Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.119
123.228.921
 
Con ruồi trong chai nước ngọt hay Nguyên tắc “người láng diêng”
Phan Tấn Thiện

 

 

*Bài viết này dành tặng riêng cho một người  Sa Đéc quê xưa...

Khởi hứng từ vụ án con ruồi trong chai nước của Tân Hiệp Phát...

                                                                                              

            Họ Mỹ có 3 đời làm nghề sản xuất bột gạo tại Sa Đéc. Bột gạo hiệu "Ngựa Bay" nổi tiếng một thời.  Sa Đéc là một thị trấn nhỏ nằm hai bên bờ sông Tiền, một trong hai nhánh sông lớn của Cửu Long Giang khi chảy qua miền Nam nước Việt. Theo Bách Khoa Tòan Thư  mở Wikipedia Tiếng Việt, Thị trấn Sa Đéc ra đời cùng lúc với 20 địa danh khác trên  đất Nam Kỳ từ ngày 1/1/1900. Hơn một trăm năm trước, người ta ghi chép địa danh này theo tiếng Khờ Me " Phsar Dek" có nghĩa là “Chợ Sắt” (Phsar = Chợ, Dek = Sắt). Người Việt đến định cư tại vùng này kể từ thời Chúa Nguyễn mở nước, sau khi bị pháp chiếm và rồi cái âm Phsar Dek của người Miên kia đã bị “Việt Hóa” và “Pháp Hóa” lần lần  thành “Sa Đéc” hay “Sadec”. Sa Đéc  giáp ranh với các địa danh  Long Xuyên, Long An, Vĩnh Long và Cần Thơ.

            Theo hướng từ Sài Gòn về miền Tây, đến chân cầu Mỹ Thuận rẽ phải khoảng gần 30 km là thị xã Sa Đéc. Sa Đéc không những nổi tiếng về bánh Phồng Tôm mà còn nổi tiếng về Hoa.  Nhất là loài Hoa Biết Nói thì nhiều vô kể(!)  Theo báo Việt có ghi lại rằng:

"Từ đây, bạn có thể hỏi đường bất cứ ai để đi đến làng hoa Tân Qui Đồng cách trung tâm thị xã 4 km. Nằm nép mình bên bờ sông Tiền quanh năm lộng gió, phù sa màu mỡ và ánh nắng ngập tràn, Tân Qui Đông còn được biết đến với tên gọi làng hoa Sa Đéc nức tiếng một vùng với hàng trăm loài hoa, cây cảnh quý hiếm."

            Bột gạo hiệu "Ngựa Bay" của gia đình họ Mỹ trở thành thương hiệu nổi tiếng khắp vùng. Trong nhà, nơi sản xuất bột gạo lúc nào cũng tấp nập người.  Kẻ lo cân đong mua lại gạo của đám hàng xáo đem bán, người lo ngâm gạo để xay, sản xuất bột, người lo giao hàng. Trong nhà lại có thêm một ''tổng khậu" lo việc ăn uống chung cho cả nhà.

            "Gạo thổi thành cơm" là thực phẩm chính của người Việt.  Nhưng cơm ăn hoài cũng ngán, người ta cũng dùng gạo xay thành bột để chế biến các thức ăn khác như hủ tíu, bánh phở, bún và làm các loại bánh như bánh bèo, bánh đúc, bánh canh cho vui mắt và lạ miệng hơn.  Cho nên nói gì thì nói sản xuất và chế biến thực phẩm đâu đâu cũng là công việc kinh doanh không sợ ế hàng. 

            Mỹ Ông là người dễ tính nên ai ai trong nhà cũng đều thương mến ông chủ của mình.  Bà nhà họ Trương là người tảo tần, chất phác.  Gia đình có ba cô con gái.  Cô đầu lòng là  Mỹ Dung nhan sắc tuyệt vời, lại là người học giỏi có tiếng trong vùng.  Cô thứ hai là Mỹ Nguyên cũng thật thà như mẹ. Cô thứ ba là Mỹ Thường lại là người ít học và lúc nào cũng mong muốn rằng mình có cuộc sống nhàn hạ là được.

            Mười lăm tuổi tốt nghiệp Trung Học, mười tám tuổi đậu Tú Tài đôi.  Mỹ Dung được cha mẹ cho lên kinh đô tiếp tục nghiệp bút nghiên.  Nàng ghi danh vào đại học Văn Khoa ban Việt Hán và sống tại Kinh Đô của nước Văn Lang. 

