Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.133
123.227.841
 
Trương Văn Dân – Nếu không từ một áng mây trôi…
Hoàng Kim Oanh

 

H

                                    

                             Nhà xuất Bản Tổng Hợp tp HCM  (8-2018)

 

 

  1. Nếu không về - không sang…

Vừa lên cầu thang, bước vào căn phòng nhỏ quen thuộc của Tòa soạn Quán văn, anh Nguyên Minh đưa cho tôi quyển sách mới xuất bản của Trương Văn Dân gửi tặng, nhan đề Milano-Sài Gòn đang về hay đang sang ký từ ngày 30.10.2018 mà “đi giang hồ” mãi qua tháng 11 này tôi mới ghé nhận được. Lật trang đầu, tự nhiên mấy dòng đề tặng giản dị mà ý nhị thân thương này làm tôi bỗng dưng bồi hồi...

Milano-Sài Gòn đang về hay đang sang

Nếu không về, không sang

Thì làm sao gặp gỡ Hoàng Kim Oanh và Quán Văn

Ừ nhỉ... nếu không về - không sang..., thì quả là đâu có những tình cờ hữu duyên hội ngộ văn chương đẹp và một mối tình bằng hữu – mối tình Quán Văn thắm thiết như bây giờ.

Lan man nhớ ‘cái thuở ban đầu Quán Văn” bao nhiêu là lưu luyến bảy năm xưa...

Tình cờ cùng tham dự trong hai buổi bảo vệ luận án tiến sĩ của hai tân khoa Đại học Quy Nhơn, anh Lê Nhật Ký và Châu Minh Hùng, nhà văn Trương Văn Dân mời tôi đến dự ra mắt Quán Văn số đầu tiên 001 ở một quán cafe đường Nguyễn Văn Thủ. Có tiết dạy, tranh thủ giờ ra chơi, tôi chạy đến. Buổi ra mắt khá rộn ràng với nhiều tên tuổi làng văn mà thật tình tôi không kịp nhìn kỹ một ai, chỉ gặp mỗi anh Nguyễn Hoà vcv và kịp chào GS Huỳnh Như Phương, thầy tôi. Mua một tập Quán văn ủng hộ, nghe hai cháu ngoại nhà văn chủ biên Nguyên Minh múa hát một bài duy nhất rồi phải quay về số 4 Tôn Đức Thắng... dạy tiếp 2 tiết sau.

Từ đó, mỗi số ra mắt, Trương Văn Dân lại gọi, nhắn... và mời cộng tác. Có khi tôi đến được, có khi không...  

Một chút ngỡ ngàng với những trang viết “out of the box” trong khi tôi đang trôi trong guồng chảy văn chương một ngôi trường sư phạm, tôi mò mẫm tìm kiếm một tiếng nói đồng thanh đồng khí để có thể tương ứng, tương cầu... Tiếp nối, vài lần tham dự ấm áp, chân tình lần duy nhất nhà anh Trương Thìn, khi Café Chiêu tận Tân Bình, khi bên kênh Nhiêu Lộc… Đặc biệt, lần ra mắt QV số 10 ở nhà hàng Sông Trăng là một cuộc hạnh ngộ xúc động khi chứng kiến tình bạn đẹp như thơ trải 40 năm dâu bể tử sinh, nhờ văn chương mà tìm lại được nhau... Độc giả thực sự cảm cái tình Quán Văn qua những giãi bày tâm sự của hai người bạn thiết: nhà thơ Chu Trầm Nguyên Minh và nhà văn Nguyên Minh, hai cây bút một thời Ý Thức. Tôi gửi bài ở số 11. Anh Nguyên Minh đăng ngay cả bài. Vẫn cảm thấy lạc lõng. Văn mình lạnh lùng quá, khuôn khổ quá… tuân thủ academic quá, có vẻ hổng giống ai trong dòng hoài niệm rưng rưng và những vật vã phận đời nghiệt ngã của các cây bút từng trải hơn nửa thế kỷ trước… Nhưng rồi những tôn chỉ tuyệt vời của Quán Văn: không phân biệt địa vị xã hội hay học hàm học vị; không Bắc không Nam, trong nước ngoài nước; không quảng cáo, không nhận tài trợ bất kỳ nguồn nào... chỉ tự lực chung sức chung lòng vì tôn chỉ duy nhất là Văn chương và Cái Đẹp đã cuốn hút tôi.     

