Tâm hồn thơtrong sáng, những vần thơ hào hùng hòa trong giai điệu chung của thơ ca chống Mỹ của Lưu Quang Vũ (1948-1988) đã được nhiều người đề cập đến. Và với bấy nhiêu đó, Lưu Quang Vũ cũng đã thực sự trở thành một trong những nhà thơ trẻ tiêu biểu của nền thơ chống Mỹ Việt Nam. Ở phạm vi bài viết này, tôi xin được đề cập đến một “góc khuất’ trong thơ anh mà khi chiến tranh đã qua, đất nước thống nhất, hòa bình đã gần nửa thế kỷ, ta mới chợt nhận ra, cái “góc khuất” thơ kia, như những viên ngọc mà do những thiên kiến phủ lên một lớp bụidày, ngày càng sáng lên và có sức chiếu rọi đến ngóc ngách tâm hồn con người trong không khí hòa giải, hòa hợp của nền thơ ca đương đại.Không hiểu sao, đọc thơ Lưu Quang Vũ, đặc biệt là những bài thơ thuộc loại thơ không thể in được ở miền Bắc trong thời kỳ chiến tranh ấy, tôi cứ liên tưởng đến dòng nhạc phản chiến của Trịnh Công Sơn (1939-2001) ở miền Nam.Với riêng tôi, nếu yêu tình ca của Trịnh mười lần thì tôi lại đam mê dòng nhạc phản chiến của người nhạc sĩ này đến gấp đôi nữa. Nó ma mị một cách mạnh mẽ, nó hàm chứa một triết lý cô đặc về chiến tranh, về thân phận bằng những giai điệu, ca từ giản dị đến thật thà. Gác qua bên vấn đề ý thức hệ, khi cảm nhận về chiến tranh, thân phận con người trong chiến tranh, độc giả dễ nhận ra đã có sự đồng điệu, gặp gỡ giữa hai tâm hồn nghệ sĩ lớn này, nhất là ở ý thức hòa giải, tinh thần hòa hợp được nẩy sinh từ rất sớm - ngay trong lúc cuộc chiến diễn ra khốc liệt nhất mà hai người đang đứng ở hai đầu của cuộc chiến tranh ấy.
1. Gương mặt chiến tranh
Việc đối sánh thơ ca viết về cuộc kháng chiến chống Mỹ hào hùng của dân tộc ta giữa Lưu Quang Vũ và các nhà thơ thời chống Mỹ cũng đã được một số nhà nghiên cứu đề cập đến. Ở đó, chúng ta đã nhìn nhận ra sự giống nhau và những khác biệt trong cách phản ánh về cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước qua thơ Lưu Quang Vũ.
Đất nước đang chiến tranh và chính sự hào hùng của cuộc chiến tranh ấy đã tạo nên những “dáng đứng Việt Nam” kỳ vĩ như những tượng đài. Lưu Quang Vũ cũng nhìn nhận tư thế của dân tộc mình như thế, nhưng dẫu sao, chiến tranh cũng đang tàn phá một đất nước nhỏ và nghèo, đang dày xéo một dân tộc bao đời nay đã bị quá nhiều kẻ thù dày xéo. Vì thế, đất nước chìm trong nỗi đau:Mấy mươi năm đã mấy lớp người/ Chia lìa gục ngã/ Đã tận cùng nỗi khổ/ Người ta còn muốn gì Người nữa/ Việt Nam ơi? (Việt Nam ơi)([1]).Đó là một “mảnh đất nghèo máu ứa”, một “Việt Nam khốn khổ”. Hàng chục triệu người Việt Nam chỉ có một Tổ quốc Việt Nam, nên dẫu có “rách nát”, “khốn khổ” vẫn “là nơi tỏa bóng yên vui”, nơi ru “lòng ta yên tĩnh”. Quá yêu Người, nên khi nghĩ đến thân thể mẹ Việt Nam đang bị đạn bom giày xéo, người con Việt Lưu Quang Vũ yêu nướcđến “xót xa”, nghĩ đến sự tang thương của Người là lòng anh “rách nát”. Anh đã dám nói thật lòng mình và mong mẹ Việt Nam “đừng trách giận”:Người có triệu chúng tôi, tôi chỉ có một Người/ Tất cả sẽ ra sao/ Mảnh đất nghèo máu ứa?/ Người sẽ đi đến đâu/ Hả Việt Nam khốn khổ?/ Tổ quốc là nơi toả bóng yên vui/ Nơi nghĩ đến lòng ta yên tĩnh nhất/ Nhưng nghĩ đến Người lòng tôi rách nát/ Xin Người đừng trách giận, Việt Nam ơi (Việt Nam ơi).Ở đây, chúng ta chợt bắt gặp cơn “đau nặng” của một đất nước nhỏ và “điêu tàn” trong nhạc phản chiến của Trịnh Công Sơn ở miền Nam:Ôi gian nan đời nước nhỏ. Sao đau thương nhiều lắm thế. Quê hương bây giờ những ngày điêu tàn còn đó.Cùng ghi nhớ. Những phố phường kia đã lên mộ bia. Dân ta chết trong ngẩn ngơ (Quê hương đau nặng)([2]).