            Một chiều Chủ Nhật, Mỹ Dung cùng bạn ra phố Bùi Viện, một con phố nhỏ gần trung tâm của Sài Đô, nổi tiếng với nhiều quán nhậu ngon và đa dạng để  thưởng thức món "Lươn Um Sữa Tươi."  Chủ quán phải kể là một đầu bếp khéo.  Những khúc lươn to gần bằng cổ tay, vàng ngậy, gia vị thơm lừng, chiên vừa chín tới, xong lại đặt vào những thố đất um lên với sữa tươi và các món rau rác khác đặt trên lò than hồng.  Món này phải đi kèm bia 555 mà chủ quán đã ướp lạnh đến gần như đông đá thì mới là sành điệu (!)

            Bia được làm trong chai thủy tinh nâu đục.  Cái nóng Miền Nam làm cho bia đá tan dần. Khi chủ quán khui bia, cả hai Mỹ Dung và người bạn dùng chiếc đũa thọc sâu vào trong chai bia ngoạy ngoạy vài cái rồi cầm chai ngửa cổ tu một vài hơi cho nguồn nước mát làm giảm bớt đi cơn nắng của Sài Thành.

            Giữa tiệc thì bia tan.  Tuấn, bạn Mỹ Dung, có biệt danh là "Tuấn Mộng Mơ" gọi bồi bàn cho hai chiếc cốc để rót bia ra uống cho thoải mái hơn.  Khi chai bia của Mỹ Dung vừa rót ra thì có 1 con ốc sên nhỏ đang trong tình trạng thối rữa chảy ra trong ly(!)

            Khi nhìn thấy con ốc sên thúi rữa trong ly bia của mình, Mỹ Dung có cảm thấy choáng váng vì mình đã ngửa cổ tu gần một phần ba chai bia kia.  Nàng có cảm giác như muốn nôn và ói mửa tùm lum.  Vốn xuất thân con nhà khá giả, chưa từng gặp cảnh này, Mỹ Dung xỉu liền tại chỗ!

 

            Chủ quán Lươn Um Sữa Tươi thật tình bối rối. Người bạn cùng đi, "Tuấn Mộng Mơ" là sinh viên Luật đang tập sự tại Văn Phòng của Luật Sư Dương Hồng Lĩnh, vội vàng gọi xe cứu thương.  Trong khi chờ xe cứu thương đến, trước khi rời khỏi nhà hàng, chàng kêu chủ quán ăn lấy ra 2 tờ giấy trắng, chủ quán cùng những thực khách đang ăn trong quán ký tên, ghi tên họ và địa chỉ rõ ràng trên hai tờ giấy trắng kia để tiện việc liên lạc về sau và đồng thời cùng làm chứng cho câu chuyện xảy ra hôm nay. Chàng lấy 1 tờ giấy kêu chủ quán dán kín trên mặt ly bia có lẫn xác côn trùng và giao cho chủ nhà hàng giữ lấy ly bia này, còn tờ giấy cũng có chữ ký của các người chứng kiến sự việc nói trên thì chàng bỏ túi.  Chủ quán nhất nhất làm theo ý chàng vì sợ nội vụ kiện tụng lùm xùm ảnh hưởng đến việc làm ăn buôn bán của quán mình.

            Xe cứu thương đưa nàng vào Bệnh Viện Đô Thành là Bệnh Viện gần nơi đây nhất. Theo sự chẩn đoán đầu tiên của Bác Sĩ Giám Đốc Bệnh Viện , Bác Sĩ Nguyễn Phước Đa, thì Mỹ Dung bị triệu chứng rối loạn tiêu hóa và rối loạn đường ruột (severse gastro-enteritis) cần phải nằm lại bệnh viện để điều trị vài hôm.  Mỹ Dung không có người thân tại đây nên bạn nàng là Tuấn phải bỏ việc vài hôm theo săn sóc nàng.

            Sau khi trở lại văn phòng luật sư Dương Hồng Lĩnh làm việc, luật sư Dương mới hỏi Tuấn về sự vắng mặt này, chàng mới thật tình đem câu chuyện trên ra kể lại với ông.

