1- Nguyễn Công Trứ (1778 - 1858) quê làng Uy Viễn, nay là xã Xuân Giang huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh.Đường khoa cử khá lận đận năm 1820 khi đã 42 tuổi, ông mới đỗ Giải nguyên ra làm quan dưới các triều Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức, đến chức phủ doãn Thừa Thiên thì nghỉ hưu.. Trong 28 năm quan trường, bị giáng chức 5 lần. Vốn là quan văn vâng mệnh vua, nhiều lần ông đã cầm quân đi đánh dẹp một số cuộc khởi nghĩa của nông dân lập công lớn, khi đã vào tuổi tám mươi, nghe tin Pháp tấn công Đà Nẵng, ông vẫn xin nhà vua cho đi đánh giặc...Đặc biệt vào những năm cuối thập niên 1820, ông có sáng kiến chiêu mộ dân nghèo, đắp đê lấn biển, lập ấp, khai sinh các huyện Kim Sơn, Tiền Hải (thuộc hai tỉnh Thái Bình, Ninh Bình ngày nay), đề xuất lập nhà học, xã thương ở nông thôn nhằm nâng cao dân trí và lưu thông hàng hóa. Những hoạt động của ông trong lĩnh vực khẩn hoang được nhân dân các vùng ghi nhớ, hiện còn rất nhiều từ đường thờ cúng ông ở hai huyện nói trên .
Xét về hành trạng , ngay từ thuở còn hàn vi ông đã nuôi lý tưởng giúp đời, lập công danh, sự nghiệp: Đã mang tiếng ở trong trời đất / Phải có danh gì với núi sông . Trên phương diện tư tưởng và tâm lý Nguyễn Công Trứ là một khối mâu thuẫn lớn! Ông không phủ nhận các nguyên lí tư tưởng Nho giáo (quân - thần - phụ - tử), nhưng ở một vài phương diện đạo lý, lối sống, ông vượt qua những lề thói bảo thủ, giả dối, tỏ một thái độ “phóng dật” bất cần, thách thức công nhiên dư luận. Nguyễn Công Trứ có một nhân sinh quan tuy căn bản vẫn nằm trong phép xuất xử Nho gia nhưng có nhiều khía cạnh tích cực đổi mới vượt ra khỏi những chuẩn tắc thời bấy giờ, lại được người đời ngầm chấp nhận. Hiểu được tính hai mặt này trong mối quan hệ giữa tính cách của Nguyễn và công luận là một điều cần thiết để đánh giá con người và sự nghiệp ông.
2- Nguyễn Công Trứ là người đa tài, nhưng ở ông tài và phận nhiều khi không song hành. Đời ông trải nhiều thăng trầm, vinh nhục, nên hiểu sâu sắc nhân tình thế thái đương thời. Phép xuất xử , luôn gợi ý cho các nhà nho khi nào nhập thế khi nào xuất thế , khi nào ra làm quan khi nào về vườn. Có vị “về” khi đường hoạn lộ đương thênh thang để giữ lòng trong sạch, có vị không ra làm quan “chỉ tìm nơi vắng vẻ” dưỡng thân nhàn. Nguyễn Công Trứ không hẳn như vậy.
Thực tại ông sống , là một xã hội đầy nghịch lý, ông vừa khinh bỉ và ngán ngẩm vừa phải chấp nhận nó.
Ra trường danh lợi vinh liền nhục
Vào cuộc trần ai khóc trước cười.
Hoặc: Tiền tài hai chữ son khuyên ngược
Nhân nghĩa đôi đường nước chảy xuôi!
Chán chường với chốn quan trường, thấy những nghịch lý trong xã hội nhưng ông vốn là con người hành động nên hai phần đời đã nhập cuộc , cho đến khi về hưu. Cuối đời, nhiều lúc chua chát nhìn lại đời mình, ông muốn phủi tay thoát ly ra ngoài :
Ngồi buồn mà trách ông xanh,
Khi vui muốn khóc, buồn tênh lại cười.
Kiếp sau xin chớ làm người
Làm cây thông đứng giữa trời mà reo.
Nguyễn Công Trứ, với hình tượng “thông” là tâm trạng của một bậc hiền tài chua xót trước thời cuộc, đượm buồn nhưng không bi quan, yếm thế ; vẫn thể hiện bản lĩnh của một bậc đạt nhân quân tử luôn tuỳ ngộ nhi an trước mọi thử thách. Ông trách cái xã hội oái oăm nhiều ngang trái, nhưng không đủ bản lĩnh để phủ định nó. Bởi vậy mà sinh mâu thuẫn trong tư tưởng, dằn vặt buồn lo vì xã hộị nhiêù nghịch lý, đưa đến tâm trạng bất như ý và đốí nghịch Khi vui muốn khóc, buồn tênh lại cười. Trong cái thẳm sâu của ý tưởng Kiếp sau xin chớ làm người/ Làm cây thông đứng giữa trời mà reo có cái chân ngộ " muốn vượt thoát” ra ngoài vòng tục luỵ mà tôn giáo thường nhắc đến. Tuy nhiên ở Nguyễn, muốn tách khỏi nhưng vẫn gắn bó. Ông, trong sự lẩn tránh cái xã hội lắm điêù tiếng vẫn mong có bạn tri âm, sưởi ấm tình người!
Giữa trời vách đá cheo leo,
Ai mà chịu rét thì trèo với thông.
Người ta hay nói đến cái thú “chơi” của Nguyễn, thú cô đầu, ưa hát xách, kết bạn ca nương…, đó cũng chỉ là một biểu hiện của cái tâm thức vượt thoát của ông, không nên dừng lại chỗ ham mê sắc dục như có người lầm tưởng. Cặp đôi danh sĩ – giai nhân là một ám chỉ tương tri phần hồn hơn là cặp kè phần xác.
3- Là một nhà quản trị giàu năng lực , ông còn là một nhà thơ, một nghệ sĩ lớn . Ông để lại nhiều sáng tác thơ Nôm theo thể thơ đường luật và ca trù. Thơ ông là tâm trạng vị quan thanh liêm, tận tuỵ với triều đình, nhưng lại bị gièm pha nên thăng giáng thất thường. Nội dung thơ phong phú, đa dạng, từ than cảnh nghèo, vạch trần nhân tình thế thái, đề cao chí nam nhi, đến ca ngợi thú cầm kì thi tửu… Những bài cuối đời tố cáo những khía cạnh lọc lừa, bạc bẽo của xã hội đương thời . Với sự phong phú đa dạng trong các sáng tác Nguyễn Công Trứ là người đưa ca trù từ một lối hát nhỏ lẻ thành thể thơ thuần Việt ( hát nói) phổ biến dùng cho nhiều loại đề tài.
Vị quan nhà Nguyễn, người nghệ sĩ lớn tài danh mà hai phần ba cuộc đời sống gần với người dân thường , thấm nhuần những triết lý sống dân dã. Thơ ông cũng mang phẩm chất đó , dẫu thỉnh thoảng đôi nét đượm buồn, phẩn nộ nhưng cái mạch chìm hòa khắp là sinh động, hoan lạc và tranh đấu, đó là chất thơ có được từ đời sống, lấy đời sống làm cốt tính. Sự gắn bó đời sống làm nó không cạn kiệt theo thời gian, nhiều câu thơ về nhân tình thế cố như được xuất ra từ cuộc sống hôm nay vậy!
( Kỷ niệm lần 160 ngày mất NCT)