quyết liệu. Hai người lũi bước nhẹ nhàng thầm lặng. Người đàn ông vừa đi vừa quay nhìn kỹ ông tự vệ... Thằng Hoái...Thằng Hoái...Bạn thân y ngày cũ. Không còn gì đáng nghi ngờ. Thằng Hoái nay đã già hẳn, cặp mắt lèm nhèm nhìn không đâu vào đâu. Sao thằng Hoái không hiểu người đàn ông không là kẻ gian lẽn vào làng, nếu thế thằng Hoái đâu có toàn mạng với y. Người đàn ông muốn gợi lại một vài hình ảnh thiết yếu thuở trai tráng với ông tự vệ, xem chừng ông ta càng giữ tiếng dè dặt gắt, y im luôn. Y quay qua nhớ những đêm hai đứa bơi hai chiếc xuồng con lên con kênh Ruộng Bái cắm câu, buổi khuya cơn đói trở dậy, hai đứa cùng cột xuồng vào một chân cầu tre, lên bờ ngồi mở mo xôi dẻo kẹo sớt qua về,  xắn xôi ăn ngốn ngấu . Khuya nào tối mù, thằng Hoái lôi luôn cả cả ông đèn lồ ô dưới mạn xuồng lên, châm sáng như một bó đuốc, cắm phập xuống bờ đất. Người  đàn ông ngày đó vẫn rất khoái chiếc đèn bão. Y gắn chiếc đèn trên mui xuồng thắp sáng mỗi bận ra kênh. Thằng Hoái có lẽ vẫn không quên những khuya có trăng đầy treo lơ lững giữa vùng trời nghĩa địa Ruông Hoang. Mặt trăng tròn thả ánh sáng bạc long lanh trên đồng quê. Những luống đất rang trắng hếu nhấp nhô băng qua từng cánh ruộng. Những cánh ruộng rộng ngút bờ chân đê Bến Nhì. Thằng Hoái phủi sạch chiếc mo cau bới xôi bó chặt lại bằng sợi dây chuối sứ trắng mềm, cất giữ dùng vào đêm sau. Người đàn ông xách ấm nước rót vào hai cái ly đặt nghiêng nghiêng giữa đất. Một gói thuốc rê thằng Hoái lận dưới lưng quần được lôi ra quấn hút. Hớp một ngụm nước chè xanh, phì phà một hơi thuốc rê, ngắm con trăng diễm ảo, thằng Hoái ngồi kể dí dỏm ba bảy câu chuyện vớ vẩn trong làng. Người đàn ông vễnh tai nghe, cười tủm tĩm. Những lúc đó, rất bất chợt, thằng Hoái thường bắt gặp đứa bạn mình trí óc lan man xa lạ vô cùng. Hắn lượm ngay một hòn đất rang cứng như đá, liện cái cộp ra cánh ruộng. " Ai hớp hồn mi ? Con Liên há ?" Người đàn ông chợt tỉnh, cười thật tươi. "Con Liên mê mi bức chết mà, để tau giúp mi một tay !" Thằng Hoái có công lớn tác dựng nên cặp vợ chồng của bạn hắn. Người đàn ông vẫn bùi ngùi nhớ ơn thằng Hoái suốt đời. Hẳn thằng Hoái cũng nhớ những kỷ niệm lảng vãng đâu đó.

            - Hoái...Hoái...

            Người đàn ông tự dưng bạo miệng gọi đích tên ông tự vệ. Y định ướm thử coi thằng Hoái còn nhớ y không. Ông tự vệ bậm môi lại, nghiến răng trèo trẹo. Cố làm tỉnh khô, ông trở giọng đe người đàn ông :

            - Mi điên à ? Cái chi mà hoái hoái rứa ? tau dộng đầu mi trên xã mược sức cho mi "hoái".