            Luật Sư Dương Hồng Lĩnh là cháu nội của nhà thơ Dương Khuê mà người đời thưòng gọi là "Ông Nghè Vân Đình". Dương Khuê cùng thời với Tam Nguyên Yên Đỗ là Nguyễn Khuyến.  Người ta thường gọi là Tam Nguyên vì ông đã đậu Thủ Khoa  cả ba kỳ thi Hương, thi Hội và thi Đình.  Họ Dương là một họ lớn ở ngoài Bắc nghe đâu ở Hà Đông, nhưng khi đất nước chia đôi phần lớn gia đình di cư vào Nam và cũng kể là một gia đình thành công, có nhiều người nổi tiếng trong lãnh vực khoa học, văn hóa và âm nhạc. Nguyễn Khuyến khi nghe tin mất đã bật lên bài thơ "Khóc Dương Khuê" ngợi ca tình bạn cố tri, một bài thơ để đời trong Văn Học Sử...

            Sau khi lắng nghe lời kể của người học trò tập sự của mình, Luật sư Dương đề nghị đưa nội vụ ra Tòa kiện công Bia Larouge nhãn hiệu "Con Beo" làm việc tắc trách.   Ở đây chúng ta cũng xin có đôi lời về công ty Bia này.  Công ty bia do người Pháp làm chủ lâu đời kể từ khi họ có mặt trên mảnh đất này.  Lợi nhuận kinh doanh về thức uống và thuốc hút là hai nguồn lợi kinh khủng mà người dân thuộc địa dâng trả về cho "Mẫu Quốc."  

            Dân quốc Văn Lang là dân xứ nhậu.  Về các phương diện khác, dân Văn Lang chưa biết giỏi hơn ai, nhưng nếu kể "nhậu"  thì dân xứ này phải là dân đứng hạng đầu trên bảng phong thần.  Hàng ngày, sau bữa cơm chiều, đâu đâu cũng thấy từ anh xích lô đạp đến cậu công chức sang trọng cũng tụ năm tụ bảy ngồi bù khú khắp các vỉa hè.

            Nhà máy Bia Larouge đặt trên đại lộ Trần Hoàng Đạo, luôn làm việc hết công suất mà cung cấp không xuể cho thị trường nội địa.  Bia ở đây có hai loại đều chứa trong những chai thủy tinh có màu nâu, một loại chai to có in hình "con beo" và loại bia nhỏ có gắn hiệu là Bia "555" như đã kể trên.

            Luật Sư Dương bàn với học trò của mình khởi tố công ty Bia với hai tội danh như sau:

            1.         Là công ty sản xuất nước uống cũng như thực phẩm, công ty phải có bổn phận không được để những chất bẩn hại sức khỏe của người tiêu thụ trong chai chứa đựng nước uống của mình, cụ thể là con ốc sên trong trường hợp này.

            2.         Công ty phải có bổn phận xem xét kỹ lưỡng chai lọ phải sạch sẽ trước khi cho nước bia vào chai đóng gói bán ra thị trường.

            3.         Công Ty Bia đã không đáp ứng được hai bổn phận của mình nên tai  họa đã xảy ra.

            Hai thầy trò văn phòng Luật Sư Dương nạp đơn kiện ra Tòa Sơ Thẩm của Pháp Đình Sài Gòn nằm trên đường Công Lý.  Pháp đình này cũng do người Pháp xây ra, trên có hình Nữ Thần Công Lý bịt mắt, một tay cầm cây gươm một tay cầm cân công lý.  Hình ảnh này tượng trưng cho sự công bằng của luật pháp.  Nói đến luật pháp thì không bao giờ có sự thiên vị, mua chuộc, thành kiến hay biệt đãi.

            Hai thầy trò luật sư Dương hí hửng, tin rằng phen này phe ta chắc thắng vì nhân chứng, vật chứng rành rành lại thêm có phúc trình của bệnh viện kèm theo.  Khi Thừa Phát Lại của Tòa tống đạt vụ án cho công ty Bia, ông Jean Merillon đang là giám đốc hảng Bia xem xong rồi vất xuống đất và điểm mặt Thừa Phát Lại rằng:            

            - Luật pháp ở xứ này chỉ áp dụng cho bọn cùng đinh, mạt vận, nghèo đói mà thôi, còn đám nhà giàu và quan quyền tại chức thì đừng đem luật pháp ra mà nói, nghe chỉ rát tai... Cứ về đi rồi thì xem tòa xử.  Màn kịch này còn nhiều chỗ hay.  Con kiến mà muốn kiện con hùm.

