Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.184
123.215.663
 
Puskin và Nguyễn Du – hai nhà tiên tri* của hai dân tộc
Nguyễn Anh Tuấn

 

 

1. Nhà triết học, nhà phê bình văn học Nga danh tiếng V. Soloviev thế kỷ XIX đã khảo sát bảy tác phẩm của Puskin nói về bản chất và ý nghĩa của thơ ca, về sứ mệnh chân chính của nhà thơ (Nhà tiên tri, Nhà thơ, Nhà thơ và đám đông, Gửi nhà thơ, Mozart và Salieri, Tiếng vọng, Tượng đài), và tác phẩm quan trọng được Soloviev đưa ra khảo sát đầu tiên, là bài thơ Nhà tiên tri.

Bài thơ này là một trải nghiệm của nhà thơ, mô phỏng Kinh Thánh, nhưng khác biệt về bản chất với nhà tiên tri trong Kinh Thánh. Nếu sự Khải huyền của các nhà tiên tri có thật trong lịch sử và các nhà tiên tri trong Thánh Kinh chỉ liên quan đến vận mệnh các dân tộc hoặc vận mệnh dân tộc nào đó được Thượng đế tuyển chọn, thì sự “Khải huyền” của nhà thơ-nhà tiên tri lại mang tính “đạo đức-tinh thần trừu tượng”, “có tính phổ quát liên quan tới cả nhân loại.”(1). Và Soloviev đã có nhận định khái quát giàu sức thuyết phục về sứ mệnh của nhà thơ nói chung thông qua Puskin- nhà tiên tri - thi sĩ: “Ý thức của Puskin về mình như một thi sĩ đã chín muồi và tăng trưởng do những nguyên nhân bên trong và bên ngoài, trong phút giây thần hứng đã thăng thượng và biến hóa thành hình ảnh uy nghi của Nhà tiên tri trong Kinh Thánh- hình ảnh ấy tất nhiên thích hợp không phải với bất kỳ nhà thơ nào, mà chỉ với nhà thơ lý tưởng, nhà thơ được kêu gọi từ bên trên, nhà thơ có sứ mệnh vĩ đại, chỉ thích hợp với tiềm năng cao nhất của thiên tài sáng tạo…nơi mà sự viên mãn và toàn vẹn sống động của sứ mệnh nhà thơ được diễn đạt bằng ngôn ngữ thơ… Và ý tưởng ấy được diễn đạt ở đây trong độ cao chót vót, trong bầu không khí cực kỳ tinh khiết và thoáng đãng của tư duy, nơi mà bản chất của sứ mệnh nhà thơ xích gần lại và hòa làm một với bản chất của sứ mệnh nhà tiên tri, để lại ở phía dưới những đặc điểm lịch sử-dân tộc và cá nhân, của tất cả các nhà tiên tri cũng như tất cả các nhà thơ.”(2)

Những điều Soloviev viết về Puskin, chúng ta cũng có thể vận dụng để nói về thi hào Nguyễn Du, một nhà tiên tri của văn học VN thời trung đại, người sinh ra trước Puskin gần nửa thế kỷ, ở hai đất nước cách xa nhau, ở hai thế giới Đông – Tây khá biệt lập của thế kỷ 18; song giữa hai thiên tài của hai dân tộc dường như có một sợi dây vô hình gắn bó “tất cả các nhà thơ” chân chính của mọi thời đại với nhau, sợi dây đó chính là khát vọng sáng tạo văn chương nghệ thuật để tác phẩm sẽ “Sống lâu hơn di hài và tránh được sự rữa nát” (Đài kỷ niệm, Puskin) và “Nghìn thuở nơi chín suối vẫn có mùi hương -Thiên cổ trùng tuyền thượng hữu hương. Âu Dương Văn Trung Công mộ, Nguyễn Du). Nguyễn Du và Puskin với tư cách là những Nghệ sĩ thiên tài đã vượt qua  biết bao đau khổ, gian truân, trở ngại để vươn tới đỉnh cao nghệ thuật nhằm thực hiện cái sứ mệnh cao cả nhất của một nhà văn-nghệ sĩ:

Và nhân thế sẽ còn yêu ta mãi

Vì đàn thơ ta thức tỉnh tình thân ái,

Vì trong thủa bạo tàn ta ca ngợi tự do

Và gợi từ tâm với những kẻ sa cơ. ( Đài kỷ niệm,Thuý Toàn dịch)

Ngành Nguyễn Du & Kiều học trong tương lai sẽ cần có nhiều công trình nghiên cứu so sánh Nguyễn Du và các tác giả lớn thế giới- trong đó có Puskin, trên nhiều phương diện Nội dung- Tư tưởng- Nghệ thuật… theo phương pháp nghiên cứu song hành (parallel study) do các học giả Mỹ đề xuất. Theo GS Trần Đình Sử, “so sánh song hành có thể so sánh dị đồng và rút ra phán đoán về giá trị; so sánh song hành phá vỡ hạn chế về thời gian, không gian, chất lượng.” Và: “tăng cường nghiên cứu song hành văn học VN và văn học thế giới là con đường khám phá bản sắc dân tộc.”(3) Còn theo tác giả của Văn tâm điêu long: “Khi xét chung các điểm dị đồng thì ta có thể hiểu rõ cái chủ chốt.”(4) Trong bài viết nhỏ này, chúng tôi chỉ dám đưa ra đôi so sánh dị đồng để góp phần lý giải phần nào cái sức sống bất tử trong các tác phẩm của hai nhà tiên tri- nghệ sĩ này của hai dân tộc.