Gương mặt chiến tranh trong thơ Lưu Quang Vũ vì thế cũng tang thương, “hoảng hốt”, “tê dại” đến “kinh hoàng” với “đường tàu”, “những bàn ghế, những lá thư, những cánh tay người”“gãy nát”, “mùi thịt cháy” trộn lẫn với “khói bom cay”:Lửa cháy đỏ trời bốn phía ngoại ô/ Tro lả tả xuống mặt gầy hoảng hốt/ Bom ném lên cao những đường tàu gẫy nát/ Những bàn ghế những lá thư những cánh tay người/ Mùi thịt cháy rợn mình mùi khói cay/ Ta đứng lặng trong tiếng gầm báo động/ Dưới vầng trăng tê dại nỗi kinh hoàng/ Bom xé trời, mặt đất chao nghiêng/ Vụt mở hoác những vực sâu khủng khiếp (Ghi vội một đêm 1972).Có thể nói, rất khó tìm trong thơ chống Mỹ thời ấy, những câu thơ vẽ nên nỗi thảm khốc, tàn bạo của chiến tranh một cách trần trụi như đoạn thơ trên của Lưu Quang Vũ. Và tất nhiên, dưới bom thù, người già, trẻ con bị giết hàng đêm:B52 suốt đêm gầm rít/ Bom giết cụ già và trẻ nhỏ suốt đêm(Ghi vội một đêm 1972).Lại hiện về trong ta những lời hát trong Đại bác ru đêmcủa Trịnh Công Sơn:Hàng vạn tấn bom trút xuống đầu làng. Hàng vạn tấn bom trút xuống ruộng đồng… từng vùng thịt xương có mẹ có em (Đại bác ru đêm).Vâng! Hai trận bom ném ở hai đầu đất nước (Ở miền Bắc của Lưu Quang Vũ chính là bom Mỹ năm 1972, còn ở các thành phố miền Nam của Trịnh Công Sơn thì không biết bom của ai?), nhưng nỗi đau thì vẫn chung, đối tượng hứng bom vẫn là chỉ một: đất nước; người già, phụ nữ, trẻ em Việt Nam.
Miêu tả chiến tranh, trong thơ Lưu Quang Vũ còn có những trận chiến diễn ra “bên những ngọn đồi”, “bên kia núi đá”, “những thương binh giập nát”, thắng thua “vật vã”, lộn xộn không đầu không cuối “chập chờn sau khói đen”:Mặt trận ầm ĩ bên kia núi đá/ Người ta khiêng về/ Những thương binh giập nát/…/Giữa vật vã thương vong và thắng trận/ Chập chờn sau khói đen/ Những hình ảnh không đầu không cuối (Em (I)).
Để lột tả sự bạo tàn, hủy diệt của chiến tranh, Lưu Quang Vũ đã dùng ngòi bút tả thực với những cái chết kinh hoàng với nhiều tư thế chết và cách chết khác nhau: những người chết trong đêm thân gãy nát/ óc chảy ròng trên gạch/ những người chết cháy đen/ miệng há mắt mở trừng/ những xác vùi đẫm máu dưới cầu thang/ tay chân vặn vẹo thịt xương/ lòng ruột mắc trên dây điện/ phố Khâm Thiên ầm ầm đổ sụp/ tiếng người la khủng khiếp xé đêm dài (Khâm Thiên).Và đây là những “xác người”:xác người nằm ngổn ngang/ báo đậy mặt, ruồi đậu bàn chân xám/ bé ngẩng đầu ngơ ngác/ bên xác anh xác chị xác mẹ cha (Khâm Thiên).Đọc những dòng thơ này không thể không liên tưởng đến nhạc Trịnh Công Sơn. Có cảm giác, sự cảm nhận về những cái chết, xác chết trong chiến tranh của hai người nghệ sĩ này có những điểm trùng hợp khá đặc biệt:Xác người nằm quanh đây, trong mưa lạnh này. Bên xác người già yếu, có xác còn thơ ngây. Xác nào là em tôi, dưới hố hầm này. Trong những vùng lửa cháy, bên những vồng ngô khoai (Bài ca dành cho những xác người).Bên cạnh Bài ca dành cho những xác người trên đây, Trịnh Công Sơn còn có bài Hát trên những xác người khá nổi tiếng:Chiều đi lên đồi cao, hát trên những xác người. Tôi đã thấy, tôi đã thấy, trên con đường, người cha già ôm con lạnh giá. Chiều đi lên đồi cao, hát trên những xác người. Tôi đã thấy, tôi đã thấy, bên khu vườn, một người mẹ ôm xác đứa con.Chiều đi qua Bãi Dâu, hát trên những xác người. Tôi đã thấy, tôi đã thấy, những hố hầm đã chôn vùi thân xác anh em (Hát trên những xác người).
Không những thế, ta lại bắt gặp khá nhiều sự trùng hợp trong cách phản ánh về những cái chết trong chiến tranh giữa Trịnh Công Sơn và Lưu Quang Vũ bằng bút pháp tả thực. Nếu trong bài thơ Khâm Thiên, Lưu Quang Vũ viết:mặt trời lên trên bãi thây người/ mặt dập vỡ ngực trần thủng hoác/ những đống tóc gân đầu mình lẫn lộn/ những xác tím bầm lạnh buốt sương đêm (Khâm Thiên) thì trong bài Một buổi sáng mùa xuân, Trịnh Công Sơn cũng đã miêu tả rất cụ thể cái chết của một em bé:Một buổi sáng mùa xuân. Một đứa bé ra đồng. Đạp trái mìn nổ chậm. Xác không còn đôi chân. Một buổi sáng mùa xuân. Ngực đứa bé tan tành. Ngàn hoa đồng cỏ nội. Cúi xuống nhìn con tim (Buổi sáng mùa xuân).
