Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.125
123.228.147
 
Cảm xúc mùa đông
Vinh Anh

 

 

Cái lạnh năm nay như đột ngột về. Bất chợt tràn về. Ào một cái như… gió rồi lại đi. Bởi lạnh thì tất nhiên, đa phần, phải có gió chứ gì nữa

Cái lạnh làm mọi người như đẹp thêm. Cả em cũng vậy, má như thắm hơn và cặp môi mọng hơn. Chỉ một cái áo gió mỏng thôi, chỉ một cái khăn choàng hờ hững thôi… vậy mà đẹp ra nhiều.

Nhưng với mình, mùa đông năm nay cảm xúc pha trộn. Cả nóng và lạnh, cả đẹp và xấu. Cái ấm như lấn át cái lạnh, cái đẹp như lấn át cái xấu… vậy đấy.

 

Chẳng hiểu sao năm nay lũ và bão nhiều thế. Nhiều thì không chắc đã nhiều nhưng vì nó dồn dập nên cảm thấy như nhiều. Cứ nhằm vào cái dải miền Trung nhỏ hẹp mà đổ vào, mà ập xuống. Lại nhằm đúng cái dịp “ngàn năm” mà đổ vào mới oái oăm chứ.

Từ ngày đại lễ, đến hôm nay đã qua một tháng rồi vậy mà trên TV vẫn chỉ nghe thấy nói về lũ. Và có điều, vẫn cứ miền Trung mà đổ. Thế mới biết cha ông mình chọn Thăng Long làm kinh đô của muôn đời mới “chuẩn” làm sao! Và cũng lạy giời, mấy cụ Nghị gật đừng gật khi bấm nút cho nó thêm vững chắc. Mình vẫn còn nghi ngờ độ vững chắc để đủ tin cậy của các cụ lắm

 

Mới gần 9h sáng, nắng đã rải đầy mặt đất. Thứ ánh nắng mùa đông mầu vàng nhẹ này cho cảm giác ấm áp. Nắng mỏng như tấm lụa bay bồng bênh trên ngọn cây mà đáng ra với mùa đông, còn đậm sương và buốt giá. Vậy là mới chớm đông. Ừ, đúng thôi, giờ mới là tháng mười. Nhưng mà các cụ nói “tháng mười chưa cười đã tối”. Hãy cảnh giác! Vòng quay trái đất từ cái ngàn xưa nó đã như vậy rồi. Nắng lên và cứ tận hưởng những dải nắng vàng như lụa và ngọt như mật đó đi, hãy làm ngay mọi việc đi và trời sẽ lại tối ngay.

 

Lúc này đây, cảm giác pha trộn có lẫn, vẫn còn vương víu cái mùa thu. Nắng vàng và xao xác lá khô. Heo may và se se lạnh. Thu, mùa đẹp nhất của Hà Nội. Ai cũng nói như thế và mình cũng có cảm nhận như vậy. Nhưng lại vẫn nhớ cái tiết trời sáng nay, thoang thoảng cái lạnh, đậm ngọt hơn cái se se và bay bay một tấm khăn quàng hững hờ, lỏng lẻo trên cổ em, vẫn để lộ làn da như ngà ngọc. Cái khăn nhẹ như một làn sương sớm và cả cơn gió, cơn gió lạnh cũng chỉ lướt qua cho ta cảm nhận một sớm chớm vào đông. Đấy, cái pha trộn là thế.

Con đường khô và bụi. Đã lâu không mưa rồi. Hình như mỗi một ngày qua, cái lạnh lại thấm sâu vào đất thêm một chút, mặt đất khô thêm một chút và bụi vì thế nhiều thêm. Không gian đó gợi thêm nhiều nỗi nhớ. Buồn xa xa. Cánh chim khắc khoải bay về đâu đó. Có phải chính cái u u âm âm vậy mà thành “nỗi nhớ mùa đông”

 

 Mùa này, mình nhớ nhiều những gốc rạ khô mục trên những cánh đồng nứt nẻ ở quê. Ngày đó mình còn nhỏ, chân cũng nứt nẻ như cánh đồng khô, cũng dầm sương gió, cũng ngô khoai… cho nên nhớ. Nỗi nhớ nhiều, ăn sâu đến và nhiều nhất về những người chỉ biết có ruộng đồng, cúi mặt trên các luống cày, những người làm ra hạt gạo nuôi sống nhân loại mà cuộc sống lại chất đầy những lo toan, may rủi.