2. Các nhà nghiên cứu văn học thế giới nói chung và ngành Puskin học nói riêng ở Nga đã từ lâu thống nhất khẳng định: Puskin là nhà cải cách vĩ đại của ngôn ngữ văn học Nga, là cha đẻ thực sự của nền văn học Nga mới và ngôn ngữ văn học mới của Nga. Tiếp thu những thành tựu của các nhà văn thế hệ trước, tập đại thành dòng văn học bác học và dòng văn học dân gian Nga, Puskin có những cách tân phi thường về ngôn ngữ văn học; và với sứ mệnh “đem lời nói đốt tim muôn người”, Puskin đã thay thế ngôn từ kiểu cách, êm dịu, bóng bẩy, sáo rỗng của salon quý tộc nhiều thế kỷ bằng những ngôn từ bình dị, chân chất, chính xác, súc tích, có sức truyền cảm mạnh mang tính nhân dân sâu sắc để diễn tả tâm trạng của bản thân  ông và các nhân vật- trong thơ trữ tình, trường ca, văn xuôi... Hơn thế, ông đã xóa được sự ngăn cách giữa tư tưởng tiên tiến của thời đại lúc bấy giờ với ngôn ngữ của dân tộc ông để chúng trở thành phương tiện tương ứng để phản ánh những tư tưởng của cả nhân loại… Ảnh hưởng của Puskin trong đời sống vật chất và đời sống văn hóa của đồng bào ông và nhân dân thế giới vô cùng sâu rộng. Văn hào N. Gôgôn từng viết: “Khi nhắc đến Puskin ta nghĩ đến ngay đó là một nhà thơ dân tộc. Trên thực tế không một ai trong số các nhà thơ của chúng ta có thể xứng đáng hơn ông mang danh hiệu đó. Danh hiệu đó chỉ thuộc về ông. Ở ông, giống như cuốn tự điển, chứa đựng toàn bộ sự giầu có, sức mạnh và sự uyển chuyển của ngôn ngữ chúng ta. Hơn bất cứ ai, ông đã mở rộng ranh giới của ngôn từ, đã chỉ ra không gian bao la của nó. Trong ông, thiên nhiên Nga, tâm hồn Nga, ngôn ngữ Nga, tính cách Nga được phản ánh thuần khiết đẹp tới mức giống như cảnh vật được soi trên mặt phóng đại. Puskin là một hiện tượng đặc biệt, có thể nói, duy nhất của tinh thần Nga… Nhà thơ mang tính dân tộc ngay cả khi miêu tả những sự vật bình thường, nhưng đã nhìn những sự vật ấy bằng con mắt của đồng bào ông, cảm nhận và diễn tả như thể chính họ cảm nhận và diễn tả…”(5). Và cũng một văn hào đồng hương của Puskin là F. Dostoievski đã thốt lên: “Các nhà thơ vĩ đại nhất của châu Âu chưa khi nào có thể hoà nhập một dân tộc khác vào bản thân mình, thể hiện chiều sâu tinh thần và những đau khổ của nó với một sức mạnh thiên tài như Puskin… ông là hiện tượng chưa từng được nhìn thấy và nghe thấy… đó là hiện tượng mang tính tiên tri... bởi vì ở đây thể hiện rõ hơn cả tinh thần dân tộc Nga, thể hiện tính nhân dân trong thơ của ông, tính nhân dân trong sự phát triển của nó, tính nhân dân trong tương lai của chúng ta, đã thấm nhuần trong hiện tại và thể hiện một cách tiên tri.”(6) Và rất nhiều đánh giá nồng nhiệt chân xác của các nhà văn Nga cũng như các nhà văn  thế giới về thiên tài Puskin mà chúng ta có thể tham chiếu vào thiên tài Nguyễn Du của chúng ta! (7)

Ở Việt Nam, kiệt tác “Thiên thu tuyệt diệu từ” (Đào Nguyên Phổ) suốt hơn hai trăm năm nay đã in sâu trong lòng biết bao thế hệ, góp phần quan trọng vào sự phát triển đời sống tinh thần dân tộc; không chỉ vì Truyện Kiều là một tập đại thành của văn học chữ viết, một đỉnh cao của ngôn ngữ Việt, mà chính vì đã thể hiện được một cách sâu sắc những giá trị nhân văn vượt thời gian và mang tính nhân loại. Trên thế giới hiếm có một tác phẩm nào có ảnh hưởng tới văn hoá dân tộc sâu rộng đến như thế! Truyện Kiều là tác phẩm của ngàn tâm trạng, như nhà nghiên cứu Phan Ngọc từng nói, vì vậy người Việt ai cũng có thể dễ dàng dùng những câu thơ giàu ẩn ý trong Truyện Kiều để bình giải cho từng cảnh ngộ đời, từng số phận, hoặc để xem bói Kiều. Các trí thức nho học làm thơ vịnh Kiều, làm án các nhân vật Kiều, đề tựa Truyện Kiều, khắc ván in Truyện Kiều bằng chữ Nôm. Từ khi ra đời, tuyệt tác này đã được bao danh sĩ bàn luận, phẩm bình, tán thưởng với những lời đẹp đẽ nhất. Bộ từ điển “Các tác phẩm của tất cả các thời đại và các xứ sở” xuất bản tại Paris năm 1953 đã có những nhận định khách quan, xác đáng về kiệt tác Truyện Kiều: "Ở thời kỳ, mà người Việt đang thoát dần ra khói sự lệ thuộc về văn tự viết bằng chữ Hán để trở về với tiếng mẹ đẻ thì công lao vĩ đại của Nguyễn Du là ông đã biết phát huy nghệ thuật chỉ riêng ông có, khiến cho ngôn ngữ dân tộc đã phong phú giàu chất nhạc, được nâng lên tột đỉnh của nghệ thuật, mà trước đó và cả đến hôm nay, chưa có tác giả nào vươn tới được.” - "Hẳn rằng trong kho tàng ngôn ngữ của nhân loại chưa hề có hoặc hiếm có một tác phẩm nào lại rất đỗi thân quen và sống mãi với dân gian như Truyện Kiều của Nguyễn Du."(8) Cách đây gần một thế kỷ, dịch giả Truyện Kiều, nhà thơ người Pháp René Crayssac viết rằng “Truyện Kiều của cụ Nguyễn Du thật là một nền văn chương kiệt tác, có thể so sánh với những kiệt tác văn chương của bất cứ đời nào, nước nào cũng không thua vậy."

