Buổi sáng, tôi dong xe đi trong cơn mưa gió. Tôi chỉ còn một ngày để có thể đi tìm những nhân vật trong dòng nhớ mình, trước khi trở lại dòng sống cũ. Rồi lại trở về trong lất phất mưa bay. Buổi trưa ngày thường ở vùng quê vắng vẻ như thông lệ. Tất cả đã đi làm và tôi, ngồi dưới hiên nghe tiếng mưa rơi.
Tôi sực nhớ file nhạc Bàn tay nhỏ dưới mưa của nhạc sĩ Nguyễn Phú Yên mà tôi mới nghe qua một lần khi anh mới hoàn tất. Hôm nay, trong mưa, tôi muốn nghe lại bản nhạc này.
Đây là bản nhạc được nhạc sĩ Nguyễn Phú Yên phổ dựa theo ý của truyện dài Bàn tay nhỏ dưới mưa của tác giả Trương văn Dân.
Gối tay sau gáy, đỡ đầu gối trên băng đá, tôi nhắm mắt hòa cùng ba tiếng mưa rơi. Tiếng mưa đang rơi trên mái tôn chỗ tôi ngồi lộp độp rơi mang theo tiếng sắt, tiếng mưa gió hòa trên nền nhạc âm u rĩ rền như tiếng dội từ mê cung đời, và tiếng mưa lòng nàng Gấm trong cơn mê mõi đời;
“Bước đi trên đường đời
Bơ vơ giữa dòng người
Em đi sao hình hài tả tơi
Tay che mưa đầy trời
Che dông bão cuộc đời
Mong manh thân phận này rã rời”
Tay em có che nổi trời không, hay chỉ là vô vọng? Tôi chợt nhớ mưa trong tác phẩm Chuông nguyện hồn ai của Ernest Hemingway. Nhân vật Maria tâm sự cùng Jordan “Đôi khi em thấy mình đang chết trong mưa”. Phải, đang chết. Cái chết mòn của định mệnh đời vô phương chống đỡ. Những chất ngất bão giông dường như cứ nhắm thân phận Gấm để dập vùi. Dù cũng có lúc vui. Vui là vui vậy như bàn tay nhỏ chỉ che lấy lệ sầu thương mưa gió từ đời.
“Có hay chăng đời mình,
Âm u những cuộc tình
Lang thang những ngày dài buồn tênh
Không dưng anh trở về
Con tim trót hẹn thề
Cho em nẻo đường trần thôi não nề”
Tôi đọc và nghe đi lại phiên khúc này để rồi phân vân. Câu “có hay chăng đời mình” là một câu nghi vấn, trong khi đời nàng Gấm là một khẳng định đau thương. Và khẳng định rằng Gấm đã ngụp lặn trong đau thương đó một cách có ý thức. Tôi ngẫm hoài phải chi, theo tôi, nên đổi thành “Có ai hay đời nàng” bởi nhân vật Gấm trong bài ca này đang ở ngôi thứ ba, một lời kể về nàng.
“Em mơ một tình yêu lung linh
Bên nhau niềm hạnh phúc mênh mông
Em vui cả một trời yêu thương thắm nồng
Biết đâu đời là cuộc bể dâu
Xót xa những phận người buồn đau
Đời cho thêm mãi ê chề về sau”
Sẽ không thành đâu, ước mơ người dù nhỏ. Hạnh phúc chỉ mong manh như sợi tơ sầu. Ngày vui phút chốc rồi đau ngàn trùng. Hình tượng này là hình tượng của một Lennie, một George trong Của chuột và người của John Steinbeck. Hạnh phúc dù đơn sơ với người cũng không thành. Vòng vây oan khiên của đời vẫn luôn siết chặt những con người có cuộc sống giản đơn.
Đây là bản nhạc mà nhạc sĩ Nguyễn Phú Yên đã dụng công làm ca từ và nhạc dựa theo truyện. Dĩ nhiên không thể và cũng không cần thiết gom hết nội dung. Chỉ một mảng tình của Gấm đủ để phô hết đau thương. Đó như là một nhạc phim làm nền giới thiệu cho những chi tiết dài sau. Nhạc sĩ Nguyễn Phú Yên đã thành công theo chiều hướng đó. Khả năng viết nhạc của anh đã minh chứng qua nhiều bài hát để đời.
“Bước đi trong ngậm ngùi
Khi đau thương dập vùi
Dấu chân xưa trong chiều u tối
Em ra đi thật rồi
Mây trên cao bồi hồi
Đưa em yêu về trời thảnh thơi”
Những dòng nhạc cuối rơi xuống, bốn chữ ‘về trời thảnh thơi” chỉ để lại cho tôi một nỗi ngậm ngùi, tựa như “vĩnh an thiên phúc”, hy vọng là thế, thảnh thơi cho kẻ thiện tâm, in terra pax hominibus bonae voluntatis. Dù vẫn là nói chuyện viễn mơ.
Tôi chợt nghe thêm một tiếng mưa rơi thứ tư, mưa trong lòng tôi sau khi bài hát chùng rơi.
Lòng chùng nghe tiếng mưa trong
Ngùi đau cõi thế nạm vòng kim cô
Gian nan giữa cuộc vật vờ
Bàn tay chỉ để che hờ nỗi đau
Cám ơn Nhạc sĩ Nguyễn Phú Yên đã cho tôi chia sớt nỗi đau đời. Thế gian còn quá nhiều bàn tay nhỏ dưới mưa
18-12-2018
Nghe hát: https://www.youtube.com/watch?v=sf0q_rkft4k&feature=player_embedded
Nguồn:https://www.facebook.com/chaulong.dang/posts/2413694082036897?comment_id=2426331620773143¬if_id=1545708632519589¬if_t=comment_mention