Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.184
123.216.097
 
Từ sông Po đến sông Côn và sự hợp lưu văn hóa Đông – Tây trong sáng tác của ElenaPucillo Truong*
Trần Hoài Anh

 

 

        1.Trong tâm thức mỗi người ai cũng có một dòng sông để yêu mến, sẻ chia và thương nhớ. Nhạc sĩ Hoàng Hiệp đã rất có lý khi xác quyết trong ca khúc Trở về dòng sông tuổi thơ: “Trong tim ai cũng có một dòng sông riêng mình”. Dòng sông đólà một thực thể luôn hiện hữu trong tâm thức mỗi người khi nghĩ về một vùng quê nơi ta sinh ra và lớn lên, hay nơi ta đã đi quavới bao hoài niệm đáng nhớ trong cuộc đời. Đó là dòng sông Trà Bồng trong bài thơ Nhớ con sông quê hương củaTế Hanh, nơi ẩn chứa “bao nhiêu kỷ niệm của dòngtrôi” nên, dù xa cách nhưng lòng thi sĩ vẫn dằn dặt bao nỗi nhớ thương, mong ngày trở lại. Đó là sông Hương với vẻ đẹp diệu kỳ, mê hoặc luôn ám ảnh tâm hồn lữ khách, dù chỉ một lần đến mà Thu Bồn khi “Tạm biệt Huế” đã viết những câu thơ đầy ám gợi “Con sông dùng dằng con sông không chảy / Sông chảy và lòng nên Huế rất sâu”. Và đó cũng là dòng sông Po và sông Côn trong văn chương Elena, nơi không chỉ là sự kết nối tình yêu mà còn là những ám ảnh văn hóa chảy trong văn chương như tiếng gọi thao thiết từ cõi vô thức và tâm linh. Dòng sông ấy là dưỡng chất phủ sa văn hóa màu mở, thẳm sâu trôi trong tâm thức của Elena Pucillo Truong và đã trở thành những dự phóng sáng tạo quán chiếu toàn bộ sáng tác của chị mà ta có thể nhận diện qua tập truyện ngắn và tùy bút Một phút tự do (Nxb. Văn hóa Văn nghệ, 2014 -  Trương Văn Dândịch từ nguyên tác tiếng Ý).

 

Có thể nói, việc sáng tác của Elena đượcTrương Văn Dândịch cũng là một biểu hiện của sự hợp lưu văn hóa Đông - Tây. Sự hợp lưu ấy diễn ra như một lẽ tự nhiên của những cảm hứng sáng tạo và hơn thế, còn là sự hợp lưu của tình yêu và định mệnh, không chỉ giữa hai con người, hai thân phận mà còn là của hai nền văn hóa, khởi nguồn từ dòng sông Po vàsông Côn nơi gắn với tuổi thơ và cuộc đời của nhà văn Elena và Trương Văn Dân, để rồi những dòng sông ấy đã kết tinh thành chiếc nôi văn hóa nuôi dưỡng từng trang văn của họ.

 

    2. Đọc sáng tác của Elena, qua tập truyện ngắn và tùy bút Một phút tự do, điều để lại trong tôi ấn tượng sâu sắc nhất không chỉ là những cuộc đời, những số phận, những ngoại cảnh từ rất nhiều vùng quê trong cõi nhân gian mà nhà văn đã đi qua mà còn là thế giới nội cảm với những suy tư đầy tính nhân văn kết tinh từ hai dòng sông văn hóa Đông – Tây trôi trong tâm thức chị để làm nên những lớp sóng ngôn từ luôn ám ảnh tâm thức người đọc.

 