Ở miền Bắc, Lưu Quang Vũ viết: Bạch Mai Yên Viên Vọng Láng An Dương/ phố đầy khăn tang/ đêm không đèn tối mịt/ chúng tôi ngồi bên nhau chờ cái chết/ người các ô lên nằm ngủ vườn hoa (Khâm Thiên).Ở miền Nam, Trịnh Công Sơn hát:Từng mái gia đình, nay chỉ thấy khăn tang đi về. Đêm đêm là lo sợ (Lời ru đêm) vàGhế đá công viên dời ra đường phố. Người già co ro chiều thiu thiu ngủ. Người già co ro buồn nghe tiếng nổ. Em bé lõa lồ khóc tuổi thơ đi (Người già em bé).Cảnh chạy giặc ở miền Bắc, Lưu Quang Vũ viết:gió cuối mùa xót xa/ thổi xõa tóc đoàn người chạy giặc/ những dòng người kéo đi xé ruột/ đội chiếu, ôm chăn, đeo làn, vác bọc/ chút gia tài nghèo cực địu trên lưng/ bao gia đinh dắt díu chị bồng em/ những quần áo khói bom lấm rách (Khâm Thiên).Cảnh chạy giặc ở miền Nam, Trịnh Công Sơn hát:Chiều đi lên đồi cao, hát trên những xác người. Tôi đã thấy, tôi đã thấy, trên con đường, người ta bồng bế nhau chạy trốn (Hát trên những xác người).Và cảnh mẹ già tản cư, gia tài không còn gì, chỉ mang theo trái bí sau vườn chạy để làm hành trang trong cơnloạn lạc:Bí nằm bí ngủ đường xa. Trên vai mẹ già. Bao nhiêu vốn liếng. Nhớ tới một đời đã xới vun. Hôm nay bỏ vườn với xóm thôn(Bà mẹ Ô Lý).
Đã một thời, chúng ta gay gắt phê phán quan điểm và việc khai thác phần u tối của Trịnh Công Sơn về cuộc kháng chiến chống Mỹ. Nhưng dù sao, Trịnh Công Sơn chỉ là một người trí thức yêu nước, nhạc của anh không đặt trên quan điểm của ý thức hệ. Điều lạ lùng không hề có trong thơ ca miền Bắc viết về cuộc chiến tranh này, chính Lưu Quang Vũ, dù biết rằng đây là cuộc “chiến tranh phá hoại” của đế quốc Mỹ ở miền Bắc, nhưng xét trong phạm vi dân tộc, cũng sẻ chia những quan điểm và cái nhìn tương tự:Biết nói gì nữa em, cô gái hoang/ Của hải cảng tối/ Của tấm chăn nghèo thời chiến tranh phá hoại/ Của nỗi buồn nội chiến? (Chiều cuối).Chúng ta không biết, lúc này, Lưu Quang Vũ đã nghe bài hát Gia tài của mẹ của Trịnh Công Sơn hay chưa, nhưng sự gặp gỡ này rõ ràng là một sự hiếm lạ trong thơ ca kháng chiến chống Mỹ ở miền Bắc thời ấy:Một ngàn năm nô lệ giặc Tàu, một trăm năm đô hộ giặc Tây, hai mươi năm nội chiến từng ngày (Gia tài của mẹ).
2. Thân phận con người
Nhà văn Bửu Ý - một người bạn cùng thời với Trịnh Công Sơn đã từng viết: “từ lâu lắm Trịnh Công Sơn đã được giới ái mộ trao tặng danh hiệu là kẻ du ca về tình yêu, quê hương và thân phận”([3]). Đó là thân phận của một trí thức miền Nam yêu nước, căm ghét chiến tranh, cũng là thân phận của cả một thế hệ thanh niên miền Nam lúc bấy giờ. Trong thơ ca cách mạng, đặc biệt là nền thơ hiện thực xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc, con người Việt Nam, đặc biệt là những chiến sĩ Giải phóng quân được xây dựng thành nhân vật điển hình của chủ nghĩa anh hùng cách mạng, khó có thể tìm ra tiếng nói của thân phận con người. Nhưng Lưu Quang Vũ, bên cạnh con người Việt Nam anh hùng, anh còn suy nghĩ rất sâu về thân phận nhỏ bé của con người trước chiến tranh hủy diệt. Khi trong đêm tối chiến tranh ở miền Nam, Trịnh Công Sơn ước mơ:Khi đất nước tôi không còn giết nhau, trẻ con đi hát đồng dao ngoài đường (Tôi sẽ đi thăm) thì ở miền Bắc, Lưu Quang Vũ cũng hướng về những lời đồng dao một thời “yên ấm”: “Hoa lá quên giờ tàn/ Mây trắng bay tìm đàn”/ Ngày xưa yên ấm quá/ Trẻ hát đồng dao trên phố (Đêm đông chí, uống rượu với bác Lâm và bác Khánh, nói về những cuộc chia tay thời loạn). Khi ở miền Nam, Trịnh Công Sơn hát:Chúa đã bỏ loài người, Phật đã bỏ loài người, này em có nhớ cuộc đời. Này em có biết loài người(Này em có nhớ) thì ở miền Bắc, Lưu Quang Vũ viết:Không phải nến thắp trên quan tài/ Kẻ giết người ngủ yên trên giường đệm/ Không phải nến bàn thờ/ Mọi thần thánh đã trơ gỗ mọt (Những ngọn nến-1972).
