Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.097
123.230.161
 
Ăn cơm nhà... (phần 20)
Phạm Lưu Vũ

Chuyện làng thì kể mãi không hết. Ví dụ sau đây là chuyện cái chuông.

Làng quyên góp được rất nhiều tiền từ khắp nơi, cả ở nước ngoài gửi về. Mọi người bàn đem tiền ấy đúc một cái chuông đồng thật to, hơn hẳn chuông của các làng khác để treo ở đình. Làng bèn ra điều kiện, mời hàng chục cơ sở đúc tham gia đấu thầu, trình bày phương án, vẽ hết kiểu nọ, kiểu kia... Tất nhiên ông trưởng làng sẽ là người phê duyệt kết quả cuối cùng.

Các cơ sở đúc hăm hở thiết kế, tô vẽ cho phưng án chuông của mình nào là to nhất, đẹp nhất, kêu vang nhất... nộp lên. Kết quả ông trưởng làng thẳng tay gạch ráo. Chẳng anh nào trúng thầu. Lại đấu thầu lần nữa, lần nữa... Bốn năm lần đấu đi, đấu lại... Vẫn không phưng án nào trúng ý ông trưởng làng. Mọi người đã bắt đầu sốt ruột. Tiền không thành vấn đề. Miễn là đúc được một cái chuông vừa ý...

Cơ sở đúc Văn Hiền cũng là một đơn vị tham gia từ đầu đến giờ. Ông chủ cơ sở vò đầu suy nghĩ. Chuông mình thiết kế to như thế, đẹp như thế, lại có hoa văn rồng bay phượng múa... gõ lên nhất định sẽ vang xa. Thế mà cứ bị loại là cớ làm sao? Bèn triệu tập các tham mưu lại bàn mưu tính kế. Có người bảo đem tiền đút cho ông trưởng làng? Cách này đã thử rồi, song ông ta dứt khoát không nhận. Có người bảo đem khắc tên ông trưởng làng lên cái chuông đó? Cũng không được vì hình như cơ sở khác đã từng làm như thế, song vẫn bị loại... Cuối cùng, thằng con trai láu cá của ông chủ Văn Hiền bỗng nhảy ra nói:

- Những lần trình bày phương án của mình, bố có thấy gì lạ ở ông trưởng làng ấy không?

Ông bố trả lời:

- Lạ là thế nào? ông ta vẫn lạnh lùng như với các cơ sở khác.

Thằng con trai lại hỏi tiếp:

- Thế bố không biết là ông ta bị... điếc hay sao?

Ông bố bảo:

- Đúng là hình như ông ta điếc thật. Nhưng như thế thì sao?

Thằng con trai hớn hở trước điều vừa phát hiện ra. Nó bảo:

- Chính vì điếc không nghe được tiếng chuông, nên ông ta cũng không muốn ai nghe được. Vả lại người điếc thường kị tiếng chuông đồng. Tuy không nghe thấy gì nhưng vẫn bị chứng lộng óc, càng kêu to càng lộng óc, có khi còn chảy cả máu tai ra nữa. Thế mà ai cũng cố thiết kế sao cho chuông mình kêu to nhất, vang xa nhất... thì làm gì mà ông ta chẳng loại thẳng tay. Nay ta thiết kế một cái chuông thật hoành tráng. Nhưng phải là một cái chuông câm thì chắc chắn trúng thầu.

Quả nhiên, khi cơ sở Văn Hiền trình bày phương án đúc một cái chuông to đẹp, nhưng lại ngầm chứng minh với ông trưởng làng rằng đây là loại chuông câm, thì ngay lập tức được ông ta phê duyệt. Các cơ sở khác không hiểu được bí mật này, nên phương án chuông của họ càng kêu to, càng nhanh chóng bị loại bỏ.

