Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.191
123.214.060
 
Chạm đến tinh khôi
Vĩnh Thông

 

 

Tôi gặp đứa bé ở tầng ba bệnh viện, da dẻ xanh xao, cái đầu thì trọc lóc…

Đó là một ngày đầu mùa hè, không khí ở bệnh viện lớn tầm cỡ nhứt nhì khu vực quả không dễ chịu chút nào. Khoảng sân rộng ở tầng trệt, hàng ngàn người chen chúc nhau khám bệnh. Trên các cầu thang cũng chật ních người lên kẻ xuống. Bên ngoài các phòng bệnh, bao vẻ mặt thất thần, rũ rượi, như đang chảy xuống, đang cố tìm kiếm một bờ hy vọng nào đó - nhỏ thật nhỏ cũng được - để bấu víu. Nhiều âm thanh hỗn loạn xen lẫn nhau, va đập nhau. Tiếng khóc la đau đớn của người bệnh, tiếng bàn tán của người thân, tiếng rổn rảng của bánh xe băng ca, tiếng inox khua nhau trong khi di chuyển xe dụng cụ y tế… Tất cả hợp lại vỗ ràn rạt vào buổi sáng cong cớn nắng - một buổi sáng không hề yên bình như lũ chim đang khúc khích đùa ngoài ban công. Mà nơi đây thì có ngày nào gọi là yên bình?

 

Hôm đó tôi đã phải mang vẻ mặt ê chề chia tay chuyến du lịch đang dở dang để vào bệnh viện làm các xét nghiệm. Chẳng muốn vào đây chút nào, nhưng không thể làm khác được. Căn bệnh không biết đã hình thành từ lúc nào, và bây giờ nó đã rục rịch chui ra, lấp ló đâu đó trong đầu để “công phá” dữ dội. Tôi trả giá với nó, nhưng nó không chấp nhận thỏa hiệp. Nó nhóm mình ra, cười đanh đá. Cuối cùng, nó buộc tôi phải rời cuộc hành trình trong trạng thái người ngợm xốc xếch. Tôi nói lời tạm biệt bạn bè để vào đây.

 

Cả cơ thể sáu mấy ký mệt nhoài rũ xuống dãy ghế dài ở hành lang, đầu tựa vào tường, tôi bắt đầu chờ đợi. Đợi, một thứ nào đó nhưng rồi cũng chẳng rõ là mình đợi cái gì. Muốn làm một việc cho khuây khỏa, mà cũng không biết phải làm gì. Tôi chưa vội báo cho gia đình biết rằng mình đang ở bệnh viện, vì căn bệnh hiện tạm thời vẫn chưa có kết luận. Nhưng do đã khá thấm mệt từ chuyến du lịch mấy ngày qua, cộng thêm lo lắng, áp lực, tôi cảm thấy uể oải, chỉ muốn ngủ một giấc ngay bây giờ. Đầu óc tôi mụ mị ra, trống rỗng. Bên tai, tiếng loa gọi tên người bệnh vẫn vang đều đều, dội vào tường chan chát.

 

Tôi nhớ đến những người bạn của mình đang trên xe tiếp tục hành trình. Họ đã rất lo lắng cho tôi và tỏ vẻ bất an khi rời bỏ tôi một mình ở bệnh viện. Một người bạn còn kẹt lại dọc đường, có lẽ họ cũng không vui vẻ gì trong những ngày tiếp theo của chuyến đi. Tôi tự trách mình, phải chi đừng tham gia chuyến du lịch nầy, phải chi chăm chút cho sức khỏe một tý, thì đâu làm ảnh hưởng đến mọi người.

 

Chiếc ghế bên cạnh có một người phụ nữ trạc ba mươi vừa ngồi xuống. Tôi nghe rõ hơi thở gấp gáp và thỉnh thoảng đứt quãng của chị. Bên cạnh là một bé gái khoảng chín mười tuổi, có lẽ là con của chị ấy. Đứa nhỏ đầu trọc lóc, nếu không mặc trên người bộ đồ thun màu hồng đã thâm kim nhiều chỗ, người ta sẽ không biết là trai hay gái. Nó không phải là con nít ở thành thị. Con bé không có một tý sức hút nào từ sự bụ bẫm, trắng trẻo khiến người ta thấy đáng yêu trong lần gặp đầu tiên. Trái lại nó có thể làm người ta ngại tiếp xúc vì thân hình gầy guộc, da rám nắng đen đúa, mốc thếch.