Một tờ báo thật lạ. Không nhuận bút, không báo biếu mà ai cũng sẵn lòng góp mặt. Không ranh giới già trẻ giàu nghèo, hay lãnh thổ vùng miền, quan điểm khác biệt… ai yêu mến thì dừng chân góp sức góp lòng… Cứ thế, khi lặng lẽ lẻ loi chỉ có chủ biên cùng máy tính, máy in, máy ép, máy cắt, máy scan…; khi sôi nổi đông vui hào hứng bạn xa bạn gần hát hò rôm rả…, cái tòa soạn ‘chuồng cu” ở cuối cùng một con hẻm nhỏ trên một con đường nhỏ Nguyễn Văn Công ấy, đến nay, 61 số ra đời, đã nâng niu thành hiện thực không biết bao nhiêu giấc mơ văn chương của anh em bè bạn mọi miền. Và tôi, cũng không biết từ khi nào, những buổi cà phê sáng, những buổi họp mặt chiều..., một bài viết mới, một vấn đề tranh luận…, một cuộc gặp gỡ nhà văn/thơ cùng yêu mến, hay sau những chuyến ‘hành quân xa’ ‘trị liệu nhóm” Phan Thiết, Phan Rang, Bảo Lộc, Pleiku, Kontum, Nha Trang, Huế, Hà Nội, hai chuyến về đất Chín Rồng…; thêm những buồn vui hiếu hỉ, face sớm face khuya, mess qua mess lại… đã là một phần của cái gia đình văn chương chỉ có nụ cười và những tấm tình chân thành yêu thương tên gọi Quán Văn.

Trương Văn Dân trong 20 số đầu của Quán Văn gần như là người ‘chỉ đường dẫn lối’ (chính xác cả nghĩa đen, nghĩa bóng) đưa tôi đến không gian Quán Văn giữa bao nhiêu bận rộn, lạ lẫm, e dè mà một người vừa giã từ bục giảng, hơn 30 năm quen thuộc với những quy phạm trường lớp không thể một sớm một chiều rũ bỏ tất cả để hòa nhập ngay được…  

Ừ nhỉ... nếu không về - không sang..., nếu Trương Văn Dân không gặp Elena, và nếu Elena không về Việt Nam…; nếu Trương Văn Dân vẫn ở Milano, không về Sài Gòn; hay không từ Milano sang Sài Gòn… thì cũng chẳng có cuộc gặp gỡ trở thành bè bạn quý giá này… Anh chị em Quán Văn nhiều lúc nhớ nhau than thở, tưởng chừng một ngày một buổi… không thể thiếu nhau… Ôi, Quán Văn. Ôi cái nhân duyên diệu kỳ mà tôi có lần đọc ở đâu đó lời Phật dạy “Phải từng 500 lần quay lại nhìn nhau từ đời kiếp trước, mới đổi lại một lần lướt qua nhau trong kiếp này (…) Một nghìn năm qua đi, dưới gốc cây bồ đề vẫn còn lại một cuốn sách xưa cũ. Tôi lại đứng đây chờ đợi duyên trần ai kiếp này. Chỉ vì tôi muốn được gặp lại bạn thêm một lần, thêm một lần nữa thôi…” (Theo Soundofhope). Không quá phóng đại chữ “duyên” huyền bí màu nhiệm ấy, nhưng không thể không tự hỏi sao trong cõi ta bà sắc sắc không không này, trong một sát na chớp mắt ngắn ngủi này, ta không gặp ai khác mà là người ấy, là những người ấy…? Xin thật lòng nhắc lại đây theo trí nhớ lời dạy quý báu mà trong cái mong manh ngắn ngủi vô nghĩa vô cùng là cuộc vô thường của đời người này, tôi tâm niệm và trân quý để luôn nâng niu hết lòng hết dạ mọi duyên lành gặp gỡ trong quán trọ hôm nay.

