Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.183
123.215.380
 
Xuân về, trên nhịp cầu Quay
Dương Ðình Hùng

Hai người già ôm nhau khóc trên ghế đá lạnh giá . Con kênh xanh im lặng trôi giữa cây lá vàng đỏ . Tiếng nấc, tiếng tắc nghẹn và những giọt nước mắt lăn xuống trên khuôn mặt u sầu , làm ướt đẫm đôi vai áo lẩn trong tiếng tù, tiếng la hét của ban nhạc người da đỏ từ bên kia đường vọng lại. Không xa  âm thanh náo nhiệt , quang cảnh lễ vận động tranh cử hội đồng thành phố.

 

Buổi trưa còn chút nắng chiếu sáng ông Thị trưởng, tay cầm chặt gọng kính đọc bài diễn văn trước trăm người trên ghế bao quanh. Tiếp đến, đám trẻ học sinh thành phố ca múa theo tiếng trống nhịp, đồng ca những khúc nhạc xưa thời những binh đoàn người Pháp tiến quân vào vùng đất rộng lớn này. Nóc giáo đường cổ nhìn xuống đám đông bên dưới. Hàng ghế cuối, chục  ông bà già mang kính chăm chú đọc trang sách giữa huyên náo . Vài cô gái trẻ ngồi hàng ghế phía trước đùa giởn với những chàng trai trên sân khấu lộ thiên. Những cụ bà hững hờ nhìn mây trôi và nhiều  thiếu phụ ngắm nhìn áo quần treo trong gian hàng cạnh đó. Hôm nay cũng là ngày chợ Phiên, mùa thu hoạch họp chợ cuối tuần. Hương thơm của hoa, của cây trái quyện trong mùi thịt nướng …

 

Họ, hai vơ chồng già xa xứ chẵng buồn quan tâm, lắng nghe, tìm ra ghế đá quen tâm sự với giòng sông lạ, thổn thức khóc. .. mặc cho đời quay. Nắng lên, lấp loáng trên cao những ngọn lá phong đong đưa chờ mùa thu sắp về, lá đổi màu rơi rụng. Khá đông người dạo quanh công viên. Con chó lông xù trắng dẫn lối cho bà cụ tóc hoe vàng nối gót theo sau, bờ sông có trên chục con chó đủ sắc màu đi dạo cùng người . Nhìn hai người già khóc, ngạc nhiên tự hỏi , họ móc túi cho vài xu đặt trên ghế đá. Nhiều người làm như thế trong buỗi trưa trời xanh trong. Hai người gìa ngưng khóc, quàng ôm nhau như thiếp ngủ bên nhau trên ghế đá im mát.

 

Đến xế chiều,  hai cụ lau những giọt nước mắt còn đọng trên má, trên lớp da nhăn nhúm, uể oải đứng dậy khi chung quanh đã vắng bóng người. Họ nhìn về con kênh xanh lặng lẽ trôi ra Ngũ Đại Hồ, chảy dưới chiếc cầu vồng bắt qua. Nép bên kia chân cầu, ửng lên ngôi nhà sơn xanh mái đỏ, đó là nhà hàng D' E'toile của người con gái yêu qúy. Nhìn những đồng tiền tung tóe trên ghế đá. cụ ông cúi nhặt nắm trong lòng bàn tay run kèm nụ cười khô héo giữa đôi mắt hé mỡ , tẫn tờ nhìn quanh . Họ lê bước về cuối công viên, nơi có ngọn đèn đường dẫn lối qua đường, nơi có thùng tiền lạc quyên, họ nhét những đồng xu vào cái thùng đựng tiền - thùng dùng quyên tiền của bệnh viện Phụ Khoa của thành phố Belle - Ville này.

 

 Nhiều năm qua, đôi vợ chồng này đã khóc đã khổ như vậy nhiều lần. Đôi khi vì qúa im lìm, vì qúa buồn lửng lơ trong dòng tế tục này .Cảnh đơì về già có nhiều điều phải nhớ.  