Nhà phê bình Nga lỗi lạc V.G. Bêlinxki có lẽ là người đầu tiên phát hiện và đánh giá xác đáng phẩm chất nghệ thuật trong sáng tác văn chương của Puskin: “Puskin xuất hiện vào đúng lúc mà thơ ca ở nước Nga có khả năng trở thành nghệ thuật… Sứ mệnh của Puskin là làm nhà thơ - nghệ sĩ đầu tiên của nước Nga, hiến cho đất nước mình một nền thơ nghệ thuật…Trước Puskin chúng ta thậm chí chưa có cả linh cảm thế nào là nghệ thuật, là chất nghệ sĩ, cái làm nên một mặt tuyệt đối của tâm hồn con người… Ông hiến tặng cho chúng ta thơ ca như một nghệ thuật, một hội họa. Chính vì vậy ông vĩnh viễn là một nghệ nhân mẫu mực của thi ca, người thày của nghệ thuật.”(9). Chúng ta có thể dùng luận điểm của Bêlinxki: “Sứ mệnh của Puskin là làm nhà thơ - nghệ sĩ đầu tiên của nước Nga, hiến cho đất nước mình một nền thơ nghệ thuật”, để nói về Nguyễn Du: “Sứ mệnh của Nguyễn Du là làm nhà thơ - nghệ sĩ đầu tiên của Việt Nam, hiến cho đất nước mình một nền thơ nghệ thuật.” GS.Trần Đình Sử, chuyên gia thi pháp học hàng đầu ở VN đã viết về Nguyễn Du trên tinh thần đó một cách sáng rõ và tập trung hơn ai hết: “Trong số các nhà văn trung đại Việt Nam có lẽ Nguyễn Du xứng đáng nhất với danh hiệu nghệ sĩ.”(10) Và: “Vị trí của Truyện Kiều trong văn học Việt Nam là ở chỗ nó đánh dấu sự xuất hiện của thi ca nghệ sĩ, sự thăng hoa của thiên tài lên trên chủ nghĩa giáo huấn, biến văn học trung đại trở thành văn học nghệ thuật, biến tiếng Việt thành tiếng Việt văn học đích thực, biến truyện Nôm thành một thể loại nghệ sĩ… Giá trị của Truyện Kiều trước hết là một giá trị sáng tạo văn hoá, văn chương tuyệt đỉnh.”(11)

3. Trong bài Nhà thơ, Puskin coi nghệ thuật là “sự hy sinh thiêng liêng” mà thần Apôlông đòi hỏi “cây đàn thần” của nhà thơ dâng hiến. Ông trân trọng “bàn thờ rực sáng” của nghệ thuật và xem tác phẩm nghệ thuật như “chiến công cao thượng” (Gửi nhà thơ). Đối với Puskin, thi ca là niềm hân hoan không gì sánh nổi: “Diễm phúc thay kẻ nếm mùi khoái cảm/ Của những tư tưởng cao xa và những vần thơ”! Hơn thế, ông coi nghệ thuật như một hoạt động tâm linh cao quý, thiêng liêng: “Thi ca như vị thần- người an ủi/ Đã cứu thoát tôi, hồn tôi đã phục sinh” (Gửi Giucôpxki). Người có quan niệm sáng tỏ: “Lịch sử của nhân dân thuộc về nhà thơ” cũng là người đã khẳng định: “Tiếng nói tôi liêm khiết/ Tiếng vọng nhân dân Nga” (Gửi I.Ya.Pliuxcôva).(12) Tập “Những dòng thơ viết trong đêm không ngủ” của Puskin bộc lộ khát khao thấu hiểu nhân loại: “Ta muốn hiểu được ngươi cho tường tận/ Ta muốn dò tìm ý nghĩ trong ngươi...”(13). Còn Nguyễn Du, mặc dù có lúc cảm thấy cuộc đời trăm năm chết xác trong chốn văn chương (Bách niên cùng tử văn chương lí. Mạn hứng), hoặc lúc bình sinh văn chương tôi như chim phượng phải nằm trong lồng nát (Sinh bình văn thái tàn lung phượng. Tống Nguyễn Sĩ Hữu Nam quy), nhưng chuyện kim cổ gợi lại bao nhiêu điều thương tâm day dứt trái tim người nghệ sĩ (Vô cùng kim cổ thương tâm xứ, Mạn hứng2) khiến “Hồn bừng tỉnh khỏi cơn mộng mị” (Nhà thơ, Puskin )... Bởi thế, văn chương của ông trước hết là kết quả củanhững điều trông thấy trên đường đi (Sở kiến hành), của mắt thấy (nhãn kiến. Trở binh hành), ta chợt thấy như vậy (ngã sạ kiến chi. Thái Bình mại ca giả), tận mắt nhìn thấy (mục trung sở xúc. Tỉ Can mộ), phần lớn lại là “những điều trông thấy mà đau đớn lòng” (Truyện Kiều). Nhưng từ những quan sát “sở kiến”, chúng đều đã trở thành những suy tư trăn trở, những ám ảnh đau đớn về thân phận con người khiến ông sớm bạc tóc, và buộc ông chẳng thể rời xa ngọn bút... Có thể nói: Nguyễn Du thường viết trong nước mắt, bằng nước mắt và thậm chí bằng cả máu của mình, như cảm xúc của người đời sau “Lời văn chảy ra hình như máu chảy ở đầu ngọn bút” (Mộng Liên Đường Chủ Nhân). Xưa Lưu Hiệp nói: “Đời xa không ai thấy mặt nhà văn, nhưng xem văn liền thấy lòng của họ.”(14), thì đến thi hào Nguyễn Du, ông quan niệm sáng tỏ về mối quan hệ giữa chủ thể sáng tạo và sản phẩm sáng tạo: thấy thơ như thấy người (Kiến thi như kiến nhân. Đề Vi, Lư tập hậu), cũng có nghĩa Thơ là Người, trong thơ ca chân chính không thể giả dối, nhập nhèm, đánh lận con đen.

Puskin thường nói đến cái “bi kịch của sáng tác”, kết quả của “sự lao động thường xuyên”, của việc nghiên cứu “có lương tâm”, của “Sự lao động bí mật”, “Sự lao động yên lặng.”(15) Gôgôn thấu hiểu công phu sáng tạo của Puskin: “Ngay cả những lúc ông loay hoay “trong ngất ngây dục vọng”, thi ca đối với ông vẫn là vật thiêng, hệt như một ngôi đền. Ông không bước vào đó với bộ dạng luộm thuộm, lôi thôi; ông không mang vào đó một cái gì chưa nghiền ngẫm kỹ, nông nổi từ chính cuộc đời của riêng mình (…) Bạn đọc chỉ cảm nhận được độc có hương thơm, nhưng những chất liệu gì cháy rụi trong lồng ngực nhà thơ để có thể sản sinh ra hương thơm đó thì không ai có thể thấy.”(16) Và trong cuộc đời ngắn ngủi của mình, với sự lao động nghệ thuật nghiêm khắc, kiên nhẫn của một “con người lao động vĩnh viễn”, bậc thiên tài Nga đã để lại cho nhân thế những kỳ quan nghệ thuật có giá trị vĩnh hằng.