            Ông Hoái đe người đàn ông xong, cúi xuống ngậm ngùi xót đắng..." hắn còn nhớ thằng Hoái tra ni, thì thằng Hoái làm răng quên hắn được." Có nhiều nông nổi tê đau để lại ông Hoái mang, sau hôm người đàn ông lìa bỏ quê cha. Y đi không còn thấy gì nữa, sau lưng y là vùng quê hương khói đục lem luốc bũa kín bà con. Thằng Hoái ngó lui quá khứ chợt nhận ra mình không hiểu gì đứa bạn hết. Y bặt mù tăm hơi đã quá lâu, tưởng chết non đâu trên một bãi chiến hung hăng nào, không dưng bây giờ lộn về kêu đích danh tên thằng Hoái. Ông Hoái ngẩn ngơ sững sờ...Con kênh Ruộng Bái, nghĩa địa Ruộng Hoang, chân đê Bến Nhì ngày xưa đắp đổi đậm đà tình bạn sắn khoai, ông Hoái nghĩ sớt lại, thấy có lúc trong đời, mình phải dối gạt lòng mình, cỏi lòng trắng sáng thương yêu bị mưng mủ tê đau vì những trí trá bội bạc, những tình cảm xô lệch giấu che, những kỷ niệm mờ nhòa trong ký ức.

            Những bước đi lặng thầm trong tối, u uất một nổi buồn lạ mặt không tên. Ông Hoái bị hất tung vào cái vòng lẩn quẫn giữa tình cảm, lý trí. Người đàn ông vẫn bình thản bước đi, không xao động. Y thừa biết chuyến về làng quái đản của y sẽ không dễ gì làm thằng Hoái chóng vánh tin ngay. Mặc dù ông Hoái vì một căn cớ nào đó vẫn tìm cách đánh lãng sự quen thân ngày cũ, người đàn ông cũng gắng bắt chuyện :

            - Bác nè, con chó nhà cô Liên sũa tốt giọng quá há ? chắc chủ nhà làm ăn khấm khá ?

            Ông tự vệ lại vẫn sừng sộ mạnh hơn :                                                                                          

         - Tau đã nói mi câm miệng đi. Con chó Vện đó há ?  Kệ cha nó, mắc mớ chi mi ?

            Người đàn ông vẫn cười mủm mĩm, lơ mơ bắt gặp sự che giấu tình cảm ở người bạn già. Đêm chìm nặng dày sâu trên lối đi.Những đọt tre lù mù đan nhau trên khung trời xạm đặc đen om. Người đàn ông ngẩm nghĩ :" Không lẽ lui về để quê cha kinh tởm nhìn mình như một đứa con hoang ? Hay thằng Hoái đã đánh nghe một hơi hám gì lạ lẫm ở trong ta để lợm giọng từ bỏ bạn bè ?"

            Ông Hoái đằng hắng một tiếng nhỏ rồi tiếp đi âm thầm nhạt lạnh. Leo quá cỗng Chợ Cá, trụ sở xã lấp ló đứng  yên sau một hàng me gục đầu rậm lá. Ông tự vệ quay lại hầm hè người đàn ông một lần cuối :

            - Mi nhớ câm "họn". Tới xã mà còn hoái hoái húng húng thì đừng trách tau !

            Người đàn ông vẫn chưa hiểu hết tại đâu thằng Hoái già lại cay cú với mình quá vậy. Y lụt lịt buông chùng nét mặt thâm u, ngậm miệng như hến. Một người dân vệ đứng gác ở ngã ba đường, bấm ngọ đèn pin rọi sáng về người đàn ông. Y nhìn chấp chóa phía trước. Ông  tự vệ quay quắt  phọt tới lỉ rĩ vào tai người dân vệ một điều gì đó trong bóng tối. Kẻ gian lẽn vào làng ? Người đàn ông lơ đểnh nhìn quanh quất khu Chợ Cá im lìm. Tận cuối ngã đường y thoáng  nhìn mấy cánh cửa đã buông kín ở căn nhà y vừa mượn chiếc đèn bão thắp sáng vô làng.

            Ông tự vệ nói đủ nghe , trống vỗng :

            - Tui giao thằng lếu láo ni cho xã đó...Hừm... Rứa mà cũng mò về cho được.

            Người tự vệ chụp tay lên vai người đàn ông, đẫy y vào cỗng xã. Ông Hoái lộn trở vô làng, quậy đục lên vùng tâm tư mốc ẩm trong lòng...

            Ông Hoái hối hả trở lại vọng canh. Ông ngậm ngùi nghĩ tới thằng bạn cũ. Hình ảnh hắn nằm rối rít trong cỏi lòng ray rức tê buốc của ông. Ông vẫn không tin mình đã phản bội bạn. Sự sống cho ông, ông phải giữ trước nhất, ông nghĩ thế. hắn bỏ xa ông gần hai chục năm, đầu óc hắn nếu không lệch lạc trên một góc cạnh nầy ít ra cũng mờ nhòa trong tình bạn xưa kia. Y , cũng như ông , còn phải giữ lại tiếng nói mình cho gia đình, bạn hữu , đoàn thể... Ông Hoái không uy hiếp hắn trong tối đen, biết đâu hắn đã tặng lão Hoái một viên colt ! Giải giao được người đàn ông  cho ủy ban xã, ông Hoái nhẹ bổng người. Ông vừa đi vừa ôn lại cảm giác kinh rợn ngày biết tin đứa bạn lẽn trốn khỏi làng...