Men theo con dốc nhỏ, họ trở về nhà cách đó không xa. Khi cánh của mở ra, tiếng Bích Châu vang lớn : Ba mẹ đi đâu mà lâu qúa ? Bà  mỉm cười, cầm tay con gái :

- Mẹ nhầm con còn ở tiệm nên ba mẹ dự chơ Phiên, rồi đi dạo dọc theo hồ. Sao hôm nay con lại về sớm ?

- Không, lát nữa con đi làm. Chủ nhật rất đông khách . Ba mẹ chuẩn bị ăn tối,  con có mua được hai ký ghẹ Vancouver ngon tuyệt.

Nàng nhìn vào đôi mắt mẹ, đôi mắt ướm đỏ long lánh,  bàn tay lắc nhẹ trên vai bà ta : " Mẹ khóc phải không ?"Bà ta lắc đầu, có tiếng trả lời của cụ ông " Tại mẹ con nhớ thằng Ba, nhớ nhiều thứ lắm ở quê … ".

 Buổi ăn tối qua mau trong im lặng, thiếu cái ồn ào của thằng cháu ngoại tinh nghịch to con đã lên giường ngủ sớm. Bích Châu chải lại mái tóc dài, khoác thêm chiếc áo lạnh, hôn nhẹ trên mái tóc bạc bối tròn cao trên đầu mẹ. Nàng vội ra ngoài lái xe quay lại nhà hàng đêm cuối tuần. Bà thầm thì với chồng " Khuya nay sớm nhất vợ chồng nó quay về cũng 3 giờ sáng. Chồng thì lo bán, vợ thì lo nấu …" Họ yên lặng, bàn ăn có đĩa ghẹ hấp, ghẹ lớn bằng hai bàn tay, lớn như con cua Cần Thơ ngày nào, lim dim đôi mắt thả hồn, hồi tưởng nhớ về một vùng quê nhà xanh mát.

                                                *

            Tiếng thắng xe rít mạnh trên hè phố. Buớc chân Bích Châu vội vã vào công viên quen, hướng về phía ghế đá. Cụ bà vẫn khóc trên cụ ông, khi những đôi mắt họ đều nhắm kín , không nhìn quanh, không nhìn xuống nhìn lên. Riêng nàng nhìn mấy đồng xu văng tung tóe trên cỏ xanh hiểu một phần sự việc,  đôi bàn tay lắc mạnh vai gầy của mẹ :

            - Mẹ làm thế này người ta tưởng ba mẹ đi ăn xin - mắc cở chết ! Thành phố Belle -Ville ai ai cũng biết mặt vợ chồng con.

Họ dầm dìa nước mắt, im lặng lắc đầu. Nàng ngồi xuống nhặt mấy đồng xu bỏ vào túi áo :

            - Chị Hélene điện thoại cho con bảo ba mẹ mầy.. đi ăn xin ngoài công viên ! Con bỏ việc chạy về đây. Thôi đừng khóc nữa, mình về nhà không người ta cười. Mai con sẽ nghỉ một ngày đưa ba mẹ lên Ottawa chơi. Đẹp lắm, có mấy người cùng quê mình trên đó.

Tiếng chim hót trên cao gĩa từ mùa Thu - Tiếng nói nhát gừng của người cha :

- Mẹ con nhớ nhà, nhớ Dì Tư, cậu Năm, nhớ nhà ở Cổ Cò …Tía và mẹ chỉ xin con một điều độc nhất và là lần cuối cho hai người về thăm nhà một lần thôi .

Bích Châu im lặng, nhìn họ, nhìn con kênh sông êm đềm bỗng dưng nhớ lại con kênh chạy ngang nhà thời con gái, nhớ lại cây mắm cây đước dòng nước đục hôm nào … Giờ này là mùa nước nỗi,nước dâng cao có lắm rùa lắm chuột .  Nàng cuốn chải, cột lại mái tóc rối bời của mẹ, thầm thì :

- Ba tháng nữa là đến Tết ,  con sẽ mua vé máy bay cho ba mẹ về quê đón Xuân ".