Chiến tranh đến, theo Lưu Quang vũ, Chúa cũng bị hủy diệt cùng kiếp con người nên chẳng còn ai cứu rỗi:Chúa của tôi ngồi ở bên đường/ Ngủ gục trên nắp hầm trú ẩn/ Chúa của tôi bom thiêu cháy xém/ Chúa của tôi hát xẩm trên tàu điện/ Chúa của tôi bới gạch vụn tìm con/ Chúa của tôi đêm nay lang thang/ Không cửa không nhà vật vờ đói rét/ Tôi lớn lên giữa thời bạo ngược/ Biết trông đợi gì biết tin tưởng vào đâu (Cầu nguyện).Lưu Quang Vũ từng khẳng định “nhân dân là lẽ sống của đời tôi”. Trong cuộc chiến tranh này, Chúa đã bất lực, cũng đã bị chiến tranh hủy diệt như thân phận nhỏ nhoi của kiếp con người. Và vì vậy, niềm tin cũng mai một. Từ nửa thế kỷ XIX, bàn về thân phận con người, nhà triết học Friedrich Wilhelm Nietzsche (1844-1900) đã từng tuyên bố: Chúa đã chết! Do đó, con người phải tự gánh lấy xác và hồn của mình giữa cuộc trần ai. Dường như cả Lưu và Trịnh đều đã đọc Nietzsche và cùng cảm nhận sâu sắc về thân phận con người với tất cả sự nhỏ nhoi và bất lực trước cuộc chiến hung tàn:Lại sắp hết một năm/ Đất nước chưa xong giặc/ Bao nhiêu người chết/ Tiếng súng đóng đinh trên ngực cuộc đời (Lại sắp hết năm rồi- Lưu Quang Vũ).Về hình tượng người lính trong chiến tranh, Lưu Quang Vũ cũng từng ca ngợi:Máu ướt đẫm bàn tay khi tôi nâng xác bạn/ Anh ấy chết cho Hà Nội của tôi/ Cho mỗi ngôi nhà, cho mỗi niềm vui (Viết lại một bài thơ Hà Nội).Nhưng cũng chính anh, trong những phút giây bất lực trước sự tàn phá, cắt chia, hủy diệt của chiến tranh, đã bộc lộ cái cô đơn, “vui buồn nín lặng” của thân phận người lính nói riêng và cả thế hệ trẻ lúc bấy giờ nói chung:Chúng ta ra đi chiến tranh mùa đông/ Ta kịp biết gì đâu/ Vừa hết trẻ con đã là người lính/ Cô bạn gái cánh tay trần rám nắng/ Ngực phập phồng thở mạnh đến lo âu/ Đừng nói với ta những lời hào nhoáng về chiến tranh/ Tuổi trẻ ta đã qua bạn bè ta đã chết/ Ta đã vượt bao đèo cao chót vót/ Bao điều nhà trường chẳng dạy cho ta/ Nghĩ lại giễu cười những giấc mộng tuổi thơ/ Giờ trong ta vui buồn đều nín lặng/ Một thế hệ cứng đi như thỏi sắt/ Nhưng xoáy ngầm vẫn cuộn ở lòng sông (Những bông hoa không chết).Kể cả người lính từ chiến trận trở về cũng được anh lột tả về thân phận hơn là về tư thế hào hùng như ta thường thấy:Người con giai đi tìm em mười năm/ Hắn từ mặt trận trở về/ Từ quán rượu từ phố đông huyên náo/ Từ những câu thơ tuyệt vọng trở về/ Bị lừa dối, bị lăng nhục/ Rách rưởi, bơ phờ, cô độc/ Hắn ngồi trước mặt em (Người con giai đến phòng em chiều thu).Với Lưu Quang Vũ thì đó là người chiến sĩ mang chính bóng dáng cuộc đời anh, còn với Trịnh Công Sơn thì người lính này dường như để chỉ tuổi trẻ Việt Nam ở cả hai phía. Thế nhưng tâm trạng của Lưu và Trịnh vẫn cùng ngùi thương cho thân phận tuổi trẻ trong mối quan hệ với chiến tranh:Anh lính ngồi chờ trên đồi hoang vu. Người tù ngồi chờ bóng tối mịt mù. Chờ đã bao đêm (Chờ nhìn quê hương sáng chói- Trịnh Công Sơn) và Ngày mai đây con sẽ vềdù thân xác thiệt thòi (Hãy cố chờ- Trịnh Công Sơn).
