Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.147
123.225.604
 
Tiếp nhận Edgar Allan Poe trong nghiên cứu phê bình ở Việt Nam. Phần 1: Giai đoạn trước 1945
Hoàng Kim Oanh

 

 

  1. MỞ ĐẦU

Trong giao lưu văn hoá giữa Việt Nam và quốc tế, so với các nền văn học khác, văn học Mỹ đã du nhập vào Việt Nam khá sớm nhưng không trực tiếp ở mốc khởi đầu. Nhịp độ phát triển cũng không bình thường do chịu sự chi phối có tính quyết định của hoàn cảnh lịch sử, chính trị đặc biệt, đầy biến động của đất nước. Ngay buổi giao thời của nền văn học chữ quốc ngữ mới hình thành, Edgar Allan Poe, một hiện tượng độc đáo, kì lạ của văn học Mỹ thế kỉ XIX, người góp phần khai sinh nền văn học Mỹ, người đầu tiên đại diện cho cả một nền văn học bên kia đại dương đã có mặt ở Việt Nam, và đã được tiếp nhận trong một bối cảnh giao lưu khá đặc biệt: từ ảnh hưởng văn hoá – văn học Pháp.

Khi chưa có tác phẩm nào được dịch ra tiếng Việt, các thế hệ trí thức tây học đầu tiên đã được tiếp cận tác phẩm Edgar Allan Poe qua những bài bình giảng văn chương (Pháp) trong nhà trường Pháp Việt, rồi bài giới thiệu “Thơ Baudelaire” của Phạm Quỳnh. Cái tên Edgar Allan Poe còn được Tự lực văn đoàn đề cao qua bài giới thiệu Vàng và Máu của Khái Hưng. Cũng có thể, nhiều người đã tìm đọc những ‘Con quạ’, “Con cánh cam vàng”… của Poe từ trước đó qua các bản tiếng Pháp, tiếng Anh. Song việc đem những quan điểm thẩm mỹ kỳ lạ, những kỹ thuật sáng tác độc đáo của Edgar Poe đến với văn chương Việt Nam, có thể nói nhờ công “vỡ đất” của giới nghiên cứu phê bình. Do vậy, dựa vào những văn bản sưu tầm được, chúng tôi không đi theo diễn trình tiếp nhận quen thuộc: dịch thuật- mô phỏng- sáng tác- phê bình như nghiên cứu tiếp nhận một số tác giả khác mà chọn khảo sát sự tiếp nhận Edgar Allan Poe qua hoạt động giới thiệu, nghiên cứu phê bình, con đường Poe được tiếp cận đầu tiên. Đồng thời, cũng bởi “phê bình là một trình độ cao của tiếp nhận, một sự tiếp nhận có ý thức và phương hướng” [5, 157].

 

  1. VÀI NÉT VỀ TÌNH HÌNH GIỚI THIỆU, NGHIÊN CỨU PHÊ BÌNH EDGAR ALLAN POE Ở VIỆT NAM 

 

Vận dụng những thành tựu của nghiên cứu mỹ học tiếp nhận ở Việt Nam, chúng tôi đã khảo sát các đối tượng đọc - nghiên cứu phê bìnhEdgar Poe,tái hiện và tìm hiểu những thay đổi lịch sử của diễn trình đọc, hiểu, vận dụng và cập nhật hoá tác phẩm của những đối tượng người đọc khác nhau qua từng giai đoạn lịch sử cụ thể, bởi theo Hans Robert Jauss “Cái dãy lịch sử của các cụ thể hoá một tác phẩm nghệ thuật đồng thời bị quy định bởi tố chất luôn thay đổi của các thế hệ công chúng tiếp nhận” (Huỳnh Vân). Một cái nhìn tổng quan qua bảng thống kê tóm tắt con số các công trình, bài viết, nghiên cứu về sự hiện diện của Poe ở Việt Nam từ bài đầu tiên (1936) đến nay có thể giúp ta thấy rõ những thay đổi lịch sử ấy qua từng giai đoạn cụ thể trong diễn trình tiếp nhận Edgar Poe.

  1. Thống kê các bài giới thiệu, nghiên cứu, phê bình về  Edgar Allan Poe ở Việt Nam

        Khảo sát từ nhiều nguồn tư liệu tiếng Việt, bao gồm toàn bộ những bài giới thiệu trong các tuyển tập dịch tác phẩm Edgar Poe, các bài viết trên các tạp chí, các công trình sách, báo có liên quan đến Edgar Poe hiện có thể tìm được, chúng tôi tạm sắp xếp những bài viết, công trình này theo trình tự thời gian và mức độ nội dung đề cập. Về thời gian, dựa vào đặc điểm bối cảnh lịch sử tiếp nhận Edgar Poe ở Việt Nam, chúng tôi chia làm 3 giai đoạn: trước 1945, 1945-1975 và từ 1975 đến 2010.  Về nội dung,chúng tôi tách những bài trực tiếp viết riêng về Poe, hoặc có đề cập trong một công trình nghiên cứu chung về văn học Mỹ; hoặc chỉ giới thiệu vài nét về cuộc đời…, thành bốn nhóm ứng với bốn cột trong bảngthống kê số lượng 2.1 dưới đây.