Nhớ đến cái Xuân sẽ được quay về, cái Tết bị quên lãng mấy năm qua nơi xứ lạ, bà ta lẫm bẩm điều gì rồi mừng rỡ ôm chầm con gái. Nắng đổ trên cao, sáng cái ghế công viên. Bà cụ xoa nhẹ bàn tay con mình, nói như khóc :

- Ba mẹ hứa sẽ không khóc nữa cho đến Tết. Châu, con đến nhà hàng làm việc đi kẻo không có người.

Khi nàng lên xe quay về chỗ làm cũng là lúc ông cụ ông vén nhẹ ống tay áo vợ, nhìn những vết tím bầm mới cũ trên đôi cánh tay gầy ốm trắng. Dấu tích sáng nay của đứa cháu ngoại tinh nghịch. Nó thường véo vào cánh tay bà thật mạnh cho đến khi cụ đau không chịu nổi phải thét , la lớn . Thằng bé khoái chí, ù bỏ chạy lên lầu.

Cụ ta xoa nhẹ qua lại trên vết trầy, lắc đầu. Cháu ngoại lai Tây cũng khổ, mới 10 tuổi to con, tính tình hung hãng, thích chơi trò bạo lực … Đừng có mong ông bà ngoại xoa đầu nó. Nó thích chọc ghẹo bà ngoại. Rồi hét lớn, vung tay lên trời như đấu võ … nhảy đùng đùng trên lầu một không cho ông bà nghỉ trưa .

Có nhiều chuyện Bà ngoại đâu dám kể cho mẹ nó nghe. Nhiều hôm trời lạnh, hai ông bà già đi dạo về, thằng bé đóng cửa không cho vào mặc cho đứng ngoài trời rét. May thay có người hàng xóm thấy vậy gọi điện thoại cho mẹ nó quay về nhà giải quyết …nhiều thứ khó hiểu nỗi trong vùng băng tuyết này. Ong cụ nhắc nhở ;

-         Sắp tới, Bà được về quê, có dịp xem tuồng Da cổ hoài lang rồi đó, mặc mà đi thăm bà con lối xóm .

Lâu lắm hai người mới nở đưọc nụ cười, nụ cười thật hiếm hoi, thực chất của chính mình .

**

 

 

Cơn mưa chiều vừa dứt. không gian còn chút hơi mát của trận mưa rào chợt đến, chợt đi. Hai bên kênh, phố đã lên đèn. rực sáng con đường trời tháng tám. Bích Châu ngồi đó trên hàn hiên căn phòng lầu hai của khách sạn quay ra phố . Dòng nước đục dâng cao trôi nhanh mùa nước nổi, dâng lên gần tới cầu Cao bên phải và cầu Quay nằm không xa phía trái khách sạn Nước chảy giữa hai bờ kè đá mới được xây dựng, trôi giữa lòng thành phố nhỏ xinh thời con gái. Con sông nhỏ một thời mang tên kênh Maspéro hiện nay nhiều người đả quên lãng . Thấm thoát hai tuần trong căn phòng như mơ nhớ về những gì gần gủi quanh đây, thêm nhiều khắc khoải âu lo chìm trong đó.

 

 Đôi khi cảm thấy hạnh phúc trong phút chốc vì nàng được thoát ra khỏi căn bếp chật chội nhà hàng D'étoile bên trời xa, khỏi bị giam mình giữa không gian lạnh lùng như hóa đá. Ngày ngày, nàng như ngất ngây mùi nắng, say mùi bùn bốc lên trong cơn mưa chiều, gặp lại con kênh chan hòa trước mặt. Nàng vươn mình ngồi dậy khỏi chiếc ghế bố, đến ngồi nơi chiếc bàn ăn, dọn riêng ngoài trời cho nàng .

