Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.182
123.221.265
 
Dlie K’chik Erang, Diệp Lục Thoát Đi
Nguyễn Hàng Tình

                                              

                                       *Ảnh: Một khoảnh khắc tác giả trong rừng lá khô


                                                                                                

 

    Hình như linh hồn ta rụng  nơi đó, vào kiếp nọ. Rồi một ngày, ta lại  tự đi tìm mình trong tĩnh lặng thâm hoang không bóng loài người…

 

 

 

            Ta bước thật êm mà cũng phát ra âm thanh. Lá tàn rữa giòn tan.

            Ậm nhạc đầy lên không gian thảo mộc. Âm thanh rồm rộp dưới chân, mà bước lẻ nào cũng phát ra. Nước không còn trong lá là để lá thành âm thanh sao. Ta không còn đủ ngây thơ để cầm một chiếc lá vàng đội lên đầu làm mũ nhảy cóc, dù chắc chắn độ to và cong của nó đủ che lấy cái đầu này. Ta cũng không muốn kết nó thành một cái dù thiên nhiên để che nắng làm gì. Nhưng nói thật, tiếng rì rào của lá úa rừng hoang khô hay hơn tiếng những gái mọng xinh từng thủ thỉ  bên tai mình. Mỗi chiếc lá là một phím đàn. Bàn chân  ta nhấn trên lá khô mà như nhấn trên trên cây dương cầm. Chắc là cây dương cầm trời đây rồi. Cây dương cầm phơi ra đến muốt tận, và những phím đàn rải ra khắp mặt đất như thế. Thứ âm thanh này vướng lên những rặng cây tả tơi, trơ cành kia. Nó không chịu tan đi.

 

                                                    

 

                                                      *

 

          Những rặng cây khẳng khiu, xương xẩu không còn tàng lá thế mà  vẫn chiếm giữ hết sự gầy guộc của thiên nhiên, đủ sức ôm lấy những tiếng động. Lúc này cứ nghĩ rừng cây đã chết. Là sự sống không còn nơi đây, khi diệp lục vào mùa biệt xứ. Âm nhạc lá khô đi lang thang. Những cành cây run rẫy. Sự tang tóc của cỏ cây. Cả trời đất nung cho hết màu xanh để chuyển sắc đỏ, rồi sang vàng. Những tầng úa. Mênh mông lá khô, ngun ngun ngút sắc đỏ và vàng. Âu vàng đến độ khi ở giữa lòng nó  cứ nghĩ  rừng không còn đường biên cho sắc màu nào khác. Lúc này đây đường dẫn của những cánh rừng ngọn đồi đi vào trống trơn, trống trơn giữa trùng trùng đỏ, vàng. Khái niệm về rừng thẳm đã không còn mà chỉ có thể gọi là úa thẳm. Thiên nhiên đang suy tư đó sao. Ngay những con chim đang hót hay đang làm tình nhau kia tan vỡ trong thanh vàng chói chang. Và những con thú thoảng hoặc lướt qua,  hay lững thững kiếm ăn  phía xa tít cũng bị vàng hóa, thành những chấm nâu xám, tức là  sắc màu thân thể chúng cũng nhạt đi, cho dù là loài voi_chủ soái rừng khộp.  Dĩ nhiên giữa sự sống đang như không còn thế này anh không biết các loài kia sẽ ăn gì trong đó. Những cánh rừng đang thành tranh. Bức tranh vẽ thẳng vào đất trời, không phải căng toan, và cũng chẳng có họa sĩ  nào đứng đây làm chủ cọ. Ta chợt nghĩ ra, rằng “bức tranh” chỉ là khái niệm nhỏ dành cho một thứ sáng tạo của con người(hội họa), với sức lực hữu hạn cùng hạn hẹp giá trị của nó, chứ thiên nhiên thì  “vẽ” đến vô biên, khôn cùng. Mà thực ra cũng chẳng vẽ. Thiên nhiên đang chơi, chơi trò hoang ca của  mình, trò chơi lụi tàn. Trò chơi sắc màu tự nhiên. Thiên nhiên đang quì mọp dưới vũ trụ. Thiên nhiên đang u buồn. Một thứ u buồn mà cõi người ngoài kia không hiểu được. Một thứ quì mọp ngoan lành. Tiếng bước khẽ của anh hòa tấu với tiếng của những chiếc lá khô còn lại trên cành đang cố rơi nốt, cùng tiếng gió cứ  véo vụt véo vụt xoẹt ngang tai khi nó cố len qua từng cành cây. Gió hít, gió hú, gió lang thang. Lá nhảy, lá múa, lá như kẻ cơ hàn. Những chiếc lá mà cũng lăn đi. Gió đưa nó lên đồi, gió đưa nó xuống vực, gió đưa nó va vào đá, va vào những cành cây con khô đang chờ  rửa mục.  Mặt đất cát pha  và lởm chởm cuội đất giữa mùa khô giờ đây chỉ dành cho lá vàng còn côn trùng cũng biến đi đâu mất. Bất cứ thứ gì dưới đất, trên không  va  vào cũng phát ra âm thanh_nhạc rừng. Nhạc rừng  từ bước chân anh không bằng nhạc từ những vũ điệu ngây ngô, cà rỡn, thô bạo thế này của tự nhiên. Nhiều lúc không hiểu chiếc lá kia đang khóc hay cười. Những dàn nhạc thính phòng ở nhà hát lớn quốc gia đâu còn có ý nghĩa gì nữa. Ta đang trở thành con thú hoang trở về với rừng, thiên nhiên. Ta đang định vị lại bản thân sinh vật vốn là của mình.