Bảng 2.1

TÓM TẮT SỐ LIỆU CÁC CÔNG TRÌNH, BÀI VIẾT GIỚI THIỆU,

VÀ NGHIÊN CỨU PHÊ BÌNH VỀ EDGAR ALLAN POE Ở VIỆT NAM

Giai đoạn

Thời gian

Bài giới thiệu

 

Công trình nghiên cứu văn học, văn học sử, từ điển vh

Báo, tạp chí

 

PBTL

 

Nghiên cứu tiếp nhận

Tổng cộng

VHS

NC

1

1936-1945

1

0

0

0

0

4

     05

2

1946-1954

0

0

0

0

0

0

0

9

1955-1975

3

2

0

0

3

1

9

3

1976-1986

0

0

1

2

0

3

6

 

72

1987-1997

2

1

2

0

1

3

9

1998-2010

3

6

9

2

30

7

57

Tổng cộng

9

25

34

18

86

 (Nguồn: HKO, Danh mục thống kê các công trình, bài viết từ 1936-2009)

 

  1. Nhận xét

Có thể thấy ở giai đoạn một (trước 1945), việc nghiên cứu Edgar Poe rất hạn chế, ít ỏi, chỉ mới là những nền tảng, phát hiện sơ nét ban đầu. Chưa có một công trình riêng nào nghiên cứu về Poe. Nhưng những phát hiện ở mảng giới thiệu, nghiên cứu phê bình giai đoạn này lại có một ý nghĩa gợi mở lớn lao cho những thành tựu tiếp theo trong sáng tác. Cho đến nay, những nhận định của năm bài viết này vẫn giữ nguyên giá trị và được trích dẫn nhiều nhất trong các công trình nghiên cứu tiếp nhận Edgar Poe ở Việt Nam. Giai đoạn hai (1945-1975) còn có cả một khoảng trống thời kì những năm chống Pháp 1946-1954. Poe không hề được giới thiệu trên cả nước. Còn từ 1955 đến 1975, ở miền Bắc tiếp tục một sự trống vắng. Không có tác phẩm nào được dịch. Không có công trình nào nghiên cứu về Edgar Poe. Số liệu 9 bài viết, công trình trên bảng thống kê đều xuất hiện ở miền Nam, mà chủ yếu là đô thị Sài Gòn. Điều này xuất phát từ hiện thực lịch sử không bình thường của đất nước. Từ sau 1954, đất nước bị chia cắt thành hai miền, hai thể chế chính trị khác nhau đã dẫn đến hai bức tranh tiếp nhận văn học khác nhau. Sang giai đoạn ba (từ sau 1975 đến nay),sau mười năm đầu cả nước thống nhất thì tình hình tiếp nhận phê bình E.A.Poe cũng rất thưa thớt. Chỉ từ sau công cuộc đổi mới 1986, cùng với những thay đổi về kinh tế, chính trị, đất nước bắt đầu mở cửa tiếp nhận tư duy mới, tháo bỏ những ràng buộc của cơ chế bao cấp cả trong đời sống vật chất lẫn tinh thần, bình thường hoá quan hệ Việt Nam- Mỹ sau chiến tranh, việc tìm hiểu tiếp nhận văn học Mỹ được mở rộng, Edgar Allan Poe đã được “tiếp nhận lại” và ngày càng được quan tâm rõ rệt với sự “bùng nổ” những bài viết công trình lý luận chuyên sâu có giá trị. Nhiều công trình lý luận phê bình văn học nước ngoài theo những phương pháp tiếp cận mới được dịch ra tiếng Việt cho thấy sự quan tâm của những nhà nghiên cứu Edgar Poe ở Việt Nam, góp phần không nhỏ trong việc cập nhật những nghiên cứu mới nhất về Poe.

Trong phạm vi bài viết này, chúng tôi tập trung đi vào phân tích những cách đọc khác nhau ở năm người - đọc - đặc - biệt đầu tiên của Edgar Allan Poe ở Việt Nam từ đầu thế kỉ XX đến 1945.