Một phút tự do! Vâng chỉ cần một phút tự do nhưng trong đời mỗi người không phải lúc nào ta cũng tìm thấy, cũng thật sự cảm nhận được khi quanh ta, giữa “cõi nhân gian bé tí” (từ của Nguyễn Khải)này luôn bị “cầm tù” bởi biết bao điều ưu phiền trong cuộc mưu sinh làm thân xác rã rời, tơi tả bởi bao tính toán trước những được mất đến phi lý mà nhiều khi chính ta cũng không lý giải được. Một phút tự do, tập truyện ngắn và bút ký của Elena, vì thế, là một chứng từ hiện sinh nằm trong dòng chảy của triết học hiện sinh, một trào lưu “triết học nhân bản” (Sartre) phương Tây mà hơn ai hết là một người Châu Âu, Elena đã nhận thức rõ điều này và thể hiện một cách sâu sắc, sinh động và tinh tế qua những nghĩ suy của các nhân vật trong tập truyện mà ở đây là người phụ nữ - nhân vật xưng Tôi trong tác phẩm“Một phút tự do”, khi chợt nhận ra “Những nét xanh xao tái nhợt trên khuôn mặt dường như tương phản với đường viền bằng son đỏ trên môi. Hai bờ môi thẳng nếp, mỏng manh và sắc bén như một lưỡi lăm, lạnh lùng như cái nhìn khinh mạn khi tôi quắc mắt. Bỗng dưng tôi không thể nhấm tiếp mùi vị cà phê. Hình như lúc này có vị chát của a xít. (…) nhưng tôi không thể tách đôi mắt đang nhìn bóng mình trên kính. Tôi không còn nhận ra mình nữa… Sao mà tôi có thể biến thành một con người khô cứng và lạnh lùng đến thế”. ( tr.81)

 

Còn gì đau khổ hơn khi chính mình lại không nhận ra sự hiện hữu của mình. Và đây cũng là bi kịch của thân phận, khi con người đã đánh mấtmình. Cảm giác vô vọng đầy hư ảo nầy chính là một thực thể hiện sinh đang vây bủa cuộc sống của con người trong thời đại mà “chỉ cần nhấn vài nút bấm là tất cả những áp phe quan trọng của các công ty lớn, những chuyển dịch hàng triệu đô la trên sàn chứng khoán sẽ tuần tự hiện lên bằng các mã số, để đảm bảo an toàn” (tr.79). Nhưng rồi, những “lo toan” và “mưu toan” ấy sẽ đưa con người đến đâu!? Hạnh phúcviên mãn, thành công trong giàu sang và quyền lực hay đắm chìm trong bi kịch của sự trống vắng và cô đơn đến vô nghĩa, khi chỉ cần một “sát na tự do” cho sự hiện hữu của mình cũng không thể tìm thấy!? Lời cảnh báo đã được Elena chia sẻ qua sự tự vấn đầy xa xót của người phụ nữ trong Một phút tự do trước những được mất trong cuộc đời mình “… Đã bốn mươi tuổi mà tôi không có một mái gia đình, không có một đứa con, chẳng có ai đó thỉnh thoảng hỏi tôi có khỏekhông và quan tâm đến việc tôi có vui vì những công việc của mình không. Không ai cả. Gia đình, thậm chí một người bạn.” (tr.82) Sự cô đơn và trống vắng trong cảm thức đánh mất mình trước những bôn ba của kiếp nhân sinh đã bị đẩy đến tận cùng của sự vô vọng và cô độc nên “Tôi chỉ muốn ngồi lại, một mình. Tôi mệt mõi lắm rồi. Trong lúc ấp đầu vào giữa hai bàn tay, bàn tay áp chặt vào mắt để khỏi nhìn thấy sự thật đang phản chiếu từ khung kính. Hàng ngàn khuôn mặt, tất cả đều là những góc cạnh của chính mình. Cô độc. Cô độc trong công việc. Cô độc giữa đám đông. Hoàn toàn cô độc. Cố tình cô độc. Rồi, bất thình lình, cơn nôn mữa chợt biến thành cơn giận dữ, và bằng tất cả sức mạnh, tôi cầm lấy tách cà phê, ném thẳng vào mặt kính.” (tr.83) Hành động này có thể xem là một sự “nổi loạn hiện sinh” của con người trước sự cô độc đến tuyệt vọng của chính mình. Nhưng liệu có ích gì khi mình không còn là mình. Cảm giác tha hóa và thảm trạng cô đơn này chính là một biểu hiện của tâm thức hiện sinh trong văn hóa phương Tây được thể hiện khá nhuần nhuyễn, sinh động không chỉ qua truyện ngắn Một phút tự do mà còn trong nhiều truyện ngắn khác trong tập truyện này. Đó là nỗi cô đơn luôn dằng xé tâm trạng của một người đàn bà góa chồng,cảm thấy mình trở thành “người thừa”, thành “kẻ xa lạ” trong chính ngôi nhà của mình khi cậu con trai duy nhất lấy vợ trongPhút mặc khải: “Tôi bước loanh quanh giữa những gian phòng trống của căn nhà mà tôi không cảm thấy nó là của mình. Tôi là bà chủ. Ừ, thì là bà chủ, mà chủ...cái gì? Và, rồi sao nữa? Là bà chủ để được một mình. Lúc nào cũng cô độc. Tôi chua xót nhìn đời bằng nửa nụ cười rồi lặng lẽ chôn kín tất cả những niềm đau vào bên trong.Ngày giờ trôi qua trong sự quen thuộc đến độ nhàm chám. Chỉ còn vài giờ nữa thì bà chủ trẻ sẽ về nhà và tôi sẽ biến thành một bóng ma.” (tr.12 -13). Đó còn là thảm trạng cô đơn của một người đàn ông khi nhận ra sự bất lực của mình trước sự phản trắc của người vợ trong truyện Trước khi hạ màn: “Giờ đây tôi đang nói chuyện một mình trong phòng xí và không đủ can đảm để nhìn vào mặt cái thằng người ngu xuẩn kia trong mặt kính! Một mình. Lúc nào cũng đơn độc. Mẹ tôi, bà con, các đồng nghiệp...tất cả mọi người đều giả tảng và coi như mọi việc đều ổn. Nhưng dần dà tôi phải thu hẹp không gian sống của mình, tránh những tiếp xúc. Tôi tự cô lập để mọi người đừng biết chuyện mình...lúc nào cũng cảm giác như mình là kẻ có tội, dù tôi chẳng có tội tình gì!” (tr.26) Hay thảm trạng cô đơn trong sự cảm nhận của người con trai ởGiọt nước hồi sinh: “Tôi không còn cha mẹ, chẳng có anh em. Trước đây đã cô đơn mà bây giờ lại càng cô độc. (...) Rồi dần dần, tất cả đều như hoá ra tro bụi, mất việc, mất nhà, mất bạn...”(tr.34) Còn đây là thảm trạng cô đơn của người em khicảm thấy sự hiện hữu trên cõi đời thật bất hạnh và vô nghĩa trong truyện Quá khứ dưới lớp tuyết mùa giáng sinh: “Bước đi mà mắt tôi cứ liên tục nhìn những cửa hàng và khuôn mặt của những người gặp trên đường phố. Ánh đèn màu rực rỡ của mùa Giáng Sinh phản chiếu trên mặt đường nhựa và trên những vũng nước đọng lại sau cơn mưa. Tôi cô đơn, và trầm cảm. Nghĩ lại cuộc đời mình, tôi những muốn đánh đổi với cuộc đời của bất kỳ người nào mà tôi gặp: Dẫu đời họ có xảy ra bất cứ điều gì, tôi vẫn tin là họ vẫn hạnh phúc hơn những gì mà tôi đã và đang sống.” (tr.38)