            Đây đang là buổi chia lìa của lá với cây.

          Đây là buổi hoang ca của vạn vật, hay là sự nức nở của đất đai, sự thổn thức của tiết trời từ ẩm sang khô, ta cũng không cần biết. Ta đang chán ngán loài người, cõi người. Rất nên thế, mà sự thật là không, vì với một hoang sĩ thì cõi người hay cõi thiên nhiên cũng chỉ là mọi cõi rỗng, chỉ có cuộc lang bạt sơn hà mới là đường đi, thậm chí cũng chẳng có đường đi nào cả. Bản năng gốc của ta đương là lúc này sao. “Duyên”, theo Buddha, đã đưa ta gặp bản năng gốc, hay sự thôi thúc nào đó từ Charles Darwin trong hành trình tiến hóa của muôn loài mà tổ tiên linh trưởng là một trong đó.

          Chẳng còn bóng dáng ẩm ướt nào ở nơi đây nữa. Chỉ có nắng nung nực, khô không khốc trùm xuống. Sự khắc nghiệt như căm thù, thẳng tay, không nhân nhượng. Thảo mộc và muông thú đánh vật với thứ nắng khô này.  Âm nhạc và thi ca trên lá đỏ, vàng chắc chắn ngược chiều với cuộc tìm kiếm thức ăn để tồn tại của các loài. Đó là lớp bí ẩn của thiên nhiên, khi mà rừng khộp cũng là hệ sinh thái đông đảo động vật sinh sống. Chúng nó sẽ rút đi đâu đó, tị nạn ở hệ  sinh cảnh nào đó khác, như các cánh rừng mưa nhiệt đới thường xanh ở các dải núi non xa xôi khác chẳng hạn, khi vào mùa lá đổ trên quê hương chúng. Hay là nó đang ở đâu đó quanh đây, mà loài thú vong bản là anh đây không còn dễ nhìn đầy đủ chân dung cuộc sống ở rừng khộp. Thì như những đàn voi, trâu hoang, hay những con bướm đang bay kia, không biết nó tìm đâu ra cỏ hoa  mà lờn vờn hiện hữu thế không biết.

 

