Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.182
123.222.313
 
Chuyện ở sau chùa
Phạm Nga

 

 

1.

Trước ngày 30-4, không ai có thể tranh cải về chuyện bà Tư cắt giác quả là Phât tử nhiệt tình nhất, công quả nhiều nhất cho ngôi chùa tại vùng đất này. Sớm hôm bà Tư tận tụy tham gia mọi hoạt động của nhà chùa, từ cúng kiếng, hành lễ, tiếp phẩm cho nhà trai, đến việc chăm sóc hoa kiểng, sửa chữa vật dụng, điện, nước…

 

Đúng ra thì xa xưa hơn nữa, dân cái xóm phố bên này và xóm lưới bên kia con đường quốc lộ đều mang ơn bà Tư cắt giác nhiều lắm. Bà gốc người Bắc, tuổi đã ngũ tuần, khá đẫy đà, nước da ngâm ngâm, bước đi nhanh nhẹn. Bà góa chồng, không con cái, làm nghề cạo gió, giác hơi nhưng còn biết và giỏi nhiều nghề khác. Gặp khi tối lửa tắt đèn, có nguời bị trúng gió, ngất xỉu hay rối rắm, lúng túng hơn là đau đẻ thì đã có ngay bà Tư. Bà mụ vườn này cũng rất mát tay khi chỉ vẽ, chữa trị những bệnh lặt vặt như hóc xương, trật khớp, đau bụng… Bà cũng sẵn sàng cho mượn những món tiền nhỏ khi bà con ngặt nghèo hay khuyên bảo, hòa giải những lục đục trong gia đình người này, người khác.

Khi nói đến công quả của bà Tư cắt giác đối với nhà chùa thì thật thiếu sót nếu không kê ra cái công lo liệu cho sinh hoạt ăn uống, ngủ nghỉ, đi đứng… thường ngày và chăm sóc sức khỏe của quí thầy.

Trước kia, chùa có hai thầy. Vai chính là thầy trụ trì thì vị sư này thường vắng mặt ở chùa vì thầy chuyên lo “độ sinh” nghĩa là hướng về con nguời còn sống, như đi làm công tác xã hội, cứu trợ, ủy lạo bà con nghèo, sinh hoạt với gia đình hướng đạo Phật tử v.v… Sau ngày 30-4, thầy lặng lẽ bỏ đi sau khi nói với bá tánh là mình là trở về quê ở miền Trung.

 

Tự động được đôn lên trụ trì không ai khác hơn thầy Tỷ, người bấy lâu nay chuyên lo “độ tử” tức đi tụng đám ma, đám cúng thất, đám giỗ, cầu siêu, cúng xả tang v.v… Tụng kinh ăn nhịp với nhạc đám ma là nghề của thầy tụng mà không phải thầy chùa nào cũng làm được mà nhà sư của chúng ta lại làm rất tốt ngón nghề này trong toàn bộ công việc “độ tử” của thầy. Có thầy Tỷ thì bài kinh, bài kệ của nhà Phật sẽ ai oán, diễn cảm không thua gì những bài vọng cổ, khấp hoàng thiên, tứ đại oán… của cổ nhạc, tuồng cải lương. Hình như tài năng này có được là do thầy học nơi anh Mai hớt tóc, một thầy tụng chuyên nghiệp trong xóm, cũng là một chức sắc trong ban trị sự nhà chùa.

 

Thân hình mảnh khảnh, lưng hơi còng, thầy Tỷ trông có vẻ già hơn cái tuổi 32 của thầy. Một điều nữa là cặp kính cận thị gọng vàng thầy thường đeo thì sáng chói, rất mắc tiền nhưng tiếc là cũng không làm sáng sủa gì hơn cho khuôn mặt thầy vốn xương xẩu và đen đúa.

Thầy Tỷ thường hay ho hen, ốm đau. Không biết có phải do cái sức khỏe đáng tội nghíệp ấy hay không mà mọi người đã ngầm đồng ý bỏ qua chuyện thầy giảng pháp khá mơ hồ, khó hiểu, hay chuyện thầy thường nhỏ giọng hỏi đạo hữu: “Nè, bữa nay đánh con mấy?”.