 

Song, ở tập truyện và bút kýMột phút tự do, không chỉ có biểu hiện của văn hóa phươmg Tây với những  ám dụ của chủ nghĩa hiện sinh được thể hiện khá sâu sắc mà còn có sự hiện hữu của văn hóa phương Đông qua những nghĩ suy mang  tínhcộng đồng. Đó là sự khát khao gắn kết cá nhân mìnhvới tha nhân, với gia đình, với tự nhiên qua  sự tự vấn của người phụ nữ - nhân vật Tôi trong truyệnMột phút tự dođã nói ở trên.Có thể nói, những nghĩ suy kiểu gắn kết cộng đồng này rất khó tìm thấy trong văn hóa phương Tây, nơi luôn đề cao cuộc sống cá nhân, cá thể, trong một nền văn minh kỹ trị. Chính sự tự vấn này là cơ duyên dẫn đếnmột sự lựa chọn hiện sinh thể hiện qua hành động của nhân vật: “Phủ vội chiếc áo khoác lên người, tôi cầm chiếc túi xách rồi chạy ào ra thang máy. Bàn tay run rẫy, tôi nhấn nút đi xuống, im lặng chờ xuống mặt đất, luồn lách giữa dòng người vô danh mà chưa bao giờ tôi muốn thân quen. Ra ngoài thôi, hít chút không khí giữa đất trời mở rộng. Ánh nắng ngoài đường làm tôi lóa mắt. Một tay che mắt, còn tay kia nắm chặt bầu áo khoác để che cơn gió lạnh vừa ập đến lúc bước ra khỏi cửa. Cho đến lúc đó, đối với tôi chưa bao giờ có nắng, có mưa, có ánh đỏ hoàng hôn hay tiếng cười giọng khóc.” (tr. 83) Và chính sự lựa chọn này đã minh chứng cho sự hài hòa giữa văn hóa Tây - Đông trong hành trình sáng tạo của Elena qua sáng tác của mình. Phải chăng, chính cuộc sống bị đắm chìm trong những tất bật của cuộc mưu sinh là nguyên nhân dẫn đến bi kịch phận người trong xã hội văn minh công nghiệp: “Máy bay, điện thoại di động, bàn giấy máy tính… tất cả khô khan vô cảm… Tôi luôn chạy đua với thời gian mà chẳng biết mình đi đâu, ngược lại, hình như chỉ để rời xa thêm cái cuộc đời mà tôi muốn có mà chỉ lúc này tôi mới biết là mình đã đánh mất. Tôi sinh ra và chưa từng sống và lúc này mới đau đớn nhận ra là cả cuộc đời mình trống rỗng và vô ích.” (tr.84)