Nguyễn Du lại có cách nói riêng mà không kém phần thấm thía về Giá trị bất tử của văn chương, về lao động nghệ thuật khổ ải song đáng tự hào của mình: Cạnh gối, có chồng sách đỡ tấm thân bệnh tật (Chẩm bạn thúc thư phù bệnh cốt. Tạp ngâm2), cuộc vui buồn trăm năm bao giờ mới hết? Sách vở đầy bốn vách, bao nhiêu cũng vừa (Bách niên ai lạc hà thời liễu? Tứ bích đồ thư bất yếm đa. Tạp ngâm1), ham mê sách còn hơn đắm đuối vì hoa (Dâm thư do thắng vị hoa mang. Điệp tử thư trung), cảnh đẹp nhờ người mà danh để nghìn năm (Thiên niên thắng tích dĩ nhân truyền. Đào Hoa đàm Lý Thanh Liên cựu tích).

Nguyễn Du không lần nào trực tiếp mô tả quá trình tác phẩm thơ được sáng tạo như thế nào như Puskin, nhưng qua các lần tự trào về sự vất vưởng đời sống ảnh hưởng tới việc đọc và viết của ông (như: thần ôn vào nhà muốn bắt vía người, chuột đói leo giường găm sách vở - Lệ thần nhập thất thôn nhân phách/ Cơ thử duyên sàng khiết ngã thư), ông đã cho chúng ta thấy rõ một điều: cái Tâm trong sáng, cao cả của ông chính là cái gốc sáng tạo văn chương:Tấm lòng trong vằng vặc, như ánh trăng sáng chiếu giếng nước năm xưa (Trạm trạm nhất phiến tâm/Minh nguyệt cổ tỉnh thuỷ. Đạo ý);Chưa từng có chuyện văn chương gây nghiệp chướng, miễn là không để cho bụi bặm lẫn vào nơi trong sạch (Vị hữu văn chương sinh nghiệt chướng/ Bất dung trần cấu tạp thanh hư). (Ta hãy nhớ lại Puskin từng “Ngắm trò vui trần giới thấy buồn sao/ Và xa lánh những thị phi miệng thế”, để rồi “ngộ ra” cái sứ mệnh nặng nề song thiêng liêng của nhà tiên tri-thi sĩ: “Hồn bừng tỉnh khỏi cơn mộng mị/ Như đại bàng thức dậy chốn non cao”. Nhà thơ). Nếu theo Puskin, “sự thật mạnh hơn nhà vua” (nhắc lời Kinh thánh), thì đối với Nguyễn Du, văn thiêng không phải nhờ ở khoa ngôn ngữ (Linh văn bất tại ngôn ngữ khoa. Lương Chiêu Minh thái tử phân kinh thạch đài)… Chính thế giới hiện thực phong phú và con người đa dạng, với nhiều tầng bậc ý nghĩa - triết lý trong các tác phẩm Nguyễn Du có thể giúp chúng ta rút ra được hệ thống quan niệm sáng tạo nghệ thuật độc đáo của riêng ông. Đó còn là khoảng trống dành cho các nhà Nguyễn Du& Kiều học…

Nhà văn Nga A. Gherxen nói về tính tự thuật khá đậm nét trong thơ Puskin: “Thơ trữ tình của Puskin là các giai đoạn đời ông, tiểu sử của tâm hồn ông”(17); còn nhà văn Pháp Pat'ric Besson cũng nhận xét tương tự: “Ông đã kịp làm chính số phận của mình thành thước đo và đồng thời là đối tượng sáng tác của mình.”(18) Chúng ta cũng có thể dùng những lời như vậy để nói về Nguyễn Du: “Thơ trữ tình của Nguyễn Du là các giai đoạn đời ông, tiểu sử của tâm hồn ông.”- “Nguyễn Du đã kịp làm chính số phận của mình thành thước đo và đồng thời là đối tượng sáng tác của mình.”

Soloviev đã phân tích hai câu thơ đầu bài thơ Nhà tiên tri của Puskin: “Bị dày vò bởi khát vọng tinh thần/ Tôi lê bước trong hoang mạc tăm tối.” Và nhận xét tinh tế của Soloviev về hình tượng hoang mạc: “Trong ngôn ngữ thơ ca, không thể gọi là hoang mạc cái cảnh cô liêu mùa thu giữa làng quê Nga, nơi mà những cảm hứng sáng tạo siêu việt nhất đã đến với chính Puskin”(19), nhận xét này khiến chúng ta liên tưởng tới những đoạn đời lang thang, lặn lội khắp thế gian của người người du tử, người lãng tử Nguyễn Du, một “khách tang hải” (chữ của Chu Mạnh Trinh) đi tìm dấu vết của những bậc thầy văn chương (Đỗ Phủ, Khuất Nguyên, Lý Bạch..), đi tìm chất liệu sống và nguồn “cảm hứng sáng tạo siêu việt” cho nghệ thuật ngôn từ; ở những nơi không chỉ có cảnh cô liêu buồn bã mà còn có cả mưa bão, gió lốc thổi bật rễ ngọn cỏ bồng… Qua nhiều năm tháng, đầu bạc rồi mà dấu chân còn in khắp núi sông (Bạch đầu túc tích biến sơn xuyên. Hàm Đan tức sự). Chính trong những cảnh ngộ cô đơn, bị thúc ép giữa “hùng tâm” và “sinh kế”, khi mà trăm nỗi u buồn chưa một lần được giải thoát (Bách chủng u hoài vị nhất sư. Bát muộn), Nguyễn Du vẫn không nguôi ấp ủ chí hướng sáng tạo, với tâm thế như của Puskin, “Lời khen cũng như điều vu khống: hãy tiếp nhận thờ ơ” (Đài kỷ niệm, Puskin), để “bài thơ làm xong thì cỏ cây nơi này cũng trở thành bất tử”(Thi thành thảo thụ giai thiên cổ.)