 Đấy, vào thế kỷ hăm mốt rồi đấy mà cứ bão với lũ. Bão lũ là mất mùa kèm theo. Đấy, cả cái tháng mười “ngàn năm” này đấy, mưa lũ cứ xối vào miền Trung. Những cánh đồng mênh mang toàn nước. Nhìn những cánh đồng toàn nước cứ như cảnh Đồng Tháp Mười mùa nước nổi, thêm những đợt gió thổi ào ào, cỏ lác bị gió mưa vùi dập rạp xuống, lại cảm thấy đây như cửa biển đang vào ngày giông bão. Xót xa, cảm động đến nghẹn ngào làm sao trong mưa lũ như vậy, người miền Trung không có cái ăn, không có nước uống vẫn mong sao trong mười ngày đại lễ, Hà Nội đừng mưa mà làm hỏng mất ngày vui, ngày vui của cả dân tộc. Có tấm lòng nào cao cả và mênh mang hơn? Cuộc sống vẫn có những sự mênh mang trùng lặp như vậy. Một sự mênh mang đầy ắp yêu thương. Riêng mình, mình còn thấy một sự mênh mang nữa, mênh mang một tình yêu. Sự mênh mang đó là tình yêu cũng đan xen pha trộn với cả tình yêu quê hương, tình yêu làng xóm và tình yêu con người. Tất cả, hoà quyện quấn quýt… Vì cảm giác đó mà mình thấy ấm lòng, cái đẹp lấn át cái xấu. Đời vẫn đẹp và đáng yêu bởi vẫn tồn tại những tình yêu như thế

 

                                                                        *****

Cả tháng nay, cứ bật TV là thấy bão lũ. Những dòng nước cuồn cuộn và nhiều tin đau xé lòng. Bỗng tự nhiên bật ra câu hỏi: Ta là ai? Chưa bao giờ mình ảo tưởng về mình nên thấy câu hỏi này có vẻ như không phải cho mình. Vậy sao mà bỗng nhiên mình nghĩ ra câu hỏi đó? Cũng vẫn là từ một nỗi buồn, có khi là bâng quơ, nhưng những ngày chớm đông này, nó mãnh liệt, nó như đã ngấm sâu, nên nghĩ ra mà thôi. Riêng về mình, mình vẫn thấy nhỏ nhoi và cô đơn lắm. Đúng cái tâm trạng mùa đông!

Ta là ai? Một câu hỏi về con người. Vâng, đúng là về con người. Lại nhớ hôm rồi, hồi giữa tháng về xứ Đoài, gặp mấy thằng bạn cũ. Chúng nó bảo chúng tôi chả dám nhận là dân Thủ đô, các ông cứ ấn chúng tôi vào đấy chứ. Hoá ra, ngẫm lại hôm nay chúng nó trả lời cho mình được câu hỏi “ Ta là ai”. Văn hóa là kết quả lâu dài của truyền thống, phải trải qua những vật lộn với cuộc sống mới hình thành và toả hương. Chúng nó tự hào với xứ Đoài mây trắng của chúng nó hơn là cái sự thanh lịch Tràng An mà năm nào cũng có cảnh xô đẩy cướp hoa. Mình cũng thấy động lòng, rồi nhận thấy cái lối áp đặt chẳng thể đi đến đâu. Cái tâm chúng nó vẫn sáng.

 

Lan man nghĩ rồi lại quay về cái mùa đông. Dẫu rằng hiện thời chỉ mới chớm đông. Nhưng dẫu là chớm đông, vẫn cứ lạnh. Một cái gì gờn gợn nhưng lại không cụ thể, không bắt được tạo ra cảm giác đó. Nhắm mắt lại vẫn như thấy nó lởn vởn. Mở mắt ra thì nó là mờ đã ở nơi xa xăm, nó bay đi, biến mất và chỉ còn lưu lại cái hình bóng ảo mờ. Vậy là những gì u ám, xám xịt, lạnh lùng của mùa đông vẫn đang hiện diện, đang tồn tại và đang gây cho mình  ảo giác thực hư lẫn lộn. Mùa đông vẫn cứ là tàn úa và khô héo, trong lòng vẫn cấn cái cái điều gì đó không yên.