  1. Nếu không từ một Áng mây trôi…[1]

Áng mây trôi là tên bài viết đầu tiên của Trương Văn Dân trên tập san Văn học nghệ thuật (VHNT) Quán Văn số 001, trang 111-125 phát hành ngày 4.10.2011. Một câu chuyện có thật, một hoài niệm đau buồn về David - một người bạn Ý rất thiện cảm với Việt Nam, từng có chân trong phong trào sinh viên đòi chấm dứt chiến tranh Việt Nam những năm 68-70.  David là “người luôn luôn sống cho công việc” (QV1, tr.113). Anh giỏi giang, có vị trí vững vàng trong công ty nhưng đầu óc anh lúc nào cũng “ám ảnh ý nghĩ làm giàu và toàn bộ thời gian của anh dành cả cho mục đích duy nhất ấy” (Sđd, tr.113). Anh hùng hục làm để kiếm tiền bất kể ngày đêm, cuộc sống của anh không còn chút lạc thú nào ngoài “sự hối thúc của thời gian và ám ảnh của tiền bạc” (Sđd, tr.116). Kết cuộc David được gì? Anh bị ung thư bao tử. Vợ mang giấy tờ đến tận bệnh viện bắt anh chuyển nhượng toàn bộ tiền bạc tài sản cho cô và các con. Và David tàn tạ 45 tuổi, trước giờ phút vĩnh viễn từ giã cõi đời, lần đầu tiên được thấy “những đám mây kia đẹp quá. Nhẹ nhàng và mềm mại như bông. Mầy có thấy từ mặt trời đỏ rực những tia nắng nhiều màu xuyên qua mây rồi chiếu xuống theo hình nan quạt kia không? Hoàng hôn. Một cảnh sắc tuyệt vời. Thú thực đây là lần đầu tiên tao thấy nó. Trong đời tao, chưa bao giờ tao có thì giờ, tao -chỉ-nhìn-chứ-chưa-bao-giờ-thấy!” (Sđd, tr.125).

Cái Áng mây trôi này có lẽ là một bước ngoăt đặc biệt trong quyết định trở về của Trương Văn Dân (và Elena). “Tôi kinh hoảng nhìn lại mình và từ đó tôi thường hay thắc mắc và ưu tư về ý nghĩa cuộc đời” (Sđd, tr.111). Điều tác giả trăn trở phải chăng chính là ý nghĩa của cuộc đời phi lý mà chúng ta đang hít thở đi đứng nói năng ăn uống lọc lừa yêu đương trả giá… này đây? Tại sao con người phải làm nô lệ cho đồng tiền? Mà kiếm thật nhiều tiền để làm gì khi chính tiền không thể mua được, đổi được sức khỏe, sự sống cho bản thân! Tại sao con người phải mù quáng chạy theo những ham muốn vật chất mà quên đi chính bản thân mình, xem thường những tình cảm, quan hệ trong gia đình để phải đổ vỡ. Hoàng hôn ngày nào chẳng đến. Những áng mây nhẹ nhàng mềm mại thanh thản ấy lúc nào chẳng ở quanh ta! Tại ta không thấy nó. Không chịu thấy nó. Không biết tận hưởng cái êm đềm trời đất ban tặng con người vốn sẵn trong tự nhiên… Trong Milano-Sài Gòn đang về hay sang, viết tháng 8.2012 đăng trong Quán Văn 7, Trương Văn Dân đã cho nhân vật trần thuật “tôi” – hay cũng chính tác giả- bộc bạch lý do anh buông bỏ hết mọi ràng buộc của công việc, danh vọng và tiền tài vật chất, cũng như hé nỗi sợ hãi sự thao túng của kỹ thuật. Và chọn lựa cuối cùng: đi theo những con chữ đang thôi thúc trong khối óc, trái tim mình: “Tôi đã mệt mỏi với những xô bồ. Cần sống chậm lại. Đó có thể là cách kìm hãm sự thao túng của kỹ thuật lên văn hóa, văn minh và thiên nhiên. Những chiêm nghiệm và bức xúc đó, phần nào đã tuôn trào, rơi trên mặt giấy và biến thành những con chữ.” (QV7, tr.176)

