Hình: Thầy hiệu trưởng Lê Khuê thời còn trẻ
Ngay cả hồi còn mới tập tểnh đánh vần, với tôi, trường Nam tiểu học Hội An * (nay là trường trung học cơ sở Kim Đồng) đã là một thế giới thần tiên, kỳ diệu của tuổi thơ, bởi đơn giản, nó ở ngay ngã tư đầu xóm nhà tôi (nằm trên đoạn đầu tiên của đường Cửa Đại – con đường nối dài phố thị ra cửa biển Hội An).Nơi đó, vào sau những giờ trường tan học, nhất là những ngày chủ nhật, ngày nghỉ lễ, bọn trẻ con chúng tôi thường rủ nhau trèo vào bờ tường khá thấp của ngôi trường để hái phượng, đánh bi, bắn chim, chơi trốn tìm, chia phe chơi đá bóng… Đặc biệt, ở một khoảng sân của ngôi trường này có một bản đồ Việt Nam rất lớn (khoảng chừng 100 m2), được xây bằng xi măng trải dài trên đất, có khắc họa đầy đủ các tỉnh, thành, sông núi, biển đảo… của đất nước. Tôi mê nhất là sau những ngày mưa, nước đọng lại ngập kín trên phần biển của bản đồ, chúng tôi có thể lội bì bỏm vào đó, hoặc xếp những con thuyền giấy thả trôi bềnh bồng mà tưởng tượng ra mình đang phiêu dạt giữa đại dương mênh mông…
Thế rồi, một ngày kia, cũng đến lúc tôi chính thức bước vào năm học đầu tiên của trường Nam tiểu học. Tôi không còn là đứa bé lêu lổng, vào trường bằng cách nhảy phóc lên bờ tường, mà là cậu học trò chỉnh tề, áo trắng, quần sooc xanh nhanh chóng bước vào cánh cổng rộng lớn, trước khi những tiếng trống “tùng, tùng…” đổ dồn, nếu không muốn bị bỏ rơi lạc lỏng phía bên ngoài.
Người đầu tiên mà chúng tôi cùng phải chú ý, và kính sợ nhất, đó là thầy Hiệu trưởng Lê Khuê. Trong con mắt tôi, hồi đó thầy Khuê là một người đàn ông lịch lãm, tóc chải rẽ rất ngay ngắn, thường mang cà vạt, và dường như đến trường bằng chiếc xe Vespa màu xanh da trời. Ấn tượng nhất là những buổi chiều cuối tuần, thầy thường tập cho từng nhóm lớp diễu hành thể dục và tập các khúc hát hùng tráng như: “Nào anh em ta cùng nhau xông pha lên đàng/ Kiếm nguồn tươi sáng. Ta nguyện đồng lòng điểm tô non sông. Từ nay ra sức anh tài. Đoàn ta chen vai nề chi chông gai…” hoặc: “Học sinh là người Tổ quốc mong cho mai saụ. Học sinh xây đời niên thiếu trên bao công lao. Lúc khắp quốc dân tranh đấu hy sinh ...”. Thỉnh thoảng, tôi cũng thấy thấy tham gia chơi đàn vĩ cầm xuât hiện trên chương trình văn nghệ Đài truyền hình Đà Nẵng với đoàn văn nghệ học sinh hoặc các nhóm văn nghệ Hội An rất nổi tiếng lúc này như: Châu Hội, Châu An, ca sĩ Hoàng Vũ…
Trong suốt mấy năm học tiểu học, hầu hết các cô giáo trực tiếp giảng dạy chúng tôi đều nghiêm nghị, nhưng rất hiền lành, ít khi thấy nóng nảy hoặc nặng lời với bất cứ đứa trẻ nào, dù là đứa nghịch ngợm nhất. Tuy nhiên, vào năm học cuối cùng tại trường (lớp nhất nay là lớp 5), cô Thanh phụ trách lớp này là người để lại cho tôi nhiều tình cảm yêu quý nhất. Tôi rất nhớ cô dạy bài hát: “ Thầy em mong cho chúng em/ Sau này trở nên nhạc sư/ Em thích thứ chi nè? Này măng đô lin, măng đố lin, măng đố lìn…”.Tại lớp học cô Thanh, bỗng dưng từ một đứa lười nhát, học hành tầm thường, tôi trở nên chăm chỉ, lanh lẹ, để rồi nhanh chóng tranh đua với những thằng bạn tài giỏi như: Khiếu Triệu Đà (trong 3 giây vẽ ra thằng cao bồi bắn súng), Dương Thanh Sĩ (viết chữ đẹp và hát hay, thường xuyên lĩnh xướng những bài hát tập thể cho cả trường hàng tuần), Trần Bút, còn gọi là Ba Bắp (có lẽ nhà nó ở trên cánh đồng bắp), thằng này thường xuyên đứng nhất lớp, tôi giành vị thứ đó vài lần thì bị nó quyết liệt giành lại.