Ở miền Nam, Trịnh đã thật sự rơi vào cô đơn và bế tắc,muốn rời bỏ thế nhân:Xin cho tôi yên ngủ một ngày. Xin cho đêm không có đạn bay. Xin cho chim góp nhạc về trời. Xin cho tôi là kiếp của mây.Xin cho tôi ra khỏi cuộc đời. Để bao giờ trời đất yên vui. Xin cho tôi xin lại cuộc đời (Xin cho tôi) thì ở miền Bắc, chính Lưu Quang Vũ đã tự nhận mình:Tôi là đứa con cô đơn ngay khi ngồi cạnh mẹ/ Thằng bé lẻ loi giữa lớp học ồn ào/ Bàn chân hồ nghi giữa đường phố xôn xao/ Giữa sự thông minh của đông vui bè bạn/ Vứt sách xuống gầm bàn đi ra mặt trận/ Tôi là người lính cô đơn ở giữa trung đoàn/ Bao lâu rồi vẫn chỉ có thế thôi/ Nỗi cô đơn hoàn toàn cô đơn khủng khiếp/ Trước và sau trong và ngoài cuộc đời và trang sách/ Những người lính ngồi hút thuốc/ Mũ sắt mưa rào/ Những người lính mặt đen má hóp/ Hát gì nghêu ngao (Em (I)).Trong gia đình, Lưu Quang Vũ là một “đứa con cô đơn”, giữa lớp học là “thằng bé lẻ loi”, ra mặt trận lại là “người lính cô đơn”. Cả tuổi trẻ của Lưu là “nỗi cô đơn hoàn toàn cô đơn khủng khiếp”. Cái tư thế “người lính ngồi hút thuốc” với hình hài “mặt đen má hóp” miệng “hát nghêu ngao” hoàn thoàn khác với tư thế người chiến sĩ Giải phóng quân “xuôi ngược tung hoành, bước dài như sóng lay thành chuyển non” (Tố Hữu)trong thơ cùng thời. Thân phận người lính gắn liền với những thân phận nhỏ nhoi của những người thân trước sự sống chết của đạn bom, chia cắt:ta cùng uống ấm chè trong ca sắt/ rồi vội vã lên đường/ đứa Nam Bộ Tây Nguyên/ đứa ngã xuống ở Đông Hà Đường Chín/ đứa nheo nhóc vợ con, đứa già nua trước tuổi/ có gương mặt đã thành tro bụi/ đã cứng khô như mảnh tôn gầy (Tuổi thơ). Với những “gương mặt đã thành tro bụi” của người lính chết trận “cứng khô như mảnh tôn gầy”, rõ ràng Lưu Quang Vũ đã gợi những thân phận người chết trong chiến trận, chứ hoàn toàn không đơn giản chỉ là sự hi sinh cao cả của người chiến sĩ. Cũng trong cảm thức như vậy, Trịnh Công Sơn đã hát cho những người lính chết ở cả hai miền:Tôi có người yêu chết trận Asao. Tôi có người yêu nằm chết cong queo. Chết vào lòng đèo, chết cạnh gầm cầu. Chết nghẹn ngào mình không manh áo.Tôi có người yêu chết trận Ba Gia. Tôi có người yêu vừa chết đêm qua. Chết thật tình cờ, chết chẳng hẹn hò. Không hận thù nằm chết như mơ (Tình ca người mất trí).Và đọc những câu thơ dưới đây, lại càng gợi cho ta cảm giác, Lưu Quang Vũ đang nói chung về thân phận tuổi trẻ và quê hương ở cả hai miền đất nước:Những năm nhà nào cũng thiếu người/ làng mạc ruộng vườn vắng bặt con trai/ chúng tôi đi/ cơn bão dữ thổi hai đầu đất nước/ tuổi trẻ, ước mong, những gì quý nhất/ đều trôi qua trong bụi xám chiến hào (Cơn bão).Tất cả đều cùng một số phận “nhà nào cũng thiếu người”, “làng mạc ruộng vườn vắng bặt con trai” giữa “cơn bão dữ thổi hai đầu đất nước” cùng đánh mất tuổi thanh xuân trong “bụi xám chiến hào”. Đọc đến đây, lại nhắc nhớ những lời ca phản chiến như kinh nhật tụng phổ biến ở miền Nam thời ấy. Đó là những bà mẹ nguyện cầu hàng đêm cho con mình ra trận được bình an, vượt qua hoạn nạn:Mẹ ngồi nguyện cầu hằng bao đêm. Lời kinh vọng xa thật êm đềm. Mẹ cầu cho con. Vượt qua ngày tròn. Mẹ cầu cho em tuổi trẻ xanh còn nguyên đừng biến mất (Kinh khổ- Trầm Tử Thiêng), và: Đêm mẹ ngồi cầu kinh. Tường trắng im lìm…Ngày tháng ưu phiền. Tóc mẹ trắng như bông. Đêm chờ bom rung từng liếp cửa (Lời ru đêm - Trịnh Công Sơn).
Những năm chiến tranh ấy, trong thơ ca miền Nam xuất hiện rất nhiều thân phận của những “người điên”. Điên thật bởi thời cuộc và vì tâm trạng bế tắc trước cuộc chiến tranh, tao loạn có; điên giả để khỏi ra chiến trường cũng có. Đó là bản trường ca dài Ngụ ngôn của người đãng trí của một thủ lĩnh phong trào đấu tranh sinh viên - nhà thơ, liệt sĩ Ngô Kha. Đó là Trịnh Công Sơn với bài hát Tình ca của người mất trí, và:Một người già trong công viên. Một người điên trong thành phố. Một người nằm không hơi thở. Một người ngồi nghe bom nổ (Ngày dài trên quê hương).Và có cả những “người điên” trong cơn “vô thức tập thể” bế tắc và sự mâu thuẫn giữa cảnh chết chóc hàng ngày với khát vọng bình yên:Mẹ vỗ tay reo mừng xác con. Mẹ vỗ tay hoan hô hòa bình. Người vỗ tay cho thêm nhịp nhàng. Người vỗ tay cho đều gian nan (Hát trên những xác người).Và lạ thay, trong thơ Lưu Quang Vũ thời bấy giờ, ở miền Bắc, cũng xuất hiện rất nhiều những người điên có dáng dấp và hành vi“bí hiểm” như thế:Như anh điên trước quán tóc bù xù/ Cứ mỉn cười bí hiểm dõi nhìn ta/…/ Chỉ anh điên vẫn đứng sững ngoài đường/ Thân tiều tụy ôm mặt cười lặng lẽ (Quán cà phê ngoại ô). Không chỉ có một lần, tôi thử thống kê sơ bộ trong tập Gió và tình yêu thổi trên đất nước tôi, đã có tới 18lầncó sự xuất hiện của những “người điên” cả nam và nữ, cả già và trẻ, mà hầu hết là những người điên vì thời cuộc. Đây cũng là một hiện tượng lạ trong thơ thời ấy.