Nếu Puskin thường miêu tả những kiếp đời bất hạnh của người dân lao động, và bộc lộ thái độ đồng cảm sâu sắc với họ, như người thiếu phụ buộc phải lìa bỏ đứa con của mình, như những người suốt đời làm thân nô lệ không dám nghĩ đến hoài bão, ước mơ (Làng), thì Nguyễn Du cũng luôn có sự gần gũi, thương cảm, thấu hiểu cho thân phận của quần chúng lao động- những người vất vả, đau khổ, cuộc sống bấp bênh, chịu thiệt thòi hơn cả, những người dưới đáy xã hội ở trong nước cũng như ngoài biên giới (Sở kiến hành, Thái Bình mại ca giả, Trở binh hành, Hà Nam đạo trung khốc thử, Văn tế thập loại chúng sinh, v.v.). Đêm trọ giữa đồng, kẻ lữ hành đang nhậm chức quan triều gặp bác tiều phu nghèo, bỗng thấy thương nhau, không cứ ở chỗ giống nhau (Dã túc phùng tiều giả/Tương liên bất tại đồng. Phượng hoàng lộ thượng tảo hành)… 

Với tư cách là “nhà tiên tri”, “chiến sỹ trung thành của tự do”, “người gieo giống tự do”, “người bạn của nhân loại”, Puskin kêu gọi: “Hãy dũng cảm và coi khinh sự dối trá, và Puskin đã thay mặt Nhân dân nhiều lần lên án chế độ Sa hoàng chuyên chế tàn bạo bằng những lời thơ đanh thép. Còn Nguyễn Du, với tư cách là một thi nhân khoác áo chánh sứ trong khi “giải ảo Trung Hoa”, “giải thiêng chế độ phong kiến” cũng không kém sự hùng hồn và phẫn nộ của một sử gia trung thực trước những kẻ không để lộ vuốt nanh sừng và nọc độc, thế mà cắn xé thịt người ngọt xớt như đường! (Bất lộ trảo nha dữ giác độc/Giảo tước nhân nhục cam như di. Phản chiêu hồn).(20) Puskin tâm niệm: “Không những có thể mà còn phải tự hào về vinh quang của Tổ tiên mình”, và ông coi đó là “phẩm hạnh của cả một dân tộc.”(21) Còn Nguyễn Du khi đi qua mộ kỳ lân đã lên án gay gắt bạo chúa Minh Thành Tổ, và bộc lộ kín đáo lòng tự hào dân tộc sâu xa của mình:Nếu bảo vì thánh nhân mà kỳ lân xuất hiện, Thì buổi ấy sao không sang dạo chơi phương Nam? (Nhược đạo năng vị thánh nhân xuất/ Đương thế hà bất nam du tường. Kỳ lân mộ).

Puskin nhiều lần chống lại chủ nghĩa thực dụng vật chất tầm thường, và phê phán kịch liệt chủ nghĩa sơ lược, chủ nghĩa minh họa trong nghệ thuật. Ông coi “mục đích của thơ là thơ”. Puskin tâm sự với hậu thế: “Không! Ta không chết trong đàn thơ di chúc/Hồn ta còn sống mãi chẳng tiêu tan/Và trên đời dù chỉ còn một thi nhân/Danh tiếng ta vẫn còn vang mãi mãi “(Đài kỷ niệm, Thúy Toàn dịch). Còn Nguyễn Du thì trăn trở và nói với người đời sau: Cái án phong lưu ta tự mang. Không biết hơn ba trăm năm sau nữa, Thiên hạ ai người khóc Tố Như chăng? (Phong vận kỳ oan ngã tự cư/ Bất tri tam bách dư niên hậu/ Thiên hạ hà nhân khấp Tố Như. Độc Tiểu Thanh ký).

3. Nhà phê bình ký hiệu học người Nga nổi tiếng Iu.M. Lotman trong công trình Cấu trúc văn bản nghệ thuật đã phân tích sâu khái niệm: “Điểm nhìn của văn bản” và vận dụng để khám phá, phân tích sự cách tân nghệ thuật của Puskin trong sáng tạo văn học. Ông viết: “Đặc thù của thơ ca Nga thời kỳ trước Puskin đó là sự hội tất cả các quan hệ chủ-khách thể vào một tiêu điểm… Trong thơ lãng mạn chủ nghĩa, những điểm nhìn nghệ thuật cũng hội tụ vào một trung tâm…Trung tâm này- tức chủ thể của văn bản thơ- trùng với cá nhân tác giả, trở thành bản sao trữ tình của nó”(22), từ đó, tác giả đi sâu vào phân tích “quá trình phức tạp hóa điểm nhìn trong truyện tự sự thể hiện rõ ràng ở Evgenhi Onhegin” và văn xuôi thời kỳ sau của Puskin, mà trong đó “các phương tiện ngôn ngữ thể hiện cái nhìn của nhân vật liên kết với những cái nhìn của tác giả và các nhân vật khác…Trong khuôn khổ một câu văn có thể hiện lên mấy cái nhìn khác nhau”- điều này sẽ tạo ra sức mạnh của “vị thế chủ thể” lẫn “kết cấu của” hiện thực” đồng thời cũng gần “với cấu trúc Điện ảnh rõ rệt: sự thay thế các điểm nhìn và ráp nối các cảnh.” Như vậy là, “cấu trúc đa giọng điệu phức tạp của những điểm nhìn đã ra đời, làm cơ sở cho nghệ thuật trần thuật hiện đại.”(23) Cùng với lao động nghệ thuật khổng lồ và những cách tân phi thường về ngôn ngữ văn học, sáng tạo của Puskin về cấu trúc trần thuật- nổi bật nhất là các điểm nhìn phức tạp luôn được thay đổi đã góp phần không nhỏ làm nên “vầng thái dương của thơ ca Nga” và tạo ra những đỉnh Thái sơn của văn học ở tất cả các thể loại: thơ trữ tình, trường ca, kịch, truyện thơ, tiểu thuyết…

Chúng tôi xin mạnh dạn bước đầu tìm hiểu phương pháp “cấu trúc đa giọng điệu phức tạp của những điểm nhìn” của “nghệ thuật trần thuật hiện đại” đã được thi hào Nguyễn Du xử dụng một cách tài tình trong kiệt tác Truyện Kiều như thế nào, góp phần quan trọng tạo nên một “Khúc Nam âm tuyệt xướng” bất hủ của dân tộc ta.