 

Sự hợp lưu giữa văn hóa Đông  - Tây trong sáng tác Elena, không chỉ thể hiện ở suy tưởng của chị qua nghĩ suy của các nhân vật mà còn được thể hiện qua  sự quan sát và cảm nhận của nhà văn trong hành trình sống của mình. Đó là hành trìnhTrên chuyến tàu về quê ăn Tết mà khi đọc truyện này ít ai nghĩ nó được viết ra từ một người Châu Âu, nếu người đó không có sự am hiểu về văn hóa phương Đông mà cụ thể là văn hóa Việt. Sự hợp lưu giữa hai dòng sông văn hóa Đông - Tây trong tư duy sáng tạo của Elena đã khiến chị hóa thân thành một người Việt Nam đích thực khi cùng đồng hành với họ trong chuyến tàu về quê ăn tết ở những ngày cuối năm đầy gian truân vất vả. Không những thế, nhà văn còn hiểu được cả những khó khăn mà họ trải qua để kiếm từng đồng tiền mua vé tàu về quê. Bởi: “Đã 3 năm rồi tôi không thể về quê và nhiều lúc tôi cảm thấy mình có tội vì không gặp mẹ trong suốt quãng thời gian ấy. Mỗi lần nói chuyện với bà qua điện thoại tôi thường cố kìm lòng không khóc để bà khỏi nhận ra là trong lòng tôi đang đau đớn xiết bao. Chẳng những không khóc tôi còn cố vui cười nhiều hơn bình thường, khen ngợi và chia sẻ về những gì bà kể, dù trong đầu tôi lúc nào cũng chất đầy lo lắng về một tương lai vô định. Qua đường dây điện thoại, nghe giọng nói của mẹ tôi thường hình dung đến đôi mắt trũng sâu của bà, người mẹ chất phát và đơn giản, nhớ đến đôi bàn tay xương xẩu và sần sùi, mỗi ngày mỗi khô khốc từ mưa nắng sau nhiều năm phơi người trên đồng ruộng.” (tr.58). Quả thật, nếu không có sự thấu hiểu cuộc sống và thân phận người phụ nữ Á Đông không thể nào nhà văn có thể miêu tả về hình ảnh người mẹquê chân mộc và xúc động đến thế: “Qua đường dây điện thoại, nghe giọng nói của mẹ tôi thường hình dung đến đôi mắt trũng sâu của bà, người mẹ chất phát và đơn giản, nhớ đến đôi bàn tay xương xẩu và sần sùi, mỗi ngày mỗi khô khốc từ mưa nắng sau nhiều năm phơi người trên đồng ruộng.”(tr.58) Câu chuyện về quê ăn Tết tưởng chừng như là điều bình thường nhưng chất chứa trong đó những bi kịch phận người. Đó là số phận của người mẹ và người con gái đượcchia sẻ qua lá thư: “Con yêu thương! có bao điều mẹ muốn nói với con, vì mẹ hiểu là trong lòng con đang chất chứa rất nhiều nỗi đau... Điều làm mẹ đau lòng nhất là mẹ không thể làm gì được cho con, bởi mẹ ở quá xa và một bà già quê dốt nát như mẹ thì đâu biết có gì về những chuyện trong một thành phố lớn; Thế giới ấy quá xa lạ với trí óc của mẹ... Từ lúc sinh con ra mẹ chẳng cho con được gì... mẹ không biết là mình còn thời gian để có thể cùng đón một cái Tết nữa bên nhau... Nhưng dù sao mẹ cũng cảm ơn con đã hiện diện ở cuộc đời này.” (tr.59) Và diễn ngôn này cũng cho thấy sự hợp lưu diệu kỳ giữa văn hóa Đông – Tây trong văn chương của Elena. Điều thú vị là trong câu chuyện này và nhiều câu chuyện khác trong tập truyệnMột phút tự do, Elena còn chạm đến những tầng sâu văn hóa phương Đông  thông qua những bình diện khác của văn hóa Việt. Đó là việc nhà văn nói đến phong tục đón ông bà tổ tiên trong ngày tết, đến tiếng ru con của các bà mẹ, hay hình ảnh: “màu nước lấp lánh trên những dòng sông, đến những đồng ruộng trâu cày trước mùa gieo mạ rồi nhớ đến những phụ nữ chân lấm tay bùn suốt ngày phơi mình trên đồng ruộng... rồi tôi còn nhớ đến những cánh cò trắng bay lượn trên bầu trời xanh lơ trước khi đáp xuống... hay những đám lúa bị gió làm cúi rạp mình trông như biển xanh đang gợn sóng... ôi, thân thiết biết bao bầu trời của tuổi thơ, nó hằn lên tâm trí tôi càng thêm sâu đậm từ ngày tôi phải rời xa để sống trong thành phố.” (tr.65)