          Rồi ta chạy trên tấm thảm lá vàng như những con thú kia. Không  thành thú sao tìm lại bản năng gốc của mình, hân hoan giữa bản quán, cùng sự  tự tình, êm dịu, hay nỗi khốc liệt của rừng chứ. Ta chạy như điên, như đang bị dã thú lớn hơn xảo trá và tham tàn vô tận tấn công, rượt đuổi, loài người đó. Nhạc rừng, nhạc hoang dã vang lên rộn rã. Lá khô rào rạo, cùng cành cây tí tách gãy.  Lúc này thì là cả một dàn nhạc thảo mộc. Âm thanh ta tạo ra nó đuổi ta, và ta thì đuổi những vệt âm thanh chờ ở phía trước. Mồ hôi ta tứa ra, cơ thể nóng rang, mà bàn chân cũng chẳng thấy đau. Chạy rồi dừng, rồi chạy, rồi dừng, ngắm lá khô trên cây, dưới đất, và chạy_muốn lạc mất mình trong đây. Càng vào sâu càng hun hút đỏ, vàng, hun hút trơ trọi, hun hút khẳng khiu của cây đã không còn là cây mà như rặng san hô mắc cạn dựng đứng. Chạy trong rừng mà như chạy trong tiền sử sử thi_H’mon, Khan. Giá mà ta khóc được lúc này ở không gian này.  Loài người ở đô thị đã đào luyện ta không còn là kẻ  mong manh.  Nhưng ta khao khát sự mong manh, hồn nhiên trong mình được tái sinh. Ta tái sinh nó trên thảm lá vàng. Giờ thì ta đẩy những cánh rừng ra xa, nhưng rừng trộn ta vào trong sắc úa tàn. Lạ thay ta không thấy sợ hoang tàn và cũng chẳng thấy buồn. Chỉ thấy lòng mình mênh mông. Ta đang hành xác để trở về.  Ta đang soạn nhạc rừng và làm nhạc công ? Ta đang luyện  thể thao ? Ta đang cầu kinh trên lá khô ? Ta  đang mong muôn thú cho ta hợp đàn ? Ta  đang trải nghiệm một động vật khi phải(hay được) sống trong hoang dã ?  Hay ta đang chà đạp thế giới lý trí  văn minh đô thị  xa xăm bằng kiểu trải nghiệm thế giới thuần hậu ? Ta không biết. Ta chưa thành con người hiện đại được, vì lòng còn lung lay trên lá vàng ở rừng lạ, núi xa.  Hình như nó là chút mong manh sót lại cuối cùng ở anh.  “Mong manh” là cái gì đó đang rất xa xỉ ở loài người của ta bây giờ. Lúc này  ta  đã được cô đơn đến tuyệt đối. Ta muốn kéo dài sự cô đơn này quá. Ta  tin mình sẽ xót ruột nếu thoát ra khỏi không gian này. Những bước chân ta chạy qua không để lại lối mòn nào cả. Lá khô lấp lại ngay, vì sức nặng cơ thể ta không đủ hoặc tầng lá đổ quá dày. Ước gì vào cái ngày rời xa cõi dục trần được tan rã dưới lớp lá thế này cùng trong sự vô danh của nơi chốn như mọi sinh vật bình thường bình đẳng trước vũ trụ. Loài người nó cứ kéo ta ra ngoài đó, tưởng nơi kia không còn tính bầy đàn, nhưng nó bầy đàn hơn, và chỉ có tàn phá cùng chiếm hữu.

 

          Ta tị nạn trên mùa lá đổ trong rừng. Ta nói với rừng khộp là thế nào ta cũng trở lại khi còn sống sót với đồng loại mình ở đô thị, ở thế giới kiêu hãnh, hoang tưởng, và cái gì cũng giả ấy. Với tư cách một sinh vật, thì hơi ấm, ý nghĩa sống, có khi là tiếng nức nở của cỏ cây, muôn loài trong cánh rừng thanh sạch đây. Nhưng đồng loại của ta, liệu nó có cho ta được rã xác trong rừng, được chết lành như cây cỏ ?! Loài người đến giai đoạn này nó vẫn cứ nghĩ, rằng chỉ những kẻ ngu(hoặc điên) mới chết mà không cần đến ồn ào. Cái loài có bầy đàn với bảy tỉ rưỡi cá thể đã lên đến đỉnh của cái ác  và sự hủy hoại thiện lành trong sáng lẫn tính tự nhiên của hoàn vũ khi cạo trọc mặt đất lẫn đại dương, nghĩ ra bao nhiêu phương tiện tiện ích đỉnh cao cùng cái thời đại 4.0  điên rồ chưa biết rồi sẽ trả giá ra sao trước vũ trụ đang được tung hứng là ngoạn mục vĩ đại. Những quan niệm vô minh, trước những gì tạo hóa tạo ra, nó dí loài ta kẹt cứng về tư tưởng, không bao giờ được tự do, giải thoát, sống bình thường, tự nhiên, và được chết bình thường với tấm thân do tứ đại(*) tạo ra, như chiếc lá rụng quanh ta.