 

Giải phóng rồi thì tự nhiên hoạt động của nhà chùa – không cần ai ra cáo thị dán ở cổng – giảm hẳn đi, chắc để Phật tử còn chạy lo cho những qui định cùng tiêu chuẩn của cuộc sống mới, như họp hành, xếp hàng mua gạo và nhu yếu phẩm theo sổ, hay đi làm rẫy, trồng trọt, tăng gia, cải thiện, và nhất là bán bớt đồ đạc trong nhà. Và như một “mốt” thời thượng không thể thiếu, bên cạnh những luống hoa, chậu kiểng làm đẹp trong khuôn viên chùa, đã xuất hiện những vạt đất nho nhỏ, manh múng, trồng đủ thứ rau củ quả thực dụng như khoai mì, khoai lang, xuyên tâm liên, lá kiến cò v.v…  Chùa thường xuyên vắng người, vắng hẳn bọn học trò gái trường cấp 2 gần đó vốn thường kéo nhau vô chùa ngồi rủ rỉ tâm sự hơn là học bài.Cũng vắng hẳn bọn trẻ lẻn vô chùa hái bông sau khi đã vặt trụi mấy thứ trái cây chưa kịp chín, không chừa thứ nào.

 

Chăm chỉ lui tới sớm hôm chỉ còn có bà Tư. Bà lo cơm nước cho người tu trong chùa mà nay chỉ còn có mỗi thầy Tỷ. Bà châm dầu bàn thờ Phật, quét trước trong ngoài, có khi cùng thầy vun xới mấy luống khoai mì trong sân chùa.Và cũng như ngày trước, bà chăm sóc sức khỏe thầy. Đăc biệt không hề khác ngày trước, để gọi là “giữ” cho thầy, bà Tư luôn luôn tìm cách xua đuổi bất cứ đứa con gái hay chị đàn bà trẻ nào đó dám léo hánh – dù lý do là công việc gấp hay chỉ do vô tình –  đến trước cửa buồng riêng của thầy Tỷ ở phía sau chùa.

 

2.

Chuyện đã xảy ra.Có người vô tình thấy, đúng hơn là thoáng thấy, họ ôm ấp nhau trong buồng của thầy Tỷ.

Những ai đó biết chuyện đã cố gắng giữ kín bưng cái chuyện động trời nhưng không phải là khó tin này. Tiếc là, chẳng bao lâu chuyện tưởng như kín đáo cũng bung ra thành những tiếng xì xầm bàn tán ở nhiều nơi trong xóm làng. Người thì nói, đâu hiếm chuyện một số nhà tu như linh mục và nhà sư, trong những hoàn cảnh khác nhau, đã sa ngã vào sắc dục. Ngược lại, có người nói bề ngoài chỉ thấy bà Tư cắt giácđứng trước mặt thầy thì vẫn một mực cung kính, chắp tay, cúi đầu, giữ đúng một khoảng cách nghiêm túc giữa tín nữ và tu sĩ, vậy mà ai dè…

Thật ra, đã có sự thay đổi chết người từ bên trong.Hằng ngày bà Tư đến chùa, đến cửa Phật mà cứ như đến một chỗ hẹn quen thuộc, dành cho việc tiếp xúc riêng tư giữa hai con nguời. Nhưng nguyên nhân chính yếu đưa đến sa ngã chắc không phải chỉ có sự gần gũi, tiếp cận thân xác – như những lúc thầy cởi trần, ngồi hoặc nằm, cho bà Tư cạo gió – là mầm mống cám dỗ kiểu lửa gần rơm thường xảy ra nơi những cặp trai gái xuân thì, đầy đủ sinh lực mà thèm muốn nhau. Người đàn ông và người đàn bà trong chuyện này đã khá lớn tuổi, còn chênh lệch đến mười mấy tuổi và không bên nào còn có sức hấp dẫn, sức gợi dục về ngoại hình.