 

Người bồi, dọn buổi ăn tối lên, trên bàn có món " Cá lóc nấu hèm chung với khoai môn " . Món lẫu mắm bên cạnh kèm theo một đĩa lớn rau xanh cao ngất, xanh một góc bàn ăn. Dĩa có rau rồng mang lớp võ sù sì giống vãy con lươn, rau chút, rau cù nèo, rau dừa nhỏ tí tẹo mọc hoang ngoài đồng, rau cải xanh lá lớn bằng bàn tay, màu xanh rau muốn, màu tím cọng hoa cây bông súng, màu vàng nhạt hoa điên điển xuất hiện nhiều mùa nước nổi … tất cả màu xanh mát quê nhà.

 

 Chuyện lạ bên kia, ba mẹ thường ao ước thèm trồng một vài loại rau sân sau nhà riêng ở bên thành phố Belle- Ville cũng không được. Luật thành phố đâu cho trồng chung với cỏ với hoa. Muốn nuôi một con gà trong nhà để nghe tiếng gáy cũng khó,  vì sẽ bị ra tòa, vì dám phá giấc ngủ người hàng xóm. .. Bích Châu vẩn vơ chép miệng cười, tự nhủ,  đâu là thật, đâu là ảo vọng đời người ! Người bồi bàn đứng nhìn nàng ăn rồi lên tiếng :

- Cô ở nước ngoài về chẳng thấy đi đâu chơi, Lạ? không ai ghé thăm cô. ?.

Không buồn trả lời, đôi mắt chăm chú đọc lại những bài thơ trong chồng sách báo mới mua. Sách báo nằm rối tung từ trong phòng ra tới hàng hiên.. Phố đêm có những đám lục bình trôi mãi không dứt, trôi ra tận cửa Đại Ngãi, Định An, Trần Đề … giống như đời người trôi về nhiều nơi biết đâu là bến bờ.

 

Chuyện cha mẹ già khó có thể hiểu hết, kể từ ngày họ về nước ăn Tết. Từ Xuân về, trên nửa năm không thấy trở lại, không có một lá thư, không thèm gọi điện thoại cho con, biệt tăm biệt tích không thèm liên lạc với ai . Tất cả làm Bích Châu lo lắng,  không yên tâm nên phải quay về đây kiếm tìm.

 

Tuần qua nàng đã về quê nội tìm gặp lại ông già bướng bỉnh nơi vùng  quê Cổ Cò. Có lẽ ông thích vui thú tỉa cây, nuôi cá với chú Năm, lam lũ bám theo dòng mương nhỏ trước nhà. Gặp lại cha, đôi mắt ông cụ mừng rỡ ôm choàng con, nàng hỏi  " Mẹ con đâu rồi ?"

Ông cụ im lặng, đến thắp nén nhang trên bàn thờ gia tiên, chỉ bức tượng Phật thầm thì :

-   Mẹ con cạo đầu đi tu kể từ ngày về tới đây, trong ngôi chùa Chén Lớn gần quốc lộ 1. Con đừng lo mẹ, tía có việc của tía.

-   Tốt nhất, ba phải quay về Canada với con …"

-  Tao ném hộ chiếu xuống sông rồi. Làng này Công an, Ủy ban là con cháu trong làng, nên không ai thèm làm khó tau.

-  Nhưng giờ đây ba má có hơn ngìn đôla một tháng tiền già bên Canada !

-  Cho mười ngìn đô tao cũng không cần. Đời tía có đời riêng, đời con có đời con, đời cháu có đời của nó - không ai giống ai .

Đến lúc ăn trưa, ông cụ còn tâm sự với nàng " Đời tía dính với mấy đời ông khai phá vùng đất hoang này rồi. Trăm năm trước ông cố nội thời còn ở sông Mần Thít cũng bị Pháp bắt giam đày đi tuốt đảo Réunion biệt tăm biệt tích biết đâu mà mò - Ông nội, mấy chú nằm đây hết, thôi con cho tía ở lại chăm lo mộ phần,  đừng đi đâu hết ! Tiá không muốn lạc bầy ! Tía nhớ con kênh làng mìn, nhớ con nước nỗi . Tao thích ăn thịt chuột,thịt rắn…"Rồi ông miên man kể cái qúa khứ xưa kia nơi vùn đất này ông lớn lên . Xa kia là đám rừng  tràm rừng đước còn sót lại - con thuyền nhỏ  xưa kia ông chèo đầy nhữn đám rắn hổ ,rắn vi cá … ngóc đầu cao, cao bằng bông  súng bông sen tím đỏ một vùng mây nước . Những sáng tinh mơ , tao thấy rắn bò ngổn ngang quanh vườn nhà .