 

Nhưng con bé lại gây ấn tượng mạnh với tôi. Bởi ánh mắt. Hai hòn mắt trong veo óng một lớp long lanh, tươi tắn như hai giọt sương mùa thu đỏng đảnh đọng lại ban sáng trên rìa lau lách tịch mịch xa xăm, hồn nhiên và hoang dại sau đêm sương đầm đìa đồng cỏ. Bệnh tật, đau đớn, dường như không đủ sức kéo nổi đám buồn len vào đó. Đôi mắt nhỏ thắp một ngọn nến an lạc vừa đủ sáng nhẹ nhàng cũng vừa căng đầy màu hy vọng. Cơn đau trong tôi có lẽ đang dễ chịu hơn một chút sau khi nhìn thấy ánh mắt ấy.

 

Trưa hôm đó, tôi được xếp vào nằm trong phòng chờ cùng với con bé ấy. Nó chờ phẫu thuật, còn tôi chờ kết quả xét nghiệm. Con bé vẫn đôi mắt sáng và nụ cười hiền khi gặp bất cứ ai trong phòng. Có y tá đến chích thuốc hay thay chai truyền dịch, con nhỏ cũng líu lo hỏi đủ thứ chuyện. Thỉnh thoảng lại còn nghe nó thì thầm những câu hát đầy lạc quan. Dường như chẳng hề có căn bệnh quái ác, chẳng hề có cái đầu không còn tóc, chẳng hề là một sự sống mong manh đang chờ phẫu thuật. Dường như trong con người nhỏ bé ấy, khái niệm buồn đau không hiện diện. Đứa con gái ấy đã dạy cho tôi rất nhiều, về bài học lạc quan. Tôi biết tên nó, nhưng tôi thích gọi nó theo cái tên mà mình tự đặt, là Tinh Khôi.

Ngày xưa tôi cũng đã từng có một đứa con, nhưng chưa bao giờ nhìn thấy mặt nó. Nếu như đứa con vẫn còn, có lẽ nó cũng trạc tuổi Tinh Khôi. Tôi đã trút bỏ nó khi còn là một khối thịt đỏ hỏn nhỏ xíu trong một chiều mưa bủa dầy mặt phố. Dẫu là không thấy mặt, không biết là trai hay gái, không từng ôm hôn một lần, cơn nhớ vẫn thường xốn xang trong lồng ngực, đợi chờ một sự chực trào nào đó ướt đầm và ngập ngụa. Phải chăng như người ta thường nói, nỗi nhớ là một thứ không hình thù và không thể định nghĩa được. Nên dẫu là một đối tượng rất mơ hồ, nỗi nhớ vẫn có thể thường trực và da diết.

 

Ngày ấy, nước mắt tôi cô cạn lại đặc sánh như viên sỏi bén. Tôi dùng nó để cắt đứt một sợi dây đã cũ mòn đang buộc lấy tôi và anh. Ngày bứt mình khỏi sợi dây đó, tôi vấp nhiều chới với. Tôi thù ghét cuộc sống nầy đến độ tự nhắc với lòng trong xã hội nầy không còn có ai là con người đúng nghĩa nữa. Nhưng rồi nhiều năm trôi qua, mọi thứ dần bình ổn trở lại. Tôi đã thấy trong cuộc sống nầy, “người” vẫn nhiều hơn “con”. Tôi nhân hậu hơn với nó, yêu thương nó hơn, và tin tưởng ở nó. Duy chỉ có đứa con chưa tượng hình, vẫn luôn là một ám ảnh.

Mẹ của Tinh Khôi cứ tất tả chạy tới chạy lui lo giấy tờ, thủ tục. Người phụ nữ miền Tây chơn chất với làn da và mái tóc bị nung dưới nắng lâu ngày dường như đang càng lúc càng co ro hơn trong một chốn đông đặc mùi tiền. Chắc hẳn chị đang túng thiếu. Ngoại trừ người thân, còn ai có thể giúp chị trong cái nơi mà ai đến đây cũng mang đầy lo lắng về chuyện tiền nong.