            Thằng Lung một dịp bất ngờ nghe kể chuyện trận đáng đồn AR. Người kể trước mắt hắn là một đối tượng tuyên truyền thuyết phục, y đã tin theo không đắn đo tính suy. Đồn AR trên đĩnh đồi 318 , gọn cả một tiểu đoàn lê-dương trú đóng. Ngọn đồi chiến lược nầy kiểm soát toàn bộ khu vực một quận cận sơn. Một cao điểm lý tưởng ba mặt ruộng đồng giăng rộng ngút ngàn. Kỳ công của những người thanh niên ái quốc : chiếm đồn AR. Vùng cận sơn nầy phải hoàn toàn được giải phóng. Phải hoàn toàn không còn chuyện hiếp dâm đàn bà con gái. Không còn sót một oan ức. Các bạn của thằng Lung đã làm gì để hoàn thành sứ mạng thiêng liêng ?  Chiến đấu. Chiến đấu đến thần sầu quỹ khóc. Lòng can đảm cháy ngùn ngụt trong lửa đỏ căm hờn. Bọn lê-dương đã bị cháy đen trong ngọn lửa đó. Bốn hàng rào dây kẽm gai rộng trên ba trăm thước giăng chùng xuống sườn đồi bao quanh đồn. Mìn bẫy nhi nhúc chôn đặc phía dưới. Đêm tấn công, một  mình Trần Đồng Vọng ôm bộc phá bò vào tận bộ chỉ huy  đồn AR.  Trên lưng Vọng, đại liên yểm trợ bắn rát. Vọng không nao núng. Vọng thả gói bộc phá rơi trúng ổ bọn đầu sõ ác ôn làm chết tiệt không còn một mống.  Đồn AR thất thủ. Thằng Lung hôm đó mê quyết câu chuyện, nôn nả không ăn ngủ. Máu sôi sục dồn lên óc, y là người đầu tiên trong làng tình nguyện lên núi theo đối tượng khuyến dụ. Một người thanh niên nào đó có tên trần Đồng Vọng trở thành thần tượng trong thằng Lung, mặc dù Vọng chưa phải là một điển hình duy nhất cho sự phi thường thời đó. Thằng Lung âm thầm một đêm bí mật bỏ đi. Thằng Hoái sáng hôm sau bật ngữa kinh hoàng. Mấy ngày trước đó, thằng Lung chẳng có lời nào tiết lộ xa gần ý định mình cho một ai hay, kể cả cô Liên, vợ y. Thằng Hoái quay quắt tìm hỏi cô Liên , bán tín bán nghi. " Họ nói rứa đó , tui không tin. Chú đi có công chuyện, mai mốt chú về lại cho  o coi."  Cô Liên không giấu hết buồn rầu. Cô nhìn ra khoảng sân xám ngoẹt ôm sát thằng Cu mới sinh vào lòng ứa ngộp hai hàng nước mắt. Thằng Hoái ngó chăm vào cô Liên : " Chú đi thiệt à ? Răn o khóc ?" Cô Liên vẫn không nói. Cô mơ màng nhớ tới những ngày  cô chưa đám cưới, những buổi thật vui thân giữa thằng Hoái và chồng cô, những bận thằng Hoái tất tả vào nhà rủ chồng cô ra ke6ng Ruộng Bái cắm câu. Thằng Hoái ân cần hỏi han tình cảnh mẹ con cô Liên. " Chừ o tính răn ? Không lẽ ngồi ôm thằng Cu khóc mãi rứa à ?" Cô Liên thở dài não nuột: " Cũng chưa biết tính chi nữa ! Buổi chiều mới nghe anh ấy nói lơ mơ vậy, ai ngờ tối đến có người tới dẫn đi ngay."   - Rứa chú có dặn o chi không ? - "Dặn chi mô. Annh chỉ có một câu cộc lốc, gắng nuôi thằng Cu rồi có ngày anh về."  Cô Liên vuốt tay lên khắp mình thằng Cu đang nằm ngủ ấm áp trong vòng tay cô. Chợt cô nấc lên một tiếng khóc xé ruột, mếu máo : " Ra khỏi nhà ... anh ấy biệt tích luôn tận góc bể chân mây nào, ai biết mô mà tìm." Thằng Hoái nghĩ ngợi mung lung. Hắn đâm ra trách oán thằng Lung . Cưới vợ trước y, sao thằng Hoái thấy mình thương vợ thương con quá chừng, còn y lại dững dưng bỏ vợ con đi biệt, lạnh ngắt như kim đồng. Thằng Lung cũng dị kỳ như thân thế hắn. Một người trong làng không con, đi xa trở về dẫn theo hắn làm con nuôi. Lúc đó thằng Lung  mười hai tuổi. Sống loanh quanh trong làng tới ngày  người cha nuôi dựng vợ cho, thằng Lung thụ hưởng căn nhà miếng vườn sáu tháng sau đó, ngày người cha nuôi hắn chết. Một phúc đức lớn mấy đời trước bỏ lại cho hắn, thằng Hoái ngạc nhiên, sao hắn không bíu lên chỗ đất đó, đùm bọc cô Liên dựng nên cơ đồ to lớn. Cô Liên cũng tưởng dính vào thằng Lung, đời cô sẽ mãi mãi nằm gọn trong lòng quê cha, giữa vòng lũy tre xanh mởn bọc quanh. Thaa82ng Hoái chặt lưỡi một cái : " Nghiệt thiệt. Chú đi rồi có lộn về đây không nữa chơ !  