 

Trớ trêu thay thầy Tỷ lại là người đàn ông duy nhất trong tâm tư, cảm xúc của bà Tư. Dù thời thế có đổi thay đến đâu đi nữa thì thầy trụ trì vẫn gần như tượng trưng cho đấng thiêng liêng mà bà Tư – người đàn bà không có gia đình, chồng con gì mà phải lo lắng, bận tâm – đã kính thờ, mến mộ. Hiện giờ, tại chùa rất ít khi có sự hiện diện của người khác nên bà Tư gần gũi hơn với hình tượng mình tôn thờ trong một khung cảnh thường xuyên vắng lặng, hiu quạnh, thiếu ánh sáng. Trong lòng bà Tư, có mặt tại chùa là bà đang thể hiện vô giới hạn những thiện chí, thiện tâm phục vụ cho đức tin, tín ngưỡng, cho nơi hành đạo, hành lễ là nhà chùa, đồng thời cho người hướng dẫn tâm linh của bà.

Hiến thân – cái từ đầy nhạy cảm, đầy sức quyến rũ mê muội, liều lĩnh trong tình yêu trai gái – dù mơ hồ nhưng đã tượng hình trong lòng người đàn bà lớn tuổi này một cách vô thức, lặng lẽ. Không thi vị, ngọt ngào nhưng chơn chất, trung thực. Còn về thầy Tỷ, người đàn ông trung niên nương nhờ cửa Phật, cái sắc giới mà thầy đã mới phạm vào kia nói nào ngay cũng không là nhan sắc lộng lẫy, da thịt mượt mà gì. Người đàn bà ấy vốn là chỗ dựa quen thuộc, đáng tin cậy gần như là duy nhất cho thầy vì thầy không có gia đình cùng bà con nào sống quanh đây.

Mặt khác, đối với chính quyền mới, giới tu sĩ vốn là thành phần không lao động hay không quen lao động trong xã hội, hơi đâu mà quan tâm, hỗ trợ này khác? May mắn thay cho thầy Tỷ – cái nhân khẩu mặc áo nâu bị rẻ rúng này, đã có bà Tư cắt giác. Bà Tư vừa là nguồn cung cấp về vật chất, cơm áo, sức khỏe, vừa là nguồn hỗ trợ, giúp đỡ về tinh thần trong đời sống hằng ngày – nghĩa là từ câu nói hỏi han, cái nhìn thông cảm cho đến bàn tay xoa nắn, vuốt ve trên da thịt thầy.

Thầy Tỷ đã thường xuyên nhận được quá nhiều thứ từ bà Tư, để rồi vào một thời điểm bất ngờ, mối quan hệ trao-nhận được lập đi lập lại không biết bao lần ấy giữa hai con nguời đã sống cô đơn, cô độc lâu ngày, đã lãng đãng kéo sát hai thân thể họ lại với nhau như những cực âm/dương của hai thỏi nam châm sống, bùng vỡ thành trao nhận nhục dục giữa hai con-người-thân-xác.

Nếu kinh nghiệm xác thịt sống động này là hoàn toàn mới lạ đối với thầy Tỷ, một gã trai tân, thì cũng gần như thế đối với bà Tư, người đàn bà đã ở góa nhiều năm. Có gì đó có vẻ nghịch lý nhưng thật chua chát khi trong lúc họ gần gũi nhau, đôi tay mạnh mẽ, chở che lại không phải được đưa ra từ phía người đàn ông. Còn người đàn ông trong cuộc thì chỉ biết tiếp nhận vòng tay của nguời đàn bà bảo trợ cho mình bấy lâu nay mà giờ đây, vòng tay ấm áp của một ân nhân đã biến thành vòng tay nồng nàn của tình nhân.

