Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.118
123.229.090
 
Tản mạn: Ai qua?
Hà Thủy

 

Nếu ví von đời người như cuốn sách thì từ tuổi bốn mươi tưởng chừng như có thể bắt đầu những chương êm đềm hay ít nhất cũng dễ chịu hơn, vậy mà không phải. Nhớ lúc gần bốn mươi tuổi còn ở quê nhà, công việc khá ổn định, một lần ngồi với mấy thằng bạn, một thằng than, sáng nay ngủ dậy đau lưng rồi cảm thán rằng, sắp bốn mươi, đã đến lúc tính sổ cuộc đời được rồi. Hắn nói mà không biết là nói quá sớm. Mà quá sớm thật, thế giới bây giờ đã thay đổi đến chóng mặt, nhu cầu ngày càng nhiều và càng cao, ai dù có bảo thủ cách mấy cũng vẫn bị cuốn hút theo cái vận hành của đời sống, khó cưỡng được. Sống từ trong nước ra đến xứ người thấy ai tuổi bốn mươi, thậm chí năm mươi, giàu theo kiểu giàu, nghèo theo kiểu nghèo cũng vẫn còn quay cuồng vật lộn với đời sống, không như cha ông mình ngày xưa lúc nào cũng có vẻ an nhàn thảnh thơi.

 

Mười lăm năm trước,tuổi bốn mươi, trên xứ người với cuộc sống khác biệt như hai mặt bàn tay, ngày đầu tiên đưa cô con gái lớn đi học, một cảm giác vẫn còn nhớ rõ, hình ảnh cô nữ sinh 16 mới cách đây chỉ mấy tháng trong chiếc áo dài trắng cùng bạn bè tung tăng đến trường, tuổi xuân phơi phới nay thì quần Jean áo pull mang giày thể thao, cặp sách vở mang trên lưng như ba lô lính trận, ù té chạy cho kịp lớp trong ngôi trường rộng thênh thang giữa những người xa lạ; cho dù có tự an ủi một tương lai có thể khá hơn, một cảm giác buồn buồn, xót xa không kềm được, từ đây con sẽ vĩnh viễn mất hẳn những ngày xưa, tuổi trẻ dễ thích ứng và sẽ chóng quên ngày tháng cũ. Những tháng đầu làm việc trên đất Mỹ lại là một trải nghiệm hoàn toàn mới và mới toanh. Cho dù đã có nghe qua sách vở, báo chí , từ người thân hay quen, chỉ đến khi thực sự làm việc ở Mỹ mới thấy thế nào là “làm việc”, đừng nói là công nhân, cả những nhân viên văn phòng cao cấp hay ngay cả những ông chủ, 8 giờ là đúng 8 giờ cặm cụi làm, không thấy ai thúc ép nhưng ai cũng làm như thể ngưng làm là có lỗi với người khác, ăn vội nghỉ vàng đúng giờ như những cái máy, hết giờ làm là mừng hết lớn, cứ so với cách làm việc lúc ở trong nước là cảm thấy mệt mỏi và ngao ngán đến thất thần. Xứ giàu có, sống để làm việc cật lực, kiếm tiền để hưởng thụ những tiện nghi quyến rũ tưởng như không có giới hạn, ai có tự trấn an mình bằng câu “tri túc, tiện túc, hà thời túc” thì “túc” xứ nầy cũng co giãn như cây thiết bảng của Tôn Ngộ Không thiên biến vạn hóa hay có “tri nhàn, tiện nhàn…” thì chỉ có nhàn khi đang ngủ.