rứa o thiệt chưa tính răn cả à ?" Cô Liên đăm chiêu ngó miết ra hiên : " Chỉ tội thằng Cu có cha như không..." Thằng Hoái giật thót mình : " O nói bậy nà . Chú đã dặn đi rồi có ngày lộn về mà. " Cô Liên vừa lau nước mắt vừa khóc sụt sùi : "Tưởng anh ấy đi chơi đó, nói nghe dễ lắm." Thằng Hoái trấn an cô Liên, cấm ai đi cũng chết hết à ? chết sống có số có mạng cả...Nói cho cô Liên an lòng  chứ thằng Hoái cũng không tin chi lời mình. Nhu74nh chiếc xe chở xác người từ các bãi chiến chạy qua quốc lộ chừng như chứng minh  con người chẳng có mạng số gì ráo. Thằng Hoái nghĩ tới những ngày sầu thảm mai mốt trong đời cô Liên :" Biết khi mô  o Liên buông được một tiếng cười, thằng cu tý trên tay o bồng  thấy được mặt cha ? Rồi mẹ con cô Liên làm chi sống đây ?" Cám cảnh cô Liên, thằng Hoái loay hoay không biết tìm cách nào giúp cô một sinh lộ an toàn. Thằng Hoái vẫn lẩn quẫn trong một mớ bòng bông rối nùi. Chợt ,hẳn hỏi cô Liên một câu rất vô vị :" Rứa o biết đứa mô "cù" hắn đi không ? " Cô Liên dả dượi lắc đầu. Chuyện riêng cuả chồng cô không biết tới. Thằng Hoái không dưng  rơi hục xuống một vực sâu nghi hoặc thằng Lung : " Hay thằng nớ không còn nhận nơi đây làm làng nước cật ruột rồi để tâm ruồng bỏ ? Nhưng làng xóm nầy có ai đối xử với hắn bạc bẻo chi...Vợ thì được o Liên quá bề rổi. Con thì có thằng Cu. Thee6m một cơ nghiệp nhà đất đủ cả. Được rứa mà cũng trở tâm bạc tình thì vô lý quá."  thằng Cu vẫn ngủ khì trên tay cô Liên. Cô Liên thở dài nói trỗng:" Chắc chuyến ni tui cũng bỏ làng đem con đi nữa !" Thằng hoái giật mình, o đi mô chừ ? Thân gái dặm trường, o không sợ chuyện rủi ro ở đất khách quê người à ? O ở đây đêm hôm còn có bà con xóm giềng giúp đỡ , đi mô thêm khổ. Cùng lắm thì o qua ở chung với con mệ Hoái bên nhà." Cô Liên chỉ biết thở ra chán chường. Thằng Hoái đứng dậy ra về, gởi lại cô Liên vài ba câu an ủi. Những ngày sau đó, hắn buồn sầu không dứt, nghĩ mãi về thằng Lung. Cô Liên thương chồng ôm con ngồi tựa cửa trông lên cánh đồng vắng những buổi chiều xẫm tím thoi thóp ánh mặt trời ập xuống buồn thảm. Bất ngờ một bữa thằng Hoái nhận được giấy mời lên đình làng Bến Nhì học chỉnh huấn. Hắn sững sốt mặt mày tái xanh, hớt hải tìm đến cô Liên. Cô Liên lại cũng chìa ra miếng giấy in hệt hắn. Hắn ngu ngơ không tìm ra được múi nhợ của nông nổi đó. Cô Liên bồng con lên đình, vừa đi vừa khóc bù lu bù loa. Vợ thằng Hoái tiển chồng ra tận đó, thấy cô Liên mẹ góa con côi, an ủi cô hết lời. Những ngày ở đình nằm đất, ăn cơm bới muối đậu phụng , việc gì cô Liên cũng nhờ vợ thằng Hoái lo giúp. Hai tháng sau trở về, mẹ con cô Liên ốm o xao vàng. Cô Liên lai nghe phong thanh đâu đó còn học thêm đợt hai , đợt ba...Cô sợ quá, rĩ tai bán đứt căn nhà miếng vườn cho một người trong làng, trốn lên phố. Đi một lần, cô Liên biệt tăm hơi luôn tới nay không ai hiểu mẹ con cô còn sống hay chết. Phần thằng Hoái, học xong đợt một, hóa ra người lương thiện. Thằng Hoái được mời đi đình chỉ vì đã từng thân thiết với thằng Lung tập kết, thế thôi. Vợ chồng cô Liên từ đó kể như hoàn toàn dứt tình làng nước, nhưng thỉnh thoảng nhớ tới, thằng Hoái vẫn bùi ngùi kể lại từng kỷ niệm cũ cho vợ nghe. Gs62n hai mươi năm không đếm hết những lần xáo động quay qua, thằng Hoái vẫn hẩm hút sống yên lành bên vợ con. Nay thằng Hoái tóc đã muối tiêu lấm chấm. Lủ trẻ hậu sinh lớn lên lần lượt lính tráng, bỏ lại ngôi làng già cổi yếu mòn những ông Hoái già nhom nhem, những cậu thiếu niên lóc nhóc làm tự vệ canh gác xóm đồng. Những đêm ông Hoái cùng mấy người bạn già ra ngồi trong chòi canh coi những trái sáng đứng lững ờ góc núi, canh chừng giấc ngủ dân làng thiêm thiếp vùi sâu sau  lũy tre, ông ngao ngán nghĩ đến những cuộc chia ly thật nảo lòng đứt ruột. Ngôi làng ông Hoái ngồi gác đêm đêm vẫn yên tỉnh, nhờ đó sau một phiên gác hoặc dứt một cuộc tuần canh, ông Hoái lại lù lù về nhà đánh tiêp giấc ngủ.