 

  1. TIẾP NHẬN EDGAR ALLAN POE TRONG NGHIÊN CỨU PHÊ BÌNH VĂN HỌC TRƯỚC 1945

 

3.1. Nếu mười thế kỉ văn học trung đại thời phong kiến mang đậm chất Nho giáo, lấy mục đích giáo huấn để chở đạo thánh hiền, quan niệm sáng tác là “thi ngôn chí”, thì bước vào nửa cuối thế kỉ XIX đầu XX, nền tảng chế xã hội đã thay đổi, văn học hiện đại hướng về phương Tây với khao khát khám phá cái đẹp và những cảm xúc thẩm mỹ mới. Phê bình văn học Việt Nam giai đoạn 20 năm đầu thế kỉ mới bắt đầu bước vào cuộc hành trình hiện đại hoá. Manh nha từ Huỳnh Tịnh Của (1834-1897) và Trương Vĩnh Ký (1837- 1898) với những bài phê bình văn học theo lối Tây phương đầu tiên khi sưu tầm, biên khảo, so sánh văn bản Truyện Kiều (1878), Lục Vân Tiên (1889),Phan Trần (1889)... Rồi bản Văn minh tân học sách của Đông Kinh nghĩa thục (1904) khi bàn bạc về sự trì trệ của nước nhà, cổ suý cho phong trào truyền bá quốc ngữ. Phạm Quỳnh, Phan Khôi – những nhà tiên phong trên báo chí, tuy chủ trương theo Tây học nhưng vẫn dùng phương pháp cổ điển có tính chất chủ quan và giáo điều. Đến nhà phê bình chuyên nghiệp đầu tiên là Thiếu Sơn vẫn chưa hết dấu vết ảnh hưởng phương pháp phê điểm cổ điển truyền thống.

 

Những bài viết về ảnh hưởng văn học Pháp trong văn thơ Việt Nam có đề cập đến ảnh hưởng của E.A.Poe xuất hiện từ năm 1934 đến 1942, đây là lúc cuộc gặp gỡ phương Tây đã đi đến tột cùng con đường thăng hoa của nó. Nhiều phương pháp lý luận phê bình phương Tây đã được du nhập vào nước ta và đã được vận dụng vào thực tiễn văn học. Phân tâm học đã có mặt khá sớm với Nguyễn Văn Hanh trong Hồ Xuân Hương, thân thế và văn tài (1936), với Trương Tửu - người “Thắp hương chờ đợi thế hệ nhà văn mới” - vừa vận dụng lý thuyết nghệ thuật của H. Taine vừa kết hợp phân tâm học, và phương pháp phê bình văn học Marxist phương Tây trong nhiều công trình có giá trị. Thạch Lam cũng đánh giá cao những phát hiện của S. Freud trong tiểu luận văn học Theo giòng (1941). Trần Thanh Mại mở đầu phương pháp phê bình tiểu sử với Hàn Mạc Tử (1941), Hoài Thanh với phê bình ấn tượng trong Thi nhân Việt Nam (1942), và nhiều công trình tiêu biểu của Dương Quảng Hàm, Vũ Ngọc Phan với phương pháp phê bình giáo khoa, Đặng Thai Mai với phê bình Marxist v.v…đều ra đời vào những năm 1941, 1942…Do vậy, ngay từ khi được “nhận dạng”, Edgar Poe đã được khúc xạ qua nhiều lăng kính khác nhau.

 

3.2. Không kể cái mốc năm 1917 lần đầu tiên cái tên “Edgar Poe” được Phạm Quỳnh nhắc đến trong bài nghiên cứu Thơ Baudelaire, Poe chính thức xuất hiện trên văn đàn Việt Nam trong năm bài viết và công trình đầu tiên của các dịch giả, các nhà nghiên cứu phê bình Việt Nam. Đó là lời giới thiệu Vàng và máu của Khái Hưng (1934), bài giới thiệu tiểu sử E. A. Poe được in cùng hai bài thơ đầu tiên của Poe được dịch ra tiếng Việt trong tập Danh văn Âu Mỹ của Nguyễn Giang (1936), lời tựa và kết trong chuyên luận Hàn Mạc Tử của Trần Thanh Mại (1941), bài tổng kết về Thơ Mới “Một thời đại trong thi ca” mở đầu Thi nhân Việt Nam của Hoài Thanh (1942), và bài viết về Thế Lữ, Khái Hưng trong Nhà văn Việt Nam hiện đại của Vũ Ngọc Phan (1942).

 