Song, tầng sâu của sự hợp lưu văn hóa Đông - Tây trong sáng tác của Elena không chỉ dừng lại ở những cảm xúc về con người và cảnh vật làng quê, nơi bắt nguồn và cũng là nơi lưu giữ những gí trị văn hóa truyền thống của mỗi dân tộc mà còn được thể hiện qua những suy tư thấm đẫm tư tưởng phương Đông trong sự quyện hòa với tư tưởng phương Tây qua những chi tiết đầy tính mặc khải trong truyện Kho tàng của sự im lặng. Đó là những hồi tưởng trôi theo dòng ý thức về những ký ức và hoài niệm đan xen trong những thanh âm của cuộc sống hiện tại qua cảm thức của Sư bà: “Nam mô đại bi Quan Thế Âm bồ tát... Nam mô đại bi... tiếng niệm Phật của bà có lúc bị xen ngang bởi những hoài niệm. Cùng với thời gian bà đã nhận biết tầm quan trọng của suy tưởng và của sự im lặng.

Sự im lặng! Im lặng mở ra cánh cửa của vùng trí tuệtiềm ẩn, không phán xét và cũng không phân biệt, chỉ đơn giản giúp ta “nghe” được chính ta, ngoại cảnh và  kẻ khác. Đó chính là sự khám phá được kho tàng giống như lời Phật dạy: “ Ai từ bỏ được thế giới thì sẽ nghe được âm thanh của Niết Bàn” ( tr.90)

Nhưng, không phải ai cũng có thể từ bỏ mọi “gào thét” từ âm thanh của sự cám dỗ mà ở đó những dục vọng luôn đẩy người ta vào bi kịch để lắng nghe “âm thanh của Niết Bàn”!? Câu chuyện vì thế, không còn là một chuyện kể đơn thuần về cuộc đời và phận số của một Sư cô mà còn là một bài học nhân sinh đầy tính triết luận giúp con người nhận ra chính mình. Bởi, hơn ai hết trong nhân gian còn rất “nhiều người đã đau khổ và không sống bình an bởi vì họ chẳng được ai lắng nghe. Trong một thế giới mà ai nấy cũng la hét để biện minh hay che đậy những lỗi lầm của mình ... hoặc ích kỷ đến nỗi chỉ muốn nghe giọng nói của mình thôi, thì đâu còn thời gian để lắng nghe và thấu hiểu.” (tr.91)

    Vâng! Hãy luôn biết Mặc Khải, hãy biết im lặng lắng nghe người khác để biết mình là ai, mình đang ở đâu, mình đang làm gì...!? phải chăng đây cũng là một thông điệp đầy tính nhân văn mà nhà văn Elena muốn chia sẻ với người đọc.