            Nội vụ cũng được đưa ra tòa Sơ Thẩm xử như thường lệ.  Luật sư nguyên đơn đại diện bỡi văn phòng của luật sư Dương là Tuấn Mộng Mơ viện dẫn rằng công ty Bia làm việc tắc trách, cẩu thả, thiếu bổn phận và trách nhiệm của một nhà sản xuất (Negligence).  Không kiểm soát kỹ việc rửa sạch và tẩy trùng vỏ chai bia trước khi vô bia.  Một lần nữa khi vô bia đóng nút để bán ra ngoài thị trường lại không kiểm nghiệm kỹ lưỡng khiến cho con ốc sên kia vẫn còn nằm trong chai bia.  Giả thử nếu chẳng phải con ốc sên mà một con rít hay vật có nọc độc thì sao?  Hậu quả thât khó lường làm suy sụp sức khỏe của cô Mỹ Dung và xin toà phạt công ty Bia và phải bồi thường thiệt hại cho nạn nhân. 

            Luật sư bên bị đơn xếp hàng dài còn hơn những người đi xem xử án.  Thôi thì lý luận cũng dông dài không kém.  Họ lý luận rằng chuyện này "là chuyện nhỏ như con thỏ"  cần gì phải ra tòa, và xin tòa bãi nại miễn tố cho bị đơn.  Còn việc Mỹ Dung bị ói mửa tùm lum chưa chắc gì chuyện ói mửa là do con ốc sên mà biết đâu trong món Lươn Um Sữa Tươi kia có chất dị ứng với Mỹ Dung cũng không chừng(!)

            Chánh án tòa Sơ Thẩm đưa tay vén chiếc áo thụng đen, trễ mắt kiếng nhìn xuống bên dưới.  Phía nguyên đơn chỉ có Tuấn mộng mơ  và Mỹ Dung thôi. Cả hai một người vừa hai mốt tuổi còn nguyên đơn khoảng mười tám, mười chín tuổi, mặt còn búng ra sữa.  Bên bị đơn thì bừng bừng khí thế.  Tòa án chiếu theo nguyện vọng bị đơn cho vụ án chìm xuồng.

 

            Tuấn và Mỹ Dung thua cuộc lủi thủi ra về.  Đêm nằm trong gác trọ chàng viết lại cảm xúc của mình:

           

            "Pháp Đình Sài Gòn,

            đêm tàn tiếng hạc,

            mộng về sao rơi.

            Công lý chia đôi hai giọt nước.

            Gươm thiêng ơi! Ai phò trợ cho người.

           

            Tan theo hư ảnh,

            một kiếp đời thôi!

            Hoàng hôn trên ngọn cỏ,

            nước mắt đẫm mù khơi

            Áo đen thấp thoáng như bầy quạ.

            Áo đỏ người đưa! Giọt máu rơi.

           

            Pháp đình Sài Gòn

            tàn theo vận nước

            Công Lý về đâu

            ngàn dâu xanh mướt,

            ta về thăm túp lều xưa..."

            (Trích thơ của Phan Tấn Thiện.)

 

            Sáng hôm sau Tuấn đến văn phòng sớm hơn thường lệ.  Luật sư Dương hỏi kết quả vụ án chàng cứ thế trình bày.  Luật sư Dương an ủi, làm nghề luật sư khi ra tòa cũng như người võ sĩ trên đài, thắng thua là chuyện thường tình, không có gì phải nản.  Khi thắng chúng ta rút được kinh nghiệm biết chỗ yếu đối phương, khi thua ta rút kinh nghiệm sửa chữa chỗ yếu của mình. Thua trận bao giờ cũng là bài học lớn(!)  Chuẩn bị binh mã, lập kế phản công.  Chúng ta sẽ đưa nội vụ này lên Tòa Thượng Thẩm.