Xét về chủ thể tiếp nhận, điều có thể thấy rất rõ là cả năm độc-giả- đặc-biệt-đầu-tiên này của E.A.Poe đều là những trí thức Tây học nhưng vốn xuất thân từ gia đình có truyền thống Nho học. Khái Hưng (1896-1947) từng học ở trường Albert Sarraut, đỗ tú tài 1, dạy học ở trường tư thục Thăng Long, là một trong những người khai sáng và là nhà văn trụ cột của Tự Lực Văn đoàn. Vũ Ngọc Phan (1902-1987), Hoài Thanh (1909-1982), Trần Thanh Mại (1911-1965) là những tú tài tây, nhà nghiên cứu phê bình uyên bác, đồng thời cũng là những nhà văn, nhà giáo mẫu mực có nhiều công trình bất hủ. Bản thân Nguyễn Giang (1910-1969) con của học giả uyên bác Nguyễn Văn Vĩnh, cũng là một nhà thơ, từng đi du học bên Pháp về, chủ trương Âu Tây tư tưởng và Đông Dương tạp chí. Năm sinh của họ có so lệch nhau đôi chút và tuy là những năm nền Nho học suy tàn song vẫn còn ảnh hưởng rất lớn trong nhiều gia đình Nho học truyền thống. So với tầng lớp công chúng đông đảo của xã hội Việt Nam thời bấy giờ, năm tác giả này thuộc lớp trí thức có trình độ văn hoá, kiến thức văn học cao, là thành phần ưu tú trong xã hội đồng thời cũng là những nhà văn, nhà phê bình chuyên nghiệp. Tuy vậy, xuất phát từ những hoàn cảnh xuất thân khác nhau, mục đích tiếp nhận khác nhau, quan điểm thẩm mỹ khác nhau, mỗi người đã có một hướng tiếp cận Edgar Poe cụ thể khác nhau.

 

3.3. Khái Hưng đi theo chủ trương của Tự Lực văn đoàn – “một hàn lâm văn học sang trọng, phát ngôn cho mọi chuẩn mực giá trị của văn học được công chúng xa gần thừa nhận” [2] - với tôn chỉ " Đem phương pháp Thái Tây áp dụng vào văn chương An Nam" nên mong mỏi “sẽ có nhà văn dung hợp được văn Thái Tây với văn Á Đông, để gây một lối viết theo óc khoa học mà vẫn giữ được thi vị của văn Tàu” [1,416]. Năm 1934, khi đọc một số truyện kinh dị của Thế Lữ, Khái Hưng và Nhất Linh đều sửng sốt, hết lời ngợi khen phong cách viết truyện mới mẻ “có óc khoa học của Edgar Poe”. Vì sao Khái Hưng đánh giá cao những truyện kinh dị và trinh thám ảnh hưởng Edgar Poe của Thế Lữ? Tuy cũng mang tâm lý của người Việt Nam vốn quen đọc những truyện Liêu Trai của Bồ Tùng Linh từ bé, nhưng với con mắt một nhà phê bình, từng tiếp xúc với văn học phương Tây, Khái Hưng đã sớm nhận ra sự bịa đặt dễ dãi trong lối kể chuyện của họ Bồ, chỉ dựa vào trí tưởng tượng, “có khi không cần hợp lý chút nào” [1, 416]. Do đó, ông đề cao cốt truyện gần sự thực nhờ sự chọn lựa bối cảnh chốn rừng rú đặc biệt, và nhất là óc khoa học trong truyện Vàng và Máucủa Thế Lữ.Hơn nữa, với chủ trương không muốn đứt gãy với truyền thống văn chương Việt, nhưng vẫn giúp con người An Nam theo kịp đà tiến bộ của phương Tây, các nhà văn chủ trương Tự Lực văn đoàn rất đề cao óc khoa học trong các truyện của Edgar Poe, cho là cái hay ở chỗ “tuy vẫn làm cho ta phải rùng mình, và nhờ có óc khoa học mà khiến truyện Vàng và Máuhuyền mà không hoặc chút nào” [1, 417]. Trong thực tế, những truyện duy lý kiểu Edgar Poe của Thế Lữ đã giúp Tự Lực văn đoàn thu hút đông đảo công chúng, và khá thành công trong việc đả phá óc mê tín dị đoan, nâng cao dân trí như tôn chỉ của văn đoàn.

3.4. Vũ Ngọc Phan từng tìm đọc say mê nguyên tác các truyện kì dị của Hoffman và Edgar Poe ở thư viện Trường Viễn Đông Bác cổ, do vậy dễ nhận ra ảnh hưởng Edgar Poe và Hoffmann trong sáng tác của Thế Lữ. Nhưng với óc phân tích của một nhà sư phạm, dịch giả, nhà phê bình chuyên nghiệp, ông cũng tinh tế thấy rằng ở hai tác giả này “chỉ những truyện căn cứ vào khoa học, vào sự thiết thực mới thật hay, còn những truyện huyền hoặc của hai nhà văn ấy cũng ít khi cảm được người ta.” [8, 684]. Với ông, cả thơ và truyện của Edgar Poe chỉ “bày tỏ rặt một ý tưởng u sầu, những ý tưởng não nùng, ghê rợn trong bài Con quạ hay Mơ trong mộng (Le Corbeau và Un rêve dans un rêve, do Mallarmé dịch ra chữ Pháp) của nhà thi hào Mỹ cũng không xa lạ gì những ý tưởng rùng rợn của ông trong tập Contes extraordinaires (Truyện kì dị do Charles Baudelaire dịch ra Pháp văn)” [8, 688].