   Cũng cách đây hơn mười năm, trong khu vườn nhỏ của căn nhà thuê cũ kỷ, một chiều cuối Đông gặp lại hai thằng bạn học cũ sau mấy chục năm, gặp mới cảm nhận trọn vẹn thế nào là cái đệ nhị hỉ “ tha hương ngộ cố tri”khi ở hẳn ngoài nước. Cùng độ tuổi, đã có một thời thanh xuân lận đận như nhau, cùng một thế hệ trải qua biết bao đau thương, mất mát, hoang mang…lại phong sương đã khá dày dạn nên chi gặp nhau mừng thì có mừng nhưng chẳng đứa nào nhảy cởn lên, không chừng còn chút ngậm ngùi, lần gặp nhau cuối cùng trước đây là đang còn độ xuân xanh, gần hai mươi năm rồi còn chi. Hai thằng đã vợ con, thằng kia vẫn còn ngang ngạnh sống độc thân chưa có dấu hiệu nhượng bộ, đôi khi còn nhìn hai thằng như thương hại, hai thằng lại nhìn thằng độc thân vừa thèm lại vừa ái ngại dùm, dù sao đời sống vợ chồng vẫn luôn là niềm an ủi dịu dàng nhất. Mưu sinh thì hồn ai nấy giữ, khi gặp nhau ngẫm lại cũng vẫn chỉ là một điệp khúc không đổi, bên ly rượu nói chuyện đời, nhắc nhở bạn bè, chọc ghẹo nhau, ngâm thơ hát nhạc, lâu lâu cũng có gây lộn, giận hờn lung tung không đầu không đũa. Vậy mà vẫn cần phải gặp nhau, không gặp không được, cứ như là bữa cơm chiều, cũng bao nhiêu món đó, ngán, nhưng bỏ qua vài hôm là lại nhớ và đói chết. Cứ vậy khi nhặt khi thưa nhưng đến giờ đã kéo dài hơn thập niên, có nhàm chán cũng chịu, tuổi nầy xứ người bạn bè đồng điệu gặp được nhau là của hiếm trừ khi là người thích cô độc.


   Con người dễ thích ứng vài năm là đã quen, qua mười lăm năm là đủ lâu, con cái đã trưởng thành, có cuộc sống riêng và quả thật chỉ còn thoáng nhớ quê hương qua những món ăn; thằng bạn độc thân đã phải nhượng bộ đời thường, ham rong chơi nên chậm chân, giờ phải hát ru con, đúng là ái ngại thật, như con ve sầu hát tận đến mùa Thu, may bên đời còn có hoạ mi líu lo hót chung. Mười lăm năm là già đi nhiều lắm, chuyện ở tuổi bốn mươi đã gọi là chuyện xưa, những chuyện tình năm xưa đã mơ hồ như tích cổ. Mười lăm năm bơi trên giòng sông lạ, vẫn chưa thể thân thuộc nhưng đã quen với những giòng chảy, không khéo khi về lại sông xưa lại ngỡ ngàng như giòng chảy mới. Chiều nay tình cờ cũng một chiều cuối Đông như hơn mười năm trước, cũng ba thằng lại ngồi với nhau. Tuổi năm mươi đi gần hết, dù có giảm nhẹ vẫn cứ còn loay hoay với đời, chưa dứt nổi với những hệ lụy chằng chịt khôn cùng, vẫn chưa thấy chút bình an mà thời gian qua nhanh quá. Nhớ hai câu thơ đọc đã lâu của thi sĩ Hery A. Dobson :

“Time goes, you say? Ah no!


Alas – Time stays, we go.”


Bạn nói,Thời gian qua? Ồ .. Không phải đâu.


Chúng ta qua – Thời gian ở lại.”



Không chừng nhà thơ nói đúng, người nuối cuộc đời nên cứ nói thời gian qua nhanh quá mà cứ quên đi là chính mình đã và đang đi qua. Thời gian của chiều xưa và chiều nay dường như không thay đổi, bất biến và vĩnh cửu, bạn bè dù tình vẫn thân nhưng cảnh đời mỗi thằng đã mỗi khác xưa, đang và sẽ đi qua những ngỏ ngách khác nhau. Cứ nói là muốn níu thời gian lại, thời gian có đi đâu mà níu, thực ra là muốn níu lại mình, níu gì nổi, chỉ níu lại trong vô vọng cho dù là níu bóng mình. Mà thôi, thời gian qua hay thời gian ở lại cũng được, chắc chắn là chúng ta đang qua, cứ thản nhiên, qua thì qua có gì phải sợ, mà đã qua hết đâu./.

 

(2010)

 

 

Hà Thủy
Số lần đọc: 1806
Ngày đăng: 02.01.2019
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Cảm xúc mùa đông - Vinh Anh
Cô gái Huế - Vương Kiều
Cảm - Lê Viết Yên
Tâm cảnh ngày Thu - Nguyễn Lê Hồng Hưng
Sông quê - Giang Hiền Sơn
Mất tích - Phương Uy
Thơ tình tuổi vào đời - Phan Tấn Uẩn
Những thanh âm ngày cũ - Phan Văn Thạnh
Cà phê nhà nghèo, cà phê nhà giàu - Phạm Nga
Nỗi nắng niềm mưa - Ngô Nguyên Dũng