 

Buổi cơm tối nhìn nàng nhìn thấy dĩa thịt đỏ bốc mùi thơm lạ rồi hỏi : " Thịt gì đây ba? ".

- Chuôt đồng quê mình . Chú Năm vào rừng bắt hồi chiều .Chuột mùa này hơi bị ốm .

Nhìn ông già thòm thèm ăn thịt chuột trên đôi hàm răng giờ đây thiếu hụt .  miệng luôn kể lại sự tích huy hoàng thời trai trẽ , chuyện đi bắt chuột . Mùa thu hoạch lúa là lúc lũ chuột to béo no đầy . Cùng với đàn chó ông thường bủa vây tứ phía, đem chúng rôti với ngọn lửa lá lúa . Mùa lũ tới , người còn không có đất để trốn , lũ chuột trèo lên cây cao để ẩn trốn . Chỉ cần cái sào tre trên con thuyền nhỏ là chuột  rơi rụng xuống đời …cũng được bọc trong lá sen lá súng hâm nóng cho miệng người .  

 

Tháng tám nước lũ lên cao, thầm nghĩ đúng con kênh chằng chịt như mạch máu vùng đất này. dòng kênh thẳng sâu, nước chảy xuyên suốt cánh đồng mút đến chân trời, Tâm nàng mờ mịt không tan giữa bao điều suy tưởng. Đám vịt lội kín một con kênh, xa xa là ngã bảy Phụng Hiệp dập dìu thuyền ghe neo đậu.

**

 

Một ngày, lúc tinh sương, nàng ghé thăm chùa nơi có người mẹ của mình vào quy y Phật. Chùa có nhiều cây cao lắm chim trú ngụ,  vài chục người đàn bà ẩn mình trong đó. Ao vàng phơi vàng một góc chùa quyện trong làn khói trắng bếp lửa ban mai. Nhiều sư cô đang tắm gội, tiếng kinh kệ ban mai êm ả vang động một khu vườn. Bích Châu gặp lại mẹ trên căn phòng nhỏ mộc mạc tối tăm của dãy nhà sàng. Lớp da rạm nắng, đầu tóc bà cạo sạch bóng, lộ cái sẹo dài trên đỉnh đầu. Đầu trọc nên lần đầu tiên nàng nhìn thấy vết sẹo của mẹ rõ dài đến thế. Vết sẹo dài cã gang tay. Cái sẹo theo lời mẹ kể lại đó là dấu tích bị Tây bắt giam, vì dám chống đối thuế cao thời con gái.

 

Nàng ngây ngất nhìn đầu trọc, nheo mắt nực cười không tin nổi là mẹ ngồi trước mặt. Dấu đôi hàng lệ ngồi cạnh bà kể lể nhiều chuyện nước ngoài kể từ ngày Xuân hai người về nước, chuyện thằng Ba bên Mỹ không có tin tức gì cã không hiểu nó sống ra sao , chuyện thằng Bill cháu ngoại giờ nó ngoan hơn …bà im lặng không nói một tiếng nào, đôi mắt hững hờ như hướng về một chân trời vô định khác.

 

 Đã đến giờ mọi người đi khất thực, bà đưa nàng ra cổng chùa ngay ở chánh điện. bà chỉ cánh cửa bên phải chùa có chạm hình một nàng tiên nữ cầm binh khí, cánh cửa kia chạm một hình Chằng khuôn mặt dữ tợn. Hình chạm giải thích với nang như một biểu tượng giao chiến giữa Thiện và Ac, giữa nỗi đau và hạnh phúc … bà mẹ nhìn con gái, đôi bàn tay chắp tay trước ngực :

- Mô Phật. Mẹ đang đi tìm con đưòng của Phật … con đừng bận tâm về mẹ ".