 

Nhận xét văn Khái Hưng, Vũ Ngọc Phan cũng cho rằng kĩ thuật viết truyện ngắn của Khái Hưng tuyệt hay, quan sát lão luyện, vừa linh hoạt vừa “thường ngụ một ý thật cao” nhất là ở đoạn kết của truyện, “bao giờ tác giả cũng để cho người đọc có một cảm tưởng xa xăm man mác.” [9, 42]. Có lẽ nhà nghiên cứu này muốn nói đến lý thuyết xây dựng truyện ngắn của Poe về hiệu quả của câu chuyện nơi người đọc nên đã dẫn chứng hai truyện ngắn HạnhGiọc đường gió bụi và cho rằng lối lập luận của Khái Hưng chính là học tập “của Anatole France, của Hoffmann, của Edgar Poe, toàn những nhà văn chủ trương thuyết hoài nghi.” [9, 43].

 

Chắc chắn nhờ kinh nghiệm từng đọc không ít tác phẩm của Poe - cả nguyên tác tiếng Anh lẫn những bản dịch tiếng Pháp –  người đọc đặc biệt này đã nhìn thấy được sự khác biệt giữa hai tác giả Thế Lữ - Edgar Poe và cách lập luận giống Poe trong sáng tác của Khái Hưng – cây bút quan trọng của Tự Lực văn đoàn. Đây là một cách đọc Poe khá chính xác của một ngòi bút chuyên nghiệp những năm đầu tiếp cận Poe mà nhiều độc giả cùng thời đồng cảm nhận. Yêu mến nhưng có chọn lọc và chừng mực. Đó cũng là phong cách vốn có của Vũ Ngọc Phan.

3.5. Edgar Allan Poe của Nguyễn Giang là bài giới thiệu đầu tiên ở Việt Nam về nhà văn Mỹ này trong tuyển tập Danh văn Âu Mỹ năm 1936.Có nhiều khả năng E. Poe đã từng được ông tiếp cận từ ngay trên đất Pháp. Poe là người có cuộc đời đầy huyền thoại, nhiều ý kiến đánh giá trái ngược nhau, khen chê, khích bác, thậm chí còn bôi nhọ miệt khinh, nhưng bản tóm tắt của Nguyễn Giang khá chính xác và đi theo hướng ca ngợi là chính. Đánh giá tài năng của Edgar Allan Poe, dịch giả đã tỏ ra một sự đồng cảm sâu sắc: “Cái tài của nhà thi sĩ Poe cũng giống cái đời của tiên sinh. Đọc thơ của tiên sinh ta cảm thấy một cuộc đời ba đào, sầu thảm, cay đắng lạ lùng.” [4,155]. Nguyễn Giang đã chọn dịch bài thơ Con quạ (Le Corbeau), chính là bài thơ làm nên tên tuổi của Poe ngay từ khi nó ra đời, và bài Mộng ảo (Un Rêve dans un Rêve) cũng là bài thơ biểu tượng cho cuộc đời cô độc, bất lực đau buồn của Poe. Ngay từ cái nhìn đầu tiên, thơ của Poe đã gặp được tâm hồn tri âm của nó ở Việt Nam với một sự đồng cảm, trân trọng. Nhưng qua mấy dòng ngắn ngủi của bài giới thiệu, người đọc có thể nhận ra ở góc độ đạo đức, ít nhiều, Nguyễn Giang vẫn có thái độ phê phán con người bê tha “rượu chè quá chén” của người thi sĩ tài hoa bất hạnh mà ông ngưỡng mộ này.

 

3.6. Trong chuyên luận Hàn Mạc Tử, Trần Thanh Mại cho thấy những biến chuyển trong tình cảm và cách nhìn nhận của ông về Hàn Mạc Tử bằng cách mượn lời nhà thơ Mỹ W. Whitman nói lên thái độ ác cảm ban đầu nhưng rồi sau đó lại khâm phục tài năng và yêu mến luôn con người Edgar Poe. Trích dẫn ý kiến đó, suy ra, Trần Thanh Mại ban đầu cũng không yêu mến Poe như chính ông từng ác cảm, lạnh nhạt với thơ Hàn Mặc Tử. Nguyễn Bá Tín trong Hàn Mặc Tử - anh tôi có tiết lộ: “Ông Mại coi anh Trí như thằng điên (nguyên văn) và không nhận lời giới thiệu văn thơ Anh mà ông ta xét chẳng ra gì” [13]. Nhưng “nhà thơ điên” Edgar Poe đã chinh phục được ông như từng chinh phục W.Whitman khi ông kết luận: “không còn chi đúng hơn là mượn câu của Walt Whitman, nhà thi sĩ Mỹ đã được nhắc đến ở trang đầu sách, khi tác giả tập Lá cỏ (Feuilles d’herbe) phê bình Edgar Poe” [7, 184]. Tuy có ý kiến cho rằng Trần Thanh Mại hơi cực đoan, “đao to búa lớn” nhưng thiết nghĩ, ông đã rất thành thực khi nêu lên sự thay đổi thái độ của mình với Hàn Mặc Tử - cũng có thể coi là với Edgar Poe - từ ác cảm đến yêu mến, ngưỡng mộ. Theo ông, lý do là nếu ông công nhận lối thơ tượng trưng mà Hàn Mặc Tử cùng với các môn đệ của chàng chủ trương, thì cũng có nghĩa là “công nhiên thừa nhận sự bí hiểm của văn thơ, nghĩa là sự phá sản của tư tưởng” [7, XIV]. Điều này đối lập với quan niệm thơ của ông: phải giống như thơ W.Whitman “trong sáng như ánh mặt trời, tươi mát như hơi gió thoảng, cứng cáp và mạnh mẽ như sức khoẻ…” [7, XIV]. Còn thơ và đời của HànMặc Tử thì lại giống thơ và đời Edgar Poe, mang bóng hình của: “Con người trong giấc chiêm bao ma quái ấy, có thể biểu tượng cho Edgar Poe, cho thiên tài ông, cho thân thế ông, và thi phẩm ông, những thứ ấy, toàn thị cũng là những giấc chiêm bao ma quái nữa.” [7,184]. 