Những phút giây mê đắm một cách không thể nào ngờ trước ấy không do bên nào chủ động khêu gợi, dẫn dắt cho bạn tình, vì họ cứ chìm sâu trong cảm xúc, mơ hồ thương cảm cho nhau cũng như xót thương cho chính mình.

 

3.

Đổi đời rồi, cũng như biết bao người khác, thầy Tỷ và bà Tư biết suy tính gì cho số phận mình, cho tương lai mình?

Nói cho sâu xa về phần tinh thần, tâm linh, về những lý tưởng chính trị cùng bảng giá trị xã hội – nhân sinh đang được chế độ tuyên truyền, cổ vũ và quyết tâm xây dựng, áp dụng trên toàn đất nước thì tuy những điều này ít nhiều cũng có tính nhân bản, hướng đến số phận của đại đồng loài người, nhưng những điều này dù sao cũng còn quá xa lạ với đầu óc của một tu sĩ và một bà làm nghề cắt giác. Dù những con-người-cũ này có dư dả thiện chí, mong mỏi được hội nhập vào cuộc-sống-mới thì cũng chưa chắc mọi cánh cửa đều rộng mở cho họ.

Còn nhìn cho đơn giản, dễ hiểu theo tâm lý người đời, không cần tư duy gì cho cao siêu thì những mô hình lý tưởng trước kia, như hình ảnh vinh quang của một cao tăng quyền cao chức trọng trong giáo hội, viện chủ một ngôi chùa nguy nga, tráng lệ và nhất là có quĩ công đức dồi dào, hay hình ảnh trang trọng của một nữ Phật tử sùng tín, giàu công đức, đầy nhân ái, được mọi người kính trọng, thương mến…, tất cả nay còn đâu nữa?

 

Đã nghiêng đổ thê thảm cái bệ thờ uy nghiêm mà qua nhiều năm tháng, thầy Tỷ cùng bà Tư đã đặt lên đó lý tưởng sống của mình, cúc cung hướng theo đó để một mặt, tập trung mọi cố gắng tu tập, trao dồi đức hạnh hay làm việc thiện, tìm ra niềm vui trong khổ hạnh, còn mặt khác là nương theo đó mà có thể tự kềm giữ mình trước cám dỗ và lạc thú. Nay họ đã chao đảo, mất phương hướng trong đức tin, mất an ổn trong tình cảm, nên dần hồi buông xuôi ý chí, lười nhác tu dưỡng, lại không còn có bậc trưởng thượng nào bên cạnh nhắc nhở.

Tâm lý sống-được-ngày-nào-hay-ngày-nấy, loại tâm trạng vô cùng phổ biến đối với người dân miền Nam sau ngày 30-4, đã ngầm dẫn dắt hành vi của hai người trong cuộc mà họ không hề ý thức được, không còn sức gượng chống cho đủ vững vàng theo lời kêu gọi của đạo đức, luân lý…

 

Bấy lâu nay, trong cuộc sống tu hành hay làm công quả vừa đạm bạc, xa lạ với cao lương mỹ vị và vui chơi giải trí, hầu như thầy Tỷ cùng bà Tư đều không có ý niệm, không có yêu cầu gì đối với việc hưởng thụ lạc thú trên đời. Nhưng vừa rồi, lạc thú nóng, ẩm, rất trần tục lại rất thực. Những cảm giác, cảm xúc không hư ảo, giả tạm chút nào! Thầy Tỷ vốn rất ít bỏ công phu động não trong việc giải thích, đánh giá mọi sự ở đời nên trình độ hiểu thiền, hành thiền ” sắc sắc không không” cỡ như thầy thì không thể nào hư vô hóa nỗi cái thống khoái con người. Đây hẳn là một pháp nạn riêng tư, rủi ro đơn lẻ xảy đến cho cá nhân một nhà tu.