Và Trương Văn Dân đã chọn “lẽ sống chứ không phải sự sống” như nhân vật Gấm của anh trong tiểu thuyết đầu tay mà anh nhiều gửi gấm Bàn tay nhỏ dưới mưa cuối cùng cũng ngộ ra chân lý ấy. Diễn ngôn trong sáng tác của nhà văn luôn đau đáu lẽ sống đích thực này là ý thức thường trực kháng cự lại xã hội vật chất, kháng cự sự thao túng của kỹ thuật lên văn hóa, văn minh và thiên nhiên.       

Điểm các bài viết của Trương Văn Dân ngay từ những số Tập san Quán Văn đầu tiên có thể thấy ý thức này là nhất quán. Ngoài những tản văn, tự sự về tình bạn, những cuộc hội ngộ hiếm hoi đầy ấn tượng ca ngợi tình yêu, sự chân thành và chung thủy…, truyện ngắn của Trương Văn Dân tập trung vào các đề tài xã hội đang nhức nhối hiện nay. Với quan niệm mọi giá trị đạo đức xã hội đã và đang bị hủy hoại, suy đồi, đổ vỡ, con người bị những nhu cầu vật chất và kỹ thuật nuốt chửng, ông viết Một giấc mơ hoa (QV3), Chiếc nạng và tấm gương (QV6), Một ngày của Chúa (QV11), Paris ngày trở lại (QV14), Trèo lên quãng dốc (QV 18), Đỏ đen giọt máu (QV25)… Bức tranh méo mó xộc xệch của những quan hệ gia đình rạn vỡ và tan nát hiện lên khá rõ qua hình ảnh những người cha mẹ chạy theo đồng tiền không còn thời gian gần gũi chăm sóc giáo dục con cái, chỉ nuông chiều bằng vật chất khiến chúng trở nên hư hỏng, ích kỷ, độc ác với chính người sinh ra chúng và những người chung quanh. Một xã hội không còn chỗ cho tình thương yêu, lòng trắc ẩn trong Một ngày của Chúa (QV11), Trèo lên quãng dốc (QV 18). Một xã hội xô bồ đến mức con người sống trong đó bị tha hóa không còn là chính mình, ao ước duy nhất là được sống thật với chính mình. “Thay vì tái cấu trúc công ty, ông thấy cần phải tái cấu trúc đời mình” (Chiếc nạng và tấm gương, QV6, tr.97) “Ông thấy xưa nay mình bước đi trong phù hoa, nhưng quên nơi mình đã đến và định đi đâu” (Sđd, tr.96). Hoặc còn kịp thức tỉnh nhận ra “Nhịp sống thay đổi. Nếp sống văn hóa quay cuồng. Tao cũng rất muốn được hòa mình trong thi ca, văn học, âm nhạc, mỹ thuật… để sống chậm lại, bình yên trong ngôi nhà nhỏ, ngẫm nghĩ về những điều từng trải trong đời” (QV 25, tr.122). Không ít lần tác giả phẫn nộ lên án cơ chế xã hội bất công, phê phán những mặt tối địa ngục trần gian đày đọa kiếp nhân sinh và thấp thoáng một tình yêu khắc khoải bế tắc “Nhưng nghĩ cho cùng, chẳng lẽ chúng ta ngồi im nhìn Việt Nam nghèo đói mãi?” (QV27, Thiên đường & địa ngục, tr.219)