            Luật sư Dương căn dặn Tuấn.  Luật của chúng ta hiện nay là luật Civil Law ảnh hưởng của luật Pháp, bắt nguồn từ thời Napoléon, án lệ còn lỏng lẻo lắm.  Người thẩm phán có toàn quyền quyết định kết quả vụ án mà không bị trói buộc bỡi những tiền lệ nào.  Tuấn về rán nghiên cứu luật đối chiếu (Comparative Law) cho nhiều.  Tìm lại những án lệ cũ trong Common Law đang áp dụng tại những nước nói tiếng Anh.  Hệ thống Common Law đã để lại những bản án phi thường, những phán quyết nổi tiếng mà những thẩm phán tiền nhiệm đã dày công nghiên cứu, đúc kết và xét xử.  Trong hệ thống Common Law, người thẩm phán chính là người đã làm nên luật pháp (Judges make laws) chứ không phải là mấy ông Dân Biểu khùng khùng như ở nước mình đâu.

            Hai thầy trò làm đơn kháng cáo vụ án lên tòa trên.  Trong thời gian chờ mở phiên tòa Tuấn vào thư viện tìm kiếm những vụ án cũ trong hệ thống Common Law như luật sư Dương đã dặn.  Hơn một tháng trời chìm đắm trong thư viện, chàng đọc đủ mọi loại sách về luật pháp.  Trong đó có tạp chí "Pháp Lý Tập San" mà chàng rất thích.  Trong pháp lý tập san này có nhiều vụ án ly kì như "Tam Nhân Đồng Từ Mục Sư Xộ Khám" hay " Võ Tòng Sát Tẩu" v.v.v.  Chàng chú ý tới một bài viết của một luật sư trẻ, vô danh họ Phan viết về mười vụ án nổi tiếng trên thế giới. Trong đó có một vụ án đề cập đến sự tắc trách, thiếu trách nhiệm, thiếu bổn phận của một công ty sản xuất nước uống tại Anh quốc.

            Vụ án thứ nhất được nêu ra ở đây có tên là Donoghue v. Stevenson.

            Tuấn dự định sẽ dùng vụ án này để trình bày trước tòa trong phiên xử tới.  Thời gian rồi cũng qua nhanh, chẳng bao lâu sau tòa Thượng Thẩm Sài Gòn tái nhóm cho phiên xử này.  Lần này không để cho học trò mình bị cô đơn như lần trước, luật sư Dương đi cùng Tuấn và Mỹ Dung ra trước tòa để nghe đệ tử của mình lý luận. 

            Tòa chỉ định Thẩm Phán Nguyễn Huy Điều được cử làm chánh thẩm, phần hội thẩm có thẩm phán Trần Minh Tiên và thẩm phán Trần Đại Khoa ngồi vào ghế phụ thẩm.  Chưởng Lý phiên tòa giao cho Phó Chưởng Lý Nguyễn Mạnh Nhung.  Luật sư bên bị đơn là công ty Bia Larouge nhãn hiệu "Con Beo" cũng đông đảo không thua gì phiên xử trước.  Sau khi trình bày những lý do khởi tố đơn kiện của mình như đã trình bày trong phiên xử trước, Tuấn nhấn mạnh:

            "Dân tộc chúng ta vì ảnh hưởng quá mạnh bỡi tư tưởng của Phật, Khổng, Lão nên thường hay chọn sự tiêu cực làm lý giải những thiệt thòi, uẩn ức của mình trong cuộc sống. Chúng ta cũng thường nghe "một sự nhịn là chín sự lành" hay "vô phúc đáo tụng đình" mà không chịu tìm hiểu ý nghĩa sâu xa của nó.  Cũng vì quan niệm trên, lịch sử đã chứng minh chúng ta có cả ngàn năm nô lệ giặc Tàu và cả trăm năm nô lệ giặc Tây, bỡi chúng ta quen nhịn nhục, không dám chống trả bạo lực!

            Nói thế để làm chi? Để nhằm chỉ rõ rằng trước bạo lực bất công con người phải biết phản kháng!  Mà cách phản kháng có hiệu quả nhất là phải đưa ra tòa nhờ tòa dùng luật pháp phân xử để răn đe kẻ làm sai và bồi thường cho người thiệt hại.