Ngày làm lễ treo chuông được tổ chức ầm ĩ, cờ quạt, trống phách vang lừng, mời khách khứa khắp nơi về chứng kiến. Cái chuông quả nhiên to đẹp, nặng tới hơn tám trăm cân, lộng lẫy nhất vùng, phải dùng cần cẩu mới treo được. Có điều khi gõ, nó chỉ khẽ phát ra tiếng kêu ti tỉ, phải chú ý lắm mới nghe thấy. Nhưng không sao. Miễn là từ nay, cả thiên hạ đều biết rằng làng ấy có cái chuông vừa to, vừa “êm”, vừa không bao giờ làm chảy máu tai ông trưởng làng.

Chuyện thứ hai là chuyện nhà anh Mỗ ở cuối làng. Anh Mỗ tuổi ngoài bốn mươi, trong nhà nuôi đủ các giống chim, hót đủ các thứ tiếng, có con còn nói được cả tiếng người. Anh lại nuôi một đàn chó dễ đến chục con, cũng đủ các loại Mực, Khoanh, Vàng, Đốm... Dân làng xưa nay đi qua nhà anh, cứ phi nghe mãi cái bản hoà tấu rất chi là trái ngược. Tiếng chim hót líu lo, ríu rít xen lẫn tiếng chó sủa đinh tai nhức óc. Nghe riết thành quen, cũng chẳng ai để ý đến làm gì.

Thế mà có chuyện lạ xảy ra. Số là một hôm, nhà anh Mỗ có khách. Tất nhiên từ bên ngoài, ông khách vẫn nghe phải cái bản hoà tấu trái ngược kia. Nhưng khi vào đến trong sân, ông ta mới trố mắt ngạc nhiên. Lũ chim nhà anh xưa kia hót hay thế mà nay bỗng hót như tiếng chó sủa. Còn lũ chó vốn sủa rất chối tai, thì nay lại sủa... líu lo như tiếng chim. Ông khách lấy làm lạ, bèn đem việc ấy ra hỏi anh Mỗ. Anh cũng ngạc nhiên trả lời:

- Trong nhà tôi lúc nào mà chẳng có cả tiếng chim lẫn tiếng chó. Vì thế không để ý làm gì. Có thể là bác nghe nhầm chăng?

Ông khách không biết làm thế nào, đành ra hỏi con vẹt biết nói tiếng người đang treo trong cái lồng ngoài sân rằng:

- Tại sao trước kia giọng chúng bay hay thế, mà nay bỗng hót như chó sủa. Còn lũ chó, trước đây chúng sủa chối tai thế, mà nay lại sủa líu lo như tiếng chim. Hay là chúng bay mới đổi tiếng cho nhau?

Con vẹt nghe xong, vênh mỏ “mắng” ông khách rằng:

- Hót và sủa thì có gì khác nhau. Từ ngàn năm nay, chim, chó chúng ta vẫn hót và sủa như vậy, chẳng bên nào đổi tiếng cho bên nào. Có chăng chính cái tai người đã ngược lại thì có. Rất mệt cho cái giống tai ấy. Cứ đem phân ra hót với sủa, êm với chối, véo von với nhức óc... Để rồi nay thế này, mai thế khác... Thật là rách việc! Cuối cùng lại đổ tại chim, chó chúng ta.

Ông khách bị mắng hơi sững người, nhưng cũng không lấy làm giận. Ai lại đi đôi co với một con vẹt. Ông ta nghi ngờ đưa tay lên sờ vào hai tai mình rồi vừa quay vào trong nhà vừa lẩm bẩm:

- Tai vẫn thế,... vẫn thế... mà nghe thì... rõ ràng là không thế... Rốt cuộc thì tại cái gì đây?...

Chuyện ấy loang ra, cả làng được một phen tranh luận. Người thì bảo ông khách đúng, người thì bảo con vẹt đúng... Có kẻ (thuộc phe con vẹt) còn “phát hiện” rằng ông khách nọ từng bị đứt mất hai tai, phải vào bệnh viện khâu lại. Có điều các bác sĩ nhầm lẫn thế nào, lại đem tai trái khâu lộn sang tai phải và ngược lại... Chẳng biết đó là thật hay bịa. Chỉ biết rằng cuộc tranh luận ấy đến nay vẫn còn bỏ ngỏ, chưa ngã ngũ tí nào.