Bối cảnh nhà chùa đang lúc xuống cấp, nhiều đồ vật tự nhiên cùng hẹn nhau rằng đến thời kỳ mạt pháp này – chỉ đơn thuần hiểu theo nghĩa đen, nghĩa vật chất là nhà chùa đã nghèo hẳn đi vì không còn đạo hữu đến tài trợ hay làm công đức – là đồng loạt hư hỏng. Như đèn cháy bóng, cửa sổ nghiêng xệ, mái tôn dột nát, gạch bông tróc bể…, thật vừa vặn và thích hợp cho vở bi kịch chỉ có hai vai diễn mà vừa rồi cũng suy sụp, trượt ngã.

Sau chuyện đã xảy ra, mỗi người trong cuộc cứ muốn quên hẳn đi, cố gắng tự nhũ rằng đó chỉ là một giấc mơ, một cơn mê sảng hay gì gì cũng được, miễn là mình trốn thoát hay thoắt nhiên tan biến đâu mất giữa cõi đời, thay vì phải trân mình chịu đựng, cả sợ hãi nữa, trước những cái nhìn câm nín nhưng nặng nề, lạnh lẽo như tra vấn, phán xét của người khác. Hay dù đã cố tránh né nhưng hai người trong cuộc vẫn có lúc vô tình chạm vào cái nhìn của nhau, họ đành ngại ngùng mà cùng một nhịp nhìn chỗ khác, nói vội vài câu hỏi han, thông báo nhạt nhẽo, vô nghĩa bằng cách xưng hô cố hữu.

Những hạnh phúc về tinh thần và đức tin mà họ đã có, trong cuộc sống, trong ngôi chùa, trong xóm làng bao năm tháng qua, dường như đã bị xóa nát chỉ bởi một chút hạnh phúc vật chất, dục lạc thân xác mà chỉ trong khoảnh khắc hư ảo, họ đã trao nhận cho nhau.

Một nhà văn Nam Mỹ, trong một truyện lấy bối cảnh là một xứ đạo ở vùng quê khô hạn, nghèo khó, đã kể chuyện vị linh mục già nua hằng đêm ôm ấp bà giúp việc nhà thờ, một phụ nữ cũng lớn tuổi lại rất xấu xí. Tác giả công khai bày tỏ niềm thông cảm cho tội lỗi của hai nguời, với lý lẽ hoàn cảnh: linh mục thì nghèo đến mức áo ấm đã rách nát từ lâu, đêm thì lạnh căm căm, nên chỉ còn cách sưởi ấm bằng thân thể của nguời đàn bà cũng nghèo, rách mạt hạng kia. Nhưng nhà văn lại ngao ngán kể tiếp là dư luận giáo dân trong xứ đạo vẫn lên án, kết tội…

 

4.

Dư luận, nhất là những lời bàn tán về chuyện tội lỗi, thường chỉ là những lời thì thầm to nhỏ, như thể nguời ta cố hạn chế âm lượng, không cho đến tai trẻ con và nguời trong cuộc, nhưng sức lan truyền của dư luận đến mức nào thì chỉ có trời biết! Nhưng không sao, nhân gian đã có từ‘ ì xèo’. Cái từ ngộ nghĩnh, nghe rất không chuẩn khi đem ra phân tích ngữ nghĩa, lại rất dễ hiểu, giàu tính tượng hình và tượng thanh, khi dùng để mô tả sức lan tỏa sâu rộng, nhanh chóng của một mẫu chuyện truyền miệng, một tin đồn.

Nhưng mặt khác, dư luận là đứa trẻ con ham chơi và mau quên, chuyên vồ vập những món đồ chơi mới, ít ngó ngàng tới món đồ cũ.Hiện giờ, chuyện ì xèo trong cái xóm phố gần biển này không còn là chuyện thầy Tỷ và bà Tư cắt giác nữa mà là chuyện vượt biên.

Mỗi sáng ngủ dậy rồi gặp nhau ở đầu đường, cuối hẻm, dân xóm trên xóm dưới gì cũng thường thì thầm về chuyện đêm qua đã có ghe nhà ai đó đi hồi nào, ghe nhà ai đó đánh ở bãi nào… Thì ra, từ lúc nào không ai rõ, cái nhịp sống có vẻ lặng lẽ, khép kín của cái xóm lưới nghèo nàn này đã ngấm ngầm chuyển động, khởi từ những gia đình chưa bỏ nghề biển cùng những chíếc ghe tưởng đã bị bỏ phế của họ.