Nhưng rồi, qua màn nước mỗi lúc một dầy thêm và sóng sánh trong mắt chị, tôi biết là có lẽ sẽ không còn người thân nào giúp chị nữa. Nếu chị còn người thân, còn một chốn để dựa nương, hai mẹ con đã không phải trôi nổi đến nơi nầy và bơ vơ như bây giờ. Cơn đau trong đầu tôi lại trở mình lổn cổn làm tôi giật thót người mấy cái, chết điếng.

Người mẹ vừa quệt mồ hôi lấm tấm trên trán vừa kể lại đời mình. Tự nhiên, chất phác như hàng ngàn phụ nữ miền Tây khác. Không ngại trước mặt mình một người xa lạ vừa mới quen cách đây chưa đầy ngày. Kể, như đang thủ thỉ tâm tình với một bà chị hàng xóm hay đứa em họ lâu ngày gặp lại. Không đắn đo, không giấu giếm, chị bày ra hết tất cả những cảnh tuồng mình đã trải, trông chờ một sự đồng cảm, chia sẻ nào đó. Nhỏ thôi cũng được, kiểu như “Trời, tội hôn?”, vậy cũng đủ mát lòng.

Mười tám tuổi, chị lấy chồng. Không yêu đương, đến quen biết cũng không, nhưng vẫn cưới. Tía nói: “Con gái lớn thì lấy chồng cho xong, ở nhà lông nhông làm gì, ăn rồi báo”. Vậy thôi, lấy thì lấy. Ngày ấy con gái như chị thường ngại mỗi lần nghe nhắc đến hai chữ “lấy chồng”, thấy nó có gì đó ngường ngượng. Nhưng rồi lại nghĩ thôi kệ, trước lạ sau quen, sống chung lâu ngày với nhau rồi cũng sẽ có tình cảm, nên chị dần dần không quá ngại ngùng nữa. Chẳng phải ông bà ta đã nói “lửa gần rơm lâu ngày cũng cháy” đó sao? Nghe nói chồng chị hiền, làm lụng siêng năng, bên nhà chồng cũng không tệ, chị tạm yên bụng. Chị bắt đầu hoạch định những tính toán cho tương lai.

Song, hai chữ “lấy chồng” đã không đơn giản như chị từng nghĩ. Những dự định được vẽ ra cho một gia đình ấm cúng bị cơn dông dằn ra vỡ vụn. Người chồng làm lụng siêng năng như lời người mai mối chẳng qua là một gã rượu chè, cờ bạc. Cũng có đi làm, nhưng làm ba hôm nghỉ bẩy bữa. Tiền làm ra được vốn đã không nhiều, hắn lại tắm chúng vào những cơn say khướt bên mâm rượu, những ván đỏ đen được mất trên sòng bài. Vậy còn nghĩ gì đến vợ con. Nước mắt chị dài ra hơn sau những ngày ngập trong túng quẫn, dần trở nên bất trị. Cái gọi là gia đình nầy thật ra chỉ là một mớ xà bần, không hơn không kém. Nhiều lần chị đã có ý định ra đi, nhưng lại trù trừ…

Vậy rồi có hôm, chị trở nên một con người khác, quyết đoán và táo bạo. Khi hai mẹ con khắc khổ ấy quyết định dắt díu nhau bỏ quê cũng là lúc người vợ trẻ phát hiện chồng mình đã có người phụ nữ khác, cũng là một ả nghiện sòng bài. Ờ, vậy thì đi, còn gì để lưu luyến nữa đâu. Mùa rẫy xóm cồn năm ấy chỉ vừa chớm xanh một nửa.

 

Tôi cũng từng có một thời suy nghĩ về hôn nhân đơn giản như chị. Rồi sau đó cũng lâm vào bế tắc giống chị. Mặc dù cuộc tình không đi đến đích, nhưng ngày ấy tôi cũng lờ mờ hiểu ra rằng cuộc sống hôn nhân không như mình từng nghĩ. Khi muốn chinh phục, người ta sẵn sàng bất chấp hết, hy sinh hết, thậm chí cả những sở thích, những suy nghĩ cá nhân. Tôi và anh khi ấy là một.