         Sẽ thật thiếu sót nếu không nhắc đến những đóng góp đặc biệt của Trương Văn Dân ở cương vị một dịch giả văn chương. Song song với việc dịch những truyện ngắn, tản văn của Elena Pucillo Trương như một công việc thường trực tất yếu, ông tập trung giới thiệu nhiều cây bút nổi tiếng của văn học Ý được đánh giá cao trên thế giới, trong đó có tác giả từng đoạt giải Nobel. Tiêu biểu như Dino Buzzati (1906-1972) với chủ đề chính là nỗi bất an của kiếp người và sự trốn chạy thời gian được chọn dịch nhiều nhất: Colombre (QV2) Những gã thợ săn (QV9) Thư riêng cho ngài giám đốc (QV10) Bệnh viện bảy tầng (QV26), Những người bạn (QV52)... Luigi Pirandello (1893–1933), nhà thơ, nhà viết tiểu thuyết, truyện ngắn, nhà viết kịch được trao giải Nobel văn chương 1934 thì có Đèn rạng nhà ai (QV23), Một chuyến đi (QV 37).  Italo Calvino (1923-1985), nhà văn, nhà phê bình tên tuổi được dịch nhiều nhất ở Anh và Bắc Mỹ thế kỷ XX có Cuộc phiêu lưu của đôi vợ chồng (L’aventura di due sposi)…

Những truyện Ý đặc sắc mà Trương Văn Dân chọn dịch thực sự cũng là một mảng hiện thực đen tối khác, bổ sung cho quan niệm về một thế giới con người bị hủy hoại, mọi giá trị đạo đức truyền thống bị chà đạp và con người cần phải lắng nghe tiếng nói của chính bản thân mình, quan tâm đến đời sống tinh thần lành mạnh của mình để tự cứu rỗi khỏi xã hội bạo tàn độc ác này.

Tuy nhiên cũng không chỉ là những gam màu u ám. Truyện ấn tượng nhất với tôi là truyện dịch tôi đọc đầu tiên trên Quán Văn: Colombre (QV2) của Dino Buzzati. Có lẽ đây là tác giả Trương Văn Dân yêu thích nhất thông qua số truyện chọn dịch nhiều nhất. Colombre[2] là một câu chuyện tuyệt vời đầy ám dụ về sự trớ trêu của định mệnh. Tại sao ta phải trốn chạy định mệnh. Tại sao ta không thật hiên ngang dũng cảm đón đầu nó, chiến đấu với nó và khuất phục nó. Và nếu đích thực là định mệnh thì không ai có thể trốn chạy khỏi nó. Cậu bé lần đầu lên thuyền cha đã nhìn thấy nó: con Colombre huyền thoại- một loài cá mà bất cứ thủy thủ ở đại dương nào trên thế giới cũng đều kinh sợ. Đó là một loài cá nguy hiểm và kỳ bí. ‘Không ai có thể biết lý do chọn nạn nhân của nó. Nạn nhân nó tự chọn suốt đời sẽ bị theo sát từng ngày cho đến khi bị nó xé tan xác.” (tr.122). Cha cậu đã tìm mọi cách để con trai không bao giờ làm bất cứ điều gì liên quan đến biển. Stefano được gửi đi học ở một thành phố cách xa biển hàng trăm cây số. Ra trường, khôn ngoan và chăm chỉ, chàng được làm việc cũng ở một nơi lương cao không dính líu gì đến biển. Thế nhưng giấc mơ và ám ảnh về con Colombre-một kẻ tử thù, một con vật không bao giờ biết tha thứ- đang chờ đợi luôn khiến chàng bất an. Đột ngột từ bỏ tất cả, Stefano mua thuyền và liên tục những chuyến hải hành, hải hành… tìm kiếm định mệnh. Toàn bộ tuổi trẻ của chàng dành cho việc đi tìm kẻ thù ấy. Nào ngờ, chính Colombre cũng đi tìm chàng… Nhưng không phải để xé xác mà là để trao viên Hải ngọc đem lại hạnh phúc tình yêu quyền lực và sự giàu sang… Tất cả đã muộn màng… ‘Tất cả đều sai lầm. Tao đã tiêu hoang cuộc sống của tao và còn hủy hoại cuộc đời mày. (tr.126)

