Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.124
123.228.227
 
Nguyễn Thị Minh Ngọc : "Sân khấu cần một tình yêu lớn..."
Trương Trọng Nghĩa

Vừa qua, Phân hội Sân khấu - Hội VHNT Tiền Giang đã khai mạc Trại Kịch ngắn và Chập cải lương dành cho các cây bút viết kịch bản sân khấu trong tỉnh qua sự hướng dẫn của nhà văn - nhà biên kịch - đạo diễn Nguyễn Thị Minh Ngọc. Nhân dịp này, phóng viên Tạp chí Văn Nghệ TG đã có một số trao đổi với nhà văn - nhà biên kịch - đạo diễn Nguyễn Thị Minh Ngọc xung quanh công việc sáng tác kịch bản sân khấu…

 

- Phóng viên (PV): Theo chị, những yếu tố nào cần phải có ở một người viết kịch bản sân khấu?

- Nguyễn Thị Minh Ngọc (N.T.M.N): Trước tiên, người viết kịch bản cần phải có "một tình yêu lớn" dành cho công việc của mình. Vì viết kịch bản chính là xây dựng lại thế giới thu nhỏ của một xã hội rộng lớn và yêu cầu của nó vừa phải mang tính khái quát nhưng cũng vừa thật sâu sắc. Có người đã nói: "Nghệ thuật sân khấu lẽ ra phải thuộc về trí tuệ", nhưng nó lại được thông qua cách thể hiện rất là tình cảm. Người viết kịch bản chính là người đóng vai trò là người xây nền mống, tạo tiền đề, tạo khởi hứng sáng tạo cho những khâu còn lại như: đạo diễn, diễn viên, âm nhạc, v.v… Nền móng có vững chắc thì ngôi nhà sau khi xây nên mới được vững bền. Vì thế mà viết kịch bản sân khấu là một công việc rất nặng nhọc, chỉ khi có được một tình yêu lớn người ta mới có thể đảm đương được.

- PV: Giữa viết văn và viết kịch bản sân khấu chị thấy công việc nào khó khăn hơn? Hai công việc đó có sự tác động lẫn nhau không?

- N.T.M.N: Đến với văn chương trước, nhưng lúc này đây tôi lại cảm thấy công việc viết văn khó hơn vì văn chương mang tính sáng tạo đơn lẻ trong khi sân khấu lại là sáng tạo của tập thể, mà như đã nói khâu kịch bản chính là tiền đề để có thể cho ra đời một tác phẩm hoàn chỉnh nên nó đã chiếm khá nhiều thời gian mà đáng lẽ tôi sẽ dành cho văn chương. Bản thân tôi lại chưa yêu mình đủ để có thể từ chối mọi người và tập trung vào công việc của riêng mình. Nhưng tôi vẫn luôn tâm niệm, đến một ngày nào đó sẽ toàn tâm toàn ý dành trọn thời gian cho văn chương vì nó chính là cá tính và con người tôi.

Giữa những công việc này tuy là có sự hỗ trợ rất đắc lực cho nhau nhưng lại có sự chống đối lẫn nhau vì như ai đó đã từng nói: "Nghệ thuật là một người tình cả ghen", mà tôi thì không thể dứt bỏ được cái nào vì đó chính là niềm đam mê của mình. Thế nên vấn đề khó khăn là phải phân thân ra, dành thời gian cho nhiều công việc trong cùng một lúc mà lại không được qua loa, cẩu thả. Và tôi nghĩ thời gian tới mình phải tạm dừng bớt một số công việc để tập trung cho tiểu thuyết. Tôi cho rằng, mình có thể có một vài truyện ngắn hay, nhưng với một vấn đề rộng lớn thì chỉ có tiểu thuyết mới có thể nói lên hết những điều muốn nói.

- PV: Viết văn, viết kịch bản, đạo diễn, diễn viên và rồi lại là một cô giáo,  những công việc đó có " quá tải" với một người phụ nữ như chị?

- N.T.M.N: Có những lúc bản thân tôi cũng cảm thấy mệt mỏi, chán nản và muốn bỏ nghề lắm chứ! Nhiều lần gặp trở ngại tưởng chừng không thể nào vượt qua được, trong đó có cả những trở ngại vì mình là phụ nữ. Nhưng nói như bên sân khấu, dường như có tổ nghiệp phù hộ nên tất cả mọi khó khăn tôi đều có đủ nghị lực để vượt qua.

- PV: Là người nhiều năm đứng trên sân khấu và là một giáo viên, chị có nhận xét gì về vấn đề đào tạo lực lượng viết kịch bản cho sân khấu kịch hiện nay?

- N.T.M.N: Vấn đề đào tạo lực lượng viết kịch bản cho sân khấu kịch hiện nay, tôi cho rằng vẫn đang ở trong tình trạng báo động. Chúng ta đang thiếu phương pháp mới để có thể tiếp cận với sân khấu thế giới. Ở những người có tố chất tốt thì lại không hào hứng với sân khấu, không có sự đam mê. Người đào tạo dù có giỏi cách mấy thì cũng phải có trong tay những học viên có chất lượng trước đã thì mới có thể đào tạo ra những nhà biên kịch giỏi cho sân khấu. Nếu ngay từ đầu, các bạn đã không tin vào tương lai để có thể dành trọn cuộc đời, một tình yêu lớn vào đây, hoặc đã có tình yêu nhưng chưa đủ lớn thì chỉ làm cực cho người đào tạo và làm mất thời gian của bản thân mà thôi.

- PV: Chị có dự định gì trong thời gian tới?

- N.T.M.N: Về sân khấu, tôi vừa hoàn thành vở kịch "Đi xuyên qua mặt trời" viết về cuộc sống của những người lầm lỡ ở trường cai nghiện, cùng với vở "Tôi là ai" nói về cuộc sống của giới trẻ hiện nay cho sân khấu kịch IDECAF đang được dàn dựng. Ngoài ra, tôi cũng đang có ý định tiếp tục đưa một số tác phẩm nước ngoài đến với sân khấu kịch Việt Nam.

Về văn chương, tôi đang viết dở dang và sẽ cố gắng hoàn thành trong năm nay cuốn tiểu thuyết "Ký sự người đàn bà bị chồng bỏ", trong đó có rất nhiều chi tiết bắt nguồn từ thế giới sân khấu mà nhân vật chính là một cô đào hát.

- PV: Xin cám ơn. Chúc chị sẽ tiếp tục gặt hái được nhiều thành công mới trên con đường nghệ thuật.   

Trương Trọng Nghĩa
Số lần đọc: 2687
Ngày đăng: 27.10.2005
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Xem Trái tim nhảy múa: Thu hút từ sự nhân hậu - Khuyết danh
Một buổi diễn kịch đặc biệt - Khuyết danh
Sân khấu năm 2004: Bức tranh nhiều màu sắc - Khuyết danh
Những vấn đề đặt ra từ thực trạng sân khấu hôm nay - Khuyết danh
Kịch nói Việt Nam: ngoại sinh và nội sinh - Khuyết danh
Nghệ sĩ ưu tú Thành Lộc: Sân khấu kịch là "Lựa chọn cuối cùng của tôi" - Khuyết danh
Bất ngờ giữa dòng chảy sân khấu kịch - Khuyết danh
Nghệ sĩ Hồng Vân:"Tôi luôn đứng phía sau ủng hộ các diễn viên trẻ" - Khuyết danh