 

    Trong tập truyện ngắn và tùy bútMột phút tự do, theo tôi, có lẽ hai truyện ngắnMột phút tự doKho tàng của sự im lặng là hai truyện tiêu biểu nhất cho sự hợp lưu giữa văn hóa Tây -Đông trong sáng tác của Elena.  Ở Một phút tự do là câu chuyện mang đậm màu sắc triết học hiện sinh thể hiện ở nỗi buồn, niềm cô đơn, sự bế tắc trước những phi lý của cuộc sống đang xen trong đó những hệ giá trị của tư tưởng phương Đông, đó là sự kết nối con người với cộng đồng, với tự nhiên. Và ởKho tàng của sự im lặnglà câu chuyện mang đậm tư tưởng thiền họcđang xen với màu sắc hiện sinh thể hiện qua những suy tưởng về phận người lênh đênh nỗi chìm trong cuộc tồn sinh. Vì vậy, có thể nói, đây là hai truyện ngắn thể hiện bút lực sâu sắc và tinh tế của Elena, một người phụ nữ phương Tây nhưng dung chứa trong mình một tâm thức phương Đông đáng quí. Tâm thức ấy không ngẫu nhiên có được, và cũng không chỉ có được bằng trí thức, với những hiểu biết về văn hóa phương Đông mà còn bằng chính tình yêu vô bờ của chị đối với chồng - nhà văn Trương Văn Dân. Không có tình yêu này, theo tôi không thể có một Elena vừa rất phương Tây lại cũng vừa rất phương Đông như thế!?. Sự hợp hôn diệu kỳ này trong văn chương Elena phải chăng được khởi nguồn từ sự hợp hôn trong chính tình yêu của chị. Vì vậy, không phải ngẫu nhiên, trong bút ký Lễ hội Tây sơn, Bình Định kỳ diệu và tự hào, Elena đã tập trung cảm xúc của mình để ghi lại hình ảnh lễ hội văn hóa Tây Sơn Bình Định, trong đó có võ thuật Tây Sơn và hình ảnh người anh hùng Quang Trung – Nguyễn Huệ với tất cả niềm “tự hào”. Bởi, Tây Sơn là quê hương của nhà văn Trương Văn Dân, chồng chị, là nơi có dòng Sông Côn nuôi giữ bao ký ức của tuổi thơTrương Văn Dân và cũng là nơi khởi nguồn, nơi tích tụ những giá trị văn hóa –lịch sửlàm tiền đề để nhà văn Nguyễn Mộng Giác viết bộ tiểu thuyết trường thiên Sông Côn mùa lũ vô cùng hấp dẫn, lôi cuốn người đọc.

 

           Phần bút ký trong Một Phút tự do cũng có những bài viết như: Hơi ấm của một vòng tay, Angkorwat. Đi, với trái tim, Tà áo lụa giữa những cánh sen... là những tác phẩm văn chương thấm đẫm tinh thầnvăn hóa phương Đông trong sự hợp lưu với văn hóa phương Tây với những diễn ngôn không chỉ thể hiện giá trị văn hóa mà còn có tính triết luận sâu sắc, có thể cảm nhận được từ sự chia sẻ của  chính tác giả: “Ở Ý, bạn bè rất nhiều người tò mò hỏi tôi là Việt Nam như thế nào, một đất nước xa xôi, khác biệt về khí hậu, ngôn ngữ và tập quán. Thường thì tôi nói về đời sống vô cùng khác biệt trong các thành phố lớn như Hà Nội hay Sài Gòn so với các thôn xóm nằm giữa ruộng đồng bát ngát, khuất sau những lũy tre xanh và các hàng dừa cao. Tôi luôn nói thêm là tôi rất nhớ màu xanh của lúa, các màu sắc của đồng quê, đây đó nổi lên một ngôi mộ cổ hay hiện lên một mái chùa, những ngôi nhà tranh có đàn gà cục tác hay các ao hồ có đàn vịt bình yên bơi lội.