 

Soi lại lý thuyết tiếp nhận, đây là một trường hợp đọc cụ thể khá lý thú. Sống cùng một thời đại, cùng trình độ văn hoá như nhau, cùng là nhà văn nhưng Khái Hưng và Nguyễn Giang ngay từ khi tiếp xúc đầu tiên đã rất thích thú với những truyện của Edgar Allan Poe, còn với Trần Thanh Mại,tại sao lại phức tạp hơn, ban đầu dè dặt, ác cảm và phải đi đường vòng mới đến được với Poe? Căn cứ vào lịch sử tiếp nhận và những tác động giao thoa trong quá trình tiếp nhận, bước đầu kết hợp với lịch sử sáng tác, hiện tượng này cho thấy, rõ ràng, khoảng cách thẩm mỹ trong tiếp nhận Edgar Poe đã phụ thuộc những ‘tố chất” luôn thay đổi của các thế hệ độc giả như thành phần xã hội, môi trường tiếp nhận, tình thế tiếp nhận và chất lượng tiếp nhận,cũng như các cơ sở lịch sử, văn hoá, xã hội, tư tưởng, quan niệm văn học nghệ thuật mà người đọc trong mỗi giai đoạn lịch sử luôn chịu sự tác động nhất định của nó.Theo Trương Đăng Dung, tình thế tiếp nhận gồm “cái giây phút mà tác phẩm ra đời, những chờ đợi của tác giả, nhu cầu của người tiếp nhận tiềm ẩn, các thể loại văn học của một thời nhất định” [3,197]. Còn chất lượng tiếp nhận thể hiện trong sự đọc hiện tại, nghĩa của tác phẩm so với khi nó ra đời đã được soi sáng qua một tầm nhìn mới.Khoảng cách tiếp nhận này phải chăng do những tố chất: “táo bạo, đôi chút cực đoan”; do nguồn gốc xuất thân của Trần Thanh Mại vốn từ một gia đình quan lại của xứ Huế cổ kính,nền nếp, chừng mực;và nhất là tâm lý giáo huấn trong quan niệm sáng tác của ông vẫn còn nặng, khiến tác giả chưa thể chấp nhận ngay những gì ngoài tầm thẩm mỹ quen thuộc vốn có?

 

3.7. Hoài Thanh, người được coi là đứng đầu trường phái phê bình văn học “nghệ thuật vị nghệ thuật”, một anh “le nhà quê” lại đến với Poe một cách bình dị hơn. Khác với Trần Thanh Mại, ông xuất thân từ một gia đình nhà nho nghèo xứ Nghệ, từng tham gia phong trào yêu nước của học sinh, bị bắt, bị kết án treo, bị đuổi khỏi trường… Cũng như nhiều trí thức cùng thời, có lẽ Hoài Thanh đã tiếp cận Poe từ những năm học tiếng Pháp ở trường Quốc học Vinh (Collège de Vinh) và trường Bưởi. Giới lý luận phê bình vẫn cho rằng phương pháp phê bình ấn tượng của Hoài Thanh mang đầy tính chủ quan. Song, muốn có cái chủ quan yêu ghét rạch ròi không dựa vào sách vở nào khác ngoài những rung động của chính mình ấy, người viết chắc chắn phải nắm rất vững đối tượng, và phải có một trình độ, bản lĩnh nhất định để phô diễn cho công chúng thấy những tư tưởng, quan niệm riêng của mình mà không phải ai cũng làm được. Hoài Thanh cho rằng cả hai nhà thơ Hàn Mặc Tử và Chế Lan Viên đều chịu ảnh hưởng Edgar Poe qua Baudelaire nhưng con đường này là một sự tổng hợp: “Chế Lan Viên đã đi từ Baudelaire, Edgar Poe đến Thơ Đường, mà Hàn Mặc Tử đã đi ngược lại từ thơ Đường đến Baudelaire, Edgar Poe…” [11, 32]. Với ông, thơ Chế Lan Viên “như một niềm kinh dị”, cái thế giới thơ lạ lùng và rùng rợn ấy như một giấc mơ dữ dội khiến ông choáng váng, không còn biết mình là người hay ma. Còn vườn thơ Hàn Mặc Tử cũng là một thế giới kì lạ, điên cuồng, “rộng rinh không bờ bến càng đi xa càng ớn lạnh” [11, 196] đến độ người đọc phải “mệt lả”. Cả hai đều ảnh hưởng từ Edgar Poe qua Baudelaire. Có lẽ ấn tượng của ông về Poe cũng không khác hai nhà thơ mà ông cho là ảnh hưởng rất nặng này là mấy. Đọc lại Hoài Thanh theo cái nhìn hiện tại, dưới ánh sáng mỹ học tiếp nhận, cái “choáng váng”, cái “mệt lả” ấy gợi đến trường hợp chủ thể tiếp nhận đứng trước những tác phẩm quá mới mẻ, đòi hỏi họ phải thay đổi những kinh nghiệm thẩm mỹ vốn có trước đó.