          Lá vàng gây ra sự ồn ào, phải không các loài thú bạn. Nhưng giữa vàng đến thê thiết thế này không để mình cuốn theo âm thanh thì sự rỗng lặng chiếm ngự.  Đâu đó trong lời của Buddha rằng rỗng lặng đi đến trung dung, chân không, vô thường. Là lúc cảm giác trống trơn, chơi vơi, vô định kéo về. Ta thả lỏng mình ra, giãn hết cỡ thân thể, coi thân mình như lá, như rác, phó mặc cho sắc vàng đưa đẩy. Ta không cần nghĩ ngợi, liên tưởng, so sánh nữa. Ta thả mình ngồi phịch lên thảm lá, mà thẫn thờ, là thở. Là khi ta lăn đùng ra nằm như con thú no mồi, hoặc không tìm đâu ra miếng ăn dù đã cật lực săn đào. Ta muốn thiền trên thảm lá. Còn những con thú hoang sột soạt đâu đó kia khôn hơn ta, nó đúng, vì cũng chả phải cần làm gì đến ý niệm về Thiền, bản năng, hay tứ đại. Sống như “Con”, chết như “Cây”_là không làm cái gì rắc rối, đau khổ.

                                        

 

 

                                                      *

 

 

 

 

           Ta ngóng vọng mùa lá đổ thế này từ mùa mưa. Bao năm rồi vẫn thế.  Dứt mưa trên cao nguyên rừng khộp vẫn chưa chịu đổ lá, mà phải đợi đến kỳ nắng cháy, no nê nóng, tràn đầy gió, và sự khô đủ tàn khốc thì cây mới rục rịch. Cây chỉ hết nhựa, lá chỉ cạn diệp lục khi tiết nung khô về, và rụng lá động tác cuối của một chu kỳ sinh học trên thân thể một loài cây. Bao mùa hành hương, bao mùa thơ thẩn trên lá khô mà cuộc tình thảo mộc vẫn chưa rã. Thế nhân ta bà  bảo ta là ngu ngơ, ngốc dại, điên rồ, hay nông nổi cũng được, nhưng ta tin biết đâu có người sẽ thay đổi toàn bộ thế giới quan của mình về  vạn vật sinh tồn trong trời đất khi  theo ta dẫu chỉ một mùa lá đổ. Ta  nhắc mình đừng thấy lá vàng mà bảo mùa Thu, lại càng không phải mùa Đông. Những cánh rừng mưa nhiệt đới thường xanh ở Tây Nguyên vẫn đang tưng bừng xanh. Nhưng qui luật kia phải ngoại trừ những vũng rừng Dlie K’chik Erang_ tiếng Ê Đê bản địa này. Toàn cây K’pang, nếu có chen vào tí chút thì chắc chắn là cây H’rach, K’chik_ cũng thuộc loài cây họ dầu. Bây giờ đất trời nơi đây thuộc về Yan Bhang(mùa Khô). Đời cây, đời lá ở Dlie K’chik Erang(rừng Khộp_người Kinh gọi) là thế, tách khỏi đám đông, thành biệt dị. Xanh thì hoang vu, rụng thì tơi bời đến tưng bừng. Sự tưng bừng kéo lê thê từ tháng hai đến tháng năm.