 

Chuyện thứ ba là chuyện về ông Ngô ở đầu làng. Ông Ngô người cao lớn bệ vệ, mặt to mày rậm, có tướng làm quan. Ai cũng nể ông vì cái tướng ấy. Giữa đám dân làng nâu sồng, nhếch nhác, ông nổi lên như một bậc quý nhân. Đến nỗi một hôm có ông thầy tướng vào làng, trông thấy ông bỗng giật mình ngẩn mặt ra mà lẩm bẩm: “người này ngũ quan nảy nở, dáng điệu đường hoàng. Rõ ràng là tướng đại quý. Thế mà không làm quan to thì là nghĩa lý gì?”. Tin ấy đồn đi, giới thầy tướng khắp nơi xôn xao, nhất loạt rủ nhau kéo về xem. Ai cũng công nhận tướng ông đại quí. Vậy mà ông chỉ là một anh dân quèn. Thế thì một là sách của các thầy có chỗ sai, hai là ông có “tiện tướng” ẩn nơi đâu theo cái lý: “nhất tiện át cửu quý” (một cái tiện làm hỏng chín cái quý).

Các thầy tướng phục ở làng cả tháng trời mà vẫn không sao tìm ra cái chỗ “tiện tướng” ấy ở ông Ngô. Rõ ràng là “hiện tướng” (mặt mũi, dáng vóc...) của ông thì không chê vào đâu được. Chỉ còn hy vọng cái “tiện tướng” kia nằm ở “khí tướng” (giọng nói) nữa mà thôi. Thế nhưng ông lại có giọng nói rất to, sang sng như lệnh vỡ. Bất cứ chỗ nào, dù trước đám đông hay chỉ có hai người, thậm chí nói chuyện trong buồng với vợ... giọng ông vẫn cứ oang oang, như thể ông không bao giờ nói nhỏ được. Dân làng quý ở chỗ cái giọng ấy, thành ra hội hè đình đám, đọc diễn văn hay điếu văn... nhất nhất đều nhờ đến ông. Riêng ông trưởng làng thì lại càng quý lắm. Vốn có bệnh điếc nên ông ta nói năng không khỏi có chỗ ấp úng, không phân biệt được bổng trầm. Thế là ông Ngô được đặc biệt tín nhiệm, đến mức ông đương nhiên trở thành người phát ngôn riêng của ông trưởng làng...

Chuyện về ông Ngô với cái giọng oang oang lệnh vỡ của mình có lẽ cũng bình thường, dù “hiện tượng” về ông có trở thành cái dấu hỏi to tướng của ngành “nhân tướng học” đi nữa, nếu không có một người phát hiện ra điều bí mật ẩn sau cái “khí tướng” bất hủ kia. Người ấy là một ông thày địa lý. Một hôm đi ngang qua nhà ông Ngô, ông thày địa lý phát hiện có khí lạ xông lên ở khu vườn hoang ngay trước ngõ nhà ông. Ông ta bấm phương vị rồi bảo với ông Ngô:

- Trong vườn này có chôn vật lạ, lại chiếu thẳng vào bàn thờ nhà ông. Xưa nay ông có thấy gì khác thường không?

Ông Ngô giật mình như vừa bị điểm huyệt. Cũng là lúc tâm của ông bắt đầu khai phát. Bèn trả lời, vẫn bằng cái giọng oang oang cả làng nghe thấy:

- Quả là từ lúc đẻ ra, tôi đã bị mắc chứng ù tai. Càng lớn lên, tai tôi càng ù nặng. Đến nỗi bây giờ, lúc nào cũng như có đoàn tàu hoả chạy trong tai mình vậy.

Ông thày địa lý bảo:

- Thế thì đúng rồi. Nguyên do tại cái vật lạ kia chĩa vào bàn thờ nhà ông. Nay đem đào lên, xoay hướng lại thì chắc là ông hết ù tai thôi.