Xin thử thao tác ở trích đoạn Kiều và Hoạn Thư từ câu 1799 – 1866: Chạnh niềm nhớ cảnh gia hương đến Đĩa dầu vơi nước mắt đầy năm canh.

Mở đầu, là trần thuật bình thường, trung tính, giới thiệu về bối cảnh, tình huống, nhân vật và thái độ hai nhân vật ( dưới góc độ khách quan) mà ở đó sẽ diễn ra một tấn bi kịch mà độc giả nín thở chờ đợi- do đã nắm được đoạn trên của câu chuyện: Chạnh niềm nhớ cảnh gia hương/ Nhớ quê chàng lại tìm đường thăm quê/ Tiểu thư đón cửa giãi giề/ Hàn huyên vừa cạn mọi bề gần xa/ Nhà hương cao cuốn bức là/ Buồng trong truyền gọi nàng ra lạy mừng.

Ngay sau đó, tấn kịch diễn ra, trước hết là bằng sự ngỡ ngàng của Kiều khi phát hiện ra Thúc Sinh đang ngồi đó, chưa biết chuyện gì sắp đến…Và điểm nhìn đầu tiên là của Kiều, với tâm trạng giật thột đến sững sờ: Thôi thôi đã mắc vào vành chẳng sai, và sự phán xét nhạy bén về tình thế mình đang rơi vào bởi một kẻ tinh ma lọc lõi, nhưng đã bắt đầu đượm lo lắng và chua chát về lẽ đời của Kiều: Chước đâu có chước lạ đời/ Người đâu mà lại có người tinh ma/ Rõ ràng thật lứa đôi ta,/ Làm ra con ở chúa nhà đôi nơi.

Nhưng tiếp ngay sau đó, điểm nhìn và tâm trạng của Kiều hòa nhập vào điểm nhìn và tâm trạng của tác giả: Bề ngoài thơn thớt nói cười/Mà trong nham hiểm giết người không dao/Bây giờ đất thấp trời cao/Ăn làm sao nói làm sao bây giờ? Sự hòa nhập hai điểm nhìn và hai tâm trạng này bất ngờ trở thành điểm nhìn của chính độc giả, tạo ra sự đồng cảm rất mạnh của độc giả, và độc giả cũng bắt đầu vô tình nhập thân vào Kiều để nhìn nhận đánh giá tình thế, trong khi vẫn là người quan sát tấn kịch.

Đến đây, điểm nhìn của Kiều và Tác giả dần chuyển sang Thúc Sinh. Nhưng trước khi ống kính chĩa vào Thúc Sinh trực diện để miêu tả khách quan, thì thái độ cùng cái cảm xúc: Càng trông mặt càng ngẩn ngơ/ Ruột tằm đòi đoạn như tơ rối bời/Sợ uy dám chẳng vâng lời/Cúi đầu nép xuống sân mai một chiều là của tất cả: Thúc Sinh, Kiều và chính Tác giả, khó phân biệt, tạo ra ba cái nhìn và ba tâm trạng giao thoa nhau về mặt văn bản. Để thànhmột scene (cảnh phim, gồm một chuỗi cảnh quay), chúng ta sẽ phải có ít nhất ba shot (cảnh quay) dựng nối tiếp: 1. Thúc Sinh trong con mắt chủ quan của Kiều bị như bị quáng nắng, thật hư khó xác định ( toàn cảnh rộng) 2. Cái nhìn kinh ngạc, khiếp đảm của Thúc Sinh khi nhận ra cô hầu gái mới kia chính là Kiều ( trung cảnh) 3. Cảnh hai người như hóa đá trước nhau, không biết phải làm gì (toàn cảnh hẹp - và cũng là cái nhìn tương đối khách quan của tác giả trước đối tượng miêu tả của mình).

Thế rồi, từ toàn cảnh hai người, khán giả bắt ngay vào cận cảnh Thúc Sinh. Khi đó, độc giả (cũng là khán giả) đã vô tình đứng vào điểm nhìn và tâm trạng của Thúc Sinh (và tác giả) để cùng phách lạc hồn siêu và tự than thở: Sinh đà phách lạc hồn siêu/Thương ơi chẳng phải nàng Kiều ở đây/ Nhân làm sao đến thế này/Thôi thôi ta đã mắc tay ai rồi! Từ cận cảnh và sự hòa hợp điểm nhìn giữa người xem và Thúc Sinh lúc thương xót thở than, máy rút ra thấy trung cảnh Thúc Sinh: Sợ quen dám hở ra lời/Không ngăn giọt ngọc sụt sùi nhỏ sa, và chúng ta lại thấy điểm nhìn thương cảm của tác giả hòa nhập trong cái nhìn khách quan của khán giả.

Bắt đầu từ đây, tấn bi kịch đã diễn ra, với các điểm nhìn thay đổi luân phiên gần như “tung hứng” giữa các cặp nhân vật: Hoạn Thư -Thúc Sinh, Kiều- Thúc Sinh, Hoạn Thư- Kiều, mà điểm nhìn Tác giả làm trung gian: Tiểu thư trông mặt hỏi tra/ Mới về có việc chi mà động dong?/Sinh rằng hiếu phục vừa xong/Suy lòng trắc dĩ đau lòng chung thiên/Khen rằng: Hiếu tử đã nên/Tẩy trần mượn chén giải phiền đêm thu/ Vợ chồng chén tạc chén thù/Bắt nàng đứng chực trì hồ hai nơi/Bắt khoan bắt nhặt đến lời/ Bắt quì tận mặt bắt mời tận tay/Sinh càng như dại như ngây/ Giọt dài giọt ngắn chén đầy chén vơi/Ngảnh đi chợt nói chợt cười/Cáo say chàng đã giạm bài lảng ra/Tiểu thư vội thét: Con Hoa!/Khuyên chàng chẳng cạn thì ta có đòn/ Sinh càng nát ruột tan hồn/Chén mời phải ngậm bồ hòn ráo ngay/Tiểu thư cười nói tỉnh say/Chưa xong cuộc rượu lại bày trò chơi/Rằng: Hoa nô đủ mọi tài/ Bản đàn thử dạo một bài chàng nghe/Nàng đà tán hoán tê mê/Vâng lời ra trước bình the vặn đàn.