Bích Châu chờ đợi bên ngoài cổng chùa, lén đi sau một khoảng xa, sau ba sư cô áo vàng khất thực có mẹ mình đi theo, rồi nhìn họ chậm bước vào phố chợ đông người.

Anh sáng cuộc đời rọi lẫn trong bóng tối chôn dấu.

                                                &

Đêm về bao phủ thành phố nhỏ. Trên cao đám rầy nâu từ đâu xuất hiện, bay chằng chịt chung quanh những ngọn đèn bên sông, bay không dứt cuộn tròn ngọn đèn khách sạn, bay hỗn loạn phút chốc rồi tơi tả rơi xuống. Đời sống thiêu thân và phù du. Vài con rơi vào ly nước trong đặt trước mặt nàng. Đứng dậy, khó chịu tắt đèn cho đám rầy bay đi nơi khác. Hình như có tiếng ếch nhái vang động từ dòng sông dội lại. Khúc hoan ca vui mừng đều đặn loài ếch nhái. no say trong tiệc lớn vì có rầy nâu đến làm mồi. Khúc nhạc quen đưa nàng về ngôi nhà cũ xưa. Ấu thơ mang nhiều dấu ấn của con kênh dừa nước ,trái bần, là đám cò trắng kín cánh đồng mùa lúa chín …là biểu tượng của ngay chính mình nhưng có thể không là cảm xúc gì hết với đứa con trai nàng ở phương trời Tây hoặc người chồng sau.

 

 Bích Châu, người đẹp trường Nữ trung học La Providence của thành phố nhỏ này. Bên kia cầu Quay là trường Tabert dành cho Nam sinh, là ngôi giáo đường lớn … đám học trò nam nữ cùng đứng đợi qua cầu khi chiếc cầu Quay nhấc nhịp cầu lên, rồi chuyển mình đôi nhịp xòe cánh cho những con thuyền lớn qua sông.

 

Dư âm quay về. Cuộc đời buộc nàng quay cuồng chóng mặt, chập chờn ngủ trên ghế bố khách sạn. . Nửa đêm nàng thức giấc, nhìn ngắm bến sông khuya chuyển động,  con kênh đổi thay khác nhau nội trong một ngày, rộn rịp trong bóng đêm … giống như chuyện đổi thay khác nhau về suy tưởng, nhìn ngắm sự đời, ước mong, lối sống …của thế hệ nàng, của thế hệ con mình, ngay thế hệ cha mẹ …hay là cứ để mỗi thế hệ tự làm chủ ngay chính mình. Thế hệ cha mẹ mình dính liền với qúa khứ vùng đất này, chuyện họ trở về đôi khi là chuyện mặc nhiên. Đáp án một đời người thường không giống nhau trong thực tiễn cuộc sống.

 

                                                &

Đôi mắt nàng không rời đoàn áo vàng bên kia phố, Mẹ nàng luôn luôn đi sau cùng. Lộ trình của họ mấy ngày qua luôn giống nhau Họ qua cầu Cao, theo ven kênh Maspéro , đi hướng về phía cầu Quay, ngang qua khách sạn nàng trọ, rồi lên cầu Quay, họ lại theo đường ven kênh trở về nơi xuất phát,  mất hút sau tháp cao truyền hình thành phố mới xây.

 

Nhắp tách cà phê, chăm chú nhìn những tà áo vàng rực nắng. Đoàn sư cô khoan thai chậm bước ngang qua khách sạn. Họ dừng khá lâu nơi bóng mát cây bàng lăng, xuyên qua khe lá nàng đang ngồi bên trên chăm chú nhìn xuống. Cái vết thẹo dài giữa đỉnh đầu mẹ, loang loáng chút sương mai. Mẹ nàng đứng bất động bên dưới, đầu thẳng bất động. Hai sư cô kia đầu nghiêng về phía bên phải, nhìn xuống bàn tay gầy nhom, thoát ra từ ống tay áo vàng rộng thùng thình, nâng chiếc bình trắng . Mẹ già gần ngay đó, trong tầm tay nhưng là khoảng xa vời vợi.