          Ta biết, trước khi vàng, cánh rừng  Dlie K’chik Erang nào cũng trải qua sự đỏ au trên màu lá. Nó đỏ như huyết, ức nghẹn từ bên trong để hộc ra máu mình. Các nhà sinh học gọi trạng thái đó là sắc tố, nhưng không hiểu sao ta cứ nghĩ là máu. Ta tin thảo mộc còn có cả tâm hồn, và linh hồn nữa. Hộc ra máu để đỏ, dâng hiến, xong thì vàng đi, và trở về với đất, rụng. Giữa muôn trùng xanh, chỏm  rừng nào đỏ au hay vàng hoe là Dlie K’chik Erang của anh đó. Dù ở thời lá xanh, lá đỏ, hay lá vàng thì cũng đều quyết liệt trong từng thì hương sắc đó. Nó dị biệt, lấp lánh, khó hiểu, nên người Raglai bản địa mới gọi nó là Dlie K’chik Erang. Nó là nó, mơ mộng điên đảo, rã rời chứ không phải mỹ miều xếp hàng như những rừng lá phong xứ Canada nào đó. Nên nó luôn rầm rì lẫn cô đơn. Nó sinh tồn ở chỗ nào khí hậu thật tàn bạo, khắc nghiệt, và đất pha cát bạc màu. Nó không chọn đất đỏ bazan. Hành giả lạc loài này cứ lặng trôi mê mải trong miền Dlie K’chik Erang thuộc vùng Ea Súp(Dak Lak) thế này đây. Chơi  mạch thiện với nó phải chấp nhận khốn đốn, thành thú hoang, như  nghe ở đâu đó “Anh yêu em như rừng yêu thú dữ” vậy mà. Thú dữ thì có gì mà xấu. Và dù có xấu cũng không thể xấu bằng Homo Sapien_Con người hiện đại. Thú dữ chưa bao giờ đánh chiếm thành phố nào. Thú dữ biết mang ơn những thảm lá vàng, và buồn vui với lá.

         Ta loay hoay quá trong đầu óc lúc này, giữa trở lại thú hay trở lại người. Đã quen sinh hoạt với bầy người rồi, trong cách kiếm ăn. Và làm thú thì loài người có lơ qua, buông tha. Khi bản năng gốc đã mất thì lý trí chuyên quyền, soán  ngôi một cơ thể sống động vật, Lỡ làm người rồi thì đành sống trong cái mê muội ngu đần mà cứ bảo thông minh, văn minh, bậc cao với khổ đau tham - sân - si bất tận nhưng cứ cho là hạnh phúc đó thôi. Mười vạn năm loài ta đã tiến hóa, ta kẹt trong hồn xác người, nên không còn đường về lại với thiên nhiên từ thân đến tâm. Hết đường lùi rồi. Chờ kiếp khác đầu thai làm thú.

           Vẫn không rũ sạch được phàm phu trong mình.

           Thôi thì nhớ mùa sau rừng chuyển màu ta lại hành hương về cội quán. Ta lại tị nạn nhận thức. Ta muốn mùa diệp lục hộc huyết này không bao giờ kết thúc trong những dải rừng trùng trùng.

         Nhưng lại sẽ bất lực. Bởi sau trút lá, hộc huyết là màu xanh lại lên ở đây thôi, Yan H’jan (mùa Mưa) về, trùng trùng xanh, và tinh thần Dlie K’chik Erang tạm biến đi. Tiết lá đổ là thiên nhiên đang giả vờ chết. Cú giả vờ làm hoang sĩ ta nông nổi tan hoang cõi lòng và nhớ kiếp thú xa xưa. Thiên nhiên làm cái nhiệm vụ chuyển hóa bất tận của mình, còn muôn loài chỉ biết đứng nhìn, trong đó chỉ có con người là ảo tưởng về sự sở hữu và vĩnh cửu.

                      

               

……………….

        (*)Theo Phật giáo nguyên thủy, tứ đại gồm Nước, Đất, Gió, Lửa_ qua duyên tạo thành vật chất, trong vũ trụ.

 

         

 

Nguyễn Hàng Tình
Số lần đọc: 1728
Ngày đăng: 02.03.2019
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Cuối năm viếng mộ Tản Đà - Phan Anh
Đến với Mẫu Sơn kỳ thú - Nguyễn Đại Duẫn
Nam Bộ trong ký ức tôi - Hoàng Thị Thu Thủy
Tự khúc ngày Noel - Phan Anh
Ngôi trường thời thơ ấu - Trần Trung Sáng
Dọc đường văn nghệ (phần 34) Những kỷ niệm khó quên với nhà văn Trần Doãn Nho - Trần Dzạ Lữ
Nhớ Thầy tôi – Nhà văn Nguyễn Xuân Hoàng - Phan Văn Thạnh
Màu mắt em trong như cõi người vốn là - Nguyễn Hàng Tình
Chị Hiền - Nguyễn Đại Duẫn
Hà Nội như mảnh ghép tạng của chính tôi … - Phan Văn Thạnh
Cùng một tác giả