Nhưng tới lúc này, tựa như một điều tất yếu xảy ra, điểm nhìn của Tác giả cũng như hòa nhập với điểm nhìn của hai nạn nhân, với cả đồ vật vô tri vô giác là cây đàn, và như buộc phải len vào để chia sẻ với tâm trạng cùng phản ứng của các nhân vật, đồng thời rút ra những nhận xét thấm thía về nhân tình thế thái: Bốn dây như khóc như than/ Khiến người trên tiệc cũng tan nát lòng/ Cùng chung một tiếng tơ đồng/ Người ngoài cười nụ người trong khóc thầm/ Giọt châu lã chã khôn cầm/ Cúi đầu chàng những gạt thầm giọt Tương.

Mấy nạn nhân cùng tác giả đang đắm chìm trong sầu đau, oán hận, nhục nhã ê chề, thì tựa như bị Hoạn Thư dội cho một thùng nước lạnh: Tiểu thư lại thét lấy nàng/Cuộc vui gảy khúc đoạn trường ấy chi/Sao chẳng biết ý tứ gì/ Cho chàng buồn bã tội thì tại ngươi. Tưởng chừng điểm nhìn duy nhất chỉ là của Hoạn Thư đang đắc thắng, song thực ra, bên cạnh đó là hai điểm nhìn nen nét, sợ hãi, lo lắng tới tột độ của Kiều và Thúc Sinh: cảnh điện ảnh sẽ là hai cận cảnh sửng sốt đến kinh hoàng của hai người trước cơn giận dữ đóng kịch khó nhận ra của chủ nhà. Hoạn Thư thét Kiều chỉ là cách trấn áp chồng cho hả cơn ghen ngầm bị ép lại bấy lâu nay. Điểm nhìn của tác giả lúc này ẩn khá sâu, cho thấy nụ cười khẩy của người đã đoán trước kết cục tấn kịch và đang chờ đợi trò hay sắp diễn ra.

Như một bậc thầy tâm lý, tới đây tác giả tập trung diễn tả tâm trạng và phản ứng của hai nhân vật Thúc Sinh và Hoạn Thư. Tạm gạt Kiều sang một bên, tác giả lồng điểm nhìn của mình vào điểm nhìn đối chứng của hai nhân vật vừa đáng thương vừa đáng ghét - những kẻ đã gây ra tấn thảm kịch mới cho Kiều, để thấu hiểu tâm lý của họ diễn ra trong thời gian suốt mấy canh giờ (cũng là quãng thời gian Kiều bị tra tấn bằng tinh thần, có lẽ tới lúc này bắt đầu ngấm đòn tê tái khiến tác giả không nỡ nhắc đến nàng và đưa nàng vào điểm nhìn nữa). Cảnh phim sẽ là các cận cảnh rộng không lời dựng liên tiếp giữa hai nhân vật này, trong đó, điểm nhìn của tác giả là người quan sát, bình luận: Sinh càng thảm thiết bồi hồi/Vội vàng gượng nói gượng cười cho qua/ Giọt rồng canh đã điểm ba/ Tiểu thư nhìn mặt dường đà can tâm/Lòng riêng khấp khởi mừng thầm/ Vui này đã bõ đau ngầm xưa nay/ Sinh thì gan héo ruột đầy/ Nỗi lòng càng nghĩ càng cay đắng lòng.

Kết thúcsequence(trường đoạn phim) đầy kịch tính này là sự việc cần phải diễn ra, y như sự bày đặt và tính toán chi ly, chính xác của Hoạn Thư: Người vào chung gối loan phòng/ Nàng ra tựa bóng đèn chong canh dài

Đến lúc này, bối cảnh vắng lặng, mọi hình hài sự sống và âm thanh đã chìm trong màn đêm, chỉ còn mỗi bóng Kiều thổn thức bên đèn đầu, đó cũng là lúc Kiều sống lại với tất cả nỗi nhục nhã đau đớn mà người ta đã ném vào số phận nàng một cách hồ hởi, trâng tráo, với tất cả sự đểu cáng của một âm mưu thâm hiểm. Thấm thía nỗi ô nhục cay đắng, nàng vẫn đủ lương tri tỉnh táo để phán xét, cân đong về những lẽ đời trớ trêu bất ngờ đổ xuống đầu nàng: Bây giờ mới rõ tăm hơi/ Máu ghen đâu có lạ đời nhà ghen/Chước đâu rẽ thúy chia uyên/ Ai ra đường nấy ai nhìn được ai/ Bây giờ một vực một trời/ Hết điều khinh trọng hết lời thị phi/ Nhẹ như bấc nặng như chì/ Gỡ cho ra nữa còn gì là duyên/ Lỡ làng chút phận thuyền quyên/ Bể sâu sóng cả có tuyền được vay/ Một mình âm ỉ đêm chày/ Đĩa dầu vơi nước mắt đầy năm canh. Lúc này, điểm nhìn tác giả hòa nhập với điểm nhìn nhân vật, có ngọn đèn làm chứng cho cuộc tâm sự xót xa của Kiều với chính mình, và tác giả lúc này âm thầm đứng trong bóng tối dường cũng đang rỏ lệ cùng Kiều…

Trong Truyện Kiều, hầu như bất cứ đoạn nào chúng ta cũng có thể lấy ra để phân tích các điểm nhìn phức tạp luôn được thay đổi, như một phẩm chất của nghệ thuật trần thuật hiện đại mà văn chương thời Trung đại VN (và cả văn chương Trung đại Trung Quốc) cũng còn khá xa lạ. Có thể nói đây chính là yếu tố nghệ thuật quan trọnggóp phần tạo ra sức cuốn hút lạ kỳ không bao giờ vơi cạn của Truyện Kiều, mộtkiệt tác tầm thế giới khiến Bộ từ điển “Các tác phẩm của tất cả các thời đại và các xứ sở”(24) đã đặt Nguyễn Du sánh ngang cùng các nhà Tiên tri-Nghệ sĩ vĩ đại: Khuất Nguyên, Đỗ Phủ, Lý Bạch của Trung Hoa, Sêcxpia, Đicken của Anh, Đăngtơ của Ý, Xecvantex của Tây ban Nha, Huygô, Banzac của Pháp, Gơt của Đức, Puskin, L.Tolstoi, Dostoievski của Nga…

***

Sự so sánh giữa hai đại thi hào của hai dân tộc Nga - Việt  là một lĩnh vực mới mẻ, khó khăn, chắc chắn sắp tới sẽ có nhiều tác gia đại thụ tiến hành một cách hệ thống, sâu sắc. Là một người nghiên cứu văn học nghiệp dư nên bài viết của chúng tôi chắc chắn có nhiều lõm bõm, thiếu sót, kính mong được các bậc thầy chỉ giáo, bổ khuyết.  