Ông Ngô nghe lời, lập tức mượn người tới đào. Đào xuống khoảng non một thước, quả nhiên thấy một khối sắt tròn hình ống, xẻng cuốc va vào toé lửa. Đào đến lúc lộ hẳn ra, Mới hay đó là một khẩu thần công nặng ngàn cân chôn từ đời nảo đời nào, nằm hơi chếch lên, chĩa đúng vào giữa bàn thờ nhà ông. Thày địa lý này quả là tay cao thủ. Mọi người bèn vần nó lên mặt đất, xoay hướng cho cái nòng của nó chĩa ra phía cánh đồng...

Khẩu thần công từ đấy hết thiêng, bàn thờ nhà ông từ đấy yên ổn. Ông Ngô quả nhiên khỏi chứng ù tai. Nhưng cũng từ đó, bỗng ông lại nói năng lí nhí, tiếng chỉ nhỉnh hơn tiếng muỗi kêu một tí, nghe tức anh ách, mất tiệt cái giọng sang sảng hồi nào. Thì ra xưa nay, sở dĩ ông cứ phải gân cổ to miệng, chung qui cũng chỉ vì cái chứng ù tai kia, nếu ông không nói tướng lên thì không nghe thấy giọng của mình. Lại cũng vì cái chứng ấy ở ông nó bẩm sinh, nên ông cứ tưởng tai của ai cũng bị ù giống như mình vậy. Chứ bản chất của ông là kẻ vốn chỉ biết lí nhí mà thôi. Từ đó ông trở lại bình thường như bao dân làng khác, chỉ có cái “hiện tướng” thì vẫn tươi tốt như xưa. Thế là ngành “nhân tướng học” giải được chỗ thắc mắc, tuy dân làng thì thiệt mất một giọng đọc diễn văn (với cả điếu văn...), nhất là ông trưởng làng thì không tìm đâu ra một kẻ phát ngôn như trước nữa.

Rồi mọi chuyện cũng trôi qua. Khẩu thần công ấy bây giờ vẫn nằm ngay đầu làng, chĩa nòng thẳng ra phía cánh đồng, trở thành chỗ cho lũ trẻ con trèo lên nô đùa, cọ đít cọ trôn, vẽ bậy vẽ bạ... Nó càng ngày càng nhẵn thín, lên nước đen bóng.

Phạm Lưu Vũ
Số lần đọc: 3615
Ngày đăng: 18.10.2005
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Ăn cơm nhà... (phần 18 - 19) (Trích Quốc văn Tây du dị bản) - Phạm Lưu Vũ
Ăn cơm nhà... (phần 16) - Phạm Lưu Vũ
Ăn cơm nhà... (phần 17) - Phạm Lưu Vũ
Bông điên điển - Huỳnh Kim
Ăn cơm nhà... (phần 13) Trích Luận ngữ tân thư (tiếp theo) - Phạm Lưu Vũ
Ăn cơm nhà... (phần 14) Trích Luận ngữ tân thư (tiếp theo) - Phạm Lưu Vũ
Dám sống, vượt qua rào cản chính mình - Huỳnh Sơn Phước
Ăn cơm nhà... (phần 11) - Phạm Lưu Vũ
Ăn cơm nhà... (phần 12) - Phạm Lưu Vũ
Ăn cơm nhà... (phần 9) “truyện không kể trong truyền kì “ - Phạm Lưu Vũ
Cùng một tác giả
Tai ngược (truyện ngắn)
Tảng thịt tế (truyện ngắn)
Nhà hiền triết (truyện ngắn)
Chính danh (truyện ngắn)
Chuyện làng Kinh (truyện ngắn)
Sự tích núi mồ côi (truyện ngắn)
Ngón tay phật tổ (truyện ngắn)
Xuất xứ (truyện ngắn)
Chuyện vịt (truyện ngắn)
Kẻ vô thừa nhận (truyện ngắn)
Bài ca cuộc sống (truyện ngắn)
Hai anh em (truyện ngắn)
Linh vật (truyện ngắn)
Áo gấm đi đêm (truyện ngắn)
Tửu địa (truyện ngắn)
Vai diễn cuối cùng (truyện ngắn)
Thạch ngôn (tạp văn)
Liệt nữ (truyện ngắn)
Tần Doanh Chính (truyện ngắn)
Đám mổ bò (truyện ngắn)
Cái Kết Có Hậu (truyện ngắn)