            Hôm nay tại phiên tòa này cũng vậy, nạn nhân của một công ty bia làm việc tắc trách, chúng ta ở đây ai cũng nhủ thầm rằng chuyện này là chuyện nhỏ, không đáng được quan tâm, và chuyện không xảy ra đối với mình.  Tôi xin mạn phép được trình bày trước tòa một bản án và nguyên tắc được rút ra từ bản án này để chúng ta suy gẫm rằng chuyện này nếu luật pháp không can thiệp, luật pháp làm ngơ thì hậu qủa của nó sẽ xảy đến cho ai!  Đây là một vụ án có thật đã xảy ra tại Anh quốc tôi xin mạn phép kể lại như sau":

            "Vào ngày 26 tháng Tám năm 1928 cô May Donoghue đang ngồi trong môt quán cà phê với một người bạn.  Người bạn mời cô uống bia gừng.  Bia này được chứa trong những chai thủy tinh màu nâu đục Cô May cầm chai tu vài ngụm trước khi người bạn lấy ly đổ bia ra thì trong chai chảy ra một con ốc nhỏ trong tình trạng thúi rữa.  Khi nhìn thấy sự kiện này cùng những chất bẩn chảy ra trong ly cô May ngất đi và đau bụng khó chịu.  Ra tòa cô lý luận rằng công ty sản xuất bia của bị đơn Stevenson bán bia cho người tiêu thụ, trên nhãn chai và trên nắp chai đều có tên Stevenson tức là do Stevenson kiểm tra và đóng nắp.

            Luật sư của cô May, ông Walter Leechman, lý luận rằng bổn phận của bị cáo là phải trang bị cho nhà máy sản xuất bia của mình một hệ thống không có con ốc sên trong chai bia trong quá trình sản xuất và phải có bổn phận khi cho bia vào chai phải kiểm soát kỹ chai sạch hay không.  Cả hai bổn phận đều không nên mới xảy ra cớ sự.

            Bản án không dừng lại ở tòa dưới mà đưa tận lên đến Tòa cao nhất nước Anh là "House of Lords".  Trong phần nghị luận, lý luận của Lord Atkins được kể là phần  lý luận có ảnh hưởng nhất và lý luận này đã mở đầu cho một trang sử mới khi xét xử những vụ án về Negligence (Tắc Trách, Thiếu Bổn Phận). Ông nói:"Mọi người đều phải có bổn phận hợp lý để tránh hành động sai sót làm thiệt hại cho người bên cạnh của mình.  Người bên cạnh mình là ai? Họ là người mà trong con mắt luật pháp họ sẽ là "Người Láng Giềng" của tôi."

            Tuấn oang oang trước tòa, làm cho luật sư Dương cũng hết sức bất ngờ, không ngờ tên học trò nhỏ thó trói gà không chặt lại dám hùng biện trước một phiên tòa Thượng Thẩm thường dành cho những vụ án đại hình.

            Tuấn nói thêm: "nguyên tắc của người láng giềng tuy khó hiểu nhưng cũng dễ giải thích, người ta là láng giềng của bạn thì ngược lại bạn cũng chính là người láng giềng của người ta.  Chuyện xảy ra cho người bên cạnh bạn thì cũng có thể sẽ xảy ra cho chính mình.  Ngày nay nếu tòa không phạt bị đơn về tội làm ăn tắc trách thiếu bổn phận, không giữ gìn vệ sinh sạch sẽ khi sản xuất bia, thì một ngày kia nạn nhân của những chai bia dơ bẩn thiếu vệ sinh do cẩu thả của nhà sản xuất sẽ nhắm đúng vào một nạn nhân đang đứng trong phiên tòa này hay nói cách khác nhiều khi chính các vị ngồi xử án kia cũng sẽ gặp và uống những chai bia thiếu vệ sinh và gián chuột, ốc sên còn nằm trong chai bia mà mình không biết."

             Cả bên nguyên lẫn bên bị đều cố gắng trình bày luận cứ của mình, cố thuyết phục quan tòa rằng lý luận của mình là đúng.  Phiên xử kéo dài cho đến chiều, tòa đình xử và bắt đầu nghị án.

            Trong phòng nghị án Chánh Thẩm Nguyễn Quang Điều ghé tai hỏi nhỏ thẩm phán Trần Đại Khoa:

            - Toa có biết tên học trò nhỏ vừa rồi oang oang trước phiên tòa là ai không?