 

Thì thử trả lời câu hỏi “Ta là ai?” Ta là dân. Ngày xưa gọi là “dân đen”, tiếng Việt hiện đại bây giờ, dân thường tự nhận là “thảo dân”. Mình không hiểu tiếng Hán, không biết chữ  Nôm nhưng thấy có phần mỉa mai. Lại nghe nói nhiều, nghĩa nó chắc na ná như nhau, đều chỉ hạng thứ dân, lớp tận cùng của xã hội. Có điều muốn nói mà khó, mọi đau khổ trên cõi đời này, từ thiên tai đến nhân tai, từ chiến tranh chống ngoại xâm đến chống nội xâm, người luôn phải gánh chịu mọi thiệt thòi đều chỉ là thứ dân. Bão lũ năm nay, hết đợt này đến đợt khác, ấn tượng sâu đậm trong lòng mình là hình ảnh những cánh tay quơ trên mái ngói, mong nhận được những gói mỳ tôm. Sao mà năm nào cũng lũ lụt bão bùng mà năm nào cũng chỉ mỳ tôm?

 

Trời chiều, thấy nắng vàng rực rỡ, nhưng lại thấy nắng như có vẻ chỉ ngoe lên để rồi tắt. Nghĩa là cái thời khắc rực rỡ đó không bền, cái ấm áp không được lâu. Chép miệng, mùa đông là thế! Lại đau đáu một tiếng than vọng lại từ miền Trung “Sao cứ mưa bão mãi thế hở ông trời.” Hoá ra, mùa đông vẫn còn đó, những nắng vàng ấm áp vẫn chưa tới miền Trung

Để rồi ao ước sẽ mãi có một mùa đông ấm áp mà không đảo lộn thói quen sinh hoạt ngàn đời. Vẫn ao ước rồi mai đây, ta sẽ chế ngự được những đợt gió lạnh từ phía Bắc, chế ngự được những áp thấp, áp cao trên Biển Đông, để xứng đáng là con cháu Lạc Hồng và mãi mãi làm chủ vùng biển mà năm chục người con của mẹ Âu Cơ đã có công khai phá.

 

VA-5/10/2010

 

 

 

                                                                                                                                  

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Vinh Anh
Số lần đọc: 1787
Ngày đăng: 14.12.2018
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Cô gái Huế - Vương Kiều
Cảm - Lê Viết Yên
Tâm cảnh ngày Thu - Nguyễn Lê Hồng Hưng
Sông quê - Giang Hiền Sơn
Mất tích - Phương Uy
Thơ tình tuổi vào đời - Phan Tấn Uẩn
Những thanh âm ngày cũ - Phan Văn Thạnh
Cà phê nhà nghèo, cà phê nhà giàu - Phạm Nga
Nỗi nắng niềm mưa - Ngô Nguyên Dũng
Thư gởi con trai nhân ngày tựu trường (I) - Nguyễn Đức Tùng
Cùng một tác giả
Mưu sinh (truyện ngắn)
Chuyện vặt (truyện ngắn)
Lão và hắn (truyện ngắn)
Phượng (truyện ngắn)
Công chức (truyện ngắn)
Gặp lại ngày xưa (truyện ngắn)
Lời từ nơi hư ảo (truyện ngắn)
Vào hội (truyện ngắn)
Bãi giữa (tạp văn)
Mùa thu (tạp văn)
Người quê (truyện ngắn)
Nhớ làng (truyện ngắn)
Bạn thời lính (truyện ngắn)
Ánh mắt sông quê (truyện ngắn)
Ngõ nhỏ ngày xưa (truyện ngắn)
Đất làng (tạp văn)
Ở rừng (truyện ngắn)
Chuyện tình kể lại (truyện ngắn)
Hai thằng nó và tôi (truyện ngắn)
Hương vô tình (truyện ngắn)