Nhưng lúc tôi đã là con mèo mướp vừa mắc phải một trận mưa lạnh run nằm ngoan ngoãn trong lòng anh, lúc anh hiểu rằng chặng chinh phục của mình đã về đích an toàn, mọi thứ bắt đầu thay đổi. Khi đó anh là anh, chứ không phải là chúng ta. Cái anh chăm lo là cuộc sống bản thân mình, chứ không phải là cuộc sống chúng ta. Sau đêm ấy, những ngày tháng tiếp theo làm hoen gỉ dần, mục rữa dần một nửa niềm tin của tôi. Nửa còn lại đổ nát hết vào ngày anh từ khước đứa nhỏ sắp gọi mình bằng cha.

Hai mẹ con lên Sài Gòn đến nay đã gần bốn năm. Bốn năm, họ không có nét gì là người thành thị, lớp quê mùa vẫn còn đằm sâu trong người. Ngày ấy chị không mường tượng ra bằng cách nào để mình có thể sống được ở chốn nầy. Ăn ở đâu, ngủ ở đâu, tiền kiếm đâu ra? Nhưng mà được. Lo lắng cho lắm, rồi thì giờ đây chị cũng đã là người lăn lộn bốn năm ở đất Sài Thành đó thôi. “Làm hết sức, tới đâu hay tới đó em ơi”, chị thủ thỉ. Tôi dợm nghĩ phải chăng đó là “máu liều” mà người phụ nữ miền Tây vốn có?

Mắt chị sáng trưng khi khoe mình đã trải qua hàng chục nghề. Trong câu nói đó tôi sờ được cả một mớ tự hào không hề nhỏ. Tôi lại thử “phiên dịch” câu nói đó ra một ý nghĩa khác là “Đừng nghĩ đàn bà đái không qua ngọn cỏ à nghen” rồi tự cười thầm trí tưởng tượng của mình. Công việc hiện tại của chị là đẩy xe trái cây đi bán vào ban ngày, ban đêm thì nhận mấy công việc lặt vặt, ai kêu gì làm nấy. Cho tới ngày… người ta phát hiện ra căn bệnh quái ác trong não Tinh Khôi.

Khi tôi hỏi “Tiền đâu lo cho con nhỏ?”, chỉ không nói được, mắt ràn rụa.

Nhìn người phụ nữ nuốt khan mấy miếng cơm trợn trạo, tôi thấy nhói lòng. Có lẽ tôi và chị vừa bắt được một sợi dây nào đó nối với nhau. Chuyện của chị đã qua lâu rồi, chị không buồn khi nhắc lại. Nhưng tôi lại đằm mình trong vũng buồn lầy lụa và ngợp ngoạng với câu chuyện của riêng tôi. Mặc dù không nhắc lại, nhưng người mẹ ấy, đứa con gái ấy, đôi mắt ấy, đủ làm cơn buồn trong tôi xé kén chui ra khỏi mớ ký ức đã đóng bụi từ lâu. Nỗi đau vẫn còn đó, sâu lắm. Giống như lần đi rừng bị gai nhọn đâm vào chân đến tứa máu. Nhưng cái gai của cây rừng chỉ đau một chỗ. Còn cơn đau của cái gai trong lòng tràn từ nơi nầy sang nơi khác, rộng như một đồng cỏ héo úa. Lòng tôi cũng đã úa từ ngày ấy.

 

Chỉ có Tinh Khôi, khác với hai người đàn bà bạc mệnh chúng tôi, nó vẫn luôn tươi tắn. Đôi lúc cơn đau trườn mình ra nham nhở, nó ôm đầu ây da hít hà một chút, nhăn mặt một chút. Rồi lát sau khi cơn đau đi qua, Tinh Khôi lại tươi cười. Tôi chưa thấy con bé khóc lần nào. Đôi mắt Tinh Khôi làm tôi thèm quá. Phải chi trong nhà mình cũng có một thiên thần nhỏ với cặp mắt sáng trưng như vậy. Tôi sẽ cưng nó biết chừng nào, sẽ vuốt ve, nâng niu và gìn giữ nó hơn cả kho báu. Nhưng cơ hội đó, tôi biết mình đã phủi khỏi tay từ nhiều năm trước.