________________________

*Nhà tiên tri, bài thơ viết năm 1826 của A. Puskin

Những thơ trích của Puskin trong bài này chủ yếu dẫn ở sách: Alexandr Puskin - Tuyển tập tác phẩm, nhiều người dịch, tập III: Thơ, Trường ca. Nxb Văn học & TT Văn hóa ngôn ngữ Đông Tây, HN, 1999

1. Vladimir Soloviev. Siêu lý tình yêu - Những tác phẩm Triết-Mỹ chọn lọc. Phạm Vĩnh Cư tuyển chọn, dịch, giới thiệu và chú giải. Nxb Văn hóa Thông tin & TT Văn hóa Ngôn ngữ Đông Tây, HN 2005, tr.873

2. Siêu lý tình yêu, Sđd, tr. 884-885

3. Nhiều tác giả. Văn học so sánh - Nghiên cứu và triển vọng. Nxb ĐHSP, HN, 2005, tr.10, 11

4. Lưu Hiệp. Văn tâm điêu long, Phan Ngọc dịch. Nxb Lao động & TT Văn hóa Ngôn ngữ Đông Tây, 2007

5, 6. Alexandr Puskin - Tuyển tập tác phẩm, nhiều người dịch, tập V: Về A.X Puskin. Nxb Văn học & TT Văn hóa Ngôn ngữ Đông Tây, HN, 1999

7. Xin đọc thêm: Alexandr Puskin - Tuyển tập tác phẩm, tập V, Sđd

8. Dictionnaires des oeuvres de tous les temps et de tous les pays. Société d’édition de dictionnaires et encyclopédies, Paris 1953.

9. Alexandr Puskin - Tuyển tập tác phẩm, tập V, Sđd

10, 11. Trần Đình Sử. Thi pháp Truyện Kiều (Lời nói đầu) Nxb Giáo dục 2002

12. Dẫn theo: Nguyễn Hải Hà, “Puskin bàn về thơ và nhà thơ” –

https://thaiquockhanh.violet.vn/entry/show/entry_id/5488512

13. Dẫn theo: Hồ Sĩ Vịnh. A. Puskin - Nhà thơ thiên tài, bậc thầy văn hóa.( Tạp chí Văn hiến VN)

14. Văn tâm điêu long, Sđd,tr.171

15. Dẫn theo: A. Puskin - Nhà thơ thiên tài, bậc thầy văn hóa…Sđd

16, 17. Dẫn theo “Puskin bàn về thơ và nhà thơ” – TL đã dẫn

18. Alexandr Puskin - Tuyển tập tác phẩm, tập V, Sđd

19. Siêu lý tình yêu… Sđd, t. 866

20. Xin xem thêm: “ND, từ giải ảo Trung Hoa đến giải thiêng chế độ phong kiến” của Nguyễn Phạm Hùng và “Bắc hành tạp lục”- sự giác ngộ của Nguyễn Du về Trung Hoa” của Trần Thị Băng Thanh. (Trong: Di sản văn chương đại thi hào ND: 250 năm nhìn lại. Nxb KHXH, 2015).

21. Alexandr Puskin - Tuyển tập tác phẩm, nhiều người dịch, Tập IV, Kịch, Tiểu luận, Thư từ. Nxb Văn học & TT Văn hóa ngôn ngữ Đông Tây, HN, 1999.

22. Iu.M. Lotman. Cấu trúc văn bản nghệ thuật. Trần Ngọc Vương, Trịnh Bá Đĩnh, Nguyễn Thu Thủy dịch. Nxb ĐH Quốc gia Hà Nội, 2004, tr. 452

23. Cấu trúc văn bản nghệ thuật. Sđd, tr. 470, 471, 472

24. Dictionnaires des oeuvres de tous les temps et de tous les pays… Sđd

 

Hà Nội, tháng 11/2018

 

 

Nguyễn Anh Tuấn
Số lần đọc: 4145
Ngày đăng: 29.11.2018
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Con ruồi trong chai nước ngọt hay Nguyên tắc “người láng diêng” - Phan Tấn Thiện
Nguyễn Minh Nữu và “Lời ghi trên đá” - Phan Trang Hy
Khái niệm Âm – Dương, Ngũ Hành - Lê Viết Yên
Chìa khóa giải mã thơ Đường của Thánh Thán - Mai Văn Hoan
Xuân Quỳnh, đã yên ngày thác lũ - Nguyễn Đức Tùng
Nói thêm về Nguyễn Công Trứ - Yến Nhi
Bí truyền của Thiền - Võ Công Liêm
Thân tâm nhà Phật - Võ Công Liêm
Elena Pucillo Truong – từ sông PO đến sông CÔN - Ban Mai
Tiếng thơ Đỗ Phủ vang động đất trời” - Mai Văn Hoan
Cùng một tác giả
Ám ảnh gia truyền (truyện ngắn)
Bản di chúc bi thảm (truyện ngắn)
Một kiếp đầu thai (truyện ngắn)
Tình bạn phá sản (truyện ngắn)
Lãnh Chúa ngân hàng (truyện ngắn)
Đạp và đạp (tạp văn)
Tâm bệnh Nguyễn Du (truyện ngắn)
Giọt lệ mo hồn (truyện ngắn)
Nhớ mẹ (tạp văn)
Tư tưởng của ruồi (truyện ngắn)