 Khi người ta già có phải đó là người trẻ bị bệnh nặng ? Cái ngóc ngách sâu thẵm nội tâm của mình còn chưa lý giải được ? Những mất mát đau thương, an bần lạc đạo âu là kiếp nhân duyên của một đời người ? Chuyện thằng Ba em ruột mình chết bên Mỹ đã bốn năm rồi, mình còn che dấu không cho cha mẹ hay biết ? Nỗi quặn đau dấu kín nên mỗi lần ai hỏi đến là nói láo. Đúng là từ ngày mẹ về nước, nước da đổi khác ửng hồng đen. Định mệnh trôi theo con nước sóng sánh bên kênh. Vạt nắng nhòa nhạt bên dưói giữa không gian đời thường.

 

Bích Châu đứng dậy theo xuống phố.  Nàng men theo phố như đi mua sắm hàng, theo sau đoàn khất thực một khoảng cách vài chục mét. Đoàn chậm bước qua cầu Quay, nàng đi nhanh đuổi kịp mẹ khi nắng đã lên cao, nắng bao kín dòng kênh đục.  Nàng chồm tới ôm hai vai mẹ, ôm cái đầu trọc, hôn chiếc sẹo dài ướt đẫm mồ hôi … dương thế, dòng đời như rực nắng áo vàng óng ánh quanh người nàng, vàng luôn me con đứng bất động trên nhịp cầu Quay soi xuống một con sông. Bích Châu nói nhỏ bên tai " Ngày mai con quay về Canada …mẹ giữ gìn sức khỏe " Bà mẹ gục đầu mấy cái đôi môi nhấp nháy " Mô Phât, Mô Phật … trần gian là bể khổ " Bóng họ in xuống giòng kênh đục, vang vọng rung động đám lục bình bên dưới, nước đục cuộn trải về biển xa. Thân người mẹ cúi xuống thoát ra khỏi đôi tay trần người con gái, bà giẫm bước theo lối nhỏ qua cầu, đôi bàn chân trần bà chậm rãi. Ngón chân nhón cao như in hằn xuống lớp xi măng nhịp cầu. Nàng như nhìn thấy nhịp cầu xưa một thời nâng cao dẫn lối một con thuyền, giờ đây rung động chuyển quay cho một đời người ….Gót chân mẹ run, xiêu vẹo dóng theo kịp hai sư cô áo vàng phía trước. Họ đã đi đến chấn chân cầu Quay phía bên kia. Nắng trắng nhịp cầu Quay.Đôi mắt nhắm kín khôn nhìn quanh , khôn nhìn lên khôn nhìn xuốn mặc cho nắng chiếu xuống nhịp cầy quay  /.

 

Ghi chú : René Maspéro 1883-1945, một nhà Trung Hoa học, có nhiều tác phẩm về vùng Đông Nam Á đặc biệt nhiều quyển sách nói về tôn giáo vùng Nam bộ.

Cha ông ta là Gaston Maspéro một nhà Ai Cập học

Dương Ðình Hùng
Số lần đọc: 2731
Ngày đăng: 19.10.2005
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Chuyện kể người đánh cắp tượng PHẬT THÍCH CA MÂU NI - Vĩnh Nguyên
Ban bè một thuở - Nguyễn Đức Thiện
Tấm kiếng rạn nứt - Nguyễn Đức Thiện
Dạ nữ - Dương Ðình Hùng
Tìm quê - Dương Ðình Hùng
Không thể đùa - Nguyễn Đức Thiện
Người viết đơn thuê - Nguyễn Đức Thiện
O chuột và ngôi nhà rỗng - Nguyễn Thị Thu Hiền
Nhân phủ - Nguyễn Ngọc Tư
Tư Biển - Nguyễn Trọng Tín