Đêm qua, thầy Tỷ đã có mặt trong một chuyến đi trót lọt.Dư luận lại cựa mình, chia một phần ì xèo cho chuyện thầy Tỷ, có kèm thêm, đúng ra là nhắc lại chút đỉnh về chuyện cũ. Chẳng bao lâu, mức độ chợt tăng lên vì mọi người đã lần hồi biết được chính bà Tư cắt giác là nguời đã bỏ ra mấy cây vàng cho chủ ghe, vốn có thiếu nợ bà, để lo cho thầy Tỷ đi. Người ta vội vàng quay lại với bà cắt giác, mới hay bà cũng đã âm thầm ra đi, không rõ đi đâu…

Chưa lúc nào lại có nhiều chuyện xảy ra liên tiếp như lúc này. Vắng mặt nhân khẩu duy nhất trong sổ hộ khẩu nhà chùa, lại vắng mặt vì lý do bất hợp pháp là vượt biên, người của ủy ban phường lập tức xuống lập biên bản tiếp quản, kiểm kê chùa. Phía bị kiểm kê chỉ có mặt một người tạm gọi là đại diện nhà chùa: anh Mai hớt tóc.

Ban trị sự chùa được bầu ra từ trước ngày 30-4 đã tự động giải tán hồi nào không ai rõ, và bằng cách này cách khác, họ cũng lần lượt rời khỏi xóm phố này, còn lại chỉ có anh Mai. Sau ngày chùa bị tiếp quản, anh Mai đành bỏ bê cái chòi hớt tóc của mình, chạy đi truy tìm, thu thập lại những giấy tờ liên quan đến nhà chùa, đất của chùa và miệt mài làm đơn, gởi đơn…

Chậm mất rồi, chính thức có giấy tờ tiếp quản lúc nào thì không ai rõ nhưng phường đã nhanh chóng lập ra hai kho hàng trong chùa, một của cửa hàng than cũi – chất đốt, một của hợp tác xã tiêu thụ phường.

Anh Mai hớt tóc, người dân cố cựu sống tại vùng đất này, cũng là người duy nhất còn giữ một bộ chìa khóa cũ của các cánh cửa cho lối đi trong/ngoài của ngôi chùa, đã hoàn toàn tuyệt vọng.Có lúc anh tâm sự với người khác rằng mình không muốn sống nữa vì tâm nguyện cả đời của anh là giữ gìn, bảo vệ ngôi chùa của xóm làng đã thất bại hoàn toàn.Nhưng sau này, khi bàn đoán về lý do anh tự tử chết trong một đêm mưa tại cái chòi rách nát của mình, có người lại đưa ra thêm chuyện gia đình anh lục đục, cắn đắng, hình như vì chuyện anh có vợ nhỏ.  Lại một chuyện kín đáo nữa đã bị ì xèo!

 

 

 

Phạm Nga
Số lần đọc: 2015
Ngày đăng: 09.04.2019
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Chước quỷ - Trương Đình Phượng
Trưa Hoàng lan - Nguyễn Đức Tùng
Và Anh là mẹ! - Lê Hứa Huyền Trân
Đẳng cấp - Trần Yên Hòa
Lão “Dân biểu” nhà tôi - Vinh Anh
Cô dâu - Nguyễn Đức Tùng
Sư ông - Võ Công Liêm
Mùa hoa dã quỳ - Lê Hứa Huyền Trân
Vì em là em của chị - Lê Hứa Huyền Trân
Chết - Hướng Dương
Cùng một tác giả
Hoa ôm (ký)
Chuyện ở sau chùa (truyện ngắn)
Người già... (tạp văn)
Cữ sáng... (truyện ngắn)
Đám cưới bánh mì (truyện ngắn)