 

  1. Thay lời kết

Vâng. Nếu không có cái Áng mây trôi của David, có lẽ chúng ta chưa có, hay không có một chuyên gia Hóa và kỹ thuật dược ở nước ngoài dám từ bỏ tất cả những điều kiện thuận lợi nhất trên đất Ý, cùng nàng Elena tóc vàng xinh đẹp có trái tim hồng và những trang viết thấm đẫm tình người làm xúc động trái tim Ý cũng như Việt, quay trở về quê cha đất tổ dựng lại niềm tin, để viết như một thôi thúc của sứ mệnh… để hôm nay Quán Văn có nhà văn, nhà phiên dịch Trương Văn Dân. Tuy không phải không có những suy nghĩ bi quan đến cực đoan bế tắc trong cảm quan xã hội, trong cách giải quyết số phận nhân vật, trong sự vội vã ôm hết mọi ưu phiền nghiệt ngã cõi đời này vào những trang văn giàu triết luận về lẽ sống chết ở đời, song thông điệp tác giả gửi đi qua những con chữ đang trào ra, rơi xuống đời vẫn là những trang văn ấm áp tình người. Kháng cự cái xấu, cái ác không khoan nhượng, vạch những ung nhọt ra dưới ngòi bút giải phẫu…cũng là một cách để Trương Văn Dân bày tỏ tình yêu vô cùng của ông với đất nước quá nhiều bi kịch này, con người Việt Nam quá nhiều đổ vỡ này, khát khao hy vọng về một tương lai cho quê nghèo này. Những trang viết của ông trên Quán Văn từ số đầu đến nay, sáng tác cũng như phiên dịch, có thể nói, đã luôn men theo con đường ông đã chọn ngay từ bài đầu tiên…

Cảm ơn Trương Văn Dân đã về, và về cùng Elena. Về trong tình yêu chưa bao giờ khô cạn của tình người Việt Nam luôn ấm nồng cả trong gian khó khổ đau… để dệt nên những trang viết của cả hai tâm hồn.

Cảm ơn cả 500 lần ngoái lại nhau từ tiền kiếp ở đâu đó trong ba ngàn thế giới này, để một khoảnh khắc này, nơi chốn này, anh chị em Quán Văn chúng ta có cuộc hạnh ngộ diệu kỳ này để cuộc sống và lẽ sống của mỗi người, lần nữa, được nhân lên…

Mùa Giáng Sinh 2018

        Hoàng Kim Oanh



[1]   Truyện ngắn “Một áng mây bay”, đã in trong tập truyện ngắn Hành trang ngày trở lại (NXB Trẻ, 2007)  nhưng trên QV 001  bị in nhầm thành “Áng mây trôi” :   http://www.vanchuongviet.org/index.php?comp=tacpham&action=detail&id=10004

 

Hoàng Kim Oanh
Số lần đọc: 1399
Ngày đăng: 24.03.2019
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Khuất Nguyên trong trái tim Nguyễn Du. Bài I : Hương hoa lan của hồn oan nước sở - Nguyễn Anh Tuấn
Văn chương vượt thoát - Võ Công Liêm
Đại thi hào Nguyễn Du: Huyền thoại cá nhân* về một hành trình sáng tạo nghệ thuật - Nguyễn Anh Tuấn
Lăng già tâm trầm mặc trăng ngàn - Tâm Nhiên
Một món quà đầu xuân - Hoàng Kim Oanh
Tiếp nhận Edgar Allan Poe trong nghiên cứu phê bình ở Việt Nam. Phần 1: Giai đoạn trước 1945 - Hoàng Kim Oanh
Socrates - Võ Công Liêm
Milano – Sài gòn đang về hay sang? - Hà Thanh Vân
Trương Văn Dân & Elena Pucillo Truong- tình yêu và khát vọng nguồn cội. - Cao Thị Hồng
Nỗi day dứt “Trong Milano Sài Gòn đang về hay sang? " - Nguyễn Thùy Hương
Cùng một tác giả