            - Moi biết chút đỉnh về nó.  Nó là cháu của một giáo sư tiến sĩ đang dạy tại Đại Học Sài Gòn và Huế hiện là Phó Viện Trưởng của một Viện Đại Học tại Sài Gòn.  Hai mươi hai mốt tuổi đỗ cử nhân luật, cậu nó gởi lại văn phòng luật sư Dương để làm tập sự.  Khi đậu Tú Tài hai xong nó thi đậu vào đại học Dược Khoa và có học chung vớì con gái mình một năm ở Dược nhưng vì thích Luật nên nó không muốn làm nghề bán thuốc Tây mà muốn làm thầy cãi.  Trong nguyệt san Dược Khoa nó có làm một bài thơ về Dược Khoa rất có nét nên mình còn nhớ.

            -Tên học trò này dùng nguyên tắc "người láng giềng" trong vụ án Donoghue v. Stevenson xảy ra tại Anh Quốc năm 1928 để biện minh tranh cãi trong những vụ án về "Trách Nhiệm Dân Sự" mình cho đây là một phương pháp áp dụng đúng án lệ cũ, rất hay.  Nó lý luận đúng, nếu không phạt công ty bia kia để uốn nắn những sai trái của họ biết đâu ngày mai sẽ là ngày mà chúng mình cũng sẽ trở thành nạn nhân của sự tắc trách này.

            Chánh thẩm và phụ thẩm cùng nhất trí với nhau như vậy thi kết quả bản án không cần viết ra đây cũng đủ biết ai thắng, ai bại thế nào!

            Đến lượt phụ thẩm Tiên lên tiếng:

            -Toi nói rằng tên học trò nhỏ này có làm thơ về trường Dược nơi con gái toi đang học và đó là bài thơ hay.  Toi còn nhớ hay không, đọc lại nghe chơi sẵn chúng mình đang nghỉ để nghị án.

            - Vì bài thơ hay nên dễ nhớ, mình đọc cho các toi nghe chơi cho vui và nhận xét thế nào?

            Đại Học Dược Khoa - Sài Gòn

            Đây Dược Khoa có cỏ cây xanh lá

            có những chiều sỏi đá dẫm chân đi,

            non nước loạn ly,

            một trời dâu bể.

            Đây Dược Khoa ngạo nghễ,

            mỉm cười ai! Trời lạnh quán thu không.

            Đứng trên lan can mà trông

            đây đại lộ thênh thang tà áo lụa

            thơm màu da ấp ủ ngọt môi nồng.

            Hôm nay ta đứng trông.

            Thời gian như dừng lại trong những giờ thực tập,

            và những giờ lý thuyết kéo dài như lời kinh sám hối.

            Nhưng thôi ta đừng vội

            mà vội làm chi.

            Năm năm dài nơi đây rồi ta làm gì?

            Rồi anh về đi

            rồi chị về đi

            còn ta về đâu?

            Đất nước hôm nay ôm mặt cúi đầu(!)

            Chợt một ngày kia

            một hiệu thuốc tây bán lẻ

            trên con đường phố nghèo nàn

            một phòng bào chế

            bên dãy phố cao sang

            có anh, có chị, có tôi

            đem kiến thức nơi đây mà vun xớí cho đời

            hay giành giựt từng miếng cơm, manh áo.

            Xin các người đừng khách sáo,

            xin các người đừng nghoảnh mặt khinh khi,

            đại học Việt Nam làm được những gì?

            Sinh viên Việt Nam cuối đầu nhược tiểu!

            Đây đại học Dược Khoa,

            đây đất nước thân yêu một sớm mai trời sáng lạn

            anh sẽ về bên em một buổi sáng

            vuốt má em bừng tỉnh mộng công hầu

            anh sẽ thao thức suốt đêm thâu

            nghiền ngẫm rồi điều chế

            một viên thuốc ngủ cho đôi ta

            để ngủ triền miên quên giấc mộng già

            quên đất nước thương đau

            quên trò dâu bể.

            Rồi khi sực tỉnh ra

            anh sẽ xấp đôi mảnh bằng bỏ túi

            và dắt em đi trong một buổi hoàng hôn còn chập chùng nắng đổ(!)

            (Trích thơ của Phan Tấn Thiện, 1971.)