Trong kháng chiến chống Mỹ, Việt Nam đã trở thành biểu tượng của chủ nghĩa anh hùng, trở thành “lương tri của nhân loại”. Điều này ta bắt gặp nhiều trong dòng chủ lưu của thơ ca chống Mỹ. Lưu Quang Vũ bên cạnh ca ngợi chủ nghĩa anh hùng và truyền thống vẻ vang của dân tộc, đứng trước cuộc chiến, anh còn cảm nhận được thân phận “người Việt da vàng” nhỏ nhoi trước sự uy hiếp chiến tranh của các nước lớn. Có lẽ, trong thơ ca chống Mỹ ở miền Bắc lúc bấy giờ, quan niệm “Người Việt đói nghèo, cơ cực” và cụm từ “người Việt da vàng” chỉ có Lưu Quang Vũ sử dụng. Sử dụng không phải một lần mà còn lặp đi lặp lại:Người Việt đói nghèo thân cơ cực/ Đất hẹp trụi trần vạn khổ đau/ Tối đen thành phố đêm lưu lạc/ Máy bay giặc rít ở trên đầu/ Ba đứa da vàng ngồi uống rượu/ Mặt buồn như sỏi dưới hang sâu (Đêm đông chí, uống rượu với bác Lâm và bác Khánh, nói về những cuộc chia tay thời loạn). Đó còn là một “dân tộc bốn ngàn năm đói rách”, người Việt “đói khát vật vờ đi” cùng với “cái nỗi buồn bị đọa đày lăng nhục”:Dân tộc tôi bốn ngàn năm đói rách/ Những người chết đặc trong lòng đất/ Những mặt vàng sốt rét/ Những bộ xương đói khát vật vờ đi/…/Cái nỗi buồn dân tộc/ Cái nỗi buồn bị đọa đày lăng nhục/ Của người quét đường, xẩm chợ, đò ngang (Đất nước đàn bầu). Trong khi đó, trong thơ ca miền Nam thời ấy thì những khái niệm, những cụm từ này được sử dụng rất phổ biến, đặc biệt là nhạc phản chiến của Trịnh Công Sơn. Đó là bài ca Người nô lệ da vàng nổi tiếng:Người nô lệ da vàng. Ngủ quên, ngủ quên trong căn nhà nhỏ. Ðèn thắp thì mờ. Ngủ quên, quên nước quên non. Ngủ quên, quên đã bao năm (Người nô lệ da vàng), và:Một ngục tù nuôi da vàng. Người Việt nằm nhớ nước non (Ngày dài trên quê hương).Đó còn là “gia tài để lại” cho con của người Mẹ Việt Nam:một nước Việt buồn… Mẹ mong con chớ quên màu da. Ôi chớ quên màu da. Nước Việt xưa.Mẹ mong con lũ con đường xa. Ôi lũ con cùng cha. Quên hận thù. (Gia tài của mẹ).
Và cái “màu vàng trên da thơ”, “sắc vàng như hoa mặt” của màu da Việt đã được Trịnh Công Sơn và Lưu Quang Vũ nâng lên thành biểu tượng cho một dân tộc khổ nghèo:Mẹ Việt nằm hai mươi năm, xương da mềm, đợi giờ sông núi thiêng. Một màu vàng trên da thơm, nên giữ gìn màu lúa chín quê hương (Ngày dài trên quê hương- Trịnh Công Sơn), và:Sắc hoa vàng như hoa mặt chúng ta/ Một chủng tộc đói nghèo bên biển cả (Những đêm hoa vàng - Lưu Quang Vũ).Và với quan điểm phản chiến phi giai cấp của Trịnh thì đàn con Việt là con chung của cả hai miền:Đứa con của mẹ da vàng. Ru con ru đạn nhuộm hồng vết thương. Hai mươi năm đàn con đi lính. Đi rồi không về, đứa con da vàng của mẹ(Ngủ đi con); hay:Đại bác đêm đêm ru da thịt vàng, đại bác như kinh không mang lời nguyện, trẻ thơ chưa lớn để thấy quê hương (Đại bác ru đêm), và: Người con gái Việt Nam da vàng (Người con gái Việt Nam)...Đứng về phương diện cá nhân, ngay những năm tháng miền Nam điêu tàn ấy, Trịnh Công Sơn đã tự nhận mình “đứa con da vàng Lạc Hồng” thì ngay giữa ngày tháng hào hùng ở miền Bắc, Lưu Quang Vũ cũng tự nhận mình là “gã làm thơ da vàng” đầy thân phận:Có một gã làm thơ da vàng/ Không đêm nào ngủ được (Liên tưởng tháng hai).Điều khác nhau giữa Lưu và Trịnh là, khi ởđô thị miền Nam, Trịnh đã nhận thấy những người con da vàng rời thành phố đi về đồi hoang như một tín hiệu cách mạng lặp đi lặp lại: Người nô lệ da vàng bước đi, bước đi, đi về đồi hoang. Người nô lệ da vàng bước đi, bước đi, đi về đồi hoang (Người nô lệ da vàng)thì ở miền Bắc, Lưu Quang Vũ cũng đã nhận thấy dáng hình “bất khuất” của những người Việt da vàng trong cuộc kháng chiến không cân sức ấy:Người nô lệ da vàng bất khuất/ Vươn giữa trời thơm ngát tấm lòng son (Đất nước đàn bầu).