Ở Ý, hầu như suốt cuộc đời tôi luôn luôn là một cuộc chạy đua với thời gian. Đời sống hối hả, lúc nào cũng cuống cuồng: đi học, đi dạy, đi làm, tiếp xúc với mọi người trong cái nạn kẹt xe khốn khổ, nhiều khi ngồi bất lực một mình trong xe hơi, xung quanh được bao vây bởi những chiếc xe bất động khác. Chiếc đồng hồ trên tay tôi luôn được chỉnh nhanh hơn 15 phút để tránh việc đến nơi hẹn trễ. Luôn luôn “xung kích”, không bao giờ ngừng nghỉ.”(tr.129). Hay những cảm nhận khá tinh tế và sâu sắc từ việc uống trà, một trong những giá trị riêng có của văn hóa phương Đông cũng gợi thức nhiều vấn đề về triết lý nhân sinh mà nếu không có một tâm thức thấu thị về  Đôngphương học thì không thê nào cảm nhận được. Ta hãy lắng nghe nhà văn cảm nhận:“sau khi mọi người uống cạn chén rượu sen bà Viên Trân mới bắt đầu chiết trà ra các tách nhỏ đang đặt thành vòng tròn trên mặt bàn. Tia nước từ vòi của ấm trà như đang vẽ một đường cong liên tục trong không gian, lên xuống nhịp nhàng từ tách đầu đến tách cuối. Bằng một động tác thật thuần thục, cổ tay thon mềm của bà chuyển động nhẹ đến nỗi như không thể nào nhận biết, bà chiết đầy trên tất cả các tách trà. Tôi có cảm giác là thời gian đã ngưng lại trong khoảnh khắc đó: Chẳng quan trọng là mình đang ở đâu, đang làm gì, ở đây không có chỗ cho quá khứ với những muộn phiền mà cũng chẳng còn chỗ cho tương lai với bao ẩn số.” (tr.133) Hay lời độc thoại của người đàn ông - nhân vật xưng Tôitrongtruyện ngắn Trôi về biển lớn đãchia sẻ “chỉ còn một ít thời gian nữa thôi.Tôi đã bắt đầu già và đang nghe thấy vị đắng của muối trong dòng nước của lòng mình. Tôi cảm thấy lạc lõng giữa sự rộng lớn mênh mông mà tôi không nhìn thấy bến bờ. Tôi lạc lõng và cô đơn trong hun hút. Tôi thấy càng lúc càng thêm pha loãng, mất dần bản thể... nhưng cũng ý thức rằng trong dòng chảy của mình, trong mỗi giọt của dòng nước này đây, có sự chấm dứt...mà cũng chính là sự khởi đầu.” (tr.91)...Ở những diễn ngôn này ta không thể phân biệt được đâu là văn hoá phương Tây hay phương Đông trong sáng tác của Elena mà chỉ thấy ở đó một sự hợp lưu diệu kỳ của hai dòng sông văn hoá Tây - Đông, trôi chảy trong tâm thức của nhà văn, hóa thân thành những con chữ trên từng trang văn đểđến với tâm hồn người đọc, kết tinh trong tâm thức họ những giá trị nhân bản sâu sắc từ những giá trị của văn hóa nhân loại, bất luận đó là phương Đông hay phương Tây. Bởi, trăm sông rồi cũng trôi về biển cả. Thế nên, cho dẫu là nền văn hóa nào thì cũng trôi về biển cả văn hóa của nhân loại. Và sự gặp gỡ giữa hai nền văn hóa Đông – Tây mà nhiều khi ta cứ tưởng chỉ có sự khác biệt cũng là một tất yếu.Điều này ta có thể tìm thấy ở sáng tác của Elena Pucillo Truongtrong tập truyện Một phút tự do (Nxb. Văn hóa Văn nghệ, 2014)và Vàng trên Biển Đá Đen(Nxb. Tổng hợp TP. HCM, 2018)như một chứng từ cho sự hợp lưu văn hóa Tây - Đông khởi nguồn từ dòng sông Po quê Elena và dòng sông Côn quê  của Trương Văn Dân. Đó là hai dòng sông nhưng không chỉ là hai giòng sông có trong tự nhiên mà là biểu tượng của hai nền văn hóa của hai dân tộc, hai đất nước Ý và Việt Nam đang chảy trong huyết quản của họ như tình yêu và định mệnh đã kết tinh trong tâm cảm họ nên ta không thể phân chất trong tâm thức của Elena và Trương Văn Dân đâu là văn hóa phương Đông và đâu là văn hóa phương Tây.

 

3. Trong một lần, nghe nhạc ở nhà một người bạn, khi nghe Ca khúc da vàng của Trịnh Công Sơn do Khánh Ly hát, được thu âm từ trước 1975,nhà văn Elena đã rơi nước mắt. Lúc đó, không chỉ riêng người viết bài này mà cả những người bạn là  văn nghệ sĩ có mặt đều ngạc nhiên. Khi được hỏi vì sao xúc động như thế!? Chị hồn nhiên trả lời là đĩa nhạc Ca Khúc Da vàng đã từng được nhà văn Trương Văn Dân cho chị nghe qua bance cassete từ những năm bảy mươi khi anh du học ở Ý, lúc hai người bắt đầu quen nhau, nên hôm nay nghe lại bance nhạc này chị vô cùng xúc động khi nhớ lại những ngày xưa xa ấy, nhớ lại những ngày tháng gian khổ của anh Dân khi tha hương để mưu sinh lo việc học hành, trong khi quê nhà đang chìm trong khói lửa chiến tranh. 