Đến ngày thứ ba, tôi được xuất viện. Cơn đau trong đầu cũng dịu đi khá nhiều. Các kết quả xét nghiệm đã lần lượt có đầy đủ. Cũng may là không vấn đề gì to tát, chỉ cần uống thuốc và ghi nhớ một số dặn dò của các bác sĩ, thường xuyên kiểm tra định kỳ. Vậy mà làm tôi phát rầu suốt mấy ngày. Có lẽ phải nhanh chóng gọi điện cho những chiến hữu trên xe biết để họ an tâm. Được về nhà, tha hồ tiếp tục du lịch, còn hàng trăm hàng ngàn điểm đến đang chờ đợi mình.

Trong khi tôi lui cui dọn đồ đạc vào balô, Tinh Khôi căng tròn đôi mắt trong veo, miệng cứ líu lo như trước mặt nó là một người quen thân từ lâu lắm. Nó gửi những lời chúc an lành đến tôi và nhắc tôi quan tâm đến sức khỏe nhiều hơn. “Cô về rồi con cũng buồn quá, mà biết sao giờ, có duyên thì mình gặp lại, cô hén”. Ừ, có duyên thì gặp lại, tự dưng tôi thấy con bé lớn quá chừng. Không phải về chiều cao, mà về tâm hồn. Ngay cả sự chia ly, nó cũng nghĩ lạc quan đến thế.

Còn khoảng hơn một tiếng nữa mới đến giờ xuất viện, tôi tranh thủ chợp mắt chốc lát để lấy lại tinh thần. Trong cơn mơ, tôi thấy một bìa rừng chạy dài hun hút, xa xa thấp thoáng một ánh mắt tinh khôi.

Tôi thức giấc thì cơn mưa cũng vừa khẽ khàng đậu bên ô cửa sổ. Đó cũng là lúc y tá đến đưa Tinh Khôi ra khỏi phòng để chuẩn bị phẫu thuật. Trong đầu tôi va phải nhiều câu hỏi, liệu rồi ca mổ có thành công không, liệu rồi con bé có khỏe lại không, mẹ nó làm sao để có đủ tiền chi trả? Tôi dúi một ít tiền còn lại của mình vào tay chị, dẫu không đáng là bao so với chi phí nặng nề của ca phẫu thuật, nhưng xem như là lời cám ơn dành cho bài học về nghị lực mà Tinh Khôi đã dạy cho tôi. Trước khi đi, con bé nắm chặt tay tôi, vẫn thấy nụ cười quen thuộc:

“Cô về mạnh giỏi nghen cô. Đừng lo cho con quá, mổ xong là khỏe thôi mà”.

“Ừ, con rán… nghe. Mau bình phục…”. Tôi nói không tròn câu, nước mắt không thể nuốt vào trong được nữa, nó rơi rồi.

Chiếc băng ca bắt đầu được đẩy đi, nó còn nói với theo:

“Có duyên thì mình gặp lại, cô hén”.

Ừ, thì có duyên sẽ gặp. Mạnh mẽ lên, Tinh Khôi!

 

Châu Phú, 8/2014

 

 

 

 

 

Vĩnh Thông
Số lần đọc: 1510
Ngày đăng: 23.11.2018
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Bất ngờ kể một chuyện tình - Phan Tấn Uẩn
Người thầy đầu tiên - Bùi Thanh Xuân
Cánh chim trong bão - Nguyễn Tiến Nên
Hư thực chuyện nước tề - Đỗ Nhựt Thư
"Bái phục" - Trần Yên Hòa
Cái bớt hình hoa mận đỏ - Lam Thùy Dương
Con đen - Trần Yên Hòa
Trên sợi tóc buồn - Phan Tấn Uẩn
Trần hảo hán - Đỗ Nhựt Thư
Một người đồng hương - Nguyễn Tiến Nên