Tóm lại, nếu trong thơ kháng chiến chống Mỹ của dòng văn học cách mạng, xuất hiện rất nhiều những hiện thực vĩ đại và hào hùng cùng những nhân vật điển hình của chủ nghĩa anh hùng cách mạng, thì riêng trong thơ Lưu Quang Vũ lại có một mạch ngầm riêng trong cách phản ánh về chiến tranh và thân phận con người. Điều này, bây giờ, bình tĩnh nhìn lại, ta nhận ra được “tầm thơ” riêng vô cùng độc đáo của Lưu Quang Vũ.
3. Vĩ thanh
Khi tôi hoàn thành bài viết này thì PGS.TS Lưu Khánh Thơ - người em gái của Lưu Quang Vũ gửi tặng cuốn Di cảo Lưu Quang Vũ vừa mới phát hành. Rất tiếc, Di cảo chỉ mới công bố Nhật ký của anh trong 3 năm (từ 1963 đến 1965) nên chưa thể biết những năm sau đó, Lưu Quang Vũ có nói gì về sự tiếp nhận nhạc Trịnh hay không. Nhưng may quá, sau phần nhật ký, Di cảo đã công bố tập thơ Những bông hoa không chết, trong đó có bài Những gương mặt. Bài thơ này, dưới nhan đề, Lưu Quang Vũ ghi: “Tặng một người bạn Huế”. Tất nhiên, thời điểm viết bài thơ, Lưu không thể ghi tặng trực tiếp cho Trịnh. Nhưng rõ ràng qua nội dung bài thơ, người đọc hiểu ngay là Trịnh, bởi ở đó, ngoài việc miêu tả hành tung của “người bạn” ấy, Lưu Quang Vũ còn trích lời hai đoạn nhạc phản chiến của Trịnh là Tình ca người mất trí và một bài khác [mà tôi chưa tìm được tên bài]. Xin thử đọc một đoạn, sẽ nhận ra ngay điều này:anh thành kẻ cô đơn trong tổ quốc của mình/ kẻ tha thương ngay ở giữa quê hương/ đêm đêm quân cảnh vây lùng/ gác xép tối tăm ẩn núp/…/điệu blue nức nở/ "tôi có người yêu chết trận Plâyme/ tôi có người yêu, ở chiến khu Đ/ chết trận Đồng Xoài.../chết không hẹn hò"/…/ thành phố gặp nhau những buổi xuống đường/ đốt lửa lên chiếu soi bè bạn/ đốt lửa lên nhìn rõ mặt quân thù/ lựu đạn cay, ma-trắc, lưỡi lê/ Viện hoá đạo, Tổng nha, Toà đại sứ/ máu Lê Văn Ngọc, lửa Nhất Chi Mai/ máu thiêng liêng liên kết triệu con người/ Trần Quang Long, Tống Phước Thọ, Lê Văn Nuôi/ những người đã khuất/ còn lung linh trong tiếng hát dập dồn/ "không bao giờ nô lệ trăm năm/ không bao giờ nô lệ một năm/ không bao giờ nô lệ một ngày" (Những gương mặt).
Như vậy, có thể kết luận, khi làm bài thơ này ở miền Bắc cũng như những bài thơ khác, Lưu Quang Vũ, qua báo đài đã nghe và nắm rất rõ về phong trào đấu tranh của học sinh, sinh viên ở miền Nam và bằng cách nào đó đã nghe rất nhiều nhạc phản chiến của Trịnh Công Sơn (điều mà phần trên bài viết này, tôi còn nghi vấn), cũng tương tự như trí thức, sinh viên miền Nam đã từng nghe và hát nhạc đỏ của miền Bắc giữa lòng đô thị miền Nam. Có lẽ chính sự tìm hiểu về ý nghĩa của phong trào đấu tranh này đã đưa Lưu đến với nhạc phản chiến của Trịnh, từ đó nẩy sinh trong Lưu Quang Vũ sự “tìm gặp nhau” để “đặt lại những câu hỏi về cuộc chiến tranh này”của tuổi trẻ hai miền: Cô đào nổi loạn Giên Phôn-đô/ trên đê Hải Dương vung nắm tay họp báo/ người ta giết sinh viên Nguyễn Thái Bình/ bằng năm viên đạn/ tuổi trẻ chúng tôi tìm gặp nhau/ đặt lại những câu hỏi/ về cuộc chiến tranh này/ về mọi giá trị trên đời/ nguồn gốc những nguyên nhân/ của chém giết và thù hằn/ bất công và đói rét (Hồ sơ mùa hạ 1972).Câu hỏi đặt ra đó là: Tuổi trẻ hai miền “cần phải làm gì để có lý do mà hy vọng?”:cần phải làm gì/ Hải Phòng Thanh Hóa Nam Định/ những thành phố bị hủy diệt/ những vụ thảm sát khổng lồ/ những thành phố điên/ Huế Đà Nẵng Sài Gòn/ Quảng Trị An Lộc Đường 13/ cần phải làm gì (Hồ sơ mùa hạ 1972). Trong khi đó, ở miền Nam, những đoàn sinh viên biểu tình đang hát vang những lời nhạc Trịnh: Chính chúng ta phải nói hòa bình. Khi đất này địa ngục dựng lên. Chính chúng ta giành lấy mọi quyền. Quyết chối từ chém giết anh em.Em đã thấy các anh lên đường. Những tay trần làm cơn bão lớn. Cùng đứng bên nhau. Triệu bước nôn nao. Biểu ngữ giăng cao. Ta hãy nói hãy kêu tung trời. Ta phải đến khắp nơi ta đòi. Ruộng cần bàn tay. Nhà cần người xây. Vũ khí xếp lại (Chính chúng ta phải nói).