 

 

  1. Nhận định chung

Qua những phát hiện, nhận định bước đầu, có thể thấy ngay từ khi Poe có mặt ở Việt Nam, tác phẩm của “văn hào nước Mỹ”, “tài năng kì lạ” này đã được  giới sáng tác và nghiên cứu phê bình chú ý tìm đọc với nhiều thái độ khác nhau. Tái hiện tình thế tiếp nhận của năm “siêu độc giả” đầu tiên phát hiện Edgar Allan Poe ở Việt Nam, có thể thấy, hình ảnh con người kỳ lạ này qua cách đọc của các nhà phê bình trước 1945 hiện lên khá rõ nét: Poe - lý thuyết gia của phái “nghệ thuật vị nghệ thuật”, “cha đẻ” của truyện kinh dị và trinh thám duy lý. Song, bức chân dung này lại được đúc kết từ nhiều góc nhìn khác nhau. Cùng một không gian Hà thành, cùng một mốc thời gian 30-45, thậm chí trước sau nhau chỉ có một năm, nhưng có bốn cách tiếp nhận rõ rệt: Nguyễn Giang với quan điểm đạo đức nên tuy đề cao tài văn thơ nhưng lại phê phán con người bê tha. Khái Hưng, Hoài Thanh vừa gặp đã yêu mến và hết lời ca ngợi tài năng của Poe trong truyện ngắn lẫn thơ ca. Vũ Ngọc Phan, nhà giáo, nhà nghiên cứu thì chừng mực, từ tốn, có khen, có chê một cách khách quan hơn. Chỉ riêng Trần Thanh Mại thì phải qua một đường vòng: ác cảm, phê phán rồi nhìn nhận lại và cuối cùng mới đồng cảm, yêu mến, đề cao.

 

Có e dè, không tán đồng, phủ định lẫn yêu mến, ngợi ca…do những khác biệt nhất định trong tầm đón đợi, nhưng về cơ bản vẫn là ngưỡng mộ, bắt chước và chọn lọc cho phù hợp với yêu cầu hiện đại hoá nền văn học quốc ngữ còn sơ khai của dân tộc, với cách hiểu, cách cảm của thời đại. Trương Đăng Dungquan niệm “không có sự đọc “đầu tiên”, bởi vì tất cả mọi sự đọc, trong thực tế đều là “sự đọc lại”. Hoạt động đọc lại tạo nên tính khác biệt của văn bản, sự đọc lại này không cố gắng xác lập những đặc trưng riêng của từng văn bản, mà cố gắng đạt tới sự khác biệt “không bao giờ kết thúc”, nó tồn tại trong sự bất tận của các văn bản.” [3,186]. Thực tế tiếp nhận E. Poe ở Việt Nam quả không có sự kết thúc. Mỗi người đọc Poe, mỗi lần Poe được đọc lại đã không còn một ý nghĩa như nhau. Và có lẽ, trong thực tế, tầng lớp độc giả chuyên nghiệp này còn đọc nhiều hơn những gì chúng ta có chứng cứ, bởi thế hệ các nhà văn, nhà thơ nhà phê bình hiện đại đầu tiên của văn học Việt Nam này vốn là những trí thức Tây học, hầu hết có trình độ từ tú tài hoặc cao đẳng, một số còn du học từ Pháp về. Việc tiếp xúc với các tác phẩm văn học tiếng Pháp (và cả tiếng Anh) không phải là điều khó khăn đối với họ. Tiếc rằng tác giả các công trình trên chỉ mới nêu những dấu hiệu có bóng dáng E.Poe mà chưa làm rõ hơn tình thế tiếp nhận giữa các nhà văn, nhà thơ này đối với một nhà văn Mỹ như Poe, và vì sao họ tìm ra sự gần gũi Poe mà không phải những tác giả Pháp khác rất phổ biến trên văn đàn Việt Nam thời họ sống như Lamartine, Musset, Rimbaud, Verlaine...?