Hết năm học cuối cùng của bậc tiểu học, Ba Bắp là một trong 3 đứa nhận phần thưởng cao nhất, tôi nằm vị trí kế sau. Nhưng bù lại, tôi được thầy hiệu trưởng Lê Khuê phân công là học sinh đại diện toàn trường đọc bài phát biểu bế giảng trước mặt nhiều quan khách và phụ huynh.Cái kỷ niệm đó, chừ nghĩ lại tôi vẫn thấy hạnh phúc đê mê! Một điều thú vị, sau này đọc hồi ký của nhà thơ Du Tử Lê, tôi biết ra, ông cũng có một khoảng thời gian tuổi thơ học ở trường Nam tiểu học Hội An và từng là đứa học trò “Bắc kỳ rau muống” được chọn đại diện học sinh toàn trường đọc diễn văn trước mặt tỉnh trưởng và các quan chức thời ấy. Ông viết: “ Tôi nhớ đã được phép đem bài diễn văn này về nhà, đọc tới đọc lui. Anh tôi phải chỉ tôi chỗ nào nghỉ ít, chỗ nào nghỉ nhiều.Ở đoạn nào thì tôi phải ngước mặt lên để nhìn thẳng vào các viên chức đại diện của tòa tỉnh…Với tôi, đó là những kỷ niệm một thời thơ ấu.Tôi sẽ mãi giữ chúng, cho riêng mình.Như tôi đã giữ lại những điều định nói với bạn”.
Sau khi rời khỏi trường Nam tiểu học, tôi còn học thêm mấy năm ở bậc trung học đệ nhất cấp tại trường Trần Quý Cáp, rồi rời khỏi Hội An cùng gia đình chuyển ra Đà Nẵng tiếp tục việc học nơi đây. Từ đó về sau, hầu như không tôi gặp thầy Lê Khuê và những cô giáo cũ ở ngôitrường xưa lần nào nữa.
Ngày nay, trường Nam tiểu học Hội An vẫn còn y nơi cũ.Thậm chí, cây trụ điện ở ngã tư đường, hướng vềbiển Cửa Đại vẫn còn nguyên vẹn.Mỗi lần ngang qua đó, lòng tôi lại thấy bồi hồi, cứ cảm giác vang vọng bên tai tiếng trống “tùng, tùng…” hối hả. Trong không gian những mái ngói êm đềm đan xen dướinhững hàng cây tươi mát chừngvẫn còn nguyên vẹn hình ảnh thầy hiệu trưởng, các cô giáo cùng những gương mặt bạn bè ngày xưa yêu dấu. Chỉ một điều khác:giờ đây cánh cổng trường đã khép kín, vàtôi không cònthời gian trở lạitheo kịp hành trìnhchuyến tàu tuổi thơ./.
(*): Trường Nam tiểu học Hội An ra đời vào khoảng đầu thập niên 50. Đầu tiên ở Chùa Bà Mụ, sau dờivề vị trí cạnh dinh Tỉnh trưởng Quảng Nam, đến sau 1975 đổi tên thành trường THCS Kim Đồng. Thầy hiệu trưởng đầu tiên tên Lê Tự Tháo. Kế đến là thầy Lê Khuê (sinh năm 1934, mất vào ngày 30/7/2018 vừa qua).
Box:
Ngôi trường chỉ cho tôi vài tháng theo học ngắn ngủi. Nhưng những gì ngôi trường, cũng như thành phố Hội An / Chùa Cầu ưu ái tặng cho ký ức thơ ấu tôi, lại là những kỷ niệm máu, thịt. Tựa như tôi đã được ăn ở với nó, trọn vẹn một tuổi thơ. Ắp đầy một niên thiếu chơi vơi đỉnh ngọn buồn / vui đời mình.Tôi kể với người bạn thời lớp nhất của tôi rằng, tôi đã đứng giữa sân trường mùa-hè-tuổi-thơ-tôi-vắng-lặng.Với mái tóc tôi đã trời-chiều-mây-trắng.Người bạn trẻ tình nguyện hướng dẫn chúng tôi, nói người bảo vệ rằng, hơn 50 năm trước, ông này học ở đây.Anh chỉ tôi.Tôi chờ đợi phản ứng khó chịu, xua đuổi của anh bảo vệ.(Như tôi đã từng gặp ở những nơi chốn tuổi thơ tôi, khác.)Nhưng không.Anh gật đầu.Anh cười.Nụ cười chân chất, tuy có thoáng chút ngập ngừng.Nụ cười chân chất ấy, làm tôi nhớ, hơn nửa thế kỷ trước, Hội An / Chùa Cầu cũng đã từng mởlòng đón tôi…(Kịch thơ Hoàng Cầm và tôi, những ngày Hội An, thơ ấu/ Hồi ký Du Tử Lê, tháng 6/2010)