Sự gặp gỡ giữa thơ Lưu Quang Vũ lúc này và nhạc phản chiến Trịnh Công Sơn, theo tôi, có lẽ bắt nguồn từ đó.Trịnh Công Sơn sinh năm 1939, Lưu Quang Vũ sinh năm 1948, cách nhau gần 10 tuổi. Giai đoạn Trịnh sáng tác mạnh mẽ dòng nhạc phản chiến để cổ vũ cho phong trào đấu tranh của học sinh, sinh viên miền Nam cũng là giai đoạn cuộc chiến diễn ra ngày càng khốc liệt (khoảng từ 1968 đến 1972). Đây cũng là giai đoạn Lưu Quang Vũ làm những bài thơ bày tỏ những “góc khuất”, “góc tối”, nỗi cô đơn trong lòng mình - những bài thơ không phải viết để in (vì không thể in) vào lúc đó. Nhưng anh phải viết ra bởi sứ mệnh của thơ ca, thiên năng của một thi sĩ. Khi đọc những bài thơ của giai đoạn sáng tác này của anh (tập thơ Cuốn sách xếp lầm trang), Vũ Quần Phương đã thảng thốt kêu lên: “Tôi đọc và sửng sốt, đây là một Lưu Quang vũ khác, một Lưu Quang Vũ bạn bè còn ít biết tới. Ở đây anh cô đơn hơn, cay đắng hơn và nhiều ý nghĩ của anh bế tắc quá. Nhưng cũng chính ở đây anh viết thực chân thành, trái tim trần trụi nhoi nhóp đập sau nét chữ mảnh mai như chữ con gái - chưa bao giờ tôi thấy Lưu Quang Vũ chân thành đến tàn nhẫn với chính mình như ở tập này”([4]). Đây là nỗi cô đơn rất Lưu Quang Vũ:Thời đau khổ chung quanh đều đổ nát/ Nỗi cô độc đen ngòm như miệng vực (Lá thu).Và cách nhìn nhận chiến tranh theo cảm nhận của riêng anh:Cuộc chiến tranh tàn ác/ Xô tháng ngày vỡ nát nối nhau trôi/ Điều anh tin không có ở trên đời/ Điều anh có không giúp gì ai được/ Gương mặt em chỉ còn là kỉ niệm/ Mối tình xưa anh cũng đã quên rồi (Quán cà phê ngoại ô),và: Trong buổi chiều phiêu bạt/ Những chiếc xe bò đi vào thành phố(Chiều cuối).Đọc hai câu thơ này của Lưu khiến ta nhớ lời bài ca Du mục của Trịnh:Đàn bò vào thành phố. Đêm buồn vắng buồn hơn. Đàn bò vào thành phố. Không còn ai hỏi thăm. Đàn bò tìm dòng sông. Nhưng dòng nước cạn khô (Du mục)(5).
Sống ở hai miền trong thời đất nước cắt chia và chiến tranh ác liệt, ý thức hệ của hai người thanh niên hai đầu chiến tuyến cũng đối lập nhau. Nhưng có lẽ cùng nuôi trong tim một tình yêu nước đến xót xa, cùng một thái độ phản đối và căm ghét chiến tranh hủy diệt đối với “người Việt da vàng”, đau đớn khôn nguôi trước những cái chết của tuổi trẻ hai miền và khát vọng hòa bình, cộng với phẩm chất bao dung, tính nhân bản của những tâm hồn người nghệ sĩ lớn đã dẫn Trịnh Công Sơn và Lưu Quang Vũ đến những gặp gỡ rất thú vị này. Trịnh được xem là người giữ vị trí số một trong dòng nhạc phản chiến ở miền Nam và Lưu cũng được xem như hiện tượng số một trong nền thơ hiện thực xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc lúc bấy giờ.
NGUỒN: Tạp chí Nghiên cứu văn học số tháng 8/2018
CHÚ THÍCH:
([1]) Hầu hết thơ Lưu Quang Vũ sử dụng trong bài được trích từ Lưu Quang Vũ: Gió và tình yêu thổi trên đất nước tôi (tuyển thơ), Nhã Nam & Nxb. Hội Nhà văn, H., 2010; và một vài đoạn trích bổ sung trong Lưu Quang Vũ Di cảo”. Nxb Trẻ, Tp.HCM., 2018.
([2]) Nhạc Trịnh Công Sơn được trích dẫn trong bài qua trí nhớ tác giả, có kiểm định qua băng, đĩa, các trang mạng (vì hầu hết những bản nhạc trong dòng nhạc phản chiến của Trịnh chưa được in thành tập).
([4])Vũ Quần Phương: Lưu Quang Vũ, hồn thơ đăm đuốiin trong Lưu Quang Vũ: Gió và tình yêu thổi trên đất nước tôi, Sđd., tr.356.
(5) Tham khảo: Ban Mai: Trịnh Công Sơn – vết chân dã tràng. Nxb. Lao động – Trung tâm Văn hóa ngôn ngữ Đông Tây, H., 2008, 484 trang.