 

    Đội ngũ nghiên cứu phê bình tiếp nhận Poe trước 1945 cơ bản vẫn là một “thiểu số trí thức Tây học chọn lọc”, song do những “tố chất” riêng khác nhau đã dẫn đến những cách biệt trong nhìn nhận đánh giá E.Poe như đã phân tích ở trên. Điều này lại chứng minh, tuy qua nhữngthăng trầm, Edgar Allan Poe, thiên tài đa dạng và độc đáo của văn học Mỹ thế kỉ XIX, ngay từ “ cái buổi ban đầu” ấy đã là một hiện tượng thực sự có một sức hút với giới nghiên cứu phê bình Việt Nam.Như một cơ duyên của lịch sử, tiếp nhận tái tạo Edgar Allan Poe đã góp phần không nhỏ trong bước đầu xây dựng nền lý luận phê bình hiện đại Việt Nam theo hướng Âu hoá những năm đầu thế kỉ. Diễn trình tiếp nhận Poe trong nghiên cứu phê bình ở hai giai đoạn tiếp theo sẽ là những minh chứng thuyết phục cho sức hấp dẫn của “huyền thoại văn chương Mỹ” này.

 

                                                                      

 

 

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. PhạmĐình Ân (giới thiệu và tuyển chọn). 2006. Thế Lữ - về tác gia v tác phẩm. QN: Nxb. Giáo dục.
  2. Nguyễn Huệ Chi. 2008. Thử định vị Tự lực văn đoàn. Tham luận ở Hội thảo Tự lực văn đoàn tại Cẩm Giàng ngày 9.5.2008.Nguồn: http://vietsciences.free.fr và http://vietsciences.org.
  3. Trương Đăng Dung. 2004. Tác phẩm văn học như là quá trình. H: Nxb. KHXH.
  4. Nguyễn Giang .1936. Danh văn Âu Mỹ. HN: Imprimerie D’Extrême-Orient.
  5. Nguyễn Văn Hạnh, Huỳnh Như Phương. 1995. Lý luận văn học-vấn đềvà suy nghĩ. Tp.HCM: Nxb. Giáo dục.
  6. Thạch Lam. 1972. Theo giòng. S: Nxb. Đời nay.
  7. Trần Thanh Mại. 1941. Hàn Mạc Tử (1912-1940). H: Nxb Tân Việt.
  8. Vũ Ngọc Phan. 2008. Nhà văn hiện đại T1 (Quyển 1, 2, 3). Hà Nội: Nxb.Văn học.
  9. Vũ Ngọc Phan. 2008. Nhà văn hiện đại T2 (Quyển 4). Hà Nội: Nxb.VH.
  10. Phạm Quỳnh. 2003. Luận giải văn học và Triết học. H: Nxb Văn hóa thông tin, TT. Văn hóa ngôn ngữ Đông Tây.
  11. Hoài Thanh- Hoài Chân. 1997. Thi nhân Việt Nam, H: Nxb.Văn học.
  12. Trần Đình Sử.2003. Lý luận và Phê bình văn học.H: Nxb.Giáo dục.
  13.  Nguyễn Bá Tín.1991. Hàn Mặc Tử, anh tôi. Tp.HCM: Nxb. Văn nghệ.
  14. Huỳnh Vân. 2010. Hans Robert Jauss: Lịch sử văn học là lịch sử tiếp nhận.Tạp chí Nghiên cứu văn học số 3 (445), trang 36-58.

 

 

 

 

Hoàng Kim Oanh
Số lần đọc: 1846
Ngày đăng: 25.02.2019
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Socrates - Võ Công Liêm
Milano – Sài gòn đang về hay sang? - Hà Thanh Vân
Trương Văn Dân & Elena Pucillo Truong- tình yêu và khát vọng nguồn cội. - Cao Thị Hồng
Nỗi day dứt “Trong Milano Sài Gòn đang về hay sang? " - Nguyễn Thùy Hương
Xuân tượng trưng – tuyên ngôn của thi sĩ rút hết Tinh Huyết cho thơ - Chế Diễm Trâm
Hoang đường và tâm lý giữa Freud và Jung - Võ Công Liêm
Khi ngụ ngôn của E Dốp thành thơ - Nguyễn Hiếu
Mưa vẫn dài rơi trên bàn tay nhỏ dưới mưa - Đặng Châu Long
Trương Văn Dân: Người tìm lại một nửa linh hồn - Đỗ Trường
Tư tưởng phản kháng hay phản kháng ngu xuẩn - Võ Công Liêm
Cùng một tác giả