 

  Theo Elena, mặc dù lúc ấy chị không biết nhiều về tiếng Việt nhưng qua lời dịch của anh Dân cũng như qua giai điệu bài hát chị đã hiểu và cảm được cái diệu kỳ của văn hóa phương Đông, của văn hóa Việt mà âm nhạc Trịnh Công Sơn đem đến cho chị. Và phải chăng, chính âm nhạc Trịnh Công Sơn đã gieo những hạtmầm văn hóa phương Đông, văn hóa Việt trong tâm thức và tâm cảm của Elena để sau này hình thành nên tư duy nghệ thuật mang tínhhợp lưu giữa văn hóa Tây - Đông trong sáng tác của chị. Sự hợp lưu này chính là hiện thân của đôi bờ văn hóa nơi dòng sông Po quê Elena và dòng sông Côn quê Trương Văn Dân – chồng chị. Và cũng vì yêu dòng sông ấy mà Elena chấp nhận dấn thân về sống ở Việt Nam với chồng và tìm thấy nơi mảnh đất này cảm hứng sáng tạo cho những trang văn của mình mà hai tác phẩm Một phút tự doVàng Trên Biển Đá Đen là sự minh chứng cho điều ấy cũng như xác quyết cho nghĩa ý của câu thơ bất tửmà nhà thơ Chế Lan Viên đã viết.“Tình yêu làm đất lạ hóa quê hương”...

Đọc tác phẩm của Elena không chỉ thấy ở đó những vẻ đẹp văn chương mà ta còn tìm thấy ở đó chiều sâu tư tưởng của văn hóa Đông –Tây hiện hữu trên từng trang viết. Chính điều này đã tạo nên một hệ giá trị riêng có của văn chương Elena: Đó là một loại văn chương có sức vẫy gọi linh giác con người hướng đến những giá trị nhân bản được xây dựng trên nền tảng văn hóa có tính nhân văn sâu sắc mà bất cứ ở đâu trên thế giới nhân loại cũng luôn trân quí và gìn giữ. Và từ điểm nhìn này, người đọc sẽ thấy được chiều kích của văn chương Elena, văn chương của một “công dân toàn cầu”.

Trong xu hướng toàn cầu hóa hiện nay, khi mà những dòng sông văn hóa của mỗi dân tộc đã quyệnhòa vào nhau trong dòng chảy của văn hóa nhân loại để tạo nên những hệ giá trị văn hóa mới cho cộng động các dân tộc trên thế giới thì việc hợp lưu văn hóa giữa các dân tộc cũng là điều tất yêu. Và những giá trị này chúng ta cũng tìm thấy trong văn chương của Elena –  văn chương của sự hợp lưu văn hóa giữa dòng sông Baux và dòng sông Côn, của hai dân tộc, hai đất nước Ý và Việt Nam...

 

                                  

 Xóm Đình An Nhơn, Gò Vấp, Mùa Vu Lan, 2018

  Sài Gòn, 28/8/2018

 

Chú thích

   *Các trích dẫn trong bài đều lấy trong tập truyện ngắn và bút ký Một phút tự do của Elena Pucillo Truong (Nxb. Văn hóa Văn nghệ, 2014)

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Trần Hoài Anh
Số lần đọc: 1572
Ngày đăng: 27.12.2018
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Cảm thức hiện sinh trong thơ Lưu Quang Vũ - Trần Hoài Anh
Hoàng Diệp với Bích Khê – Nhà thơ tiền chiến - Trần Hoài Anh
“Gã thi sĩ hoang” – Thơ lắng lọc tâm hồn - Hoàng Thị Thu Thủy
Đọc “kháT/kháC” *của 18 Tác giả - Như Quỳnh de Prelle
Holderlin (II) ”Những vần thơ trữ tình và bi khúc” - Võ Công Liêm
Mùa Xuân và những khúc hoan ca trong thơ Xuân Diệu thời thơ mới - Yến Nhi
Holderlin “Thi ca tư tưởng” - Võ Công Liêm
Nhất thể đa dạng văn hóa thời toàn cầu hóa Về kế thừa phát triển sân khấu dân tộc - Tuấn Giang
Hồn tôi đã hóa con đò ấy - Hoàng Vũ Thuật
Puskin và Nguyễn Du – hai nhà tiên tri* của hai dân tộc - Nguyễn Anh Tuấn
Cùng một tác giả
Thanh Thảo và Thơ (tiểu luận)