            Khi  từ xã về thấu vọng canh, ông Hoái vẫn còn một điều gì hoang mang nghi hoặc. Ông đánh thức náo động mấy người bạn già đang ngủ vùi trong chòi. Họ chưa kịp dụi mắt, ông Hoái đã kê miệng vào tai từng người, lí nhí cái tin dị kỳ về thằng Lung. Mấy người bạn già ông Hoái vụt sáng mắt lên, nhưng vẫn không chịu tin.

            - Ôn thiệt hay láo ?                                                                                                                               - Thì tự tay tui đẫy hắn lên xã mà, ông Hoái cả quyết.                                                                                              - Lâu quá rồi ôn còn nhận ra hắn à ?  

           - Thiệt là ác ôn. Hắn xách đèn bão đi lờ ngờ ngang vọng canh gặp phiên tui, tui cứ tưởng là một cha mô ở làng đi quanh quẩn đây thôi, không để ý cho đi luôn. Đến lúc xuống xóm về nhà, vừa quẹo qua bụi hóp hắn gọi Liên Liên ầm lên cả. Tui lên tiếng, hắn quay mặt lại. Thấy hắn, tui sợ muốn đứng tim luôn. Trời ơi, cứ tưởng là oan hồn uổng tử không bằng. Tui dong súng định bắn. Hắn nằm rạp xuống đất lạy lục quá trời. Tui vẫn chưa tin, bắt hắn giơ tay lên đứng dậy nhảy xỗm. Thấy hai bàn chân hắn đụng đất kêu lụi đụi, tui mới dám chắc hắn không phải là ma quỹ hiện hồn về kêu o Liên.