            Chánh thẩm Điều nói:

            - Mình nhớ ra rồi, trước cổng trường Dược Khoa có một rừng cây cối um tùm mà sinh viên thường gọi là "Vườn Dược Thảo" .  Ngó ngang qua là Văn Khoa, bên hông là đại học Nông Lâm Súc.  Xét bài thơ thì cũng không tệ, nhưng tên học trò này còn nhỏ quá, mà chúng mình cho điểm cao coi chừng chẳng khác nào chúng mình nuông chiều nó quá, nó sẽ sinh ra ngạo mạn hư đời.  Lần trước ở Sơ Thẩm nó bị đánh rớt rồi, thôi lần này chúng mình cho nó đậu"vớt" nhé!  Thôi chúng mình ra tuyên án đi.

            Ba quan Tòa mặc áo thụng đỏ, khệnh khạng bước ra.  Sau tiếng hô nghiêm của Thừa Phát Lại, phòng xử dường như ngừng lại, im lặng như tờ.  Sau khi ngồi xuống ghế, thẩm phán Nguyễn Huy Điều chậm rải nói:

            "Chúng ta đang ở trong chế độ cọng hòa, lấy Tự Do và Dân Chủ làm nền tảng để dựng xây cuộc sống.  Trong một quốc gia hòa bình, Tự Do và Dân Chủ là hai sinh tố cần thiết để phát triển quốc gia và phát triển xã hội mang cơm no áo ấm cho người dân.  Tuy nhiên trong một quốc gia đang có chiến tranh sự tự do quá trớn vượt qua khỏi khuôn khổ của luật pháp cũng sẽ làm giảm đi sức chiến đấu và tiềm năng chống xâm lăng của quốc gia mình.  Chỉ cần nhìn vào con số hình sự xảy ra trong một quốc gia chúng ta sẽ biết quốc gia ấy thực sự có Tự Do Dân Chủ hay không, hay chỉ là những chiêu bài giả hiệu.   Tiến tới tự do thì số hình tội ít, đi xa tự do thì số hình tội nhiều đó là lời nói của Montesquieu khi luận về Tinh Thần Luật Pháp. Hôm nay bản tòa muốn nhắc đến những lời nói vàng ngọc của người xưa để đề cao những giá trị của tự do dân chủ và quyền lợi của người tiêu dùng để kết luận rằng công ty bia "Larouge" đã làm việc tắc trách, thiếu bổn phận đối với khách hàng của mình.  Bổn tòa tuyên án như sau: - Tòa phạt công ty bia Larouge phải trả tất cả án phí tụng lệ; phạt công ty bia $50,000 số tiền này được sung vào công quỹ ngay tức khắc; và bồi thường cho nạn nhân là cô Mỹ Dung là $100,000."

            Thẩm phán Điều nói huyên thuyên trong khi đọc án, ông nói về triết lý của luật pháp, về Trách Nhiệm Dân Sự, nơi đây chúng tôi chỉ ghi lại những nét chính trong lời nghị án của ông mà thôi.

            Hai thầy trò luật sư Dương cùng Mỹ Dung hết sức vui mừng hí hửng xách cặp ra khỏi Tòa cho mau.  Ông vỗ vai khen Tuấn mộng mơ thiệt xứng đáng làm đệ tử của ông, không uổng công lao của ông đào tạo. Ông hỏi hai đệ tử:

            - Sao?  Chiều nay hai đứa muốn đi ăn  "Lươn Um Sữa Tươi" nữa không?  Chầu này thầy trả!

 

2015

 

Phan Tấn Thiện
Số lần đọc: 1475
Ngày đăng: 28.11.2018
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Nguyễn Minh Nữu và “Lời ghi trên đá” - Phan Trang Hy
Khái niệm Âm – Dương, Ngũ Hành - Lê Viết Yên
Chìa khóa giải mã thơ Đường của Thánh Thán - Mai Văn Hoan
Xuân Quỳnh, đã yên ngày thác lũ - Nguyễn Đức Tùng
Nói thêm về Nguyễn Công Trứ - Yến Nhi
Bí truyền của Thiền - Võ Công Liêm
Thân tâm nhà Phật - Võ Công Liêm
Elena Pucillo Truong – từ sông PO đến sông CÔN - Ban Mai
Tiếng thơ Đỗ Phủ vang động đất trời” - Mai Văn Hoan
Chất thơ của truyện ngắn Tôi đi học (Thanh Tịnh) qua hệ thống từ láy - Chế Diễm Trâm