            - Rồi răn ôn lại lôi hắn lên xã ?                                                                                                   - Tui nói ra mấy ôn nghe, mẹ con o Liên biệt tích mô rồi đã quá lâu, hắn lại mò về giữa đêm hôm khuya khoắc réo gọi lếu láo như rứa, mấy ôn tin không ? Chi thì chi mình cũng giữ cho mình khỏi chết đã chớ. Tui dộng đầu hắn lên trên xã có chi mai sớm rồi hay.                                                                - Rứa hắn còn nhớ ôn không?                                                                                                                                - Trời ơi, đi giữa đường mình cứ sợ bất thình lình hắn trở tay hạ độc mình, tui cố làm mặt lạ cứng rắn với hắn mỗi bận hắn bắt chuyện. hắn còn nhớ cả tên tục tui kêu luôn ngay giữa đường. Hắn rồi đó, mai mấy ôn cứ lên trên xã dò thì biết...

            Mấy người bạn ông Hoái nghe xong đâm buồn lây lất. Ông Hoái lơ mơ ôn lại chuyện hai mươi năm nước chảy qua cầu. Đời ông bình lặng như com xóm hiền tuổi thơ êm êm nằm nghỉ dưới bóng im ngợp gió không nghe dâu bể lật sấp dòng đời. Thằng Lung , bằng khoảng thời gian đó, lăn lóc trong gió sương. Đời hắn gian khổ đã nhiều, những chán chê sầu tủi chất đầy hai vai nặng trịch, những bước đi đạp nát cỏ xanh quậy sâ cát bõng. Ông Hoái thấp thoảng trông chờ người  bạn cũ một giờ ngồi đối ẩm dưới mái quán đầu làng kể nhau nghe trăm ngàn tâm sự đầy vơi. " Dầu cho có răn đi nữa, thằng Lung  vẫn còn sống để dẫn xác về đây. Nhưng tội nghiệp hắn, o Liên thằng Cu thì đã trốn mô biệt mù cà cưỡng..."

            Ông Hoái kê lưng lên bục chòi nằm thao thức. Mù áng thấy một vừng mây đo đỏ sưng húp ở hướng biển  đông, ông lồm cồm ngồi dậy hối hả lên xã. Tới đó, ông hoái gặp một người làng tung tin ông Lung mãn hạn tù trở về. Đến quê, ngang Chợ Cá trời tối đan, ông Lung vẫn nôn nả vào làng tìm vợ con. Nửa chừng, gặp ông Hoái. Bây giờ biết ra ông Hoái mới bật ngữa. Hình ảnh o Liên thằng Cu nổi cao trong trí ông trong lúc khuôn mặt thằng Lung và những ý nghĩ về hắn trong đêm rồi trộn lẫn vui buồn rối rắm. Giữa lúc đó, ông Lung trong trụ sở xã cũng đang hướng về những hình bóng kỷ niệm thương yêu...

            Một Trần Đồng Vọng chồn chân mõi gối quay về ứa nước mắt... Thôi còn gì nữa đâu...

 Ý Thức số 4                                                                                                                                                               

 (15-11-1970)

 

 

Phan Tấn Uẩn
Số lần đọc: 1502
Ngày đăng: 25.10.2018
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Một người đồng hương - Nguyễn Tiến Nên
Chôn đi quá khứ - Nguyễn Lê Hồng Hưng
Giấc mơ chiếu manh - Phan Tấn Uẩn
Chiếc trống lủng - Bùi Thanh Xuân
Một giờ ở An Phước Viên - Bùi Thanh Xuân
Chuyến về quê - Phan Tấn Uẩn
Mẫu đơn rừng - Nguyễn Tiến Nên
Phố Cổ, đèn lồng treo cao - Bùi Thanh Xuân
Người khách lạ - Võ Công Liêm
Qua cầu - Trần Yên Hòa
Cùng một tác giả
Đêm Mù Mộ Địa (truyện ngắn)
Chuyến về quê (truyện ngắn)
Giấc mơ chiếu manh (truyện ngắn)
Trên sợi tóc buồn (truyện ngắn)
Quán về khuya (truyện ngắn)
Phố đỏ (truyện ngắn)